(Nguồn ảnh: internet) |
NẠN “BÁN
ĐỘ” TRONG THƠ
Từ Bản
Nhạc Lệ Đá
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Đến thăm thằng bạn
ở Houston . Đem
lên cho nó mớ cua biển con nhặt ra trong lúc lựa tôm. Với dân thành phố thì đây
là món ngon “quý hiếm”. Xay nhuyễn ra, lọc kỹ lại là có vật liệu chính để nấu
món bún riêu cua quê hương mà các bà rất thích. Trong khi hai bà đưa nhau đi
chợ để mua “đồ phụ tùng” cho món ăn đặc biệt, hai thằng chồng vào phòng Study
(1) uống cà phê, nghe nhạc, tán chuyện văn chương. Thằng bạn vào đề ngay:
- Hôm qua nghe
Lệ Đá (nhạc Trần Trịnh, thơ Hà Huyền Chi) tao thấy có đoạn hơi kỳ - nói đúng ra
là ‘trớt quớt’ (phát âm kiểu miền nam), định chờ hỏi xem mày có thấy thế không?
- Đâu, đoạn
nào đâu?
- Phiên khúc
thứ 2
Hắn bấm khởi động
dàn máy đã chuẩn bị sẵn. Tiếng hát Ngọc Lan nhẹ nhàng thánh thót vang lên:
Thuở ấy tôi như con
chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn
bay trong chiều vàng
Và ước mong sao
trời đừng bão tố
Để yêu thương càng
nhiều gắn bó
Tháng ngày là men
say nguồn thơ
Hắn tắt máy đưa mắt
nhìn tôi.
Tôi hỏi lại:
- Trớt quớt
chỗ nào đâu?
- Thì đó. “Chim lạc đàn, xoải cánh cô đơn” thì có
đếch ai đâu mà “để yêu thương càng nhiều
gắn bó”.
- Mày coi
chừng 2 chữ “thuở ấy” nha. Có nó vô ý
nghĩa có thể khác biệt nhiều lắm đó, bởi nó sẽ dẫn đến khung thời gian khác.
- Nhưng ngay
cả trong khung cảnh và khung thời gian của “thuở
ấy” chăng nữa tao thấy cụm từ “để yêu
thương càng nhiều gắn bó” vẫn như bị lạc đường, trớt quớt.
Tôi bảo hắn cho
nghe lại lần nữa rồi gật gù đồng tình:
- Mày nói có
lý. Mong “trời đừng bão tố” để đừng
gẫy cánh chết dấp giữa đường chứ khung cảnh đó, tâm trạng đó thì có mà yêu
thương gắn bó với ma. Đoạn thơ lập luận theo luật nhân quả; nhân thì lạc lõng,
cô đơn đến độ thảm não mà đòi sinh ra quả “yêu
thương càng nhiều gắn bó” thì đúng là lạc quẻ, trớt quớt. Ông Hà Huyền Chi
đột nhiên cho cầu thủ của mình tung cú sút, không vào cầu môn đối phương mà bay
thẳng ra khu vực khán đài.
Sau khi nghe hết
bản nhạc tôi nói tiếp:
- Hơn nữa, đây
phải là đoạn “yêu đương nồng thắm, hạnh
phúc tràn đầy” để làm nền, giải thích và làm nổi bật nỗi buồn đau, nuối
tiếc ở mấy đoạn sau. Đoạn này hỏng thành ra cả bài thơ (lời 1) không có chỗ
dựa, như ngôi nhà ngả nghiêng, chao đảo khiến người nghe, người đọc hụt hẫng,
chới với.
Khi tra cứu thêm để
viết bài này tôi may mắn đọc được Vài Dòng Về Bài Hát “Lệ Đá” của nhà thơ Hà
Huyền Chi thì biết đây không phải là thơ phổ nhạc mà thi sĩ đã viết lời cho bản
nhạc có sẵn của Trần Trịnh. Trong bài viết có đoạn:
“Hôm sau tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ
nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng là không biết bằng cảm hứng nào
đó tôi đã hoà được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trần Trịnh. Trần
Trịnh mừng rỡ tới sững hồn.” (2)
Với tôi, lời 1 của
bản Lệ Đá là một bài thơ của một thi sĩ lão luyện được tuồn vào cái khuôn nhạc
có sẵn của Trần Trịnh trong thời gian kỷ lục (1ngày). Có lẽ vì “thiếu thời gian
thai nghén” nên mặc dù ngôn ngữ thơ đẹp một cách sang trọng, hát lên nghe rất
“kêu” nhưng thiếu vắng cảm xúc.
Đến Nạn
“Bán Độ” Trong Bóng Đá
Có một thời, do cơ
cấu tổ chức, bóng đá Việt Nam
rộ lên nạn “bán độ”. Cầu thủ thường là công nhân biên chế và thuộc bộ phận Văn
Thể (Văn Hóa Thể Thao) của một đơn vị sản xuất, ban ngành chính quyền hay một
đơn vị hành chánh địa phương nào đó. Họ lãnh lương của cơ quan, làm phần việc
trách nhiệm của mình (thường là nhẹ nhàng) và đá bóng. Mỗi khi tập trung để tập
luyện hoặc thi đấu cầu thủ được lãnh tiền “bồi dưỡng”, nhưng so với vật giá lúc
ấy chẳng thấm thía vào đâu. Bởi vậy, khi có trận thi đấu quan trọng, những cầu
thủ ở vị trí chính trong đội hình thường được móc nối để “bán độ”. Mỗi lần “bán
độ” có thể được trả số tiền tương đương 6 tháng, có khi cả năm tiền lương nên
trong hoàn cảnh nghèo đói vào thời điểm ấy cầu thủ rất thường bị “dính mồi”.
“Bán độ” là dùng vị
trí, vai trò của mình trên sân để “giúp” đội đối phương thắng đội nhà. Đầu mối
của nạn “bán độ” là bệnh thành tích và hám danh của các đơn vị - dùng tiền mua
trận thắng cho đội mình để giữ hạng, lên hạng hoặc để lấy tiếng. Ngoài ra còn
có hiện tượng cá độ trong bóng đá. Những tay “đánh cá” bỏ tiền ra “mua” cầu thủ
đội đối phương để đội mình đặt tiền đánh cá giành phần thắng. Dĩ nhiên tiền
đánh cá phải lớn hơn nhiều so với tiền bỏ ra để “mua” cầu thủ.
Với cách nhìn khôi
hài của mình tôi cho rằng trong thơ cũng có “bán độ” như bóng đá nhưng có khác
biệt. Trong bóng đá, cầu thủ cố ý “bán độ” để trục lợi, kiếm tiền, còn “bán độ”
trong thơ là do thi sĩ vô tình, thiếu cái nhìn bao quát và, dĩ nhiên, bất vụ
lợi.
Sau đây là vài kiểu
“bán độ” trong bóng đá và thơ:
1/
Bóng đá: Vô hiệu
hóa chính mình, trở thành kẻ “dư thừa” trên sân.
Thơ: Chữ hoặc câu
(về mặt ý nghĩa) thừa, không cần thiết – có khi vướng víu dòng chảy của tứ thơ.
Thí dụ:
Em sẽ đến với tình
yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ
đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên
cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê
hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi
định nghĩa chữ "dòng kênh"
(Nếu Không Có Ngày
30 Tháng Tư, Đinh Thị Thu Vân)(3)
Chữ “đành” không cần
thiết. Không những thế, lại không hợp với câu thơ.
Chữ “chữ” không chính
xác; phải nói “hai chữ” (hoặc “từ”) “dòng kênh” mới đúng. Nhưng tốt nhất là bỏ
đi, để “dòng kênh” đứng một mình - vừa gọn, vừa hay.
2/
Bóng đá: Gởi thơ
nhầm địa chỉ; lúc đồng đội trống trải, nhận bóng là có thể ghi bàn thì lại
chuyền bóng nhầm cho cầu thủ đối phương hoặc đá ra ngoài.
Thơ: Câu thơ, đoạn
thơ lẽ ra có quan hệ nhân quả thì lại … “trớt quớt”, trật bàn đạp.
Thí dụ:
Phiên khúc 2 của Lệ Đá ở trên.
3/
Bóng đá: Lối đá của
cầu thủ không “hợp lý”, không “ăn rơ” với đấu pháp toàn đội.
Thơ: Thơ không phản
ảnh đúng thực tế, làm nhẹ cảm xúc, giảm sức thuyết phục.
Thí dụ:
Tôi đứng bên này
sông
Bên kia vùng giặc
đóng
là 2 câu mở đầu
trong bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.
Khi phổ nhạc bài
thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:
Tôi đứng bên này
sông
Bên kia vùng lửa
khói
Nhà Tôi là tâm
trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận
đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu
nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với
thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục
tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những
người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi
người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm
từ trên.
(Anh Bằng Sửa Thơ
Yên Thao, Phạm Đức Nhì, Lời Bình Ngắn Tập 1) (4)
4/
Bóng đá: Cầu thủ đá
tung lưới đội nhà
Thơ: Chữ, nhóm chữ
hoặc câu thơ cản dòng chảy của tứ thơ.
Thí dụ:
Chăn trâu đốt lửa
trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió
đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con
diều
Củ khoai nướng để
cả chiều thành tro.
(Chăn Trâu Đốt Lửa,
Đồng Đức Bốn)
Rạ rơm ít, gió lại
nhiều, đốt lửa lên mà không luôn tay chăm sóc thì chỉ một loáng là lửa tắt;
đàng này lại còn lo thả diều thì củ khoai chưa chắc đã chín chứ nói gì đến cháy
thành tro. Câu “Rạ rơm thì ít, gió đông
thì nhiều” gây khó khăn, cản trở cho việc cảm nhận ý của câu kết “Củ
khoai nướng để cả chiều thành tro”.
Học Ở
Trường Đời
Tôi có may mắn được
tiếp xúc với văn chương Anh Mỹ vừa ở trường lớp và vừa từ giao tiếp, trao đổi
riêng với các bạn thơ người Mỹ ở ngoài đời. Có lần tôi (cùng với vài người
khác) đến nhà một vị giáo sư đại học Mỹ, đã về hưu, dạy Literary Criticism (Phê
Bình Văn Học). Tôi bám sát ông ta trò chuyện và, không bỏ lỡ cơ hội, đưa ra 2
câu hỏi (đã chuẩn bị sẵn):
1/ “What do you
expect from a poetry review?” (Ông chờ đợi những gì ở một bài bình thơ?) Ông ta
mở máy tính và in cho tôi một list gồm hơn 20 đề mục. Về nhà tôi vào Google gõ
“How to write a poetry review?” hoặc “How to analyze a poem?” (Làm sao để phân
tích một bài thơ?) thì cũng có một list tương tự. Thành ra câu hỏi của tôi
chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu. (5)
Rất may, đã có câu
hỏi thứ 2 gỡ lại.
2/ “What makes or
breaks a poetry review?” (Cái gì quyết định thành bại của một bài bình thơ?)
Câu trả lời của ông ta là “How he or she looks at the coherence of the
poem.”(Cách người viết đánh giá sự kết nối logic tổng thể, tính nhất quán của
bài thơ.) Nhờ thế tôi biết người Mỹ (văn chương Anh Mỹ) rất coi trọng thế trận
chữ nghĩa của bài thơ và việc vạch mặt để loại trừ bọn “bán độ” trong thơ, với
họ, là rất cần thiết.
Một Chút
Khác Biệt
Một bài thơ có tứ
thơ mạch lạc, “dễ bắt”, thế trận hợp lý, gọn gàng – theo những người thích thơ
ở Mỹ - có thể được coi là thành công. Thi sĩ đạt đến trình độ này, dĩ nhiên,
khả năng sử dụng ngôn ngữ, hình tượng, câu cú để diễn đạt tâm trạng của mình
cũng không đến nỗi tệ. Tuy nhiên đó chỉ như sự thành công của đội bóng đã vượt
qua vòng loại để bước vào vòng chung kết. Càng tiến xa bài thơ càng “được” xét
nét tỉ mỉ hơn. Và một tiêu chí khác để phân định hay dở, cao thấp trong thơ,
theo tôi, sẽ thu hút sự chú ý của những người bình thơ. Đó là vần và khả năng
sử dụng vần để khơi dòng cảm xúc. Ở điểm này, với ngôn ngữ đơn âm như tiếng
Việt, việc gieo vần dễ dàng hơn nhiều. Nếu thi sĩ cao hứng, lại có tứ thơ hay,
cảm xúc được vần nâng dắt sẽ dâng trào, đẩy cơn cao hứng của thi sĩ đến đỉnh
điểm. Lúc ấy lý trí sẽ biến mất, lời thơ tuôn ra từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm
hồn, sẽ là những lời chân thật của “cái tôi đích thực”.
Lợi Ích
Với thơ Việt Nam , theo tôi,
vạch mặt và loại trừ bọn “bán độ” trong thơ có những lợi ích sau đây:
1/ Bài thơ sẽ có
thế trận hợp lý, tứ thơ nhất quán.
2/ thông dòng suy
tưởng, dòng chảy của tứ thơ, dòng cảm xúc (nếu có).
3/ Tiến gần đến mục
tiêu mà một định nghĩa thơ đã đề ra: Best words, best order (từ hay, đúng chỗ -
theo trình tự hợp lý nhất), tiếng Việt có từ rất tuyệt là “đắt”, “đắc địa”.
4/ Bài thơ có tính
thuyết phục, dễ tạo được sự đồng cảm, đồng tình.
Kết Luận
Vạch mặt và loại
trừ bọn “bán độ” trong bóng đá để giữ sự công bằng trong thi đấu, giữ nét đẹp
trong sáng của môn thể thao vua trên thế giới. Nhà phê bình chỉ ra những chữ,
nhóm chữ, câu, đoạn “bán độ” của bài thơ để thi sĩ rút kinh nghiệm, để những
bài thơ sau tiến gần đến mục tiêu “best words, best order”, có tính nhất quán,
có nét đẹp tổng thể, đạt được điều kiện cần để thi sĩ cùng bài thơ bước qua
cánh cổng, ra con đường lớn đi về hướng “Bến Bờ Thì Ca”. Và nếu may mắn – đang
ở trong trạng thái cao hứng đến lạc thần trí – thi sĩ cùng bài thơ của mình sẽ
đi đến đích.
CHÚ THÍCH
1/ Phòng học của sinh viên, phòng để tra cứu và viết lách.
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 09.12.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét