KHI CÁC NHÀ THƠ NÓI THẬT MÌNH MANG HỌ THÍCH - Tùy bút Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
KHI CÁC NHÀ THƠ NÓI THẬT
MÌNH MANG HỌ THÍCH
*
Cuối xuân đầu hạ, khi sự ẩm ướt vẫn còn kéo một vệt dài lê thê buồn bã khó chịu, một chút nắng hạ vừa ửng hồng như muốn chấm dứt không gian sũng nước, tôi có dịp ngồi cùng mấy nhà thơ. Một nhà thơ phủ đầu tôi ngay lập tức: “Mẹ, thơ nước mình nó vậy, người mình nó thế, nhỏ bé, èo uột, lèo tèo, mà ông cứ nhắc đi nhắc lại, đay nghiến làm gì?”
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức)
Mấy nhà thơ xung quanh mỉm cười có vẻ thủ thế như sắp thực chứng một vụ trâu bò đánh nhau. Tôi liền vui vẻ bảo: “Vậy tôi hỏi các anh, nếu những đứa trẻ nhà mình còi cọc vì thiếu dinh dưỡng thì mình sẽ chạy chữa liên tục cho nó, hay là biết nó thế cứ để mặc kệ?”
"Nhưng ông nói một lần người ta biết rồi thì thôi, sao lại cứ phải nói đi nói lại cho nặng nề ra"
Vậy tôi xin hỏi, nhà các anh quét hôm nay, ngày mai có quét nữa không, hay là thôi? Và những nhà thơ đã được giải một lần tức là lên đời về mặt đẳng cấp rồi, tại sao cứ thích lĩnh giải đi, lĩnh giải lại? Sao không lĩnh một lần là đủ?”
“Vì chúng nó tham!” một nhà thơ buột miệng.
“Như vậy chứng tỏ, giải không phải giá trị thơ mà là kiếm một khoản tiền?”
“Còn gì nữa! Ô kê, ô kê! Trật thế nào được! Nó lè lè ra đấy.”
Và mọi người nói về một nhà thơ chức tước to, trong ban sơ khảo ẵm giải dễ như thò tay vào túi. Trước hết trong ban sơ khảo, anh ta tự gắp cho mình. Đến cuộc họp của ban chung khảo, lẽ ra đã hết nhiệm vụ, anh phải ra ngoài, nhưng anh cứ ngồi ì theo kiểu người nhà, cơ quan chúng mình mà, rồi ánh mắt anh tất nhiên nhìn như điểm xạ vào từng khuôn mặt trong ban chung khảo, xem đứa nào dám không bỏ cho “ông”, y như rằng người ta bỏ cho anh, chỉ trừ có một phiếu của người can đảm.
Rồi người ta lại nói về một nhân vật được chín phiếu khác ở sơ khảo, nhưng vào chung khảo, vẫn cái hội đồng sơ khảo ấy hóa phép thành, thì chín phiếu chỉ còn 2 phiếu. Lý do tại sao? Con kiến, con ong còn biết chăn nuôi để sống, nhân vật này đã không biết rót vốn đầu tư đều đều từ sơ khảo đến chung khảo, thế là vốn mỏng thì phiếu thưa, có gì đâu!
Tại sao có nạn đút mồm đó? Bởi vì nó mở đầu từ một nhà thơ chuyên gia gãi ví khác. Anh này bảo với một số người “nhà mình có đứa ở, dù nó phải quét nhà, lau bàn ghế, nhưng thỉnh thoảng mình cũng phải cho nó vài chục nghìn tiền thưởng. Đằng này, người ta đọc rồi chấm cho mình ẵm giải, chẳng lẽ lại không có đồng uống nước. Thế là, sơ sơ mỗi vị một chiếc phong bì vài triệu.
Than ôi, đúng lúc này, chúng ta cũng nên bình: giá trị văn chương gì mà lại thèm khát tiền thưởng như thứ con ở, thì làm sao cao quí và tinh hoa được. Một kiểu ăn vặt tham bát bỏ mâm, tự mình lại tìm cách gắp cho mình, không thì gắp cho đồng đội mình, để có ngày được gắp trả lại, thì có phải chính là thứ văn học con ở tham lam không?
Lại nói chuyện vào Hội. Một vị quyền chức kia liền nói thẳng: “anh có biết muốn trở thành hội viên phải đóng bao nhiêu không?
Lại nói chuyện tiền. Mấy nhà văn, nhà thơ kia thành lập quĩ văn học, chỉ trong vài năm thay đến hơn một tá kế toán. Tại sao? Vì họ không thể tuân lệnh các bố già, phải hợp lý hóa vào đó tất cả các khoản từ giải rủng đến nhậu nhẹt ăn chơi đàng điếm. Tôi nhớ lại cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, ông viết: tất cả các cơ sở kinh doanh của Trung Quốc ở nước ngoài đều phải thuê người phương Tây làm kế toán, để họ không phải chịu sức ép con ông cháu cha, cả nể. Than ôi, cái trình độ sống của châu Á là vậy, hầu như tất cả chứ không phải một hai người, không có nổi một đức hạnh công bình trước tiền bạc.
Trong một cái chợ, người bán rau, người bán cá, người ta rất ít đố kỵ nhau. Đặc biệt người bán phở, cạnh người bán nước, thì càng hỗ trợ cho nhau, bởi vì ăn phở xong mọi người sang uống nước. Trong một cái làng, người bán củi, người bán dao, hay người bán đồ gốm cũng ít đố kỵ nhau vì nghề nghiệp của người này không ảnh hưởng đến người kia. Nhưng trong cái làng thơ người ta đố kỵ nhau một cách khủng khiếp, tại sao, vì mọi người đều chỉ có vài chữ thấp lè tè! Và logic thay, vì quá giống nhau người ta càng cần giải thưởng để nâng mình lên cao hơn người khác. Và trong một xã hội không có nền cộng hòa cùng chế độ dân sự chỉ có sợi chỉ đỏ xuyên xuốt cho việc xếp ghế ngồi từ thấp lên cao, nên nạn cạnh tranh ghế quyền lực lại càng thêm đố kỵ và khốc liệt. Hai bài thơ, hai nhà thơ, sàn sàn bằng nhau, nhưng nếu là hai ghế ngồi ở hai vị trí khác nhau, thì hai bài thơ liền khác nhau ngay.
Chúng ta hãy nghĩ về tài thơ của những nhà thơ, cả đời chỉ loanh quanh cửa văn phòng hội để lách ghế và lách giải, cuối cùng tài năng của họ có bao nhiêu? Văn thơ là công việc của sáng tạo, nhưng vì cả đời đi tìm tem phiếu ưu tiên nên số này quá yếu đuối, đến mức lúc nào cũng câu kết thành dàn đồng ca. Trời ơi, khi đã là dàn đống ca thì làm sao hát đơn ca?! Nhưng bi kịch lại nằm ở chính chỗ này, vì yếu nên người ta cần lực lượng đông, nhưng chính số đông lại nuốt chửng người ta trong vô vị, thế là người ta quẫy đạp đố kỵ nhau từng cái chấm, dấu phẩy để đòi vượt trội.
Trước kia nhà thơ Xuân Sách viết về 100 chân dung các nhà văn, nói chung mỗi người được liệt kê trong một bài tứ tuyệt tổng kết luôn đời văn thơ, đã tạo ra một trận cuồng phong bão tố, giờ chúng ta nghĩ gì, khi chúng ta cần viết về chân dung một số nhà văn, nhà thơ vè vè bu quanh sân bao cấp hưởng sái vinh quang, nói thẳng tên, chỉ thẳng mặt, theo tinh thần khoa học hay chống tham nhũng văn hóa, thì liệu có tạo ra cơn sóng thần không?! Việc một số vụ tham nhũng lớn tại các ngành không phải do các đoàn thanh tra chỉ ra mà do chính nước ngoài như Nhật Bản chỉ ra vụ ở Đường Sắt… Liệu có còn sớm không khi chúng ta bắt đầu phải nêu hẳn tên gọi cho các vụ việc đầu cơ tham nhũng ghế và giải thưởng văn chương?!
Nhìn tình tiết cụ thể thấy văn thơ tem phiếu nước nhà ăn bao cấp kéo dài thật là quá nhỏ bé chẳng có gì đáng kể ngoài vài cái giải, cái ghế gắp cho nhau, nhưng mà lại còn ảo tưởng những giải Nobel thì thật khôi hài. Người chơi bi giỏi thì làm sao trở thành cầu thủ bóng đá. Đan rổ giỏi đâu có thành đóng thuyền giỏi, và bao giờ mới đóng được tầu sân bay? Nghĩa là, người ta phải hiểu người ta đầu tư và sức vóc đang làm cái gì?! Có nhiều nhà thơ còn vỗ ngực phi lý rằng những bài thơ vụn của mình là những lâu đài. Và tât nhiên những lâu đài vụn đó đang nằm bên hàng rào Nobel, chỉ cần tất cả mọi người yêu quí chịu khó đọc và khen thì chúng sẽ thành hiện thực. Than ôi, cái hay, cái đẹp chúng phải được phát lộ tự nhiên chứ đâu có thể cứ kiễng chân mà thành.
Người xưa dạy, biết người biết ta, bách chiến bách thắng. Không biết mình là ai, mình đang làm gì, làm sao có thể đòi mình chiến thắng ở vòng chung kết một giải thưởng cao nhất?! Mấy câu thơ cảm xúc cò con còn đang lo chạy giải quanh hồ Ha-le, với tầm nhìn mong có tiền thưởng của thứ con sen thằng ở, thì làm sao đòi có giải thưởng nhân văn cao ngất của giá trị con người?!
Dù sao xin biết ơn những nhà thơ bắt đầu muốn nói thật, để sự việc trở nên giản dị dễ hiểu hơn nhiều mà không bị những làn sương úm ba la che đậy. Xin cám ơn!
*
Hà Nội, 05 tháng 05.2014
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com









  ..................................................................................................................
- Cập nhật từ email donguyenhn@yahoo.com gửi ngày 14.10.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

0 comments:

Đăng nhận xét