BÀN VỀ 7 CÁI SAI TRONG PHÁP TU
CỦA ÔNG MINH TUỆ
Cổ nhân có câu:
"Có thực mới vực được đạo.”
Nhiều người cho rằng chữ “thực”
trong câu trên có nghĩa là “ăn uống”,
hiểu đơn giản là bao tử có đầy thì đầu óc người ta mới nghĩ đến những điều
thiêng liêng, tâm trí mới hướng đến những thứ cao siêu huyền nhiệm (chẳng hạn
như kiếp sau ở một tầng trời nào đó).
Bởi vậy, lấy lý do “vực” đạo Phật, rất nhiều sư thầy đã kêu
gọi Phật tử cúng dường tài vật cho họ để họ hoằng dương đạo pháp: xây lên những
chùa to phật lớn, thành lập ban truyền thông để gây dựng tiếng tăm, sức ảnh
hưởng.
Để tạo động lực cho Phật tử cúng
dường, nhiều sư thầy đã dùng đến một công cụ rất vi diệu, đó là PHƯỚC ĐỨC - một
thứ vô hình. Họ bảo rằng: quý vị càng cúng dường nhiều (nhất là tiền chẵn) cho
các sư thầy thì càng tăng trưởng phước đức, con cháu quý vị sẽ vinh hiển, đời
sau của quý vị sẽ giàu sang, sung sướng.
Trong một cộng đồng những vị họ
Thích ngày nay, mà hầu hết đều thích nhận tiền, bỗng đâu xuất hiện một ông
Thích Minh Tuệ từ chối nhận tiền!
Ông đã gây nên một hiện tượng lạ
trên Mạng Xã Hội.
Ông Minh Tuệ tự nhận mình là một
người “tập học” theo Phật Thích Ca.
Ông xem Phật Thích Ca là thầy và cũng xem giới luật là thầy. Ông không nhận
mình là sư hay thầy của ai, không nhận đệ tử hay thị giả, không chủ động giảng
đạo lý cho bất cứ ai.
Vì không thọ y bát từ nhà sư nào
nên ông Minh Tuệ không mang bộ y bát giống một nhà sư mà ta thường gặp, thay
vào đó, ông đắp một mảnh vải to được chắp vá từ những mẩu vải vụn mà người ta
vứt đi và ôm cái ruột nồi cơm điện.
Ông cứ đi lang thang từ tỉnh này
sang tỉnh khác, ngủ trong nghĩa địa, không nhận tiền của bất cứ ai mà chỉ nhận
một lượng đồ chay đủ dùng cho một bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông đi như vậy
được 6 năm rồi.
Trên mạng có thông tin nói rằng
ông từng vào chùa tu, nhưng sau một thời gian ngắn thì ông rời chùa vì thấy bản
thân KHÔNG HỢP với PHÁP TU ở đó. Tôi gọi tắt là ông “TU KHÔNG HỢP PHÁP”.
Trong một xã hội toàn những
người lưng gù thì kẻ lưng thẳng mới là người khuyết tật. Trong một xã hội mà ai
cũng “thích nhận tiền” thì kẻ từ chối
nhận tiền bị coi là “thằng ba trợn”.
Ông Minh Tuệ đã bị nhiều nhà sư
và đệ tử của họ chỉ trích, hàng loạt cái sai trong pháp tu của ông được họ đem
ra kể. Tôi đã tổng hợp được một số điều mà họ cho rằng ông Minh Tuệ đang tu
sai.
1. Ông Minh Tuệ không phải là
nhà sư mà lại nhận đồ cúng dường
Chính vì cái sự “TU KHÔNG HỢP
PHÁP” của ông nên page Phật Giáo Việt Nam (có tick xanh) đã lên một bài viết
khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo.
Bản thân ông Minh Tuệ chưa bao
giờ thừa nhận mình nhận đồ “cúng dường” từ ai, mà ông chỉ đi khất thực (ăn
xin). Tôi đã xem nhiều clip về ông trên mạng nhưng chưa thấy ông xin của ai thứ
gì, mà chỉ thấy người ta tự nguyện mang đồ tới cho ông.
2. Ông Minh Tuệ không phải là
nhà sư mà lại lấy pháp danh họ Thích
Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi
thì không hề có luật nào cấm người ta tự đặt pháp danh cho mình. Thậm chí trên
cõi mạng, dân chúng con ưu ái “tặng” thêm pháp danh cho các vị sư họ Thích như:
Thích Chuyển Khoản, Thích Cúng Nhà, Thích Hiến Kế…
3. Ông Minh Tuệ chọn lối tu
“khoe hình ảnh” để nhận được sự tôn kính của mọi người
Chúng ta gần như không thấy
những vị tu sĩ nổi tiếng ở Việt Nam đi bộ ngoài đường, nếu cần ra đường, họ thường
khiêm tốn ẨN MÌNH trong xe Mec hoặc Audi. Tôi đoán là những vị này đang thực
hành lối ẨN TU.
Ngược lại, ông Minh Tuệ không phải
là nhà sư nhưng lại chọn lối tu “khoe hình ảnh”: đầu trần chân đất đi bộ khất
thực từ Nam ra Bắc.
Ngày xưa, Đức Phật cũng đã chọn
lối tu “khoe hình ảnh” như thế.
Trong một clip trên mạng, ông
Minh Tuệ từng tâm sự rằng ông đi để những phiền não trong tâm ông khởi lên để
ông “tập chánh niệm.”
4. Ông Minh Tuệ vẫn còn tâm phân
biệt, không dễ dãi trong việc nhận đồ khiến Phật tử phiền lòng
Tôi biết có nhiều vị sư ở Việt Nam đi
khất thực theo lối “ẩn tu” kín đáo: họ chỉ đi trong khuôn viên chùa (tất nhiên
là ban truyền thông của chùa đã thông báo trước thời gian, địa điểm các thầy sẽ
đi khất thực lên mạng xã hội để Phật tử biết mà đến cúng dường cho đúng giờ). Những vị
sư này không có tâm phân biệt, họ nhận mọi thứ mà Phật tử cúng, nếu họ cầm
không hết thì chuyền cho đệ tử đi cùng cầm giúp.
Ngược lại, ông Minh Tuệ không
nhận tiền mà chỉ nhận một lượng đồ chay đủ dùng cho một bữa ăn duy nhất trong
ngày. Chính vì việc này mà ông Minh Tuệ bị một số người chỉ trích là đã tu theo
Phật rồi mà còn giữ cái tâm phân biệt. Không những thế, có những người mang đồ
chay đến cho ông mà ông không nhận, có nài nỉ mấy ông cũng không nhận, vì hôm
đó ông đã thọ thực rồi.
Theo quan điểm chủ quan của tôi,
những ai nài nỉ ông nhận thêm đồ chính là đang dùng cái tâm tham phước đức của
mình để phá cái hạnh tu của ông.
5. Ông Minh Tuệ tổn phước vì
khiến người ta cãi nhau vì pháp tu của ông
Có một sư thầy cho rằng “mình tu
mà khiến người ta cãi nhau là mình tổn phước”.
Phật nói có tám vạn bốn ngàn
pháp tu, tôi không rõ trong đó có pháp nào tu theo “miệng đời” hay không, chỉ
biết rằng điều ngu ngốc nhất là cố làm vừa lòng tất cả mọi người.
Tu là sửa mình để bớt
tham-sân-si, nhưng nhiều vị sư hiện nay, họ sửa mình cho khớp với cái
tham-sân-si của thiên hạ để dĩ hòa vi quý, để vuốt ve cái tâm tham và tâm si
của Phật tử, để Phật tử vui vẻ mang tài vật tới cúng chùa thật nhiều. Tôi không
nói họ tu sai hay tu hú, mà là “tu dữ chưa”.
6. Ông Minh Tuệ tu ích kỷ, chỉ
tu cho mình
Ông Minh Tuệ xưng “con” với tất cả mọi người. Ông không
nhận mình là sư hay thầy của ai nên ông không có trách nhiệm hoằng dương đạo
pháp. Theo hiểu biết thiển cận của tôi, khi Đức Phật chưa giác ngộ, ngài không
hoằng pháp cho ai cả. Làm sao Phật có thể dạy cho người khác về từ bi hỷ xả, vô
ngã, vị tha… nếu tâm ngài chưa đạt đến trạng thái đó? Ngày nay, có rất nhiều sư
thầy đã dạy cho người khác làm điều đó. Liệu họ có thực hành thứ đạo lý mà họ
giảng hay không thì mọi người có thể tự quan sát và rút ra câu trả lời. Nhưng
tôi tin rằng người ta không thể cho thứ mà họ không có.
7. Ông Minh Tuệ tu ép xác nghĩa
là đi sai con đường trung đạo của Phật
Có người hỏi ông Minh Tuệ rằng
sao thầy có thể ngồi được lâu như vậy (ý hỏi rằng sao ông có thể thực hiện được
hạnh ngủ ngồi suốt cả đêm).
Ông đáp rằng người đã xả đi
nhiều phiền não thì mới ngồi được lâu, còn người nào trong lòng vẫn còn nhiều
phiền não mà cố ngồi thì sẽ thành ép xác.
Trong chuyến hành trình của ông
Minh Tuệ, có một số vị sư đã tháp tùng cùng ông, nhưng họ không theo được tới
cùng. Trong một clip trên mạng, tôi thấy có một vị sư trẻ đi chân đất cùng ông
được một ngày thì chân đã phồng rộp, không theo được nữa, riêng ông Minh Tuệ
thì chân vẫn bước thoăn thoắt, miệng vẫn mỉm cười.
Trên khuôn mặt ông không hề có
vẻ đau đớn cực khổ một người đang bị “ép
xác”.
Khái niệm “ép xác” hay “trung đạo”
rất mơ hồ và tương đối. Đối với tôi, máy lạnh chỉnh 30 độ là vừa phải, còn với
người bạn đồng nghiệp là 28 độ.
Đối với người có mức thu nhập
bèo bọt như tôi thì đi xe máy là trung đạo, còn đối với những sư thầy vang danh
thiên hạ có hàng trăm tỉ trong tài khoản ngân hàng thì đi Mec hay Audi là trung
đạo.
Đối với người bình thường thì
hạnh ngủ ngồi là một cực hình, còn đối với ông Minh Tuệ thì việc đó không khó.
Trung đạo không hề có tiêu chuẩn. Ai cũng có thể tự cho mình là sống trung đạo.
Không thể đem cái trung đạo của người này áp đặt lên người kia rồi phán xét
người kia là khổ hạnh, ép xác.
*
Cá nhân tôi có cái nhìn rất tích
cực về ông Minh Tuệ, hình ảnh của ông đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều khi
thực hành tâm nhẫn trong công việc.
Một người “tập học” theo Đức Phật, chưa làm gì lỗi đạo thì đáng được tán thán,
chứ không đáng bị gọi là “thằng ba trợn”
(như một vị “nhân tài đất Việt thời kỳ
hội nhập quốc tế” đã gọi).
Nhờ những Youtuber và đoàn Phật
tử đã đi theo ông Minh Tuệ suốt ngày đêm mà người ta biết được ông tu tinh tấn
cỡ nào. Trước đây, tôi không tin có người thực hiện được hạnh ngủ ngồi suốt
nhiều ngày liền và cho rằng đó chỉ là chuyện bịa ở trong kinh. Giờ đây, điều đó
đã có người làm được một cách nhẹ nhàng.
Trước đây, người ta chỉ nghe
giảng về buông xả, vô ngã qua miệng các nhà sư, thì giờ đây bỗng có người “dám”
đem điều đó ra thực hành, cả xã hội ồ lên nhận ra thế nào là “thực hành”, và
bọn tu mõm thì nhảy sồn sồn. Nhờ có ngắn, người ta mới biết thế nào là dài. Nhờ
có bầu trời đêm, người ta mới thấy được các vì sao. Nhờ có bọn tu mõm, người ta
mới biết được thế nào là một người “tập
học” theo Phật.
Tôi hiểu chữ “thực” trong câu “Có thực mới vực được đạo” có nghĩa là “thực hành”. Phật pháp bị mạt
phải chăng là do người ta mải rao giảng Phật pháp mà không chịu thực hành. Theo
tôi, chỉ có thực hành đạo pháp mới mong vực dậy được đạo pháp.
Có người cho rằng cái hạnh của
mỗi người mỗi khác, có thầy chọn hạnh thuyết pháp thì cả cuộc đời thầy chỉ
chuyên tâm dành cho thuyết pháp thôi (chứ không thực hành), có người chọn hạnh
hành pháp thì cuộc đời họ chuyên tâm hành pháp.
Tôi không đồng tình với quan
điểm này, vì nếu có quá nhiều nhà “tu” theo hạnh “thuyết pháp” (như bây giờ)
thì đến một lúc nào đó người ta sẽ đánh đồng thầy chùa với thầy Huấn.
Thành ngữ có câu “Tấm áo cà sa làm nên ông thầy tu”.
Hiện nay, ngay cả những vị mặc
áo cà sa kiếm được cho mình một tờ A4 có đóng mộc đỏ của giáo hội (TU HỢP
PHÁP), làm trụ trì mười cái chùa cũng chưa chắc là thầy tu thật sự.
Tu là điều cần “thực hành” chứ
không cần cái mộc của giáo hội hay một trang facebook có tick xanh xác nhận.
Tóm lại, tôi viết bài này không
mong thay đổi bất kỳ ai, mà chỉ vì ngứa mồm nên phải nói, bởi đời ai người nấy
quyết, tôi có quyền gì mà can thiệp.
Có người chọn tu theo con đường
trung đạo, có người chọn tu theo con đường âm đạo.
Dù sao cũng chúc mọi người hạnh
phúc và tinh tấn với con đường mà mình đã chọn.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
chăm sóc sức khỏe0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời tham khảo
THÍCH CHÂN QUANG, TÊN THẦY CHÙA PHẢN QUỐC:
Vũ Quế Lâm giới thiệu
Tác giả: Thái Đức Phương - nguồn: hay1.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét