(Nguồn ảnh: internet) |
TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN
CỦA MỘT CÂY BÚT
Từ 1975 đến 1985, Nguyễn Mạnh Tuấn nổi lên như một hiện tượng văn chương
đáng lưu ý. Tác phẩm của anh bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 1970, nhưng
ngòi bút của anh chỉ thật sự được khẳng định với những truyện ngắn và truyện
dài viết về hiện thực miền Nam, trung tâm là hiện thực Thành phố Hồ Chí Minh
sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Với những tác phẩm này, dư luận dường
như coi anh là một trong những hiện tượng văn chương đang được chờ đợi...
(Tác giả Phạm Quang Trung) |
Trong bước chuyển mình của cách mạng và của văn chương không ít cây bút bối
rối do dự, thậm chí dừng lại trên con đường sáng tạo của mình. Giữa lúc ấy,
Nguyễn Mạnh Tuấn càng viết càng tỏ ra sung sức. Anh viết khỏe. Đáng nói hơn là
anh đã nhanh chóng bôc lộ bản lãnh nghề nghiệp của mình. Có thể ở điểm này điểm
kia, ở phương diện này phương diện khác vẫn còn phải bàn thêm với anh, đòi hỏi
thêm ở anh, nhưng trên đại thể dư luận thừa nhận anh, người đọc yêu mến anh.
Vậy điều gì trong các tác phẩm của anh đã cuốn hút đông đảo bạn đọc ? Có thể
tìm thấy nguyên do trước tiên, nguyên do chủ yếu từ những vấn đề xã hội được
anh nhậy bén phát hiện, mạnh dạn đặt ra và góp phần giải quyết đúng đắn trong
nhiều tác phẩm của mình. Đó thường là những vấn đề nóng hổi, trọng yếu và bức
thiết. Đó cũng thường là những vấn đề có ý nghĩa xã hội mà khá phức tạp, gai
góc. Để khám phá chúng nhà văn cố nhiên phải nhanh nhậy, phải tỉnh táo. Song
hơn hết, nhà văn cần phải giàu nhiệt huyết, giàu dũng khí. Đó là biểu hiện tập
trung trách nhiệm công dân của người cầm bút. Bởi lẽ, nếu không mạnh dạn nêu ra
và trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời thì người nghệ sĩ trong chế độ chúng
ta có thể làm điều gì khác hơn để tích cực cải tạo cuộc sống, thúc đẩy cuộc
sống đi về phía trước.
Cuộc sống luôn nảy sinh những câu hỏi lớn nhỏ đòi hỏi phải được giải đáp.
Bởi nhận thức cần đi trước hành động. Và hành động muốn mạnh mẽ, triệt để cần
phải giàu đức tin. Sự thật có những câu hỏi ít ý nghĩa xã hội, lại có những câu
hỏi từng day dứt hàng triệu con người. Khi đi vào hiện thực, nhà văn không chỉ
tiếp xúc với độc một loại câu hỏi này hoặc câu hỏi kia. Cũng không phải bất cứ
câu hỏi có ý nghĩa xã hội rộng rãi nào cũng được nhà văn ưa thích. Có điều, khi
đã là một nhà văn ý thức được sức mạnh xã hội của ngòi bút mình thì bao giờ anh
ta cũng đặt cái người đọc cần lên trên cái cá nhân mình thích. Nguyễn Mạnh Tuấn
là một nhà văn như thế. Dễ hiểu tại sao trong hàng loạt tác phẩm của mình, anh
coi trọng những vấn đề then chốt như “tầm nhìn” cách nhìn của con người trước
thực tế không phải lúc nào cũng xuôi chiều. Trong xã hội ngày nay, vấn đề cái
nhìn vẫn tồn tại những “khoảng cách”. Có sự khác nhau và còn có cả sự đối lập
nhau nữa. Xung đột tất yếu sẽ nảy sinh; đúng sai cũng từ đó mà trở
nên sáng rõ. Người mẹ trong truyện Tầm nhìn từ sự thôi thúc của tình
mẫu tử đã nằng nặc yêu cầu người đại diện chính quyền cách mạng chứng thực đứa
“cướp giựt honda giữa ban ngày bị bắt quả
tang là tốt”. Tại sao bà ta có thể cho phép mình làm một việc phi lý một
cách hồn nhiên như vậy? Theo tác giả chính từ tầm nhìn mà ra. Ở đây cái nhìn
xưa cũ không cho phép người mẹ gắn tình mẹ con với trách nhiệm xã hội mà luôn
coi “đứa con của mình bao giờ cũng lớn
hơn tội lỗi mà nó gây ra cho xã hội, kể cả tội cướp của giết người”. Ở một
truyện ngắn khác - Những chiếc cầu, anh lại nhẹ nhàng phê phán tầm
nhìn hạn hẹp của những trí thức cũ khi được chứng kiến quy mô rộng lớn của
những công trình mọc lên trên phạm vi cả nước: “Ông Đạm hơi ngớ người... Ngày xưa, công việc phải xoay quanh nhà trí
thức, còn bây giờ hình như là nhà trí thức phải xoay quanh những công việc”.
Nhấn mạnh cái nhìn lạc hậu, lỗi thời Nguyễn Mạnh Tuấn đồng thời lưu ý cách nhìn
máy móc, khuôn sáo của một số người đứng trong hàng ngũ cách mạng. Điều đó cũng
thật dễ hiểu. Sự vật luôn biến đổi, một phút lơ là có thể dẫn đến sai lầm đáng
tiếc trong nhìn nhận đánh giá: Lấy con mắt cũ xem xét sự vật mới, lấy cái chủ
quan lấn át cái khách quan. Thật chí lý trước quan điểm của Ba Đức khi xem xét
tuổi trẻ: “Mình phải cố đứng vào hoàn
cảnh của chúng mà xét chứ không nên lấy tuổi trẻ của mình ra mà xét chúng”
(Đứng
trước biển). Ý nghĩ tương tự được nhắc lại trong một trường hợp khác.
Hà nói với ông Sỹ về thói quen đánh giá con người theo “cái thói quen sử dụng nhãn quan bảo thủ của mình làm định chuẩn đạo đức
để đánh giá khe khắt người khác”. Những khoảng cách còn lại nhắn
nhủ nhiều lần cùng một vấn đề, có thể thấy nhà văn xác định tầm quan trọng của
nó đối với tư tưởng của con người đến mức nào.
Có thể dễ nhận thấy Nguyễn Mạnh Tuấn quan tâm nhiều tới những vấn đề nóng
hổi bức xúc của cuộc sống ngày hôm nay. Tính tích cực của người cầm bút có
trách nhiệm đã khiến anh cảm nhận nhanh nhây hơn cả đối với những vấn đề này.
Bởi lẽ, nhà văn tiên tiến ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời nào bao giờ cũng
hướng thẳng tới những vấn đề của cuộc sống đang diễn ra. Đây là đòi hỏi da diết
của chính bạn đọc khi tiếp nhận nền văn chương của dân tộc mình, thời đại mình.
Nhưng đây lại là thử thách lớn đối với bản lĩnh, tài năng của người cầm bút.
Vấn đề của cuộc sống hiện tại cố nhiên chưa thể định hình mà luôn biến đổi.
Chiều hướng diễn biến của nó ra sao? Thái độ của mọi người trước sự biến đổi đó
như thế nào? Những câu hỏi này tất yếu sẽ nảy sinh trong dự đồ sáng tạo của nhà
văn. Việc xác định chúng không chút dễ dàng. Trong một vài tác phẩm, anh có trở
về với cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt vừa chấm dứt. Thực ra, nhìn về quá
khứ chỉ là để sống một cách có ý thức hơn đối với từng giây phút của hiện tại.
Việc nhận chân thêm hậu quả của chiến tranh tàn bạo từ phía kẻ thù
là một minh chứng. Qủa thật chiến tranh đã gieo rắc những hiểm họa không dễ một
lúc một lần mà thấy ngay thấy hết. Hãy nghe lời thú nhận thấm thía của một
người cha trước những hành động phá phách ngang tàng của đứa con : “Đó là một trong những vết thương đau đớn
nhất trong đời tôi, do quân thù để lại. Có những lúc tôi tưởng như mình hoàn
toàn kiệt sức” (Những khoảng cách còn lại). Và hãy cùng chia sẻ với những tâm
sự của một sinh viên khi đụng phải thực tế cay nghiệt đến lạnh người. Trong
chuyến đi thực tế, một thanh niên tên là Sơn đón họ. Anh theo cách mạng từ năm
12 tuổi. Anh từng thuộc lòng nhiều bài thơ của Tố Hữu nhưng chỉ bằng... truyền
khẩu vì cho đến giờ anh vẫn chưa biết chữ. Tất cả thời gian, sức lực của anh đều
dồn cả cho cuộc chiến đấu sống còn với quân thù. Điều này quá lạ lùng, đường
đột đối với những sinh viên quen sống và học tập trong những điều kiện thuận
lợi hơn nhiều. Lòng họ quặn lên những cảm nghĩ xót xa: “Đây mới chính là vết thương chiến tranh khiến chúng tôi nhận cảm bằng
nỗi đau xót nhất. Những mảnh bom và mảnh đạn đại bác Mỹ hồi đó bắn tại vùng đất
này bây giờ mới văng đúng vào tim chúng tôi, máu ứa trào tê lịm” (Xa
thành phố). Viết về những vết thương dai dẳng và ác liệt của cuộc chiến
tranh ngày hôm qua, nhà văn như tiếp thêm cho người đọc niềm khát vọng và nguồn
sinh lực mới khi bước vào công cuộc hồi sinh đất nước sau hòa bình. Quả là
Nguyễn Mạnh Tuấn đã nhìn quá khứ từ chính yêu cầu của cuộc sống hiện tại.
Những ngày sau giải phóng, Nguyễn Mạnh Tuấn chú tâm nhiều tới những câu hỏi
nảy sinh trong sự trăn trở tìm tòi của những người vốn chưa quen với nếp sống
cách mạng. Từ bóng tối bước ra ánh sáng, họ chưa hết ngỡ ngàng. Những mặc cảm,
thành kiến day dứt họ. Nhiều bóng ma luôn theo đuổi ám ảnh họ đến tội nghiệp.
Nguyễn Mạnh Tuấn như đặt cho ngòi bút của mình một sứ mệnh: Phải góp phần đánh
tan những bóng ma ảm đạm ấy đi, giải phóng họ khỏi mọi sự cầm tù vô lý. Đó cũng
là cách để san bằng những trở ngại không đáng có trên con đường hòa hợp dân tộc
- ước mong da diết của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Trong Người
đứng gác ngã tư đường phố, nhà văn để cho một đứa trẻ hỏi người chiến
sĩ, một câu hỏi nhức nhối: Thằng đó là Mỹ lai. Chú có thù nó không? Còn
trong Ý nghĩa hiện tại lại là một câu hỏi khác của một người lớn, ý
thức hơn và do vậy nặng nề hơn: Tôi nghe nói mấy ông cách mạng chọn người vô
đại học chỉ kén toàn thành phần công nông, đúng thế phải không, ông? Chỉ cần
chút hiểu biết về người cộng sản là những vấn đề trên có điều kiện trở nên minh
bạch. Thế mà họ vẫn hỏi, và không ít người hỏi một cách thẳng thắn, một cách
trung thực. Cái khó là cách mạng mới quá, chưa đủ thời gian chinh phục họ. Cái
khó nhiều khi còn ở phía họ. Hãy loại ra những người cố tình làm ngơ trước sự
thật, nhà văn còn phát hiện ra nhiều người trong số họ mặc cảm một cách có “lý
lẽ”. Thêm một ngáng trở trên con đường đi tới chân lý. Một viên chức của chính
quyền cũ biện hộ cho cái mà ông gọi là lẽ “công bằng” như thế này: “Đừng hy vọng gì nữa con ạ. Chúng ta sẽ phải
sống trở lại từ đầu cái 20 năm mà họ đã trải qua. Đó cũng là sự công bằng của
số phận. Ta nên bằng lòng chấp nhận đừng có phàn nàn gì hết” (Xa
thành phố). Nhà văn rất có ý thức khi đặt câu nói trên vào cửa miệng
của một người cha khuyên con. Đối với hiện tại, tác giả viết, cách mạng như một
cái cửa “đang đóng lại” ở người cha nhưng dù sao ở người con cách mạng lại
“đang mở cửa”. Có bậc cha mẹ nào trên đời không mong ước con cái mình sẽ lớn
lên như cây cối gặp mùa xuân. Gây thêm những ấn tượng nặng nề mà phi lý với con
cái, người cha kia không hay rằng ông ta đã vô tình kéo lùi mùa xuân trở lại,
ít nhất là trong lòng đứa con thân yêu của mình. Hỏi có ích gì?
Thời gian trôi đi theo những quy luật bình thường mà khe khắt của nó. Dễ
hiểu tại sao càng về sau, khi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mới mẻ được triển
khai sâu rộng trong phạm vi cả nước, Nguyễn Mạnh Tuấn càng bị lôi cuốn nhiều
hơn bởi những vấn đề nảy sinh ngay trong hàng ngũ những người cách mạng. Có thể
thấy rõ điều đó qua sự xuất hiện của tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại (1980)
và nhất là tiểu thuyết Đứng trước biển (1982). Đứng trước biển đi thẳng vào nhiều
vấn đề mới mẻ từ chính cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái
cũ nhằm khẳng định cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động của người
cách mạng chân chính khi đứng trước cuộc đời không ít phong ba dữ dội. Hàng
loạt vấn đề lớn nhỏ xâu chuỗi, thâm nhập vào một cuốn sách: Thái độ của người
cách mạng trước cái cũ trì trệ? Chức năng của công tác tổ chức trong cơ quan kinh
tế? Làm thế nào để giữ vững niềm tin của quần chúng đối với cách mạng? Việc “trẻ
hóa” cán bộ nên như thế nào?... Hình như không một chương nào của cuốn
truyện không đụng phải những câu hỏi mà người đọc đang quan tâm. Vấn
đề ngồn ngộn đến chật chội. Có phải vì thế mà tác giả không có điều kiện triển
khai mọi cái đến ngọn nguồn. Sức thuyết phục vì thế có giảm đi phần nào. Dù sao
cái qúy nhất là anh đã dám nói và trong hầu hết trường hợp anh đã nói đúng, nói
với tất cả nhiệt huyết của mình.
Một điểm khác cần được nhấn mạnh ở Nguyễn Mạnh Tuấn là anh dám đi thẳng vào
nhiều vấn đề phức tạp, dám có tiếng nói riêng của mình làm sáng tỏ những vấn đề
này, mong mỏi soi sáng ít nhiều cho nhận thức của người đọc, góp phần làm cho
hành động của họ quả quyết và mạnh mẽ hơn. Ai cũng rõ những vấn đề gai góc
trong tư tưởng con người luôn thách thức người cầm bút như thế nào. Nhiều nhà
văn e ngại và né tránh. Không phải họ không thấy được ý nghĩa xã hội rộng lớn
và lâu dài của chúng. Chủ yếu họ sợ không đủ sức lý giải, sợ không đủ can đảm
để hứng chịu búa rìu của dư luận. Có lẽ ở đây câu nói của Ba Đức với Năm Miên
trong Đứng trước biển đặc biệt phù hợp: “Sợ mất cắp, không dám làm sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì cả. Mà như
vậy sẽ là vụ đánh cắp lớn nhất. Đánh cắp trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao cho
mình”. Nguyễn Mạnh Tuấn rất gần gũi với cách nhìn của nhân vật mang lý
tưởng thẩm mỹ đó của mình. Anh ít chịu dừng lại trước những thử
thách đôi khi gay gắt, quyết liệt của cuộc đời. Xin đưa ra vài hiện tượng trong
tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại. Sau ngày toàn thắng 30-4, hàng vạn
người trên đường trở vào Sài Gòn hoa lệ “Hòn
ngọc viễn đông”. Đến một nơi như thế có phải là sự khởi đầu của cuộc sống
hưởng thụ không? Một câu hỏi mới nghe tưởng rất giản đơn. Ngẫm nghĩ kỹ, lại
không hề giản đơn chút nào. Đâu phải ai cũng tiếp cận được chân lý như Hà: “Như thế đó, tóm lại, Sài Gòn không phải là
nơi bắt đầu cuộc hưởng thụ mà nó còn bắt con người phải tiếp tục chịu đựng
những đau khổ của thử thách mới”. Và đây là câu hỏi của Hằng,
một trí thức cũ, trước Hà, một trí thức hiện thân đầy đủ cho vẻ đẹp của miền
Bắc xã hội chủ nghĩa: Theo chị, Sài Gòn so với Hà Nội thế nào? Có thể thấy ngay
tính phổ biến của câu hỏi và tính nan giải của câu trả lời. Biết giãi bày sao
đây? Chẳng lẽ chỉ nhận ra một điều suôn sẻ? Hay lại ngoảnh mặt làm ngơ trước
thực tế tai nghe mắt thấy? Người đọc nín lặng chờ đợi câu trả lời của Hà, nghĩa
là của tác giả. Lời giải đáp sau đó thật thấu lý đạt tình: “Nếu nói thích, mình thích Hà Nội hơn. Riêng
cây xanh và yên tĩnh đã thích lắm rồi. Nhưng đẹp thì Sài Gòn đẹp hơn. Nó đẹp vì
sự đa đạng của một thành phố trẻ trung”. Và đây nữa, câu hỏi trung thực của
Thuận Anh cũng đối với Hà: Nghe nói những người cách mạng không được thương
những người ở giai cấp tư sản phải không chị? Phải an ủi một trái tim đang phấp
phỏng thương yêu của đứa em. Nhưng trên hết phải rành rọt trong sự nhìn nhận
của một chỗ đứng. Hà đã vượt qua cái nhìn một chiều máy móc và lại đem tới cho
người đọc những giải đáp xác đáng, lý thú và bổ ích.
Vậy đó, ngòi bút của Nguyễn Mạnh Tuấn mạnh dạn chấp nhận nhiều thử thách.
Và chính ở đây, nhà văn đã dành được những vinh quang chân chính cho ngòi bút
công dân của mình.
Đọc Nguyễn Mạnh Tuấn tôi cứ hay nghĩ đến một nhận xét sau của nhà thơ Tố
Hữu: “Trong cuộc sống cũng như trong tác
phẩm thường có câu hỏi và sẽ có câu trả lời”.
Nhà thơ còn nói thêm: “Câu hỏi của cuộc
đời, nó hỏi anh, hỏi từ trong nhà hỏi ra. Khi anh trả lời được, đó là hạnh phúc”.
Để phát hiện và góp phần trả lời câu hỏi của cuộc đời, cần đòi hỏi một năng lực
nghệ sĩ đặc biệt. Đã đành đó là vấn đề hiểu biết. Cần nói thêm đó còn là vấn đề
dũng khí. Ở một mức độ nào đó, phải chăng Nguyễn Mạnh Tuấn đã thật
sự vươn tới yêu cầu này?
*
PHẠM QUANG TRUNG
Địa chỉ: 8/40 Võ Trường Toản, phường 8,
thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 091.843.82.00 - 063.382.30.16
Email: pqtrungvn@gmail.com
.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email
quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 12.03.2017
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét