(Nhà thơ Huy Cận và Thi sĩ Xuân Diệu) |
HAI CÂU THƠ VẪN
LÀ
CỦA XUÂN DIỆU
CỦA XUÂN DIỆU
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
là của Huy Cận!
Dù bài viết đã được dàn
dựng, che chắn, sắp xếp lớp lang như một vở diễn, vẫn để lại những sơ hở, mâu
thuẫn rất dễ nhận ra cái tâm không thực ở người viết: Mở đầu, Trần Đăng Khoa
vừa nhận Xuân Diệu là thầy dạy nghề của mình với lòng trân trọng và ngưỡng mộ
sâu sắc, vừa đem hai câu thơ trên ca ngợi hết lời… kéo cả Lý Bạch, Đỗ Phủ,
R.Tagor, Nguyễn Du, A.Pushkin, Walt Witman… vào so sánh, nếu mỗi thi sĩ chỉ
được chọn ra hai câu thơ, có lẽ tất cả các thiên tài nhân loại kia đều phải ngả
mũ trước Xuân Diệu! Ngoắt một cái Khoa quay lại đưa ra những lời tóm tắt hết sức
bỗ bã: “Đời thơ Xuân Diệu, trước cách mạng là rạo rực yêu đương và sống cuống quýt
bay bổng… Sau cách mạng ông kéo thơ về mặt đất cần lao và cố gắng đưa thật nhiều
thực tế đời sống vào thơ, đọc chỉ thấy quý tấm lòng của ông đối với công việc sản
xuất, còn bài thơ thì đã chệch ra khỏi văn chương và trượt xuống việc bốc đất
bốc đá hay kỹ thuật muối dưa chuột!”. Liệu có ai tin đây là chân dung một đời
thơ Xuân Diệu, lại do nhà thơ phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa
vẽ ra để tưởng niệm trên tờ văn nghệ số kỷ niệm một trăm năm ngày sinh Xuân
Diệu?
Vì sao có sự ngoắt ngoéo làm vậy? Người đọc mẫn cảm sẽ thấy đây là
thao tác đã được tính toán để Khoa gài cắm “cái thước lý luận do Khoa tự chế”
khi khen hai câu thơ là “rất điêu luyện đưa thực tế đời sống vào thơ” để so
sánh với thơ Xuân Diệu do Khoa tóm tắt: “sau cách mạng ông đưa thật nhiều thực
tế đời sống vào thơ… nhưng đã chệch ra khỏi văn chương, trượt xuống việc bốc
đất bốc đá hay kỹ thuật muối dưa chuột”, để nói “Xuân Diệu không có tài đưa
thực tế đời sống vào thơ”, không phải là người làm hai câu thơ tuyệt vời ở trên
mà Khoa đã “linh cảm” từ thuở viết “Chân dung đối thoại” đã thấy “nó bay ra
ngoài quỹ đạo thơ Xuân Diệu”, nó nhuốm “màu Huy Cận” có “hơi Huy Cận”! Mục đích
bài viết không dừng lại ở việc tước đi hai câu thơ của Xuân Diệu để trao cho
Huy Cận, để hạ bệ Xuân Diệu. Nhưng cũng không nhằm đề cao Huy Cận, mà nhằm để
tự tôn vinh cái tài “linh cảm, thần đồng” của Khoa, người nhìn ra được hai câu
thơ tột đỉnh của nhân loại, lại tìm ra được tác giả chính thức sau gần cả thể
kỷ đã mang tên Xuân Diệu! Đọc dòng văn dưới đây trước khi kết thúc bài viết, ta
như nghe tiếng thở phào của Khoa sau những vật lộn, chắp nối một bài viết vừa
ảo vừa thực: (Đến lúc ấy tôi mới biết cái “linh cảm” của tôi đã không phản
tôi). Nhưng sao liền ngay đó Khoa lại hạ bút: “Kể lại với bạn đọc điều này tôi nghĩ mình cũng chẳng làm điều gì
phương hại đến uy tín của Xuân Diệu”. Phải chăng sau khi bằng mọi giá đạt được
mục đích của mình trái tim nhà thơ lại đưa Khoa về với những buồn vui phải,
trái. Một cậu học trò lột mũ áo của thầy trước bàn dân thiên hạ, ngày cả nước
đang kỷ niệm cuộc đời và nhân cách văn chương của ông, làm sao không chút ân
hận. Rồi việc hai câu thơ ấy Xuân Diệu viết từ thời thơ mới, trước cách mạng,
Khoa lại cố tình đào xới thơ Xuân Diệu viết sau cách mạng để so sánh chỉ thấy
thơ ông “bốc đất, bốc đá và kỹ thuật muối dưa chuột”. Khoa thông
minh, làm sao không biết thơ trước cách mạng của Xuân Diệu có nhiều câu mang
bút pháp tư duy, những gợi cảm hình thức rất gần với hai câu thơ đem bàn.
Khi ví (trái đất với nước mắt) thật gần gũi với nhìn (trăng thành
vú mộng). Hình ảnh “Trái đất đi như giọt lệ giữa không trung” gợi ta nhớ ngay
tới “Trăng khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”… cố tình tước đi hai câu thơ Khoa
cho là hay nhất ở Xuân Diệu như là phủ nhận cả đời thơ Xuân Diệu, nên người đọc
càng không tin ngay cả lời khen của Khoa về hai câu thơ hay, nó sâu sắc và ôm
chứa, nhưng dùng từ “kỳ vĩ” khen một câu thơ có khác gì chỉ đây là đỉnh núi
Hy-ma-lay-a. Thơ hay không chỉ đo bằng chiều cao, chiều rộng còn tiếng rung của
sợi tơ đồng vọng mãi ngàn năm. Ngoài hai câu thơ ấy Xuân Diệu còn bao câu hay
khác làm nên Xuân Diệu - ông Hoàng thi ca một thuở. Cả chặng sau cách mạng vẫn
có những bài, những câu thật cuốn hút, mãi mãi say đắm, trẻ trung như “Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt”. Khi đọc tới câu “Kỹ nghệ điêu luyện đưa thực tế đời
sống vào thơ” được mệnh danh là “cái thước đo thơ tự chế của Khoa” nó đưa người
đọc đến với hình dung một thứ lý luận thơ ngồ ngộ, pha trộn bằng khái niệm của
nền sản xuất công nghiệp ở những nước phát triển, kỹ nghệ luyện thép, kỹ nghệ
hóa dầu, ở trình độ cao là chế tạo máy bay, làm tàu vũ trụ chứ làm gì có “kỹ
nghệ đưa thực tế đời sống vào thơ”. Thơ là sản phẩm tinh thần đơn chiếc, dù rèn
luyện đến đâu cũng không thể tạo nên một kỹ nghệ sản xuất thơ. Thời làm thơ
thiếu nhi Trần Đăng Khoa từng có câu thơ thật sự thần đồng: “Trăng bay như quả bóng/
Đứa nào đá lên trời”! Thơ thiếu nhi
Việt Nam
chưa có câu nào đặt ngang so sánh. Lúc ấy Khoa đâu đã có khái niệm “kỹ nghệ đưa
thực tế đời sống vào thơ”!
Nước cờ chủ chốt khi Khoa kết thúc bài viết là rất táo bạo, dẫn
lời Huy Cận: “Câu thơ ấy đúng là của mình. Mình viết năm 1940 ở Huế”, hẳn Khoa
yên chí không ai còn dám tranh luận với mình. Nhưng Huy Cận đã không còn, ai
tin được đây là lời Huy Cận. Về lý người ta có thể hỏi: “Sao Trần Đăng Khoa
không công bố khi Huy Cận còn sống? Và cả trường hợp được nghe chính Huy Cận
nói ra lời này thì vẫn còn thiếu lời của Xuân Diệu đã yên nghỉ ở cõi gió mây.
Nên hai câu thơ “Trái đất ba phần tư nước
mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” mãi mãi chỉ là của Xuân Diệu.
Mời thư giãn với clip ÔNG ĐỒ
thơ Vũ Đình Liên, qua diễn ngâm Quốc Anh:
*.
Vạn Phúc, ngày 30 tháng 04 năm 2016
CHỬ VĂN LONG
Địa
chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
(1) Bài in báo Văn
nghệ số 8 ngày (20/02/2016)
...................................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.04.2016.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét