ĐỌC “SÁNG TẠO LÀ CON ĐƯỜNG THI SỸ” CỦA TÂM NHIÊN - Tạp bút Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Thi sĩ Tâm Nhiên (bìa trái) và tác giả Châu Thạch)
ĐỌC SÁNG TẠO LÀ CON ĐƯỜNG THI SỸ
của TÂM NHIÊN 
*
 Tâm nhiên, sinh năn 1952 bên dòng sông Cẩm Lệ, quê nhà Đà Nẵng. Trước 1975, học Phật khoa, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Hồn thơ lãng đãng, phiêu diêu suốt muôn chìều vi vu vi vút… Sau 1975 cuộc lữ khởi sự băng qua những sa mạc đời hư vô khô khốc, những địa ngục sục sôi, cháy đầy lửa bỏng, những hố thẳm âm u, mịt mù tăm tối.
Rồi cuộc lữ mở ra một con đường phong quang sáng tạo, ngút ngàn mây trắng với những phương trời bát ngát, bao la… Để cho lang thang sỹ chợt thấy mình không là chi cả: Không tên tuổi, không gia đình, không sự nghiệp, không mục đích, không chổ trú cư trong thời gian và không gian…
Không chỗ trú vào bất cứ đâu nên thênh thang vô sự, theo cách điệu tiêu dao du ngay cái đang là, luôn luôn mới lạ và mới lạ giữa như thị, như nhiên, phiêu bồng, không chấp. Chẳng hữu tâm chẳng vô tâm. Nhập cùng tất cả bước trầm diệu qua…”
Cuộc đời tác giả vốn sống vô trú am nghĩa là nay đầu ghềnh mai cuối biển như cơn gió, như làn mây, cưỡi con ngựa sắt ngắm đời, để vần thơ bay cùng với trời mây non nước. Con đường của Vô Trú Am Tâm Nhiên là con đường thi sỹ cho nên tiểu luận “Sáng Tạo Con Đường Thi Sỹ” cũng là một bài thơ. Bài thơ dài trên 5000 từ có văn xuôi, có vần điệu đưa con người vào “nguồn trong trẻo vô biên với muôn dây quyến luyến, làm bằng thanh bai làm bằng êm diệu”.
Tâm Nhiên viết về người thơ: “Thiền sư, thi sĩ, họa sỹ, văn nghê sỹ, lang thang sỹ…” Tất cả họ đều là người thơ “tự thuở nào đi về thấp thoáng, nhấp nhô trong sương mờ vạn cổ. Từ buổi mới khai thiên lập địa lúc ban sơ, nguyên thủy đến bây giờ , họ đã đi và đi mãi trên con đường mây trắng, con đường thênh thang sáng tạo”, họ “vượt qua đôi bờ sinh tử, một cách tự do” “Hướng về uyên nguyên, khơi mở suối nguồn thơm lịnh diệu
Em với Vô Trú Am Tâm Nhiên không phải là người đẹp. “Em đây là nàng thơ, luôn luôn kề cận. thân thiết giữa cuộc viễn phương hành trên mặt đất, trần gian” “Nàng thơ dịu dàng, thùy mỵ, trì ngự, lung linh” “ảo dị, vô hình, vô tướng nhưng cũng thị hiện qua hồng nhan thục nữ đó đây”.
Thơ với Tâm Nhiên là gì? Thơ là:
“Thi tưởng xứ là thi ca tư tưởng
Chiếu rực ngời vô cùng tận xưa sau
Lửa sáng tạo cháy bừng từ thuở nọ
Xóa tan đi u ám thảm u sầu”
Với kẻ sáng tạo thì họ có khả năng làm sinh động lại những tiêu điều, hiu hắt, biến chuyển hóa nỗi đau buồn thành niềm hân hoan tối thượng”. Vậy cho nên “Thi ca và tư tưởng là đôi cánh chim trời, chở mang vận mệnh, tính mệnh của nhân loại, trên đôi vai của thiền sư, đạo sĩ, thi nhân”. Cho nên, đi vào cõi thơ là dấn thân vào mạch ngầm tâm thức, là nhảy xuống hố thẳm không đáy của tâm linh, là bay lên những khung trời siêu thực, rực ngàn thần cảm. “Bước nhảy trọng đại đó là bước nhảy chập chùng sinh tử, nhảy tung vào cảnh giới thi tưởng xứ, như vó ngựa dừng chân trên đỉnh núi reo vui”: “Ngựa hoang phi khắp vùng biển xứ/ Thả vó buông cương lướt dặm ngàn
Cõi thượng thừa của thi ca ở đâu?” “Phải chăng là công án mà mỗi thi nhân phải tự mình đốn ngộ” “Cứ nhập cuộc chịu chơi, ném mình vào những phương trời gió loạn, cúi sâu xuống tận đáy lòng hun hút cô liêu, diệu vợi của mình, may ra sẽ bùng vỡ mật nghĩa cái chân lý muôn đời”:
“Thi ca là sự tự do
Thung dung xuống biển lên bờ thảnh thơi
Đã đi cuối đất cùng trời
Mới hay rốt ráo cuộc chơi rong này”
Sống giữa thời hiện đại, một thời kỳ là sa mạc, hư vô đang lan dần trên xứ sở, trên khắp cả quả địa cầu khô khốc nầy rồi, bọn quỷ dữ, ác ma đã xuất hiện rầm rộ” người thi sĩ phải là gì?
Người thi sĩ phải “Thắp lên ngọn lửa, rót xuống một giọt nước từ lòng đại dương thương yêu cũng đủ ngân lên tha thiết tiếng thơ đồng vọng trong đêm dài sinh tử, chập chùng bóng tối vô minh những thanh âm, linh âm, diệu âm cùng hòa âm bất tuyệt huyền âm:
“Đưa tay bắt nắm để cầm
Trong tay chút khói sương trăm năm tàn
Hoát nhiên hiển lộ bình an
Giữa đêm mù tối huy hoàng sáng ra”
Thõng tay vào chợ với tiếng hát tiêu dao, vô ngại là một thái độ toàn triệt, viên dung mà kẻ sáng tạo phải cất lên trước tiên để hòa khúc, rung ngân cùng thực tại hiện tiền, ngay bây giờ và ở đây”:
“Đường của thơ đầm đìa bao cát bụi
Vùi nắng mưa sấm chớp bão bùng
Bừng khơi mở suối mạch đời vô thủy
Cho người về trong nguồn sống vô chung”
Sáng tạo là con đường thi sỹ đi giữa muôn trùng cuộc lữ thiên thu. Thiên thu chẳng phải thời gian dài đến tỷ triệu nghìn năm nữa mà đang hiện hữu trong từng sát na, luôn luôn mới lạ và mới lạ trong mỗi giây phút bây giờ. Phải vậy không, hỡi nàng thơ vĩnh viễn?”: “Còn hơi thở là biết còn rung cảm/ Phải không em tiếp tục cứ rong chơi”. “Mộng huyễn đó có gì đâu mà chấp/ Đừng lăng xăng đủ thứ chuyện lu bù”.  “Ừ em ạ ngàn năm trong thoáng chốc/ Lặng nhìn sâu vào mọi thứ như không”. “Lòng vô ngại giữa nhân tình thế thái/ Dẫu thế nào thì cũng vẫn như thơ
Tiểu luận trên của Tâm Nhiên là một bản trường ca, tiếng văn như tiếng thơ, tiếng thơ như tiếng hát len lõi vào lòng người trong sâu kín tâm hồn, bay vút đên thượng tần, vào cõi tâm linh tối thương  rốt ráo, chổ ở của thần nhân. Sâu nhiệm được “Sáng Tạo là Con Đường Thi Sĩ” Của Tâm Nhiên, người thơ sẽ kiến tánh được nguồn vui bất tận, vô bờ, vô bến, rong chơi với linh hồn thiên thu trong chính sát na nầy, như như chân lý mà Tâm Nhiên khẳng định! Mời quý vị tìm xem. /.
------------
Ghi Chú: Tất cả các câu trong ngoặc KÉP là của Tâm Nhiên viết trong tiểu luận “Sáng Tạo Là Con Đường Thi Sỹ” 

Mời thư giãn với nhạc phẩm NEO ĐẬU BẾN QUÊ
của An Thuyên qua tiếng hát Lê Mận:
            
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 06.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét