SÁT THỦ THƠ TRẦN THANH DŨNG VÀ THI TẬP 6/8 - Tác giả: Mạc Phong Tuyền (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
SÁT THỦ THƠ TRẦN THANH DŨNG
VÀ THI TẬP 6/8
*
(Tác giả Mạc Phong Tuyền)
 Tôi sẽ hủy diệt thơ Trần Thanh Dũng” - Tôi đã nói với ông ấy như vậy. Tất nhiên đó không phải là lời nói chơi, và đoán định trước, khi thực hiện điều ấy quá ư dễ dàng. Bởi thơ và tâm hồn Trần Thanh Dũng - tức Dũng Pin, vốn đã là bình địa, là bãi chiến trường găm đầy vết đạn bom, chứng tích cho cuộc chiến giữa hai phe đối địch, mà một bên là yêu thương, phía còn lại là hận thù. Cuộc chiến nổ ra tự thân trong cùng một con người, không nhằm tiễu trừ nhau, mà cùng gióng lên tiếng nói của chính nghĩa.
Ồ! Vậy thì có khó gì khi hủy diệt một nơi vốn dĩ đã là bình địa?
1) Trần Thanh Dũng yêu mà như chưa yêu, thương mà như chưa thương, bởi “yêu thương mà chưa từng” có nghĩa là cảm xúc chưa va vào hạt bụi, và tâm hồn chưa lẫn những đục/ trong, có được tiền tố đó, người ta mới vô điều kiện gạt bỏ đi những truy cầu lộc lợi khi đến với yêu thương, khi đến với bất kỳ ai, như thế, ta gọi bằng hai từ trinh nguyên.
Vậy nên, tình yêu của Dũng Pin được thể nghiệm trong thơ nghe có vẻ loáng thoáng nhờ nhạt thiếu điểm nhấn. Nhưng không! Nó được phát triển theo cấp độ, có khởi đầu từ tình yêu lứa đôi, thành tình yêu gia đình, gắn liền với quê hương, dân tộc. Có biểu trạng mộc mạc, thanh sạch, và đượm đà, vậy thôi:
“Trăng lèn nụ, gió lèn môi
Áo the dát mỏng xuống đời hanh hao”
------
“Tôi lòn tay qua áo em
Cơn mê vừa kịp ướt mèm mộng đây”
Chỉ thế, cũng đủ để người thưởng thụ bắt gặp nhà thơ hoang hoải buồn vì tình:
“Nằm nghe xao xác bên trời
Cành thu một chiếc rụng rồi, hôm qua
Mảnh tình ai có thiết tha
Mảnh đời ai tụ dưới tà áo ai”
Nỗi niềm đó đến vì điều gì vậy? Tất nhiên rồi, từ một người thôn nữ đã biền biệt không còn đoái tưởng về mối tình quê:
“Bỏ mùa đi, biết sao tìm
Bến quê đợi bóng đồi sim tím tàn
Cái ao rêu bỏ cổng làng
Tiếng chuông đổ xuống tan hoang bóng mình”
Một chuỗi thuật nhân hóa, đã thổi linh hồn người thấm vào vật vô tri, vừa tạo nên độc đáo trong phép tu từ, vừa hoán vị chủ thể đề cập một cách tinh tế, lại vừa là sự đặc tả, tựa hồ bức vẽ “sống động” không gian u trầm cảnh trí, qua đó tạo nên hiệu ứng cảnh tình, là niềm nỗi man mác của nhân vật trữ tình và của người thưởng thụ. Nó dễ hiểu như thể: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trích Kiều - Nguyễn Du.
Hoặc là cũng có khi Trần Thanh Dũng chơi với ngôn từ, nhưng cái chơi ấy vẫn thể hiện được vẻ đẹp của sự cô đơn trong tâm hồn người nghệ sĩ:
“Gió về đợi tiếng lá khua
trăng chênh chếch bóng xuống mùa cầm hơi
thò tay sửa phía bời bời
nghe răng rắc tiếng buồn rơi ngang hồn”
Hay: “Bữa em về tựa hạt sương
Vỡ ra trong nắng vô thường thiếu anh”
Và đây nữa:
“Đám lá thiết tha nói gió
Tháp cổ thở mùi xám rêu
người đi chạm sầu ngoái lại
lục bình khơi mảnh trăng xiêu”
Tôi đã không muốn bàn thêm về ý nghĩa biểu đạt hay kỹ năng xử lý ngôn từ trong khổ thơ vừa trích dẫn, bởi lẽ với cảm xúc, thi ảnh, cùng với ý tưởng … đã gieo vào thơ bằng hệ thống ngôn từ được sắp đặt có cấu trúc chặt chẽ lại giàu tính giai điệu. Đã quá dễ, quá đủ để người thưởng lãm nhận ra cái nghệ của người viết. Có phải vậy không nhỉ?
Có lần tôi đã muốn hỏi tác giả: Trần Thanh Dũng này! Chẳng nhẽ ông không có nổi cho mình một tình yêu ấm áp, một câu thơ ấm áp ư? Nhưng tôi cần gì ông trả lời:
“Chồng nghĩa vợ/ vốn chùng chình
Mỏng/ dai như sợi tóc in đậm đời”
-----
“Bánh chưng mà gói lá dong
người khôn gói cái lòng vòng thủy chung
Vụng dây mơ rễ má chùng
lựa nồi mà úp cái vung cho bền”
Đấy! Cái hay của thơ nhiều lúc cũng chỉ cần được thể hiện qua khuôn ý mộc mạc, giản dị, ấy thế mà ta thấy lóe sáng trong đó sự khắc ghi, vừa như răn mình, lại cũng răn người... những đaọ đức chân nhân.
Người đọc có lẽ sẽ còn cảm thấy thích thú hơn khi khai khám trong không gian thi tập 6/8 của Trần Thanh Dũng âm hưởng trẻ trung hiện đại, được thể hiện qua cái ngông của thơ tân hình thức, ở dạng thể này Dũng Pin cũng tạo nên cho mình dấu ấn, và thành tựu đáng ghi nhận, lại không sa vào sự lố lăng kệch kỡm, mà đặc biệt vẫn liên kết được với cảm xúc thật thà của trái tim:
“Anh! Cho em hôn anh nụ
hôn cuối cùng trước khi mụ già đời
em ụp xuống, trước khi xuôi
tay về với mông lung. Rồi cũng không biết ai có trở lại không
(hay biệt tích) thế cũng không chừng. Anh
nhỉ! Tuổi già đấy, còn anh?
Mùa cúc trắng có làm xanh giấc mơ...”
Đó là tâm sự, tựa hồ lời dặn dò giã biệt của người vợ dịu hiền trước lúc “đi xa”, dành cho người chồng khi cả hai mái đầu đều đã ngả bạc, không khỏi làm cho người đọc xúc động đến nao lòng.
Ta lại bắt gặp trong bộn bề con chữ một Trần Thanh Dũng tình cảm thiêng liêng đối với mẹ cha, đó là giọt nước mắt tưởng niệm đau đáu xót xa, dành cho người thân sinh ra bản thân mình:
“Cha tôi đi lính Cụ Hồ
không hình/ bóng, đến nấm mồ cũng không
tấm bằng tổ quốc ghi công
mấy dòng chữ/ phơi/ giữa lòng ruột gan”
Thêm vào đó là nỗi nhớ, ước mơ được trở về đằm mình trong tuổi thơ, mới đó mà đã dằng dặc xa xôi:
“Cho tôi vay ít mênh mông
treo lên đầu sợi nhớ, hòng, mùa thu
về thay cánh cò lời ru
của bà, của mẹ đã mùa xa, cho tôi
vay một ít nắng vàng tươi
hong chiếc lá bên thềm người đang may
áo và xin cho tôi vay
một chiều mưa bão để ngày cuối cùng
chiếc lá rụng trước cơn dông”
Qủa nhiên tác giả đã phân phối thi ý thanh thoát, khoáng đãng, nghe nhẹ nhàng như chiếc lá vàng trôi qua song cửa, nhưng đã thật sự tạo ra sức nặng ám ảnh trong tâm thức người đọc. Thật tài hoa!
Qua quá trình khảo sát để viết bài khai lộ cho tập thơ 6/8 của Trần Thanh Dũng. Tôi phát hiện một trong những dấu hiệu nhận diện ra thơ ông, là chất liệu thổ ngữ địa phương, được khéo léo ráp ghép vào những vị trí đắc địa, tạo nên phong vị khu biệt, sáng tạo nhưng lại tỏa ra được thứ ánh sáng chân thành của tình người, tình quê:
“Tép mồng quẫy đục dại khôn
Về quê dặm lại khúc hồn rỗng quên”
----
“Biết, giờ này, ở mép sông
Có con còng gió vểnh lòng đợi mưa”
Cũng có lúc, Dũng Pin cảm thấy lạc lõng, trăn trở khi chứng kiến những hình ảnh gần gũi bình dị (biểu trưng cho “giá trị quê hương thuần Việt”), đang ngày càng mai một giữa cuộc sống kim tiền, hiện đại hóa, đô thị hóa:
“Tôi đang thở giữa cánh đồng
Đất khô nứt nẻ người không bóng người
Họ bỏ đồng ruộng lâu rồi
Bỏ vuông tôm chết cá ôi giữa làng
Bỏ chòi nắng đổ chang chang
Bỏ quê lên phố cơ hàn mưu sinh”
Vậy đấy! Cho nên giữa một Trần Thanh Dũng yêu tha thiết bằng bản lĩnh của người đàn ông lăng trải giàu thực nghiệm, với một Dũng Pin gạt bỏ mọi truy cầu để sẵn sàng yêu vô điều kiện bằng một tấm lòng trinh, có khác gì nhau đâu khi cả hai đều cấu thành nên vẻ đẹp điệu đàng của tình yêu?
2. Trần Thanh Dũng là bức phù điêu với những đường nét chạm khắc cũ kĩ được phủ lên lớp bụi hận thù, thứ hận thù dành cho những điều ám muội, những giá trị đạo đức băng họai, những thế lực nhân danh công lý lòe bịp cướp đoạt quyền bản thể của con người.
Bằng sự tự thức của người cầm bút chuyên nghiệp, ông nhận ra giá trị của văn chương, của lao động tác tạo nghệ thuật ngôn từ, không thể nào được đong đếm bởi hai chữ kim tiền, như đầy rẫy "nhà" vin vào đó làm kim chỉ nam, làm chiếc phao cứu cánh, để sáng tác. Để rồi vỗ ngực xưng tụng nhau thứ gọi là sự “cống hiến”. Nếu không phải là kim tiền thì giá trị của văn chương được định giá bằng gì? Chỉ có thể bằng sự lan tỏa nghệ thuật làm thức tỉnh lương tri con người:
“Bao giờ cho tới Hung Nô
Văn chương tậu ruộng mua nhà đổi trâu”
Hay: Trên đỉnh đầu mười ngón tay
con chữ bị chốc rượu/ say múa điệu
valse/ theo hợp âm vi diệu
của đồng tiền sấp/ ngửa/ chịu/ về thôi.
Vì vậy mà ông kịch trần phê phán:
“Tổ tiên sư bọn bút bồi
Bọn đầu hói, bọn no xôi chán chè
Bồi ở thị, bồi ở quê
Bọn tham nhũng bọn như hề chét trây
Bọn mua quan bọn bán thầy
“Cuốc tổ không bằng đổ ngài” Âu châu”
Thế có nghĩa là người ta đang mường tượng ra cụ Nguyễn Công Trứ – người ngông nghênh chơi thơ trào phúng, lấy mo cau bịt đít bò. Thế cũng có nghĩa người ta dần nhận ra hình diện của một Trần Thanh Dũng xù xì, gai góc, lấy tổ tiên bọn bút bồi, quan tham, quan nhiễu... dìm dưới bùn đen. Có vẻ như hơi ngoa ngắt, nhưng ngoa ngắt trong văn chương được đặt đúng nơi đúng chỗ, cũng thú vị với người quan chiêm. như việc giữa cuộc sống hiện thời, cuộc sống mà người ta luôn trưng ra cái mác văn minh để gắn lên muôn trùng giả dối, để giấu mình trong sự đạo mạo quá thể, thì chúng ta lại được ngắm nghía một ả nữ Hà Đông khi xưa, thường hay trùm áo cánh thâm, vận váy đụp, tóc vấn khăn mỏ quạ, chống nạnh, vuốt mép, lanh lảnh chửi nổ bong bóng mũi, cái gã đàn ông nào đó “Mắt cụp mắt xòe, có tròng như đui hay sao mà đi đứng va vào người bà mày vậy?”
Sướng! Là sướng quá đi thôi!
Trần Thanh Dũng cũng là kẻ ranh mãnh khi viết về loài ruồi:
“Bầy ruồi đậu xuống nhân gian
Cỗ, bê bết máu lố lăng mắt người
râu ria miệng mũi no mồi
chém chí chóe/ loạn/ vãn hồi hoan ca

Bao giờ hết đày đọa nhau
Loai ruồi thoát kiếp qua cầu nên ngoan
Lại tranh ăn/ lại gieo oan
Lại mưu nghiệp lớn lại hàng lợi danh”
Thì chắc chắn là ông viết về bầy ruồi, chứ có ai cãi nó không phải là ẩn dụ cho một bầy người nào đó đâu? Bầy ruồi hóa kiếp đi rồi, lại mọc lên bầy khác, cứ vậy mà thôi! Ý thể là ông Dũng Pin muốn nhắn thế!
Lại nữa, tư tưởng đó còn được đẩy lên đến đỉnh điểm:
“Tôi lục tìm trong bãi rác
cuộc đời bóng dáng có “tạc vào thế
kỷ”. Lời nhăng/ cuội nào kể
cũng hoa mỹ đặng đặt/ để/ lấp/ liếm
trọi trơn nỗi buồn/ thảm/ điếm
tợ bó hoa có lưỡi liềm...”
-----
“Thờ cha kính mẹ kêu phiền
thờ tư tưởng đến độ ghiền tụng ca
hát/ múa/ sắm/ diễn/ viết/ ca
toàn xu nịnh tán sắt ra thành vàng
cái ung tư tưởng đã lòn di căn”
Vậy thì ở đây ta nhận ra điều gì? Chẳng phải là Dũng Pin đã tổng phối lại những thói “diễn xuất” đội lốt đạo đức, đang lừa phỉnh nhau, đang tiễn nhau cùng chung về với cõi chết, mà kẻ này cứ cố mong muốn, cứ cố để mình là kẻ nghệ sĩ diễn xuất tốt hơn, ngược lại thì kẻ kia cũng chẳng mong mình là kẻ đạo diễn tồi.
Vậy nhé! Trần Thanh Dũng, tôi muốn người ta ghi nhận ông không chỉ là kẻ sĩ đau cho những giá trị nhân bản suy đồi, mà còn muốn mọi kẻ biết tới ông là con người bình dân như bao con người bình dân khác, đã “xót xa như rụng bàn tay” khi chứng kiến cái chết của tự nhiên, của rừng của biển - cái nôi nuôi dưỡng sự sống con người:
“Máu trăng chảy ướt Quảng Bình
Loang hồn viá cá chênh vênh bọt bèo
Thu đã tàn thu. Trăng treo
Cây khô chết đứng lưng đèo Hải Vân”
-----
“Heo may gió đụng mặt trời
Tiếng ai oán cứ rụng rời vàng/ thau”
Và cả “cái chết được sinh ra” từ bi kịch của chiến tranh:
“Dù chính nghĩa hay chính tà
Chiến tranh tợ chảo thịt da nấu người
Nấu anh em, nấu loài người...”
Nhưng tôi lại cũng muốn người ta tin rằng Dũng Pin đủ sự ấm áp, và đức tin hướng thiện dẫu trong ông cháy ngùn ngụt ngọn lửa hận thù:
“Lần tràng hạt giữ đức tin
Mong cơn đau sớm biến hình phôi pha
Ngó vào tâm/ A Di Đà
Tiếng chuông tư lự bôn ba thoảng về”
3. Đặc điểm trung tạo nên tính khu biệt trong thi tập 6/8 nói riêng và xuyên suốt thơ của Trần Thanh Dũng nói chung là mang âm hưởng của khuynh hướng Hiện thực huyền ảo, có sự phối trộn yếu tố hiện sinh và siêu thực. Ở đó, sự khác lạ trong ý tưởng, sự nhuần nhuyễn của phép dụng ngôn, đã kiến thiết lên những tác phẩm đặc sắc, có không gian cảm xúc và tư tưởng đủ rộng, đủ dầy, để phổ dụng trên tất cả các chủ đề thơ, các loại hình thử nghiệm. Thơ 6/8 của Trần Thanh Dũng có vẻ như không được chú mục đến thuộc tính nhịp điệu uyển chuyển mượt mềm - đặc trưng của thể lục bát, tựa hồ dòng chảy thơ ông là con sông khúc khủy trúc trắc bị chèn ngang những gò đống, quanh co trôi trên núi đồi. Đọc (ăn) nhanh dễ hóc, nhưng chậm chậm thưởng thức sẽ có được phong vị đậm đà khó phai. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh, ở thể thơ 6/8 nói riêng, cũng như tổng quan các thể loại thơ viết theo lề luật, việc phá luật cần có sự cẩn tắc, người viết chỉ thực hiện điều đó và được ghi nhận điều đó khi sự thành công về giá trị tư tưởng biểu đạt phải vượt qua khoảng cách rất lớn cái mất mát đến từ thất luật, thất vần, tức là khi ấy, sự phá luật lại trở thành nghệ thuật – ta thấy điều đó trong thơ Dũng Pin – người mà, nếu như tôi có được đặc quyền biên tập định san văn học sử đất Sóc Trăng, thì chắc chắn ở thời kỳ đương đại, sẽ dành một phần trang trọng để lưu lại dòng chữ mang tên ông.
Tổng luận thì Dũng Pin đã được nạp đầy năng lượng để trở thành một tên sát thủ, vãi ra những loạt đạn mật ngôn, tiễu trừ đi vô vàn điều ám muội, những băng hoại nhân cách, những thế lực thủ hiểm núp danh chân lý.. với muôn hình vạn trạng còn xếp thành tầng vỉa tồn tại trong cuộc sống này. Và đó cũng là công cuộc tiến tới thanh lọc thế giới tâm hồn bằng thơ. Cũng chắc chắn một điều khi ai đó đọc hết bài dẫn nhập này, sẽ nhủ thầm với chính mình rằng kẻ viết bài tiểu luận đó là một nhà phê bình thiển cận và ngạo ngược. Nhưng không! Tôi không phải là nhà phê bình văn học, mà chỉ là kẻ lữ hành có đam mê bóc rỡ lớp vỏ của ngôn từ, để thưởng ngoạn, để thấy trong đó sự phát sáng lân tinh của một thứ mang tên là sự huyền nhiệm, nghe có vẻ dung tục, dung tục như cái cách mà chàng trai xứ Mán, Mèo tốc chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ sắc màu của cô sơn nữ bản, ở chợ tình Khâu Vai. 

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯ TÌNH CUỐI MÙA THU
của Phan Huỳnh Điểu, qua tiếng hát Bảo Yến:
            
*
MẠC PHONG TUYỀN
Địa chỉ: Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa
Email: macphongtuyen@gmail.com 
Điện thoại: 096.480.78.95





.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét