TRẦN MẠNH HẢO BIẾN TRẮNG THÀNH ĐEN ĐỂ LỪA DỐI ĐỘC GIẢ NHƯ THẾ NÀO? - Tác giả: Inra Sara (Ninh Thuận)

Leave a Comment

 


TRẦN MẠNH HẢO BIẾN TRẮNG THÀNH ĐEN

ĐỂ LỪA DỐI ĐỘC GIẢ NHƯ THẾ NÀO?

 

Nguyễn Khải: "Họ nói dối lem lẻm, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ và không hề run sợ!"

Vụ này lẽ ra không đáng nhắc lại, do Trần Mạnh Hảo “cầu mong” nên tôi trả lời một lần cho trót. Viết xong vào cuối ngày, đăng để tiễn năm cũ, sáng mai bước sang năm mới, sự sự sẽ khác.

Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại và Nguyễn Quang Thiều” do Viện Văn học tổ chức ngày 28-6-2012 với 30 tham luận. Ở đó các nhà phê bình, nhà văn gọi thơ Nguyễn Quang Thiều là “hiện tượng”, “Thiều hậu hiện đại”, “lá cờ đầu cách tân thơ Việt”, “cách tân ấy ảnh hưởng đến thơ phía Nam”, tôi có tiểu luận và bài trả lời phỏng vấn RFA minh định PHẢN BIỆN, vậy mà Trần Mạnh Hảo biến Inrasara thành "khen bừa, nịnh ẩu, ca tụng Thiều lên mây”! Xem tang chứng P.S. bên dưới(*)

Trần Mạnh Hảo đăng facebook ngày 5-4-2021, tôi có vào còm trả lời qua loa. Nay có bạn copy gửi lại, đọc thấy đoạn: “Một lần nữa, cầu mong ông Inrasara trả lời bài viết của chúng tôi. Còn nếu ông im lặng, coi như ông thừa nhận mình khen bừa, nịnh ẩu.”

Trần Mạnh Hảo còn “thêm: Ông Inrasara vẫn dùng bài cũ cãi chày cãi cối”. Mèng, tầm Inrasara mà đi cãi nhau với Trần Mạnh Hảo!

CẢ BÀI TÔI PHẢN BÁC 4 Ý KIẾN NGƯỜI KHÁC “KHEN” THIỀU, văn bản rành rành đến học sinh cấp Hai đọc cũng hiểu. Thế nên tôi mới đố vui: “Trần Mạnh Hảo tìm được 1 chữ tôi khen thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi cho điểm 10 luôn!” Rốt cục Trần Mạnh Hảo chỉ nhận về 4 điểm kém.

 

Kém [1]

Trần Mạnh Hảo: “Tôi chú ý tới hai bài ca ngợi thơ Nguyễn Quang Thiều lên mây của nhà thơ gốc Chăm Inrasara: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định” và bài ông Inrasara trả lời nhà báo Mặc Lâm về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đánh giá thơ ông Thiều là cột mốc cách tân thơ trên đài RFA…”

Inrasara: Tôi viết về non 200 nhà thơ Việt cả trong lẫn ngoài nước, nhấn vào nhà thơ ngoại vi, in trong 7 cuốn lí luận, phê bình. Về người cùng thế hệ, Mai Văn Phấn: 2 bài, Dung Tran Huu: 2 bài, Đặng Thân: 2 bài, Trần Anh Thái: 1 bài, tôi TUYỆT CHƯA  CÓ bài nào về thơ Thiều thì lấy đâu gọi là "nhắm mắt khen bừa".

Đúng là ông phóng bừa, vượt ẩu!

 

Kém [2]

Trần Mạnh Hảo viết: “Thôi đi ông, tiếng Việt ông chưa rành đừng nhảy vào thơ Việt đánh quả tù mù hậu hiện đại với "tân con cóc" nữa.”

Inrasara: Sao lại xảy ra mặc cảm ở đây, nhỉ? Trần Mạnh Hảo viết thế nào, kệ. Tạm trích vài nhận xét về tôi, mỗi phần 3 ý kiến:

[2.1] Về “tiếng Việt chưa rành”:

- Hà Văn Thùy: “Tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, được sử dụng uyển chuyển đến mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được.” (Tạp chí Văn hóa - văn nghệ Công an, số 11, 2000)

- Lê Thị Tuyết Lan - Nguyễn Thị Thu Hương: “Ngôn ngữ của ông cũng lãng du qua cả hai miền đất: tiếng Chăm hòa lẫn trong tiếng Việt tạo nên sức hấp dẫn lạ kì của ngôn ngữ. Cùng với đó là những cách tân về nghệ thuật hết sức độc đáo, mới lạ.” (Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, Đề tài Khoa học, Đại học Khoa học Xã nhội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, 2008)

- Phương Thủy: “Tất cả tạo nên một giọng điệu linh hoạt, luôn luôn biến đổi, giúp người đọc nhận ra được một chủ đề sáng tạo rất sắc sảo và điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ.” (báo Văn nghệ, 12-8-2006)

[2.2] Về phê bình của tôi mà Trần Mạnh Hảo cho là “đánh quả tù mù”:

- Hoàng Ngọc Hiến: “Inrasara là một cây bút phê bình lỗi lạc. Bài anh viết về văn học của dân tộc thiểu số có thể đặt ngang hàng với bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh” (báo Thể thao & Văn hóa, 22-4-2006)

- Lại Nguyên Ân: “Dù nhìn từ góc độ tư duy so sánh hay óc phê bình, tôi dám cá rằng những tiền bối sáng giá trong thẩm thơ bình thơ như Hoài Thanh hồi những năm 1940, Lê Đình Kỵ hồi những năm 1960-70 chưa chắc đã thực hiện được những thao tác nghề nghiệp như trên của Inrasara.” (Vanviet.net, 10-1-2016)

- Chu Minh Anh Thơ (Luận văn Thạc sĩ, 2018): “Chúng tôi tự hỏi liệu bức tranh phê bình văn học đương đại Việt Nam sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng nói thẳng thắn và mới mẻ của Inrasara?”

+ Mới đi vào lĩnh vực phê bình, tôi nhận ngay 4 giải thưởng!

 

Kém [3]

Trần Mạnh Hảo viết: “Ông Inrasara còn bảo tôi chê thơ Nguyễn Quang Thiều đấy chứ!

Inrasara: Từ 17 năm trước, bài “Góp nhặt sỏi đá” (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, 2006) tôi viết:

Cụ Huỳnh Thúc Kháng chê nát thơ Lưu Trọng Lư; và trong lúc Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng, thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là “toàn thơ Tây giả cầy, thơ dịch”! Đinh Linh là nhà thơ Việt hải ngoại sáng giá, thế mà không ít nhà thơ trong nước không cho đó là thơ.

Tại sao có hiện tượng trên? Họ đều là nhà thơ tài năng, trí thức, chỉ do KHÁC BIỆT VỀ HỆ MĨ HỌC SÁNG TẠO mà thành ra thế!”

Đó là sự thật trong tiến trình thơ Việt thế kỉ XX. Riêng Trần Mạnh Hảo gọi thơ Thiều “toàn thơ Tây giả cầy”, vừa qua trong một bài viết về thơ Việt đương đại, tôi có ghi chú: Trần Mạnh Hảo chưa hiểu thơ Tây, thì làm sao phân biệt được đâu là thơ Tây giả cầy hay không giả cầy?!

Trần Mạnh Hảo chữ Tây bẻ đôi không biết, đọc vài tập thơ Tây qua bản dịch, làm sao biết nó xanh đỏ thế nào. Nữa, đâu phải Tây nào cũng như Tây nào!

 

Kém [4]

Trần Mạnh Hảo: “Nếu đúng ông Thiều "quân tử" như Inrasara nói thì ông Thiều đã mời ông Đỗ Hoàng làm chủ tịch hội đồng thơ nhé, chưa đến lượt ông đâu.”

Tút chưa sửa, Trần Mạnh Hảo viết rằng do tôi ca ngợi Thiều lên mây nên được Thiều cất nhấc ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ.

Inrasara: Tôi phó Chủ tịch Hội đồng Thơ thời Hữu Thỉnh, sau đó tôi thôi. Bỏ qua một nhiệm kì, Nguyễn Quang Thiều lên, tôi nhận lời mời, với ý định khởi động lại Bàn tròn Văn chương còn dang dở. Nhưng rồi sau 1 năm, tôi rút.

Chuyện Đỗ Hoàng thì miễn nhắc, phần tôi:

- 7 Giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó 2 lần Giải thưởng Hội Nhà văn.

- 2 bài thơ được tuyển vào Sách Giáo khoa Phổ thông Trung học

- 17 Luận văn, Luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ về thơ tôi

- Thơ tôi bằng tiếng Anh, Pháp, Nhật đăng nhiều tạp chí trên thế giới

- Tôi có trăm buổi nói chuyện về Văn chương ngoại vi và Thơ Việt đương đại ở các Đại học và các Tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước.

Vậy thôi cũng đủ nói nhiều. Chớ nếu Đại học Tây nào đó cắc cớ mời Trần Mạnh Hảo, hỏi ông ăn nói thế nào, và thuyết bằng thứ tiếng gì đây??

______

P.S. (*) Chứng từ:

Tiểu luận “‘Hiện tượng’ thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định”, đăng Inrasara.com ngày 5-7-2012, in lại trong Văn chươngg Tan rã, Lotus Media, Hoa Kỳ, 2919. Tiểu luận có 5 phần, tôi phê bình các nhận định của nhà thơ, nhà phê bình về thơ Nguyễn Quang Thiều. Xin trích:

[2] Tôi phê bình về “lá cờ đầu” được gán cho Nguyễn Quang Thiều

“Thơ Nguyễn Quang Thiều có là một “hiện tượng”? Câu trả lời là: - có.

Đổi mới, trong khi đại đa số nhà thơ viết theo lối cũ, vài khuôn mặt mới xuất hiện nỗ lực làm mới thơ, trong đó Nguyễn Quang Thiều bật lên như một “hiện tượng”. Thế nên, không ít nhà phê bình chẳng ngần ngại nhét vào tay anh “lá cờ đầu” cách tân thơ Việt.

Chính tại đây xảy ra nỗi nhầm lẫn lớn. Bởi, đi trước Nguyễn Quang Thiều, vài nhà thơ “thời chống Mỹ” đã làm cuộc phá rào ngoạn mục. Nguyễn Duy phản biện xã hội qua hai tập thơ sáng giá, Thanh Thảo thể hiện tư duy nghệ thuật mới. Hoặc người cùng thế hệ như Dương Kiều Minh, và nhất là Nguyễn Lương Ngọc với nhiều “cách tân” khá thành công ba năm trước đó.”

[3] Tôi phê bình ý kiến của Nguyễn Đăng Điệp về thơ Thiều:

“Cách tân” của Nguyễn Quang Thiều có dính dáng gì đến thơ miền Nam đương đại không? Dứt khoát là không rồi!

Tại đây tôi phê bình ý kiến của Nguyễn Đăng Điệp, một nhận định dễ gây hiểu lầm rằng các nhà thơ miền Nam đương thời nhận “hiệu ứng nghệ thuật” từ Nguyễn Quang Thiều, hay ít ra “cách tân” sau Nguyễn Quang Thiều. Đó là nhận định không đúng!”

[4] Tôi phê bình vài ý kiến cho rằng Nguyễn Quang Thiều hậu hiện đại

“Nguyễn Quang Thiều có hậu hiện đại không? - Không, và không thể.”

+ Kết. Rất cụ thể và rõ ràng. Vậy mà ở facebook của mình, Trần Mạnh Hảo đã lôi kéo rất rất nhiều người đọc - do thiếu thao tác kiểm tra thông tin - vào còm phê tôi với lời lẽ nặng nề. Đấy là cách làm vẩn đục khí quyên chữ nghĩa, và đầu độc người đọc. Ở đó, tôi chỉ nhắc các bạn còm ấy, nên đọc nguyên gốc bài tôi mà Trần Mạnh Hảo dẫn ra, rồi mới có ý kiến.

Riêng trả lời Mặc Lâm trên RFA ngày 5-2-2013, tôi kết:

“Ở đây hoàn toàn thiếu không khí tranh luận văn học lành mạnh. Bên chính thống thì tụng ca, bên kia thì tìm cách vùi dập. Đây là căn bệnh khó chữa trị của phê bình Việt Nam mấy mươi năm qua. Trong tiểu luận “Điểm danh 10 căn bệnh phê bình văn học Việt Nam hôm nay”, tôi đã một lần nêu chúng ra và phân tích. Nhưng đến nay căn bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nó biến thành hội chứng mãn tính khó chữa trị.

Đó là điều rất đáng thất vọng.”

 

+++

Bài của Trần Mạnh Hảo

XIN NHÀ THƠ INRASARA (PHÚ TRẠM) CHỈ CỤ THỂ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU CÂU NÀO HAY, ĐOẠN NÀO HAY, BÀI NÀO HAY, TẬP NÀO HAY, SAO ÔNG KHÔNG HỀ DẪN CHỨNG MÀ CHỈ KHEN BỪA RẰNG: THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU HAY LẮM, HIỆN TƯỢNG LẮM, DẪN ĐẦU ĐỔI MỚI LẮM, LÀ SAO?

Nhân ngày rảnh rỗi, tôi vào mạng Internet dò tìm những bài ngợi ca thơ Nguyễn Quang Thiều, sao mà đông như quân Nguyên thế? Đa số là viết nhảm, là chẳng hiểu gì về thơ cả. Tôi chú ý tới hai bài ca ngợi thơ Nguyễn Quang Thiều lên mây của nhà thơ gốc Chăm Inrasara: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định” và bài ông Inrasara trả lời nhà báo Mặc Lâm về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đánh giá thơ ông Thiều là cột mốc cách tân thơ trên đài RFA…

Nhưng than ôi, Insanara không hề trích ra câu thơ nào, đoạn thơ nào của Nguyễn Quang Thiều hay thế nào mà chỉ nhắm mắt khen bừa. Nếu ông Inrasara là một nhà phê bình văn học chân chính có ý thức, có lý trí, xin ông hãy viết một bài khen thơ Nguyễn Quang Thiều rằng đoạn này hay, câu này hay, bài này hay, mà nó hay vì sao. Chúng tôi xin sẵn sàng tranh luận với ông!

Thưa ông, theo tôi, không có thơ mới và thơ cũ, không có thơ hiện đại và thơ cổ truyền, đã là thơ thì chỉ có THƠ DỞ và THƠ HAY mà thôi !

Thảo nào chủ tịch nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đề bạt ông Inrasara – Phú Trạm (một nhà Thiều học) làm chủ tịch hội đồng thơ của Hội, trong đó quá phân nửa là các nhà “Thiều học”, “tân con cóc học”…

Xin xem danh sách “Hội đồng thơ” của Hội ông Thiều:

HỘI ĐỒNG THƠ

Inrasara (Chủ tịch)

Trần Anh Thái (Phó Chủ tịch)

Thi Hoàng

Đinh Thị Như Thúy

Phạm Đương

Nguyễn Thúy Quỳnh

Phạm Sỹ Sáu

Lê Thiếu Nhơn

Kim Ba

Một lần nữa, cầu mong ông Inrasara trả lời bài viết của chúng tôi. Còn nếu ông im lặng, coi như ông thừa nhận mình khen bừa, nịnh ẩu.,.

Sài Gòn 5-4-2021

Trần Mạnh Hảo

Viết thêm lúc 5 h 31 phút ngày 6-4-2021: Ông Inrasara vẫn dùng bài cũ cãi chày cãi cối. Ông chỉ có trích một loạt ông khác ca ngợi thơ ông Thiều mà quên trích thơ ông Thiều ra để "minh định". Ông Inrasara chỉ có "ĐỊNH" mà không có "MINH" như ông nói. Thôi đi ông, tiếng Việt ông chưa rành đừng nhảy vào thơ Việt đánh quả tù mù hậu hiện đại với "tân con cóc" nữa. Ông Inrasara còn bảo tôi chê thơ Nguyễn Quang Thiều đấy chứ ! Nếu đúng ông Thiều "quân tử" như Inrasara nói thì ông Thiều đã mời ông Đỗ Hoàng làm chủ tịch hội đồng thơ nhé, chưa đến lượt ông đâu.

Trần Mạnh Hảo

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Inra Sara0

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

 

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song "bàn" về bài

nhà thơ Nguyễn Hưng Hải viết về nhà thơ Trần Mạnh Hảo:

INRA SARA (tên thật: Phú Trạm)

Quê quán: Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân

huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Địa chỉ: (Đang cập nhật)

 

 

 


 

.............................................................................................

- Cập nhật từ email nguyenhung967812@gmail.com ngày 02.01.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến       

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét