BÀN VỀ VIỆC LÀM LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA VƯƠNG TẤN VIỆT - Tác giả: Bùi Xuân Đính (Hà Nội)

Leave a Comment



BÀN VỀ VIỆC LÀM LUẬN ÁN TIẾN SĨ

CỦA VƯƠNG TẤN VIỆT

*

(Tác giả Bùi Xuân Đính)

Mấy ngày nay, mạng xã hội dậy sóng vì “Hiện tượng Tiến sĩ VƯƠNG TẤN VIỆT”. Tôi đang ở Huế thực hiện một số công việc, khá bận rộn, nên chỉ theo dõi (không thường xuyên) và có một số bình luận hơi ‘mạnh khẩu”. Hôm nay, về Hà Nội, mới có điều kiện tham gia bàn luận, với tư cách vừa là một cán bộ nghiên cứu có nhiều cuốn sách được bạn đọc, trong đó có cả giới Luật học biết đến; vừa là người từng hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh và hơn 30 học viên cao học đã bảo vệ luận án, luận văn.

Tôi nói ra không phải để khoe khoang, mà để cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh. Trường Đại học Luật Hà Nội và lãnh đạo nhà trường, tất cả các vị sư, sĩ có liên quan đến quá trình học tập chương trình nghiên cứu sinh, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh VƯƠNG TẤN VIỆT thấy được tính chất nghiêm trọng đã xảy ra ở cơ sở đào tạo của các vị, để các vị dũng cảm nhận ra lỗi của mình, đặng sửa chữa để không còn mắc phải điều mà tôi cho rằng là tồi tệ nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam, xưa cũng như nay. Đây là tiếng nói của một nhà nghiên cứu, nhà giáo có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm cẩn trong công việc đào tạo: tôi đã từng đánh đổ chuyên đề Tổng quan của một nghiên cứu sinh vì anh này copy gần như nguyên văn chuyên đề của một nguời khác, mặc dù, chủ tịch và thư ký hội đồng khuyên và đề nghị tôi “cho qua”, nhưng tôi kiên quyết chối từ. Tôi cũng từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thẩm định một luận án đã được bảo vệ ở cấp cuối cùng và tôi đã “đánh đổ”, vì nghiên cứu sinh bịa tài liệu, đạo văn, luận án không làm nổi, làm rõ được chìa khóa của vấn đề luận án).

A. Trước hết, cứ cho là nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có đầu vào “hợp luật và hợp lệ” theo quan điểm của Trường Đại học Luật Hà Nội thì không thể có chuyện chỉ sau hơn 2 năm một chút, anh chàng này đã bảo vệ được luận án, vì 2 lý do:

1. Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt là cử nhân, theo quy định phải 4 năm mới hết chương trình học tập (nói chung), nhưng hơn 2 năm đã “hoàn thành mọi phần việc”. Đây là cái sai đầu tiền, là sự vi phạm đầu tiên quy chế đào tạo, sự phạm luật đầu tiên của cơ sở đào tạo trường Đại học Luật Hà Nội, nếu không đưa ra được lời giải đáp "hợp luật, đúng quy chế".

2. Thực tế ở một số cơ sở đào tạo, có một số nghiên cứu sinh hoàn thành luận án trước thời hạn, song để được bảo vệ, không hề đơn giản, phải qua rất nhiều thủ tục và chờ đợi nhiều thời gian. Tôi cũng có một nghiên cứu sinh (là cử nhân đi học), được 3 năm 8 tháng, em hoàn thành luận án (sau khi đã có phản biện độc lập đồng ý cho bảo vệ), em làm đơn xin bảo vệ trước thời hạn nhưng không được cơ sở đào tạo chấp nhận, nên “đủ ngày, đủ tháng”, luận án của em mới được đưa ra bảo vệ. Không hiểu cơ sở đào tạo trường Đại học Luật Hà Nộ dựa vào quy chế nào để cho Vương Tấn Việt bảo vệ trước gần một nửa thời gian học tập? Đề nghị cơ sở đào tạo trường Đại học Luật Hà Nội trả lời và Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra làm rõ.

B. Quá trình học tập, viết và bảo vệ luận án của một nghiên cứu sinh gồm rất nhiều công đoạn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra làm rõ nghiên cứu sinh. Vương Tấn Việt có thực hiện đủ và đúng các bước, các công đoạn sau đây:

1. Học tập các môn học nghiên cứu sinh, người đi học nếu vắng 3 buổi trở lên cho một môn học thì phải học lại mới được thi hết môn. Cho dù nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt "học online”, thì cũng cần xem lại các băng ghi hình xem nghiên cứu sinh. có học đủ các môn học không, ai dạy môn học nào, dạy ngày nào, thi môn học ngày nào, đề thi ra sao, bài thi của các nghiên cứu sinh phải lưu và điểm như thế nào, ai chấm, có quyết định thành lập hội đồng chấm bài thi môn học không?.Nếu học thiếu một môn nào đó, coi như không đủ điều kiện xét công nhận hoàn thành chương trình học tập để có thể bảo vệ luận án sau này.

2. Hoàn thành các chuyên đề nghiên cứu sinh: không biết ở ngành luật ra sao, còn ở các ngành lịch sử - văn hóa, nghiên cứu sinh phải viết 4 chuyên đề (mỗi chuyên đề từ 25- 30 trang), gồm 1 chuyên đề Tổng quan (lý thuyết, phương pháp…liên quan đến việc thực hiện đề tài luận án) và 3 chuyên đề có liên quan đến “hồn cốt’ của luận án. Phải bảo vệ thành công chuyên đề Tổng quan rồi mới được bảo vệ 3 chuyên đề còn lại, có cơ sở đào tạo còn quy định thời gian bảo vệ 3 chuyên đề phải sau chuyên đề Tổng quan một tháng hoặc nhiều hơn). Đề nghị thanh tra xem nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có hoàn thành đủ 4 chuyên đề không, có quyết định Hội đồng chấm chuyên đề không (ngày ra quyết định, người ký, thành phần của hội đồng, điểm cho mỗi chuyên đề, biên bản của hội đồng chấm chuyên đề), thời gian bảo vệ chuyên đề cách nhau bao nhiêu lâu?

3. Sau khi hoàn thành luận án, nghiên cứu sinh phải trải qua 3 lần bảo vệ.

Lần 1: ở tổ bộ môn liên quan đến luận án của nghiên cứu sinh. Đề nghị thanh tra xem nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có qua khâu này không, nếu có thì phải có đầy đủ các giấy tờ, văn bản (đơn xin bảo vệ của nghiên cứu sinh, ý kiến của giáo viên hướng dẫn, quyết định thành lập hội đồng, biên bản buổi bảo vệ, nhất là các ý kiến đóng góp về các hạn chế của luận án, cần phải bổ sung, sửa chữa. Để được bảo vệ luận án lần 1 này, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 bài báo liên quan đến nội dung luận án, đăng trên các tạp chí chuyên ngành tính điểm theo quy định. Đề nghị thanh tra xem hồ sơ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có đủ các thủ tục này không.

Lần 2: bảo vệ luận án câp cơ sở. Đề nghị thanh tra lại các văn bản, giấy tờ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, như lần bảo vệ ở tổ bộ môn nêu trên.

Sau đó, nghiên cứu sinh sửa chữa luận án theo ý kiến đóng góp của hội đồng. Nhiêu cơ sở đào tạo còn yêu cầu nghiên cứu sinh phải chuyển luận án đã sửa chữa (gắn với bản giải trình) cho các thành viên ở Hội đồng bảo vệ luận án cấp cơ sở xác nhận đã sửa chữa, bổ sung luận án (trong đó, nhiều thầy rất quan tâm đến ý kiến góp ý của mình có được nghiên cứu sinh có tiếp thu hay không, nếu không thì không ký xác nhận, nên nhiều nghiên cứu sinh rất ‘vất vả” ở khâu này. Các nhận xét này rất đa chiều, thậm chí trái chiều, khiến nghiên cứu sinh rất "đau đầu", nên thời hạn 6 tháng không đủ để nghiên cứu sinh sửa chữa luận án. Nhiều nghiên cứu sinh đã “bỏ cuộc chơi” ở khâu này.

Sau khi sửa chữa luận án, nghiên cứu sinh nộp luận án có xác nhận của giáo viên hướng dẫn, luận án được chuyển đến hai người phản biện độc lập (còn gọi là “phản biện kín”). không rõ những người phản biện kín luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt ra sao, nhưng tôi đề nghị thanh tra lại quá trình ‘phản biện kín này: ai phản biện, chuyên môn có phù hợp với đề tài luận án không? Ngày nhận luận án? Ngày trả nhận xét (hạn tối đa là một tháng, nhưng khó có việc chỉ trong vài ngày đã hoàn thành), ý kiến nhận xét của người phản biện kín (nhiều người thận trọng,‘khó tính’, bắt nghiên cứu sinh phải gửi lại bản luận án đã sửa chữa sau khi có nhận xét.

Lần 3: bảo vệ chính thức (thời chúng tôi là “bảo vệ cấp nhà nước”, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định, về sau, cơ sở đào tạo ra quyết định, nên gọi là cấp trường/ cấp đại học hoặc học viện, viện). Nghiên cứu sinh phải có đơn xin bảo vệ luận án cấp cao nhất, với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Sau khi có quyết định của cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh phải đăng thông tin bảo vệ luận án trên báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân hoặc một tờ báo có uy tín ở địa phương. Sau khi có “công báo” ít nhất 10 ngày (thời chúng tôi là 1 tháng), mới được tổ chức buổi bảo vệ chính thức.

Đề nghị thanh tra xem việc bảo vệ luận án “cấp chính thức’ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có làm đúng các thủ tục, các trình tự như trên hay không. Cũng cần thanh tra lại biên bản của phiên họp hội đồng, để xem ý kiến của các thành viên ra sao.

Sau khi bảo vệ xong, nghiên cứu sinh. còn phải làm nhiệm vụ sửa chữa luận án theo kết luận của hội đồng, để luận án được coi là chính thức, nộp vào Thư viện Quốc gia và trình lên cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận học vị tiến sĩ. Trong số các luận án đã trình lên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn “ngẫu nhiên” 30% để mời các chuyên gia thẩm định (tôi có 6 lần được giao thẩm định, trong đó có luận án tôi đã ‘đánh đổ” - như đã nêu ở trên. Có luận án được đánh giá xuất sắc, khen hết lời (trong biên bản hội đồng), nhưng tôi chỉ cho là “rất bình thường” (đương nhiên là tôi chỉ ra đúng cái yếu kém của luận án).

Thưa cộng đồng Facebook! Những điều tôi viết trên đây theo tinh thần chung của quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có thể khác biệt đôi chút ở các cơ sở đào tạo thuộc các ngành khác nhau. Tôi viết dài như vậy (có lẽ vẫn còn thiếu) để thấy được, để hoàn thành chương trình học nghiên cứu sinh, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ không hế đơn giản, “nhanh gọn’, rất nhiều nghiên cứu sinh không bảo vệ đúng hạn, phải ra hạn, thậm chí có nghiên cứu sinh sau 7 năm không bảo vệ được luận án, bị cơ sở đào tạo “trả về”. Ấy vậy mà, Vương Tấn Việt ở tuổi 60, đã hoàn thành luận án trước nửa thời gian (!?). Tôi dám chắc, có sự “tắt mắt” ở đây, với lỗi không chỉ do nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, mà còn ở người hướng dẫn, trưởng cơ sở đào tạo, các thành viên trong hội đồng chấm chuyên đề, hội đồng chấm luận án cấp cơ sở, những người phản biện độc lập, hội đồng bảo vệ luận án chính thức (cấp trường). Nói chung là ‘tắt mắt” có hệ thống! Mấy ngày qua, mạng xã hội, báo chí đã chỉ ra đấy là một sự sai phạm rất nghiêm trọng, cùng với sự mất tư thế, tư cách của một số người có trách nhiệm đã làm ô danh một ngôi trường đào tạo cán bộ ngành Luật có 45 năm xây dựng và phát triển, xúc phạm đến các vị lãnh đạo tiền bối có công xây dựng và phát triển trường, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm những nhà giáo chân chính của trường, lầm mất uy tín và gây hoang mang cho hàng nghìn sinh viên đang theo học.

Tôi đề nghị:

- Hủy bỏ bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra toàn diện quá trình học tập, làm và bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt theo các bước của quy chế đào tạo.

Nếu đúng là sai phạm nghiêm trọng, tôi đề nghị: Bộ Tư pháp cách chức hiệu trưởng trong thời gian có nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt học tập và làm luận án tại trường (nếu không còn tại chức nữa thì kỷ luật “xóa tư cách hiệu trưởng nhiệm kỳ ….”; kỷ luật tất cả các vị có chân trong hội đồng chấm chuyên đề, hội đồng chấm luận án cấp cơ sở, những người phản biện độc lập, hội đồng bảo vệ luận án chính thức (cấp trường); đặc biệt kỷ luật nặng tập thể giáo viên hướng dẫn, những người phản biện độc lập, vì đã cho qua một luận án “dỏm”, góp phần cho “xuất xưởng” một tiến sĩ rởm, gây phẫn nộ dư luận, có thể coi là ‘tội lừa dối khách hàng”. Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều ra rõ sự trạng để truy tố, đưa ra xét xử, để làm gương cho những kẻ khác. Lịch sử khoa cử nước ta thời phong kiến có ba vụ quan trường vì gian lận mà bị cách chức, bị tù, thậm chí có người chịu tội ”giảo” (thắt cổ cho chết). Tôi sẽ đăng các câu chuyện này vài ngày tới.

---------

P/s; Tôi viết còn thiếu một phần việc nữa: trước khi bảo vệ chính thức, nghiên cứu sinh phải lấy đủ 20 nhận xét của các nhà khoa học chuyên ngành, 3 cơ quan. Không biết, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có thực hiện bước này không? Có người bảo: từ năm 2019, các nghiên cứu sinh không phải thực hiện việc này, song con gái tôi mới bảo vệ tháng 1/2024 vẫn phải thực hiện đấy mà việc này rất mất thì giờ (bản nhận xét pải có chữ ký tươi và con dấu cơ quan xác nhận), vì các nhà khoa học đều bận, lại ở xa. Không rõ, nghiên cứu sinh Vương Tấn có phải thực hiện công đoạn này không, nếu không thì vì sao và nếu có thì làm thế nào mà lấy được các nhận xét giữa thời Covid hoành hành?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Bùi Việt Thắng0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Thu Hương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

BÙI XUÂN ĐÍNH

Địa chỉ: Viện Dân Tộc Học Việt Nam, số 1

phố Liễu Giai, quận Ba Đình, tp Hà Nội.

Email: buixuandinh.dth@mail.com.

Điện thoại: 097.378.62.03

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenvan1232123@gmail.com ngày 29.06.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét