Ngày xuân kể chuyện
danh nhân
GIAI
THOẠI ÔNG
MƯỜI TÝ bùa LỖ BAN
Đầu xuân Mậu Tuất, Đào Anh Dũng tôi xin gửi tới quý tác
giả, quý bạn đọc trang Đặng Xuân Xuyến lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh
vượng. Đặc biệt, xin kính chúc chủ bút trang Đặng Xuân Xuyến cùng gia quyến một
năm vạn sự như ý, phúc lộc dồi dào. Chúc trang Đặng Xuân Xuyến ngày càng khởi
sắc, ngày càng được bạn đọc tin tưởng, yêu quý.
Xin giới thiệu với quý vị giai thoại về ông Mười Tý,
người nổi tiếng sử dụng pháp thuật về bùa Lỗ Ban ở những năm giữa thế kỷ XX.
Giai thoại được lưu truyền như sau:
Tôi chưa bao giờ hân hạnh được hầu tiếp ông Mười Tý.
Nhưng đi tới đâu tôi cũng nghe người ta nói về ông Mười Tý, thuộc lính trung
đoàn ba, thời mà Bắc Việt Cộng Sản gọi là kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đủ thứ
chuyện. Hư thực thế nào không biết. Thôi, thì cứ cho là huyền thoại về Mười Tý
bùa Lỗ Ban đi vậy.
DÙNG BÙA LỖ BAN BẮT RẮN, TRỊ RẮN
Thời chiến tranh, do tính chất ác liệt của đạn bom, ruộng
vườn bị bỏ hoang nhiều, nên rắn mẹ, rắn con ê hề khắp xứ. Người giỏi bắt rắn, trị
rắn cắn, lúc bấy giờ rất được coi trọng. Để bắt rắn, người ta phải dùng chỉa,
dùng lưới. Riêng ông Mười Tý thì chỉ dùng tay mà bắt.
Tới đâu đóng quân, ông chỉ cần đi dạo một vòng các bờ
đất, bờ đìa, bờ ruộng… là thể nào cũng biết ở đâu có rắn, rắn gì, lớn hay nhỏ.
Khi muốn bắt, ông chỉ cần ngồi xuống kế miệng hang, búng búng ngón tay một hồi
là con rắn ở trỏng từ từ chun ra, chịu nằm yên cho ông thò tay chụp lấy từng
con mà đem về. Hỏi vì sao làm được như vậy, ông chỉ cười chớ không nói.
Khi có người chẳng may bị rắn độc cắn, người nhà đưa tới
nhờ ông làm thuốc, ông thường xem qua chỗ vết cắn một cái, rồi nói:
- Để đó đi, tui uống xong ly cà phê rồi tính.
Nói xong, dù người nhà cuống quýu lo lắng, bao giờ ông
cũng thủng thẳng ngồi khề khà uống nước, vấn thuốc hút; xong xuôi đâu vào đó
rồi mới trị thuốc. Ông trị bá phát. Chưa có trường hợp rắn độc nào cắn người mà
ông trị không được. Theo ông, phải tỉnh trí để định thần, coi xem vết cắn và
triệu chứng co giật của người trúng thương, thuộc loại rắn gì cắn, mới bốc đùng
thuốc mà trị.
Người ta nói, sở dĩ ông làm được tất cả các điều đó là
nhờ ông biết bùa Lỗ Ban.
DÙNG BÙA LỖ BAN DẠY CHO KẺ XẤU BÀI HỌC
Một dạo ở Càng long có hai tay lái heo chuyên cân non, ép
giá heo hơi của bà con. Heo bà con nặng cả tạ mà họ chỉ định giá chừng tám chục
ký. Do hoàn cảnh chiến tranh, không bán cho họ thì còn biết bán cho ai. Ông
Mười biết chuyện đó nên quyết ra tay dạy cho họ một bài học nhớ đời mà chừa đi
thói xấu.
Bữa đó, thấy hai tay lái heo đang ép giá hai con heo của
một gà góa, ông Mười mới vỗ vai họ mà nói:
- Bả không chịu giá thì thôi. Qua tui, tui bán cho sáu
con lận.
Hai gả lái heo được ông dẫn qua nhà một người hàng xóm.
Trong chuồng ụt ịt sáu con heo ú nu. Con nào con nấy nhìn bằng mắt cũng biết
ngay bóc là đều ngoài trăm ký. Vậy mà hai gả mánh mung ép giá mỗi con chỉ trên
dưới tám chục ký.
Cân kẹo xong xuôi, hai gả lái heo hồ hởi trói heo, khiêng
xuống ghe, giựt máy đuôi tôm chở đi. Họ đi rồi, ông Mười túc tắc qua quán cà
phê xéo xéo bên kia đường, ngồi nhâm nhi cà phê đen với thuốc lá Cotab, vui vẻ
chuyện trò với mọi người.
Được một lúc chừng ăn dập bả trầu thì thấy hai gả lái heo
chạy ghe đáo trở lại. Gả nào gả nấy mặt mày xanh lét. Té ra họ cân heo thịt,
trói heo thịt ràng ràng, vậy mà chở đi chưa tới cây số đã thấy cả sáu con heo
biến thành sáu khúc củi xoài, củi trâm bầu.
Cả hai đứng cúi mặt, chắp tay xá ông Mười:
- Bác làm ơn làm phước tha cho tụi con. Tụi con chỉ là
người đi mua heo cho chủ, tranh thủ ghé vô chút đỉnh kiếm miếng cháo.
Ông Mười nói thủng thẳng:
- Ép giá người ta mỗi con cả hai chục ký mà kiếm cháo cái
con mẹ họ gì. Thôi, biết điều thì qua xin lỗi người ta, trả đúng giá cho người
ta. Từ rày trở đi, nhớ đừng có mà manh tâm làm bậy. Tiền đây, đem qua bển mà
mua cho đàng hoàng.
Nghe nói, từ độ gặp ông Mười, hai gả lái heo không còn
thói mua gian bán lận nữa. Đó cũng là nhờ ông Mười dùng bùa Lỗ Ban trị bịnh cho
chúng.
ĐỪNG TRÊU MẸ MƯỚP MÀ XƠ CÓ NGÀY
Trên đường đi công tác, ông Mười và anh em bắt được một
con rắn ri voi nặng chừng gần hai ký. Đã gần trưa, trời lại mưa mù mịt tầm tả,
bởi vậy anh em quyết định ghé vô nhà dân nghỉ chân, nấu cơm ăn rồi mới đi tiếp.
Chủ nhà là một bà xồn xồn, tính tình rất khó chịu.
Nghe anh em xin nghỉ nhờ nấu cơm trưa, bà ta nói:
- Soong nồi thì có sẵn đó, còn củi nả thì mấy chú chia
nhau đi quơ về mà chụm. Nhà tui củi phải mua từng cây, mấy chú thông cảm.
Anh đội trưởng nghe vậy, mới lên tiếng:
- Mưa dầm dề mấy hổm rày, biết quơ đâu ra củi khô. Hay là
thím làm ơn chia cho tụi tui một mớ.
Bà chủ nhà nhún vai:
- Phải trời nắng thì nói làm chi. Mưa gió vầy đây, làm
sao tui dám chia cho mấy chú. Mấy chú nhắm không kiếm đâu ra củi thì chặt chưn
ra mà nấu.
Ông Mười nghe vậy, mượn ngay cái búa bửa củi, ngồi xuống
bực thềm trước cửa, vung tay đẻo ống chân nghe phực phực. Cứ mỗi nhát búa vung
lên, một lát thịt lại văng ra, máu phun vọt vọt. Bà chủ nhà sợ hết vía, nhưng
không thể nào cản được. Lạ một điều là những lát thịt ấy đem bỏ vô lò chụm, lửa
cháy phừng phừng thành ngọn.
Buổi chiều, khi anh em đã ra đi cả tiếng đồng hồ, người
đàn bà khó tính mới tá hoả nhận ra mấy cây cột nơi hàng ba, cây nào cũng bị
lưỡi búa vạt đi từng miếng. Tiếc của hùi hụi, nhưng lỡ ăn cơm với thịt rắn nấu
cà ri của người ta rồi, há miệng mắc quai, biết kêu ai bây giờ.
Thật là:
Biết tay ăn mặn thì
chừa
Đừng trêu mẹ mướp
mà xơ có ngày.
CHƠI ĐÙA GÁNH SƠN ĐÔNG CHO VUI
Một tay lực lưỡng đi bài xà quyền mềm như rắn; hai bàn
tay chụm lại, mổ mổ như thế rắn hổ vờn mồi, mổ con mồi. Dứt bài quyền, y tuyên
bố sẽ bắt từ trong ống tre ra một con hổ mang bành. Đây là bài tủ của gả, biểu
diễn đã rất nhiều lần, rất được bà con hồ hởi hưởng ứng.
Bài của gả là cầm cái ống tre đã thông bộng trống lổng,
đi vòng vòng cho bà con nhìn tận mắt bên trong không có bất cứ một thứ gì. Sau
đó y bay người, hét lên một tiếng, thò tay vô ống tre lôi ra ràng ràng một con
rắn hổ to cỡ cầm tay người lớn. Bá tánh phục tài, vừa vỗ tay rốp rốp tán
thưởng, vừa ới ới mua thuốc tể rần rần. Ấy vậy mà lần này đã ba lần bay lên, ba
lần cất tiếng hét rợn người, gả vẫn không tài nào lôi ra được con rắn. Không
chỉ mình ên gả, mà cả ông bầu cũng đổ mồ hôi hột giọt giọt.
Đang lúc túng cùng, gả mãi võ Sơn Đông nhác thấy ông Mười
đang đứng khoanh tay, nhịp nhịp bàn giò, cười tủm tỉm. Biết gặp phải sư tổ, gả
này qùy dưới chân ông bái lạy:
- Sư phụ buông tha cho đệ hành nghề. Đệ tử đội ơn sư phụ
muôn muôn!
Ông Mười khẻ gật đầu một cái. Gả nọ bay lên, lôi phắt
ngay từ trong ống tre ra con hổ mang bành.
Cả sới vỗ tay rân trời. Thuốc tể lại bán chạy rần rần.
Những huyền thoại đại loại như vậy về ông Mười Tý nhiều
vô kể. Mới đây, anh Giành, nguyên là vệ binh của tỉnh ủy trong chiến tranh, còn
chém tay vô không khí mà thề với tôi: “Chuyện Mười Tý là có thiệt chớ bộ! Chú
Mười Rạng còn sống làm chứng cho tui. Hồi đó, ông Mười Tý nhờ biết bùa Lỗ Ban,
vô ra đồn bốt điều nghiên giữa bàn ngày chớ hổng thèm lựa lúc tối trời, vậy mà
lính đồn hổng ai nhìn thấy. Nhờ ổng, đàng mình lấy biết bao đồn bốt của chúng
một cách dễ ợt!”.
Không gặp được ông Mười Tý, tôi đành phải gật đầu với anh
Giành chớ biết sao bây giờ.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm TẾT MIỀN TÂY
của Cao Minh Thu qua tiếng hát của Nhiều Ca Sỹ:
*
ĐÀO ANH DŨNG
Địa chỉ: Thị tứ Phùng Hưng, xã Phùng Hưng,
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Email: anhdungdao131@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.12.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét