NHÀ NGHIÊN CỨU & PHÊ BÌNH
VĂN HỌC
THÁI DOÃN HIỂU - NGƯỜI TÁI SINH
THƠ TÔI
Với nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu
tôi coi như người Anh của mình. Trong bài này được nhà nghiên cứu cho phép, tôi
xin dùng đại từ “Anh” để viết những gì tôi biết về Anh.
Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần
nông, đông con ở vùng nhiều đồi núi. Cha cho đi học vì thương con gái sức vóc
mảnh mai – ông muốn con gái kiếm được nghề dậy học để thoát khỏi nghề nông vất
vả. Việc học của tôi vô cùng gian nan thiếu thốn nhưng do ham học, nhất là môn
văn nên đã trở thành học sinh giỏi văn nhất nhì của trường. Tôi vẫn nhớ như in
những con số 4+ và 5 thật to mà thầy tôi đã điểm cho những bài văn của tôi
(thời đó điểm cao nhất là 5) và những giờ thầy đọc những bài văn đó trên lớp trong
không khí im lặng đến cảm động.
Tình yêu văn thơ theo suốt dù tôi là cán bộ
khoa học. Tuy vậy khi ra được tập thơ đầu tay GÓT CHÂN TRẦN (Nhà xuất bản Thanh
Niên năm 1992) thì sức viết của tôi như chậm lại. Nguyên nhân thì nhiều nhưng
chủ yếu là do phải lo toan đến cuộc sống gia đình. Một hôm khoảng 8/1995 trong
cơ quan Viện Đo Lường của tôi, tôi nhận được lá thư từ Sài Gòn gửi đến. Mở xem
và gặp hai cái tên khá xa lạ với tôi: Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên. Nội dung
thư Anh thông báo tôi có hai bài thơ được tuyển chọn trong THƠ TÌNH BỐN PHƯƠNG
của anh chị. Anh nói Anh sẽ gửi một cuốn tặng và mua giúp Anh hai cuốn để bù
vào chi phí cho việc ra sách. Tôi vui lắm đã viết thư cảm ơn Anh và xin chỉ có
thể mua được một cuốn thôi. không biết lá thư đó tôi có gửi không và bẵng đi do
công việc hàng ngày.
Năm 1998 tôi có tham gia thi thơ Lục Bát do
báo Giáo dục & Thời đại phát động. Kết quả một bài thơ của tôi (Đơn Phương)
được vào chung khảo đứng cùng 92 bài, tuyển chọn từ 32.862 bài thơ gửi đến báo.
Lại được mời dự buổi tổng kết phát thưởng tại Khách sạn Bảo Sơn Hà
Nội. Hôm đó tôi đã được gặp những nhà thơ lớn là cụ Tố Hữu, nhà thơ
Nguyễn Bùi Vợi - chủ biên của cuộc thi... Niềm vui đó vẫn không đủ thuyết
phục để tôi tiếp tục với nghiệp thơ đầy đam mê của mình bởi “Nhọc nhằn riêng một miếng cơm / Tảo tần
khuya sớm mong đơm được đầy” (Tự Bạch) và tôi đã bỏ…Thơ cho dù đôi lúc gặp
xúc cảm viết được vài câu rồi để lửng. Gần 15 năm trôi đi, cuối năm 2010 khi
tuổi đời đã “toan về già” có lúc thư thái ngồi lần giở những trang cũ và bắt
gặp lá thư của Anh nhận được từ 1995. Tôi chợt nhớ là chưa nhận được sách tặng
và lục tim địa chỉ để gọi cho Anh nhưng Anh đã chuyển chỗ ở.. Thất vọng thật sự.
Linh cảm mách bảo tôi gọi điện đến báo Văn Nghệ - địa chỉ ở Sài Gòn và vui mừng
nghe được tiếng nói nhẹ nhàng của một phụ nữ cho tôi biết địa chỉ của Anh. Thật
cảm động và vui làm sao khi Anh điện thoại ra (phải, lần đầu tiên tôi nghe thấy
tiếng Anh - tiếng của người xứ Nghệ). Tôi thông tin Anh biết là tôi đã bỏ thơ
giờ muốn hỏi Anh còn THƠ TÌNH BỐN PHƯƠNG thì xin Anh cho mua từ năm đến mười
cuốn. Chỉ vậy. Anh động viên tôi đừng bỏ thơ và tết đó Anh gửi sách tặng như đã
hứa còn gửi thêm tôi cuốn THƠ TỨ TUYỆT VIỆT NAM của Anh chị (cả hai cuốn đều
dầy cộp và nặng trịch). Nhận được sách tôi điện vào cảm ơn Anh và phát biểu cảm
tưởng: Sách của Anh dầy và nặng thế nhưng sức nặng ở nội dung của nó còn gấp
nhiều lần. Mỗi lần Anh em điện thoại nói chuyện Anh đều nhắc tôi đừng bỏ thơ.
Tôi nghe Anh đã chỉnh sửa một số bài đang để lửng gửi đến cuộc thi thơ Lục Bát
(lại là Lục Bát) của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và rồi NGƯỜI XƯA đã được đăng
trên mặt báo số 728 (7-2011). Tôi mừng quá mail đến Anh để “khoe”. Anh phúc đáp
ngay “Bài hay, Chúc rất biết khắc họa điển hình hóa tính cách nhân vật. Anh đã
bảo mà, vậy mà bỏ hoang một thi tài như thế, uổng không?”. Tôi rưng rưng bởi
lời khen của Anh. “Thi tài” thì tôi không dám nhưng “bỏ hoang” thì tôi đã bỏ
gần 20 năm rồi. Anh vừa trải qua một trận ốm “Thập tử nhất sinh”. Tôi xa xót và
chỉ còn cách tự hứa sẽ chỉnh sửa những bài thơ còn đang để lửng.
Không lâu sau đó tôi lại nói chuyện với Anh
là có ý định ra tập thơ mới gồm các bài lục bát tôi đã làm từ trước tới nay.
Anh tán thành động viên tôi hãy tiến hành đi. Tôi rất muốn Anh viết cho mấy câu
để tôi đưa vào đầu sách nhưng thật ngại ngùng đề cập bởi tôi biết Anh đang là
nhà nghiên cứu phê bình, biên khảo, biên soạn Văn học… khá nổi tiếng mà tôi lại
chả có danh gì, mới chỉ có mấy bài thơ chủ yếu là viết để cho mình đọc. Nhưng
rồi tôi đánh liều rụt rè nói ý nguyện đó với Anh. không ngờ Anh vui vẻ nhận
lời. Anh còn nói là Anh sẽ viết cái TỰA nho nhỏ cho tập thơ của em. Tôi vui đến
mức nào nhưng biết Anh đang ốm, phải cố gắng chống chọi với bệnh tật hàng ngày.
Nghĩ thế nên tôi băn khoăn: biết đâu vì cái bài TỰA cho tôi Anh sẽ ốm thêm. Thế
là tôi im lặng suy nghĩ không biết có nên tiếp tục không? Ít ngày sau cả anh và
chị đều gọi điện thoại ra hỏi sao không thấy gửi bài vào? Tôi thăm dò qua chị
để biết sức khỏe Anh. Chị cười bảo sức khỏe anh Hiểu ổn dịnh. Thế là tôi yên
tâm gửi tập thơ đó cho Anh. Đọc xong Anh còn hứa sẽ chỉnh sửa một số lỗi trong
bài cho tôi nữa. Rất nhanh sau đó tôi nhận được bài TỰA của Anh. Đọc bài TỰA
tôi rưng rưng vì nhiều lẽ, tôi mail cảm ơn Anh và nói ra những xúc cảm của mình.
Anh an ủi tôi “anh khỏe và ổn mà em. Đừng băn khoăn gì cả. Giúp em được chút
việc là anh hạnh phúc còn gì bằng”. Sau đó tôi lại nhờ Anh giúp tôi nói với nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa và trình bày sách. Thế là qua Anh tôi đã được gặp
nhà thơ - một người khá chân tình và sẵn lòng giúp tôi. Cũng rất nhanh, con
người tài hoa này đã trình bày cho tập thơ của tôi LỤC BÁT DÂNG TẶNG NGƯỜI XƯA
cái bìa thật đẹp, thật ý nghĩa và cũng thật ấn tượng. Nhà thơ còn viết cho tập
thơ LỜI BẠT mà bạn bè tôi có người xúc động đọc nó đến thuộc lòng. Tiếp đó là
các anh chị ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn giúp đỡ cho in ấn nhanh kịp ra trước
ngày rằm tháng riêng (Ngày Thơ Việt Nam), để tôi có sách tặng. Phải nói là tôi
đã xúc động thế nào khi nhận được tập thơ hoàn chỉnh. Sau hai mươi năm tôi mới
ra được tập thơ mới này. Đã tưởng không thể nào có được mà giờ hiển hiện trước
mắt tôi: đẹp và trang trọng nữa chứ. Đêm đó tôi ngồi mail cho anh và tôi khóc:
“Nếu như không có sự động viên giúp đỡ
của Anh thì những vần thơ này của em sẽ theo em xuống mồ thôi”, Rồi những
ngày đáng nhớ của tôi tiếp tiếp diễn ra. các cuộc điện thoại chúc mừng bày tỏ
cảm tưởng của bạn bè người thân gọi đến. Nhiều người còn làm thơ phụ họa những
bài những câu họ thích. một số doanh nhân mà tôi thường giúp đỡ họ hàng ngày (phiên
dịch tiếng Hàn Quốc) còn tặng cả tài chính - nói là để bác in thơ …
Dịp sau tết 2012 tôi sắp xếp công việc để
vào thăm Anh chị cũng là để TẠ Anh. Được thông tin ngày tháng tôi vào thăm, Anh
gửi ngay cho tôi thư mời bạn hữu của Anh ở Sài Gòn đến tư gia Anh chị nhân dịp “Đồng
Thị Chúc hành phương nam”. Xem thư mời với những cái tên khi đọc lên tôi RUN và
thực sự CHOÁNG bởi bạn Anh toàn các Tiến sĩ, giáo sư kỳ cựu như Nhà giáo Nhân
dân, Tiến sỹ y khoa Nguyễn Huy Dung nguyên phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giáo
sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng - người đã từng đào tạo trên 50 Tiến sĩ khoa học
và còn các tiến sĩ các nhà thơ nhà văn khác cũng đều là những người có các
công trình đáng nể. Tôi biết các anh đến là nể trọng Anh chứ tôi - Đồng Thị
Chúc, cái tên lạ hoắc ấy… kể gì. Nhưng cuộc gặp mặt hôm đó thật vui. Tất cả đều
như trẻ nhỏ, rộn ràng trong thơ và ca…Thật đáng nhớ.
Tôi biết Anh đã cho ra mắt những công trình
nghiên cứu Văn học đồ sộ. Có những công trình Văn học của Anh đã trở thành tài
liệu quý cho những ai cần tham khảo. Tôi cũng biết Anh là tác giả của Thi
Nhân Việt Nam Hiện Đại, Anh viết về hơn một trăm gương mặt các nhà thơ
Việt Nam. Anh đã hoàn chỉnh đang GÓI và CẤT. Anh vẫn còn hàng nghìn trang sách
chưa ra lò và một số công trình đang viết dở. Với sức khỏe như hiện nay liệu
Anh có kham được không?
Thay cho lời kết bài tâm sự này tôi xin
được chép hai câu cuối của bài thơ lục bát tôi viết kính tặng Anh - Nhà nghiên
cứu văn học Thái Doãn Hiểu:
Sương
mai dù trắng mái đầu
Vầng
dương đang tỏa muôn mầu sáng trong.
(Ảnh minh họa, trái sang phải: Thái Doãn Hiểu, Trương Nam
Hương, Trần Huyền Nhung, Nguyễn Trọng Tạo, Giáng Tiên, Trần Mạnh Hảo, Phương Hà
- Ảnh: Lê Minh.)
- Các bài viết của
(về) tác giả Đồng Thị Chúc0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Anh Tuyến0
- Các bài viết của
(về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trịnh Thị Nhâm0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đăng Khoa0
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời
nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Hà Nội, 28 tháng 5.2012
ĐỒNG THỊ CHÚC
Địa chỉ: 371/9 Kim Mã, 56 Tập thể Đường Săt,
Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Email: chucdt11@gmail.com
Điện thoại: 091.222.40.57
.
........................................................................................
- Cập nhật từ email: chucdt11@gmail.com
gửi ngày 17.07.2024.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết
được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
0 comments:
Đăng nhận xét