NGUYỄN THANH LÂM CHUYỂN HÓA TRONG 'SIÊU THOÁT TRONG RỪNG TÙNG' - Tác giả: Trần Quang Quý (Hà Nội)

Leave a Comment

NGUYỄN THANH LÂM CHUYỂN HÓA TRONG

SIÊU THOÁT TRONG RỪNG TÙNG

*

(Tác giả Trần Quang Quý)

Tôi đã đọc Sông trời hoa khói (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2013) và bây giờ là Siêu thoát trong rừng tùng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016), tập thơ thứ 7 của Nguyễn Thanh Lâm. Nếu những tập thơ trước, Nguyễn Thanh Lâm chủ yếu viết về Hà Nội, bày tỏ tình yêu, những niềm hứng khởi với thành phố mà anh đã dành tâm huyết cả đời viết, cả tâm hồn, sự thăng hoa cảm xúc cho nó thì bây giờ là một đời sống phổ quát, rộng lớn hơn, đa dạng hơn như “Anh và em ngồi trên mạn thuyền trái đất/ Bơi trong thế giới bao la”.

Nhìn lại, nếu “Hương dương cầm”, “Sông trời hoa khói” là những phiêu cảm, lãng tử, mộng du, cảm xúc bay lượn trong thế giới của làn hương, sương khói, hay những thảng thốt đêm mưa sân ga thì bây giờ là đa diện, đa tầng đời sống mà tác giả muốn “nhập thế” để khái quát, chiêm nghiệm, muốn “siêu thoát” khỏi cái thực thể thô nhám, xô bồ của thế giới quanh ông, thế giới mà ông phải đối mặt hàng ngày. Chuyển từ cái hòa cảm, hướng ngoại nhiều hơn vào đời sống hướng nội để rút tỉa những ý niệm, nghiệm sinh, triết luận, kể cả hướng tới cõi thiền, tịnh tâm, tới Phật trong nhiều câu thơ, ý thơ của ông.

Nói cách khác, Nguyễn Thanh Lâm đã làm một cuộc chuyển hướng rõ nét hơn trong tư tưởng thơ của ông so với những tập thơ trước. Có thể thấy ý tưởng đó khi ông đặt tên cho tập là Siêu thoát trong rừng tùng (cũng là tên một bài thơ). Tùng là loài cây vốn được người xưa gắn cho tính cách những người chính nhân quân tử, sống cương trực, thẳng thắn, ngạo nghễ, đàng hoàng giữa đất trời, vững vàng trước bão giông, thu hút được những tinh túy, khí tượng của thiên tạo. Khi con người “nhập” được vào “hồn tùng”, thấm những phẩm cách của tùng là được siêu thoát, được hạnh phúc: “Không định là tùng vút cao/ Định tâm/ Nhập vào hồn tùng là hạnh phúc/ Không gió/ Rừng tùng vẫn reo mơ hồ trong hồn/ Như mạch suối ngầm bốn mùa/ Như điệu khèn sơn nhân bát ngát núi cao/ Nhắm mắt để nhìn thấy vầng sáng dịu dàng giấc mơ/ Nghe tiếng hát xa xôi thuộc về muôn đời/ Thân rễ cổ xưa đưa ta về cội nguồn… / Đôi mắt tùng bình thản/ Không ngạc nhiên điều gì/ Chim gõ kiến như ẩn sỹ gõ nhịp thời gian/ Gọi ta tỉnh thức”. Tùng có thể thức tỉnh, chuyển hóa ta, nếu ta nhập được vào hồn/ đối tượng và không gian chuyển hóa. Cũng như cõi Phật, cõi thiền có thể chuyển hóa, tu dưỡng tâm thanh, tính thiện của con người. Bài Siêu thoát trong rừng tùng và nhiều bài thơ khác của Nguyễn Thanh Lâm ngụ ý, thức tỉnh những điều ấy. Tất nhiên còn phải xem sự chiêm nghiệm, thức tỉnh đó có nhuần nhuyễn, thanh thoát, tự nhiên hay không.

Trong một ngữ cảnh khác, khi nói về trà đạo, bài thơ ở đầu sách không phải ngẫu nhiên, nó như một chủ kiến khai mở đời sống tâm hồn trước những gì ông quan tâm, khi viết: “Không nghiện, không mê hiểu sao được đạo trà/ Không là cá biết sao được nỗi lòng của nước/ Lòng không tĩnh, tâm không siêu thoát/ Không thể thấy mình với trà là một… / Hãy nghe ở lòng mình êm trôi về miền mới lạ…/ Thưởng trà như nhập thiền/ Hồn trôi sang bờ giác…/ Nghe hương bằng cảm giác/ Thấm vào chân tơ kẽ tóc/ Ngộ ra chân lai diện mục lòng mình” (Trà đạo). Điều kiện ở đây khi “vào” được trà đạo trước tiên là phải “mê”, nó còn cao hơn mê say. Lòng thì tĩnh, tâm phải thanh mới có thể “Nghe hương bằng cảm giác”. Điều này không chỉ đối với trà đạo và những thú chơi nghệ thuật khác mà với nhiều loại hình sáng tạo nghệ thuật. Phải có sự mê, thậm trí trả giá đắt cho con đường anh hy sinh vì nó. Phải “nghe” hoặc “ngửi” được, ngay cả những câu thơ bằng cảm giác, trực cảm. Có nhiều câu thơ trong cõi mê, trong cái “vô lý” của logic nhưng vẫn có lý, tạo được xung năng rung động mạnh bởi khả năng “cảm” của tâm hồn, của thẩm mỹ nghệ thuật. Điều này cần cho cả sáng tạo và thưởng thức.

Với khả năng “nghe” ấy, Nguyễn Thanh Lâm còn nghe được cả ngôi chùa đang thở, mà thực chất là nhiệt năng của cõi tâm linh: “Nhẹ hơn hơi thở/ Ngôi chùa đang thở/ Tỏa nhiệt năng vào trời mờ khói sương/ Sóng lửa từ lòng đất mẹ dâng lên/ Những bàn tay chắp hình bông sen dâng hương/ Những giọt nước mắt nhân gian tụ lại ngôi chùa… / Lên chùa Yên Tử, từng bước, từng bước trở lại chính mình” (Ngôi chùa đang thở). Thiền được ông nhắc tới ở nhiều văn bản thơ. Ngay cả khi nói tới một cách sống, như “Sống chậm”: “Sống chậm tưởng giản đơn mà đâu dễ/ Cái tôi không có khóa mà giam hãm tự do/ Cái tôi ẩn nấp trong tình yêu thì không có tình yêu đích thực/ Sự nở hoa bên trong hương mất ngủ… / Thôi thì thiền trong động/ Rũ bỏ cái tôi trở về tự do nguồn cội lòng mình” (Sống chậm). Nhìn một góc đời sống và thi cảnh khác khi nói về “Cây bon sai”, một thú chơi cây cảnh có nguồn gốc từ Nhật, thú chơi thu nhỏ thiên nhiên vào vườn nhà, vào bồn vào chậu và tạo dáng thẩm mỹ cho cây, có những cây nhỏ xíu. Người ta cho đó là nghệ thuật. Nhưng với Nguyễn Thanh Lâm, đó là thứ tự do khao khát trong khuôn: “Bao thế hệ người làm vườn kìm hãm tự do vươn lên của cây… / Cái đẹp trong khuôn/ Những giọt sương trên cây bon sai mỗi sớm khóc thầm”. Nó cũng giống như người ta chơi chim cảnh nhốt lồng. Làm sao thú bằng khi bạn đến một công viên ở nước ngoài, bạn thấy chim câu, chim tự nhiên quấn quýt quanh người, mổ bánh mì trong tay người một cách thân thiện. Thế thì làm sao thế giới tự nhiên/ những giọt sương trên cây bon sai không khóc nhỉ?!

Sống với tự nhiên, tự do, mình được là mình khi mình thoát khỏi những ràng buộc, những kiểm soát của lý do nào đấy, mà cái lý do kiềm tỏa ở đây là Trời. Bài thơ Trời đi vắng là cách viết lạ, Trời là biểu tượng cho một lực lượng kiềm tỏa tự do vô hình. Có thể Trời cũng ở ngay trong tâm mình: “Hôm nay trời đi vắng/ Mùa hè tự do bước sang thu/ Gọi điện rủ tôi đi cùng… / Sống thật là mình sao khoái thế/ Sống một ngày như sống trăm năm/ Sen đã hết mùa không muốn thơm. Lại thơm/ Không gian không ướp hương. Mà hương/ Tóc bạc không muốn xanh. Mà xanh/ Bản năng ngủ quên bừng tỉnh… / Tôi cùng mùa hè tự do du ca/ Tự do tìm lại mình…” (Trời đi vắng). Tất nhiên rồi, sống thật là mình “khoái” hơn nhiều sống giả, sống với những vai diễn, những mặt nạ giả trang trong đời sống. Nhưng sống thật cũng đâu có dễ, khi còn biết bao cám dỗ, giằng níu phức tạp níu kéo người ta. Chỉ khi tĩnh tâm, lòng thanh tịnh, ngộ sáng mới có thể sống mình là mình.

Cùng cái phông tự thức, tự ngộ, tự vẽ phép chuyển hóa, thông qua lời tâm sự cùng bạn thơ: “Vài năm nay/ Tôi mới cảm nhận được cái lặng lẽ lủi thủi của vài ngôi sao/ Phiêu lạc trên trời… / Vài năm nay/ Tôi mới nghe được tiếng khóc thầm của vài ngôi sao/ Tiếng khóc bên trong ánh sáng/ Có những ngôi sao đã chết/ Tiếng khóc còn run nấc lung linh…”. Để cuối cùng thức tỉnh: “Vẻ đẹp trong lụi tàn/ Tôi và thế giới cùng cô đơn…/ Sự cảm thông và thấu hiểu, ngủ quên” (Tâm sự cùng bạn thơ). Cảm thông và thấu hiểu mới có những chia sẻ, dẫn lối của tính người. Chúng ta không khỏi buồn phiền và âu lo khi sự vô cảm và cái ác đang hoành hành, làm băng hoại lối sống và văn hóa một cách trầm trọng trong xã hội đương đại. Tâm sự cùng bạn thơ, còn như một bày tỏ trách nhiệm của nhà thơ với đời sống, là khơi dậy sự cảm thông và thấu hiểu. Bởi đó là chìa khóa của tình yêu thương con người vậy. Ông còn “nhấn nhá”, tiếp mạch sự hiểu, sự nghe thấu ấy: “Các loài hoa nói bằng hương/ Hoa trà my im lặng/ Hương giấu kín trong lòng… / Hoa nói với tôi bằng sắc/ Tôi thèm nghe bằng hương/ Muốn hóa thành ong thi sỹ/ “Tỏ đường đi lối về”/ Ôi biết bao sự im lặng trên đời/ Con người chưa nghe thấu…” (Chú ong thi sĩ).

Nguyễn Thanh Lâm cũng có những liên tưởng rộng lớn, lãng mạn. Những cảm xúc lãng mạng, phiêu du ấy thấy nhiều ở tập thơ trước. Ông nhìn cả bầu trời là một bức tranh đồ sộ của người họa sĩ say. Có những đám mây bay lơ mơ biến dịch, nhìn lên bầu trời không chỉ màu sắc hội họa mà còn như xem cuốn phim hoạt hình biến ảo của nhiều hình thù, muôn loài, người, ma đồng hiện và biến mất. Nhưng cái tâm sự sau đó là: “Trời mênh mông mà chật chội/ Nên những hình mây nhường nhau đường bay/ Nhường nhau chỗ ở/ Ánh sáng và bóng đêm nhường trời cho nhau… / Có lẽ trên trời không có đố kỵ cạnh tranh/ Không chia biên giới/ Tâm hồn trời mây là tâm hồn nghệ sỹ” (Bức tranh trời). Từ bức tranh tự nhiên kéo về bức tranh xã hội để nói cái ước mơ và biện giải người ta phải sống với nhau thế nào? Tập thơ có 60 mươi bài, nhiều mảng đời sống và tâm sự khác nhưng sống với nhau thế nào, ứng sử với thiên nhiên thế nào, sống tâm trong, lòng tịnh, thức ngộ, tiếp được nguyên khí của trời đất, muốn được sống thực mình, sống chân - thiện - mỹ là mạch cảm chính, khá thống nhất và nổi bật của “Siêu thoát trong rừng tùng”. Nói cách khác là hãy sống, như trời đất ban cho ân huệ ấy. Như khi ông nói với người thân: “Em ơi có buồn thì buồn đi/ Ngày mai muốn buồn không buồn được/ Có vui thì vui đi/ Ngày mai muốn vui không đủ sức… / Không ai ở mãi trong đời/ Bon chen mê ngộ một thời rồi đi/ Đi chơi lang thang để được sống nhiều…” (Vô đề 2).

Nói với vợ về sự kiếm tìm mệt mỏi trong cuộc đời thì cái chìa khóa mở ngôi nhà hạnh phúc lại chính là vợ mình: “Đi mãi rồi cũng trở về nhà/ Ngôi nhà bình yên khóa cửa/ Khóa mới/ Chìa cũ không mở được/ Chỉ có em vợ hiền mở cửa cho anh/ Anh biết em nương cửa phật/ Anh đến chùa tìm em/ Tìm lại mình/ Tìm lại chốn bình an/ Sau bao ngày chạy trốn/ Em trao cho anh chìa khóa mới/ Mở cửa vào nhà của mình” (Chìa khóa mới). Vẫn có một ngôi chùa để giải mã cái sự kiếm tìm, để tìm lại mình, tìm chốn bình an, tìm hạnh phúc. Cái hạnh phúc ở ngay bên cạnh, nhưng vẫn dùng chìa cũ thì làm sao mở được khóa mới được. Cũng như khi ông nói với người yêu: “Anh chỉ cho em con đường tự nhiên đến với anh/ Và em chính là con đường ấy/ Con đường tự nhiên thông qua em/ Thế giới tình yêu thông qua em/ Như bản chất của sáng tạo…” (Con đường tình yêu). Sau tất cả những bước “chuyển hóa” đời sống tinh thần và tư tưởng thơ ông, Nguyễn Thanh Lâm vẫn phải than rằng: “Vào cõi Phật tu thì dễ/ Tu trong cõi người khó biết bao/ Ai hóa vàng thơ ta bằng nước mắt/ Buồn quá không khóc được thì cười”.

Đấy là cái buồn, là tâm trạng thực của thi sĩ. Cũng là cái đang giăng níu trong ông mà để vượt qua nó cho tâm thanh, lòng tịnh, sống tự chủ trong cõi riêng, cõi chân thiện mỹ mà ông tâm niệm còn là con đường còn đầy gian khó, lại khi ông bắt đầu tự “chuyển hóa” thơ mình bằng những tâm sự về thế sự, chiêm nghiệm đời sống ở nhiều góc cạnh. Thơ ông là thơ kén bạn đọc và vì thế, cũng là lẽ thường còn gặp ở thơ ông không ít bài gượng, mải nói lý, nghĩ nhiều hơn cảm xúc. Mà lẽ ra, theo tôi, chỉ gợi ra cho người ta tự cảm, tự thấu hiểu, “nghe bằng hương” như chính tinh thần thơ ông muốn hiển đạt. Nếu không ham những câu thơ chỉ mang tính giải thích, như sợ bạn đọc không “thấu hiểu” thì “ Siêu thoát trong rừng tùng” sẽ siêu thoát hơn, bay cao hơn. Chúc mừng ông vẫn tiếp tục hứng khởi, hăm hở cho những sáng tạo trên lối đi riêng của thơ mình.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện: CHUYỆN CU TỐ

LÀNG TÔI, truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN QUANG QUÝ

Địa chỉ: Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Email: tranquangquy9@yahoo.com

Điện thoại: 090.345.83.45

 

 

 

 

 

.................................................................................................

- Cập nhật từ email: thanhlam.tho@gmail.com ngày 26.12.2016

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.  

0 comments:

Đăng nhận xét