AI 'THÙ HẬN' HỘI NHÀ VĂN? VÀ... CHUYỆN 'TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC' - Tác giả: Cao Minh ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 



AI “THÙ HẬN” HỘI NHÀ VĂN?

VÀ... CHUYỆN “TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC”

 

AI “THÙ HẬN” HỘI NHÀ VĂN?

Đã định không viết về Hội Nhà văn nữa. Nhưng trên trang vanvn.vn – website chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam đăng bài “Tấn công” Hội Nhà văn Việt Nam, thù hận hay đố kỵ?” khiến tôi không thể im lặng. Bài viết trên Vanv.vn khẳng định: “Người ta dễ dàng cảm nhận được trong đó mùi vị thù hận hằn học và đố kỵ”. Ai đã thù hận? Ai đố kị với Hội Nhà văn Việt Nam? Tôi không cần biết, riêng tôi, từ lâu đã không còn tôn trọng những người đứng đầu “Ngôi đền thiêng” này. Từ thời ông Hữu Thỉnh làm Chủ tịch hội (20 năm liền), tôi đã viết và đăng nhiều bài của tác giả khác trên trang “Sáng tạo Việt Nam” phê phán sự thiếu minh bạch trong việc kết nạp hội viên mới và trao giải thưởng hàng năm. Đó là các bài: “Bịch mắm tép ném vào Hội Nhà văn” (tóm tắt tiểu luận “trò chuyện với hoa thủy tiên” của Nguyễn Huy Thiệp); “Những người lảng vản ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu” (hình như bài này của bác Trần Nhương kể về nạn “cò” mùa kết nạp hội viên); “Chuyện vào Hội Nhà văn” (câu chuyện rất tục của Nguyễn Quang Lập); “Giải thưởng văn học nghệ thuật vinh danh ai” v.v.?

Đến thời ông Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch, theo dõi những công việc của Hội đầu nhiệm kì như cải tạo trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu; đập phá, xây mới nhà số 65 Nguyễn Du nguy nga; Tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ .v.v. Tôi tin, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đổi mới, khác thời ông Thỉnh. Khi đó, tôi đã cho phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thiều đăng trên Tạp chí Lao động Sáng tạo do tôi làm chủ bút. Trong đó, ông Thiều đã nêu nhiều ý tưởng chấn hưng nền văn học nước nhà.

Nhưng đến bây giờ, sắp hết nhiệm kì, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đứng đầu là ông Nguyễn Quang Thiều không làm được gì nhiều so với thời ông Thỉnh. Những sự kiện văn nghệ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức như “Ngày thơ Việt Nam” thua xa về quy mô và giá trị nhân văn những sự kiện do Câu Lạc bộ quần chúng tổ chức (tôi đã viết bài “đọ”với Hội Nhà văn”).

Trong khi đó, những tai tiếng trong công tác tổ chức cán bộ; về kết nạp hội viên mới; về trao giải thưởng…còn tệ hơn thời ông Hữu Thỉnh. Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam bị “tấn công” nhiều mà không phải là hội khác ư? Thì đây, ta hãy so sánh Hội Nhà văn Việt Nam với các hội trong Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cùng hưởng ngân sách nhà nước:

1. Có hội nhiều trụ sở nguy nga như Hội Nhà văn Việt Nam?

2. Có hội nào nhiều cơ quan báo chí như Hội Nhà văn Việt Nam? Hiện tại, Hội Nhà văn Việt Nam có Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống và có cả ấn phẩm Đọc & Viết. Các ấn phẩm trên in xong cấp phát cho hội viên.

3. Ngôi nhà 65 Nguyễn Du, khi lập dự án có nhiều công năng nhưng thực chất là cơ quan của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, bán giấy phép với giá thắt cổ. Thử hỏi, các nhà xuất bản thuộc hội nghề nghiệp có được đặc ân như vậy không?

4. Nhà xuất bản Hội nhà văn được thực hiện nhiều dự án in sách cho các nhà văn lão thành với nguồn kinh phí nhà nước cấp khá lớn. Nhưng xin hỏi, các dự án ấy có tuân thủ theo Luật đấu thầu hay không?

5. Hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các trại sáng tác, hỗ trợ sáng tác. Thử hỏi, các hội viên, nhất là những nhà văn chân chính có được hưởng quyền lợi đó không?

…Một hội nghề nghiệp được hưởng đặc ân như vậy nhưng gần một nhiệm kì không có thành tựu nổi bật còn để lại rất nhiều tai tiếng. Trong đó, tai tiếng nhất là việc bổ nhiệm ông Lương Ngọc An làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & cuộc sống, đến nỗi, Chủ tịch Hội Nhà văn phải thu hồi quyết định. Việc trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới cũng nhiều chuyện đáng khả nghi, không khác gì thời ông Thỉnh. Trên nhiều trang mạng xã hội đã lên tiếng về sự khuất tất trong việc trao giải và kết nap hội viên mới năm 2024. Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam bất chấp quy định do Ban Chấp hành đề ra, bất chấp dư luận, trao giải thưởng cho các đại gia lắm tiền; kết nạp những hội viên thơ như…vè!. Đấy là những thông tin cần được kiểm chứng và làm rõ nhưng Ban Chấp hành hội này phớt lờ. Tại Đại hội Hội nhà văn khu vực Hà Nội mới diễn ra, nhà văn Lê Hoài Nam đề nghị: “Tất cả những đơn từ, ý kiến kiến nghị của hội viên cũng như của nhân dân, ban chấp hành cần phải giải quyết dứt điểm, công bố trước công luận trước khi tổ chức Đại hội Nhà văn toàn quốc, nhất là những vi phạm về nguyên tắc và quy chế mà do chính Ban Chấp hành đề ra. Chẳng hạn vi phạm nguyên tắc và quy chế kết nạp hội viên, vi phạm nguyên tắc và quy chế xét giải thưởng, vi phạm nguyên tắc và quy chế tổ chức cán bộ… Đó là những điều gây bức xúc nhiều nhất hiện nay”.

Một tổ chức hội nghề nghiệp được hưởng nhiều đặc ân mà luôn tai tiếng như vậy thì dư luận lên tiếng có gì ngạc nhiên? Sao có kẻ lại cho rằng, người viết bài nêu những bức xúc về Hội Nhà văn Việt Nam là “thù hận”?!

 

AI ĐỂ “LỌT LƯỚI” NHỮNG NGƯỜI LÀM VÈ VÀO “NGÔI ĐỀN THIÊNG”?

Trở lại bài viết “Tấn công” Hội Nhà văn Việt Nam, thù hận hay đố kỵ?". Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Hữu Quý nào đó viết: “Tôi thấy ai đó quả là rất vội vàng khi đánh đồng cho rằng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bất tài vô dụng”. Ông Quý hãy cho biết, ai đã “đánh đồng” như vậy? Ai dám coi thường những nhà văn chân chính, có tài? Tôi chưa thấy ai phủ nhận Hội Nhà văn dung nạp toàn những người bất tài cả. Riêng tôi, luôn kính trọng nhân cách và yêu quý tác phẩm của nhiều nhà nhà văn là hội viên. Tôi cũng biết rằng, nhiều nhà văn chân chính họ lặng lẽ viết, không màng danh lợi, thậm chí, họ chưa hề được dự trại sáng tác, chưa được hưởng tài trợ tác phẩm. Tuy nhiên, trong bài viết, ông Quý đã khẳng định: “Trong quá trình xét kết nạp hội viên có thể còn để lọt lưới một số người chưa xứng đáng nhưng trong Hội Nhà văn Việt Nam không quá thiếu những người tài”. Tôi hiểu, động từ “lọt lưới” là thoát khỏi vòng vây bắt, chẳng hạn, tên cướp đã lọt lưới. Nhưng khoan nói đến năng lực chuyên môn trong bài viết của ông Quý mà xét đến nội dung. Rõ ràng, ông Quý đã khẳng định, nhiều hội viên chất lượng thấp đã “lọt lưới” chui vào “Ngôi đền thiêng”. Quả thật, trên mạng đang lan truyền và diễu cợt nhiều bài thơ của hội viên mới được kết nạp như vè.

Vậy, ai để “lọt lưới” đưa những người làm vè vào Hội Nhà văn? Tôi được biết, để được vào Hội Nhà văn Việt Nam phải qua thủ tục và thẩm định chặt chẽ của hội đồng chuyên môn. Hội đồng chuyên môn đọc hết tác phẩm của ứng viên, làm việc công tâm minh bạch thông qua bỏ phiếu kín. Kết quả bỏ phiếu quá bán được lập danh sách kèm văn bản thông qua Ban Chấp hành. Ban Chấp hành nhất trí, Chủ tịch mới ra quyết định kết nạp. Với quy chế xét kết nạp chặt chẽ, ngặt nghèo như vậy nên nhiều người viết văn, làm thơ thành danh khắp cả nước nhưng hồ sơ xin vào hội nhiều năm, có người hàng chục năm vẫn chưa được kết nạp. Vậy, những người làm vè vì sao lại “lọt lưới?”. Hội đồng chuyên môn và Ban Chấp hành tắc trách hay vì những khuất tất? Ai “hận thù” các ông? Các ông “làm ăn” như thế thì dân chúng họ khinh thường, chế diễu chứ ai “hận thù” các ông! Từ lâu, người ta đã làm vè thế này:

Ghét nhau chung chiếu không ngồi

Chung chăn không đắp, chung nồi không ăn

Chỉ riêng cái Hội Nhà văn

Ghét nhau như chó vẫn lăn lưng vào...”.

 

SAU ĐÓ LÀ CHUYỆN GÌ?

Biết tôi thân với Dương Quốc Hải, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ba Bể, có người gọi điện cho tôi bảo, “Lão Hải trượt rồi, anh ạ”. Tôi ngơ ngác hỏi “Trượt gì?”. “Trượt vào Hội Nhà văn”. Tôi bảo “Hải có bao giờ nghĩ đến chuyện làm đơn xin vào Hội Nhà văn đâu”. “Thì đấy – anh bảo - Mọi người vận động mãi lão mới chịu làm đơn. Thế mà…Em không ngờ đấy. Lão ấy giải Nhất báo Văn nghệ Trẻ, có mấy đầu sách, Ban Văn xuôi bỏ phiếu đạt cao lắm nhưng Ban chấp hành gạt lão ấy ra”. Nghe chuyện, tôi gọi điện cho Hải. Tưởng Hải cay cú rồi “xúc phạm L..”, nhưng không, Hải bảo, “Em không quan tâm đâu. Bận bỏ cha”. Tôi biết, anh không quan tâm nhưng bạn bè văn chương, những người yêu quý tài hoa văn chương của anh và dư luận thì đang quan tâm, thậm chí bức xúc với sự khuất tất của Hội Nhà văn Việt Nam suốt mấy chục năm về việc kết nạp hội viên đến nay chưa dứt.

Không chỉ riêng Dương Quốc Hải và còn nhiều người thừa tiêu chuẩn được kết nạp theo Quy chế Kết nạp hội viên Hội Nhà văn ban hành ngày 15/10/2021. Chẳng hạn, nhà thơ Hồ Minh Tâm ở Quảng Bình, 2 lần đoạt giải thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã qua Hội đồng thơ rồi nhưng bị Ban Chấp hành gạt ra. Ban Chấp hành là ai? Đó là ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội. Ông Thiều không lạ gì Dương Quốc Hải, người đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn khi ông làm việc ở tờ báo này! Là ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội. Ông Phương cũng không lạ gì Dương Quốc Hải. Thời ông Nguyễn Bình Phương làm ở Quân khu I, có thơ đăng ở báo Văn nghệ Bắc Thái thì Dương Quốc Hải đã nổi tiếng ở tỉnh này, sau đó làm việc ở báo Văn nghệ Bắc Thái. Ông Phương và Dương Quốc Hải đều học Trường Viết văn Nguyễn Du (Dương Quốc Hải là lớp trưởng lớp Viết văn Khóa 6). Vậy mà các ông nhắm mắt làm ngơ, gạt những người viết văn, làm thơ xuất sắc để kết nạp những người thơ như vè, dư luận đang chê trách. Vì sao vậy? Quy chế các ông lập ra rồi chính các ông lại chà đạp lên Quy chế khác nào các ông tự vả vào mồm! Đằng sau đó là chuyện gì vậy?

 

“TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC”

Các báo loan tin, Nhà văn Y Ban được trao giải Đặc biệt, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 với Tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành, 2024. Một số tờ báo còn nhấn mạnh, đây là “Giải đặc biệt đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam”. Đọc tin, bạn đọc hiểu rằng, đây là giải cao nhất trong số các tác phẩm đoạt giải năm nay, thậm chí giá trị văn chương của nó còn vượt qua những tác phẩm đoạt giải Nhất trước đây như Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Dương Hướng .v.v.

Nhưng tìm hiểu mới hay, “Trên đỉnh giời” phạm quy! Trong tập sách này có 7/18 truyện đã in trong các cuốn sách khác, vi phạm Quy chế Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. 07 truyện đã in trong tập khác trước đó là:

1. Làng Cò (đã in trong tập truyện Cưới chợ - Y Ban - năm 2005 và in trong tập sách Truyện ngắn Y Ban, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022): https://minhkhai.com.vn/store2/index.aspx?q=view&isbn=115543

2. Trong khu vườn nghệ sỹ (Đã in trong Truyện ngắn hay báo Thanh Niên 2018 và và in trong tập sách Truyện ngắn Y Ban, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022): https://minhkhai.com.vn/store2/index.aspx?q=view&isbn=186050

3. Anh Quảng - đã in trong tập Có thể có, có thể không - Y Ban, Nhà xuất bản Trẻ, 2019 và in trong tập sách Truyện ngắn Y Ban, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022): https://www.nxbtre.com.vn/.../co-the-co-co-the-khong-thuc...

4. Có thể có, có thể không - đã in trong tập Có thể có, có thể không - Y Ban, Nhà xuất bản Trẻ, 2019 và in trong tập sách Truyện ngắn Y Ban, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022): https://www.nxbtre.com.vn/.../co-the-co-co-the-khong-thuc...

5. Ráng chiều đỏ - đã in trong tập Truyện ngắn đặc sắc 2023, chứng cứ: https://baolamdong.vn/.../truyen-ngan-dac-sac-2023-khi.../

6. Con yêu tinh đã in trong tập Truyện ngắn Y Ban, 2022.

7. Bồ công anh nở bên hồ nước đã in trong tập Truyện ngắn Y Ban, 2022.

Vì không thể đưa vào Giải thưởng năm 2024 nên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra cái ngoại là “Giải đặc biệt” này. Vậy là nhà văn Y Ban bỗng nhiên như người “trúng số độc đắc” vậy!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:

 Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Minh Cao (Nguyễn Cao Thâm) - nguồn: facebook

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét