NGÀY GIÁP TẾT THẤY 'TRĂNG VU LAN' - ĐỌC BÀI THƠ LẠ ĐỜI CỦA ZULU DC - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment

 


NGÀY GIÁP TẾT THẤY "TRĂNG VU LAN"-

ĐỌC BÀI THƠ LẠ ĐỜI CỦA ZULU DC

 

TRĂNG VU LAN

ZuLu DC

 

Đọc bài thơ em viết

Anh thành ra đứa bé

Ở một góc trời lạ

Thương mẹ và nhớ em

 

Bên này tết đến rồi

Từ trên mỗi cành hoa

Đằng sau từng nhánh lá

Là đôi mắt của mẹ

Lặng ngắm cuộc đời anh

 

Bao nhiêu là cây xanh

Bao nhiêu là hoa lá

Là bấy nhiêu lòng anh

Là yêu thương nhớ mẹ

 

Ở đây trời lạnh giá

Nhớ mẹ và thương em

Mẹ giờ thân hoá đá

Em giờ hiu hắt thêm

 

Bao nhiêu rồi ấm lạnh

Vẫn cứ tết xa nhà

Nơi đâu là sân ga

Nơi đâu là bến cảng

Cho đời anh dừng lại

Rũ áo từng phong ba

Chia tay đời lưu lạc

Trong Em giờ có ta

LỜI BÌNH:

(Tác giả Châu Thạch)

Trước khi vào bài viết tôi xin có mấy lời cảm ơn đến nhà thơ Lương Nguyệt Hồng, người đã yêu mến bài thơ nầy và đã viết về nó với tựa đề “Suy Nghĩ Về Một Bài Thơ” đăng trên facebook. Từ đọc bài viết đó, cảm xúc đã truyền vào tôi, cho tôi quay lại với bài thơ mà có lẽ tôi đã đọc rồi, nhưng đã để viên ngọc đẹp lăn qua dưới con mắt lơ đãng của mình.

Bình bài thơ nầy, nhà thơ Lương Nguyệt Hồng đã viết: “Thơ vừa đủ, không ngắn không dài. Mà ngộ ghê, khi tôi đọc kỷ thì không có chữ “trăng” nào cả. Chỉ hiển hiện cả một trời thương nhớ. là lòng mẹ thương anh, là tình anh nhớ mẹ, là nhung nhớ vợ chồng. Bao la tình đó tròn đầy như vầng trăng rằm tỏa sáng không chỉ một góc trời mà cả bầu trời của đêm

Vâng, đúng vậy. Bài thơ còn một điều nghịch lý nhưng rất ngộ nữa. Tác giả đã đem trăng Vu Lan là trăng của mùa thu, của đêm rằm tháng 7 để đặt vào ngày giáp tết, là ngày mùa xuân về “Từ trên những cành hoa”.

Tất nhiên ZuLu DC có một ẩn ý độc đáo khi tá khách, lẫn lộn hai mùa khác nhau trong một bài thơ. Nhà thơ muốn diễn đạt trọn vẹn tâm trạng của mình giữa mùa xuân ly hương, mùa xuân trên đất khách. Vu Lan là ngày lễ báo hiếu , là ngày tưởng nhớ đến song thân. Tết là ngày đoàn tụ gia đình, là ngày hội ngộ thân ái với cha mẹ, vợ con, ông bà và dòng tộc.

Đem vầng trăng Vu Lan đặt vào ngày giáp tết là vì sao? Là vì nhà thơ đặt như thế, để kích động trọn vẹn sự thổn thức của thơ về nỗi đau của đời mình, của sự đơn côi, của sự thiếu hụt, của sự bơ vơ lạc lõng nơi đất khách quê người, giữa niềm vui của đất trời đang tràn đến. Vầng trăng Vu Lan giữa mùa xuân đến là sự đối nghịch như con tim của tôi giữa niềm vui mà đất trời đem đến cho tha nhân!!!

Đọc khổ đầu bài thơ, đã đem ngay đến cho ta sự rung dộng:

Đọc bài thơ em viết

Anh thành ra đứa bé

Ở một góc trời lạ

Thương mẹ và nhớ em

 Đọc bài thơ em viết/ Anh thành ra đứa bé”cho ta hiểu rằng nước mắt đã chảy thành dòng tên những trang thơ.

Không có đứa bé nào “Thương mẹ và nhớ em” mà không khóc thành tiếng, không khóc nức nở, không có dòng lệ trôi dài trên đôi gò má. Có thể nhà thơ không khóc như em bé, nhưng đọc thơ ta hiểu, nếu nước mắt được nuốt vào lòng thì còn đau gấp trăm lần em bé nữa.

Rồi qua khổ thơ thứ hai:

Bên này tết đến rồi

Từ trên mỗi cành hoa

Đằng sau từng nhánh lá

Là đôi mắt của mẹ

Lặng ngắm cuộc đời anh

Từ trên những cành hoa/ Đằng sau từng nhánh lá/ Là đôi mắt cúa mẹ”: Đó là bức tranh tỉnh vật sắc màu, trong trẻo và vô biên đến cùng trời cuối đất. Đó là vần thơ biến thành tiếng thánh ca trầm lặng, êm ái về tình thương bao la của mẹ. Tác giả không chỉ diễn đạt tình của mẹ như những nhà thơ khác; “Đếm bao nhiêu lá là bấy nhiêu tình” mà tác giả còn diễn đạt tình ấy bằng cách hóa thân đôi mắt mẹ sau cành hoa, sau chiếc lá để lặng ngắm cuộc đời con, làm cho tình mẹ luôn sống quanh ta dầu ta đã đi xa ngàn dặm.

Bây giờ qua khổ thơ thứ ba, tác giả đảo ngược hoa ấy, đảo ngược lá ấy, ôm trọn vào lòng tình “yêu thương nhớ mẹ”của mình:

Bao nhiêu là cây xanh

Bao nhiêu là hoa lá

Là bấy nhiêu lòng anh

Là yêu thương nhớ mẹ

Khổ thơ cũng nói tiếng nói như nhà thơ Trần Trung Đạo trong bài thơ “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười”: “Con đi góp lá nghìn thu lại/ Đốt lửa cho đời tan khói sương”. Khác chăng là ZuLu DC không đốt lá nên khói sương trong lòng khó mà tan được. Khói sương không tan thì nỗi đau còn mãi!

Trăng mùa Vu Lan cũng là trăng mùa Mưa Ngâu. Khác một chút là mưa ngâu ở trăng thượng tuần, nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ đổ xuống trần gian. Khổ thơ sau đây, nhà thơ nhắc đến em, dầu vô tình hay cố ý, cũng cho ta một liên tưởng đau lòng đến sự chia ly cách trở trong mùa Mưa Ngâu. Sư chia ly cách trở của xưa và nay đều đau khổ như nhau:

Ở đây trời lạnh giá

Nhớ mẹ và thương em

Mẹ giờ thân hoá đá

Em giờ hiu hắt thêm

Mẹ giờ thân hóa đá/ Em giờ hiu hắt thêm” có thể hiểu mẹ không còn mà em nếu không hiu hắt vì đơn thân nơi xa xôi, thì cũng hiu hắt vì niềm đau mất mẹ. Khổ thơ thứ tư ập xuống trên đầu toàn bộ nỗi đau. Nhà thơ không còn mượn hình ảnh để thi vị nỗi đau nữa, mà đã bật lên tiếng khóc, tiếng khóc xé lòng, thành tiếng rên rỉ, thành tiếng bi ai thật sự.

Thế rồi qua khổ thơ chót, ZuLu DC đã tự lau dòng lệ của mình, chàng ngồi giữa cô đơn, bơ vơ và lạc lõng, không định được phương hướng, không có dự phóng tương lai, mệt mõi dừng lại, rũ áo phong ba. Tất cả chỉ có trong lòng Em và Ta mà thôi:

Bao nhiêu rồi ấm lạnh

Vẫn cứ tết xa nhà

Nơi đâu là sân ga

Nơi đâu là bến cảng

Cho đời anh dừng lại

Rũ áo từng phong ba

Chia tay đời lưu lạc

Trong Em giờ có ta

 Trong Em giờ có ta” có thể là lời hứa hẹn bù đắp cho em, cũng có thể chỉ là ước vọng khi cuộc đời không còn chi làm điểm tựa. Hiểu thơ thế nào cũng được, nhưng khổ thơ cuối vẫn còn để lại chút niềm vui cho đời. Chút niềm vui đó với người nhạy cảm, đôi khi buồn như “le lói suốt trăm năm”. Khổ thơ cuối cho sự buồn sự vui tùy tâm tánh mỗi người.

Dưới bài viết “Suy Nghĩ Về Một Bài Thơ” của Lương Nguyệt Hồng tôi có comment bốn câu thơ như sau:

 Khi yêu hiểu tận con tim

Khi thương hiểu đến cái chìm trong tâm

Dầu cho mây có phiêu bồng

Cũng soi bóng xuống dòng sông rõ ràng!”

Thật sự, đây chỉ là lời nói bông đùa, vì hai nhà thơ đều là bạn facebook của tôi. Tuy nhiên tôi cũng muốn ẩn ý đề cập đến tâm hồn đồng điệu giữa người làm thơ và người đọc thơ. Người làm thơ như vầng mây bay phiêu bồng, người đọc thơ phải như dòng nước lặng lờ trôi. Dòng nước có lặng lờ, thì vầng mây mới soi được hết bóng mình trên dòng nước đó. Ước ao những ai đọc bài thơ nầy, hãy lắng đọng lòng mình cho vầng mây soi bóng đủ, để giữ lại trong tâm tư những ảo diệu sắc màu của bài thơ, cũng đẹp như một vầng mây bay trên trời cao đó vậy!!!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm XUÂN ĐÃ VỀ

của Minh Kỳ, qua tiếng hát Minh Hằng:

*.

CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)

Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Thuận Phước,

Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Điện thoại: 0929128967 - 0842267607

Email: truongvantran@hotmail.com

.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 07.12.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét