BÀN VỀ CÂU THƠ “ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU” - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
BÀN VỀ CÂU THƠ
ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU
*
(Tác giả Châu Thạch)
Gần đây học giả Lại Quảng Nam có viết một bài đề cập đến câu thơ “Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” của Nguyễn Du. Trong bài viết nầy học giả Lại Quảng Nam có nhắc lại những điều tôi xin tóm tắt gọn lại sau:
Ông Vân Hạc Lê văn Hòe (1953) với quyển Truyện Kiều Chú - Giải rất nổi tiếng trong văn giới và trong giới giáo dục. Ông dừng rất lâu lại tại câu Kiều thứ 942 này, với ưu tư là tại sao Nguyễn Du lại viết "Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu", mà lại không viết "ngày ngày Hàn thực, đêm đêm Nguyên tiêu". Cụ Lê Văn Hoè viết "Lý ra phải viết như thế này thì mới đúng: "Đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực", bởi tất cả lễ lạc đông người dành cho quần chúng do triều đình Tàu sắp đặt đều xảy ra, ban ngày cho Hàn Thực, ban đêm cho ngày Nguyên Tiêu. Cụ Lê văn Hòe nhận định thêm: "Có lẽ vì nhu cầu vần thơ"
Tại Việt nam có một người Tàu tên là An Chi, khi giữ mục Chuyện Đông Chuyện Tây trên tờ Kiến Thức Ngày Nay vào đầu thập niên 90 tại Việt Nam viết như sau về Nguyễn Du: "Tóm lại…; trong điều kiện cụ thể của câu thơ đang xét thì Nguyễn Du không thể vùng vẫy ngọn bút của mình một cách hoàn toàn thỏa mái được. "Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu" trong đó ông tác giả đã bị gò bó về thanh điệu và vần điệu…., Chẳng qua vì… túng vận nên ông mới lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm đó mà thôi
Sau đó học giả Lại Quảng Nam đã phản bác những ý kiến trên. Xin mời quý bạn đọc vào trang web vanngheqt.blogspot.com và nhiều trang web khác để đọc.
Châu Thạch tôi vốn học ít, trí hèn, không dám nhận xét gì về ý kiến của các vị học giả, vốn là những người có vai vế trên văn đàn, chỉ xin góp một chút suy luận thô thiển của mình để bạn đọc giải trí năm ba phút mà thôi. Nếu có sự sai trái xin lượng tình thứ cho.
Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” là câu thơ của Nguyễn Du nhưng ông lấy tư cách của Tú Bà đề viết lời khấn vái. Đây là đoạn mà Nguyễn Du mô tả lần đầu tiên Thúy Kiều nằm trong tay Tú Bà, một chủ chứa. Tú Bà van vái trước tượng thần Bạch mi (vị thần bảo trợ cho nghề bán phấn buôn hương ) cho bà được buôn may bán đắt:
935. Cởi xiêm lột áo sỗ sàng,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!
Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
940. Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
“Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu,
Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến rập rìu trúc mai!
945. Tin nhạn vẩn, lá thư bài,
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”.
Lạ tai, nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
Lễ xong hương hỏa gia đường,
950. Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay.
Theo Châu Thạch tôi nghĩ câu thơ  Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu có ý nghía sau đây:
1) Ý thứ nhất;
- Đêm đêm Hàn Thực: Có nghĩa là đêm nào cũng vui chơi như ngày có lễ Hàn Thực
- Ngày ngày Nguyên Tiêu: Có nghĩa là ngày nào cũng vui chơi như đêm có  lễ Nguyên Tiêu
-  Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu: Đêm đêm vui chơi như ban ngày. Ngày ngày vui chơi như ban đêm
- Tóm lại “Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” có nghĩa là vui chơi mút mùà, không phân biệt ngày đêm.
2) Ý thứ hai:
- Hàn Thực: Hàn thực, ngày 3 tháng 3 âm lịch, kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi bị chết cháy. Bên Tàu, ban ngày tổ chức các cuộc vui chơi, ngày này là ngày cấm lửa, ăn thức ăn  nguội .
- Nguyên Tiêu: Đêm Nguyên Tiêu là đêm rằm tháng giêng, đêm trăng tròn đầu năm âm lịch. Ngày này thời Đường, vua lệnh cho mở hội đốt pháo bông, lễ Phật.
- Qua hai định nghĩa trên ta thấy rằng các trò vui chơi trong ngày Hàn Thực và đêm Nguyên Tiêu là các trò vui chơi thanh nhã, không dung tục. Từ đó ta thấy rằng Tú Bà tuy là một chủ chứa, nhưng bà xin thần Bạch Mi phù hộ chổ động chứa của bà vui chơi theo phong cách thanh nhã. Như thế động chứa của bà là nơi ăn chơi của giới thương lưu đài các hay kẻ sĩ. Nhờ vậy sau nầy Thúy Kiều mới gặp được Thúc Sinh là một trang phong lưu hào hào. Cũng theo kiểu ăn chơi cao cấp, phong lưu nầy, ngày sau ở một thanh lâu khác Thúy Kiều gặp được Từ Hải là một anh hùng.
Kết luận: Bởi lý giải trên ta thấy rằng Nguyễn Du viết “Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” là một sự dùng chữ cố ý của tác giả, không phải là do “bị gò bó thanh điệu” mà ông phải “hoán vị ngày ngày với đêm đêm”. Cách chơi chữ nầy khiến cho câu thơ đầy hàm xúc, vừa làm âm điệu câu thơ hay thêm, lại vừa diễn tả trọn vẹn nhừng cuộc vui chơi triền miên phong lưu và trang nhã nơi động chứa của Tú Bà. Phải nói rằng khi Nguyễn Du cho Tú Bà khấn như thế,không ai đọc mà nghĩ rằng nhà thơ muốn đảo lộn cuộc vui chơi của đếm qua ngày và ngày qua đêm. Ngược lại ai cũng tự nhiên hiểu được lời khấn có ý nghĩa trọn vẹn là xin cho thanh lâu của bà ngày đêm gì cũng có đàn ca, hát xướng, ngâm vịnh, uống rượu và các trò vui hoa bướm dập dìu khác thịnh hành thời bấy giờ. Như vậy, khi phóng bút viết câu thơ đảo lộn nầy, Nguyễn Du đã trực chỉ phát họa trong cảm nhận của người đọc cảnh ăn chơi và phong cách ăn chơi tại thanh lâu của Tú Bà. Từ đó ta có thể thấy rằng trong câu thơ nầy Nguyễn Du dùng chữ biến hóa rất “thoải mái” chớ không phải vì muốn cho “trơn” câu thơ mà thần thơ buộc phải viết thế./.
    
    
Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ QUÊ
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Minh Phương:
           
*.
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.




…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét