THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH NGƯỜI VIỆT - Tác giả: Nguyễn Kiên Giang ; Vũ Quế Lâm giới thiệu

Leave a Comment

 


THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG

TÂM LINH NGƯỜI VIỆT

 

1. Người Việt chưa bao giờ từ bỏ thờ cúng tổ tiên

Vì những lý do nào đó, trong một số thời điểm, việc thờ cúng này có lúc bị sao lãng đi, nhưng mỗi khi người ta "chợt tỉnh" ra thì nó lại sống dậy với một sức mạnh khó kìm chế được.

Khi tìm hiểu vấn đề thờ cúng tổ tiên ở các vùng xung quanh Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự thờ cúng này chỉ có ở một số nơi : Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.v.v... nhưng với những "nguyên lý" khác nhau, những cách kết hợp khác nhau. Đáng chú ý là đạo Bà la môn (Brahmanisme) và Ấn Độ giáo dân gian (Hindouisme populaire) có những tục thờ cúng tổ tiên có thể coi phần nào giống với sự thờ cúng tổ tiên của người Việt, tuy không giống hẳn. Ở đạo Bà la môn, người ta thờ cúng tổ tiên cốt để người chết lên trời, trở thành bất tử. Người chết đứng trước hai khả năng : hoặc là lên trời tới Mặt trời để sống trên đó, hoặc là lên Mặt trăng để rồi trở về mặt đất.

Ở Ấn Độ giáo dân gian, tục thờ cúng tổ tiên được đẩy xa hơn. Một tín đồ Ấn Độ giáo bao giờ cũng nghĩ rằng mình sẽ lên trời chứ không phải xuống địa ngục. Khi chết đi, sẽ có một sự phán xét của Yama, người chết phải được con cháu nuôi và thờ cúng thì mới qua khỏi sự phán xét này. Những nghi lễ có liên quan với người chết, do đó, là những nghi lễ quan trọng nhất của tôn giáo nông dân. Thờ cúng để người chết được lên sống trên trời - đó nguyên lý thờ cúng tổ tiên ở các tôn giáo Ấn Độ này. là

Ở Nhật Bản, cũng có tục thờ cúng tổ tiên, được gọi là Senzo, mà theo nhận xét của nhà tộc người học Jacques Lemoine, đó là "sợi dây bền vững nối liền một xã hội bị giằng xé giữa sự tôn trọng quá khứ với xu hướng hiện đại chủ nghĩa" (Ethnologie régionale, t. II. 978). Nhưng, theo nhà nghiên cứu có uy tín về lịch sử văn hoá Nhật Bản G.B.Samson, thì sự thờ cúng tổ tiên ở đây có "động lực là sự tán thưởng chứ không phải sự sợ sệt, không thể coi là một thứ vật linh luận...".

Sự thờ cúng tổ tiên ở Nhật Bản không bắt nguồn từ Thần đạo, một tín ngưỡng bản địa cổ xưa, mà là du nhập từ Trung Quốc. Bàn thờ tổ tiên của người Nhật không đặt ở gian phòng chính trong nhà, mà thường đặt ở một góc phòng ngủ. Nghĩa là, ở Nhật, nếu thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng nào đó, thì nó cũng không đóng vai trò nổi bật lắm, bên cạnh Thần đạo và Phật giáo.

Như vậy, có lẽ chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam, thờ cúng tổ tiên mới được đặt vào vị trí quan trọng nhất, vai trò trung tâm của đời sống tinh thần của đại đa số dân cư. Vậy thì, có lẽ nên đi tìm nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của ta ở Trung Quốc chăng?

Dem đối chiếu những tài liệu mô tả tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam với những tài liệu mô tả tục thờ cúng này ở Trung Quốc, ta không khỏi kinh ngạc thấy rằng gần như tất cả các nghi thức thờ cúng ở hai nước giống nhau đến nhiều chi tiết. Bằng những tài liệu khảo sát về tộc người học và phong tục học, có thể kết luận khá chắc chắn rằng: sự thờ cúng tổ tiên ở người Việt về cơ bản là bắt nguồn từ sự thờ cúng tổ tiên ở người Hán. Kết luận như vậy, không có gì là tự ti dân tộc. Ở bên cạnh một tộc người lớn mang một nền văn minh rất sớm - và cũng thuộc loại cao nhất hồi đó - lại chịu sự thống trị của các triều đại phương Bắc trong khoảng một nghìn năm, người Việt chịu ảnh hưởng của các học thuyết, các tín ngưỡng của người Hán, có gì là lạ? Vấn đề chỉ là ở chỗ : người Việt đã "bản địa hoá" được những thứ du nhập ấy thành của mình, theo những nhu cầu và trình độ của mình, "biến của người thành của mình", có lợi cho sự tồn tại và phát triển của mình. Mà chính sự dung nạp, tiếp nhận một cách uyển chuyển và không đánh mất bản sắc riêng của mình ấy lại là một trong những đặc trưng, một thế mạnh, một ưu điểm của văn hoá Việt Nam nói chung, ngày xưa đã là thế và ngày nay cũng là thế.

Sự thờ cúng tổ tiên lúc đầu phải chăng được cử hành trong người Hán, rồi lan dần ra người Việt và đến một thời điểm nào đó, trở thành một phong tục phổ biến trong người Việt? Đó cũng là một giả thuyết để tiếp tục nghiên cứu. Nhưng chắc chắn là nó dần dần được "thể chế hoá" để đến vài thế kỷ sau đó được qui định cả về mặt pháp luật. Trong Quốc triều hình luật được soạn thảo và ban hành thời Lê Thánh Tông (nửa đầu thế kỷ XV), có những qui định rất chặt chẽ về luật hương hoả (phần ruộng đất truyền từ đời này sang đời khác, dành để thờ cúng tổ tiên). Chẳng hạn, điều 399 nói tới việc con cháu phải thờ cúng năm đời, và quá năm đời ấy thì con cháu không phải thờ cúng. Ruộng hương hoả được coi rất trọng, và cấm đem ra phân chia trái phép. Những qui định này có tính chất bắt buộc đối với "các quan đại thần cùng các quan viên cho đến thường dân" (1).

Không nghi ngờ gì nữa, sự thờ cúng tổ tiên từ chỗ được du nhập từ bên ngoài đã dần dần thành một tập tục lớn, không thể thiếu, trong đời sống tinh thần và văn hoá của người Việt. Nó đã trở thành một thứ "vô thức tập thể", nói theo thuật ngữ của K.G.Jung, ở người Việt.

 

2. Tổ tiên gia đình và tổ tiên cả nước

Ở người Việt, có một nét đặc thù về sự thờ cúng tổ tiên: tổ tiên gia đình và tổ tiên cả nước gắn chặt với nhau trong tưởng niệm và thờ cúng. Nói chung, các tộc người trên thế giới đều chung, các tộc người trên thế giới đều có ý thức về nguồn gốc của mình và đi tìm những biểu tượng của nguồn gốc đó : từ những bộ lạc xa xưa tin rằng mình là con cháu một tôtem nào đó, đến những dân tộc coi mình có nguồn gốc từ những vị thần (như Nữ thần Mặt trời ở người Nhật, chẳng hạn). Nhưng có lẽ ít có những bộ tộc người tưởng niệm và thờ cúng những tổ tiên đầu tiên của mình như tục thờ các vua Hùng ở người Việt. Các cuộc xâm lược của nước ngoài, nhất là một nghìn năm Bắc thuộc, luôn luôn đe doạ sự sống còn của tộc người Việt, khiến cho người Việt phải luôn luôn khẳng định tính độc lập của mình, kể cả về nguồn gốc của mình. Ý thức về nguồn gốc riêng thể hiện bằng ý thức về những tổ tiên riêng, dù cho những tổ tiên của mình có quan hệ với những tổ tiên của người khác đi nữa. Lĩnh Nam chích quái, một trong những sách đầu tiên ghi lại các chuyện dã sử dân gian, do những "bậc tài cao học rộng" thời Trần soạn thảo (thế kỷ XIV) và đến đời nhà Lê thì được nhuận sắc (thế kỷ XV), có nói tới nguồn gốc người Việt trong Truyện họ Hồng Bàng. Về sau, các vua Hùng được coi là tổ tiên của người Việt. Đền thờ vua Hùng ở Lâm Thao, trên núi Hy Cương, là đền thờ tổ của người Việt. Nhiều thế kỷ liền, hết thế hệ này đến thế hệ khác, năm nào người

Việt cũng về đây dự lễ hội đền Hùng để tưởng nhớ và thờ cúng tổ tiên mình.

Nhiều người hiện nay cứ tưởng rằng việc thờ cúng các vua Hùng là từ ngàn xưa để lại. Sự thật không hoàn toàn thế. Ý thức về tổ tiên của người Việt thật ra phải trải qua một thời gian rất dài mới được "cố định" chính thức bằng việc thờ cúng các vua Hùng từ cuối thế kỷ XV, dưới triều Lê Thánh Tông.

Cho đến năm 1285, khi vua Trần sắc phong các vị thần trên lãnh thổ Đại Việt, không thấy nói tới Hùng Vương. Nói cách khác, cho tới gần cuối thế kỷ XII, truyện tích Hùng Vương chưa nảy nở, hay ít ra chưa phát triển trên đất Việt. Những truyện tích về Hùng Vương, nếu có, vẫn còn nằm trong dân gian mà chưa được "chính thống hoá". Phải đến nửa sau thế kỷ XIV, các truyện tích Hùng Vương mới hội tụ trong sách vở như một hệ thống hoàn chỉnh, đủ cơ sở để đưa vào sử sách.

Như vậy, một mặt, có thể khẳng định rằng ký ức về tổ tiên của tộc người Việt đã tồn tại như "một ký ức tập thể của dân chúng đã lưu giữ hình ảnh về người cầm đầu một vùng đất nước trước thời ngoại thuộc" (2). Mặt khác, ký ức đó chỉ được "chính thống hoá" mãi về sau này, khi có nhu cầu tự khẳng định mạnh mẽ của một quốc gia vững chắc. Trước đó, nhiều người còn nghĩ rằng Đại Việt chỉ là "hạng phiên thần" (Ngô Sĩ Liên) và, do đó, không thể tế Giao. Nhưng Lê Thánh Tông từ lúc lên ngôi đã xác nhận quyền lực của mình bằng cách sử dụng quyền tế Giao như các vua Trung Quốc. Trong lễ tế Giao, việc thờ cúng những ông vua mở nước được đặt thành điều hệ trọng nhất. Thế là đến năm 1470, Lê Thánh Tổng cho lập ngọc phả Hùng Vương, vị "thánh ngàn đời" của nước Việt cổ, làm nền tảng cho uy quyền của nhà vua trên đất Việt. Hùng Vương từ ngôi vị "thần địa phương" trong ký ức dân gian được "nâng lên" thành tổ tiên chính thống của nước Việt.

Trong ý thức người Việt, thờ cúng tổ tiên cả nước - các vua Hùng - đã khắc sâu hàng trăm năm, nếu không nói là hàng nghìn năm, tạo thành một thế song hành với thờ cúng tổ tiên của từng gia tộc, từng gia đình, cái này nương tựa vào cái kia, gần như không tách rời nhau.

Để cho đầy đủ hơn, xin nói thêm một điểm. Sự thờ cúng tổ tiên ở người Việt không chỉ biểu hiện ở hai "cấp": nước và nhà như vừa nói. Sự gắn bó cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã - đất nước là một nét cố hữu của đời sống tinh thần người Việt, và điều đó được thể hiện trước hết ở sự thờ cúng tổ tiên như một hệ thống nhiều cấp, nhiều khâu.

 

3. Thờ cúng tổ tiên - một đạo lý sống

Thờ cúng tổ tiên đối với người Việt là đạo lý (morale) hay tín ngưỡng (croyance)? Câu hỏi ấy thật không dễ trả lời. Có lẽ đối với người Việt cổ, đó vừa là cái này vừa là cái kia. Nhưng đối với đại đa số cư dân người Việt hiện nay, có lẽ đạo lý là yếu tố hàng đầu, nhưng trong nhiều trường hợp, tín ngưỡng cũng là một yếu tố không thể coi nhẹ.

Tưởng nhớ tổ tiên, nhất là những người thân thích ruột thịt mới qua đời, chắc chắn không phải là "đặc quyền" của người Việt. Ở những tộc người khác, thuộc những nền văn minh khác nhau, tưởng nhớ tổ tiên là một nét văn hoá tâm linh cố hữu và sâu xa.

Nhưng như đã nói trên kia, tưởng nhớ tổ tiên là tiền đề của thờ cúng tổ tiên, nhưng không đồng nhất với sự thờ cúng này. Trong thờ cúng tổ tiên, ý thức về sự truyền nối của dòng họ, gia tộc và gia đình đạt tới một trình độ đạo lý rất cao, thậm chí trở thành một đạo lý gốc của đời sống con người. Phan Kế Bính diễn đạt đạo lý ấy của người Việt rất ngắn gọn, nhưng cũng thật thấu triệt: "Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của con người" (Việt Nam phong tục).

Đó là thứ đạo lý được đặt tên rất rõ ràng: "Hiếu giả sở dĩ sự quân dã" (Lòng hiếu đem về thờ vua), như một bài mẫu chế nghĩa dùng làm đề bài dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX). Với đạo lý này, trung hiếu hợp lại làm một, con thờ cha cũng như tôi thờ vua, "yêu thương cha mẹ cũng tức là để yêu vua", "kính cha mẹ cũng tức là để kính vua", "cho nên đạo hiếu của quân tử dạy được người nhà, cũng có thể dạy được cả nước".

"Uống nước nhớ nguồn", "Chim có tổ, người có tông" v.v..., những tục ngữ ấy nói lên ý thức - và tiềm thức - dân gian hết sức bền vững, để rồi cơ sở đó, đạo hiếu được nâng lên thành "lý thuyết" như đã nói. Với sự thờ cúng tổ tiên, đạo hiếu không chỉ dừng lại ở lý thuyết" mà còn trở thành những nghi thức, những tập tục, những khuôn mẫu truyền từ đời này sang đời khác, thành một thứ gen văn hoá tinh thần.

Điều chúng tôi đặc biệt chú trọng là : với thờ cúng tổ tiên, đạo hiếu ở người Việt được "cố định" ở một chiều sâu tiềm thức không phai nhạt. Ở người Việt, sự khẳng định con người cá nhân không hề đoạn tuyệt với "dòng giống", dù là trên phạm vi cả dân tộc hay ở phạm vi từng gia đình. Trong khi hướng tới tương lai, người Việt không hề cắt đứt với quá khứ. Ký ức lịch sử, ký ức gia đình càng sâu, thì sự khẳng định con người cá nhân càng sâu. Chỉ xét riêng về mặt đạo lý thôi, cũng có thể thấy được sự thờ cúng tổ tiên của người Việt là một cái gì máu thịt, cho dù những môi trường xã hội có thay đổi thế nào chăng nữa.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách, rủi ro, vui mừng khi con cháu gặp may, khuyến khích cho con cháu khi gặp điều lành và cũng quở trách (mà không trừng phạt) con cháu khi làm điều ác... Nhà sử học Pháp Edouard Chavannes nói tới "những liên hệ huyền bí và mạnh mẽ" gắn người sống và người chết trong sự thờ cúng của tổ tiên (ở Trung Quốc, và cũng áp dụng cho cả Việt Nam ) rằng: "người chết chỉ có thể yên ổn trong phần mộ của mình hay trên bàn thờ nếu con cháu dâng cúng lễ vật theo nghi thức; ngược lại, người sống chỉ sung sướng khi được bao bọc bởi những ảnh hưởng tốt lành của người chết đang che chở họ một cách bí ẩn". (3)

Thờ cúng tổ tiên, vì thế, là một tín ngưỡng vừa tầm đối với tất cả mọi hạng người. Nó không đi tới cực đoan, cuồng tin. Ở đó, không có thiên đường và địa ngục, không có những ân thường siêu việt, cũng không có những trừng phạt ghê gớm. Thứ tín ngưỡng này bàng bạc trong tâm hồn con người, nhưng không phải vì thế mà không đủ độ sâu lắng. Người Việt dù đi đầu, ở đâu, vẫn hướng về nơi quê cha đất tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên, nơi có mồ mả cha ông mình..

 

4. Tương lai của thờ cúng tổ tiên

Không phải vô có khi thờ cúng tổ tiên phục hồi và phát triển trong những năm gần đây . Có thể nhận định rằng sự quay về với thờ cúng tổ tiên chắc chắn không phải là một hiện tượng nhất thời. Người Việt hôm nay - ít ra là đại đa số - tìm thấy ở thờ cúng tổ tiên một điểm tựa tinh thần bền vững, "bất biến"trong những thay đổi, những biến động dữ dội xung quanh mình. Ở sự thờ cúng tổ tiên, con người đang tự khẳng định mình về mặt cả nhân, đang tìm kiếm lại "căn cước" của mình, hay nói theo cách nói quen thuộc, tìm kiếm lại "lý lịch" đích thực của riêng mình, một thử" lý lịch" không dựa trên những tiêu chuẩn xã hội và giai cấp nào đó, mà là dựa vào "huyết thống", vào "di truyền sinh học" đồng thời cũng là "di truyền văn hoá" của mình. Đó là một thứ "lý lịch" làm người ta phong phú lên, đưa cuộc sống của người ta vào những chiều sâu có khi chưa biết. Chỉ đứng về mặt tâm lý để xét, thờ cúng tổ tiên có cơ sở để tồn tại lâu dài, rất lâu dài trong tương lai.

Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng làm nền tảng cho sự thờ cúng tổ tiên đã và đang làm cho nó trở thành một nét sâu đậm-nếu không nói là sâu đậm nhất-trong đời sống tâm linh người Việt.

Trên một bình diện khác, bình diện những xung đột văn hoá, hay những "đụng độ lớn về văn hoá" như tờ Christian Science Monitor mới nêu bật lên gần đây, sự thờ cúng tổ tiên ở nước Việt Nam rất có thể là một chỗ dựa để chống lại những làn sóng xâm nhập văn hoá ồ ạt từ bên ngoài đe doạ làm mất bản sắc văn hoá dân tộc. Tất nhiên, chúng ta không nói tới những ảnh hưởng văn hoá lành mạnh, có lợi cho sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Không phải không có lý do khi tờ báo vừa nói nêu lên trường hợp Việt Nam như một trường hợp đáng chú ý nhất. Tác giả bài báo nhắc đến sự chống trả kịch liệt và có hiệu quả của các tay súng phòng không chống lại máy bay B52 năm xưa và lấy làm lo ngại khi thấy ngày nay những bộ phim được các vệ tinh phóng xuống được đem chiếu mà người Việt Nam không thể phản công được. Một cuộc cạnh tranh, đọ sức về văn hoá và về các giá trị đã mở ra như vậy đó.

Ở trong nước, nhiều người cũng rất lo lắng về sự xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc, khiến cho những giá trị lành mạnh truyền thống bị bạt đi trước những cơn lốc "thế giới hoá" ngày càng mãnh liệt.

Lo lắng là đúng và cần thiết. Nhưng có thể tin rằng, bằng sự tồn tại của nền văn hoá dân tộc qua hàng nghìn năm, chúng ta có đủ sức chống đỡ những cơn lốc ấy. Thờ cúng tổ tiên đang phục hồi phải chăng là một phản ứng của văn hoá dân tộc đối với sự xâm nhập của văn hoá lai căng? Hồn thiêng tổ tiên mách bảo cho chúng ta như vậy chăng?

------------

Chú thích:

(1) Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Viện Sử học Việt Nam, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1991, tr. 146-148.

(2) Tạ Chí Đại Trường - Thần, Người và Đất Việt - NXB Văn Nghệ, California, 1989.

(3). De l'expression des voeux dans l'art populaire chinois, trong Ethnologue régionale, t. II, Paris, 1978, tr 632.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Giải phẫu thẩm mỹ và kỳ vọng cải sốl

 

Mời tham khảo NGƯỜI VIỆT NAM LẬP LÀNG Ở QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CUỒNG YÊU:

Vũ Quế Lâm giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Kiên Giang - nguồn: tapchixua&nay

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét