ĂN
TẾT SỚM
BÊN
BÀ NGOẠI
*
Biết mình Tết Dậu này
không được sum họp cùng gia đình ở Hà Nội vì phải theo chân bà chủ đi Đài Loan,
tôi vội đáp chuyến bay chiều thứ bẩy tranh thủ về trước Tết một tuần. Ai
ngờ, chuyến bay bị chậm, phải hơn 11 giờ đêm tôi mới về được đến nhà nên sáng
hôm sau, tôi vội lên 2 chặng xe buýt đến ngay với bà ngoại. Mẹ tôi thường kể,
hồi con mới sinh, chỉ bú mẹ mà không chịu ăn thêm cháo hay sữa hộp mà mẹ thì
thiếu sữa, mọi chuyện chăm con trăm sự đều nhờ tay bà ngoại vì lúc ấy bà nội không
được khỏe lắm, thậm chí đêm cũng để con ngủ với bà để bà dỗ cho ăn đêm. Con gầy
tong teo nên bà ngoại gọi yêu con là cái Kẹo. Năm nay, không có Tết ở nhà nên
tôi cố dành nhiều nhất thời gian để được ở bên bà ngoại.
Khỏi phải nói tôi sung
sướng thế nào khi vừa cất tiếng gọi bà ơi vừa sà vào người bà và được bà dang
dài đôi tay gầy ra ôm chặt lấy tôi như cháu mình vẫn còn là cái Kẹo năm nao.
Sau mấy phút hạnh phúc
trong vòng tay bà ngoại, tôi mới chợt nhận ra bà tôi mặc tạp dề và đang đứng
bếp. Tôi vội hỏi:
- Bà ơi, sao bà không đợi
mẹ cháu sang nấu nướng cho bà?
- Bà có nấu nướng gì đâu
mà chỉ đồ thêm một chõ xôi gấc thôi. Bữa cơm hôm nay, bánh chưng thì đã đặt
mua, các thức ăn thì lát nữa mẹ cháu qua chợ mua sang nấu nướng. Mâm
cơm có ngon lành và đẹp mắt hay không là do tài nữ công gia chánh
của mẹ cháu. Nhưng cách nấu xôi gấc dẻo thơm do ít làm, mẹ cháu chưa được khéo
lắm. Vả lại muốn đồ xôi gấc thì phải ngâm gạo, trộn gấc với rượu từ tối hôm
trước rồi cho gạo vào chõ đúng cách, khi đồ, phải canh lượng nước, giữ lửa, mở
nắp để lau khô hơi nước ở nắp nồi và đảo đều gạo để xôi chín và ráo nước…Những
việc ấy bà phải làm chứ giao cho mẹ cháu thì còn thì giờ đâu mà lo các việc
khác.
Tối qua, mẹ tôi đã cho tôi
biết, ngày mai, bữa trưa cả nhà ta sẽ ăn bên bà ngoại, bữa chiều ăn
ở nhà ta, cả hai bữa đều đủ cả ông bà nội ngoại, coi như cho con ăn Tết sớm với
gia đình. Tối con đi Sing, đến ngày nghỉ Tết thì theo bà chủ công ty sang Đài
Loan ăn Tết với gia đình bà ấy.
- Xôi sắp chín rồi - Bà
ngoại khẽ buông tôi ra và nhẹ cởi chiếc tạp dề - Mợ cháu sẽ xuống lo đơm ra
đĩa. Bà cháu mình ra ngoài ghế ngồi nói chuyện.
Vừa nói, bà ngoại vừa kéo
tay tôi ra ngoài phòng khách. Thấy tôi đưa mắt tìm hộp trà để pha nước thì bà
tôi xua tay bảo:
- Nước nôi gì? Bà có uống
chè đâu, lát nữa ông ngoại đi thể dục về thì pha trà mời ông. Cả năm nay bà chỉ
toàn nghe thấy tiếng cháu qua điện thoại, chưa một lần được nghe cháu nói bên
tai khiến bà nhớ cháu bà quá! Giờ nói cho bà nghe đi, sao bà chủ lại bắt cháu
phải sang Đài Loan ăn Tết với bà ấy cơ chứ?
Tôi cười khúc khích:
- Bà ơi, cháu có bị bà chủ
bắt bớ gì đâu. Ấy là vì bà ấy quý cháu nên mới cho cháu sang theo dưới danh
nghĩa một lời mời rất lịch sự.
- Ừ thì là một lời mời.
Thế sao cháu lại nhận lời mà bỏ Tết nhà mình đi ăn Tết nhà người?
- Thì cháu đã thưa chuyện
và xin phép với tất cả ông bà nội ngoại và bố mẹ cháu rồi thôi. Bà cũng bằng
lòng cho cháu đi mà!
- Thì cái gì cháu muốn mà
bà không bằng lòng. Hồi còn là cái Kẹo mới 3 tuổi, cháu vẫn ở với bà. Một tối,
bố mẹ cháu đón cháu đi ăn kem rồi dỗ dành thế nào đó nên cháu bằng lòng ngủ lại
với bố mẹ. Nhưng nửa đêm thức dậy cháu lại khóc đòi về ngủ với bà. Bố mẹ cháu
bảo để đưa sang nhưng cháu không nghe, đòi bà ngoại phải sang bế về cơ. Nghe mẹ
cháu gọi qua điện thoại, bà vội sang đón cháu về ngay. May mà thời đó còn xích
lô nên cũng tiện. Mà bà đang hỏi cháu vì sao cháu lại nhận lời đi Đài Loan
ăn Tết bên nhà bà chủ? Hay cháu thấy đây là dịp được đi du lịch không mất tiền?
- Không phải thế đâu bà ạ.
Cháu nhận lời vì sau hai năm làm việc, cháu thấy bà chủ là một người rất thành
đạt trong công việc và cuộc sống. Bà ấy rất hiếu khách, nhiệt tình, niềm nở
trong giao tiếp và đối xử rất tốt với mọi người làm trong công ty,
không bao giờ nói dối, lừa gạt người làm để cốt được việc của mình mà luôn có
sự hợp tác để hoàn thành công việc. Bà ấy rất quý mến cháu, khi gặp nhau
không chỉ có cháu cúi đầu chào mà bà cũng cúi đầu chào lại và bắt tay cháu,
luôn nói lời “cám ơn” khi thấy cháu làm tốt công việcvà nói lời “xin lỗi” cháu
khi bà ấy có sơ suất hay đã làm phiền hà cháu.
Bà ấy cũng không dấu diếm
gì về thân phận nghèo khổ của dòng họ nhà mình khi còn ở Tuyền Châu, Phúc Kiến;
sự nghèo khổ đã đẩy nhiều người bỏ quê di cư đến Việt Nam rất sớm từ
giữa thế kỷ 17. Bà ấycũng không dấu niềm tự hào về ông cha mình đã đóng góp
công sức di chuyển nhiều hiện vật được coi là những di sản nghệ thuật và đồ cổ
Trung Hoa từ Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh năm 1949 khi họ chạy đến Đài
Loan góp phần làm nên Bảo tàng Cung điện Quốc gia nổi tiếng Thế giới trên đảo
quốc Đài Loan mà nếu chúng còn nằm trong ở đại lục sẽ không tránh khỏi những
cuộc phá hoại, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Cháu đọc sách và
biết rằng, đa số các phong tục trong ngày Tết ở Đài Loan là theo tập tục của
người dân Chương Châu và Tuyền Châu, Phúc Kiến. Có một bà chủ
người như thế, sao cháu có thể từ chối lời mời sang Đài loan ăn Tết
cùng gia đình bà ấy cho dù bên trong lời mời ấy chỉ là một sự ưu ái của chủ với
người làm việc.
- Nếu thật thế thì bà ấy
cũng đáng mến. Nhưng bà chỉ e mọi người biết chuyện cháu ăn Tết ở Đài Loan sẽ
chê cười cháu không biết gì về sự kiện Forrmosa, yêu chuộng người Đài Loan quá.
- Bà ơi, Formosa là
Formosa và Đài loan là Đài Loan. Trong những năm gần đây, lần lượt từng đại gia
của Đài Loan đến Việt Nam, từ Chinfon, Vedan, CT&D, Foxconn, Formosa… cập
bến Việt Nam. Kinh tế là thương lượng. Các dự án công nghiệp không hề xấu và
một dự án có quy mô khổng lồ như Formosa có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế
Việt Nam. Tuy nhiên nếu không được giám sát và kiểm tra chặt chẽ thì những tổn
hại gây ra từ chính những dự án này sẽ gây ra những tổn thất khổng lồ không thể
bù đắp.Trong vụ việc Formosa này, rõ ràng quản lý của ta còn lỏng lẻo lại thêm
không có sự minh bạch nên mới để xảy ra những sự việc xấu trong môi trường kinh
doanh là thế. Vậy việc cháu theo chân bà chủ sang Đài Loan ăn Tết với gia đình
bà ấy có lên quan gì đến chuyện Formosa đâu?
Bà ngoại không đáp lời,
chỉ nhìn tôi với đôi mắt rất hiền dịu và hơi chút đăm chiêu. Tôi ngả người vào
vai bà, cười nói trêu bà:
- Hay bà sợ cháu sẽ thành
cô dâu Việt giống như nhiều cô gái Việt muốn đi tìm hạnh phúc ở Đài Loan làm bà
mất cháu ngoại, phải không bà? Mà nếu thật thế thì bà nghĩ sao?
- Cha bố cô! - Bà ngoại
mắng yêu rồi đưa tay vuốt tóc tôi - chả cần làm dâu Đài Loan bà mới mất cháu
ngoại mà giờ chỉ làm cho bà chủ người Sing gốc Đài bà cũng đã không còn cháu ở
bên như xưa rồi.
- Thì cháu đâu có muốn xa
bà. Cháu ước gì mãi mãi còn bé bỏng như cái Kẹo để được bà âu yếm bế bồng.
Rồi tôi lại nói trêu thêm
bà:
- Mà bà ơi, nếu cháu lấy
chồng là con cháu bà chủ ấy không khéo cháu sẽ như Tôn phu nhân trong Tam Quốc
ấy bà nhỉ?
- Tôn Phu nhân quy Thục?
- Vâng,
- Ối Trời! Cháu bà là ai
mà đòi làm Tôn phu nhân? Tôn Thượng Hương là quân cờ chính trị được Đông Ngô
đưa ra nhằm giữ vững hòa hiệp trong liên minh Ngô - Thục. Cháu gái của bà thì
có liên quan gì đến chuyện ấy.
- Cháu đâu dám đòi làm Tôn
phu nhân mà chỉ nói sẽ như tình cảnh Tôn phu nhân thôi, bà ạ. Nếu
cháu lấy chồng Đài Loan thật, cháu sẽ phải đau khổ lưu luyến giữa tình yêu gia
đình, yêu bà và sự ra đi theo chồng cho trọn đạo tòng phu. Cháu sẽ phải xa bà
trong cảnh buồn bã như thể Tôn phu nhân:
Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc
trắng
Duyên về đất Thục đượm màu
hồng
- Ừ, sẽ buồn thật như thế
đấy. Nhưng bà nói thế thôi, bà chủ tốt với cháu thì cháu đáp lại thế là phải
đạo. Cháu còn trẻ, cháu cứ đi đi và hãy để mọi thứ cháu đã nhìn thấy, những
người cháu đã gặp, những bài học cháu đã thu thập được hướng dẫn mình đi lên
phía trước để góp phần làm cho cuộc sống có sự thay đổi thật tích cực trong Thế
giới Hội nhập hiện nay. Bà chỉ mong, dù đi đâu, ở đâu, làm cho người
nước nào, sống với người nước nào, cháu bà cũng luôn luôn có ý thức giữ gìn bản
sắc văn hoá dân tộc, sẽ có được vẻ đẹp văn hoá với sự kết hợp hài hoà giữa tinh
hoa văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại.
- Bà ơi, bà nói làm cháu
muốn khóc vì tối nay cháu lại phải xa bà. Ít ngày nữa, cháu có thể cùng bà chủ
đi sắm Tết bên Đài Loan, ăn các món ăn ngày Tết của người Đài, ngắm hoa anh đào
nở, nghe không gian rộn vang pháo Tết, dự các lễ hội ngày Tết của
họ, sung sướng gấp bội phần những người Việt nghèo khổ phải đi lao động thuê
bên Đài Loan. Nhưng bà ơi, lòng cháu vẫn không quên nhớ về Tết ở quê nhà, đặc
biệt buổi ăn Tết sớm mà gia đình cả hai bên ông bà nội ngoại, bố mẹ cháu dành
cho cháu hôm nay.
Tôi vừa dứt lời thì có
tiếng từ ngoài cửa vọng vào:
- Ninh Ninh ơi, ra giúp mẹ
một tay với!
- Ra mang đỡ mẹ cháu các
thứ vào nhà bếp đi! - Bà ngoại bảo tôi và nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên
tường - Ngày vui ngắn chẳng tầy gang! Rồi tranh thủ đi thăm bạn bè đi để còn về
ăn Tết sớm bên bà ngoại nhé!
-------------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh trên Trang Đặng Xuân Xuyến0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng trên Trang Đặng Xuân Xuyến0
-------------
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
Mời nghe nhạc phẩm ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN SANG
của Châu Kỳ, qua tiếng hát Hương Lan:
*
Trong
phòng chờ sân bay 22/01/2017
DƯƠNG
NINH NINH
Địa chỉ: Thành phố Sài
Gòn
Email: duongninhsg@gmail.com
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email
ngày 22.01.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Mấy năm rồi không thấy trang nhà đăng bài mới của tác giả Dương Ninh Ninh.
Trả lờiXóaMong sớm được đón đọc bài viết mới của các cây bút Nguyễn Bàng, Dương Ninh Ninh, Đỗ Anh Tuyến....