TÔI QUYẾT ĐỊNH ĐỌC LÒ MỔ
Khi sức khỏe kém, mới thấy đọc sách hóa ra là một công việc nặng
nhọc. Thế mà tôi lại vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Vì vậy, mọi
cuốn sách được tặng tôi đều tạm để vào một góc đẹp nhất của phòng làm việc.
Với tập trường ca Lò mổ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
thì càng có lý do để tôi tránh xa. Số là hôm dự lễ ra mắt, ngoài những phát
biểu của các nhà văn, nhà phê bình lừng danh, có thêm mục đọc một chương trong
trường ca. Tôi nhớ không nhầm thì đó là chương chín. Một nam một nữ vào vai hai
nhân vật của trường ca. Trong nền nhạc u buồn, với giọng đọc đầy tính sân khấu,
những máu me, chết chóc, ruồi nhặng, xương cốt, da thịt trần trụi bày ra đầy ám
ảnh...khiến khi trở về tôi không dám đọc Lò mổ.
Nhưng chính những thứ đáng sợ vừa kể, lại khiến Lò mổ
và tác giả bị đem ra soi mói. Có người coi Lò mổ là thứ "Phè phè như bánh đúc nhà quê". Nghe
nói còn có cả đơn kiện tác giả, cho rằng ông làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi,
xúc phạm các cơ sở giết bò để cung cấp thịt cho người tiêu dùng!
Khác với vài người tỏ ra bức xúc, tôi lại thấy khá thú vị. Hóa
ra thơ vẫn có tác dụng, chứ đâu như thiên hạ dè bỉu. Quả thật nếu ai đó hiểu về
tác phẩm như vậy, cũng đáng để tôn trọng vì đó là quyền của họ. Họ thấy vậy thì
nói vậy. Còn hơn không đọc, đọc lướt, đọc lời giới thiệu rồi phán chung chung
và...vứt xó. Phí công người viết đôi khi phải lồi mắt bóp trán mới có được
những chữ ưng ý.
Xét cho cùng một tác phẩm vừa mới thò mặt ra đời thì hay hay dở
tạm thời chỉ đúng với từng người đọc. Tranh cãi là may mắn cho nó và tác giả.
Vả lại Nguyễn Quang Thiều mà không gây tranh cãi mới đáng là chuyện lạ.
Nhưng đến thế thì phải đọc rồi.
Thể loại ghi ngoài bìa của Lò mổ là trường ca. Chắc chắn rồi.
Dài tận tới hơn trăm trang kia mà. Những trình bày ngoài bìa và trong ruột như
Nháp 1, Nháp 2, trích đoạn bằng cách nhấn lại, biến những câu thơ thành một thứ
"đề từ"...gây cảm giác ngổn
ngang, nhiều chuyện qua thị giác cho bạn đọc. Đó cũng là một cách chơi hay.
Tuy nhiên, mặc ai nói gì, với tôi Lò mổ là vở kịch thơ, là
tiểu thuyết thơ, thậm chí là một triết luận bằng thơ. Nó có hệ thống nhân vật
khá đông đảo. Đó là gã đồ tể, gã chủ lò mổ, cô gái, bà mẹ, những con bò, cái lò
mổ, bầy ruồi, những con giòi (dù chúng không nói gì), những bông hoa hồng, đám
đồ vật, bầu trời sao, cánh đồng, đêm tối...và cuối cùng là Thượng đế, như một
người hoàn toàn im lặng nhưng biết hết. Mỗi nhân vật đều tìm cách kể lại câu
chuyện của mình, ở vị trí mình đang đứng. Nhân cách hóa không còn đơn giản được
coi như thủ pháp. Đồ vật mặc nhiên có ngôn ngữ, có linh hồn. Và những giọng kể
đan chéo, chồng lấn, xoắn vặn vào nhau. Mỗi lời họ nói ra là một lời thú tội,
một tuyên ngôn, một gào thét về nỗi đau, nỗi sợ hãi và cuối cùng là một triết
lý. Về cái gì? Về sống và chết. Về cõi thanh sạch và chốn ô uế. Về tình yêu và
sự thù hận. Về tội ác, trừng phạt và sự tha thứ. Về khát vọng đi tìm ra mình,
trong cái mớ hỗn mang, vừa muốn chối bỏ, vừa cứ phải ngập ngụa trong nó. Về nỗi
dằn vặt của mỗi thân phận khi không ngớt nghi ngờ sự tồn tại của mình. Về cái
nhân gian- lò mổ- lò sát sinh - địa ngục trần gian này...
Vì thế mỗi câu thơ vừa là thông điệp vừa như một cật vấn ném vào
hư không. Thứ gọi là cuộc sống sao lại khủng khiếp đến vậy! Ai đang điều hành
nó trong bóng tối? Nó có đáng để phải hi sinh, vun xới, sống hết mình với nó.
Đôi khi, lời cật vấn là sự im lặng đến rợn người. Cứ thế mỗi câu thơ chứa theo
những ẩn dụ. Mỗi câu thơ đều có xu hướng biểu tượng cho một điều gì đó. Và vì
vậy nó luôn khiến người đọc có nguy cơ mất kiểm soát
"Thuở ấu thơ tôi
thường ngắm những con nhặng bay như bất động trong không gian tinh khiết
Có còn ai nhớ cảnh này
không?
Quá ít người giơ
tay".
Tôi rất thích khổ thơ này. Đặc biệt câu thán: "Quá ít người giơ tay". Tác giả
không nói với ai, nhưng ai cũng sẽ nghĩ ông ta hỏi mình! Một câu thơ (hoặc một
đối thoại kịch) khá lạ lùng, như rơi khỏi ngòi bút tác giả, nằm lăn lóc bên lề
không khiến ai chú ý. Nó dường như vô nghĩa nếu tách khỏi cả đoạn, ít nhất tách
khỏi câu hỏi: "Có còn ai nhớ cảnh
này không?". Cảnh những con nhặng bay bất động trong không gian tinh
khiết? Hay một sự kiện nào đó kinh thiên động địa vẫn ngày ngày xảy ra, ngày
ngày bị lãng quên, bị vùi lấp vì đủ thứ lý do?
Và hóa ra câu thơ, màn đối thoại ấy mang tính độc thoại. Nó hoàn
toàn có thể đứng riêng biệt, với đầy đủ chức phận, nếu ta gắn vào đó các trải
nghiệm đời sống từ chính bản thân mình. Những câu hỏi như vậy, thậm chí còn tối
giản hơn, vẫn bám theo mỗi cuộc đời, dù đôi khi chúng ta không để tâm hoặc vờ
lảng tránh bằng lý do quen thuộc không nghe thấy. Nó là nỗi tuyệt vọng về lòng
can đảm, về sự dấn thân, về đức hi sinh... đang ngày một cạn kiệt, đang mất dần
khỏi cộng đồng: Không ai còn muốn một mình bước lên, tách khỏi đám đông để đối
mặt với thực tại. Và đó là gốc rễ của các thảm kịch.
"Chàng bất chợt
đẹp lên ánh sáng".
...
"Chàng bước đêm
đêm dưới hai hàng cây
Đội danh dự tiễn chàng
vào cái chết
Đội danh dự chào đón
chàng tái sinh".
Một đoạn thơ mà nếu diễn giải đủ ý bằng văn xuôi thì phải nhiều
trang. Bởi chữ nghĩa trong tác phẩm này, trên bề mặt, không nói lên điều gì
đáng kể. Thậm chí tác giả còn có ý tung hỏa mù để giấu kín những bí mật đến
phút chót. Đây là một tác phẩm đòi hỏi ở người đọc một liên tưởng vượt qua
nhiều tầng hiện thực, nhiều lớp thời gian.
Với tôi, đọc những câu thơ đó, tôi cứ thấy hiện lên một nghi lễ
hoành tráng, kèn trống tưng bừng, hân hoan bất tận hoặc sát khí ngùn ngụt, của
đội hùng binh - của những hồn ma - hoặc chỉ là ảo ảnh của màn duyệt binh mừng
chiến thắng, một cuộc hiến tế, thậm chí một vụ thảm sát tập thể... Không ai
ngăn bạn tưởng tượng tiếp, nếu bạn còn đủ sức. Và nếu chúng ta kiểm soát tốt
văn bản, theo dõi chặt chẽ câu chuyện được kể/diễn lại, ta bỗng thấy có một sự
gắn kết khá chặt chẽ về mặt kết cấu, nhất quán về cái đích hướng tới, với cái
mạch thi ca chảy ngầm bên dưới. Đó là một tố cáo, một bản án dành cho sự suy
đồi về đạo đức dẫn tới cái ác không bị kiểm soát. Nó tái hiện lịch sử và thời
đại, với những mốc thời gian tùy vào người đọc. Nó là lời sám hối thống thiết
cầu xin sự cứu vớt, tha thứ cho tội lỗi vì sa ngã.
Đến đây, lời chất vấn chính đáng: Những thứ gây nôn mửa mà tác
giả ném ra, bầy nhầy, bùng nhùng, với đám ruồi đen đặc... có nên và có quyền
đưa vào trong thơ, đã tự hiện lên câu trả lời.
Nếu chỉ bày ra sự nhơ nhuốc, khiến con người kinh sợ, kinh tởm,
có thể đã đủ cho lời biện hộ về dụng ý của tác giả. Nhưng nếu vậy, cuộc sống
cuối cùng sẽ đi đến đâu. Nó không thể biến mất, bị hủy diệt chỉ bằng sự hư nát.
Không.
Đó là câu trả lời ở cuối tác phẩm, khi chỉ còn lại duy nhất cuộc
đối đầu giữa quỷ- trong lốt gã chủ lò mổ, gã độc tài chúa đất và Thượng đế. Thi
ca đã kịp ghi lại khoảnh khắc đẹp rực rỡ khi "quả chuông vĩ đại nhất thế gian" cất tiếng, thay cho lời ngợi
ca tình yêu cùng với sự cứu rỗi.
Có một sự tiếc nuối cá nhân: Tác phẩm căng thẳng từ đầu đến
cuối. Nó thiếu mất phẩm chất hài hước, thiếu những màn trò chơi chữ nghĩa theo
kiểu phù thủy khi mô tả các Xen rùng rợn, ô trọc... khiến những gì tác giả muốn
đẩy cao tận cùng, mới chỉ thỏa mãn chính tác giả, còn bạn đọc thì chưa.
----------
P/S: "Lò mổ" là một cuốn sách phức tạp, cần thời gian và
những nghiên cứu công phu của các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Tôi chỉ
ghi lại vài cảm nhận sơ sài, của một người chưa bao giờ viết nổi một câu thơ.
--------------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Các bài viết của
(về) tác giả Tạ Duy Anh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Thái Hạo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phạm Xuân Nguyên0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phùng Hiệu0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
TẠ DUY ANH
Địa chỉ: Ngõ 296 Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam
quận Hoàng Mai, thành phố Hà
Nội.
.............................................................................................................
- Cập nhật từ
messenger facebook Vũ Thị Hương Mai
ngày 30.03.2025.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh minh
họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét