(Nguồn ảnh: internet) |
LUẬN
BÀN
VỀ
TIỀN ĐỀ
Phiên bản thu gọn đã đăng trong:
Chúng tôi xin được bắt đầu vấn đề, từ một thông ước cú pháp sau đây, đã
được chấp nhận trong mọi nền văn hóa của nhân loại. Rằng từ hai mệnh đề P và Q,
con người có thể thiết lập một mệnh đề mới ở dạng “nếu P thì Q” (P còn được gọi
là tiền đề hay nguyên nhân, còn Q gọi là hệ luận hay kết quả). Đặc biệt trong
logic học người ta cho rằng mệnh đề “nếu P thì Q” chỉ sai khi và chỉ khi P đúng
Q sai. Đây là một trong những tiên đề về logic được loài người sử dụng, trong
tiến trình xác định tính đúng sai của mọi sự vật hiện tượng! Như vậy nếu
P đúng thì mệnh đề “nếu P thì Q” chỉ đúng khi Q đúng. Còn nếu P đã sai thì mệnh
đề “nếu P thì Q” bao giờ cũng đúng, bất luận Q đúng hay sai. Chân lý đơn giản
này, bao hàm một triết lý sâu sắc “Từ cái sai suy ra mọi cái”! Thế đấy! Từ một tiền đề sai sẽ dẫn đến
những hệ quả có thể đúng có thể sai, có nghĩa là một mệnh đề sai mà được coi,
được chấp nhận là đúng để làm tiền đề, thì mọi nghịch lí xuất hiện, cũng đều
phải được chấp nhận, mà không thể bác bỏ (!) Cũng còn có nghĩa là, nếu
một hệ tiền đề, mà các hệ quả rút từ nó mâu thuẫn với nhau, thì hệ tiền đó ắt
phải bị mâu thuẫn, “nhiễm độc”, vì vậy không đáng tin, và cần phải được xem
lại. Nhắc lại bài toán vui “Đố bạn nếu 23 = 32 thì 45 = ?” đã đăng trong Chuyên
mục Giáo dục của báo điện tử VietNamNet ngày 18-1-2016, khi đó do tiền đề 23 = 32 sai, cho nên kết
luận 45 bằng bao nhiêu cũng đúng(!) (Xem “Một khi tiền đề đã sai”, Chuyên mục Giáo dục, VietNamNet, 20-1-2016).
Bài toán xác định đối tượng X, để mệnh đề “nếu A là B thì C là X” đúng,
trong đó A, B, C là các đối tượng đã biết, là một dạng phổ quát cho nhiều vấn
đề thường gặp trong khoa học và đời sống. Chẳng hạn, “Nếu năng lượng là không tự nhiên sinh ra và cũng không tự
nhiên mất đi, thì năng lượng sống-nóng hổi của người vừa chết sẽ chuyển
thành cái gì?”, hay “Nếu coi
học thuyết Tử vi là một học thuyết đúng thì anh M là người có công danh thế nào?”, đều là những bài toán thuộc loại như thế.
Do tiền đề “A là B” có tính quyết định trong việc xác định đối tượng
C trong câu hỏi “nếu A là B thì C là gì?”, mà con người cần phải
rất thận trọng trong việc lựa chọn tiền đề này! Chẳng hạn nếu người ta coi
“tầng lớp T là không thuộc giai cấp V” như một tiền đề đúng, thì T có thể là
động lực, hay cũng có thể là đối tượng của một cuộc cải cách nào đó! Cũng
cần nhấn mạnh thêm rằng, tiền đề “A là B”, thông thường đôi khi A là một đối
tượng hiện hữu, còn B lại là đối tượng có thể được định hình theo ý chủ quan
của con người, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lợi ích, tôn giáo, tầm nhìn,
hay thời đại… Ví thử như, Kinh thánh cho rằng “Con người sinh ra đã phải mang trọng tội của tổ tông” là một tiền đề, bởi truyền thuyết
Adam và Eva, hay luật pháp các quốc gia thường ghi “Quyền lợi của quốc gia là trên hết”, hoặc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”… Tất nhiên đâu đó ở thời đại này, thời đại
kia, người ta có thể không thừa nhận, hay điều chỉnh những tiền đề như thế!
Một khía cạnh tinh tế khác, bài toán xác định đối tượng C, là một bài toán
có thể khách quan hay không khách quan và độc lập hay không độc lập, cũng là
vấn đề cần phải được xem xét. Trong trường hợp nếu đặt vấn đề xác định đối
tượng C trong câu hỏi “nếu A là B thì C là gì?”, rõ ràng sẽ không còn
khách quan nữa, bởi trong trường hợp này việc xác định C đã bị đối tượng đặt
câu hỏi “ngầm ép buộc” phải sử dụng tiền đề “A là B”(!) Ví dụ trong chế
độ Phong kiến Trung hoa, quyền uy của nhà vua được coi là tuyệt đối, nên vua
bảo người nào chết thì người đó phải chết, hoặc nếu coi Kinh thánh là một kho
tàng chân lý vĩnh hằng, thì mọi khám phá mới trái với Kinh thánh đều không được
thừa nhận, thậm chí còn bị xử tội chết! Đó là trường hợp của Giordano
Bruno (1548-1600). người đã bị tòa án dị giáo Roma kết tội và
ông bị hỏa thiêu tại Roma vào năm 1600, do ông chối bỏ một số giáo lý Công giáo
nền tảng. Tuy nhiên việc phát minh, hay sử dụng những tiền đề mới, đôi khi đã
trở thành những khám phá vĩ đại, chẳng hạn như, Albert
Einstein (1879-1955) với tiên đề của ông “Tốc độ ánh sáng trong chân không, trong mọi hệ
quy chiếu quán tính, không phụ thuộc vào phương truyền và tốc độ của nguồn sáng”, đã đưa ông đến phát minh ra Thuyết tương đối hẹp,
hay từ quan niệm mới về cấu trúc nhân cách-bản năng, bản ngã, siêu ngã, đã dẫn
Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) đến với Lý thuyết “Nhân
cách con người” rất cách mạng của ông.
Như vậy mệnh đề “A là B” hay đặt câu hỏi “nếu A là B thì C là gì?”, đã mang
đậm những dấu ấn chủ quan trong định tính hay định dạng cho B. Rồi sự tự giác
hay bị “ép buộc” phải sử dụng mệnh đề “A là B” làm tiền đề trong câu hỏi “nếu A
là B thì C là gì?”, đã đưa người ta đến những cách tiếp cận chân lý
rất khác nhau, mà việc thay đổi nó đôi khi phải cần tới những bộ óc thiên
tài, lòng dũng cảm, hay thậm chí phải trả bằng máu của nhiều thế hệ. Nhưng cũng
chính vì thế mà nhân loại dã chứng kiến những phát kiến to lớn, những cuộc cách
mạng vĩ đại bởi những thiên tài chân chính, hay những tư tưởng trì trệ hủy
diệt, những học thuyết lỗi thời, làm đảo lộn giá trị, văn hóa của những thế lực
tôn giáo, hay phản động… Những điều có thể sẽ quyết định đến tính chất của
những công cuộc kiến tạo, đổi thay, hay những giá trị xã hội, mà hệ quả thực
tiễn của nó đã dẫn đến sự thay đổi tích cực, hay cũng có thể gieo rắc thương
đau xuống đầu nhân loại, như lịch sử đã từng chứng kiến! Chỉ có điều việc định
dạng cho B, hay dùng mệnh đề “A là B” làm tiền đề trong câu hỏi “nếu A là B thì
C là gì?”, đã và sẽ mãi mãi diễn ra trong mọi hoạt động của con người. Điều đó
có mang lại sự tiến bộ hay không, có đúng đắn hay không, đôi khi cũng không dễ
chứng minh, hay bác bỏ, mà cần phải chờ được kiểm chứng qua thực tiễn!
Mời thư giãn với nhạc phẩm VÌ ĐÓ LÀ EM
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 23.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét