(Tác giả Trần Tiến cùng vợ, con gái, con rể và cháu ngoại)
|
*
Nghe có vẻ rất vô lý nhưng lại là tư tưởng phổ biến của
nhiều bạn trẻ hiện nay - yêu cho thiên hạ phải lé mắt. Cũng biết rằng bất cứ
người nào cũng muốn người yêu mình là nhất, chuyện tình cảm của mình là đẹp đẽ,
được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng yêu chỉ vì điều đó thì chuyện tình ấy không
còn đẹp nữa mà nó bị biến thành một thứ đồ “trưng diện” mà thôi.
Hoàng Mai nếm hương vị nụ hôn đầu đời khi cô tròn 16
tuổi. Nụ hôn ấy được trao tặng bởi một chàng trai hơn Hoàng Mai 15
tuổi. Cô đã bị choáng ngợp bởi vẻ hào hoa lãng tử và sự dạn dĩ của chàng, sau
một lần theo bạn vào quán bar uống rượu. Dưới ánh đèn chập chờn và những ly
rượu vang sóng sánh Hoàng Mai đã ngây ngất chàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mối
tình chớp nhoáng ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn trong hai tháng nhưng cũng đủ định hình
trong Mai suy nghĩ: “mình phải yêu những người đàn ông làm cho thiên hạ phải
ngưỡng mộ ngắm nhìn”. Và với Mai, cô có đủ tự tin để thực hiện “ý nguyện”
của mình. Trẻ trung, xinh đẹp cộng tài ăn nói, cô sinh viên đến từ Bắc Ninh ấy
đã làm bao anh chàng phải mê mẩn và xếp hàng dài. Nhưng những đối tượng được
Mai tiếp đón phải là những chàng trai đạt chí ít tiêu chuẩn 3G (galăng, giỏi
giang, giàu có). Những mối tình lên xe xuống ngựa của Mai khiến bạn bè và những
người xung quanh phải trầm trồ, “thán phục”. Cô hạnh phúc với cảm giác được
người khác khen ngợi: “Em giỏi thật, quen toàn đại gia” hay “sao
nhiều chàng giàu sụ cứ vây quanh em thế kia?” Cái cảm giác được đưa lên tận
mây xanh ấy khiến Mai không “hạ” mình xuống được. Mai cười tình với anh bụng
phệ, liếc mắt với gã hói đầu... miễn là các anh có Mercedes, Camry, BMW... đến
Dylan vẫn phải đứng xa mà ngó. Hỏi Mai có yêu ai không, cô chỉ cười: “Mình
chỉ thích cảm giác được nhiều người khen ngợi và cả ánh mắt ghen tỵ của họ
thôi. Chứ mấy ông ấy làm sao mà yêu nổi!” Cũng có không ít người dè bỉu với
những mối tình của Mai và cũng có người đã đe Mai: “Không sợ dính bẫy hả?
Đàn ông lắm tiền dễ gì cho không ai cái gì?” Nhưng với Mai, chẳng hề hấn gì,
cô vẫn tỉnh queo “thấy có “mùi” là bấm nút biến liền. Với lại, mỗi anh mình
cũng chỉ đi chơi vài ba lần thôi mà, có ai tồn tại lâu dài đâu mà lo”. Cứ thế
Mai khiến cho mọi người ngỡ ngàng, nể phục vì tài chọn lựa của cô và cả việc
thay tình như thay áo của cô nữa.
Còn với Kim Thu, cô luôn có ước muốn làm mọi người trong
làng phải nể nang mẹ con cô. Nhưng cách làm của cô thật là khác mà mãi đến sau
này, trong một lần lên thành phố thăm con gái, bà Giang mới rõ sự thật. Thì ra,
những anh chàng tài giỏi mà cô con gái diệu của bà - Kim Thu dẫn về chỉ là
những anh công nhân quèn lên thành phố kiếm sống.
Kim Thu, 23 tuổi từ Bến Tre lên thành phố Hồ Chí Minh làm
nghề uốn tóc. Vốn nuôi cho mình cái mộng bám trụ ở đất Sài Gòn này - theo cô
phải tìm cho được những người đàn ông “thượng lưu” để kết thân. Trước khi đi cô
đã từng tuyên bố: “Sẽ không bao giờ trở về đất Bến Tre sinh sống và chồng cô
phải là người có máu mặt ở đất thị thành”. Mỗi lần về quê Bến Tre, cô đều
mang theo một anh chàng rất bảnh: hoặc kỹ sư xây dựng hoặc bác sĩ tại bệnh viện
lớn trong thành phố, có khi là một anh thương gia giàu sụ... Nói chung, những
người đàn ông theo Thu đều là người rất “chuẩn”, có thể làm bà con chòm xóm tấm
tắc mấy ngày chưa hết chuyện. Chưa kể mấy bà có con gái đến tuổi trưởng thành
còn lấy cô làm gương dạy các con: “Đấy, chúng bay nhìn chị Thu xóm mình mà
học hỏi kìa, lên thành phố kiếm người đàn ông ngon lành cho cha mẹ nở mày nở
mặt”.
Nhà Thu chỉ còn mẹ và Thu mà thôi, bố Thu đã mất từ khi
cô lên chín, mười tuổi gì đó. Từ ngày ấy, mẹ Thu phải làm lụng vất vả để nuôi
cô, cũng mong ngày cô được sung sướng. Ngay cả việc cô lên thành phố cũng được
sự ủng hộ nhiệt thành của mẹ. Bà cũng đâu có ngờ rằng Thu lại làm như thế để bà
được “nở mày nở mặt” Thu thú nhận với bà: “Con muốn mọi người ở quê phải nể
mình mẹ ạ, nhất là mẹ. Chứ chẳng lẽ con lên thành phố lâu thế mà lại chẳng quen
được ai ngon lành sao? Mẹ không nói ra thì ai mà biết được” Nghe con nói mà
lòng bà Giang cũng như quặn thắt, bà đâu cần Thu “mua mặt” cho bà theo kiểu ấy.
Bà cho Thu lên thành phố là để Thu thoát khỏi đồng ruộng vất vả, hơn nữa cũng
để Thu học hỏi được nhiều điều. Bà than thở: “Cũng đến lúc con phải lấy
chồng chứ? Mình nồi nào úp vung ấy thôi con ạ”. Nhưng Thu thì không “Đâu
có đơn giản như thế, con chỉ lấy chồng khi tìm được một anh học hành tử tế. Nếu
không người ta cười cho, mình phải làm sao để xóm giềng ngưỡng mộ chứ mẹ”.
Dù đã cố gắng để tẩy chay cái tư tưởng “làm gương cho người khác” của Thu nhưng
bà Giang vẫn phải ngậm ngùi trở về sau khi dặn con gái: “Con tính thế nào
thì tính, đừng trèo quá cao kẻo ngã đau con ạ. Mình phải biết mình là ai chứ,
mình có hạnh phúc hay không thì chính bản thân mình biết rõ nhất thôi, đừng
thấy người khác vỗ tay mà tưởng người ta tán đồng, ủng hộ, liệu đường mà sống
con nhé”.
Chẳng biết rồi Thu có thay đổi được gì hay không bởi
trong cô tính sĩ diện và tự tôn quá lớn. Nó không cho phép cô “thua” ai được.
Cũng mang một “cục sĩ diện” to tổ chảng ấy mà Kiều Trang
vẫn chưa có quyết định cho hôn nhân của mình dù cô đã ngấp nghé ở tuổi ba mươi.
Cô và Tùng yêu nhau cũng đã sáu năm có lẻ. Trước đây cả
cô và Tùng đều đi làm, nhưng chẳng biết vì lý do gì Tùng bỗng trở thành kẻ thất
nghiệp. Hơn thế anh lại sinh ra cái tính lười lao động, đến đâu anh cũng chê
lương thấp. Có lẽ phải nhờ đến thợ chuyên nghiệp cạo “cục lười” trên lưng anh
mới mong anh thay đổi được. Thế là, Trang từ người yêu bỗng kiêm luôn “nhà tài
trợ chính” cho chàng. Khổ một nỗi lúc mới quen và yêu Tùng, cô đã trót “nổ” với
bạn bè về anh, anh chỉ được một thì cô ca thành mười. Cô gắn cho anh cái mác
“kỹ sư xây dựng” rồi còn đang có ý định đi du học nước ngoài nữa chứ. Cô biến
anh thành người đàn ông trong mơ của đám bạn bè: “Anh chu đáo, cẩn thận,
chăm lo cho mình từng ly từng tí. Mọi thứ mình đang có đều do anh ấy sắm sửa
cả”... Khi bạn bè hỏi đến chuyện công việc của Tùng, thì Trang lại được đà
“nổ” tiếp: “Nhà anh ấy rất khá giả, nên anh ấy chẳng việc gì phải đi làm cả.
Anh ấy đang tính mở công ty riêng đấy có đứa nào đăng khí làm nhân viên
không?...” Cứ như thế trong con mắt của bạn bè Trang là đứa sướng nhất vì
có được “chàng bồ” hết ý. Cô cứ lâng lâng trong cái “ảo giác” ấy mà không tài
nào thoát ra được. Tùng đã gắn bó với cô mấy năm rồi, cô cũng không thể xa Tùng
được. Nhiều lúc cô thấy mệt mỏi và chán chường khi cứ phải “lựa chiều chắn gió”
theo những câu hỏi của bạn bè. Nhưng lỡ phóng lao rồi thì phải theo lao thôi.
Bây giờ mà phơi bày sự thật thì chỉ tổ người ta cười cho mà thôi. Nghĩ thế,
Trang tiếp tục thêm hoa, vẽ bướm cho tình yêu của mình. “Chúng mình đang lên
kế hoạch lớn nên chưa tính đến chuyện hôn nhân được...”. Đồng thời dần dần
cô cũng tránh xa bạn bè, từ bỏ những cuộc vui vì không muốn mọi người biết rõ
sự thật về Tùng.
Những cô gái mang tâm trạng như Hoàng Mai, Kim Thu, Kiều
Trang là điều rất dễ hiểu và đáng cảm thông. Nhưng tự lừa dối mình, lừa dối
người như các cô thì là điều không đáng làm bởi lẽ các cô có hạnh phúc hay
không thì chính các cô mới là người biết rõ nhất. Tình yêu mà các cô tự tô son,
vẽ phấn ấy liệu có giữ mãi được vẻ “hoàn mỹ” của nó hay không! Hay một lúc nào
đó lại bị chính các cô lột trần sự thật? Lúc ấy người đau đớn nhất chính là
những người trong cuộc hay nói đúng hơn chính là các cô. Hãy tìm cho mình một
tình yêu đích thực, đừng tự đưa mình vào thế giới ảo ảnh, mơ hồ. Bởi trước sau
gì thì “sự thật vẫn là sự thật” đừng tự đưa mình lên mây xanh kẻo có lúc rơi
xuống ao tù.
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐỂ MỊ NÓI CHO MÀ NGHE
của Thịnh Kain2 - Kata Trần, qua tiếng hát Hoàng Thùy Linh:
*.
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com
........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua
email ngày 21.08.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét