GIÚP CON KHÔNG LƯỜI BIẾNG - Tác giả Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment

GIÚP CON
KHÔNG LƯỜI BIẾNG
.............................................................

Những năm học đầu tiên, trẻ sẽ cảm thấy học thật sự khó nhọc, không được chơi liên tiếp mấy giờ liền, phải ngồi im lặng trong lớp, phải tập trung chú ý, tất cả đều trái với tính tự nhiên của trẻ. Chúng thật sự chưa thể hiểu được học là có ích và sự cần thiết của việc chăm chỉ học hành, đó là dấu hiệu đầu tiên của sự lười biếng.
Không phải là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên bản thân đã có ngay tính chăm chỉ hay lười biếng mà đều có nguyên nhân của nó.
Một đứa trẻ luôn ham chơi, ít để ý đến việc học hành bố mẹ nhờ làm việc gì đó thì tìm cách lẩn trốn nhưng có những lúc thì tỏ ra rất thông minh, siêng năng thì đó chưa hẳn là đứa trẻ lười biếng. Nó thừa sức để tiến bộ, sẵn sàng làm việc nếu biết bình tĩnh, kiên nhẫn điều khiển nó. Những đứa trẻ này rất thích làm theo ý mình, thích sự nhắc nhở nhẹ nhàng; chỉ cần tỏ ý ra lệnh hay sẵng giọng là nó sẽ làm trái và lười biếng ngay. Vì vậy hãy nói với con tác hại của sự lười biếng, ham chơi, nếu cứ mãi như thế sẽ thua kém bạn bè, gia đình thầy cô không yêu mến.
Lại có những đứa trẻ khác cũng tỏ ra lười biếng nhưng không nghịch ngợm, ham chơi; học hành kém, chỉ thích ngồi chơi; không thì nghĩ là nó bị bệnh. Thường thì sau nhiều năm nghiêm khắc trừng phạt, người ta mới nhận thấy rằng trẻ con lười biếng là tại chúng có tật gì đó: Hoặc hơi điếc, hoặc cận thị; trí não chậm phát triển; luôn cảm thấy quá sức vì thiếu chất hay thiếu máu... Và trước 12, 13 tuổi chúng không thể nói cho cha mẹ biết vì chúng không biết rõ mình có tật. Trường hợp này cần phải quan tâm đặc biệt để khắc phục những yếu kém của chúng.
Vậy còn những đứa trẻ thật sự lười biếng thì sao? Chúng khỏe mạnh, thông minh nhanh nhẹn nhưng lại hay bày chuyện trốn học, tránh phải làm việc nhà. Làm cách nào để nó hiểu như vậy là sai và cần phải sửa chữa là việc làm rất cần thiết.
Phải luôn trông chừng và bắt chúng tỉnh táo, hoạt động, không nên dữ tợn để chúng sợ hãi mà chống đối. Cần phải kiên nhẫn, yêu thương, chia sẻ với những khó khăn để chúng phấn khởi và làm cho các tính tốt còn tiềm tàng phát triển, nhấn chìm tính lười biếng đi.
Một đứa trẻ cũng có tâm lý buồn phiền, cảm thấy có lỗi khi bị thầy phạt vì điểm xấu. Nhất là người mẹ cũng cảm thấy buồn phiền vì điều đó và cảm thấy vui mừng khi con siêng năng, được nhiều điểm tốt thì sẽ khuyến khích con phải cố gắng để tiến bộ.
Cái tài của trẻ con là bắt chước, dù đó là cái hay hoặc cái dở. Có khi chỉ vì những cử chỉ của cha mẹ và thầy cô giáo mà trẻ yêu hay ghét việc làm. Có cha mẹ lúc nào cũng phàn nàn rằng công việc nặng nhọc trước mặt con cái khiến chúng tưởng tượng rằng chỉ có sự nghỉ ngơi và lười biếng mới đem lại hạnh phúc. Vì vậy cần phải dạy cho trẻ bằng hành động gương mẫu, những lời nói đúng đắn, tập trung cho chúng sự ham thích hoạt động ngay từ khi còn rất nhỏ. Đó là quá trình đấu tranh với sự lười biếng, tính ỷ lại và lòng ích kỷ sau này. Dù ban đầu có thất bại nhưng cũng không nên thả lỏng chúng, vì như thế tính lười sẽ lớn dần, rất khó để uốn nắn lại, dễ sinh ra những tật xấu khác.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI






…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 21.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét