(Chân dung nhà phê bình Hoài Thanh - Nguồn ảnh: Internet) |
ĐỌC LẠI
THI NHÂN VIỆT NAM
Hai tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân biên soạn quyển Thi Nhân Việt Nam cách
đây đúng 75 năm. Ngày đó, thế hệ chúng tôi còn là những đứa trẻ chập chững,
nhiều lắm thì cũng chỉ mới mon men vào mấy trường “măng non, hoặc tiểu học”, ở
các nơi thành thị hay thôn xóm. 75 năm chúng tôi lớn lên, mang theo sách vở từ
trường học đi vào đời, hình như luôn luôn có bên mình người bạn đồng hành “Thi Nhân Việt Nam”. Thế hệ
sinh ra năm, bảy năm, trước và sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa đủ tuổi đời và hiểu
biết để nhận thức được sự đổi thay kỳ diệu trong cuộc sống của toàn xã hội lúc
bấy giờ.
(Tác giả Song Nhị) |
I./ Hoài Thanh - thời kỳ văn học tự do nhân bản.
Tác giả “Thi Nhân Việt Nam”,
khi biên soạn tác phẩm này đã ở vào tuổi “tam thập nhi lập”, đã đủ kiến thức để
tiếp thu luồng gió mới từ trời Tây thổi đến, làm thay đổi mọi trật tự và nếp
sống, thay đổi lề thói, tầm nhìn và lối suy nghĩ của con người Việt Nam ở đầu
thế kỷ hai mươi.
Cuộc “Âu hóa” đó, theo tác giả đã trải dài trong sáu mươi lăm năm, “kể từ ngày người lái buôn phương Tây thứ
nhất đặt chân lên đất Việt, mang theo những thứ hàng hóa phương Tây, để sau này
nẩy nở thành Thơ Mới”.
Sáu mươi lăm năm, cuộc Âu hóa, không những làm thay đổi tập quán người
Việt, mà còn làm thay đổi cả tư tưởng và nhịp rung cảm trong tâm hồn người dân
bản xứ. Theo tác giả, một trong những “biến thiên vĩ đại”, đó khởi đi từ khi
Việt Nam sáp nhập vào đế quốc Pháp, từ hồi Trịnh Nguyễn phân tranh…
Sáu mươi năm mà tưởng chừng như sáu mươi thế kỷ, luồng gió mới phương Tây
thẩm nhập, đến một lúc văn học Việt Nam tiếp thu trào lưu Thơ Mới, cùng lúc
đoạn tuyệt với vần điệu, niêm luật nghiêm khắc, gò bó của Đường thi, một thể
thơ đã từng dự phần quyết định kết quả thành bại trên đường đời của thí sinh
trong các kỳ khoa cử.
Sau một thời gian dài, cả đến mười năm tranh giành quyết liệt quyền sống
giữa thơ cũ và thơ mới, đến đầu thập niên 30s, từ 1932-1941, thơ mới chiếm lĩnh
thi đàn, với những tên tuổi Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan
Viên, Xuân Diệu….
Trong “Tuyển Tập Hoài Thanh”,
tác giả Thi Nhân Việt Nam có
nói rõ, ông rất say mê Thơ Mới ngay từ khi thơ mới ra đời. Thơ Mới hầu như là
“thú vui duy nhất” của ông thời bấy giờ. Chính nhờ sự say mê đó nên trong tủ
sách văn học mới có tác phẩm Thi Nhân
Việt Nam - một cuốn sách sưu tập và nhận định thơ của 46 thi nhân,
thường được gọi là các nhà thơ tiền chiến.
Quyển Thi Nhân Việt Nam do
Hoài Chân xuất bản lần đầu (không nói rõ vào năm nào). Quyển sách này không
được phổ biến tại miền Bắc. Mãi gần hai mươi năm sau, đầu năm 1960 trường Đại
Học Tổng Hợp Hà Nội mới cho in bản ronéo, làm tài liệu tham khảo cho Sinh viên.
Trong khi tại miền Nam ,
Thi Nhân Việt Nam được giới
trẻ, sinh viên học sinh và người yêu thơ ưa chuộng. Năm 1968, Nhà xuất bản Hoa Niên in lại tại Sài Gòn. Các tờ báo
văn nghệ ở Sài Gòn suốt hai thập niên 50 và 60 thường trích đăng thơ của các
tác giả trong Thi Nhân Việt Nam.
Năm 1985, Nhà xuất bản Đông Nam Á in lại Thi Nhân
Việt Nam ở Paris .
Bản chúng tôi hiện có do Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, in năm 1992.
2. Đọc lại nội dung Thi Nhân Việt Nam.
Thi Nhân Việt Nam quy tụ 46 nhà thơ, với tất cả 169 bài thơ
của các tác giả được trích dẫn và bình giải.
46 nhà thơ trong sách được đưa vào theo thứ tự: Tản Đà, Thế Lữ, Vũ Đình
Liên, Lan Sơn, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Xuân
Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Thu Hồng, Bàng Bá Lân, Nam
Trân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, J. Leiba, Thái
Can, Vân Đài, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Quách Tấn, Phan Khắc
Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Phan Văn
Dật, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy, Hằng Phương, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng
Chương, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, T.T.K.H, Trần Huyền Trân.
Trước hết, chúng ta hãy đọc, hãy nghe những gì Hoài Thanh nói, Hoài Thanh
“nhỏ to” với độc giả trong bài bạt cuối sách. Như phần đông những người làm
công việc thực hiện một tuyển tập thơ, tác giả Thi Nhân Việt Nam cũng bộc bạch, phân trần về những trách móc,
chê bai về các nhà thơ được đưa vào sách, về nội dung thơ trích dẫn. Người ta
đàm luận bài hay, bài dở, trích nhiều, trích ít, kẻ khen, người chê... Hoài
Thanh phải thốt lên “biết làm sao chiều được tất cả mọi người”.
Tác giả thú nhận, có những nhà thơ có tài, mà vì lẽ này hay lẽ khác, tác
giả không thể nói đến. Cũng có những bài thơ hay, không thể trích được. Tác giả
Thi Nhân Việt Nam không nói rõ
lý do.
Trong bài bạt “tâm sự nhỏ to”, Hoài Thanh cho rằng với hơn 40 người có thơ
trích sách, rồi ra, may mắn lắm có 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế.
Đọc được những chi tiết này, người đọc mới biết tại sao Thi Nhân Việt Nam lại có sự khập
khễnh về tác phẩm (thơ) và tác giả (nhà thơ) được lựa chọn đưa vào sách.
Sau 75 năm, qua công luận và sự sàng lọc, đào thải của thời gian, chúng tôi
xin tạm đưa ra một sự “sắp xếp” các nhà thơ trong TNVN như sau:
1./ Những nhà thơ nổi bật “vượt thời gian đi vào quần chúng và văn học gồm
có: Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu
Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn,
2./ Những nhà thơ được các tạp chí văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa)
phổ biến một hay vài ba bài thơ có giá trị văn học. Trong số này có: Vũ Đình
Liên với bài “Ông Đồ Già”, Thanh
Tịnh với bài “Mòn Mỏi”, Nguyễn Vỹ,
với bài “Gửi Trương Tửu”, Tế Hanh
với bài “Vu Vơ”, Thái Can với bài “Anh biết em đi”, Thâm Tâm với “Tống Biệt Hành”, Nguyễn Nhược Pháp với
bài “Chùa
Hương”, T.T.K.H với “bài thơ thứ
nhất”, “hai
sắc hoa ti gôn”, “Bài thơ đan áo”, ……
3./ Các nhà thơ khác trong sách còn lại, hầu như ít được nhắc tới trên thi
đàn gồm có: Lan Sơn, Thúc Tề, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân
Tâm, Thu Hồng, Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Bích Khê, J. Leiba, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh,
Nguyễn Giang, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước, Phan Văn Dật, Mộng Tuyết,
Nguyễn Xuân Huy, Hằng Phương, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Trần Huyền Trân.
Riêng các nhà thơ Đông Hồ, Bàng Bá Lân ở miền Nam được
nhiều người biết đến, có tên tuổi, nhưng ít ai nghe biết, hoặc nhớ tên những
bài thơ nào của các tác giả này.
3. Hoài Thanh - thời kỳ văn học Marxist.
Sau ngày 30-4-1975, một số nhà thơ thành danh từ miền Bắc đã có cơ hội vào
Sài Gòn tìm hiểu nền báo chí, văn học của Việt Nam Cộng Hòa, họ đã mở mắt mà
nhận ra giá trị đích thực của nền văn học học nhân bản tại miền Nam. Lưu Trọng
Lư, trong chỗ riêng tư đã nói lời thú nhận “chúng tôi sống được là nhờ biết
sợ”.
Hoài Thanh, giữ các chức vụ Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật
Việt Nam ,
Viện phó viện văn học và chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ cho đến đầu năm 1975. Hoài
Thanh đã vào miền Nam sau
tháng tư bảy lăm. Có lần ông vào trại tập trung cải tạo Long Thành nói chuyện
với tập thể sĩ quan viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bị tập trung tại đây
(trong số có người viết). Khác với giọng điệu của những cán bộ “giảng viên” hạ
cấp, Hoài Thanh không đả động gì đến giới văn nghệ sĩ miền Nam, không như nhà
cầm quyền Cộng Sản lúc bấy giờ kết án gới cầm bút miền Nam là “những tên lính
xung kích của đế quốc Mỹ trên mặt trận văn hóa”.
Hoài Thanh kể chuyện những lần “gần gũi bác”, nói chuyện bâng quơ nhiều hơn
là tuyên truyền hạ sách. Chắc chắn ông biết cửû tọa, dù là người tù, đang ngồi
nghe là ai, thành phần nào.
Đọc Thi Nhân Việt Nam, ấn
bản 1992, Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, người ta nhận ra con người Hoài Thanh
một thời từng “say thơ như say người”,
một thứ “tình say không thể nào dứt ra
được”, thế mà sau sáu năm đi theo đảng, Hoài Thanh đã không còn là Hoài
Thanh, từng xem thơ mới là nơi trú ngụ của tâm hồn. Ông mạnh mẽ phủ nhận tác
phẩm, lên án đứa con tinh thần của mình. Hoài Thanh đã tự phê, đã tự kết tội
việc biên soạn quyển sách, một thời bằng tất cả đam mê, là một việc làm tiếp
tay với giặc.
Theo Từ Sơn (*) trong chương “Nhìn lại thơ cũ 1932 - 1945, ở quyển “Nói chuyện Thơ Kháng chiến”,
Hoài Thanh viết:
“Xét về phương diện khách quan thì
ngày trước hay bây giờ, những câu thơ buồn nản hay thơ mộng vẩn vơ cũng đều là
đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc
nhược của con người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc.”
Tám năm sau, năm 1959, sau vụ Nhân Văn, Giai Phẩm, Hoài Thanh lại viết: “Thơ lãng mạn tiểu tư sản có thể xem là một
sức phá hoại, vừa phá hoại chế độ thực dân phong kiến vừa phá hoại nhiệt tình
cách mạng. Trong thơ lãng mạn tiểu tư sản, vẫn có một thứ lòng tin mà bọn
thống trị cũ dựa vào, tức là lòng tin rằng cuộc đời là thế, không thể thay đổi
được. Nhưng bọn thống trị cũ dựa lòng tin thì ít, vào võ lực thì nhiều…”
Tháng 11-1962, trong một đề cương nói chuyện về thơ mới, Hoài Thanh viết: “Mọi người đồng ý trong thơ mới 1930 - 1945
có nhân tố tích cực và nhân tố tiêu cực…” và lại phải thòng thêm một câu: “Tôi vẫn nghĩ tiêu cực là chính”.
Tháng 11- 1964, e sợ hai năm trước nhìn nhận thơ mới cũng có “nhân tố tích
cực”, là một thái độ xét lại, Hoài Thanh lại viết trong “Một vài ý kiến về phong trào thơ mới”, với luận điệu: “Nhìn chung thơ mới chìm đắm trong buồn rầu,
điên loạn, bế tắc. Đó là chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa. Nguy hiểm nhất
là nó lại tạo ra một thứ say sưa trong đó. Hình như không buồn rầu, không điên
loạn, không bế tắc thì không hay..”
Tháng 8- 1977, hai năm sau ngày Hoài Thanh vào miền Nam, biết được giới trẻ
Sài Gòn và nửa nước vẫn trân trọng và ưa thích thơ mới, vẫn chấp nhận Thi Nhân Việt Nam, một tác phẩm ra
đời trước ngày đất nước chia đôi, miền Bắc đặt dưới sự cai trị hà khắc của Cộng
Sản Bắc Việt, ông bắt đầu “đổi giọng”, mà cho rằng: “Trong Thi Nhân Việt nam không có bài thơ nào là phản động và nói chung
cũng không phải là thơ đồi trụy. Chẳng những thế, có không ít bài thơ rất đậm
đà phong vị quê hương, rất có tình với đất nước, rất tha thiết yêu đời….”
Hoài Thanh nhìn lại “đứa con” của mình, vẫn thương yêu vô hạn, nhưng vì
“phải biết sợ” để sống (như lời tự thú của Lưu Trọng Lư), nên ông lại quanh co:
“Ngày nay hòa bình đã lập lại, hoàn cảnh đã đổi khác. Trong hoàn cảnh mới,
nên chăng nhìn Thi Nhân Việt Nam
một cách khác? Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục trân trọng phần hay, phần đẹp
trong thơ mới như ta vẫn nhận định trước đây. Nhưng phần ấy không phải là phần
chính. Phần chính là thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng...”
Ngoài những bài viết tự phê phán, tự lên án gay gắt của chính tác giả trong
suốt 30 năm, không có một tài liệu nào cho thấy có những bài lý luân, phê
bình của các nhà văn miền Bắc viết về Hoài Thanh và Thi Nhân Việt Nam, mãi cho tới ngày sau khi Hoài Thanh qua
đời, nhà văn Đặng Thái Mai mới có một bài viết trên báo Văn Nghệ, số ra ngày
10-4-1982, nhận định:
“…Tác phẩm đáng nói trong những năm
1930 - 1945 có
phần chắc là cuốn Thi Nhân Việt Nam,
cộng tác với Hoài Chân. Chúng ta còn nhớ rằng dưới ảnh hưởng của tư tưởng
Mac-Lênin, tác giả đã tự phê bình rất nghiêm khắc…"
Thì ra như thế, dưới học thuyết Mac Lê, con người phải biến dạng từ trong
suy nghĩ, tình cảm, tư tưởng để thể hiện hành động của một con người máy, phục
vụ chế độ chính trị.
Nhận định này đã được Từ Sơn trình bày trong “Lời Cuối sách” (*).
4. Lời Cuối Sách của Từ Sơn (*)
Lời cuối sách là một bài viết ghi lại hành trình suốt một đời người của
Hoài Thanh đi theo thơ mới, từ say mê đến ân hận, từ trăn trở đến nhập nhằng
lựa chọn, giữa chính trị phục vụ chế độ và văn chương nghệ thuật.
Từ Sơn viết: “Nhân đây có lẽ cũng nên
tìm hiểu xem vì sao Hoài Thanh có cái nhìn nghiêm khắc với thơ mới và nhất là
tự phê phán Thi Nhân Việt Nam một
cách quá nghiêm khắc như thế.”
Điều hiển nhiên, “dưới ảnh hưởng của
tư tưởng Mac-Lênin”, thành phần trí thức tiểu tư sản phải bị đào thải, hoặc
phải được cảm hóa để phục vụ chủ trương bạo lực cách mạng.
Trong cuộc “tranh luận nghệ thuật” vào những năm 1935-1936, Hoài Thanh bị
xem là thuộc trào lưu lãng mạn tiểu tư sản, thuộc phái nghệ thuật vị nghệ
thuật, không theo quan điểm Mac xít về văn học nghệ thuật. Hoài Thanh đã phải
tự khai và tự phê bình “một cách nghiêm túc và thành thật”. Hoài Thanh đã bị
tẩy não, khi chính ông đã thú nhận trong tác phẩm “Tuyển Tập Hoài Thanh”:
“hồi ấy chúng tôi bị lay dữ... chúng
tôi không phải không dụi mắt một ít. Nhưng rồi chúng tôi lại nhắm nghiền mắt
lại, một phần vì tự ái, nhưng phần chính là vì tâm trí hãy còn mê”.
Tuy vậy, Hoài Thanh vẫn cố níu lấy tâm tưởng của mình về thơ mới, về quan
niệm “con người muôn thuở, văn chương muôn thuở”, mà đối với ông có sức quyến
rũ rất ghê và rất có giá trị… Tác giả Thi
Nhân Việt Nam đã bị dằn vặt cả một chặng đường dài, để từ “tỉnh một
nửa, đến tỉnh hẳn”. Đến một lúc Hoài Thanh nhìn nhận sai lầm lớn nhất trong
đời, trước tháng Tám 1945 là “thoát ly cách mạng, lấy văn chương làm nơi lánh
nạn, vùi đầu vào chuyện không đâu để trốn tránh trách nhiệm…”
Và đây là lúc Hoài Thanh đã thực sự bị tẩy não, Hoài Thanh kiên quyết phủ
nhận con người cũ của mình. Có lúc Hoài Thanh đã cúi đầu nhận tội trước Đảng Cộng
Sản Việt Nam về quãng đời trai trẻ của mình, một sự tự buộc tội, có vẻ là… “bị
bức cung”:
“Trong tuổi thanh niên, tôi không
phải không cảm thấy cái nhục làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, tôi cũng muốn cất
đầu lên. Bị giặc đạp xuống, tôi mất tinh thần nhưng vẫn chưa chịu cúi đầu hẳn.
Tôi vẫn muốn cất đầu lên thấp hơn lần trước một ít. Nhưng cứ mỗi lần cố cất đầu
lên thì lại bị chúng nó đạp xuống sâu thêm một tầng nữa. Và cứ thế cho đến lúc
tôi không còn đủ sức cất đầu lên nữa…” (lý lịch khai trong học tập bảo vệ
đảng, ngày 24-5-1970 - di cảo viết tay).
Người đọc, không ai hiểu Hoài Thanh đã “cố cất đầu lên” như thế nào, và đã
bị “giặc ngoại xâm đạp xuống” ra sao. Tôi thấy trong thời kỳ cải cách ruộng đất
không có người địa chủ nào tự nhận tội như Hoài Thanh của Thi Nhân Việt Nam.
Thi Nhân Việt Nam, như nhận định của nhà văn Đặng Thái Mai, “… tập sách chưa thể nói là đã có một lập
trường vữõng chắc và phương pháp biên soạn chưa phải là đã thật sự khoa học,
cách đánh giá các tác phẩm thơ xuất bản trong mười năm 1930 - 40 cũng đang dành
phần đất khá rộng để thảo luận. Người viết sách rõ ràng đã bị giới hạn về nhiều
phương diện trong khi trình bày một tập văn tuyển khá phức tạp như vậy…”
(tạp chí Văn Nghệ, 10.4.1982).
Thi Nhân Việt Nam, tự thân là một tác phẩm văn học, và cái
công của Hoài Thanh, Hoài Chân là đã tuyển chọn được số đông những nhà thơ của
một trào lưu đổi mới trong thi ca Việt Nam. Tác phẩm này đã là nguồn cảm hứng
cho giới văn nghệ sĩ và những người yêu thơ qua mấy thế hệ từ thập niên 40 đến
nay.
Xét về nội dung, khi thực hiện tác phẩm Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho rằng: “chừng 40 người có thơ trích trong quyển này, may mắn ra 4 người sẽ có
tên lưu truyền hậu thế!”.
Bảy mươi lăm năm sau cho thấy, không phải chỉ có 4 người, mà có đến hơn 14
người tên tuổi đi vào văn học: Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng
Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn.
Hoặc được hậu thế nhắc nhở như Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Nguyễn Vỹ, Tế
Hanh, Thái Can, Thâm Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, T.T.K.H.
Cũng như tất cả mọi cuộc “thi tuyển” hoa hậu, chạy đua Marathon, phải có
một số người “làm sàn” cho những tài năng nổi bật xuất hiện, trong Thi Nhân Việt Nam đã có khoảng 30
nhà thơ được chọn “làm sàn”. Cho đến 75 năm sau nhiều tên tuổi này hãy còn xa
lạ, thậm chí chưa hề hay biết tới.
Một góc nhìn khác về nội dung Thi
Nhân Việt Nam, những “lời bình” về tác giả và những bài thơ trích
đăng, có những lời bình rất thấu đáo, có những lời bình hơi sơ sài, có lẽ do từ
sự cảm xúc của người đọc thơ, bình thơ… nhưng nói chung những lời bình ấy có
thể gọi là những bài văn thấu đạt.
Riêng bài tựa “Một Thời Đại Trong
Thi Ca” của tác giả Hoài Thanh là một tiểu luận được trình bày rất công phu, có giá
trị văn học cao và với giọng văn thu hút.
Có lẽ quyển sách này được biết đến nhiều nhất, rộng rãi nhất, không phải ở
miền Bắc, “quê hương” của tác phẩm mà là ở muền Nam, sau năm 1954, khi đất nước
chia đôi, dưới hai thể chế chính trị Quốc Gia và Cộng sản.
Bài viết này, như tựa đề, chúng tôi chỉ làm công việc đọc lại một tác phẩm
văn học được lưu hành từ hai phần ba thế kỷ qua. Đọc để tìm về với những nhà
thơ một thời làm say đắm mấy thế hệ tuổi trẻ yêu thơ. Đọc để nhìn nhận được
lòng say mê nhiệt thành thơ mới và tâm huyết của tác giả Thi Nhân Việt Nam ở thời kỳ văn nghệ tư do nhân bản. Đọc để
chia sẻ và thông cảm với Hoài Thanh, đã trải qua gần cả cuộc đời, đã phải chịu
đựng những hành hạ, nhục nhằn khi phải phủ định tác phẩm của mình, đến cuối đời
vẫn chưa nói lên được nỗi ấm ức vào giờ phút lâm chung.
(*) Từ Sơn, Lời Cuối Sách.
“Lời Cuối Sách” của Từ Sơn là một tiểu luận, đúc kết khá đầy đủ quá
trình biên soạn Thi Nhân Việt Nam
và những hệ lụy suốt một đời người của tác giả quyển sách này. Sau khi trình
bày khá cặn kẽ những gì Hoài Thanh nói, Hoài Thanh viết, những lời dặn dò,
những di cảo của Hoài Thanh, Từ Sơn mới cho biết, ông chính là con trai của tác
giả Thi Nhân Việt Nam.
Từ Sơn hình như là người luôn luôn chia sẻ những vui buồn với cha mình,
trước những diễn biến dưới một “thời đại” thi ca đổi mới, mà những áp lực chính
trị đã hủy hoại lòng nhiệt thành hăm hở của Hoài Thanh, biến ông thành một kẻ
“nửa đời sau lại vị người ngồi trên”. Và khi tỉnh lại sau cơn mê thời thế, để
thấy tất cả những gì Hoài Thanh gầy dựng đã tan vào hư vô, như đoạn thơ chân
dung của Xuân Sách mô tả Hoài Thanh:
Vị nghệ thuật nửa
cuộc đời
Nửa đời sau lại vị
người ngồi trên
Thi nhân còn một
chút duyên
Lại vò cho nát lại
lèn cho đau
Bình thơ tới thuở
bạc đầu
Vẫn chưa thể tất
nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại
thương mình
Tàn canh tỉnh rượu
bóng hình cũng tan.
*.
Tháng 04, năm 2016
Nhà văn SONG NHỊ
Địa chỉ: San Jose, California, Hoa Kỳ.
Email: songnhi_2000@yahoo.com
.
............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.12.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét