ĐỌC 'NHÀ THƠ VÀ HOA CỎ' XUẤT BẢN TẠI PHÁP - Tác giả: William Hanbury Tenison ; Trần Nhuận Minh giới thiệu

Leave a Comment

 


ĐỌC “NHÀ THƠ VÀ HOA CỎ”

XUẤT BẢN TẠI PHÁP

                                    

Các bài thơ của Trần Nhuận Minh do Dominque de Miscault dịch và xuất bản với tựa đề “Le Poete et l'Herbe d'Or” (Nhà thơ và hoa cỏ) năm 2020 và trong tập sách tao nhã này, các bản dịch đó, là đặc biệt tốt.

Trong tập, hầu hết các bài thơ đều có kèm theo ngày tháng, một số ra đời từ năm 1970, những bài khác gần đây là năm 2003; nhưng tôi nghĩ, những ngày này là ngày bài thơ được hoàn thành, nhưng trước đó ý tưởng của thi phẩm có thể đã lưu hành trong trí tưởng tượng của nhà thơ.

Dù bản thân nhà thơ hay bản thân người dịch, có hài lòng với những bài thơ trong tập này hay không, thì người đọc cũng nhất định bị hớp hồn. Trong 107 bài thơ của mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh đưa chúng ta đến nhiều nơi khác nhau trên đất nước Việt Nam và trên thế giới, ông giới thiệu với chúng ta rất nhiều người, một số người mà ông có vẻ biết rõ, trong khi những người khác là người lạ, hoặc thậm chí là những nhân vật trong truyền thống dân gian Việt Nam.

Ông đề cập đến những thay đổi trong cuộc sống của người Việt Nam, từ những năm chống Mỹ đến thời kỳ mở cửa và đổi mới, bắt đầu từ năm 1987, nhưng chỉ thực sự bắt đầu sau năm 1999.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh luôn có những ý tưởng rất sâu xa mà ông không trực tiếp nói ra trong thơ, nhưng người đọc có thể hiểu (mặc dù cả loài người, ai ai cũng có những điều gì đó, không thể, hoặc không cần nói hết ra. Tôi nhớ một câu thơ của ông: “Cứ im lặng là tự nhiên hiểu hết”). Chúng ta gặp trong thơ ông, những người đã từng là bạn gái của ông, những  hàng xóm của ông, những mối quan hệ và bạn bè của ông - chúng ta đi đến những nơi ông đã đi, cảm nhận được những gì ông đã cảm nhận.

Ông là một nhà thơ hào phóng, chia sẻ sự trải nghiệm của mình, nhưng không phải theo cách giáo huấn, để chúng ta cảm thấy bị bắt nạt, hoặc thậm chí bị thuyết phục, mà là theo một cách tự cảm nhận, để chúng ta thấy những gì ông đã thấy, nhưng không bắt buộc chúng ta phải nghĩ như ông đã nghĩ.

Nhà thơ lớn lên giữa nhiều xu hướng tư tưởng đan xen nhau, nhưng ông dường như không mấy quan tâm đến việc xem xét các thứ  này, ngoại trừ khi chúng có tác động trực tiếp đến số phận con người, hoặc các cảnh quan mà ông quan sát. Nếu có một xu hướng tư tưởng gần với các thi phẩm của ông hơn, thì đó chính là Lão Tử. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ hơn, trong cách ông thể hiện cảnh quan Việt Nam, như một dòng chảy không ngừng - mưa rơi, sông chảy, mùa thay đổi; và người dân Việt Nam đang thay đổi trước mắt chúng ta, vượt qua đói khổ, để yêu, để sống và để chết.

Theo cách đó, ông không trực tiếp đưa ra các phán xét, mà để các câu chữ trong thơ tự nói lên - chúng ta có thể tự do đưa ra kết luận của riêng mình, hoặc không có kết luận nào. Chúng ta chỉ đơn giản là thưởng thức các hình ảnh, cách lựa chọn từ ngữ, nhịp điệu của câu, và, với nhà thơ Trần Nhuận Minh, luôn luôn cho ta một cảm nhận là, ông có khả năng đóng đinh được vào cái chợt qua nhanh, để nó còn lại mãi, như ghim được cánh bướm đang bay vào một trang vở, thu hút sự chú ý của người đọc ở tính chất rất vô thường và phù du của nó.

Tôi đang đọc bài thơ này hay nó đang đọc tôi?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh là một nghệ nhân, am hiểu văn thơ của Trung Quốc và Nga. Trong số hai quốc gia này, ảnh hưởng lớn hơn là của Trung Quốc. Về cả hình thức và nội dung, ông có sự ngưỡng mộ với nhà thơ Đường Lý Bạch rất nhiều, đôi lúc ông cũng thích các hình thức diễn ngôn của Akhmatova và những người cùng thời với cô ở Nga, cũng như đôi khi, với một giọng điệu sắc sảo, cho thấy ông là  một tính khí rất con người, có thể bộc lộ cảm xúc tức giận, thương hại, hối hận và vui sướng, giống như những người Nga.

Cuối cùng, ông có duyên với văn học Pháp và đặc biệt là Apollinaire, từ đó, ông đúc kết ra một chất trữ tình, làm người đọc không bao giờ hết thích thú.

Trong bài thơ số 68/107 (Vào phút ấy thì em nên đến nhé) nhà thơ ngỏ lời với một người bạn, cũng có thể là một độc giả của mình. Thoạt nhìn, nhân vật trung tâm này là nữ. Tôi không phải là phụ nữ, nhưng đánh giá cao tình cảm của ông và sẵn sàng nhận lời mời của ông. Lời mời chính là thông điệp của nhà thơ Trần Nhuận Minh: Hãy lắng nghe ông ấy, nhưng sau đó dần dần nhận ra rằng, dòng chảy của lời nói phải dừng lại và ý nghĩa của nó nằm trong sự im lặng:  Hình như là chả ai nói gì đâu”.    

Ông là một nhà thơ khác thường và lời thơ của ông, là phương tiện quyến rũ tất cả các độc giả của mình.

-------------

Tác giả: William Hanbury Tenison - Bảo tàng Mĩ thuật California (Hoa Kỳ)

TRUNG NAM và NGUYỄN THỊ THANH dịch

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm TÌNH DUYÊN ĐẦU NĂM

của Quốc Bảo, qua tiếng hát Lê Sang và Lưu Ánh Loan:

Trần Nhuận Minh giới thiệu

Tác giả: William Hanbury Tenison

- nguồn email: trannhuanminh44@gmail.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét