LUẬN VỀ RƯỢU
TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG
Cũng như nhiều dân tộc khác ở vào vùng khí hậu lạnh, dân tộc
trung Hoa thường thích rượu. Khái niệm rượu đã được người xưa kết hợp với khái
niệm lễ, không có rượu không thành lễ nghi (vô tửu bất thành lễ). Rược là thức
uống kích thích niềm sảng khoái, được dùng trong y dược Trung Hoa như một chất
xúc tác. Thời Tam Hoàng, Ngũ Đế đã có những bài thuốc ngâm rượu, những cách
xông hơi rượu ra đời. Trong những tác phẩm võ hiệp tiêu biểu của Kim Dung, rượu
luôn luôn có mặt, dàn trải khắp cả câu chuyện.
Chắc hẳn những bạn đọc
tác phẩm Kim Dung đều đồng ý rằng đoạn tửu luận của Tổ Thiên Thu trong Tiếu
ngạo giang hồ là đoạn gây sảng khoái nhất. Với đoạn văn này, Kim Dung đã nâng
nghệ thuật uống rượu lên thành một thứ đạo: tửu đạo - và với cách diễn đạt tài
tình, dàn cảnh oái ăm, Kim Dung đã thực sự cuốn hút người đọc. Tổ Thiên thu
biết được Lệnh Hồ Xung, người yêu của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, đang bị bệnh
mất hết công lực. Anh ta bèn ăn cắp Tục mệnh bát hoàn (8 viên thuốc duy trì
mạng sống) của một người bạn thân là Lão Đầu Tử, hòa vào rượu để dẫn dụ cho
Lệnh Hồ Xung uống. Nguyên Lão Đầu Tử đã bỏ ra 18 năm để ăn cắp những kỳ trân,
dược vật trên thế gian, chế ra 8 hoàn thuốc thuần âm, chữa trị chứng "Tiên
thiên bất túc" (một dạng suy dinh dưỡng) cho con gái mình là Tiểu Di.
Trong khi đó, bệnh của Lệnh Hồ Xung thuộc trạng thái khí âm hàn. Cho nên, đem
thuốc thuần âm cho kẻ dư khí âm hàn uống khác nào sông Trường Giang nước đã
đầy, lại được tháo nước hồ Bàn Dương, hồ Động Đình đưa vào cho nước thêm đầy
lên, hóa ra càng thêm hại.
Tổ Thiên Thu biết Lệnh Hồ Xung là người khảng khái, không chịu
uống thuốc ăn cắp nên y bày đặt ra chuyện tửu luận, kích thích tinh thần Lệnh
Hồ Xung. Theo y, bậc danh sĩ phải biết uống từng thứ rượu với từng thứ chung
riêng: rượu Bồ đào uống chung Dạ quang; rượu Trúc diệp thanh phải uống chén
Dương chi bạch ngọc mà phải Dương chi bạch ngọc đời Bắc Tống; rượu trắng phải
uống trong sừng trâu, lấy mùi tanh của sừng chế ngự mùi men nồng của rượu; rượu
Bách thảo mỹ tửu được chế với 100 thứ hoa cỏ thơm, phải được uống với chung
bằng trúc để thơm hơn...Y nói một hơi 8 thứ rượu và móc trong bọc ra 8 thứ
chén, rót rượu vào mời Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung tức khí, nuốt sạch 8 chén
rượu; có chén thum thủm mùi cá ươn, có chén cay sè, có chén rào rạt như ngàn dao
đâm vào cổ họng...Thiện ý của Tổ Thiên Thu là cứu người, vì hắn dốt nát về y lý
hóa ra làm hại người.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây
dựng nhân vật Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử phái Hoa Sơn, là một chàng du tử lãng
mạn, quý rượu hơn tính mạng mình. Đoạn buồn cười nhất là đoạn Lệnh Hồ Xung xin
rượu Hầu nhi tửu của lão ăn xin dưới chân thành Hành Dương. Lệnh Hồ Xung chỉ
xin uống một tợp và lão cũng chỉ đồng ý cho uống một tợp mà thôi. Nào ngờ, nghe
hơi rượu ngon, Lệnh Hồ Xung đã vận hỗn nguyên khí công uống sạch bầu rượu. Lão
ăn xin lăn đùng ra khóc vì tiếc bầu rượu. Lệnh Hồ Xung đành phải xin lỗi và mời
lão vào tửu lâu, đãi lão một chầu tuý luý càn khôn.
Trong khi uống rượu, các nhân vật của Kim Dung thường thể hiện
phẩm cách người đối ẩm với mình. Đoạn uống rượu đẹp nhất và khiến cho người đọc
kinh ngạc nhất là đọan Điền Bá Quang mời rượu Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung bị sư
phụ phạt giam trên đỉnh Ngọc Nữ Phong để ăn năn, sám hối. Biết bạn rất nhớ
rượu, Điền Bá Quang đã vượt 5000 dặm về tới kinh đô Lạc Dương, vào trong Tuý
tiên lâu, hoàng cung của vua Tống, ăn cắp 2 hũ Thiệu Hưng nữ nhi hồng. Thấy
trong hầm rượu của hoàng cung còn đến mấy ngàn hũ Thiệu Hưng, Điền Bá Quang
phóng cước đá bể tất cả để "bọn vua
quan không còn được uống thứ rượu quý này nữa", vì trên đời này "chỉ còn Điền mỗ với Lệnh Hồ huynh đệ mới xứng
đáng được uống nó mà thôi".
Tuy nhiên, gánh 2 hũ rượu lên Ngọc Nữ Phong là chuyện dễ, mà
được đối ẩm với Lệnh Hồ Xung là chuyện cực kỳ khó vì Điền Bá Quang vốn rất sợ
sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần. Hắn bèn nghĩ cách điệu hổ ly sơn làm
Nhạc Bất Quần lầm mưu xuống núi đi tìm Điền Bá Quang. Thế là hắn ung dung lên
Ngọc Nữ Phong đối ẩm với Lệnh Hồ Xung.
Nhà Nho có câu: "Bậc
quân tử lấy văn kết bạn" (quân tử dĩ văn hội hữu). Kim Dung đã mượn
chén rượu cho những nhân vật võ lâm của mình giao kết với nhau. Trong tình bạn
hay trong tình yêu, chén rượu vẫn làm vai trò của cơ duyên hội ngộ.
Đọc Thiên Long bát bộ, ta thấy cuộc hội ngộ giữa Kiều Phong, bang
chúa Cái Bang và Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý, là cuộc hội ngộ trong hương
rượu nồng. Thoát ra khỏi cảnh giam cầm ở Thái Hồ, Đoàn Dự tìm đến một quán rượu
ngoài thành Vô Tích thì bắt gặp: "Một
đại hán mắt sáng như điện, trạc ngoài 30, thân thể cao lớn, mặc áo vải màu tro,
phục sức sơ sài, mộc mạc" đang ngồi độc ẩm. Đoàn Dự nhận định: "Đây chắc chắn là hào khách của Yên, Triệu;
Giang Nam quyết không thể có nhân vật thế này". Ngoại hình Kiều Phong
đã khiến Đoàn Dự kính ngưỡng, bèn mời Kiều Phong uống rượu. Kiều Phong gọi tất
cả 30 cân rượu (khoảng 18 lít) và đề nghị Đoàn Dự uống bằng bát lớn. Đoàn Dự
nào biết uống rượu? Cho nên uống xong bát đầu tiên, anh đã muốn gục xuống tại
chỗ; Kiều Phong chỉ nhìn anh mà tủm tỉm cười. Đến đây thì Kim Dung
"cứu" nhân vật của mình. Vốn Đoàn Dự đã học được tuyệt kỹ Lục mạch
thần kiếm, quy khí lực vào huyệt Đan điền rồi vận công phóng kiếm khí vô hình
ra 6 ngón tay. Từ kiếm khí, Kim Dung cho phép nhân vật của mình phóng ra ... kiếm
tửu. Đoàn Dự nạp hết số rượu vừa uống vào huyệt Đại truy, rồi dẫn rượu đi qua
các huyệt Thiên tôn, Kiên chân, Tiểu hải, Chi chính, Dưỡng lão, Dương cốc, Hậu
thoát và "phóng" rượu ra nơi ngón Thiếu trạch (ngón út). Anh ta cứ
gác tay trái lên vách quán rượu, uống bao nhiêu vận nội lựcphóng rượu ra bấy
nhiêu khiến Kiều Phong kinh hoàng, tưởng tửu lượng chàng thư sinh cao không kể
xiết! Từ cuộc đấu rượu hi hữu đó, họ nhận ra phẩm chất của nhau và kết nghĩa
anh em. Cuộc đối ẩm giữa Kiều Phong và Đoàn Dự làm cho người đọc vừa sảng khoái
vừa buồn cười.
Rượu nối kết tình bạn và cũng chính rượu tạo ra hào khí. Trong Thiên
Long bát bộ, có đoạn nhà sư Hư Trúc, cung chủ cung Linh Thứu, bái kết
Kiều Phong làm đại ca trước mặt quần hùng Trung Nguyên khi Kiều Phong đang bị
quần hùng vây hãm. Từ nước Khất Đan, Kiều Phong dẫn 18 tên lính trung thành gọi
là Yên Vân thập bát kỵ, mang theo 36 da dê đựng rượu quay về chùa Thiếu Lâm,
tỉnh Hồ Nam. Nơi đây, anh bị quần hùng vây hãm. Trong cảnh nguy nan, bỗng dưng
Đoàn Dự xuất hiện. Hai anh em đang bưng rượu lên uống thì một nhà sư xấu xí
trong đội ngũ chùa Thiếu Lâm chạy ra: "Đại
ca với tam đệ uống rượu sao không gọi ta?". Nhà sư đó là Hư Trúc. Hư
Trúc đã kết nghĩa với Đoàn Dự nhưng chưa được bái kiến Kiều Phong. Mặc dù quy
luật giới tửu (cấm rượu) của chùa Thiếu Lâm rất khắt khe nhưng khi đã thấy đại
ca và tam đệ uống rượu để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, Hư Trúc cũng nổi hào
khí, muốn uống rượu trước mặt quần hùng để chia sẻ với hai người anh em những
hoạn nạn sẽ xảy ra.
Và quả nhiên bầu rượu nghĩa tình đó đã làm nên đại sự. Kiều
Phong chế ngự được kẻ đại ác Du Thản Chi, vươn tay xách cổ Cô Tô Mộ Dung Phục
như người ta xách một con gà. Đoàn Dự sử dụng 6 thế Lục mạch thần kiếm đánh cho
Mộ Dung Phục thất điên bát đảo, làm phơi bày toàn bộ âm mưu đen tối của nhà Mộ
Dung. Hư Trúc vận Bắc minh chân khí, biến những giọt rượu của đại ca thành băng
làm một thứ Sinh tử phù cấy vào người gã đại ác Đinh Xuân Thu, chế ngự và sanh
cầm gã. Bọn Yên Vân thập bát kỵ, mỗi người một túi rượu, phanh cổ áo để lộ ra
hình tượng con chó sói được xăm trên ngực của dân tộc Khất Đan, hú lên những
tiếng hoang dã và ngửa cổ uống rượu, thể hiện quyết tâm cũng liều chết với chủ
tướng Kiều Phong. Chưa có một đoạn nào trong tiểu thuyết cổ kim miêu tả hào khí
của con người trước gian nan thử thách hay hơn đoạn của Kim Dung viết về cuộc
hội ngộ của 3 anh em Kiều Phong – Hư Trúc – Đoàn Dự dưới chân núi Thiếu Thất.
Nhưng rượu trong tác phẩm võ hiệp của Kim Dung không chỉ uống
trong lúc đoàn viên, mà còn được uống trong khi lâm biệt đầy máu và nước mắt.
Như trong trận ác đấu của Kiều Phong tại Tụ hiền trang. Từ khi biết mình là
người Khất Đan, Kiều Phong chỉ mong tìm về bên kia Nhạn môn quan để suốt đời
săn chồn đuổi thỏ, tuyệt không dính dấp đến giới võ lâm Trung Quốc nữa. Nhưng
hoàn cảnh đã bó buộc ông phải cứu lấy cô bé A Châu, và ông đã bế nàng tới Tụ
hiền trang ra mắt Tiết Mộ Hoa, nhờ viên thần y này giúp đỡ. Hóa ra Kiều Phong
đã tự dấn thân vào chốn hung hiểm: quần hùng Trung Nguyên đang họp nhau tại Tụ
hiền Trang để bàn kế sách diệt ông, loài Liêu cẩu man rợ! Kiều Phong nhìn những
kẻ đang vây hãm mình. Họ là những anh em ruột thịt của ông ngày trước ở Cái
Bang, là những bạn bè tốt của ông thuộc các võ phái Trung Quốc, là những người
mà ông cha bao giờ có ý niệm thù hằn, căm ghét. Nhưng cục diện ở Tụ hiền trang
lúc đó là một mất một còn, là ta sống thì người chết. Kiều Phong đã đề nghị anh
em Du Ký, Du Câu - chủ nhân Tụ hiền trang - cho xin mấy vò rượu lớn. Ông rót
rượu ra bát lớn, mời anh em Cái bang uống trước để nói lời cuối cùng, dứt tình
đoạn nghĩa. Ông uống rượu với bạn bè các môn phái mỗi người một bát. Có kẻ bưng
tô rượu dứt tình với Kiều Phong mà nước mắt tuôn rơi. Rồi sau đó, Kiều Phong
đại khai sát giới, tìm con đường sống riêng cho mình, chạy về bên kia ải Nhạn
môn quan nghìn trùng xa cách.
Có trường hợp uống rượu tưởng như chia biệt lại hóa ra đoàn
viên. Đó là trường hợp uống rượu kỳ cục của Cẩu Tạp Chủng (Thạch Phá Thiên),
một thiếu niên ngây thơ, trong trắng trước hai ông anh kết nghĩa đầy mưu mô xảo
quyệt là Trương Tam và Lý Tứ. Trương Tam, Lý Tứ thật ra chỉ là tên giả mạo; họ
chính là hai sứ giả Thưởng Thiện và Phạt Ác của đảo Long Mộc ngoài biển Đông.
Trương Tam, Lý Tứ cũng giả vờ kết nghĩa với Thạch Phá Thiên, cũng thề đồng sinh
đồng tử, nhưng trong bụng hai lão chỉ muốn chàng thiếu niên này chết đi cho
khuất mắt. Trương Tam có bầu rượu dương cương, Lý Tứ có bầu rượu âm nhu, mỗi
lão tự uống bầu rượu của mình và lão này rất sợ bầu rượu của lão kia. Kết nghĩa
xong, chàng thiếu niên Thạch Phá Thiên đề nghị... uống rượu. Thạch Phá Thiên
ngây ngô, xin được uống hai thứ rượu trong dủ hai bầu. Trương Tam, Lý Tứ cả
mừng vì đinh ninh thế nào thằng nhỏ này cũng chết tươi vì hai thứ rượu xung đột
nhau. Một lần nữa, Kim Dung lại "cứu” nhân vật ngây thơ, trong trắng của
mình. Thạch Phá Thiên đã từng ngộ kỳ duyên, con người chàng ta dung hòa được cả
hai loại chất độc dương cương và âm nhu. Cho nên uống rượu xong, chẳng những
chàng trai trẻ không chết mà công lực còn tăng tiến. Trương Tam, Lý Tứ hối hận
và xấu hổ vô cùng. Từ tình bạn giả trá, họ đã đổi ra tình bạn chân thành. Cẩu
Tạp Chủng trở thành người em tốt của Thưởng Thiện và Phạt Ác. Đó là chương uống
rượu thú vị nhất trong toàn bộ bộ truyện Hiệp khách hành.
Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung còn làm nên tình yêu lứa đôi,
giàu chất thơ lãng mạn. Có những lứa đôi gặp gỡ lần đầu tiên qua chén rượu và
tình yêu bắt nguồn từ đó. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Thúy Sơn
làm quen với Hân Tố Tố qua chén rượu trên con thuyền nhỏ đậu giữa lòng Thái Hồ.
Trương Vô Kỵ cũng gặp gỡ và yêu quận chúa Triệu Minh qua chén rượu. Đoạn giàu
chất thơ nhất của Ỷ thiên Đồ long ký là đoạn Triệu Minh nhớ Vô Kỵ, tìm lên tửu
lâu và ngồi đúng vào cái bàn mà hai người đã từng ngồi đối ẩm. Thiếu vắng Vô
Kỵ, cô cũng gọi bình rượu, thức ăn, hai cái chén, hai đôi đũa, hai chung rượu.
Cô rót rượu ra đủ hai chung, uống một chung và nước mắt rơi. Đúng lúc đó thì
Trương Vô Kỵ xuất hiện. Và họ tìm lại được hơi ấm tình yêu trong chung rượu đối
ẩm.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung
thường đối ẩm với người yêu là Doanh Doanh. Một nhân vật khác, Lam Phượng
Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam, cũng rất say đắm Lệnh Hồ Xung. Cô mang vò
rượu Ngũ độc mỹ tửu, trong đó có ngâm năm thứ trùng độc, từ Vân Nam đến Giang
Nam để chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung. Cảm xúc tấm thịnh tình đó, Lệnh Hồ Xung đã
uống rượu cho cô vui lòng. Tác giả Kim Dung đã để cho Lam Phượng Hoàng hôn Lệnh
Hồ Xung trước mặt mọi người, kể cả sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần.
Trong con mắt của Lam Phượng Hoàng, kẻ biết uống rượu của cô mới là người tốt.
Trong Thiên Long bát bộ, mỗi khi trở về
Nhạn môn quan, Kiều Phong nhớ A Châu là tìm đến chung rượu giải sầu. Đoạn đẹp
nhất trong mối tình hai người là đoạn Kiều Phong ngồi nghe A Châu tâm sự:
"Đại ca ơi, tiểu nữ nguyện suốt đời
đi theo đại ca về Nhạn môn quan săn chồn đuổi thỏ, sống cuộc đời ung dung khoái
lạc". Nghe cô bé tâm sự, Kiều Phong cao hứng. Trong cái quán nghèo
ngoài biên giới không có một giọt rượu, ông cũng giả vờ nâng cái chén không
lên, ngửa cổ ra như đang thực sự thưởng thức men rượu nồng.
Trong Thần điêu hiệp lữ, có cô bé Quách
Tương, 16 tuổi, say mê người anh họ mình là Thần điêu đại hiệp Duơng Qua. Mặc
dù Dương Qua chạy theo hình bóng của sư phụ là Tiểu Long Nữ, không nghĩ đến mối
tình si của Quách Tương, Quách Tương vẫn vượt ngàn dặm ra đi tìm anh. Trong túi
hành trang của cô bé, luôn luôn có một bầu rượu. Cô chỉ có mỗi ước mong: cùng
Dương Qua đối ẩm. Nhưng ước mong đó không bao giờ thành hiện thực. Quách Tương
lên núi đi tu, trở thành sư tổ phái Nga Mi.
Những lứa đôi yêu nhau của tác phẩm Kim Dung uống rượu như ta
uống cà phê. Họ gặp nhau là mời nhau chén rượu, trang trọng, cung kính. Không
có ai uống rượu đến nỗi quần áo xốc xếch, ong bớm lả lơi. Chén rượu trong tình
yêu của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mang theo tính cách đạo đức mặc dù khung
cảnh uống rượu lãng mạn vô kể: uống trong quán khuya vắng người, uống trong căn
phòng chỉ có hai người, giữa đêm mùa dông tuyết rơi lả tả; uống trên con thuyền
nhỏ chơi vơi giữa đêm trăng trên dòng Trường Giang mông mênh.
Nhân vật Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái
Hành Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ luôn luôn gắn liền tâm hồn mình với chén
rượu. Kim Dung mô tả Mạc Đại: "Tướng
mạo tiên sinh điêu linh cổ quái, lúc nào cũng như ba phần tỉnh, bảy phần say".
Mạc Đại có cây dao cầm rất cũ kỹ, trong cây dao cầm lại giắt một lưỡi kiếm mỏng
như lá lúa. Tiên sinh xuất hiện dưới chân núi Hành Sơn, trong quán rượu đầy ấn
tượng. Quần hùng gồm 7 gã, uống 7 chung trà, đang ngồi nghị luận rằng võ công
Mạc Đại còn kém thua sư đệ mình là Lưu Chính Phong vì Lưu Chính Phong đánh ra
một đường kiếm là đứt đầu 5 con chim nhạn. Lúc đang nói chuyện cao hứng thì một
ông già gầy gò đi đến, nghẹo cổ nhìn các hán tử và bảo: "Các người nói thúi lắm!". Rồi bỗng
dưng, các gã hán tử chỉ thấy trước mắt hoa lên một cái như có một luồng ánh
sáng lấp lánh. Ông già gầy gò bỏ đi, tiếng đàn tình tang xa dần. Một cơn gió
nhẹ thổi qua trên bàn ruợu, 7 cái miệng chén bị cắt đứt lìa lần lượt rơi xuống
mặt bàn, vỡ tan. Hóa ra kẻ lam lũ ấy là Mạc Đại tiên sinh. Ông già say ấy rút
kiếm khi nào, chém 7 miệng chén khi nào, đút kiếm vào đáy cây dao cầm khi nào,
không ai nhìn rõ được. Chỉ với một đường kiếm tiện đứt 7 miệng chung thì 7 đầu
chim nhạn phỏng có là bao! Rõ ràng, trong đoạn này có hai thứ: một thứ trà sinh
nói bậy của 7 hán tử và một thứ rượu cực kỳ tỉnh táo của Mạc Đại tiên sinh.
Rượu trong truyện võ hiệp của Kim Dung cũng biến thành một thứ
võ khí. Trong Thiên Long bát bộ, bọn Dư Bà Bà của cung Linh Thứu tung bì
rượu lên thành thế Mãn thiên hoa vũ (mưa hoa đầy trời) cho chủ nhân mình là Hư
Trúc dùng Bắc minh chân khí hóa rượu thành băng, khống chế địch thủ. Rượu được
dùng để pha độc được, trừng trị những anh háo sắc. Vợ của Mã Đại Nguyên là Ôn
Thị tư tình với Đoàn Chính Thuần, em ruột nhà vua nước Đại Lý. Giận Chính Thuần
lòng dạ lang chạ, Ôn Thị đã pha bình Mê xuân tửu dụ cho Đoàn Chính Thuần uống,
rồi trói lại và bắt đầu... cắn từng miếng thịt của Đoàn Chính Thuần để trả thù.
Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo đã biết dùng Mê xuân tửu từ thuở bé. Mẹ của y là
Vi Xuân Hoa, làm điếm trong thành Dương Châu đã từng pha thuốc mê vào rượu cho
bọn làng chơi uống, để trấn lột tiền tài vật dụng. Đắc thủ được bài học lưu
manh đó khi làm quan lớn ở Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo cũng pha chế những bình Mê
xuân tửu để hãm hại, vu cáo những kẻ thù của mình. Từ rượu độc, Vi Tiểu Bảo
nghĩ ra những trò đầu độc khác tệ hại hơn và tất nhiên mực độ lưu manh hạ cấp
cao hơn.
Rượu trợ lực cho những màn tác oai, tác quái của bọn quan lại
triều Thanh. Để hành hạ Trịnh Khắc Sảng, kẻ tình địch ngày trước của mình, Vi
Tiểu Bảo đã cho tiền để bọn thị vệ dưới quyền uống rượu thoải mái. Uống xong,
chúng kéo qua tư dinh Trịnh Khắc Sảng, đòi nợ cho "công tước" Vi Tiểu
Bảo. Chúng đập phá nhà cửa, tài sản, lăng nhục Trịnh Khắc Sảng và vợ con, bắt
cóc, giết người rồi vu cáo...
Đọc tác phẩm Kim Dung, ta biết được người Trung Quốc có nhiều
thứ rượu danh tiếng: Thiệu Hưng Nữ nhi hồng, Thiệu Hưng Trạng nguyên hồng, Trúc
diệp thanh, Mai quế lộ, Bách thảo tửu, Biên tái tửu, Hầu nhi tửu, Bồ đào tửu,
Ngũ gia bì, Kim tước tửu... Đọc Kim Dung, ta mới biết được phong cách uống rượu
của người Trung Quốc: rượu thường được hâm nóng trước khi uống, nhất là vào mùa
đông. Thỉnh thoảng, trong vài tình huống đặc biệt, khi công nghiệp làm nước đá
chưa ra đời, tác giả đã để cho nhân vật mình làm ra băng để uống rượu. Trong
Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn Lệnh Hồ Xung cùng Hướng Vấn Thiên tìm về Cô Mai sơn
trang ở Giang Nam gặp gỡ Giang Nam tứ hữu. Để mời rượu Lệnh Hồ Xung giữa mùa hè
nóng bức, Đan Thanh tiên sinh đã nhờ anh mình là Hắc Bạch Tử dùng Hàn băng
chưởng hóa nước thành ra nước đá ướp lạnh rượu bồ đào Thổ Lỗ Phồn!
Đọc Kim Dung, ta mới biết được những cách uống rượu khác nhau.
Đối ẩm là hai người uống, thường là tình nhân hoặc bạn hữu thân thiết. Độc ẩm
là uống một mình, trong lòng đang lo nghĩ hoặc tưởng nhớ. Cộng ẩm hay Quần ẩm
là một nhóm người cùng uống với nhau. Loạn ẩm là một đám đông cùng uống. Trong
Tiếu ngạo giang hồ, đoạn loạn ẩm hay nhất là đoạn bọn tà ma ngoại đạo thết tiệc
Lệnh Hồ Xung để lấy lòng Thánh cô Doanh Doanh. Thương nhau, quý nhau, người ta
mới tặng rượu. Quần hào Cái bang Trung Quốc, tuy là đi ăn mày, đáng lẽ chỉ xin
cơm, thì người ta còn xin cả rượu nữa.
Chén rượu của Kim Dung đã làm cho những nhân vật của ông nổi
tiếng. Hồng Thất Công nổi tiếng chuyên uống rượu với thịt chó. Kiều Phong nhờ
rượu mới phát huy được thần oai, càng uống càng mạnh, càng tỉnh táo. Hư Trúc
nhờ uống rượu phá giới mà tìm ra được cô vợ sắc nước hương trời: công chúa Văn
Nghi của nước Tây Hạ. Thạch Phá Thiên nhờ uống hai thứ rượu độc mà hóa giải
được sự xung đột của âm dương nhị khí, đạt đến mức thượng thừa trong võ học...
ở chừng mực nào đó, Kim Dung đã nghĩ đến câu cổ thi:
Cổ lai thánh hiền giai
tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ
danh
(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ
Chỉ người uống rượu mới còn danh)
(Lý Bạch)
Tác phẩm của Kim Dung tràn đầy rượu và ruợu. Trừ những nhà sư,
các nhân vật của ông ít nhiều đều biết đến chén rượu. Rượu làm nên sự hưng phấn
cho cuộc đấu tranh chống cái ác, biểu dương cái thiện và lẽ công bằng ở đời.
Uống rượu nhiều tất có tình trạng say rượu xảy ra. Những người
say trong tác phẩm Kim Dung cũng say một cách tử tế. Trong những hội loạn ẩm,
họ xai quyền thách đố nhau hoặc cãi cọ chửi bới. Duy nhất trong 12 bộ truyện,
có một nhân vật say rượu phạm vào tội đại ác, trở thành một thứ tửu tặc. Nhân
vật đó là Thành Khôn, sư phụ của Tạ Tốn trong Ỷ thiên Đồ long ký. Thành Khôn
giả say rượu, đã làm nhục và giết hại vợ con của đồ đệ mình. Y lẻn vào chùa
Thiếu Lâm làm một nhà tu giả mạo dưới pháp danh Viên Chân. Kẻ tửu tặc ấy đã bị
tìm ra, bị trừng trị nhưng rồi cuối cùng cũng được tha thứ.
Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung khác xa với rượu ở miền Viễn
Tây Mỹ trong phim cao bồi, khác xa với rượu trong các hộp đêm trên toàn thế
giới và cũng khác xa với "rượu" trong các quán bia ôm. Chính vì thế,
tôi mạnh dạn gọi rượu trong truyện Kim Dung là một loại rượu đạo đức. Rượu
trong truyện Kim Dung thể hiện triết lý nhân sinh gần gũi cuộc sống. Nó làm nên
tình yêu, tình bạn, hận thù, sự tha thứ, mối hoài cảm, niềm hối tiếc. Qua rượu,
Kim Dung hé mở cho chúng ta nhìn thấy một khoa học mới: tửu học. Với một chữ
Rượu, Kim Dung đã vượt xa hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Rượu của ông có bài bản,
có tính chất triết lý tề chỉnh. Nó góp phần làm nên cái đẹp cho đời sống con
người. Men rượu kết hợp với men tình, men võ khiến ta không “uống” được tác
phẩm mà lòng vẫn say.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hưng Hải0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bình Phương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Minh Tuấn0
- Các bài viết của
(về) tác giả Sương Nguyệt Minh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đoàn Thị Lam Luyến0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Quang Đạo0
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ
THẾ GIAN SAY, thơ Đặng Xuân Xuyến:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Vũ Đức Sao Biển - nguồn: blogvietkiemhiep
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét