NHÌN RÕ SAI LẦM - Tác giả: Nguyễn Tuân ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 


NHÌN RÕ SAI LẦM

*

Tôi là con một ông tú tài chữ Hán khoa thi cuối cùng. Tôi chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng phong kiến suy tàn do cha tôi truyền cho. Cuộc sống không nguyên vẹn cái trật tự của phong kiến ngày xưa nữa, tôi tự cho tôi là một người xấu số đến chậm, bất đắc chí. Trong người thấy có nhiều khát vọng mà tự biết trước là thực tế cuộc sống không giải quyết cho. Tôi tìm đến nghệ thuật, trông cậy vào văn chương làm con đường độc nhất để gửi vào đấy những cái mà trước đây tôi thường gọi là cái tâm sự của những người lạc phách muốn xuất chúng. Lúc còn nhỏ sống nhiều với đại gia đình, cha tôi kể lại cho nghe mọi cách ăn trên ngồi trốc, mọi cách ngồi mát ăn bát vàng, mọi chuyện "tiêu dao tuế nguyệt" phù phiếm ngắm vịnh danh sơn thắng cảnh. Lớn lên tôi đọc kỹ thơ ca tản văn của Tản Đà. Tư tưởng giang hồ chơi ngông của Tản Đà, cách sống cầu kỳ của Tản Đà càng khơi sâu trong tôi những tư tưởng hưởng lạc hấp thụ được của cha. Trên cái cơ sở hủ bại ấy của phong kiến tiêu dao, văn nghệ tư sản đồi bại của thời kỳ giữa hai chiến tranh đế quốc đã làm mọc thêm lên nhiều cây nấm độc. Tất cả những cái thèm khát cá nhân của tôi về ăn chơi giang hồ, tôi đưa hết cả vào truyện và tùy bút của tôi. Lại còn muốn đặt nó thành một vấn đề băn khoăn với thời đại. Và riêng bản thân, tự cho mình là một người khôn ngoan đã tìm được một biện pháp để giải quyết những thắc mắc trong đời sống. Tôi hoài nghi tất cả, và sợ tất cả mọi thực tế, duy chỉ tin vào chủ nghĩa hành lạc, cho cuộc sống là một gánh nặng càng tránh được càng đắc sách. Chỉ có hành lạc là đáng kể, hành lạc được bao nhiêu rồi ghi lại tất cả những cảm xúc cảm giác ấy tức là có lãi trong đời sống, tức là không chịu lỗ vốn với định mệnh. Ngoài bấy nhiêu điều ra, mọi cái đều là hư ảo cả. Người nghệ sĩ của phái nghệ thuật hoàn toàn vì nghệ thuật ở trong tôi càng tin tưởng con đường hành lạc vô trách nhiệm đó là một con đường đúng nhất cho mình thoát ly khỏi những ràng buộc hệ lụy của cuộc sống mà muốn thế nào đi nữa mình ở trong đó chỉ là một nạn nhân vĩnh viễn. Trong sáng tác tôi khoe khoang những điều tôi đã tìm hưởng được, tôi thắc mắc về những điều chưa tìm hưởng được. Khi viết những cái đó ra, trong thâm tâm tôi không cần biết đến ai, viết cho ai, viết để làm gì. Tôi viết ra để giải quyết cho tôi để tự trả lời cho tôi. Tôi muốn hưởng lạc đến cùng độ, mỗi ngày càng đi sâu vào những truy lạc xa hoa dục vọng. Đi sâu mãi vào mà vẫn thấy mênh mông? Tôi cần luôn luôn có những cảm giác mới lạ. Thực tế khách quan không cung cấp cho tôi được những cảm giác mới lạ, thì tôi bịa đặt ra, tự gây cho mình những cảm giác mới lạ, mặc dầu tự biết đấy chỉ là những ảo tưởng. Thời kỳ viết những truyện "Yêu ngôn" loại thần kỳ quái ảo là lúc sa sút cùng đường nhất của việc đi tìm cảm giác và hưởng lạc.

Tôi vào văn chương không gặp khó khăn. Trái lại tôi còn được ngay một số lớn những tâm hồn sa đọa khác ở các thành thị hưởng ứng theo, Những cái hư hỏng của tôi, tôi thêm nhiều xanh đỏ vàng bạc vào, họ cũng tưởng ngay tin ngay đó là cái đẹp cái tốt. Họ bèn liệt tôi vào hạng nghệ sĩ có tài. Tôi cũng nghênh ngang tự cho mình là đã có được một sự nghiệp trong văn chương. Và tự kiêu với cái hư danh xây dựng trên đống thối nát ấy. Nay tôi đứng trên lập trường nghệ thuật vị nhân sinh, đứng trên lập trường nghệ thuật cách mạng sáng tác vì lợi ích công nông mà tự xác định về cái "sự nghiệp" trước Kháng Chiến đó.

 

*

Cuốn sách đầu tiên tôi in ra năm 40 là tập truyện ngắn "Vang bóng một thời", xuất bản đến ba lần ở ba nhà xuất bản khác nhau. Cuốn sách đầu tiên đánh dấu ngay tên tôi vào làng văn. Cuốn sách ấy cũng là những tang chứng đầu tiên về tội lỗi của tôi đối với dân tộc, với cách mạng. Trong "Vang bóng một thời" tôi đã đứng về phía bọn phong kiến ăn bám bóc lột thống trị nông dân lao động mà đưa ra một cái nhân sinh quan phản tiến bộ của bạn quan lại địa chủ tiêu dao hưởng lạc bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Tôi đưa những con người hủ bại đó lên thành những con người mẫu mực cho một nghệ thuật sống. Nhân vật "Vang bóng một thời" của tôi tiêu biểu đầy đủ cho tư tưởng phong kiến địa chủ quan liêu. Tôi không có ruộng đất tôi không trực tiếp bóc lột nông dân lao động, nhưng sáng tác của tôi đã đề cao lề lối sống đề cao uy thế chính trị của địa chủ quan lại. Tôi đã đem tất cả những cái gì là đẹp nhất trong ngôn ngữ, chắt gạn những cái gì là vàng son nhất để tô điểm cho bọn bóc lột áp bức. Thậm chí mở đầu tập truyện tôi đã ca ngợi ngay tên đao phủ đầy tớ của chúng đang múa đao chém vào đầu (truyện "Chém treo ngành") những người trong giai cấp dân cày nổi dậy chống sự áp bức của phong kiến cấu kết với đế quốc. Quan lại và địa chủ phong kiến là những nhân vật lẫm liệt uy thế chính trị. cả đến bọn cường hào gian ác cũng được đề cao (truyện "Ném bút chì”). Năm 44, đế quốc Pháp đưa "Vang bóng một thời" vào giải thưởng Alexandre de Rhodes vì tập truyện ấy đã có tác dụng đề cao bọn phong kiến tay sai của chúng, trong một hoàn cảnh chính trị chúng đang cần gây thêm uy tín cho phong kiến tay sai để phá những phong trào cách mạng đang ngầm cháy trong nhân dân. Đế quốc tặng giải và tái bản sách. Vậy mà thời kỳ ấy tôi vẫn còn u mê tự dối mình là một văn sĩ làm nghề tự do, độc lập đứng trên mọi thứ chính trị để làm nghệ thuật vị nghệ thuật. Giải thưởng Alexandre de Rhodes vạch rõ cho tôi thấy là tôi đã có làm chính trị, một thứ chính trị hoàn toàn có lợi cho kẻ thù của Cách mạng. Đau xót hơn nữa là hồi đó và cả gần đây nữa tôi vẫn cho "Vang bóng một thời" là một sáng tác có dân tộc tính. Thực ra những nhân vật địa chủ quan lại trong truyện không tiêu biểu gì cho dân tộc tính Việt Nam cả, mà trái lại chúng còn phản bội lại cái thực chất dân tộc Việt Nam. Dân tộc tính Việt Nam là ở phía những nông dân bị đàn áp và luôn luôn trỗi dậy trong lịch sử dân tộc để chống lại mọi sự áp bức.

Truyện dài "Thiếu quê hương" in năm 43 là một tội lỗi nữa về sáng tác cũ. Cái mà tôi định ca ngợi ở đây vẫn không ngoài cái tư tưởng tiêu dao của phong kiến. Căn bản của nó vẫn là cái tư tưởng hưởng lạc nhưng ở một khía cạnh khác, trong một khung cảnh khác. Nhân vật "Vang bóng một thời" uống trà đánh cờ đánh đàn đánh bạc bằng thơ Đường, tĩnh tại nhàn nhã. Nhân vật "Thiếu quê hương" đổi chỗ nhiều hơn, tính chất đã pha trộn trước sự xâm nhập của đế quốc thương mại. Ở đây tàu thủy, tàu hỏa đã thay thế cho cái võng cái kiệu, chiếc valy đã thay thế cho cái khăn gói phong kiến. Nhưng về căn bản tư tưởng thì nó vẫn là hưởng lạc phong kiến. Hình thức đã đá sang tư sản đã pha mùi tây phương nhưng cơ sở vẫn là phong kiến tiêu dao vô trách nhiệm, thoát ly thực tế. Kiểm duyệt Pháp cắt một chương cuối cùng của truyện và cắt đi một chữ đầu của tên truyện (“Thiếu quê hương" thành ra "Quê hương") để cho hợp với ba khẩu hiệu “Cần lao - Gia đình - Tổ quốc" lừa bịp của Pétain. Vì hiếu danh và hám lợi có sách in tôi đã làm theo ý của kiểm duyệt đế quốc. Ngoài cái hư hỏng của nội dung tư tưởng đọa lạc làm cho một số thanh niên và học sinh sao lãng trách nhiệm đối với dân tộc và tổ quốc, cái sai hỏng của "Thiếu quê hương” còn ở mặt thái độ của người văn nghệ chân chính đối với kiểm duyệt đế quốc.

Tôi sang một tập truyện khác tiêu biểu cho cái cá nhân chủ nghĩa đến cao độ của tôi. Tập "Nguyễn" in sau ngày Tổng khởi nghĩa. Nguyễn là nhân vật duy nhất của tập truyện. Tôi tự suy tôn qua mọi hành vi ích kỷ tàn nhẫn kiêu bạc của Nguyễn. Nguyễn cho sống là để thể nghiệm cái cá nhân mình, là đưa cái cốt cách phong kiến suy tàn mình vào con đường phiêu lưu của chủ nghĩa siêu nhân Nietzsche, vào con đường cá nhân phiến loạn và hành động không lý do của Gide, Nguyễn cho cuộc đời nghệ sĩ là đứng trên cái thiện cái ác của sự sống hàng ngày. Tôi tự truyền thần cái tôi thối nát và phá hoại đó vào tập "Nguyễn", tự cho mình là một người hùng dám phủ nhận và đập phá cái trật tự xã hội bấy giờ, tự dối mình cho là tâm hồn mình vẫn thanh cao mặc dầu thân thể tẩm vào bùn nhơ của rượu, thuốc phiện, dâm ô. Thực ra, qua những cái hỗn loạn ấy của cá nhân tôi không dám chống lại cái xã hội do đế quốc và phong kiến tay sai mà chính tôi đã đầu hàng cái sống đồi bại đó, hèn nhát cam tâm chịu cái sống giả tạo đó. Cách mạng tháng Tám bùng nổ có thức tỉnh Nguyễn. Tự biết mình lầm đường, Nguyễn muốn đi theo Cách mạng. Đoạn cuối tập truyện, Nguyễn đã nói lên cái thiện ý muốn "lột xác" đi theo con đường mới chói lòa ánh sáng của Cách mạng vĩ đại. Cuốn "Nguyễn" phát hành ngay sau Cách mạng tháng Tám, tôi cho đấy là một cử chỉ chân thành của tôi chào mừng Cách mạng. Nhưng khách quan mà nhận định về cử chỉ ấy lúc ấy thì ngày nay tôi thấy nó chỉ là một thái độ cơ hội đối với phong trào. Thái độ cơ hội ấy là của một người tự kiêu và chưa tự giác Cách mạng.

Tự kiêu và chưa tự giác Cách mạng của tôi còn biểu hiện cụ thể trong việc in truyện "Chùa Đàn" giữa năm 46. "Chùa Đàn" nguyên là một truyện thần bí quái dị rút ở tập "Yêu ngôn" phản khoa học phản tiến bộ. Truyện ấy là chuyện một địa chủ điên loạn trong hưởng lạc, muốn sống một cách dâm bạo như cái kiểu của Musset: "Máu, khoái cảm, và chết". Tôi thêm vào truyện đấy một đoạn đầu và một đoạn cuối, đưa tên địa chủ đó vào hoạt động Cách mạng, sau khi nó đã đi tìm phiêu lưu trong mọi hưởng lạc. In "Chùa Đàn" năm 46, tôi cũng tự cho là mình cũng hiểu Cách mạng, nói được Cách mạng và dựng được truyện về những người làm Cách mạng. Thực ra tôi ngu dốt không hiểu Cách mạng là gì, nên "Chùa Đàn" đã nói sai về thực chất của Cách mạng đã nói sai về chiến sĩ Cách mạng vô sản. "Chùa Đàn" đã xuyên tạc cách mạng Việt Nam giữa lúc Cách mạng tháng Tám đang có những khó khăn buổi đầu trong việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giữa lúc một số địa chủ phản động đang chui vào các tổ chức đảng phái phản động để âm mưu phá hoại Cách mạng tháng Tám. Sáng tác vô chính trị "Chùa Đàn" là một tội lớn đối với cách mạng tháng Tám, đối với quyền lợi của nhân dân. Gần đây nghe nói lũ bù nhìn bán nước cho một nhà xuất bản trong vùng tạm chiếm tái bản "Chùa Đàn", tôi càng nhận thấy rõ cái trách nhiệm của sáng tác của tôi và càng nhận thấy rõ cái nghiêm trọng của sai lầm đó.

Nói tóm lại, vừa truyện vừa tuỳ bút, không kể dày mỏng, tôi đã in tất cả là mười cuốn, "Chùa Đàn" là cuốn cuối cùng trong những sáng tác từ Kháng chiến trở về nước.

Nay nhìn lại toàn tập thì nội dung mười cuốn đều là sai lầm, không nhiều thì ít cuốn nào cũng đều phạm đến quyền lợi của nhân dân của Cách mạng. Qua từng tác phẩm, hoặc lẫn vào kẽ giòng hoặc lộ liễu hiện lên trên từng chữ từng câu văn, chỗ nào cũng lòi ra cái khía cạnh của tư tưởng hưởng lạc, trang nào cũng toát ra cái nhân sinh quan thối nát của một người bạc nhược trốn thực tế, sợ sống sợ trách nhiệm, của một người lấy nghệ thuật dối mình và trí trá với người đọc. Nguy hiểm hơn nữa là những cái viết ra đó phần lớn đã làm lợi được cho bọn thù địch của dân tộc, cụ thể là thực dân Pháp và phong kiến địa chủ tay sai của nó. Nhờ ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê của Đảng mở mắt cho thấy rõ ý nghĩa và phương hướng của nghệ thuật chân chính, sau mười ba năm in cuốn sách đầu tiên, nay tôi nhận rõ giá trị của sự nghiệp văn chương cũ của tôi chỉ là một mớ sai lầm và tội lỗi. Cái mà tôi vẫn tự phụ là sự nghiệp đó thì chỉ là những tội lỗi mà nhân dân khoan hồng đã tha thứ cho để tôi chuộc mình từ nay bằng những sáng tác phục vụ được cho lợi ích cách mạng.

 

*

Nói cho thật đúng, không phải là đến hôm nay tôi mới tự phê bình lần đầu về toàn bộ sáng tác trước Kháng chiến. Việc này tôi đã có làm năm 48 ở Đại hội Văn nghệ toàn quốc và năm 49 ở Hội nghị Tranh luận Văn Nghệ, tự nhận về những sai lầm, tuyên bố muốn từ bỏ những sáng tác cũ, coi nó như những “đứa con hoang". Nhưng thời kỳ ấy việc làm này có tính cách sơ sài quá, cũng mới xác định một cách chung chung vậy thôi. Hồi ấy tôi chưa hiểu "cách mạng hóa tư tưởng" phải tiến hành như thế nào, sáng tác đứng trên lập trường giai cấp tôi cũng chưa hiểu cụ thể là phải như thế nào. Hồi ấy tôi cũng chỉ mới cảm thấy một cách lờ mờ rằng những sáng tác cũ nay không hợp với thời đại nữa, đều coi như là những đồ cổ vô dụng thì cất nó đi. Tôi muốn từ bỏ chúng nó, để nhẹ nhàng chuyển sang những sáng tác mới, chủ quan cho việc đó cũng là một việc dễ dàng đơn giản, mình muốn dứt khoát với cái cũ thì chỉ có việc tuyên bố ra là xong xuôi cả. Lúc đó tôi chưa thấy rằng cải tạo mình là cả một vấn đề khó khăn, một cuộc đấu tranh gay gắt trong bản thân, không thấy rằng đó là cả một quá trình chiến đấu lâu dài gian khổ với chính mình.

Được học tập kỳ chỉnh Đảng vừa rồi tôi mới hiểu được tôi, tôi mới nhìn rõ tôi cho có hệ thống. Nhờ có Đảng dìu dắt cho đứng sang cái chỗ đứng có một không hai của chân lý, tôi mới nhìn rõ được cái bản chất của tôi qua những sáng tác của tôi. Và mới thấy được cái tầm quan trọng của tư tưởng sai lệch từ trước đến nay. Tôi mới thấy được cái xấu cái hại của tư tưởng tự do hưởng lạc bao trùm lấy đời tôi và nó đã tác hại trong sáng tác trước Kháng chiến của tôi như thế nào. Ngay cả trong những sáng tác sau Kháng chiến nữa, tư tưởng hưởng lạc phi vô sản ấy vẫn còn đầy rẫy trong tôi.

Bản thân tôi trước kia là một người yếu hèn muốn yên thân mà lại tự cho là mình có một cái cá tính của người mạnh bạo, bừa bãi trong cảm nghĩ mà lại cho là phóng khoáng độc lập. Tôi thích một cuộc sống phất phơ (dilettantisme) không phải gắn bó vào một trách nhiệm gì không phải cam kết gì với ai. Tôi làm “nghệ thuật thuần túy" đuổi theo một cái đẹp hão huyền không có cơ sở trong thực tế (vì tôi rất sợ thực tế). Tôi chỉ nghĩ đến đẹp, tôi không cần nghĩ đến cái đẹp ấy có cần đúng không, thật không, có tốt không. Tôi tìm sự yên thân trong một cái vỏ giả tạo và muốn sống cách biệt với cuộc đời bên ngoài, tự an ủi mình bằng những cái viết nghêu ngao phóng phiếm.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tôi cũng thích, nhưng cái thích đó có tính chất bản năng của một người vừa bị ngợp chói trước ánh sáng vĩ đại. Cái thích đó chưa nâng được lên mức lý luận sâu sắc, nên tôi vẫn chưa dứt khoát đứng về phía nào. Cho đến toàn quốc kháng chiến, tôi mới thấy có sự chuyển hướng trong nhân sinh quan. Trong người cái tốt cái xấu còn lẫn lộn lộn xộn, nhưng tôi muốn làm việc có ích. Sau Kháng chiến tôi in được hai tập tùy bút "Đường vui", "Tình chiến dịch" vào năm 49 và 50. Nội dung của những tuỳ bút viết sau Kháng chiến phần lớn vẫn còn mang nặng những cái tư tưởng cũ những cái hình ảnh cũ. Tôi vẫn còn luyến tiếc những cái cũ đó đem nó vào văn chương kháng chiến, tuy miệng thì vẫn tuyên bố là đã dứt khoát rồi với những nếp cảm nghĩ ngày trước. Tôi muốn thay đổi nhiều, nhưng tư tưởng hưởng lạc phong kiến của tôi vẫn còn bao vây tôi dầy đặc. Chỉ có một điều một chút khác trước là ngày nay sự hưởng lạc lẫn giấu kín đáo, chứ không lồ lộ nghênh ngang thường xuyên như trong sáng tác cũ.

Trong tập "Đường vui", tôi ví trái tim người dân quân hy sinh với cái hình ảnh một củ thủy tiên nẫu. Mới bước vào năm đầu của Kháng chiến, tôi đã nghĩ ngay tới những "khải hoàn môn kết bằng hoa đào" của một năm xuân chiến thắng dễ dãi sắp tới. Thấy chiến sĩ hy sinh trong một cuộc thử đạn Ba-dô-ka, tôi đã nói lên cái thắc mắc cá nhân sợ khổ sợ chết. Sống với rừng căn cứ địa Việt Bắc, tôi cho là "thiếu chân giời", "thiếu sinh lý" thiếu người, thiếu hưởng lạc. Việt Bắc quân dân vừa chiến thắng thu đông 47, đã biến thành ra một nơi cô quạnh chỉ có cây rừng và sốt rét. Bài "Gió Lào", bài “Thiếu chân giời" tôi vẫn chỉ thấy có thiên nhiên chứ không nhìn thấy người, và tôi đã nhìn thiên nhiên với cái nhìn của phong kiến thần bí.

Trong tập "Tình chiến dịch”, tôi nói là viết ra để phục vụ nhân dân phục vụ kháng chiến, nhưng thực ra tôi đã in ra để thỏa mãn nhiều cho những cái thích thú riêng tây của cá nhân tôi. Ở đấy tôi vẫn chơi chữ, ghép hình ảnh, ba hoa huênh hoang khoe mình thế này thế nọ. Cái cá nhân hưởng lạc của tôi vẫn sừng sững trong "Tình chiến dịch". Trước kia vì thèm hưởng lạc, tôi đã tô son điểm phấn cho tất cả những cái thối nát của đế quốc và phong kiến. Ngày nay, cũng vẫn vì muốn tự do hưởng lạc tôi lại làm cho tầm thường đi thô bỉ đi và sai lạc đi nhiều cảnh tình đẹp mạnh nhất của nhân dân của công nông trong cuộc chiến đấu anh dũng. Đó thật là một điều đau xót thấm thía. Tư tưởng hưởng lạc của cá nhân tôi vẫn cứ lấn lên thực chất của sự việc khách quan. Tôi đi vào thực tế một cách hời hợt để phản ánh thực tế một cách sai lầm. Từ 46 Đảng đã tạo điều kiện cho tôi được gần gũi thực tế cách mạng trước Kháng chiến, và trong kháng chiến Đảng cũng tạo điều kiện cho tôi được gần gũi nhân dân ở những nơi nhân dân chiến đấu cao nhất. Nhưng con người hưởng lạc cũ ở tôi còn nặng nghiệp, nên tuy có gần thực tế mà tôi vẫn không thấy được thực tế. Thấy được thực tế là một quá trình lâu dài gian khổ bền chí. Con người sợ khó sợ khổ sợ chết ở tôi chỉ mới phất phơ với thực tế Kháng chiến nên phản ảnh thực tế, tôi đã phản bội thực tế.

Hưởng lạc quen thân, tôi không thấy được Trường kỳ Kháng chiến, tôi sốt ruột muốn được chóng tổng phản công chóng được về Hà Nội, rồi huênh hoang vỗ ngực hách dịch với người bị vướng trong Hà Nội (bài "Ngoài này trong ấy) đến nỗi phạm vào chính sách căn bản của Đảng Chính phủ đối với các tầng lớp nhân dân trong vùng tạm bị chiếm.

Giữa cái sống gian khổ xương máu mồ hôi của quân đội nhân dân chuẩn bị đánh đồn Pháp, tôi nhìn thế nào mà những mô hình (maquette) của sa bàn nghiên cứu trận đánh biến thành ra một quang cảnh vui vẻ của ăn uống có "nem Huế, bánh khảo, gai bưởi nhể ốc" (bài "Bàn đạp Tây Bắc").

Qua một thành phố biên giới Trung Quốc tôi nhìn thế nào mà biến nước Trung Hoa mới đang bắt tay kiến thiết thành một nơi thịt cá bừa bãi bên cạnh những đám đông lộn xộn vô tổ chức (bài "Ải khẩu Nam Quan”). Tư tưởng hưởng lạc ở tôi đã tạo cho tôi một cái nhỡn quan (vision) ẩm thực và lúc sáng tác nào sẵn có dịp đưa vào là tôi không ngần ngại đưa vào để thỏa mãn những cái thích thú cá nhân đã ăn sâu vào tiềm thức.

Bài "Đuốc dân công" (báo Lúa Mới Chi hội khu 3 năm 51) nói về bần cố nông gánh thóc ra tiền tuyến, tôi cũng tìm sự hưởng lạc trong sáng tác, tập trung cảm xúc vào cảnh đốt đuốc đưa thóc lên kho. Diễn tả lên cái cảnh chói sáng bạt ngàn ấy tôi đã "chơi" lửa "chơi" đuốc và xúc động đúng như một bạo chúa phong kiến ngày xưa. Cái phần hưởng lạc ấy trong bài viết, tôi coi nặng hơn là phần cảm thông với những khó khăn của vấn đề tổ chức và sử dụng dân công đang ở buổi đầu của phong trào.

Tôi đã dựa vào công sức của nhân dân, dựa vào mồ hôi và xương máu của công nông sản xuất và chiến đấu, mà tìm sự hưởng lạc, khi sáng tác cố đưa vào sáng tác những cái thích thú cá nhân. Tư tưởng hưởng lạc ấy làm tôi tách lìa thực tế, xa rời quần chúng nhân dân và dân dân tự mình làm mình nghèo đi trong sáng tác, rồi bế tắc. Sáng tác nhớn tôi không làm nổi, sáng tác nhỏ kịp thời phục vụ tôi không muốn làm; tôi chỉ muốn làm chỉ muốn viết những cái gì trong đó tôi có thể gửi gắm được vào một ít thích thú riêng của tôi. Cái thói xấu ấy đã làm cho tôi thiếu nhiệt tình giai cấp. Tự do hưởng lạc phong kiến làm cho tôi không nhìn thấy được cái lạc quan cách mạng trong cuộc sống mới, trong những con người mới trong tất cả anh hùng chiến sĩ thi đua ái quốc. Bản chất hưởng lạc ở tôi ghép với nhiều tính xấu khác như vô tổ chức vô kỷ luật, muốn yên thân muốn hưởng thụ, bấy nhiêu tàn tích của phong kiến đế quốc đang bao vây tôi làm cho tôi khó khăn trong sự cảm thông với những con người mới sống có tập đoàn có tổ chức, luôn luôn tìm cái vui trong nhiệm vụ trong công tác cách mạng, không ngại khó sợ khổ sợ chết, luôn luôn tin tưởng, chỉ biết có lạc quan cách mạng mà không nghĩ đến hưởng lạc cá nhân. Tư tưởng hưởng lạc cá nhân ở tôi ngăn cách tôi với cái phẩm chất mới của những con người lạc quan cách mạng với những cuộc sống lạc quan cách mạng. Tư tưởng tôi còn vẩn đục vì hưởng lạc cá nhân, nhân sinh quan tôi chưa được thanh sạch nên tôi chưa thấm được vào cái thực chất phong phú tinh tế của đời sống chung quanh của giai cấp đang tiến lên.

Bấy lâu nay tư tưởng hưởng lạc phi vô sản bưng bít tôi không cho tôi nhận chân được căn nguyên của sai lầm và khó khăn sáng tác. Lý luận và lập trường Đảng gần đây đã mở mắt cho tôi. Tuy chưa phải là một cuộc phân tích kỹ từng tác phẩm, tuy chưa kiểm thảo kỹ về văn phong, tuy mới làm được về bề mặt các sáng tác, nhưng cũng đủ để thấy toàn bộ sáng tác của tôi trước Kháng chiến là tội lỗi, và đa số sáng tác sau Kháng chiến là sai lầm về căn bản tư tưởng. Tôi liền bâng khuâng mất một buổi, cảm thấy như có người vừa rút hết đất ở dưới chỗ mình vẫn đứng vững mọi ngày. Nhưng tỉnh táo dần lại, tôi thấy tôi không còn là một người cố bám níu lấy cái chỗ đứng suy sụp của tư tưởng hưởng lạc nữa. Chân lý của Đảng đang đưa tôi sang một chỗ đứng mới. Từ chỗ đó, tuy còn là non yếu, tôi sẽ cố gắng bước dần lên. Đảng và nhân dân dìu dắt tôi dần lên. Cái vấn đề ở tôi hiện nay là xác định lại con người mình cho đúng, là không luyến tiếc cái hư danh của sáng tác cũ, là tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh của công nông có Đảng lãnh đạo, là thấy rõ quyền lợi sáng tác của bản thân mình là nằm trong cái sự nghiệp lớn lao đó của dân tộc. Thực tế của đấu tranh giai cấp ở nông thôn trong các đợt phát động quần chúng nhất định sẽ bồi dưỡng thêm cho tôi về trách nhiệm và vinh dự của người sáng tác. Tôi quyết tâm từ nay sáng tác vì lợi ích của dân cày. Tôi phấn khởi đứng về phía bần cố nông mà thận trọng và cố gắng thể hiện cái tâm hồn sáng lên của dân cày có Đảng lãnh đạo. Tôi tin tưởng những biến chuyển mới ở nông thôn từ đây sẽ thổi vào tâm hồn và sáng tác của tôi những luồng sinh khí mới.

*.

Tháng bảy 1953

NGUYỄN TUÂN

(Nguồn: Văn Nghệ số 41, tháng 7/1953

Trần Chí Cường giới thiệu)

 

Mời nghe nhạc phẩm TÔI CHƯA CÓ MÙA XUÂN

của Châu Kỳ, qua tiếng hát Đan Nguyên:

0 comments:

Đăng nhận xét