(Văn Thùy "dị nhân" - Nguồn ảnh: Internet) |
“CẢM” SỰ LẠ...
TRONG “HỒN RƠM”
CỦA VĂN THÙY
Sáng nay (28/12/2016), tình cờ đọc bài Vài Cảm Nhận Của Đặng Xuân Xuyến Về Thơ Văn
Thùy “Dị Nhân”, trên trang Đặng Xuân Xuyến. Bài viết kiệm lời nhưng công
tâm khi “vẽ” “chân dung” Văn Thùy: thơ hay, có biệt tài về “nhào
nặn” câu chữ. Tôi mến cách viết của Đặng Xuân Xuyến ở sự có tình, sắc bén và
đặc biệt sự trân trọng đúng mức của tác giả Đặng Xuân Xuyến với tài dùng chữ của thi sĩ Văn thùy, (Đặng Xuân Xuyến gọi là “nhào nặn” câu chữ), chỉ đọc những trích dẫn thơ thôi cũng đã thấy cay cay
đuôi mắt .... rồi cười phá lên nghe mùi khế ......
(Tác giả Bùi Đồng) |
Qua Đặng Xuân Xuyến, tôi may mắn “vớ” được bài thơ Hồn Rơm và Nguyên Thân! Nhặt vội Hồn Rơm lên xem, đọc
lướt, đọc lại... rồi mê người dưng nước lã: Văn Thuỳ.
Cứ tưởng tượng ra một người kỳ tướng, thích lặn vào trong cái bản lai, thích
ngồi im một chỗ, quan sát, rình rập... cuộc sống bằng con mắt khác hẳn đời
thường nhưng vô cùng sắc bén, tinh tường. Có vẻ như người (Văn Thùy) không để ý đến ước lệ
ngớ ngẩn mà loài người tự vẽ vời mà thích nghe, thích thấy, thích sờ hiện tượng
rồi dùng con chữ, ngôn ngữ bình dân, bùi bụi, ngang tàng, hài hài, cá tính để
kể lại:
Quay về nhón hạt
thóc cười
Vểnh nghe trâu ợ ra
lời rạ rơm
(Hồn Rơm)
Quay về đâu ạ???
Chỉ có về bản lai diện mục, với tính bản thiện ta mới nghe được, mới diễn
tả được thực chất của vũ trụ! Tác giả thấy hạt thóc cười (tách mầm) qua cái
nhón tay vô thức mong manh mà được cả một nụ cười của ngũ hành, vũ trụ: thành
trụ hoại diệt! (thông qua cái nhón tay và hạt thóc tưởng như vô hồn)
Văn Thuỳ là vậy, vừa giống thiền sư, vừa giống bác nông dân mộc mạc, chân
chất... lang thang, cần mẫn trên thửa ruộng đời bề bộn.
Con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng tác giả nghe cả tiếng chóp chép nhai lại
để: ợ ra lời rạ rơm!
Câu thơ xuất thần, hiếm gặp! Cái ợ hơi với nhiều người đọc vội sẽ thấy thô
thiển nhưng đọc kỹ sẽ thấy hồn quê, hương đồng nội được hình thành từ rơm rạ, một
vòng luân hồi: hạt thóc, nhành mạ, cây lúa, rơm rạ, qua dạ dầy trâu lại trở lại
ruộng đồng, cây lúa!
Tôi thích Văn Thuỳ nói như vậy và ngắn như vậy nhưng ý lại trường, thâm
dằng dặc. Anh là ai?
Một người không che đậy, tự nhiên như hạt thóc, củ khoai nhưng tính từ bi
lại khôn cùng, những sinh linh làm nhiều người khoái khẩu thì lại thương từ con
cà cuống thương đi:
Phanh trần hóng gió
quạt bờm
Khóc con cà cuống
nướng thơm hướng đình.
(Hồn Rơm)
Ta thử tưởng tượng một hồn thơ, ăn mặc rất chủ quan, nằm khểnh trên chiếc
chõng tre cót két và gió thì là gió quạt của bờm!
Bờm chả thèm cái gì cả, bờm thực tế hơn nhiều, bỏ mặc quyến rũ xảo trá của
phú ông, nhận nắm xôi cho đời yên ả. Tác giả cũng thế, gió bờm là gió mát nhất,
an toàn nhất, gió bờm đi cùng nắm xôi mà chúng ta thường dành cúng Phật, Thánh
..
Đến đây thì đã lộ chân tướng Văn Thuỳ: anh là người hay nghiên cứu cả đạo
Phật.
Thảo nào mà thơ cứ lấp lánh và trầm trầm.
A di đà Phật!
Nếu bài Hồn Rơm thiên về phần sơ khởi, thần thức thì bài Nguyên
Thân là phần khẳng định nhất nguyên: CHÂN THÂN!
Hãy gạt bỏ hết những gì che đậy, dối gian để trở về với: bản tính - nhân
chi sơ tính bản thiện.
Cám ơn Đặng Xuân Xuyến và Văn Thuỳ!
*.
Thành Nam, 28 tháng 12.2016
BÙI ĐỒNG
Địa chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng, t/p Nam Định.
Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
Điện thoại: 090.219.18.04
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 28.12.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét