(Giáo sư Dương Ngọc Dũng và sư trụ trì Thích Minh Thông
bên cạnh Tổng thống Obama tại chùa Ngọc Hoàng - Ảnh: Hải An)
TRAO ĐỔI CÙNG TIẾN SĨ TÔN GIÁO HỌC
DƯƠNG NGỌC DŨNG
|
Báo Zing đăng bài “Người
hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?” vào ngày
25/05/2016 http://news.zing.vn/nguoi-huong-dan-ong-obama-o-chua-ngoc-hoang-ke-gi-post652496.html, viết về tiến sĩ khoa
Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng là người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng.
Đọc lại bài phỏng vấn dưới đây (trích đoạn) khiến cho bạn đọc có tri kiến Phật
học sẽ ngán ngẫm cho sự hướng dẫn này…Vì sao? Bởi vì vị tiến sĩ này “đi chân
giấy”, sau đây là nội dung được trích dẫn và phân tích của tôi để bạn đọc đừng
tin vào mác “tiến sĩ” mà hãy quán xét thực chất hành vi thân ngữ tâm của họ thế
nào, cũng là bài học cho những ai đừng thấy hình thức, học vị mà cho rằng đó là
“cán cân” đo lường trình độ Phật học…
NỘI DUNG CHI TIẾT:
“…Tổng thống bắt tay nói: “Xin chào, vui được
gặp ông”. Tôi nói: “Chào mừng Tổng thống đến Việt Nam và thăm chùa Ngọc Hoàng”. Trợ
lý của Tổng thống cũng tới giới thiệu tôi là giáo sư tôn giáo học và sư trụ trì
Thích Minh Thông của chùa Ngọc Hoàng.
Khi trợ lý nheo mắt ra hiệu,
tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là ngôi chùa theo phái Hoa tông được xây vào cuối
thế kỷ 19. Ông Obama hỏi một câu ngắn gọn: “When?” (khi nào?). Tôi nói: Năm
1894. Khi tôi giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, Tổng thống Obama lắng nghe và
bày tỏ ông thấy rất thú vị.
Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp
Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ
khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United
Business Institute (Bỉ) năm 2007.
Khi bước vào chính điện của
chùa, ý của sư thầy Thích Minh Thông là Tổng thống Obama có thể đi vào bằng cửa
chính. Nhưng ông Obama nói rằng mọi người đi như thế nào, ông sẽ đi đúng như
vậy. Tổng thống đi từ cửa bên trái, đi qua bàn thờ Phật Thích ca đến thẳng bàn
thờ Ngọc Hoàng.
Trước đó, đặc vụ nói nếu Tổng
thống muốn thắp nhang thì có được không? Tôi nói, Tổng thống là người theo đạo
Tin lành, cho nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin
lành không thờ ai ngoài Thiên Chúa. Do vậy, tôi đề nghị Tổng thống chỉ nên cúi
đầu để bày tỏ sự tôn trọng với tôn giáo khác. Còn nếu Tổng thống muốn thắp
nhang thì sẽ nhờ sư thầy Thích Minh Thông. Việc này thực hiện đúng theo kịch
bản.
Khi đó Tổng thống Obama hỏi tôi
ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần.
Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang
cả ngày.
Tiếp đó, Tổng thống Obama đi ra
cửa phụ bên phải để thăm tượng Phật. Tôi giải thích cho ông ấy ý nghĩa của Phật
Thích ca, nguồn gốc ra đời của Đức Phật… Khi kết thúc, Tổng thống Obama nói lời
cảm ơn về những lời giải thích thú vị của tôi. Tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn vì đã
dành cho tôi vinh dự được làm người hướng dẫn.
– Ông có kỷ niệm nào thú vị
trong buổi hướng dẫn đó?
– Theo quy định của trợ lý, khi
Tổng thống bước đi, tôi phải đếm từ 1 đến 8 giây mới bước theo. Tôi có hỏi lý
do thì người trợ lý giải thích rằng: về nguyên tắc, phải giữ khoảng cách, tuyệt
đối không đụng vào người Tổng thống, không được trao quà, tặng quà, hay gợi ý
chụp hình trong bất cứ trường hợp nào. Khi ra đến cổng, Tổng thống đột ngột
đứng lại, xoay qua nhìn ông thổ địa. Ông chỉ hình thổ địa hỏi, tôi nói đó là
ông thổ địa, là thần tài. Sau đó chỉ sang môn thần, tôi nói đó là người canh
cửa, để ma quỷ không vào nhà.
– Trở thành người hướng dẫn cho
Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa như thế nào với ông?
– Khi gặp, tôi giới thiệu mình
là Dũng, ông nói: “Ồ Professor Dũng”. Ông đọc đúng tên với đúng dấu ngã và bắt
tay tôi rất chặt. Ông hiểu công việc người khác làm cho mình rất nặng nề, căng
thẳng. Khi Tổng thống đứng trong chùa, tôi lùi ra sau một chút thì Tổng thống
gọi tôi đứng gần. Ông hiểu đây là vinh dự của mình chứ không phải của ông.
Trên đường đi ra khỏi tam quan,
cô trợ lý trượt chân lảo đảo. Ông Obama nhanh chóng đỡ cô ấy và nói những lời
động viên. Với hành động an ủi động viên đó, cô ấy có làm việc cả đời với ông
ấy cũng vui lòng.
Tổng thống Obama là người có
khả năng kết nối nhanh bằng chính sự rộng lượng, hào phóng như vậy. Ông chinh
phục người khác ngay lập tức. Không phải sự ngẫu nhiên khi ông Obama vươn từ
địa vị xã hội thấp như vậy lên làm Tổng thống, tôi cho rằng một phần là thiên
bẩm nhưng một phần là học tập và rèn luyện.
Tổng thống Obama: Tôi thích con gái
Khi tôi đang giải thích về Quan
Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: “Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?”. Tôi
nói chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ
hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có
con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: “I
like daughters” (Tôi thích con gái). Tôi nói: “Me too” (Tôi cũng vậy).
Có một số tờ báo đăng trụ trì
Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con
trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật.
Tôi là người trong cuộc
và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó. Tôi là người
giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại
sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người
hiểu và không trách lầm thầy Thích Minh Thông. …” (hết trích)
PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ:
1 Niềm tin cầu tự ảnh hưởng nhận thức bình
đẳng giới:
Đọc kỹ đoạn trích trên chúng ta
dễ nhận ra những điểm sơ hở về tri kiến Phật học của vị tiến sĩ Tôn giáo học
này. Đầu tiên ông Dương Ngọc Dũng nói : “Trước đó, đặc vụ nói nếu Tổng thống muốn thắp
nhang thì có được không? Tôi nói, Tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho
nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ
ai ngoài Thiên Chúa” (trích nguyên văn từ bài viết của tác giả). Điều này có nghĩa
ông Dũng hiểu rằng niềm tin của người Tin lành chỉ một Chúa Trời, không chấp
nhận luận thuyết, giáo lý đạo khác, thì tại sao ông Dũng lại đưa vấn đề cầu
tự (cầu để được sinh con trai kế tự thuộc về đạo
Phật trong thời điểm ông nói) với ông Obama vì rằng
chùa này linh thiêng, chẳng khác nào rao truyền mê tín, ảnh hưởng đến nhận thức
và giáo dục bình đẳng giới mà Nhà nước đang chủ trương vận động tuyên truyền?
Mặt khác, nếu nói chùa Ngọc Hoàng linh thiêng lẽ nào gián tiếp cho rằng Quán Âm
Bồ Tát không linh ứng sao bởi lẽ ông Dũng cho rằng ở chùa Ngọc Hoàng này mới
được, chùa kia lại không? Thật sự đây là điều phỉ báng Phật pháp!
2 Ba cây nhang tượng trưng cho “tinh,
khí, thần”?
Tôi trích nguyên văn đoạn này:
“Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục
như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày…” (hết
trích). Đây là sự giải thích tà kiến, trái với giáo lý Phật đà. Cụm từ “tinh,
khí, thần” là học thuật của Đạo giáo (gọi là Tiên đạo), chỉ cho đạo sinh tu
luyện theo diễn trình bế tinh, giữ khí, sau đó mới đạt thần, là quang sắc, là
“biểu trạng của người tu Tiên đạo chứng quả vì hành vi thân, ngữ, tâm liên tục
“không dừng nghỉ” mà Đức Phật đã nêu đặc điểm tu tiên trong kinh “Thủ lăng
nghiêm”.Cần nhấn mạnh rằng trong thuật ngữ đạo Phật không có cụm từ “tinh, khí,
thần” mà chỉ phổ biến trong Tiên đạo (Đạo giáo).
Do vậy, thắp 3 cây nhang không
phải tượng trưng cho “tinh, khí, thần” mà người học Phật ai cũng biết đó là
tượng trưng cho Tam bảo (3 báu của đạo Phật) là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.
Vì vậy cho nên ở chùa thường thắp nhang thường xuyên (không phải liên tục) để
tỉnh giác (nhắc nhở) cho mình và chúng sanh về hoạt dụng của đạo Phật là luôn
tinh tấn dùng trí tuệ diệt 3 độc nguy hại cho huệ mạng của người tu Phật là
tham, sân, si. Ngoài ra nên hiểu “cây nhang thứ nhất tượng trưng cho Phật bảo
là tượng trưng cho Bồ đề tâm; cây nhang thứ hai là Pháp bảo tượng trưng cho Trí
tuệ tánh không (khởi đầu là chánh kiến);
cây nhang thứ 3 là Tăng bảo tượng trưng cho Xả ly (tức là người tu phải ly xuất
khỏi 3 nhà lửa “thế sự gia”, “phiền não gia”, “tam giới gia”. Cho nên luận điểm
của ông Dương Ngọc Dũng là thắp nhang liên tục để giữ mạch sống (nguồn sống) là
sai hoàn toàn với tinh thần đạo Phật vốn luôn quán Vô thường!
Trên thực tế vào thời Đức Phật
tại thế không có vụ thắp nhang, do thời đại, quốc độ, và dân tộc nên người theo
Phật thêm vào những chi tiết lễ nghi để cho phần Giáo nghi Phật môn thêm long
trọng, trang nghiêm và ý nghĩa. Còn nhang hay hương tỏa mùi thơm thoang thoảng
trong tự viện, chùa chiền chỉ là nguyên tố thô, còn Đức Phật sách tấn đồ chúng
nên thắp lên 5 loại hương sau đây: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải
thoát hương, Giải thoát Tri kiến hương.
3 Phái Hoa tông: Đây là từ
dùng hoàn toàn sai đối với thuật ngữ Phật đà. Đã viết từ “”Phái” thì không thể
viết từ “Tông” bởi vì trong tông có phái. Thí dụ: Phật giáo Mật tông, dòng phái
Ninh mã, Pháp hệ Quán thế âm. Do vậy, khi viết ra (nếu là tác giả) khi nói ra
(nếu là ông Dương Ngọc Dũng) tự mình phơi bày trình độ Phật học của mình còn
kém lắm! Trong thuật ngữ Phật giáo không có Hoa tông mà chỉ có Hoa nghiêm
tông…Do vậy, đây cũng là một danh từ Phật học cần chỉnh sửa lại.
LỜI KẾT:
Qua những phân tích nêu trên
chúng ta thấy và hiểu được những lỗi sai cơ bản, sự nhầm lẫn tai hại của người
hướng dẫn (hướng dẫn viên) tiến sĩ Dương Ngọc Dũng trừ phi tác giả diễn đạt sai
thuật ngữ. Tuy nhiên, xét về nội dung mà ông Dũng tự nói ra thì không còn gì
chối cải vì đã quá rõ ràng trên bình diện bình giải Phật học mà tôi đã trình
bày. Từ đây cho thấy học vị tiến sĩ Tôn giáo học chỉ là hư danh, đôi lúc người
ta quá đặt niềm tin vào học vị mà ngộ nhận tâm linh, dẫn đến hậu quả khiến dư
luận hiểu sai lệch chánh pháp Phật đà, đặc biệt là chánh kiến Phật môn.
Do vậy mới biết kiến thức thế
gian tích tập trong trường đại học, dù là Harvard của Mỹ chưa đủ để chứng minh
trình độ tâm linh, về nhận thức đúng đắn về Phật học, vốn là phạm trù đòi hỏi
thân, ngữ, tâm hợp nhất, hay nói cách khác là tri hành hợp nhất. Khi đó những
gì người ta nói ra, viết ra mới đúng là chân pháp, chánh ngữ.
Lại một lần nữa, báo chí truyền
thông đăng bài sai lệch gây ngộ nhận về Phật học, ảnh hưởng đến Quốc thể vì
không chỉ có người Việt mới đọc được tiếng Việt! Ngán ngẫm thay học vị tiến sĩ
Tôn giáo học, Phật học! Hổ thẹn cho những ai không hiểu gì về Phật học mà đòi
viết đề tài về lĩnh vực này, sẽ làm trò cười cho người trí!
*
Làng Phước Thành ngày 26/05/2016
Thinley NGUYÊN THÀNH
(Tên thật: Nguyễn Trọng Minh)
Địa chỉ: Làng Phước Thành, quận Liên Chiểu
thành phố Đà Nẵng
(Hiện sống và làm việc tại Hà Nội)
.
.
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn ngày
09.06.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét