SỢ THƠ - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

1 comment
(Nguồn ảnh: Internet)
SỢ THƠ
           *
Ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật còn làm ở báo Văn nghệ, gặp nhau, anh đưa cho tôi hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Duật nói rằng anh Thi có mấy bài thơ suy ngẫm (chữ suy ngẫm thuở ấy nghe lạ lắm), anh đưa mình in được một bài ở báo Văn nghệ, Long xem đem về in ở tạp chí “Người Hà Nội”. Tôi nhận lời ngay, về đưa duyệt được một bài Một niềm vui, một nỗi buồn. Bài thơ chẳng có gì đặc biệt nên tôi không nhớ nữa. Tạp chí ra, bộ phận hành chính đem 15 đồng nhuận bút cùng báo biếu đến nhà anh Nguyễn Đình Thi ở phố Lò Đúc. Anh Thi không nhận, trả lại kèm theo lá thư yêu cầu anh Bùi Hạnh Cẩn, Tổng thư ký chịu trách nhiệm tạp chí Người Hà Nội bấy giờ in đính chính. Với lý do anh Thi chỉ đưa thơ cho anh Phạm Tiến Duật, anh Long đem về in nhưng không hỏi ý kiến tác giả Được tin, tôi cùng Triệu Bôn (Tổ trưởng tổ biên tập) đến gặp anh Thi. Tôi nói: Thưa anh, tạp chí ra gần tháng nay không có dư luận bàn tán gì. Nay nếu anh cố tình bắt phải đính chính, em chịu kỷ luật biên tập không đúng nguyên tắc cũng đành. Kẻ không tốt nhân cớ chọc gậy bánh xe châm chọc và họ sẽ nói Nguyễn Đình Thi đã viết giấy trắng mực đen rồi thì sao? Anh làm sao rũ khỏi trách nhiệm? Nghe ra, anh dàn hoà: Vì tết vừa qua mình có đọc một bài thơ cùng bạn bè, thế mà bị thổi phồng thành chuyện, chứ Long là em anh Xuân Diệu, mình gây khó dễ làm gì?. Tôi mới vỡ lẽ chuyện là vậy!
Năm chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ bước vào đổi mới phải hoãn đi hoãn lại mấy năm mới bắt đầu được. Tôi về 65 Nguyễn Du (trụ sở cũ của hội) lấy giấy mời đi dự đại hội. Đến cửa gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó tổng thư ký đang bận rộn tiếp đài truyền hình quay chương trình đêm thơ chào mừng đại hội. Thấy tôi, anh vui vẻ kéo lên gác: Đang quay vô tuyến chương trình thơ chào mừng đại hội, gặp đây, Chử Văn Long lên đọc thơ. Lên phòng thu, tôi thấy người nghe, người đọc đã ngồi nghiêm chỉnh trước máy quay. Nhà thơ Vũ Quần Phương làm người dẫn chương trình đọc. Gần như đủ cả gương mặt những nhà thơ có tiếng như Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… Mỗi người đọc ba bài. Các bài thơ chọn đọc quá nghiêm trang, làm cho tôi thấy mình phải đọc mấy bài nhằm vào không khí đổi mới, khoả loãng bớt sự căng thẳng của buổi đọc thơ:
Xin trích ra đây hai bài:
Bài thứ nhất là bài tôi viết sau buổi đến phỏng vấn Hoàng Cát cho số báo Người Hà Nội chào mừng Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Người bị gác bút 14 năm trời vì truyện Cây táo ông Lành, nay mới lại được in trở lại bài thơ đầu tiên. Vậy mà anh điềm tĩnh thanh thản trả lời: Đi vào giải phóng miền Nam tôi bị gẫy một chân, còn một chân trở về phải trụ giữa cuộc đời vất vả để kiếm sống. Chuyện văn chương kia tôi coi như tai nạn lần nữa trong đời”. Cảm động trước anh, tôi đã viết được bài thơ dưới đây, tiện không khí ấy đem đọc:
NHÀ BẠN CUỐI ĐƯỜNG

Nhà bạn cuối đường mưa đọng vũng
Bao nhiêu xác lá dạt về đây
Những chiếc lá vàng như cánh mỏng
Còn ánh lên niềm tiếc nuối thời bay!

Lâu lắm không người khơi cống nữa
Một đoạn đường con nước cũng tù
Quẫy đảo dăm ba con bọ gậy
Nỗi buồn nghe đọng tự thiên thu

Nhưng lạ lùng sao sau cánh cửa
Mở đón chào tôi vẫn nụ cười
Lộc cộc âm thanh cây nạng gỗ
Hiện ra cùng với đoá hồng tươi!
Bài thơ thứ hai nói về không khí thơ thời buổi kinh tế thị trường:

LÀM THƠ GIỜ SỐNG RA SAO

Làm thơ giờ sống ra sao
Chẳng còn nhà xuất bản nào chịu in
Muốn in thơ phải có tiền
Mà anh chỉ có trái tim dại khờ
Suốt đời đắm đuối vì thơ
Yêu thương đến nỗi ngẩn ngơ giữa đời
Không in thì viết thơ chơi
Viết cho bè bạn, cho người mình yêu
Biết làm thi sĩ là nghèo
Một, hai, ba, bốn, cũng liều cả thôi!
Hôm sau Vũ Quần Phương đến gặp Phan Thị Thanh Nhàn ở 19 Hàng Buồm nhờ nhắn lại cho tôi “vì tôi đứng gần Camera quá nên thu không rõ hình”, nên chương trình phát không có thơ của Chử Văn Long.
Tôi nghe mà bật cười, vì mình đã tốt nghiệp trung cao một trường cơ điện, lại lăn lộn mười mấy năm với nghề máy móc, làm sao đứng gần Camera quá lại không thu rõ hình? Tôi còn nhớ anh Camêramam khi ấy nhìn vào tôi, sửa chỉnh ống kính máy quay cẩn thận, anh còn mỉm cười với những câu thơ tôi đọc vậy thì làm sao hình lại không rõ.
Lúc đó tôi mới thông cảm được nỗi sợ thơ một thuở không riêng gì Xuân Diệu và Nguyễn Đình Thi.
Và đời sau cũng cần hiểu thêm rằng một thời đánh giặc các nhà thơ Việt Nam không ai dám viết những bài thơ tình yêu đơn thuần anh anh, em em như thể bây giờ. Vậy là họ đã hy sinh biết chừng nào cho cuộc sống tốt đẹp người sau.
*
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Làng Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.               
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com













…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

1 nhận xét:

  1. đúng rùi phải biết SỢ THƠ
    tức là sợ cái ngu ngơ ấy mà
    nhiều khi tế nhị lắm à
    thật thà thua thiệt người ta nói đầy

    Trả lờiXóa