SƠ LƯỢC VỀ
SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA ẨN SĨ
TRUNG HOA
*
Trong các
thư tịch cổ, các học giả xưa thường dùng các khái niệm: Ẩn sỹ, U nhân, Dật
nhân, Cao sỹ... để chỉ những người xuất thế, xa lánh chốn quan trường. Trong
"Hậu Hán thư" có "Dật nhân truyện"; trong "Tấn
thư", "Đường thư", "Tống sử", "Minh sử" cũng
có phần "Ẩn dật truyện"; "Nam Tề thư" có "Cao dật
truyện"; "Thanh sử cảo" có "Di dật truyện"; Kê Khang,
Hoàng Phủ Mật viết nên "Cao sỹ truyện"; Viên Thục viết "Chân ẩn
truyện".. Những tác phẩm này tên gọi khác nhau, nội dung khác nhau nhưng
đều cùng đề cập đến một lớp người, đó chính là ẩn sỹ.
Ẩn sỹ, như
trên đã nói, là những người có đạo đức, tài năng vốn có thể trở thành quan lại
nhưng vì một lý do nào đó mà họ không muốn làm quan. Họ có thể chủ động rời bỏ
quan trường hoặc có thể chủ động không tham gia quan trường từ đầu rồi tìm về
miền thôn dã hoặc núi non dựng lều ở ẩn. Họ lấy việc tu thân, làm thơ, ngắm
cảnh làm vui và rất ít quan tâm đến những đảo điên chốn quan trường. Đó là
phong cách sống của đại đa số ẩn sỹ Trung Hoa xưa. Tuy nhiên cũng không loại
trừ những trường họp giả vờ ở ẩn để gây sự chú ý cho triều đình. Những người ở
ẩn vì mục đích vụ lợi đó chỉ chờ có ý chỉ của triều đình là lập tức xuất thế
làm quan. Đó không phải là những ẩn sỹ đích thực. Và có thể nói, trong lịch sử
rạng rỡ của những ẩn sỹ thanh cao thì những "ẩn sỹ" vụ lợi đó là một
vết nhơ khó gột bỏ được.
Có thể nói
rằng: trong mấy ngàn năm phát triển của chế độ phong kiến Trung Hoa thì ẩn sỹ
và quan lại có mối quan hệ mật thiết. Họ là hai anh em sinh ra từ một chế độ
nhưng lại có diện mạo và phong cách hoàn toàn trái ngược nhau. Quan lại là tầng
lớp đại diện cho chính quyền với những màu sắc sặc sỡ, xa hoa còn ẩn sỹ lại đại
diện cho những sắc màu thanh đạm của núi rừng thôn dã. Giới quan lại ngày đêm
vùi mình vào công việc, vào bả vinh hoa phú quý, vào sự ganh đua chức tước...
trong khi đó ẩn sỹ lại thả mình cùng với non nước để uống rượu, làm thơ, tu
luyện dưỡng sinh... Tuy chúng ta không thể đánh giá đâu là đúng, đâu là sai
nhưng cũng có thể thấy rằng sự đối lập đó là hai mặt sáng tối của một vấn đề
phức tạp. Quan lại và ẩn sỹ luôn tồn tại những mâu thuẫn về lối sống, về chính
kiến nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt giao mà giữa họ vẫn có sự liên hệ thúc
đẩy lẫn nhau. Và có một điều mà chúng ta phải công nhận là cho dù sự phát triển
của ẩn sỹ rất mạnh mẽ thì cũng không thể làm thay đổi được bộ mặt của toàn bộ
chế độ phong kiến. Nó giống như một giọt nước không thể làm trong cả một chiếc
ao tù, một ngọn đèn không thể toả sáng được cả bóng đêm... Cũng bởi vậy mà ẩn
sỹ chẳng qua chỉ là một điểm sáng đẹp đẽ trong "đêm trường trung cổ"
mà thôi. Tuy nhiên nếu nghiên cứu về lịch sử Trung Hoa mà không nghiên cứu về
ẩn sỹ thì sẽ không phải là hoàn thiện.
Xã hội phong
kiến hình thành, nảy sinh ra tầng lớp quan lại và dĩ nhiên cũng khai sinh ra
tầng lớp ẩn sỹ. Tuy vậy, để xác định thời gian chính xác của sự xuất hiện ẩn sỹ
thì chúng ta khó có thể làm được vì không có những chứng cứ đủ sức thuyết phục.
Vì vậy xưa nay người ta vẫn bằng lòng với việc lấy các thư tịch cổ để xác định
con đường hình của tầng lớp ẩn sỹ.
Sách
"Cao sỹ truyện" của Hoàng Phủ Mật cho rằng: Sào Phủ, Hứa Do là những
ẩn sỹ đầu tiên của Trung Hoa. Theo sách này thì Hứa Do, Sào Phủ là những người
sống dưới thời vua Nghiêu trị vì đất nước Trung Quốc. Một lần vua Nghiêu nói
rằng muốn truyền ngôi cho Hứa Do. Hứa Do nghe xong rất tức giận và chạy ra sông
Dĩnh Thủy để rửa tai vì ông cho rằng lời nói của vua Nghiêu đã làm bẩn tai ông.
Khi Hứa Do đang rửa tai thì Sào Phủ dắt trâu tới uống nước. Sào Phủ hỏi Hứa Do
tại sao làm như thế thì Hứa Do kể lại mọi chuyện. Nghe xong Sào Phủ tức giận
nói: "Ngươi rửa tai ở đây làm bẩn nước sông, vậy thì trâu của ta làm sao
uống được?" rồi dắt trâu đi lên phía đầu nguồn. Câu chuyện này có thể được
thêm bớt tình tiết cho có vẻ huyền thoại. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể thấy rằng
cả Hứa Do và Sào Phủ đều coi những lời nói về danh vọng là những lời nói làm
bẩn tai họ. Cả hai người không coi trọng danh lợi, họ coi tiền bạc, quyền uy là
những thứ rất tầm thường. Bởi vậy sau đó cả hai người rủ nhau vào núi ở ẩn để
thoả chí tang bồng với thiên nhiên.
Sau đó, đến
cuối đời nhà Thương (nhà Ân), đầu đời nhà Chu xuất hiện ba nhân vật ẩn sỹ nổi
tiếng là Khương Tử Nha, Bá Di, Thúc Tề. Khương Tử Nha là một người có tài năng
xuất chúng nhưng số mệnh lại long đong vất vả. Thủa trẻ ông làm việc gì cũng
thất bại nên đành tìm đến sông Vị Thủy để ẩn cư và suy nghĩ việc đời. Ông làm
ẩn sỹ ở đó trong một thời gian rất dài thì được Tây Bá hầu Cơ Xương (Chu Văn
Vương) đón về triều làm quân sư. Sau này Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương, Chu
Vũ Vương dẹp nhà Thương, lập ra nhà Chu. Còn Bá Di, Thúc Tề vốn là hai
hoàng tử con vua nước Cô Trúc. Vua Cô Trúc yêu quý Thúc Tề (con thứ ba) nên
nhường ngôi lại cho Thúc Tề. Thúc Tề không nhận nên nhường cho Bá Di (con cả).
Bá Di cũng không nhận. Vì vậy hai anh em rủ nhau rời khỏi nước Cô Trúc và đến
sống ở cung của Tây Bá hầu Cơ Xương. Khi Cơ Xương băng hà, con trai là Cơ Phát
không phát tang mà quyết tâm đem quân đánh nhà Thương rồi mới quay về để cử
hành tang lễ. Bá Di, Thúc Tề cho rằng như thế là bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu,
bất trung nên đã giữ Cơ Phát lại để can ngăn nhưng Cơ Phát không nghe lời. Sau
này khi tiêu diệt được vua Trụ, Cơ Phát lên ngôi làm Chu Vũ Vương còn Bá Di,
Thúc Tề thì vào núi Thú Dương ở ẩn để tỏ lòng phản đối. Hai ông thề rằng
"sẽ không bao giờ ăn thóc lúa nhà Chu" nên hàng ngày nhặt rau
rừng để nấu ăn. Chu Vũ Vương mấy lần đến mời về nhưng hai ông nhất quyết không
chịu, ít lâu sau thì bị chết đói. Qua ví dụ trên, ta thấy rằng Khương Tử Nha,
Bá Di, Thúc Tề tuy là ẩn sỹ cùng thời nhưng mục đích của họ rất khác nhau:
Khương Tử Nha ẩn cư để đợi cơ hội tiến thân còn Bá Di, Thúc Tề ẩn cư để phản
đối chính quyền. Mặc dù khác nhau nhưng tấm lòng của họ đều rất đáng trân
trọng.
Đến thời
Xuân Thu, Giới Tử Thôi là một ẩn sỹ nổi tiếng. Giới Tử Thôi là một trong những
công thần cùng lưu lạc với công tử Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công sau này), đã có lúc
ông cắt thịt đùi nấu cho chủ ăn. Sau 19 năm bôn ba, cuối cùng Trùng Nhĩ cũng có
cơ hội để về nước làm vua. Khi sắp về đến kinh thành, Giới Tử Thôi chứng kiến
được cảnh các bề tôi tranh công nhau, vì vậy ông đã tự động bỏ về quê ở ẩn mà
không một lời từ biệt. Tấn Văn Công nhiều lần đến mời nhưng không được. Giới Tử
Thôi thấy vua nói quá nhiều bèn cõng mẹ lên núi ở, Tấn Văn Công cho đốt núi với
hi vọng là Giới Tử Thôi sẽ cõng mẹ ra. Nhưng mẹ con Giới Tử Thôi vẫn không thay
lòng và ôm cây để chịu chết. Vua Tấn Văn Công thương xót bèn lấy ngày đó (mùng
3 tháng 3) làm ngày Hàn thực (chỉ ăn đồ nguội, không được nhóm lửa) để tưởng
nhớ tới Giới Tử Thôi.
Vào cuối
thời Xuân Thu có các ẩn sỹ nổi tiếng như Trường Thư, Kiệt Nịch, Tiệp Dư,....
Theo truyền thuyết thì một lần Khổng Tử bị lạc đường ở một cánh đồng thuộc nước
Sái. Ông bèn sai học trò là Tử Lộ đến hỏi thăm hai người đàn ông cao lớn đang
cày ruộng ven đường (Trương Thư, Kiệt Nịch). Hai người hỏi Tử Lộ: "Người
trên xe là ai?". Tử Lộ đáp: "là Khổng Tử thầy tôi". Hai người
bèn nói: "Đầu óc ông ta thông minh như thế thì cần gì hỏi đường bọn
ta". Rồi họ lại hỏi: "Ngươi là ai?". Tử Lộ trả lời: "Tôi là
Tử Lộ học trò của Khổng Khâu". Lúc đó Trường Thư, Kiệt Nịch mới nói rằng:
"Thiên hạ ngày nay đang rơi vào loạn lạc, đâu đâu cũng thấy tối tăm thì ai
chỉnh đốn trị lý được đâu. Ngươi theo thầy đi hết chỗ này chỗ nọ biết đến bao
giờ mới dừng lại được. Chẳng bằng ngươi cứ theo bọn ta đoạn tuyệt với cuộc đời
loạn lạc này". Tử Lộ không nói gì, cúi đầu đi thẳng. Sau đó, một lần Khổng
Tử đi qua nước Sở thì thấy một người điên (Sở cuồng Tiệp Dư) vừa đuổi theo xe
vừa hát rằng: "Chim phượng ơi! Sao đầu của ngươi lại thành như thế? Thời
thánh trị qua rồi làm sao mà lấy lại được... Về đi thôi! Chốn quan trường còn
lắm hiểm nguy chờ đợi...". Nghe vậy, Khổng Tử bước xuống xe hỏi chuyện thì
Tiệp Dư đã đi mất.
Đoàn Can Mộc
sống vào đời Ngụy Văn hầu (đầu thời Chiến Quốc) cũng là một ẩn sỹ có tiếng. Ông
được Ngụy Văn hầu kính trọng nên gửi thư tới mời nhưng ông không nhận. Về sau
đích thân Ngụy Văn hầu đến nhà thì ông đóng cửa không tiếp rồi trèo tường vào
núi ở ẩn. Trong thời Chiến Quốc còn có các ẩn sỹ khác như Nhan Súc, Lão Tử, Trang
Tử... Lão Tử và Trang Tử mặc dù thực sự ở ẩn nhưng đã phát biểu những điều rất
điển hình về ẩn sỹ nên được các học giả đời sau coi là ẩn sỹ.
Đến cuối
thời Tần, đầu thời Hán, ẩn sỹ Trung Hoa nổi tiếng là Dĩ thượng lão nhân và
Thương Sơn tứ hạo. Dĩ thượng lão nhân là ông già kỳ bí đã cho Trương Lương mấy
cuốn sách quý, còn Thương Sơn tứ hạo là bốn vị học sỹ ở trong núi Thương Sơn,
họ cũng là những người có công việc bảo đảm an toàn cho Thái tử Lưu Doanh con
Lưu Bang.
Tuy có khá
nhiều nhân vật nổi tiếng đi ở ẩn như thế nhưng từ nhà Hán trở về trước các
triều đại không hề quan tâm đến những áp lực chính trị mà ẩn sỹ tạo ra. Cũng
chính bởi tầng lớp ẩn sỹ không nhiều nên vai trò chính trị chẳng có gì là đáng
kể và triều đình để mặc cho họ tự sinh tự diệt. Nhưng từ sau khi Vương Mãng
cướp ngôi nhà Hán thì đã làm cho số lượng ẩn sỹ tăng lên đáng kể. Các quan lại
và nhân sỹ triều Hán bất mãn với chính sách đàn áp của Vương Mãng nên đã cáo
quan ở ẩn khá nhiều và gần như đã trở thành trào lưu trong xã hội. Một thời gian
sau, Hán Quang Vũ Lưu Tú dẹp được loạn Vương Mãng và xuống chiếu mời các ẩn sỹ
ra giúp triều đình. Trong sách "Hậu Hán Thư", phần "Dật dân
truyện" có viết: "Hán Quang Vũ ngồi một bên để tiếp đãi các U nhân
(ẩn sỹ). Nếu mời mà không được thì sẽ đích thân đưa xe nhẹ tới rồi nhìn vào
trong núi". Cách làm của Hán Quang Vũ mở đầu cho thời kỳ lấy nghi lễ quốc
gia để ưu đãi ẩn sỹ. Tuy nhiên cách làm như thế không kéo dài được là bao.
Triều Hán càng về cuối càng suy vong, bọn gian thần ngày càng nhiều. Vì vậy những
vị quan có khí tiết, có lương tâm đã quay lưng lại với triều đình. Sử viết:
"Từ đó trở đi (cuối thời Hán) đức chính suy đồi, kẻ gian tà nắm quyền,
những người chính trực thẹn đứng cùng hàng với họ, đến nỗi có người tức giận từ
chức, phần lớn đều đứt gánh nửa đường". Vì lẽ đó nhiều các quan lại đã bỏ
quan trường để đối lập với sự thối nát của chế độ chính trị.
Nếu như việc
gia tăng số lượng ẩn sỹ phong kiến thời Tây Hán có nguyên nhân từ sự phản đối
hành động Vương Mãng cướp ngôi thì sự xuất hiện hàng loạt ẩn sỹ ở thời Đông Hán
lại là một trào lưu chung của xã hội. Chúng ta biết rằng, cuối thời Đông Hán
luôn xảy ra những cuộc đấu tranh giành quyền lực, các đảng phái tàn sát lẫn
nhau và kéo theo đó là rất nhiều văn nhân, sỹ phu cũng bị giết hại hoặc bị bức bách,
giam cầm.... Kết cục bi thảm này thực sự là một đám mây đen bao phủ lên không
khí xã hội lúc bấy giờ. Quan điểm: "học để làm quan" dần dần sụp đổ
kéo theo sự thất sủng của Nho giáo. Trong khi đó tư tưởng của Phật giáo, Đạo
giáo lại được dịp lên ngôi. Điều này ảnh hưởng đến toàn xã hội trong đó có tầng
lớp sỹ phu. Các văn nhân, tài tử, sỹ phu lúc bấy giờ đã tìm ra rất nhiều con
đường để thoát ra khỏi sự bế tắc của chính quyền, thoát khỏi những rối ren của
xã hội. Họ có thể chán nản rồi đắm chìm trong tửu sắc; có người lại chú tâm vào
luyện đan, dưỡng sinh để mong trở thành tiên; cũng có những người xa lánh cuộc
đời tìm vào nơi hang sau núi thẳm để làm ẩn sỹ.. Đây cũng chính là thời kỳ bắt
đầu của một giai đoạn phát triển hoàng kim trong lịch sử ẩn sỹ Trung Hoa.
Bước vào
giai đoạn hoàng kim, lịch sử ẩn sỹ Trung Hoa đã diễn ra nhiều xu hướng phát
triển. Lúc bấy giờ, không chỉ có những người chán ghét quan trường mới đi làm
ẩn sỹ mà ngay cả những người đang làm quan cũng treo bảng ẩn sỹ. Ý của những vị
"quan ẩn sỹ" này là: mặc dù họ đang tại vị nhưng không tích công
việc, không bày tỏ thái độ, bàng quan với các vấn đề của quốc gia. Theo nhiều
người thì những hành vi ấy sẽ bị lên án nếu các vị quan sống dưới xã hội thời
Hán trở về trước. Tuy nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ thì người ta quan niệm
rằng người lo lắng cho vận mệnh nước nhà là dung tục, là không biết thời thế.
Vì vậy mà những vị quan treo bảng ẩn sỹ được coi là những người rất thanh cao.
Hiện tượng này có liên quan chặt chẽ đến hoàn cảnh chính trị thời bấy giờ.
Chúng ta biết rằng vào thời Ngụy Tấn thì sự bức hại chính trị gia tăng, những
vị quan trung lương dám đứng lên can ngăn đều bị giết hại. Trong cuộc đấu tranh
cho chính nghĩa, đạo lý này nhiều văn nhân chí sỹ đã phải bỏ mình như: Khổng
Dung, Dương Tu, Nễ Thành, Kê Khang, Hà Yến... Không khí lạm sát đối với những
người có tư tưởng phản kháng gây nên một áp lực với xã hội. Để thoát khỏi sự đè
nén đó, một số người đã bỏ quan trường trốn lánh vào núi sâu làm ẩn sỹ, đại
diện của loại này là Tôn Đăng, Đổng Kinh. Tuy nhiên, cũng có những người không
muốn và không dứt được quan trường nên họ vẫn làm quan nhưng ngày ngày tụ tập
lại để uống rượu, làm thơ. Quan điểm sống của họ là uống rượu, làm thơ, luận
đạo mà không hề đả động gì đến chuyện nước nhà, không bình phẩm chính sách. Có
thể nói rằng họ như những con ốc sống giữa xã hội. Những người này tự cho mình
là ẩn sỹ bậc cao. Họ mới rằng những kẻ trốn vào núi là "tiểu ẩn" vì
không thắng được những cám dỗ vật chất nên mới phải vào núi. Còn những người ở
lại giữa kinh thành kia gọi là "đại ẩn". Họ tự cho mình là có công
phu tu dưỡng rất thâm hậu nên chẳng sợ gì những thứ cám dỗ bình thường. Đại
diện cho loại ẩn sỹ này là Trúc Lâm thất hiền do Kê Khang, Nguyễn Tịch lập ra.
Sau này, khi nghiên cứu kỹ, người ta thấy rằng quan điểm của những "đại ẩn
sỹ" rất giống với quan điểm của Thiền Tông (Phật giáo) là: chỉ cần trong
lòng có Phật thì có thể làm các việc khác như ăn thịt, uống rượu, chơi gái....
Sự phát
triển của xã hội cũng đã tạo ra cho tầng lớp ẩn sỹ lúc bấy giờ một điểm đặc
biệt: đó là việc xuất hiện những ẩn sỹ giả. Lúc này, bên cạnh sự gia tăng số
lượng ẩn sỹ một cách nhanh chóng thì những kẻ giả ẩn sỹ ngày càng nhiều. Trong
số những ẩn sỹ đích thực thời bấy giờ có rất nhiều danh nhân tài giỏi vì vậy mà
những kẻ giả ẩn sỹ cũng mong muốn tìm cho họ những danh tiếng khác thường. Họ
không phải bị ép buộc phải ở ẩn mà họ ở ẩn để gây sự chú ý của mọi người, muốn
thể hiện cho thiên hạ rằng họ cũng có tư tưởng thanh cao, lánh đục tìm trong...
Trong sách "Thế thuyết tân ngữ", phần "Thê dật" có chép khá
nhiều câu chuyện về các nhân vật này. Quan Phiêu Kệ đại tướng quân Hà Sung thời
Đông Tấn có một người em là Hà Tiến. Hà Tiến sinh ra trong gia đình quyền quý
nhưng không làm quan mà lại thích làm ẩn sỹ để lấy danh. Hà Tiến nói với mọi
người rằng: "Ta không làm quan nhưng danh vọng nào có kém anh ta!".
Bản thân những người này suy nghĩ như vậy nhưng thiên hạ lại không cho vậy là
đúng. Mạnh Vạn Niên - quan lớn đời Tấn - có một người em là Mạnh Lâu. Mạnh Lâu
suốt ngày rêu rao mình là ẩn sỹ và có rất nhiều hành động điên rồ. Mọi người
nhận thấy sự điên rồ của ông ta và bảo nhau rằng: "Có một người em như vậy
thì Mạnh Vạn Niên nên chết đi cho rồi". Cách đánh giá của nhân dân đối với
Mạnh Lâu phải chăng cũng là lời phán xét đối với những kẻ giả ẩn sỹ kia.
Sự gia tăng
nhanh chóng của đội ngũ ẩn sỹ đã thực sự gây ra một áp lực đối với triều đình
phong kiến. Vì vậy, sau khi Tư Mã Viêm thống nhất thiên hạ lập ra nhà Tấn thì
chính sách của triều đình đối với ẩn sỹ đã có nhiều điểm ưu ái. Triều đình tỏ
ra ưu đãi ẩn sỹ và treo biển cầu hiền bất kể ẩn sỹ đích thực hay ẩn sỹ giả, bất
kể ở ẩn trong núi cao hay ẩn sỹ ở kinh thành. Chính sách ưu đãi này là cơ hội
cho những kẻ vụ lợi, vì vậy từ chỗ đang là ẩn sỹ họ nhảy tót vào chốn quan trường.
Nhưng cũng có những người trong lòng không có ham muốn nên dù mời gọi kiểu gì
thì họ vẫn nhất quyết làm ẩn sỹ. Một câu hỏi đặt ra là tại sao triều đình phong
kiến lại ưu đãi như vậy đối với ẩn sỹ- những người mà bản chất của họ là phản
đối lại triều đình? Thực ra, để dẫn đến chính sách này, triều đình cũng đã nhắc
đến ba nguyên nhân cơ bản: Một là: triều đình nhận thấy những ẩn sỹ đích thực
phản đối thì ít mà những kẻ vụ lợi thì nhiều. Vì vậy nếu chiêu nạp và an ủi họ
thì triều đình sẽ được tiếng mà chẳng gặp nguy hiểm gì. Hai là: Việc ẩn sỹ treo
bảng thể hiện sự không màng danh lợi là một tấm gương cho những kẻ hay tranh
quyền đoạt vị, tham lam ích kỷ. Vì vậy nếu triều đình chiêu nạp họ về thì sẽ cổ
vũ được lối sống thanh cao và loại trừ bớt lũ tham tàn. Về mặt này thì triều
đình hoàn toàn có lợi. Ba là: việc thu nạp ẩn sỹ sẽ làm rạng rỡ danh tiếng của
triều đình. Triều đình muốn lợi dụng lòng biết ơn của các ẩn sỹ xuất thế để ca
ngợi công đức vẹn toàn của triều đình. Đây là một thủ thuật chính trị được áp
dụng rộng rãi sau này.
Đến thời
Đường, Tống thì ẩn sỹ càng được triều đình coi trọng. Ví dụ: ẩn sỹ Tôn Tư Mạo
được Đường Thái Tông, Đường Cao Tông triều kiến và tặng lễ vật. Đường Cao Tông
cũng đã đích thân đến bái phong ẩn sỹ Điền Nham Du; Đương Minh Hoàng cho mời ẩn
sỹ Vương Hy Di, Lư Hồng, Tư Mã Thừa Trinh... đến triệu kiến và dự yến tiệc.
Triều đình cũng đã mời Ngô Duân, Hạ Tư Chương về làm quan, triều đình cũng ra
lệnh cho quan lại các địa phương phải đối đãi cẩn trọng, chu đáo với ẩn sỹ tại
địa phương đó... Tống Thái Tông rất ưu ái với một ẩn sỹ tên là Trần Đoàn. Trần
Đoàn đã được Tống Thái Tông cho mời vào triều để đàm đạo, xướng hoạ thơ văn,
khi tiễn về thì ban thưởng rất hậu. Ẩn sỹ Chủng Phóng cũng được triều đình đặc
biệt ưu đãi. Mẹ Chủng Phóng chết nhà vua "hạ chiếu ban cho 3 vạn đồng
tiền, 34 tấm gấm, 30 hộc thóc... để tiến hành tang lễ". Bản thân Chủng
Phóng thì liên tục được mời về triều để hưởng phú quý. Khi đưa tiễn, Tống Chân
Tông sai bày tiệc làm thơ để tiễn Chủng Phóng. Nghi lễ này chỉ đặc biệt dành
cho Chủng Phóng, ngay đến cả Đại tướng quân, Tể tướng, quan nhất phẩm... cũng
chẳng có được vinh dự đó. Triều đình nhà Tống cũng ưu đãi với các ẩn sỹ khác
như Lý Thực, Ngụy Dã, Cao Dịch, Lâm Bô... Ngoài ra triều đình còn hạ lệnh cho
các quan lại tiến cử ẩn sỹ. Vì vậy các quan lớn như Phạm Trọng Yên, Văn Ngạn
Bác, Vương An Thạch, Trương Hiếu Tường.... lần lượt tiến cử những người hiền.
Số ẩn sỹ này cũng rất được trọng dụng.
Bởi vì triều
đình đã đề ra chính sách coi trọng ẩn sỹ nên xã hội lúc bấy giờ xuất hiện rất
nhiều ẩn sỹ giả. Người ta gọi loại này là "ẩn sỹ đi lối tắt Chung
Nam". Núi Chung Nam vốn là nơi tu luyện của nhiều ẩn sỹ nổi tiếng, tương
truyền là nơi thần tiên vào ra, vì vậy Chung Nam được dùng để chỉ ẩn sỹ.
"Đi tắt Chung Nam" là một điển cố để chỉ những người không qua thi cử
mà lại qua ẩn sỹ để được làm quan. Những người này rất muốn làm quan nhưng con
đường thi cử thì đầy nhọc nhắn vất vả nên họ đã dựng lều cỏ giả làm ẩn sỹ rồi
làm mấy bài thơ, bài văn siêu thoát, nói mấy câu chán đời để được triều đình
biết tới và mời về làm quan. So với con đường thi cử thì con đường ẩn sỹ quả là
"nhất cử lưỡng tiện" vừa có tiếng vừa được lợi. Người ta gọi những
người như thế là ẩn sỹ giả "thân ở giang hồ, lòng ở triều đình". Tuy
nhiên loại người này chỉ thịnh hành ở thời nhà Đường là chủ yếu còn sang đến
thời Tống thì bị mọi người kịch liệt lên án. Giai cấp thống trị đã nhìn rõ mục
đích của những kẻ vụ lợi này nên đã tỏ thái độ khinh bỉ ra mặt. Sách Tân Đường
Thư viết: "Họ giả ở ẩn để cầu danh, để lừa lấy quan lộc. Họ gửi nét mực
trong lời nói, chân ở khe núi mà lòng hướng về thành quách... Thật là đáng xấu
hổ".
Từ khi quân
Mông Cổ đánh thắng nhà Tống lập nên nhà Nguyên cho đến các triều đại về sau thì
ẩn sỹ không còn được ưu ái như trước nữa. Xu hướng làm ẩn sỹ giả làm quan cũng
không còn thịnh hành như trước. Vào đầu thời Nguyên, chỉ có một vài ẩn sỹ có
công được phong là Quốc công còn phần lớn đều là các Nho sinh ở ẩn theo phong
thái: ẩn thân tu luyên để thành tài. Vì vậy mà đến cuối thời Nguyên, ở Trung
Hoa đã xuất hiện nhiều ẩn sỹ tinh thông văn võ như Vương Miện, Lưu Cơ, Tống
Liêm.. Sau đó khi nhà Nguyên suy đồi, nhà Minh dựng lên thì những ẩn sỹ tài
kiêm văn võ này lại được trọng dụng. Đầu thời Minh, Chu Nguyên Chương (Minh
Thái Tổ) đã ra lệnh cho tất cả các ẩn sỹ phải phục vụ triều đình, ai không tuân
mệnh sẽ bị trừng phạt. Người ta đánh giá rằng đây là một hành động mạnh đánh
một đòn đau vào tầng lớp ẩn sỹ khiến cho họ không thể hoàn thành tâm niệm. Sách
"Minh sử", phần "ẩn dật truyện" có viết: "Triều đình
dùng bổng cao lộc hậu chăng lưới khắp thiên hạ để săn đón những ẩn sỹ tài giỏi,
không ai là không tới kinh đô làm khách của triều đình. Những người gửi thân,
gửi hồn nơi khe suối cách biệt với trần thế cũng không thoát khỏi vòng cương toả
nên không ai được vừa ý".
Những chính
sách của triều đình các triều đại Nguyên, Minh, Thanh bề ngoài thì có vẻ như là
sự trọng dụng nhân tài nhưng thực chất đó là một thủ đoạn chính trị nhằm hạn
chế sự phản đối. Chúng ta đều biết rằng nhà Nguyên và nhà Thanh là hai triều
đình ngoại tộc nên không được sự ủng hộ của đại đa số dân tộc Hán. Vì vậy mà số
ẩn sỹ xuất phát từ việc không thừa nhận sự thống trị ngoại tộc ngày càng nhiều.
Triều đình rất sợ những ẩn sỹ này tụ họp để làm phản nên đã sử dụng chính sách
lùng bắt ẩn sỹ đưa về triều làm quan bù nhìn. Tuy nhiên những biện pháp này
cũng không thể ngăn chặn được sự "ra đi" của nhiều người. Họ đã tìm
mọi cách trốn khỏi sự kiềm toả của chính quyền để trốn vào những nơi không ai
biết làm bạn với núi sông rồi gửi xác, gửi hồn theo mây gió.
Nói tóm lại,
con đường hình thành ẩn sỹ trong xã hội phong kiến trường hợp rất đa dạng. Mỗi
triều đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử sẽ tạo ra một động lực khác nhau. Tuy nhiên dù
chọn con đường nào, dù thật hay giả, dù "đại ẩn" hay "tiểu
ẩn" thì tất cả cũng đã góp phần làm nên diện mạo phong phú cho ẩn sỹ Trung
Hoa.
*
NGUYỄN
XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện
Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 27.12.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích
đăng lại.
Thú vị,thanks
Trả lờiXóa