(Giỗ Tổ Hùng Vương - Nguồn ảnh: Internet) |
LỄ HỘI THỜ CÚNG
TRONG SẢN XUẤT CỦA
NGƯỜI VIỆT NAM
TA
Nước ta là nước nông nghiệp, với việc trồng lúa là chủ đạo nên từ xa xưa,
những lễ hội của cha ông ta thường gắn liền với các hoạt động sản xuất, cầu
mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa… dân gian gọi đó là những nghi lễ
trong sản xuất.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin giới thiệu sơ lược về 25 lễ hội gắn
liền với sản xuất của cha ông để bạn đọc nhân đón tết năm Bính Thân tham khảo,
giải trí.
Lễ cấp thuỷ
Lễ cấp thuỷ thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch với mục đích xin Mẫu
Thoải (thần nước) hoặc xin vua Thuỷ Tề ban nước cho nhân dân. Lễ cấp thuỷ được
diễn ra đồng thời tại 4 ngôi đền: Đền Lệ, đền Đầm, đền Xâm Dương, đền Xâm Thị
thuộc hai xã Vân Tảo và Ninh Sở (Thường Tín, Hà Tây). Vào ngày lễ, người ta
rước kiệu xuống thuyền rồi chèo ra chỗ có dòng nước trong nhất. Tại đây vị chủ
tế làm lễ cúng thần linh rồi xin nước mang về. Sau khi xong phần nghi
thức, các sinh hoạt văn hoá sẽ được tiến hành như múa lân, múa rồng.
Lễ cầu ngư
Cầu ngư là một lễ hội độc đáo của cư dân miền biển tỉnh Quảng Bình.
Lễ hội này được tiến hành từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 âm lịch tại xã Bảo
Ninh, thị xã Đồng Hới. Tại xã Bảo Ninh có một ngôi đền linh thiêng thờ hai nhân
thần và cá Ông Voi. Mở đầu lễ cầu ngư, người ta rước cốt Đức Ông từ làng về
đình, trong khi rước cốt có thể diễn ra các trò hò khoan, chèo cạn, múa
bông…Sang ngày hôm sau người ta tổ chức ngày hội xuống biển với các nghi lễ như
thả thuyền giấy, thả cá giống… Mục đích của lễ cầu ngư là xin thần linh để dân
làng có một mùa cá bội thu.
Lễ cầu đảo
Lễ cầu đảo là một tục lệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm được tiến
hành vào dịp bị hạn hán đe doạ. Dân làng đóng góp để tổ chức một ngày lễ thật
long trọng. Trong rất nhiều lễ vật đặc biệt con trâu trắng dùng để tế thần.
Người ta chôn một cái cột vào giữa cái sân rộng rồi trang trí lên cột những hoa
văn sặc sỡ hoặc những lá cờ xanh đỏ. Sau đó con trâu trắng được buộc chặt để
chờ hành lễ. Khi tế lễ sẽ có một thầy mo cầm kiếm nhảy múa theo nhịp trống
pômdnon. Vừa nhảy vòng quanh con trâu, thầy mo vừa cầu xin thần linh ban mưa
xuống. Sau khi lễ xong người ta đưa con trâu trắng đi giết thịt để chia cho dân
làng.
Lễ cầu mưa
Hằng năm, vào những ngày nắng hạn, người dân tỉnh Long An và một số
tỉnh phụ cận thường tổ chức lễ cầu mưa, lễ tế Trời Đất, thần linh. Lễ cầu mưa
được bắt đầu bằng các nghi thức cúng lễ và sau đó là cuộc đua ghe trên sông
rạch. Đua ghe là một hình thức thể hiện lễ cầu mưa. Ghe đua được làm từ
những cây tre già, thân ghe thuôn dài và được trang trí đẹp mắt, mỗi ghe đủ chỗ
cho 20 - 25 tay chèo. Người ta có thể tổ chức đua ghe trong một làng hay trong
phạm vi nhiều làng. Những cuộc đua ghe ở đây thường lôi cuốn hàng nghìn người
tham gia và cổ vũ. Sau khi kết thúc cuộc đua người đân cùng nhau trở về đình
làng để cúng tạ thần linh sau đó mới tổ chức vui chơi, ăn uống, múa hát…
Lễ ăn cơm mới
Lễ ăn cơm mới là một hình thức tế lễ diễn ra ở nhiều vùng với nhiều hình
thức và tên gọi khác nhau.
a. Lễ ăn cơm mới của người dân tộc Ba Na đang sinh sống ở Gia Lai và Kon
Tum được tổ chức ngay sau vụ thu hoạch để tạ ơn thần linh đã cho họ một vụ mùa
bội thu và cầu mong cho ruộng vườn ngày càng có thêm nhiều lúa, ngô, khoai.
Người dân nơi đây thường dùng lợn gà để cúng lễ thần lúa rồi mới đem lúa để nấu
ăn hoặc mang đi biếu. Ngày nay lễ ăn cơm mới được tổ chức thường xuyên nhưng
theo hình thức gọn nhẹ hơn.
b. Tết cơm mới là một ngày lễ độc đáo của người Việt, được tổ chức sau khi
bắt đầu vụ thu hoạch lúa mùa. Tết cơm mới còn được gọi là tết Thường Tân. Trong
dịp này, các gia đình nông dân đem lúa mới vừa gặt về, giã sạch rồi thổi cơm
cúng gia tiên, ông bà và đó cũng là thủ tục để bắt đầu ăn cơm mới. Nhân dịp tết
này, con cháu thường đem gạo và các sản vật khác biếu ông bà để tỏ lòng kính
trọng.
c. Tương tự như người Việt, đồng bào Mường cũng tổ chức lễ cơm mới như một
sinh hoạt có tính chất truyền thống. Vụ mùa là vụ chính của người Mường nên lễ
cơm mới được tiến hành khi vụ lúa mùa đã được thu hoạch. Trong dịp lễ này người
ta thường chọn ra những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất để thổi cơm cúng ông bà,
cúng vía lúa… So với tết cơm mới của người Việt thì lễ cơm mới của người Mường
được tổ chức long trọng và quy mô hơn. Sau khi cúng lễ, người ta chia cho trâu
bò, lợn gà để chúng cùng hưởng và để thể hiện lòng biết ơn công sức của chúng.
Thông thường người Mường hay chọn vài ba cây lúa tốt, nhiều hạt rồi đào cả gốc
đem về treo ở cạnh bếp để giữ vía lúa.
d. Người La Hủ (Lai Châu) tổ chức tết cơm mới vào tháng 10, tháng 11 hằng
năm. Trong dịp này người dân kiêng đi lấy rau, lấy củi, chặt cây, nhổ cỏ trong
vòng 3 ngày để cầu mong lúa ngô tươi tốt. Tết cơm mới còn được kết hợp với các
sinh hoạt văn hoá như múa xoè, thổi khèn sáo, đánh trống. Ngày tết cơm mới của
đồng bào La Hủ thực sự trở thành những ngày hội màu sắc, âm thanh…
e. Tết mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mơ Nông được tiến hành vào đầu mùa
thu hoạch lúa. Để chuẩn bị cho tết mừng lúa mới, người Mơ Nông tiến hành từ
những ngày đầu mới tra hạt. Các đồ dùng của lễ tế như rượu cần, gà, vịt đều sẵn
sàng chờ đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 thì bắt đầu ăn tết. Tết mừng lúa mới được
tiến hành ngay tại rẫy lúa với việc dùng các nghi lễ cắt nắm lúa mang về nhà để
tượng trưng cho việc “rước lúa về nhà”. Về đến nhà, người ta chúc tụng lẫn nhau
và quây quần bên đống lửa để cùng ăn tết. Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, mới lên
rẫy gặt lúa. Khi thu hoạch xong người ta sửa soạn một bữa ăn nhỏ để cảm ơn mọi
người, cảm ơn trâu bò đã giúp con người làm ra hạt lúa.
Lễ tế cá Ông Voi
Lễ tế cá Ông Voi là sinh hoạt văn hoá truyền thống của cư dân ở vùng biển
Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tương truyền, cá Ông Voi là cứu tinh của những người đi
biển nên được thờ cúng. Mỗi khi cá Ông Voi bị nạn dạt vào bờ thì dân làng phải
hậu táng, người đầu tiên gặp cá Ông Voi sẽ phải chít khăn đỏ trong 100 ngày.
Tang lễ cá Ông Voi cũng diễn ra như tang lễ con người. Hằng năm nhân dân
ở trong vùng lấy ngày thứ 2 (tính từ ngày chôn cá Ông Voi) để bắt đầu
chính lễ. Người ta thường tổ chức lễ tế theo nghi thức trọng thể. Sau lễ tế là
các trò chơi, các sinh hoạt văn hoá quần chúng, tiêu biểu nhất là bơi trải và
đua thuyền.
Tục giết sâu bọ
Theo quan niệm người xưa, trong cơ thể con người tồn tại một số loài sâu bệnh
cần phải trừ khử do đó người ta tổ chức giết sâu bọ vào ngày mồng 5 tháng 5 là
ngày chúng xuất hiện. Ngay trong sớm mồng 5, khi mới ngủ dậy, người ta sẽ ăn
hoa quả hoặc cơm rượu (rượu nếp) để tiêu diệt sâu bệnh. Điều này có thể không
có cơ sở khoa học song tập tục này đã trở thành tập quán lâu đời.
Lễ tổ nghề kim hoàn
Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn là một tục lệ độc đáo của người dân làm nghề kim
hoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ. Lễ giỗ tổ diễn ra vào ngày 7 - 9
tháng 2 âm lịch. Người ta tiến hành làm lễ với hai nghi thức chủ yếu: 2 ngày
đầu là tế giỗ còn ngày cuối tế các bậc tiên hiền, hậu hiền. Lễ vật được sử dụng
để cúng lễ là lợn, vịt, hoa quả, bánh trái, hương đèn… Ngày giỗ tổ là dịp để
những người làm nghề kim hoàn tụ họp, dâng hương tế tổ và trao đổi kinh nghiệm
làm ăn. Cũng như các hội làng khác, giỗ tổ nghề kim hoàn là một tập tục đẹp
được duy trì cho tới ngày nay.
Lễ nghinh ông
Lễ nghinh ông là một tục lệ truyền thống của những người dân sống vùng ven
biển. Lễ Nghinh ông được tổ chức nhằm tạ ơn cá Ông Voi đã cứu giúp ngư dân qua
những hoạn nạn giữa biển cả. Lễ được tổ chức tại nhiều vùng nước ta.
- Ở Quảng Ngãi, người dân tổ chức lễ nghinh ông tại các miếu thờ cá Ông Voi
với các nghi lễ cúng bái nghiêm túc. Vào đúng ngày lễ, miếu thờ được trang
hoàng long trọng, rực rỡ. Trong các nhà dân, người ta cũng sắp đặt bàn thờ và
sửa soạn các đồ tế lễ. Trong quá trình làm lễ, tất cả thuyền bè trong làng đều
đậu ở bến. Sau khi làm lễ xong mới bắt đầu ra khơi.
- Ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) người dân tổ chức lễ nghinh ông vào
ngày 16 tháng 8 âm lịch hằng năm. Vào ngày lễ, người ta trang hoàng miếu thờ,
bài trí thuyền rất đẹp, sau đó tiến hành các nghi lễ. Sau khi tiến hành xong
nghi thức, người ta còn tổ chức các trò chơi dân gian như kéo dây, đi cà kheo.
- Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lễ nghinh ông được tổ chức tại Lăng cá Ông Voi
ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Tương truyền, ngày chính hội là
ngày 16 tháng 8 âm lịch được coi là ngày mất của cá Ông Voi. Lễ diễn ra trong 3
ngày với các nghi thức cúng tế và các trò chơi đặc trưng của vùng.
Hội làng nghề Bát Tràng
Làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một làng nghề thủ công
truyền thống. Tại đình làng Bát Tràng, người dân thờ cúng các vị Thành Hoàng
quan trọng của làng như: Cao Ô Minh Chính Tự Đại Nước, Phan Đại Tướng, Thần Hồ
Quốc, Thần Bạch Mã.
Hội làng Bát Tràng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 2 âm lịch để
tưởng nhớ công lao của các vị thần linh.
Từ ngày 5 tháng 2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước Nước từ giữa sông Hồng
về sân đình để làm lễ mộc dục cho các bài vị được đặt ở ngôi miếu ven sông rồi
rước bài vị về sân đình. Sau đó các họ lớn ở trong làng cũng rước bát hương của
tổ tiên ra đình để phối hưởng.
Người ta cúng Thành Hoàng bằng một con trâu lớn đã được thui chín cùng với
5 mâm cỗ, 5 mâm xôi. Sau khi tế, lễ vật được chia cho mọi người tuỳ theo vai
vế, tuổi tác. Sau khi tiến hành xong các lễ bài vị được rước về lại ngôi miếu
ven sông và rước tổ tiên về nhà thờ họ.
Thờ Thiên Cương
Đồng Kỵ là làng nghề thủ công làm pháo nổi tiếng ở nước ta. Làng Đồng Kỵ
thuộc xã Đồng Quang huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một lễ hội pháo lớn
nhất ở nước ta.
Để chuẩn bị cho nghi lễ và hội pháo, người ta tiến hành từ ngay sau tết với
một số công việc như làm pháo thờ, làm lễ tạ Thiên Cương… Đến ngày chính hội,
vào sáng ngày mồng 4 tết, người dân rước pháo về đình làng theo thứ tự từ lớn
đến bé. Đến quá trưa, người ta tổ chức châm lửa cho pháo và chọn ra tiếng nổ to
nhất, an toàn nhất và trao giải. Kết hợp với thi pháo, hội làng còn tổ chức các
trò chơi như đấu vật, đánh cờ, chơi đu và đặc biệt là hội thi bánh dày.
Tục đốt pháo vào dịp lễ, tết đã được bãi bỏ. Ngày nay hội pháo Đồng Kỵ
không còn tổ chức nữa.
Hội làm nghề đồng sắt
Vùng đất thuộc xã Đức Thắng, Hiệp Hoà, Bắc Giang có một ngôi đền thờ Khổng
Minh theo tương truyền là ông tổ của nghề đồng, sắt. Chính vì thế, hằng năm vào
khoảng thượng tuần tháng 9 âm lịch người dân nơi đây lại mở hội để tưởng nhớ
đến vị tổ sư. Hội này còn được gọi là Hội Thắng, ngoài dân làng tham gia vào lễ
hội, hội còn thu hút người cùng làm nghề đồng sắt tham gia.
Vào ngày chính hội 7 - 9, trước hết người dân tổ chức rước tượng Khổng Minh
từ nơi thờ tự ra quán Thái Bái và cử hành các nghi thức cúng tế tại đây. Sau
cuộc tế là các trò vui chơi và các cuộc triển lãm sản vật, đồ gia dụng làm bằng
đồng, sắt có chất lượng cao. Vì thế đây còn được coi là hội chợ của người làm
nghề đồng sắt.
Lễ cúng biển ở Mỹ Long
Lễ cúng biển ở Mỹ Long (Sóc Trăng) được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12
tháng 5 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ. Đây là nghi lễ truyền thống của ngư dân
vùng biển.
Trong ngày lễ, người ta thường tổ chức với nhiều nghi thức quan trọng như:
lễ Nghinh ông Nam Hải, lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ rước cậu, lễ Nghinh ông Cá Voi,
lễ tế Thần Nông… Các lễ rước được tiến hành rất long trọng. Trong quá trình tổ
chức lễ hội, người dân có thể tham gia vào các trò chơi như nhảy cao, kéo cờ,
bắt cá, đua thuyền. Cuối cùng, để kết thúc lễ hội, người ta đưa tàu, thuyền ra
biển, bắt đầu một vụ đánh bắt mới.
Lễ cúng Trăng
Người Khơ Me ở Nam Bộ có một tục lệ rất độc đáo, đó là lễ cúng Trăng (lễ Ok
Om Bok). Theo quan niệm của người Khơ Me thì Mặt Trăng là vị thần bảo vệ mùa
màng, bảo vệ đồng áng giúp con người được ấm no hạnh phúc. Lễ cúng Trăng được
tổ chức vào ngày rằm tháng 10 (âm lịch) để tạ ơn thần Mặt Trăng, đã cho mùa
màng tốt tươi, sông ngòi nhiều tôm cá. Để tiến hành nghi thức, người ta sửa
soạn cỗ bàn, bày ra giữa sân nhà, chờ cho trăng lên thì làm lễ.
Cỗ cúng Trăng gồm có cốm giã dẹt, chuối chín, dừa tươi gọt vỏ, sắn… Người
ta làm lễ cúng Trăng khi ánh trăng đã toả sáng. Cùng với lễ cúng, người ta thả
những chiếc đèn giấy lên trời, những chiếc bè chuối có bày lễ vật trôi theo
kênh rạch nhằm xua đuổi bóng tối và sự ẩm ướt. Trong ngày hội cúng Trăng, người
Khơ Me tổ chức rất nhiều trò chơi nhưng độc đáo nhất là trò đua ghe độc mộc
(Ngo).
Hội làng nghề đúc đồng
Nghề đúc đồng ở nước ta có mặt ở nhiều vùng trong đó làng Vó (tức làng
Quảng Bồ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) là một làng đúc đồng nổi
tiếng. Hằng năm vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch, làng mở hội trong 4 ngày
để tưởng nhớ công ơn của nghệ sư nghề đúc đồng là ông Nguyễn Công Nghệ. Trong
ngày hội, người ta tổ chức các nghi lễ cúng tế trọng thể. Phần lớn thời gian
của lễ hội là dành cho các sinh hoạt vui chơi như: thi chọi gà, bơi thuyền, bắt
vịt, tổ tôm, múa sư tử…
Hội xuống biển
Hằng năm vào ngày 4 tháng giêng âm lịch, ngư dân làng biển Trân Châu (Hải
Phòng) thường tổ chức lễ hội xuống biển.
Vào ngày hội, người dân ở đây làm lễ tế Thuỷ Thần, tế Long Vương với các
nghi lễ trang nghiêm và long trọng. Sau khi làm lễ tế, người ta tiến hành cuộc
thi bắt cá cúng thần. Sau khi có lệnh, các trai tráng trong vùng chạy ra thuyền
rồi chèo tới nơi quy định để đánh cá. Đến trưa, khi có hiệu lệnh thu quân thì
các thuyền sẽ về trình cá. Người ta cử ra ban giám khảo để chấm cá, con cá ngon
nhất, to nhất sẽ được dùng để tế thần, sau đó người ta chia cá cho mọi người.
Hội lễ Bà Thiên Hậu
Bà Thiên Hậu theo truyền thuyết có nguồn gốc tại tỉnh Phúc Kiến (Trung
Quốc). Bà sống vào đời Tống, có tài tiên đoán gió mưa, bão lụt nên đã giúp cho
người dân (nhất là ngư dân) tránh được nhiều cơn nguy hiểm. Vì vậy, bà được tôn
thờ như một vị thánh. Sau này những người Hoa di cư sang Việt Nam đã lập đền thờ bà tại thị xã
Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hằng năm. Trong
hội, có lễ rước kiệu bà, lễ cầu phúc, cầu lộc cùng với các trò chơi dân gian
đặc trưng cho phong cách văn hoá độc đáo của khu vực Đông Nam Bộ.
Người ta tiến hành lễ hội chùa Bà còn nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió
hoà, cầu cho mùa màng tươi tốt, tránh khỏi thiên tai địch hoạ.
Hội Đền Bia
Đền Bia được dân làng Phú Lộc, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
xây dựng để thờ danh y Tuệ Tĩnh. Hằng năm, vào khoảng sau Tết Nguyên đán dân
làng ở đây mở hội lễ để tưởng nhớ công đức của ông. Hội Đền Bia gồm có các nghi
lễ cúng tế theo truyền thống và các sinh hoạt mang tính y học, dược học, giới
thiệu các bài thuốc dân gian, thuốc gia truyền, đồng thời phổ biến kinh nghiệm
trồng cây thuốc Nam
trong gia đình.
Hội đền biển Dinh Cố
Đền Dinh Cố là một ngôi đền nằm trên bờ biển Long Hải, huyện Long Đất (tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngôi đền thờ một cô gái rất tốt bụng không may bị nạn trên
biển. Hội đền biển Dinh Cố được người dân Long Hải tổ chức vào ba ngày 10 - 11
- 12 tháng 2 âm lịch. Vào ngày lễ, các bậc cao niên làm chủ lễ và tiến hành
những nghi lễ cúng tế long trọng để cầu mong cho mưa thuận gió hoà, dân chúng
bình yên, cầu cho những chuyến đi biển an lành, một mùa cá bội thu. Sau khi
tiến hành xong phần tế lễ, dân làng dùng thuyền kết hoa lộng lẫy để làm
thuyền Nghinh Ông ra biển. Lễ đền biển Dinh Cố được tổ chức khá long trọng nên
đã thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách. Sau ngày lễ hội, tàu thuyền
trong làng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyến ra khơi.
Hội Nghề bói toán
Làng Bằng Lục (còn gọi là làng Chục) thuộc xã Thuỵ Hoà, Yên Phong, Bắc
Ninh, hằng năm thường tổ chức một lễ hội đặc biệt để tưởng nhớ tới vị tổ sư của
nghề bói toán. Hội làng được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Vào
đúng ngày lễ, những người làm nghề bói toán ở các nơi thường tập hợp về đây để
dâng lễ vật, tưởng nhớ tới công ơn của vị tổ sư. Sau khi tiến hành cúng tế,
những người xem bói thường trao đổi, bàn luận với nhau về nghề nghiệp cũng như
kinh nghiệm làm ăn.
Hội làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh là một làng rất nổi
tiếng về nghề làm tranh dân gian - làng Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ xưa nay là một sản phẩm không thể thiếu trong việc trang trí
cho các ngày lễ tết, hội hè. Ngày nay, tranh Đông Hồ không chỉ nổi tiếng trong
nước mà còn trở thành một mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.
Hội làng Đông Hồ được tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 7 tháng giêng âm lịch
tại đình làng. Đây là ngày hội giới thiệu các tranh dân gian. Những sáng tác
của các nghệ nhân trong làng. Lễ hội đồng thời còn là nơi các nghệ nhân giao
lưu trao đổi kinh nghiệm và cũng là dịp để các thế hệ sau nhớ về truyền thống
của cha ông.
Chọi Trâu ở Đồ Sơn
Việt Nam
là một nước nông nghiệp lúa nước truyền thống. Trong sản xuất nông nghiệp, con
trâu đóng vai trò không thể thiếu. Chính vì thế, hội chọi trâu bắt nguồn từ
chính nền văn minh nông nghiệp lúa nước này.
Hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức vào thượng tuần tháng tám âm lịch hằng
năm. Hội có sự góp mặt của 14 giáp thuộc 3 làng là Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc
Xuyên. Người ta chuẩn bị cho ngày hội từ rất sớm và tổ chức các cuộc đấu loại
từ những ngày đầu tháng tám, đến ngày mồng 9 tháng tám sẽ tổ chức cuộc đấu
quyết định. Thông thường Trâu chọi được chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc chọn giống
đến chăm sóc. Khi đến ngày hội chính, chọn ra 6 con trâu khoẻ mạnh nhất cho đấu
từng cặp với nhau. Trước khi đấu, người ta tổ chức cúng thần linh và dâng lễ
vật đầy đủ rồi mới bắt đầu vào cuộc đấu. Cuộc thi sẽ chọn ra 3 con trâu theo
thứ tự nhất, nhì, ba và chủ trâu thắng cuộc được thưởng xứng đáng.
Lễ tống phong
Lễ tống phong là một tục lệ phổ biến của đồng bào người việt ở tỉnh Long An
và một số vùng lân cận. Lễ tống phong nhằm mục đích đuổi những ngọn gió độc để
bảo vệ sức khoẻ theo quan niệm của người dân, gió độc là nguyên nhân của mọi
loại bệnh tật vì vậy việc đuổi gió độc sẽ giúp con người được khoẻ mạnh bình
an.
Để làm lễ tống phong, người ta lấy thân cây chuối ghép thành một chiếc bè,
trên bè có hình nộm, có lễ vật và có cả lá bùa của thầy phù thuỷ, khi chuẩn bị
xong, bốn thanh niên khiêng bè theo thầy phù thuỷ ra sông rạch. Sau đó họ thả
bè xuống nước với ý nghĩa để nước cuốn trôi đi các bệnh dịch.
Lễ đâm trâu
Là lễ hội văn hoá đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên, có vai trò quan trọng và
phổ biến nhất trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng các đân tộc Tây Nguyên. Lễ
đâm trâu không diễn ra định kì mà nó diễn ra trong những dịp đặc biệt, tuỳ theo
hoàn cảnh cụ thể mà lễ đâm trâu được tổ chức trong khoảng thời gian và không
gian khác nhau như: mừng năm mới, mừng chiến thắng, mừng được mùa, mừng khánh
thành nhà rông, trừ bỏ điềm xấu…Lễ cúng có thể chỉ do một gia đình đứng ra và
tiến hành để tạ thần và toàn bộ cộng đồng cùng tham gia. Trong ngày này, sau lễ
đâm trâu người ta thường tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt như ăn uống, nhảy
múa, ca hát, kịch, kể chuyện sự tích…
Hội đua thuyền Cát Hải
Hội đua thuyền Cát Hải được tổ chức ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch để kỉ niệm
ngày Hồ Chí Minh về thăm làng cá và cũng là kỉ niệm ngày truyền thống ngành
thuỷ sản nước ta. Trong ngày hội dân làng Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng tổ
chức nhiều cuộc đua thuyền ngoạn mục với nhiều thể loại. Đây là dịp tranh tài,
tranh sức của các tay chèo giỏi từ mọi miền. Đặc biệt nhất và quy mô nhất là
cuộc đua thuyền rồng truyền thống, cuộc đua đã thu hút hàng ngàn người tham gia
và cổ vũ.
*
Trên đây là 25 lễ hội tiêu biểu của người Việt Nam ta diễn ra hàng năm, hy vọng
quý vị bạn đọc sẽ thu lượm được vài điều bổ ích về tín ngưỡng của cha ông.
Do trình độ của người viết còn nhiều hạn chế, rất mong quý vị bạn đọc lượng
thứ cho những khiếm khuyết của bài viết.
Lần nữa kính chúc quý vị bạn đọc năm mới đại cát đại lợi!
*
NGUYỄN
XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện
Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 27.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét