HỌC SINH Ở MỸ 'HỌC' NHƯ THẾ NÀO - Tác giả: Nguyễn Thị Bích Hậu ; Ngô Thanh Tuấn giới thiệu

Leave a Comment

 


HỌC SINH Ở MỸ

“HỌC” NHƯ THẾ NÀO 

*

 

Câu chuyện thứ nhất:

Khi con mình học trung học ở Mỹ, có một môn đại thể là dạy kỹ năng tổng hợp. Môn này không phải trung học nào của Mỹ cũng dạy thành môn riêng. Nhưng ở trường con mình thì dạy, vì thiết kế chương trình của họ như thế.

Mình rất tò mò xem họ dạy cái gì và dạy thế nào, nên hàng ngày tới môn đó trong thời khóa biểu thì hỏi con.'

Đại thể con mình giải thích là thầy có lên lớp, sau đó vào đầu học kỳ thì hỏi các học trò xem chúng thích cái gì thì đăng ký đề tài, thoải mái muốn chọn gì thì chọn.

Lũ trẻ con về coi nghĩ xem thích cái gì thì tới báo với thầy. Như con mình cho biết là cái chúng thích vô cùng đa dạng và phức tạp. Ví dụ một số đề tài như Bầu cử TT Mỹ, Xe tăng, Máy bay, Trò game thú vị, Nhạc rap... Vì trường con mình là trường nam sinh nên bọn trẻ con thích những đề tài đó cũng dễ hiểu, vì chúng đang tuổi teen nên thích tìm hiểu các thứ đó.

Sau khi đăng ký xong thì thầy ok, rồi cho thời gian để từng đứa tìm hiểu đề tài chúng thích. Và thầy lên một lịch trình cho bọn nhỏ thuyết trình vào từng tuần. Do một tuần có 1 giờ học.

Trong thời gian chờ một vài tuần thì cả bọn đi học ngoài trời, trao đổi thảo luận về những gì chúng thích. Đại thể những ngày thu đầu năm học đẹp trời thì chúng và thầy đi ra ngoài sân trường chọn nơi nào đẹp nhất có nhiều cây cối và cỏ xanh thì ngồi mà học, kiểu vậy. Tất nhiên trường rất to khủng, 400-500 học sinh thôi nhưng rộng 200 mẫu Anh, lại cạnh một cái hồ mênh mông bể chạy qua mấy bang. Thành ra để tránh tụi nhỏ chạy nhảy xa quá trường phải để biển chỗ nào đi vô sẽ lạc cho coi.

Sau đó tụi nhỏ lần lượt thuyết trình. Vì toàn thứ chúng thích, nên chúng tìm hiểu rất kỹ trong sách báo ở thư viện to khủng của trường, ở internet và hệ thống thư viện của bang, của liên bang. Chúng có thể phỏng vấn bất cứ ai là chuyên gia có nhiều hiểu biết về đề tài chúng đang tìm hiểu.

Thành ra mỗi lần thuyết trình thì cả bọn cùng lắng nghe, thảo luận và phân tích, mổ xẻ, tìm hiểu thêm và phản biện.

Hết bài này tới bài khác. Kết quả ông con của mình tự dưng biết được cả đống các thông tin về những đề tài mà xưa nay không quan tâm, không nắm bắt, và nhớ rất kỹ. Đồng thời học được rất nhiều về kỹ năng đưa ra một đề tài, cách triển khai, cách tìm tài liệu, cách suy nghĩ, cách viết, cách thuyết trình.

Các bạn khác trong lớp cũng vậy.

Rồi mình hỏi xem là thầy làm gì?

Con mình bảo thầy hầu như chỉ gợi ý nếu có bạn nào hỏi, rồi lắng nghe. Thế thôi. Còn khi tranh luận hay phản biện thì thầy cũng ngang như các học trò trong lớp.

Mình thấy cách học này cực kỳ tốt. Là vì nó dạy rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, và cho chúng tự học hỏi, tự khám phá, tự tìm hiểu.

Ông thầy quá nhàn. Đúng vậy. Nhưng muốn nhàn vậy thì ông phải làm sao cho trò thấy là ông có hiểu biết về phương pháp làm việc khai phóng này để khi cần giúp chúng tìm hiểu một vấn đề cho ra ngô ra khoai. Và vì ông thầy đang dạy trung học, đại thể ông nhàn là vì từ mẫu giáo trở đi, trẻ con Mỹ đã được học cách tự đưa ra một đề tài và tự thuyết trình.

Ban đầu chúng sẽ chọn thuyết trình về những gì chúng quen thuộc nhất. Ví dụ như thuyết trình về con thú cưng chúng đang nuôi. Nhiều đứa mang mèo hay chó tới lớp cùng với bài thuyết trình về con thú cưng đó. Tất nhiên chúng thích nói gì thì nói, ngắn thôi. Đứa nào thích thì đăng ký. Mà đăng ký xong sợ hay ngại quá thì có thể bỏ cũng không sao, đứa khác nó nói thay. Từ từ thấy ai cũng nói thì không sợ nữa.

Mà dù từ mẫu giáo cho tới đại học hay sau đại học, nói đúng hay nói sai trong khi phát biểu ý kiến đều không có gì quan trọng, miễn là phải nói ra cái mình nghĩ. Khi đó đúng sai cả lớp cùng thầy cô thảo luận kỹ thì sẽ giúp từng học trò hiểu vấn đề.

Cách dậy này mới làm cho trẻ con hiểu rằng không cần dùng 1 cuốn sách hay 1 bộ sách giáo khoa. Do chúng có dùng mọi loại sách bên cạnh sách giáo khoa thì vẫn hoàn toàn OK miễn tìm ra chân lý.

Đồng thời thầy cô phải đủ hiểu biết, phải đọc sách nhiều hơn học trò, tư duy thoáng đạt, đầu óc tự do... thì mới chấm được bài mà không dùng lối chi li theo barem thông thường (với các bài dạy về khoa học xã hội, hay các bài tự luận của các môn khoa học).

Đây là cả 1 quá trình giáo dục bài bản, kiên trì, giúp học trò có khả năng sáng tạo và đổi mới và sẵn sàng làm ra những phát minh, sáng chế có tính cách mạng, thay đổi cả đời sống của nhân loại.

Ví dụ điển hình là cu Mắc xoăn chủ Facebook. 20 tuổi cu cậu làm ra Facebook và 24 tuổi thì cty mà cậu ta sở hữu đã có giá trị 60 tỷ usd, bằng 6/10 GDP của Chiều nay năm 2010 (100 tỷ usd).

Tóm lại nếu nhà nào cha mẹ có thời gian, nên dạy con cách học tập theo lối sáng tạo, cởi mở. Còn nếu muốn học hỏi, có thể cho con đi du học nếu có tiền bạc, hay là cho con tìm cách thi đậu học bổng để đi, đều rất có ích. Chúc các bạn thành công.

 

Câu chuyện thứ 2:

Mình có một đứa cháu đang học cấp 2 ở một trường tư tại tỉnh bang Ontario, Canada. Cháu nói là thầy cô cho làm bài thu hoạch sau khi các cháu xem xong vở Romeo và Juliet.

Các câu hỏi sau khi xem vở kịch này có cả thảy 86 câu. Các câu được chia rất chi tiết theo từng Màn của vở kịch và chi tiết hơn là chia theo từng cảnh. Ví dụ như Màn mở đầu thì chỉ có 2 câu, do phần này ngắn. Nhưng phần Màn 1 (Act 1) có 5 cảnh (scene 1-5) thì có tất cả 19 câu hỏi. Cảnh ít nhất có 2 câu mà cảnh nhiều nhất có 7 câu.

Tất nhiên các cháu không cần làm tất cả 86 câu từ đầu tới cuối vở, mà có thể chọn ra một vài phần. Song thầy cô cũng sẽ cho thoải mái, cháu nào thích thì làm tất cả các câu này cũng ok. Vì thật ra kịch của W Shakespeare quá hay, cũng sẽ có những cháu say mê.

Những câu hỏi này vô cùng chi tiết, và không hề khó với nhận thức của học sinh cấp 2, lại đưa ra góc nhìn tự do, thoải mái trên quan điểm của những con người hiện đại nhìn vào một vở bi kịch về tình yêu và xung đột gia tộc diễn ra vào thế kỷ 16. Tuy nhiên các cháu khi viết thu hoạch thì phải coi rất kỹ vở kịch và đọc kịch bản cẩn thận.

Ví dụ các câu hỏi như sau cho phần lời mở đầu của vở kịch:

1/ Thành phố nào là nơi vở kịch diễn ra?

2/ Dựa trên phần mở đầu này, bạn tin rằng điều gì là nguyên nhân chính dẫn tới xung đột trong vở kịch này?

Các câu hỏi trong cảnh số 2 của Màn I:

1/ Juliet bao nhiêu tuổi? Liệu ai đó ở độ tuổi của cô ấy có được phép kết hôn không? Tại sao có hoặc tại sao không?

2/ Paris là ai? Tại sao anh ta lại gặp Capulet? Câu trả lời của Capulet cho vụ kiện của Paris là gì?

3/ Làm thế nào Romeo biết được về bữa tiệc của Capulet? Tại sao Benvolio muốn Romeo đi cùng mình đến bữa tiệc? Tại sao Romeo lại muốn đi?

Màn 5 có 5 câu hỏi, đây là 2 câu đầu tiên:

1. Khi Romeo gặp Juliet lần đầu tiên, anh đã yêu. Đây có phải là tình yêu đích thực? Tại sao có hoặc tại sao không?

2. Khi Juliet gặp Romeo lần đầu tiên, cô đã yêu. Đây có phải là tình yêu đích thực? Tại sao có hoặc tại sao không?

Ví dụ về góc nhìn cho tuổi teen thời hiện đại ở đây chính là độ tuổi kết hôn của Juliet, bởi ở thế kỷ 16, tuổi 13-14 là độ tuổi kết hôn, nhưng hiện nay thì 18 chẳng hạn, do đó nên khi ra câu hỏi cho các học sinh cùng tuổi nàng Juliet thời đó, thầy cô phải ra các câu hỏi này nhằm cho các cháu hiểu rõ.

Hoặc giả các câu hỏi về tình yêu đích thực khi Romeo lần đầu tiên gặp Juliet và cả hai rơi vào lưới tình.

Hay câu hỏi sau đây là rất sâu về tình cha mẹ với con, sau khi Juliet đã chết ở cảnh 5 của Màn 4 :

"Khi họ phát hiện ra Juliet đã “chết”, Lady Capulet nói: “Hỡi ôi, con của ta, cuộc sống duy nhất của ta!/Hãy hồi sinh, hãy mở mắt ra đi con, nếu không ta sẽ chết cùng con” (IV.v.19-20), và Lord Capulet nói: “Than ôi, con ta đã chết,/Và niềm vui của ta bị chôn vùi cùng với con” (Màn IV.v.63-64). Điều này so với cách họ đối xử với cô ấy trong Màn III.v thì thế nào? Nỗi đau của họ có chân thành không?"

Tất cả 86 câu này, mà thật ra là các câu chính thôi, có những câu chính chia thành 2 câu phụ a,b, và có cả các câu chính chia thành 5 câu phụ a,b,c,d,e... sẽ thực sự giúp các con học và hiểu rất kỹ về vở kịch. Đồng thời đặt ra các vấn đề hết sức thiết thực với các con như tình yêu thế nào là đúng đắn, hôn nhân thì ra sao, tình cha mẹ với con cái thế nào, suy nghĩ sao về mối hằn thù giữa 2 dòng tộc... với góc nhìn của những thiếu niên thời hiện đại.

Những bài thu hoạch này, thầy cô hoàn toàn không chấm điểm, cũng không bảo các con phải trang trí cho đẹp, cũng không hề bảo các con viết xong thì phải đưa lên mạng xã hội và nếu được nhiều like và share thì cộng thêm điểm.

Nhưng tất cả các con đều làm rất hăng hái và nhiệt tình, tùy theo ý các con chọn lựa.

Vì sao vậy?

Thứ nhất vì vở kịch đã được dạy trong bài học rất kỹ.

Thứ hai, các con được xem kịch chuyên nghiệp, biểu diễn rất hay.

Thứ ba, các con chuẩn bị để có thể cùng nhóm kịch trong trường sẽ biểu diễn trích đoạn của Romeo và Juliet trong liên hoan văn nghệ của trường nhân Giáng sinh.

Thầy cô, các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã làm cho các con được thuyết phục, và tất nhiên người chinh phục trái tim các con đầu tiên chính là W Shakespeare.

Có ai trên đời này xem Romeo và Juliet mà không xúc động hay rơi lệ cơ chứ.

Vì thế nên cái đẹp và tinh thần nhân văn của tác phẩm, của tác giả, dưới sự trình diễn của các nghệ sĩ, và sự dẫn dắt của thầy cô một cách nhẹ nhàng, làm cho các con say mê, yêu thích, nhiệt tình tìm hiểu và suy nghĩ về vở kịch. Các con tập trung tất cả những cảm xúc, những suy nghĩ dù non nớt, dù đúng hay sai miễn là suy nghĩ của chính mình, viết thành bài thu hoạch.

Bài thu hoạch này sẽ được đem vào một tiết học môn văn, sau đó thầy cô chỉ chọn ra một vài điểm chính và cả lớp cùng thảo luận.

Học như vậy thì sẽ rất thoải mái, tự do, nhưng rất kỹ và sâu. Và vì vậy phần kịch trong chương trình, thầy cô có thể không cần dậy nhiều. Chỉ chọn ra 1-2 vở kịch mà trong nhiều tiết học dậy thật sâu, thật kỹ cho các học trò, là chúng sẽ có Phương pháp để học và hiểu mọi vở kịch trên đời.

Phương pháp đúng là ngọn đèn dẫn đường cho học trò.

Còn học trò nào biết đọc biết viết đều có thể đọc một vở kịch bất kỳ phù hợp với lứa tuổi mình. Đồng thời có thể đi xem kịch hay xem phim chuyển thể từ kịch.

Chúng sẽ biết thế nào là đúng hay sai. Chúng sẽ học được sự phức tạp của cuộc đời là thế nào, và tự chọn cách sống nào cho tốt nhất.

Đó chính là văn học, tức là nhân học. Và đi vào bản chất của học tập, chứ không phải giả dối, làm phách, tạo ra hình thức cho có khiến học trò oán nghét việc học kịch hay coi kịch.

Tóm lại nếu nhà nào cha mẹ có thời gian, nên dạy con cách học tập theo lối sáng tạo, cởi mở. Còn nếu muốn học hỏi, có thể cho con đi du học nếu có tiền bạc, hay là cho con tìm cách thi đậu học bổng để đi, đều rất có ích. Chúc các bạn thành công.

 

Câu chuyện thứ 3:

Khi con mình mới qua du học, thầy giáo dạy Lịch sử hỏi con là người ở đâu. Sau khi biết được, thầy giao cho con một bài tập với nội dung: "Vì sao Mỹ đã rút ra khỏi chiến cuộc Vietnam War với tổn thất (được tính vào lúc đó) là 168 tỷ usd, và 300 ngàn binh lính?"

Thầy giao cho làm bài này trong vòng 1 tháng với một điều kiện là con không được tra cứu các tài liệu qua mạng internet mà buộc phải vào đọc sách tiếng Anh trong thư viện lớn có mấy chục ngàn cuốn sách của trường. Nếu thiếu có thể mượn thư viện địa phương.

Hết một tháng thì sẽ viết bài và thuyết trình cho thầy nghe. Thế là con phải lao vào đọc rất nhiều sách báo và tài liệu để có thông tin, suy nghĩ cách làm bài.

Đó là cách thầy dạy lịch sử cho con, khi nó chỉ là một đứa bé vừa vào trung học. Thầy dạy sử cho con mình là một người rất yêu lịch sử. Khi đó thầy đã có bằng master và tiếp tục học lên tiến sĩ. Thỉnh thoảng thầy còn đưa cả con mình vào lớp học tiến sĩ của thầy để nghe giảng một buổi cho biết tiến sĩ thì học gì.

Tất nhiên sau khi học xong trung học thì con mình học kỹ sư. Tức là hoàn toàn không theo ngành lịch sử. Tuy nhiên môn lịch sử thì không chỉ là môn ở trung học, các kỹ sư vẫn phải học môn đó ít nhất trong 2 năm ở đại học trong phần đại cương. Vì vậy nó hết sức quan trọng.

Quan trọng hơn, là dạy lịch sử ở Mỹ đi theo chiều hướng dạy tư duy lịch sử, chứ không dừng lại ở việc dạy sự kiện và các dữ liệu lịch sử.

Vì thế nên lịch sử là môn học cần động não rất nhiều, chứ không phải là môn học ngồi đó chép bài thầy cô giảng, sau đó học thuộc làu là đậu.

Tất nhiên các con vẫn được học một sự kiện lịch sử. Nhưng cái đó chỉ là gạo thôi. Để nấu nó thành cơm, các con cần phải có tư duy đầu tiên, đó là sau khi sự kiện đó trôi qua rồi, thì những gì trước đây họ từng nghĩ như thế, nay có còn giữ nguyên hay nó đã thay đổi rồi.

Vậy cái gì giữ nguyên, và cái gì đã thay đổi?

Việc giữ nguyên hay thay đổi này cho thấy những tác động của lịch sử với nhận thức của con người thời đó và thời nay, những tiến bộ hay lạc hậu, những đúng sai, những tác động của khoa học, khám phá và phát minh mới, hay quan điểm mới.

Kế đó các con cần tư duy đâu là nguyên nhân của những sự kiện đã xảy ra? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ những phe phái khác nhau, những tác động từ các thế lực khác nhau trong thời cuộc, vì thế cần nắm cho rõ và đánh giá.

Bước thứ ba là so sánh. Các con cần so sánh những tương đồng và khác biệt trong các sự kiện tương tự, ở trong nước hay quốc tế, để hiểu họ đã làm gì, ta đã làm gì, kết quả tốt xấu hay dở thế nào?

Bước thứ tư, ta cần xem xét bối cảnh của sự kiện lịch sử. Bối cảnh đó sẽ làm cho sự kiện lịch sử bị tác động thế nào? Vì sao?

Bước thứ năm, mới tới việc học sinh cần xem xét để rút ra ý nghĩa lịch sử của các sự kiện đã xảy ra. Vì sao chúng lại đáng ghi nhớ? Bài học là gì?

Bước cuối cùng, học trò cần xem mình có sự đồng cảm lịch sử gì với sự kiện, nhân vật, địa điểm lịch sử đó hay không? Đây là góc nhìn của một người hiện đại nhìn vào sự kiện đó.

Tức là như một thầy giáo dạy sử cấp 3, cũng là nhà văn nổi tiếng ở bang California mà mình biết đã nói: "Kỹ năng tư duy lịch sử cực kỳ hữu ích trong việc định hướng cuộc sống hàng ngày—từ tin tức, đến nơi làm việc, thậm chí đến các mối quan hệ của chúng ta. Tôi thường nói với mọi người rằng việc học cách suy nghĩ về mặt lịch sử không chỉ giúp tôi trở thành một nhà phân tích hay nhà văn giỏi hơn. Nó khiến tôi trở thành một người cha, người chồng và người hàng xóm tốt hơn."

Thầy cũng nói khi học trò học được kỹ năng tư duy lịch sử, các con có thể tham gia vào các vấn đề phức tạp rất vững vàng, nhưng đồng thời các con lại có sự khiêm tốn, là vì biết được giới hạn của mình, để khi cần có thể hỏi thêm ý kiến của người khác. Các con biết cần dựa vào bằng chứng thay vì cảm xúc.

Nếu chỉ dạy lịch sử bằng các sự kiện và nhân vật quá khứ, theo các nhận định một chiều và bắt học trò học thuộc, thì chúng sẽ chán ghét lịch sử. Nếu dạy cho chúng tư duy lịch sử, thì chúng sẽ vô cùng hào hứng học môn học đó, kể cả những đề tài tưởng chừng khô khan và chán nản. Đó là vì chúng được tự tham gia vào quá trình học tập, tự sáng tạo, tự tìm hiểu, tự rút ra bài học cho chính mình.

Tóm lại nếu nhà nào cha mẹ có thời gian, nên dạy con cách học tập theo lối sáng tạo, cởi mở. Còn nếu muốn học hỏi, có thể cho con đi du học nếu có tiền bạc, hay là cho con tìm cách thi đậu học bổng để đi, đều rất có ích. Chúc các bạn thành công.

 

Câu chuyện thứ 4:

Mình có một đứa cháu đang học trung học ở Mỹ. Đứa cháu này không thích môn Toán từ nhỏ. Nhưng khi nó qua học ở bển một thời gian thì nó tự dưng trở thành một học sinh rất giỏi Toán. Một hôm tò mò, mình coi thử xem cu cậu học Toán thế nào.

Đại thể là cách dạy Toán xưa nay là dạy theo môn, ví dụ như Đại số, Hình học... Thầy sẽ lên lớp giảng một bài về lý thuyết của môn đó, ví dụ một công thức hay một định luật chẳng hạn, sau đó thì cho học trò bài tập có tính chất điển hình để có thể giải xong thì sẽ hiểu được công thức hay định luật đó. Làm cho tới khi nào nhuyễn thì thôi.

Song ở trong trường cháu học, thầy cô không lao vào dạy như vậy, mà cho luôn một số bài tập. Và cho các cháu tự làm trong giờ học ở nhà. Trong các bài này hầu như có rất ít hướng dẫn trực tiếp về cách giải. Nó chỉ có một bảng chú giải thuật ngữ để giúp học sinh hiểu.

Đồng thời các bài tập này không rời rạc mà có xu hướng bổ trợ lẫn nhau.

Học trò cứ tự tìm cách giải. Khi không hiểu có thể tìm thông tin qua sách, qua mạng internet, qua thày cô online. Ngay nguồn để hỏi mọi bài toán trên đời có cách giải ra sao thì ở Mỹ có tới vài ba cộng đồng cực lớn như DrMath, GoMath và Mathnerds... Họ có những người yêu toán, các chuyên gia về Toán sẽ giải đáp miễn phí cho học sinh, và có cả những câu trả lời có sẵn trong cơ sở dữ liệu.

Tất nhiên cũng có lúc các con không giải được bài toán thầy cô cho, cũng chẳng sao cả.

Sau buổi làm bài tập ở nhà đó, mai tới lớp, các con sẽ đưa kết quả cho thầy cô và các bạn xem bằng cách tự thuyết trình về cách mà mình đã tìm được để giải. Trong đó cách nào là nhanh nhất và phải áp dụng kiến thức gì, cách suy nghĩ và quy trình thế nào. Cả lớp sẽ xoay vòng như vậy, ai cũng phải nói ra cách thức của mình.

Như vậy mỗi học trò có thể tạo ra cách giải riêng, không cần đi theo một lối riêng nào của thầy cô. Và trong khi tìm cách giải được các bài toán này, các con sẽ tự học hỏi các định lý, công thức, lý thuyết cần thiết. Các con có thể nêu ra cách các con đã hiểu toán thế nào, cũng như bài toán này ngoài việc liên quan tới chương trình học, thì sẽ liên quan tới những vấn đề mà chính mình gặp trong cuộc sống ra sao.

Đây là cách thức dạy Toán tập trung vào Giải quyết vấn đề, chứ không phải chạy theo từng Chủ đề của môn Toán.

Vì học Toán, về bản chất là dạy học sinh Tư duy Giải quyết các vấn đề khó khăn, các thách thức trong cuộc sống cần tư duy mang tính logic và khoa học. Thế thì nó mới hữu dụng và cần thiết mỗi ngày.

Bằng cách học này, thì sách giáo khoa chỉ là một trong rất nhiều tài liệu tham khảo mà các cháu sử dụng. Các cháu có thể dùng rất nhiều nguồn tài liệu về Toán khác mà ở Mỹ thì vô thiên lủng.

Tất nhiên các bài toán mà thầy cô cho các cháu làm hàng ngày này, cũng không phải là thầy cô mất công bò ra nghĩ mỗi ngày. Chúng đã là một tập hợp 3700 bài, thiết kế rất công phu, từ dễ tới khó, được cung cấp sẵn sàng và miễn phí cho học sinh và thầy cô trên toàn cầu, ai thích cũng dùng được, trên mạng của trường trung học tốt nhất nước Mỹ là Phillips Exeter Academy.

Cách học này khiến cho các học sinh sẽ rất chủ động khám phá, tìm tòi, thoải mái và tự do với môn Toán. Chính xác hơn, chúng sẽ là các nhà toán học tí hon, mà từ mỗi bài tập của mình tự tìm tới bản chất của các định luật, công thức và lý thuyết toán học.

Thầy cô chỉ là người gợi mở, dẫn dắt, và hỗ trợ chúng khi cần. Còn cứ cho chúng tha hồ thể hiện.

Thế nên cu con cháu mình, vốn là đứa không ưa Toán, bằng cách này rất thích Toán vì được chủ động.

Học trò sẽ thích cách học này, dù ban đầu hơi khó. Nhưng chúng thấy thoải mái và tự do hơn nhiều so với việc học Toán mà từng bài phải giải theo y chang những gì thầy cô dạy, từ dấu chấm dấu phẩy cho tới cách giải, bởi sai một tí cũng bị trừ điểm. Cách học này cũng làm học trò khỏi cần phải đi học thêm ngày đêm để thầy cô cho đề theo mánh mung, cho đề cương theo tủ nhằm làm được các bài kiểm tra và bài thi mà chính họ ra đề.

Nói thêm về trường Phillips Exeter Academy, nơi nghĩ ra cách học này cho môn Toán và hiện đã được rất nhiều trường ở Mỹ áp dụng. Trường trung học này là một trường tư, nghĩa là Bộ Giáo dục và các học khu không quản lý gì nó cả. Những giáo trình, sách vở, sách giáo khoa muốn dạy học trò thế nào thì họ tự nghĩ ra, miễn tiến bộ, hay ho và thu hút học trò nhất thì tha hồ mà làm. Trường này thành lập từ 242 năm nay, kể từ 1781. Học trò trường này rất giỏi, có các tổng thống, ngoại trưởng, chính khách, tỷ phú là cựu học sinh đông đảo lắm luôn. Tổng thống Mỹ Franklin Pierce từng học ở đây, trong danh sách cũng có cu Mark xoăn chủ FB. Trường này có quỹ tiền rất nhiều, khoảng hơn 1,3 tỷ usd. Phương pháp giáo dục ở đây luôn dẫn đầu trong hệ thống trung học thế giới. Vì thế nó luôn ở hạng 1 trong số các trung học tư thục nội trú của Mỹ. Học trò học xong ở đây phần nhiều thường vào các đại học trong danh sách các trường Ivies danh giá và ưu tú.

Bằng cách dạy thế này, Mỹ là cường quốc Toán học và công nghệ hùng mạnh nhất thế giới.

Tóm lại nếu nhà nào cha mẹ có thời gian, nên dạy con cách học tập theo lối sáng tạo, cởi mở. Còn nếu muốn học hỏi, có thể cho con đi du học nếu có tiền bạc, hay là cho con tìm cách thi đậu học bổng để đi, đều rất có ích. Chúc các bạn thành công.

 

Câu chuyện thứ 5:

Ở Mỹ, ngoài các học sinh bình thường thì họ phân biệt ra hai loại là học sinh thông minh (Bright student) và học sinh có tài năng- năng khiếu (Talented or Gifted Student). Vì vậy nhà trường, các thày cô, các chuyên gia giáo dục chuyên về các loại học sinh này sẽ đưa các cháu theo học các trường sở hay các chương trình chuyên biệt khác nhau.

Học sinh thông minh thì không nhiều như những học sinh bình thường, nhưng thực ra không khó để tìm ra các cháu này. Nhưng các học sinh có tài năng hay năng khiếu thì sẽ có ít hơn và có những đặc điểm đặc biệt hơn.

Ví dụ như một học sinh thông minh biết câu trả lời; nhưng học sinh có năng khiếu lại biết đặt câu hỏi.

Học sinh thông minh có khả năng đạt điểm A, thường ghi nhớ tốt, lĩnh hội ở mức độ cao, tiếp thu thông tin và hoàn thành công việc của mình. Nhưng học sinh có năng khiếu hiểu được các sắc thái của bài học theo cách phức tạp hơn, chuyên sâu hơn và có năng khiếu vận dụng thông tin đó để rút ra những suy luận độc đáo.

Một học sinh thông minh làm việc chăm chỉ để đạt được hiểu biết; nhưng học sinh có năng khiếu biết điều tương tự rất nhanh mà không cần làm việc chăm chỉ.

Một đứa trẻ thông minh thích đi học, rất chăm chỉ; nhưng đứa trẻ có năng khiếu thích tự học và muốn làm theo ý mình.

Một đứa trẻ thông minh có trí tưởng tượng tốt ; nhưng đứa trẻ có năng khiếu sử dụng trí tưởng tượng đó để thử nghiệm các ý tưởng và linh cảm của mình.

Những đứa trẻ thông minh chăm chỉ sẽ có thành tích cao và tương đối ổn định. Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu sẽ có thành tích vượt trội xuất sắc nếu đủ cơ duyên cho sự bộc lộ năng khiếu này, song có thể thất thường.

Những trường chuyên hay chương trình dành cho học sinh có năng khiếu hay có tài năng ở Mỹ sẽ rất chú tâm tới từng học sinh. Các em được tuyển chọn cẩn thận qua vài vòng, phải test chỉ số IQ. Khi vào học thì sẽ được quan sát và phân loại kỹ. Vì những học sinh có năng khiếu hay tài năng thường không học toàn diện mọi môn học, mà chỉ mạnh về một vài môn, còn một số môn khác thậm chí học rất kém, bị khuyết tật học tập. Có những em có thể giao tiếp không tốt, thích ở một mình hơn là hòa đồng với bạn bè. Có khi có cả những em có cá tính hơi kỳ cục. 20% các học sinh có tài năng hay có năng khiếu thường là người đòi hỏi sự hoàn hảo. Vì vậy chúng luôn đề ra thành tích cao và mọi điều như mơ ước để đi theo. Khi không đạt mục tiêu, chúng có thể bị trầm cảm hay rơi vào những trạng thái lo âu, thất vọng, chán nản.

Trong số học sinh có tài năng và năng khiếu này có cả những em bị tự kỷ ở dạng đặc biệt.

Những đứa trẻ này thật sự cần được giáo dục riêng, có thày cô chuyên biệt có đầy đủ hiểu biết để giúp đỡ và huấn luyện. Đồng thời cha mẹ cũng cần được tư vấn để hiểu con mình khác người ở chỗ nào nhằm giúp con phát triển tốt mà không bị các cú shock hay vấp ngã.

Có rất nhiều sách vở và tài liệu giúp cho các cháu có năng khiếu hay có tài năng có thể nhận thức về sự khác biệt của mình với mọi người và làm sao để sống cho cân bằng.

Ở các nước mà giáo dục ở trình độ khiêm tốn, chậm phát triển, thì các cháu có tài năng hay có năng khiếu sẽ được cào bằng với các cháu học sinh thông minh khi cho tất vài một rổ khi vào học trường chuyên lớp chọn. Chính vì vậy nên sẽ có nhiều tác hại với sự phát triển của các cháu. Từ đó dẫn tới những tâm bệnh của học sinh do mất cân bằng, lo âu, trầm cảm.

Làm một người có năng khiếu hay tài năng có thể thành công trong 1 khía cạnh nào đó của đời sống. Nhưng nếu không được giáo dục đúng, không có cuộc sống cân bằng thì sẽ rất bất hạnh.

Mong các bậc cha mẹ có con thuộc dạng thông minh hay dạng có năng khiếu, có tài năng thử suy nghĩ về phẩm chất của con và tìm ra cách giáo dục hiệu quả.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quỳnh Nga0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe ca khúc CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

của Hoài An, qua giọng hát Như Quỳnh:

Ngô Thanh Tuấn giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Hậu -

nguồn: facebook Nguyễn Thị Bích Hậu

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét