VIỆT NAM ĐƯƠNG THỜI
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa) |
Cũng từ sau Đổi mới, 1986, do “cởi trói”, do “mở cửa” rồi “thả
cửa” của cơ quan quản lý văn hóa và các phương tiện thông tin đại chúng chính
thống, do trình độ, nhu cầu, “gu” thẩm mỹ âm nhạc của công chúng trong một nền
kinh tế thị trường, âm nhạc bị thương mại hóa, đã hình thành một dòng ca khúc thị
trường, mà ngoài những “điểm son” của nhạc nhẹ chính thống với nhiều ca khúc
giá trị được đông đảo công chúng say mê, “vết chàm” của nó là đẻ ra đứa
con lắm “khuyết tật”: nhạc sến trẻ với số lượng ca khúc chiếm nhiều
nhất trong các lĩnh vực sáng tác, quảng bá, biểu diễn và thửơng thức âm nhạc.
Từ đó, đời sống âm nhạc rơi vào tình trạng sôi động bề mặt nhưng thiếu
chiều sâu, thiếu những giá trị bền vững.
Có người lạc quan cho rằng: Chính sự rối ren, hỗn độn với những thử
nghiệm mới mẻ vẫn đáng mừng hơn một thị trường nhạc phẳng lặng, đơn điệu. Rồi,
những gì có giá trị, tất yếu sẽ tồn tại với đời sống. Những gì không phù hợp sẽ
bị quên lãng.
Nhưng, số đông công chúng, nhất là giới trẻ, kể cả lớp trẻ có học, lại
quan tâm, yêu thích các ca khúc thị trường ra đời một cách vội vàng, với ca từ
đơn giản, nhạt nhẽo, sáo rỗng, dễ dãi, lắp ráp và ước lệ có sẵn, có khi thông
tục…, với giai điệu dễ dãi, mòn sáo, đơn điệu, lặp lại mình, lặp lại người
khác, âm nhạc lai căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài. Trước hết, “vết
chàm”, hạn chế cơ bản trong các ca khúc trẻ hiện nay vẫn nằm ở người
sáng tác. Có người đổ lỗi cho công chúng: do thị hiếu thẩm mỹ một số người ,
trong đó có lớp trẻ bây giờ chưa cao, có người thích nhạc tầm thường thì
có người viết nhạc tầm thường để đáp ứng nhu cầu tầm thường đó, theo kiểu “đi
với ma mặc áo giấy”. Mà quên rằng: Văn nghệ (chân chính) không thể “theo
đuôi quần chúng” mà phải định hướng, góp phần nâng cao thị hiếu, tình cảm thẩm
mỹ và khả năng cảm thụ âm nhạc cho công chúng.
Chuyên mục CA NHẠC THỊ TRƯỜNG ĐƯƠNG THỜI nầy
tương đối dài so với các phần khác nên được phân ra, trình bày theo 4 tiểu mục:
1. Nhạc sĩ và ca khúc thị trường hôm nay.
2. Quảng bá ca khúc thị trường hiện nay.
3. Ca
sĩ thị trường ngày nay.
4.
Công chúng ca nhạc thời nay.
I.
NHẠC SĨ VÀ CA KHÚC THỊ TRƯỜNG HÔM NAY
1.“Thợ làm nhạc”:
(Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) |
Với thâm niên 60 năm trong nghề, nhạc sĩ
Nguyễn Ánh 9, tác giả của mấy chục ca
khúc được nhiều thế hệ say mê, như: Ai đưa em về, Biệt khúc, Bơ vơ,
Buồn
ơi
chào mi, Chia phôi, Cho người tình xa, Cô
đơn, Đêm nay ai đưa em về, Đêm tình yêu, Không,
Một
lời cuối cho em, Tình khúc chiều mưa, Trọn
kiếp đơn côi, Xin đừng nói yêu tôi, Xin
như làn mây trắng… cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay thiếu
tính nghệ thuật. Ông nói: “Việt Nam hiện
tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để
nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết
làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình
không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sĩ”. Ông cũng
nói đến sự khác biệt giữa thế hệ trước như ông với giới nhạc sĩ Việt hiện nay: “Hồi xưa, người nhạc sĩ viết ca khúc từ những
cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ
họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sĩ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt
hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác”.
(Nhạc sĩ Nhất Trung) |
“Thợ làm nhạc” không cần cảm xúc để sáng tác
và cũng chẳng cần tìm kiếm giai điệu hay đẹp, mà chỉ dùng kỹ thuật điện tử để
tạo âm thanh cho những câu nói đời thường theo phong cách khẩu ngữ tự nhiên. Vì
thế đã sản sinh những bài ca với giai điệu trúc trắc ngang phè, với lời ca thô
thiển, dung tục, giản đơn.
Có nghe một chuyện như cổ tích: một “nhạc sĩ”
dùng một phần mềm vi tính, đưa ca từ là
câu chữ được lắp ráp từ các bài thơ cùng chủ đề trên báo chí và trang mạng vào
máy vi tính, rồi khởi đông chương trình, máy vi tính hoạt động một thời gian là
báo DONE, nhạc phẩm hoàn thành và sẽ có khách hàng mua!
2. Ca từ, giai điệu “nhạc trẻ sến”:
(Nhạc sĩ Tuấn Khanh) |
Ca từ dễ dãi, thiếu lành mạnh, tục tĩu hoặc
sáo rỗng, vô nghĩa… đang có dấu hiệu bùng phát. Nhiều ca khúc có ca từ quá
nhố nhăng, lố bịch, thậm chí tục tĩu như: MV (music video) Oh my
chuối: "Em thích chuối tây,
chuối ta. Anh mang chuối cho em nha. Đêm nay ta quẩy trong bar”. Có những
viết về “đàn ông, đàn bà” bởi các “nhạc sĩ thị trường” Việt Nam mà
ngay từ tựa đề bài hát ta đã có thể đóan được nội dung ca từ và
người viết như thế nào: Hận người đàn bà vì tiền quên tình
của Duy Biên, Người đàn ông không cần đàn bà của Đình Văn: “Tôi là người đàn ông không cần đàn bà
nào nói yêu tôi, tôi là người đàn ông cũng vì đàn bà mà giờ nếm
chua cay…”. Không chỉ có thế, còn rất nhiều ca khúc mang tựa đề
rất “ngộ nghĩnh”: Kiếp xì ke, Kẻ cá độ của Hồ Minh
Duy, hoặc tựa đề khó hiểu chỉ cần nghe qua là đã tò mò muốn thử như: Đ.C.M.A,
Đ.C.M.E,
Quăng
tao cái boong… Đặc biệt hơn là ca khúc Kiếp đánh đề do
Hồ Minh Duy thể hiện: “Nói nghe nè,
là ngày hôm qua đó, tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tôi, chó nhỏ 11 chiều
nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi…” ca từ rất khô cứng, nhạt
nhẽo, thô thiển, đó là chưa kể đến giai điệu quá đơn giản của ca khúc.
(Nhạc sĩ Thanh Tùng) |
Nhiều nhạc sĩ trẻ vẫn chưa chú trọng
đến tính hình tượng trong ca từ của chính mình. Bởi lẽ đó, các bài
hát chỉ có thể “lắng đọng” trong tai người nghe một thời gian ngắn,
không “ăn đời, ở kiếp” với người nghe được. Nhiều ca khúc thị trường
được viết trong một thời điểm tức thời, theo kiểu “mì ăn liền” chưa
đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật của một ca khúc thực sự, khác xa với
thời gian trước đây, thời gian nhạc xưa lên ngôi. Mặc dù giai điệu không
sôi nổi, đa dạng như hiện tại, nhưng bù lại, từng lời, từng nốt nhạc
trong ca khúc đều được các nhạc sĩ trau chuốt rất kỹ lưỡng.
(Nhạc sĩ Trần Tiến) |
(Nhạc sĩ Nhật Đăng) |
Nói như nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, phó chủ
tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong chuyên đề “Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời hội
nhập (phần 1)”: “Nhạc trẻ
đang kém chất lượng vì nội lực (nội tâm) của nhiều người viết quá non yếu, cụ
thể là non về trình độ kiến văn, nhân sinh quan, thế giới quan..., đồng thời
vốn liếng về kỹ thuật trong âm nhạc còn quá ít thì chuyện lai căng, vay mượn là
dĩ nhiên. Nhạc trẻ đang thiếucái nhìn có quan điểm về con người, cuộc sống, thế
giới, vì thế rất cần những người cầm đuốc dẫn đường, xóa bỏ cái lối theo thị
hiếu dễ dãi”.
3. Nhạc phạm luật:
(Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) |
Ngay các hãng sản xuất và phát hành ca nhạc
và ca sĩ chuyên nghiệp cũng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Vừa khi ca sĩ Đàm Vĩnh
Hưng giới thiệu album Tình ca 50, nhạc sĩ Tâm Anh đã gửi đơn khiếu nại khẳng
định rằng nhạc phẩm Phố đêm trong album chính là sáng tác của anh chứ không phải là
của một tác giả khác như bìa album đã ghi. Theo đơn khiếu nại của nhạc sĩ Tâm
Anh thì nhiều ca từ đã bị sửa để ghi âm như: năm tháng cách xa nhà (thay vì tuy lính chiến xa nhà) và vai áo bạc phai màu (thay vì chinh chiến
từ lâu rồi)... Đã vậy, tờ bướm kèm theo đĩa đã ghi lời ca sai ý của người sáng
tác như: ghi nhớ thành khi nhở; mây đen thành mây đêm; ngàn người thành ngàn lời;
lạc loài thương yêu thành lạc loài hương yêu; giá lạnh ướt thêm thành giá lạnh ướt mềm… Nhạc sĩ “yêu cầu quý cơ
quan chức năng xem xét thu hồi hoặc chỉnh sửa lại album Tình ca 50 do ca sĩ Đàm
Vĩnh Hưng thực hiện, và có hướng xử lý việc vi phạm tác quyền này”.
(Nhạc sĩ Đức Huy) |
Như vậy thì lỗi tại ai? Cơ quan văn hóa
hay Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng và anh? Hay là cả hai? Và là sự vô tình, hay
cẩu thả, hay tắc trách trong quản lý, sáng tạo nghệ thuật? Hay là cả ba?
4. Nhạc chế:
Cũng liên quan đến vi phạm Luật Sở hữu trí
tuệ là nhạc chế, tức tác phẩm phái sinh. Nhạc “chế” tồn tại trong đời sống xã
hội như một dạng văn nghệ dân gian, cũng tương tự như chuyện tiếu lâm, chủ yếu
là truyền khẩu, giúp mọi người giải trí vui vẻ trong phạm vi từng cộng đồng nhỏ
hẹp. Những ca khúc chế lời trên thực tế rất có sức hút đối với người nghe,
nhất là khi nội dung lời ca có tính hài hước, gắn với một sự kiện, vấn đề nào
đó mà dư luận đang rất quan tâm. Kiểu như Hà Nội mùa này phố cũng như sông chế
lại từ bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (thơ Bùi Thanh Tuấn) của nhạc sĩ
Trương Quý Hải; Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn chế thành Huyền
thoại rượu: “Đêm trong mùng
nằm nhớ rượu… Rượu là rượu mà bia là
bia… Bạn là bạn mà ta là ta”… Hay chỉ là giải trí đơn thuần, “tếu rẻ tiền”
như Và
tôi cũng yêu ăn do Bùi Nhật Anh chế lại lời của bài hát Và
tôi cũng yêu em (Đức Huy); Hoặc ca khúc Sáu mươi năm cuộc đời nổi
tiếng của nhạc sĩ Y Vân được Chí Tài biểu diễn bằng những lời chế hài hước và
thông tục như sau: “Cô Lan tóc mái ngang/
Dáng cô không đụng hàng/ Nên anh mơ màng/ Ngây ngất yêu Xuân Lan/ Khi anh yêu
Lan thì anh yêu thật lòng/ Lan ơi, anh hứa sẽ ngoan/ Lan ơi lấy anh nha/ Sống
đến khi mình già/ Anh sẽ mua nhà, mua xế cho em nha/ Anh đi bôn ba rồi kiêm
luôn việc nhà, Lan ơi anh muốn làm cha...”…
Nhưng, mấy năm gần đây, nhạc chế (được xem là
tác phẩm phái sinh) được sử dụng khai thác với mục đích kinh doanh hay giải trí
trên các trang mạng như YouTube, Nghe nhạc trực tuyến… thì hiện tượng đã khác
khi chuyển sang vấn đề vi phạm quyền tác giả theo nhiều điều khoản của Bộ luật
Sở hữu trí tuệ 2004, bởi hành vi cắt xén, sửa đổi, công bố tác phẩm mà chưa có
sự đồng ý của tác giả (lúc nầy được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp).
Điều đáng phàn nàn là từ Internet, các tác phẩm phái sinh bất hợp pháp nầy bắt
đầu lan lên sân khấu và rồi “lấn sân” sang truyền hình với các chương trình: Bạn có thực tài, Gặp nhau cuối năm - Táo quân VTV, Ơn
giời cậu đây rồi (VTV3), Cuộc sống
thường ngày (VTV1)… và sau nầy là Bí mật đêm chủ nhật (HTV7)…
Đáng buồn hơn là trước đây, khi nhạc chế mới
manh nha xuất hiện, bên cạnh những bình luận hưởng ứng góp vui, vẫn còn có một
bộ phận không nhỏ khán giả “ném đá” vì chế nhạc sẽ làm mất ý nghĩa và giá trị
của ca khúc, nhất là với những ca khúc nổi tiếng. Nhưng ngày nay, nhạc chế được
người ta hưởng ứng và rất ít người soi xét nữa, thậm chí kể cả khi những ca từ
chế lại mang nội dung nhố nhăng, thô tục, nhảm nhí, phản cảm. Không những thế,
việc nhạc chế cứ liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình dễ khiến người ta
nhầm tưởng đây là một sự “sáng tạo” hợp pháp
và được ngợi khen.
Không thể không nhắc đến một loại nhạc chế
khác cũng đang được phổ biến rộng rãi gây phản cảm lớn: nhạc chế về đề tài Phật giáo - nhạc “đạo” (ăn cắp) nói về “đạo”. Nhiều bản
nhạc cũ nổi tiếng được người ta, trong
đó có người xưng là tu sĩ, nhưng không biết là thật hay giả, đặt lời lại với
nội dung nói về tam bảo, ngũ giới, những điều răn dạy, giá trị Phật pháp và lợi
ích của sự tu học, cách tu hành… của người Phật tử, với ca từ dân giả, phổ
thông phù hợp với lớp người bình dân theo đạo Phật.
(Danh ca Chế Linh) |
Hầu hết nguyên gốc các bản nhạc chế Phật giáo
là nhạc vàng đang được công chúng bình dân hiện nay yêu thích. Có khi một
nguyên bản được chế thành 2,3 bản, rồi “vô tư” đưa lên mạng, như các bài Rước
tình về với quê hương của Hoàng Thi Thơ và Nối lại tình xưa của Vinh
Sử & Ngân Giang ít nhất có 3 dị bản. Còn một ca khúc biến thành 2 bản nhạc
đạo thì nhiều: Chuyện hoa sim của Anh Bằng thành Thiên nhân đệ nhất của Thích
Trí Giải và một bản khác là Đức Phật niết bàn; Tội tình của Hàn Châu
thành Vắng bóng ân sư và Đói khát giữa dòng nước lũ...
Các “nhạc sĩ” nầy đánh trúng thị hiếu của lớp
công chúng nầy khi không quên dòng nhạc dân ca và nhạc ngoại. Trước đây đã từng
có môt vài vị nhạc sĩ Phật giáo bị tai tiếng, vì không ngần ngại cho ra lò vô
số cái gọi là những bài lý dân ca mang nội dung đạo Phật mà không phân biệt
được cái gì là Lý của dân ca, Lý của hệ thống đàn ca Tài tử Nam bộ, và những
bài Lý có chủ nhân đàng hoàng của nhạc sĩ Cao Văn Lý, Lê Anh Trung..., các bài
Lý thuộc bộ sưu tầm dân ca của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang, tự
tiện đặt lời mới vào thành: Lý ăn chay, Lý đốt nhang, Lý đọc kinh, Lý phá chùa, Lý đập tượng vv… Ngày
nay, nhiều dân ca đã được “đạo” thành nhạc đạo: Lý ngựa ô Nam bộ điệu bắc
quen thuộc chuyển hóa thành Chuyển hóa
tập khí; Qua cầu gió bay một bài dân ca Quan họ thành Thảnh thơi; một bài dân ca Bắc Bộ khác thành Trống chuông, v.v…
Nhạc ngoại cũng không bị từ: các bài nhạc đạo Hãy thôi làm khổ cho nhau, Bến bờ an lạc, Niềm đau tháng năm theo chiều lá bay
có quốc tịch là Trung Hoa, trong đó Hãy thôi làm khổ
cho nhau, có nguồn gốc là Alishan de gu niang (Cô gái núi Ali) rất
phổ biến do ca sĩ nổi tiếng Trác Y Đình (Timi
Zhuo) thể hiện.
Bài hát thiếu nhi có nội dung ngây thơ vô tư,
giai điệu trong sáng hồn nhiên như lứa tuổi các em, Em bé quê nổi tiếng của
Phạm Duy được sửa lời thành 2 bài hát “đạo”: một bài là: Ai bảo ăn chay là khổ của Hoàng Duy có
lời mới là:: “Ai bảo ăn chay là khổ, ăn
chay vui lắm chứ. Vì từ bi tấm lòng vị tha vì thương xót chúng sinh. Không lấy
sát sinh làm vui mà dùng chay thanh khiết…”, một bài là Ai bảo đi tu
là khổ có lời mới còn “thô sơ” và “dân gian” hơn: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ. Ngồi tụng kinh, cái đầu rung
rinh và đôi mắt lim dim. Năm tháng không lo chuyện chi ngoài công phu chấp tác.
Cứ mỗi năm ba má đến thăm mang bánh qùa đầy mâm…” do một người tự xưng là
Thầy Pháp Hòa viết. “Thầy” nầy còn viết lời mới cho mấy chục ca khúc nữa với ca
từ lợn cợn như thế: Những đồi hoa sim (thơ Hữu Loan)
của Dzũng Chinh thành Những lời kinh thiêng; Duyên kiếp cầm ca của
Minh Kỳ thành Tâm hạnh người tu; Chuyện tình Lan và Điệp của Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng thành Mục Liên
cứu mẹ; Đời tôi cô đơn thành Đời thôi cô đơn; Con đường xưa em đi của
Châu Kỳ thành Con đường xưa ta đi; Câu chuyện đầu năm của Hoài An thành
Sân trước cành mai; Duyên kiếp của Lam Phương thành Trợ
duyên; Trúc đào (thơ Nguyễn Tất Nhiên)
của Anh Bằng thành Cội Bồ đề; Rước tình về với quê hương của Hoàng
Thi Thơ qua ‘sáng chế” lời của Thầy Pháp Hòa thành Đưa nhau về bến tâm linh… Có
bài chỉ mất tên nhạc sĩ cũ và lời cũ thôi, còn tựa cũ vẫn được giữ nguyên gắn
liền với tên “Thầy” như: Qua cơn mê của Trịnh Lâm Ngân (bút
hiệu ghép của 3 người: Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật Ngân); Nối lại tình xưa của Vinh
Sử & Ngân Giang nhưng lại không quên ghi rõ ràng, công khai, minh bạch tên
“Thầy” và cả “nhãn”: Ca Khúc Phật Giáo…
Xét về khía cạnh nghệ thuật, lời bài hát cải
biên, nôi dung nghe có vẻ rất Phật giáo, nhưng ca từ không ổn, không có nét
trau chuốt của ngôn ngữ nghệ thuật, bởi lời chủ yếu là làm sao hợp với nhạc
điệu bài hát mà thôi, như: “ngồi tụng
kinh cái đầu rung rinh”, “ăn chay
không sợ bệnh đau, ăn chay chỉ tốn rau”… Mặt khác, có nhiều bài nhạc Phật
giáo mới sáng tác (có tên tác giả) được phổ biến rộng thậm chí như là bài hát
tiêu biểu bởi ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa, nhưng nhạc điệu, sao vẫn thấy quen
quen, giống như một giai điệu của bài hát nào đó đã phổ biến trước đây.
Xét về khía cạnh văn hóa và tôn giáo thì việc
hát nhạc cải biên phải chăng đã vô tình làm mờ nhạt giá trị một tôn giáo được
đánh giá là tôn giáo của trí tuệ, một tôn giáo phù hợp với khoa học, chứa đựng
những triết lý cao siêu đậm chất nhân bản. Với phong trào hát nhạc cải biên,
những sản phẩm chấp vá, lai tạo trong Phật tử phải chăng đã vô tình làm nghèo
nền văn hóa Phật giáo và cũng đã vô tình làm hình ảnh Phật giáo, hình ảnh tăng
lữ, sự tu tập trở nên thiếu trang trọng, trang nghiêm. Vì đã là nhạc Đạo thì
cần phải nghiêm túc và càng khó chấp nhận những gì đi ngược lại đạo đức, Giáo
pháp.
Chưa nói đến vấn đề phạm pháp khi “đạo nhạc”
là vi phạm luật Sở hữu trí tuệ, và việc phạm giới khi ăn cắp nhạc, giới thứ 2
trong Ngũ giới (năm điều răn không được làm của mà Phật tử
đã quy y hoặc phát
nguyện), những bài ca lợn cợn giữa đời và đạo, hỗn mang giữa chính và tà, giữa
thẩm mỹ chân chính và sự thông tục tầm thường với lời ca thường là thô thiển,
dung tục không hợp với đạo lý cao siêu, thậm chí còn không hợp được với chất
trữ tình, lãng mạn, trong veo của giai điệu bản nhạc, có khi ca từ ẩn chứa
những triết lý uyên nguyên, cao siêu, thanh thoát của đạo Phật lại không phù
hợp với giai điệu chậm buồn, yêu thương, tiếc nuối, da diết…, có lúc sướt mướt, sến sẩm, uỷ mị, quằn quại,
khổ đau, bi sầu, rên rỉ… của một điệu
nhạc bình dân thưở nào là quá phản cảm. Điều đó làm tha hóa, xuống cấp đi thị
hiếu, xu hướng thẩm mỹ của một tầng lớp công chúng yêu văn nghệ có xu hướng đạo
đức hướng thiện.
Trước đây, nhạc loại này tưởng chỉ có truyền
nhau nghe với đàn guitar thùng ca thu trực tiếp, sang băng cho nhau thì khác.
Sau này trên mạng đầy rẫy những DVD và DVD Karaoke hổ lốn như thế thì mức độ và
bản chất sự việc đã khác rồi. Thậm chí, có bản còn giả giọng giống như ca sĩ
nổi tiếng đã từng hát bài hát nguyên gốc ngày xưa. Rồi có quí Tăng Ni đưa nhạc
chế tác cải biên Phật giáo vào những đĩa giảng pháp của mình và tệ hại hơn là
bài giảng pháp đó nói về đạo đức, nói về việc giữ giới của cư sĩ và tu sĩ và
như vậy vô tình những bài hát đó trở thành những điều mâu thuẩn so với những lời giảng pháp của quý
giảng sư. Các trang mạng có đăng tin: một số tăng ni sinh của Học Viện Phật
giáo Việt Nam cũng chuyền tay nhau, phân phát cho nhau từng xấp DVD loại này.
Có người coi đó là biểu hiện thường tình của thời “mạt pháp”! Thật đáng lo ngại
biết bao!
Nhưng cũng mừng thay là nhiều trí thức trong
Phật tử và tu sĩ Phật giáo đã lên tiếng chân tình góp ý với Giáo hội và Phật tử
về vấn đề nầy. Trong đó có đề xuất với Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam
cũng cần nên xem xét, chấn chỉnh về nhạc đạo hiện nay và cần có kế hoạch về vận
động, hỗ trợ, hợp đồng sáng tác những ca khúc Phật giáo có ca từ đẹp, phù hợp
về giai điệu, phù hợp loại hình sinh hoạt hay biểu diễn, đúng ý nghĩa là nhạc
đạo. Rồi chọn lọc, phát hành, phổ biến chính thức rộng rãi đến đại
chúng những bài hát tiêu biểu Phật giáo, góp phần xây dựng nền văn hóa
nghệ thuật Phật giáo cao đẹp.
Mong rằng khi được chấn chỉnh, Phật tử sẽ có
những ca khúc về Phật giáo giá trị như Mừng ngày Đản Sanh của Nguyên Thông,
ca khúc chính thức cho ngày Phật Đản.
Xin nói thêm: Nguyên Thông là bút hiệu khác của nhạc sĩ Thông Đạt, tức Văn
Giảng khi ông viết những ca khúc Phật giáo.
Dưới bút hiệu này, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo, đóng
góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam: Từ Đàm quê hương tôi, Mừng
ngày Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô
thường, Hoa cài áo lam… Hoặc như ca khúc Mừng
Khánh Đản và cả Tuyển tập nhạc Phật giáo gồm 25 bài
của Lê Mộng Nguyên, tác giả ca khúc Trăng mờ bên suối (1948) bất hủ, đều
được viết trước năm ông 20 tuổi đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản
năm 1989.
Càng mừng thay là gần đây người có trách
nhiệm của các Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và các Sở Văn hóa Thông
tin đã lên tiếng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác
giả âm nhạc Việt Nam cho biết, chế nhạc thực chất là một hành vi vi phạm pháp
luật, vi phạm quyền tác giả: “Việc đưa
những lời đùa bỡn vào trong âm nhạc đã có từ rất lâu rồi, nhưng nếu nó chỉ tồn
tại trong một phạm vi nhất định, mang lại tiếng cười nhất thời thì được. Tuy
nhiên, khi nó trở thành một kênh truyền bá chính thống thì là vi phạm luật pháp
về quyền tác giả, gồm quyền nhân thân và
quyền tài sản”.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung
tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh thì Trung tâm Bảo vệ
quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thời gian qua cũng đã tiến hành nhiều biện pháp,
trong đó có việc yêu cầu các website gỡ bỏ những tác phẩm có hành vi xâm phạm
quyền tác giả. Còn ông Võ Trọng Nam , Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông
tin thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Sở
không bao giờ cấp phép cho những chương trình biểu diễn nhạc chế và cũng không
cấp phép cho ca khúc đổi lời ca. Nếu không có sự đồng ý của tác giả thì rõ ràng
đó là hành vi phạm pháp”. Nghe “nói” thì
đáng mừng, nhưng công chúng yêu âm nhạc chân chính đang mong chờ thấy
“làm”, sự ra tay của các cơ quan có trách nhiệm quản lý văn hóa, văn nghệ. Wait
and see: Hãy đợi đấy!...
6. “Nhạc sến đỏ”:
(Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) |
Có hai dạng tác giả của loại nhạc nầy: một
là, các tác giả phong trào, không chuyên, không có tay nghề âm nhạc và vốn văn
hóa không cao, nhưng nhiệt tình với
phong trào mà viết nhạc (rất đáng quý!). Hai là, các nhạc sĩ, thậm chí cả đoàn
nhạc sĩ được mời về các địa phương, cơ quan, công ty… tham quan và viết về mình
như theo đơn đặt hàng. Mấy ngày sau, trước
khi chia tay, để trả nợ ân tình, các nhạc sĩ phải “đẻ non” những đứa
con, để lại cho các địa phương, cơ quan, tổng công ty đó “nuôi”. Xin kể một
chuyện có thật 100%, nhưng cũng xin ẩn danh: Một tỉnh giàu có, vì bệnh thành
tích, mời một đoàn 10 nhạc sĩ nổi danh, có cả nhạc sĩ kỳ cựu, lão làng của một
thành phố lớn về 10 ngày để thực tế, hy
vọng họ sẽ sáng tác ra những tuyệt tác để đời, cỡ như Dáng đứng Bến Tre của
Nguyễn Văn Tý và vào cuối đợt, cũng có hơn mười ca khúc “nộp quyển”, rồi… “lưu
kho”, đi vào… lãng quên, không thể trở thành “tỉnh ca” được, mà lại trở thành..
“tĩnh ca”! Còn ca khúc nổi tiếng làm nhạc hiệu trên các đài phát thanh, truyền
hình của tỉnh nầy lại của một nhạc sĩ khác “vô tình” đi ngang qua địa phương và
‘vô tư” sáng tác mà thành!
7. Ca sĩ
“lên đời” đạo nhạc ngoại:
Một vết chàm trong nhạc nhẹ Việt hiện nay nữa
liên quan đến nhạc ngoại quốc. Đó là vấn nạn đạo nhạc: nhiều “nhạc sĩ” đạo
nhạc nước ngoài, gây nhiều tai tiếng cho âm nhạc Việt.
(Ca sĩ, nhạc sĩ Sơn Tùng M-TP) |
Sơn Tùng trở thành ca sĩ Việt có nhiều MV đạt
100 triệu lượt xem nhất cũng là “nhạc sĩ” có nhiều bản nhạc bị phát giác là đạo
nhạc nước ngoài.
Đó là ca khúc "Chắc ai đó sẽ về trong bộ phim Chàng trai năm ấy
gây sốt khán giả Việt ngay khi tung trailer và bản audio bài hát vào cuối năm
2014 được xếp trong danh sách Top 10 tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam,
lại có điểm tương đồng về beat, cách xử lý những đoạn ngân với ca khúc Because
I miss you của Jung Yong Hwa (CN Blue). Với Chúng ta không thuộc về nhau
(đã đạt 160 triệu người xem) dư luận cho rằng quá giống của Charlie Puth,
đặc biệt ở đoạn điệp khúc. Chính tác giả bản remix nổi tiếng của ca khúc này là Heyder mới đây
cũng đã lên tiếng, xác nhận bản phối của anh và Chúng ta không thuộc
về nhau do ca sĩ Sơn Tùng M-TP thể hiện có nhiều điểm tương đồng. Hai bản nhạc
vừa giống nhiều nốt liền nhau trong nhiều câu, vừa giống y nguyên vòng hợp âm,
vừa giống tiết tấu và cấu trúc, lại tương đương về chỉ số BPM... thì 99% là có
sự mượn ý tưởng và hoàn toàn có cơ sở để kết luận là đạo nhạc.
Còn Cơn mưa ngang qua được so sánh với Sarangi
Mareul Deutjianha của Ahn Jae Wook thành viên nhóm nhạc Namolla
Family tại Hàn Quốc. Chính phần beat giống đến ngỡ ngàng giữa hai ca
khúc khiến khán giả không thể làm ngơ trước scandal này. Liên quan đến ca
khúc nầy còn một vết chàm nữa: Cơn mưa ngang qua phần 3 ra đời sau đó gặp nhiều ý kiến cho
rằng nó giống với I Remember của Bang Yong Guk (B.A.P). Rồi, Em
của ngày hôm qua, bản hit được cho là để đời của Sơn Tùng
(cán mốc 100 triệu lượt người xem) cũng không tránh khỏi nghi án đạo nhạc.
Cụ thể, ca khúc trùng khớp với rất nhiều đoạn trong Every Night của nhóm
nhạc nổi tiếng Hàn Quốc- EXID. Không những thế, cả hình ảnh và vũ đạo
trong MV bản hit này cũng bị “tố” giống
G-Dragon và Trouble Maker- những cái tên nổi tiếng của làng giải
trí xứ sở Kim Chi. Còn nữa, cùng Em đừng đi tiếp tục là ca khúc mà cư
dân mạng phanh phui. Bài hát bị phát hiện là giống ca khúc Still
của nhóm FLOWER phát hành từ năm 2011 tại Nhật Bản. Chưa hết đâu: Tuyết
yêu thương (Young Uno) mượn bài Jiang Nan; Hy
vọng (LK) đạo bài Question (Ha Yoo Sun), Nắng
ấm xa dần đạo nguyên bài Mono - logue của As One. Mà kẻ
cắp âm nhạc chuyên nghiệp nầy là ai?
Sơn Tùng đã từng giành 5 đề cử và một giải Cống hiến
cùng với hai giải Bài hát yêu thích
với các ca khúc. Cơn mưa ngang qua và Em của ngày hôm
qua (2 bản nhạc bị cho là đạo) cũng hai lần là khách mời
biểu diễn của chương trình Thần tượng âm nhạc
Việt Nam. Năm 2015, Sơn Tùng nằm trong danh sách Top 10 tìm kiếm
nhiều nhất trên Google Việt Nam .
Sơn Tùng cũng đã có 2 lần khiến ca khúc Việt Nam đứng trong top 10 ca khúc
nhiều lượt xem trong một ngày trên YouTube. Đặc biệt ca khúc
Nơi này có anh phát hành năm 2017 đã đứng vị trí thứ nhất với hơn 9 triệu lượt
xem đến ngày 14/2/2017.
Kể ra để thấy được sự dung túng, ngụy biện
bởi công ty quản lý âm nhạc, không có trách nhiệm trong bản quyền bài hát của
gà nhà tung ra, để gây ý kiến trái chiều, lôi kéo sự quan tâm và vụ lợi cho ca
sĩ và nhà sản xuất, sự tắc trách và “có vấn đề” cả trong và ngoài “chuyên môn”
của ban giám khảo các cuộc thi ca nhạc, sự
bao che và hùa theo bởi một số lượng lớn người nghe nhạc dễ dãi, nguỵ
tín và nhận thức kém.
Hơn cả Vũ Cát Tường, Đồng Nhi đoạt đến 71
giải thưởng âm nhạc từ năm 2010-2017. Nhưng cũng tai tiếng: người ta phát hiện
ra rằng Trách ai bây giờ có điệp khúc giống với beat của Auditory
Hallucination (NaShow và Jang Jaein) và Boom Boom của cô lại có beat
giống với ca khúc Bitch I'm Madonna của nữ hoàng nhạc Pop Madonna.
Còn ca sĩ Đinh Đại Vũ đã không thèm chỉnh sửa
gì mà đặt nguyên một phân đoạn trong MV DNA của BTS vào MV Em muốn cái gì đây của
mình. Ngoài phân cảnh được lấy ra từ DNA, sản phẩm nầy của Đinh Đại Vũ còn bị
phát hiện có khá nhiều điểm tương đồng với Hãy ra khỏi nơi đó đi của Phan Mạnh
Quỳnh và Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng M-TP. Đúng là “ăn cắp của ăn
trộm”, vì Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng được cho là lấy từ Every
night của nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc - EXID và từ các hình ảnh và vũ
đạo của G- Dragon và Trouble Maker. Không những thế, vài cảnh trong Em
muốn cái gì đây cũng bị các Kpop fan tố là “học hỏi” từ Blood sweat andtears của BTS. Anh lại lại
khiến nhiều người "điên tiết" hơn khi có những phát ngôn thiếu tôn
trọng nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ Hàn Quốc khi gọi họ là "cái bọn Hàn
Quốc", khi bị họ phát hiện và phản đối.
Phúc Bồ, ca sĩ và là người thu âm, hòa âm
phối khí, sản xuất và phát hành âm nhạc ở Hà Nội cũng bị cú đúp tai tiếng...
Đầu tiên, ca khúc Cưa cẩm anh thể hiện tại chung kết Sao đại chiến bị tố đạo nhạc
Body của Mino. Tiếp đó Rap binh đoàn hổ của anh bị chỉ
trích đã sao chép Okey Dokey do Zico do Mino sản xuất và thể hiện. Sự giống
nhau giữa các ca khúc của Phúc Bồ và Mino là rất rõ ràng, khiến khán giả nghe
lần đầu cũng có thể dễ dàng nhận ra.
Cũng bị cú đúp tai tiếng còn có ca sĩ Châu
Đăng Khoa, người đã 8 lần đoạt các giải thưởng âm nhạc, 2 lần Bài hát ấn tượng
của Bài hát Việt, 2
năm liền được xếp vào Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất Làn sóng xanh (2014, 2015) cũng bị khán giả soi khi phát hiện ra Người
lạ ơi của anh có nhiều điểm tương đồng về giai điệu với What
if của Robin Wesley và Anh vẫn nhớ (Nah). Và bản hit Lẻ
loi đánh dấu hình ảnh mới của Châu Đăng Khoa trong vai trò ca sĩ cũng
bị khán giả phát hiện có nhiều điểm giống với ca khúc Up & Down của
EXID.
8. Nhạc sĩ thành “đạo sĩ” nhạc ngoại:
Đến lượt các “nhạc sĩ”: nhạc sĩ Khắc Hưng đã
giành “cú đúp” tại giải Âm nhạc Cống hiến 2017 vào tháng 4/2017, khi cùng
lúc được tôn vinh là Nhạc sĩ của năm và Nhà sản xuất âm
nhạc của năm. Tuy nhiên, sau đó, lại giành một kỷ lục gấp cú đúp trên, khi
4 ca khúc của anh dính nghi án 'đạo nhái' trong 8 tháng đầu năm 2017. Bản Ánh
nắng của anh anh “đạo” bản nhạc piano I của nghệ sĩ piano Hàn Quốc
Yiruma nằm trong album First love được Yiruma phát hành năm 2001. Rồi
ca khúc Ghen của Khắc Hưng, được thể hiện bởi giọng ca của nữ ca sĩ Min
và Erik tiếp tục “nối gót” Ánh nắng của anh khi bị cư dân mạng soi có
nhiều điểm tương đồng với I got you của nữ ca sĩ Bebe Rexha. Ngay sau
đó, cư dân mạng trở nên hoang mang khi phát hiện ca khúc Đâu
chỉ riêng em được lấy cảm hứng từ một bài hát nhạc Hoa tạm
dịch Tình lay động, lòng nhói đau của Hải Sinh. Người nghe đã ngỡ
ngàng vì phần điệp khúc của Đâu chỉ riêng em quá giống với đoạn nhạc mở
đầu của ca khúc Tình lay động, lòng nhói đau. Nhiều người còn đánh giá hai
ca khúc này giống nhau đến 70% về mặt giai điệu.
Còn nữa, tối ngày 21/8/2017, MV mới ca
khúc thảm họa Như cái lò của Khắc Hưng lại nhanh chóng tiếp tục gây bức xúc
trong dư luận không những bởi ca từ phản cảm, gợi dục, kích động mà còn ở nghi án đạo nhạc, đạo ý tưởng. Người
hâm mộ tinh ý nhận ra bản beat, flow rap của MV này có sự giống nhau so với bài
hát Bass down low do ca sĩ Dev, Tinie Tempah, The Cataracs thể
hiện ra đời từ năm 2011. Chưa hết, bối cảnh mà nhân vật chính xuất hiện trong
MV cũng như góc quay, vũ đạo được người hâm mộ đánh giá là trùng hợp với bản
gốc.
(Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương) |
Nhiều nữa, danh sách còn cả lố: Bảo Chấn với
ca khúc nổi tiếng Tình thôi xót xa lại bị nghi đạo
nhạc bài Frontier (Keiko Matsui). Bài Mưa (Thuỳ Chi và
nhóm M4U) của Minh Vương vừa nhận giải Bài hát Việt năm 2008 thì bị lên án kịch
liệt vì đạo, bài Aitai của Se7en. MV Khói
độc của Hồ Quang Hiếu bị fan tố đạo 1 đoạn ý tưởng của MV Bad
(nhóm Infinite). Single Lần đầu của Bảo Anh vướng nghi án
đạo nhạc ca khúc kinh điển Be my lover của nhóm nhạc huyền
thoại La Bouche. Bản OST có tên Anh thích thả thính của cựu thành
viên 365 Daband, Tronie Ngô bị tố là “vay mượn” của Love me love me, một bản
hit của nhóm nhạc Kpop đình đám- WINNER, v.v…
Nói ra thật nhục nhã, nhưng không thể vạch
hết tên tuổi các “nhạc sĩ”, ca sĩ “lên đời” đạo nhạc ra đây hết được. Vì chuyện
xấu xa, kiêng kỵ nầy đã trở thành phổ biến, đại trà trong giới viết nhạc sến
trẻ ngày nay. Đơn cử: báo chí và các trang mạng đăng nhiều: trong 8 tháng, 4 ca
khúc chỉ của một người nổi tiếng bị phát hiện là nhạc đạo; trong một tháng, 5
ca khúc; trong 2 tuần đầu năm, 4 ca khúc Việt Nam là nhạc đạo nước ngoài, v.v…
Một số trang giải trí còn thường xuyên đăng tải video thống kê về số lượng ca
khúc đạo nhạc. Bất ngờ và đáng buồn là đến thời điểm hiện tại, loạt video nhiều
kỳ này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại! Có thể coi đây là minh chứng về sự bất
cập, sự xuống cấp văn hóa của thị trường âm nhạc giải trí hiện nay.
Giải thích “câu chuyện Tây hóa âm nhạc Việt”,
liên quan đến vấn đề ngày càng phổ biến là chuyện đạo nhạc, tương đồng trong
một số sáng tác, bản phối của Việt Nam với những sản phẩm trên thế giới”, nhạc
sĩ Dương Cầm cho rằng: “Nền công nghiệp
âm nhạc của chúng ta đi sau thế giới quá xa. Chúng ta nghe nhiều, học hỏi họ
nhiều quá mà không có sự tỉnh táo thì rất dễ hòa lẫn. Nhiều khi nhạc sĩ nghe
nhiều một cách không ý thức thì khi viết ra giai điệu hay đặt bản phối cho các
bài hát, vô hình nó bị in sâu vào đầu và làm ra bị giống. Với tôi, phải tỉnh
táo trong việc tiếp nhận thông tin mới để làm sao vẫn phải có gì đó của mình”.
9. Lạm phát chuyển ngữ nhạc ngoại:
Cũng liên quan đến nhạc ngoại quốc trong giai
đoạn nầy, còn có một vết chàm nữa là nhạc
ngoại, lời Việt. Dạng ca khúc nầy (viết lời Việt trên nhạc ngoại) không phải là chuyện mới mẻ. Ở Miền Nam, từ
thập niên 60, nhất là đầu thập niên 70, khi phong trào nhạc trẻ bùng phát,
nhiều nhạc sĩ đã viết lời Việt cho nhạc ngoại rất thành công và có những ca
khúc để đời. Xin được nhắc lại tên tuổi của vài nhạc sĩ và những ca khúc đó.
Mở đầu cho trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu
- Mỹ thời ấy có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, ông đã chuyển soạn lời Việt
cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như: Búp bê không tình yêu
(Poupée de cire, poupée de son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock three times), Chuyện
phim buồn (Sad movies), Lãng du (L’Avventura), Anh
thì không (Toi jamais), v.v... Sau đó nhiều nhạc sĩ khác, nhiều ban
nhạc, cũng đã soạn lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc khác: Phạm Duy, Quốc Dũng,
Trường Hải,
Jo Marcel, Kỳ Phát, Lữ Liên, Khúc Lan, Nam Lộc, Nguyễn Duy Biên, Tùng Giang,
trong đó có cả nhà báo Trường Kỳ (cột chèo với Vũ Xuân Hùng), v.v...
Nhạc sĩ Nam Lộc "Việt hóa" nhiều
bản nhạc ngoại quốc thịnh hành đương thời bằng cách đặt lời tiếng Việt: Trưng
Vương khung cửa mùa thu (Tell laura i love her), Mây lang thang (The
cowboy's work is never done), Dĩ vãng buồn (I’ll never fall in
love again), Tình ca cho em (Good bye to love), Như mùa thu lá bay (Ben),
Chỉ
là giấc mơ qua (Yellow Bird), Một thời để yêu (Les amoureux qui
passent), Phút bên em (L’Amour avectoi), v.v...
Thành công hơn cả là là Phạm Duy, với đa phần
là nhạc Pháp, với giọng hát bằng song
ngữ điêu luyện của ca sĩ Thanh Lan, đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong
giới trẻ: Khi xưa ta bé (Bang bang), Tình cho không biếu không (L'amour
c'es pour rien), Hỡi người tình lara (Dr. Zhivago), Chuyện tình (Love story),
Người
yêu nếu ra đi (If you go away), Cuộc tình tàn (Je sais), Himalaya,
Ngày
tân hôn (The wedding), Em ðẹp nhất ðêm nay (La plus belle
pour aller danser), Những nụ tình xanh (Tous les garcons et toutes les filles), Viễn
du trong tưởng tượng (En partant), Trong nắng trong gió (Dans le soleil
et dans le vent), Nắng đã tắt (Il est mort le soleil), Ôi giàn thiên lý đã xa
(Chèvrefeuille que tu es loin), Tình yêu mùa ðông (J'aime bien
l'hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle etait belle), Chỉ
cần một giọt lệ (Rien qu'une larme), Tiễn em nơi phi trường
(Adieu jolie candy), Gọi tên người yêu (Aline), v.v…
(Nghệ sĩ Trung Kiên) |
Trong số các ca khúc Nga kể trên, nhiều ca
khúc do Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên viết lời Việt, trong đó có ca khúc nổi
tiếng Triệu bông hồng do nhạc sĩ Raimonds Pauls phổ thơ của nhà
thơ lớn Andrey Voznesensky. Sau nầy nó gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Ái Vân
trong thập niên 1980.
Vấn đề chuyển ngữ nhạc ngoại bị lạm phát vì
yếu tố thương mại cao mà yếu tố văn hóa lùn, thẩm mỹ thấp. Những ca khúc thời
trang của Tây phương hay Á châu được chuyển ngữ một cách hấp tấp, vội vàng, đôi
khi trở nên ngây ngô, ngớ ngẩn, không còn ý nghĩa nguyên bản như trong ca khúc Yêu
nhau đi (Tragedy), Ôi tình yêu, Mắt bồ câu (nhạc Thái).
Có ca khúc ca từ quá khô cứng, lộ liễu như Mười phút yêu
của ca sĩ Nhật Kim Anh: “trao anh
chỉ mười phút, lời yêu sao nói lên thành câu…”. Có bản “nhạc sĩ” đặt
ca từ bừa bãi, có bản ca từ còn không phù hợp với giai điệu, tiết tấu gieo rắc độc hại về tư tưởng và thẩm
mỹ.
Do đó, thị trường âm nhạc ở Việt Nam tràn ngập
những bài ca Việt không ra Việt mà Tây phương cũng chẳng ra Tây phương. Đó là
thứ âm nhạc lai căng lợn cợn giữa nhạc sến Việt và nhạc sến Tây phương (loại
nhạc vỉa hè Rap, Hip-hop, R&B, v.v…).
Từ đó, từ “nhạc sến” nay được mở rộng khái
niệm, không những chỉ dòng nhạc bình dân mà có chất lượng thấp trước 1975, mà
còn nhiều bản nhạc sau này chịu ảnh hưởng nhạc Hoa, Nhật, Hàn, Thái, hay theo
thể loại Pop ballad, Rap, Hip-hop, R&B…, ca từ cũng đơn giản dễ dãi như phân tích ở trên và
cũng khai thác các chủ đề thất tình, oán trách, mẫu chuyện đời thường..., có
khác là ở giai điệu và lối hát trẻ trung hiện đại hơn, nhưng chủ đề thường bó
hẹp hơn và ít chịu ảnh hưởng của dân ca.
II.
QUẢNG BÁ CA KHÚC THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY
Góp phần làm nên thị trường âm nhạc giải trí
rối ren, hỗn độn, lợn cợn, chất lượng kém, thẩm mỹ lùn hiện nay có “công”
lớn của các nhà sản xuất, tổ chức biểu
diễn, quãng bá âm nhạc, trong đó có “công” không nhỏ của giới truyền hình, báo chí và các phương tiện
truyền thông đại chúng khác. Đã qua rồi thời hoàng kim của chương trình Bài hát
Việt, một sân chơi sáng tác âm nhạc hiếm hoi trên sóng truyền hình từng giới
thiệu nhiều gương mặt trẻ tài năng và bước đầu có phong cách riêng như Nguyễn
Đức Cường, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn, Võ
Thiện Thanh, Giáng Son, Đức Nghĩa, v.v… Và sự ra đi lặng lẽ của Bài hát Việt,
có người bi quan cho rằng đó cũng là dấu chấm hết cho nỗ lực hiếm hoi trong
việc tìm kiếm các hướng đi mới cho âm nhạc đương thời. Thế vào đó, là sự ồn ào
của các trò chơi truyền hình (gameshow) về âm nhạc đình đám, như Giọng hát
Việt, Thần tượng âm nhạc, Nhân tố bí ẩn…
Trái ngược với sự vắng bóng của các cuộc thi
sáng tác âm nhạc, sự nở rộ của nhiều gameshow, liveshow âm nhạc với xu hướng
giải trí bình dân, có phần dễ dãi dường như đang chiếm lĩnh nhiều phương tiện
thông tin đại chúng. Một trong những trào lưu “đang lên”, gây nhiều tranh cãi
trong dư luận thời gian qua là “Bolero trỗi dậy” với sự ra đời của hàng loạt
các gameshow có tên gọi na ná nhau: Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero,
Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero…
Một số cuộc thi âm nhạc khác lại trà trộn,
giả dạng, đánh tráo khái niệm được gọi bằng tên gọi khác thời sự hơn, “cao quý”
hơn, và có vẻ hợp với chủ trương của nhà nước hơn kiểu như:
Ca khúc Quê hương, Quê hương Tình mẹ…, tuy
không gắn “mác” bolero nhưng đội hình ban giám khảo ngồi trên “ghế nóng”
và thường “uýnh giá” (đánh giá) diễn
viên như “thánh phán” đều chủ yếu nổi lên từ dòng nhạc này, vì thế phần lớn thí
sinh đã lựa chọn giải pháp an toàn bằng việc hát… bolero! Sự thái quá trong việc quảng bá như thế dẫn
đến tình trạng: một dòng nhạc bình dân, ít được đánh giá cao tại chính mảnh đất
từng sản sinh ra nó, bolero đã bất ngờ trở thành trào lưu được một bộ phận ca
sĩ và khán, thính giả ở Việt Nam
nhiệt tình hưởng ứng. Điều này sẽ không có gì đặc biệt nếu như bolero không
phải là một dòng nhạc “giẫm chân tại chỗ”, vì dù đã có lịch sử hình thành hơn
60 năm mà số lượng sáng tác không nhiều, không có nhiều sáng tạo từ giai điệu,
phối khí đến ca từ và phong cách biểu diễn. Và nội dung của hầu hết các bài hát
bolero chỉ quẩn quanh những chuyện tình ngang trái, đẫm nước mắt. Vì vậy, nhận
định của Tùng Dương, ca sĩ nổi tiếng với nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang
tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với
bolero thì đúng là một sự thụt lùi” tuy có làm mất lòng nhiều người trong
giới giải trí nhưng đã đề cập một cách thẳng thắn tình trạng “nghèo nàn trong
sáng tạo” trong đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.
Nhân nhắc đến, nói thêm về điệu bolero và
nhạc vàng. Nhạc vàng ở Miền Nam trước 1975 thường dùng các thể điệu boléro, rhumba, ballade, slow, slow
rock, mà bolero là phổ biến hơn cả.
Thể điệu bolero Việt Nam có nhịp rất chậm,
khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ có nhịp nhanh hơn, gần như rhumba. Vì
thế, người ta vẫn quen gọi ca khúc bolero Việt Nam là nhạc vàng, tức âm nhạc
trữ tình hay lãng mạn, bởi giai điệu chậm buồn của nó... Bolero rất hợp
dân ca Nam bộ và giới bình dân Nam bộ, những người hát dân ca Nam bộ từ nhỏ và
thể loại nhạc này hợp với trình độ của họ, nên họ là những người chuộng nhạc
vàng hơn cả. Ba đề tài chủ yếu phổ biến của nhạc vàng là: Tình - Lính và Quê
hương. Nhưng, nhạc bolero xưa ở miền Nam có nhịp điệu chậm buồn, sắc thái tình
cảm thường là yêu thương, tiếc nuối, da diết… chứ không phải quá sướt mướt, sến
sẩm, uỷ mị, quằn quại, khổ đau, bi sầu, rên rỉ… mới ra chất bolero như các ca
sĩ ngày nay thể hiện, khi bị khai thác “quá đà” và “biến dạng” thảm hại trên
truyền hình, nhạc hội, sàn diễn và băng đĩa của các nhà sản xuất. Dòng nhạc nào
cũng đều có những giá trị của nó, bolero cũng có lớp công chúng riêng và những
giá trị riêng, nhất là những ca khúc có ca từ hay đẹp, mang tình văn học. Nhưng
vì chạy theo lợi nhuận mà cách khai thác và thể hiện dòng nhạc bolero “biến
thái” như hiện nay đã không truyền đạt cho công chúng những giá trị cốt lõi và
đúng đắn của dòng nhạc này, dẫn đến cái nhìn sai lệch về bolero đầy tai hại:
nhạc bolero bị đánh đồng với nhạc sến.
Theo dõi trên bảng xếp hạng ca khúc mới của
một số website âm nhạc nổi tiếng thời gian qua, vị trí “độc tôn” thường thuộc
về một số bài hát không mấy xuất sắc, cho thấy “mảnh đất” này còn quá nghèo nàn
và thiếu tính cạnh tranh. Điều đó trái ngược với các bảng xếp hạng âm nhạc nước
ngoài, bởi ở đó sự thay đổi ngôi vị liên tục của nhiều ca khúc, giọng ca, nhóm
nhạc cho thấy một đời sống âm nhạc thật sự sôi động và phát triển. Sự chiếm
lĩnh của bolero cùng các trào lưu K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), C-pop (nhạc pop
tiếng Trung) trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay đang đặt ra câu hỏi về
sự yếu kém của nhạc trẻ Việt hiện nay.
Rõ ràng là, khâu sản xuất, quảng bá và tổ
chức biểu diễn âm nhạc đã thao túng thị trường âm nhạc đương thời. Năm 2004,
nhạc ngoại lời Việt chiếm 30% số ca khúc phổ biến trong băng dĩa nhạc, theo
thống kê của phòng ca múa nhạc Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Trên
sân khấu biểu diễn, số ca khúc nhạc ngoại lời Việt chiếm gần 50 %.
Ngoài ra, những giải thưởng âm nhạc cuối năm
từ thượng vàng hạ cám, hàng trăm tác phẩm âm nhạc được xếp hàng tôn vinh lại
khiến chúng ta có cảm giác đời sống âm nhạc lòe loẹt, sặc sỡ nhưng ít giá trị
thực chất. Giải thưởng nhiều, khiến sự tôn vinh bị lạm phát và trở nên hình
thức.
Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở
thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay Showbiz bao trùm lên đời sống
âm nhạc. Vì vậy, một thời gian dài, đời sống âm nhạc rơi vào tình trạng sôi
động bề mặt nhưng thiếu chiều sâu, thiếu những giá trị bền vững.
Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc
tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ, đến công chúng và dần làm
thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ trở nên lệch chuẩn..
Nguyên
nhân:
Tác giả Cao Minh trong bài viết “Vùng
trũng” của âm nhạc Việt Nam đăng trên Thế giới và Việt Nam ngày 03/08/2014
có đưa ra mấy nguyên nhân của thực trạng nầy. Xin bổ sung vài nguyên nhân nữa
và phân tích thêm.
Nguyên nhân của thực trạng nầy thì nhiều,
ngoài sự “vô tư” của một số nhạc sĩ và ca sĩ. Nhưng trước hết, là thiếu sâu
sát, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật;
đã lơi lỏng, không đủ khả năng để đưa hoạt động âm nhạc đi đúng chiều hướng
tích cực, nhất là sự “thiếu tầm” của một số người lảnh đạo, quản lý ngành văn
hóa ở các điạ phương.
Biểu hiện đầu tiên sự “thiếu tầm” nầy là ngắn
về tầm nhìn xa chiến lược của ngành, thường chỉ "chạy theo giải quyết sự
cố” sau khi báo chí và dư luận lên tiếng. Biểu hiện kế tiếp là quản lý văn hóa mà hẹp về bề rộng
văn hóa, lùn về chiều cao nghiệp vụ và cạn về chiều sâu cảm thụ nghệ thuật. Đơn
cử: Lảnh đạo một Sở Văn hóa Thông tin tỉnh phát biểu trước hội nghị khi là chủ
tri: “Tỉnh mình có kinh tế cao, mà chưa tổ chức được một đêm nhạc bolero như
các tỉnh Miền Tây là hạn chế lớn”. Hoặc một người có trách nhiệm ngành Văn hóa
Thông tin của tỉnh lại phát biểu: “Văn
nghệ sĩ tỉnh nhà, có người viết lòng vòng khắp nơi, nổi tiếng toàn quốc, mà
không có một chữ, một nốt viết về tỉnh mình là không thể chấp nhận được”.
Trong khi vì có tầm nhìn và am hiểu về văn học - nghệ thuật, trong buổi Gặp gỡ thường niên
giữa Bí thư tỉnh ủy tỉnh nầy với văn nghệ sĩ toàn tỉnh vào cuối năm 2017, có
lảnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan tham dự, ông có câu nói “để đời” mà văn
nghệ sĩ trong tỉnh thường nhắc tới: “Văn
nghệ sĩ là vốn quý của quốc gia. Tác
phẩm của họ có thể viết về nhân loại, đật nước, các vùng miền khác, miễn là
nhân văn và có giá trị. Là vốn quý của quốc gia, nhưng đã sống trên địa bàn
tỉnh ta, thì các cấp Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành hữu quan phải chăm
sóc đời sống vật chất, tình thần và tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ
sáng tác”.
Thứ hai, là do sự vụ lợi (hay lợi nhuận) của
những người sản xuất, tổ chức chương trình ca nhạc tạo ra sân chơi, sàn diễn
công khai cho các ca khúc loại kém chất lượng này được quảng bá tràn lan trong
xã hội. Chính nhạc sĩ Dương Cầm, cũng là một
nhà sản xuất âm nhạc (nhận cúp “Nhà sản xuất của năm” vào đầu năm 2018)
cũng công nhận vai trò tối quan trọng của người sản xuất âm nhạc: “Đấy là
những người có sự định hướng cho ca sĩ, tác phẩm và cả chính tác giả. Thị
trường âm nhạc nằm trong tay của các nhà sản xuất âm nhạc”.
Thứ ba, là Hội Nhạc sĩ Việt Nam là hội chuyên
nghiệp, mang tính chuyên sâu và chính thống về âm nhạc, nhưng những hoạt động
cùng tầm ảnh hưởng tới đời sống âm nhạc cả nước khá mờ nhạt. Mặc dù Hội có chủ
trương “giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công
chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản
phẩm âm nhạc trong môi trường nghệ thuật trong sáng, lành mạnh…, kiên quyết
chống xu hướng nghiệp dư hóa trong nghệ thuật, loại trừ thói lai căng, bắt
chước tùy tiện, dễ dãi trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc. Coi
trọng và đề cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận
và đào tạo.” (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Diễn
văn tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 17.12.2017 tại Hà
Nội).
Thứ tư, hệ thống truyền thông (truyền hình,
phát thanh, báo chí, mạng...) trong thời đại thông tin toàn cầu và kinh tế thị
trường đã vì lợi ích cục bộ, thông tin một chiều hoặc lệch về một số vấn đề
trong đời sống âm nhạc. Một số tờ báo cũng cổ xúy xu hướng âm nhạc có giá trị
thẩm mỹ thấp khi ngày ngày đăng tải tin
tức vô bổ về đời tư của ca sĩ trẻ, về các scandal, về mấy chuyện tình ái đáng
giấu đi hơn là khoe ra... để thu hút đông độc giả. Còn hệ thống truyền hình vì
mục tiêu thương mại, quảng cáo, nhiều ca khúc, chương trình biểu diễn âm nhạc
thiếu thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật kém vẫn được giới thiệu, lăng xê trên các
kênh truyền hình nhà nước (do các nhạc sĩ có văn hóa và tay nghề cao phụ
trách!) ở các khung giờ vàng, hoặc ngày càng có nhiều hơn các cuộc chơi ca
nhạc, biến âm nhạc thành những trò chơi, vô hình chung hạ thấp tính giáo dục,
tính nhận thức, tính thẩm mỹ, mà chỉ nghiêng hẳn sang lĩnh vực giải trí đơn thuần.
Rổi thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc mà các chương
trình này được tài trợ nên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của
doanh nghiệp tài trợ.
Thứ năm, là do ý thức và trách nhiệm của
người có trách nhiệm đối với đời sống âm nhạc hiện nay. Một ví dụ nhỏ mà điển
hình: các cuộc thi Sao Mai của truyền hình quốc gia bao nhiêu năm nay vẫn gọi
là: "phong cách Nhạc nhẹ", "phong cách Thính phòng" và
"phong cách Dân ca" mà các nhạc sĩ, thậm chí cả giáo sư, tiến sĩ âm
nhạc ngồi trong Hội đồng giám khảo vẫn cứ
điềm nhiên như không hề biết có gì đó sai của nhà đài phát động: Trong
văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, phong cách là khái niệm chỉ
đặc điểm nổi trội, ổn định và có chất lương
trong sáng tác của tác giả hoặc trong cách thể hiện của cá nhân hoặc
nhóm nghệ sĩ, riêng trong âm nhạc, 3 loại nhạc trên chỉ được gọi là “dòng”:
“dòng nhạc Thính phòng", "dòng nhạc nhẹ", "dòng nhạc mang
âm hưởng Dân ca". Rồi, truyền thông, báo chí vẫn vô cảm, điềm nhiên tuyên
truyền cái sai đó. Đây thực sự là điều nguy hại bởi nó góp một phần định hướng,
hướng dẫn thị hiếu thưởng thức của người dân.
Cuối cùng, là thiếu một sự giáo dục thẩm mỹ
nói chung và thẩm mỹ âm nhạc nói riêng mang tính hệ thống đối với học sinh,
sinh viên và đối với toàn xã hội (nằm trong chiến lược phát triển con người,
đất nước của những nhà hoạch định) trong một nền giáo dục lạc hậu. Vì thế, tình
trạng xuống cấp của ca khúc hiện nay khó có thể giải quyết rốt ráo, triệt để.
Và cứ như vậy, vấn đề càng trở nên nguy hại hơn, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến
thị hiếu thẩm mỹ nói chung, thị hiếu âm nhạc nói riêng của vài thế hệ.
III.
CA SĨ THỊ TRƯỜNG NGÀY NAY
(Ca sĩ Gil Lê) |
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét: “Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc,
make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú
trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát”.
Có người nhờ sự hỗ trợ của vũ đạo, trang phục
sexy mà che đi khuyết điểm trong giọng hát của mình như câu thành ngữ mới: lấy
mắt bù tai! Như một nữ ca sĩ trong Oh my chuối được đưa lên trang
Youtube với mấy bộ váy áo cũn cỡn, vũ điệu gợi dục mà được chú ý... Hoặc, gây
sự chú ý bằng những scandal đời tư hơn là những trau dồi về mặt chuyên môn.
Thay vì tìm lối đi riêng, dày công tập luyện thanh nhạc, rèn luyện vũ đạo, tham
gia các chương trình âm nhạc có tính chất cống hiến, không ít ca sĩ trẻ mải mê
với các gameshow để đánh bóng hình ảnh, hoặc sa vào thể hiện lại những ca khúc
mà những ca sĩ nổi tiếng một thời đã hát, như trong các chương trình: Gương mặt
thân quen, Giọng ải giọng ai, Gương mặt thân quen nhí, Phiên bản hoàn hảo...
(Ca sĩ Tiên Cookie) |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc
sĩ Việt Nam trong bài viết như là tổng
kết đánh giá toàn diện về âm nhạc Việt hiện thời “Âm nhạc Việt Nam trên đường
đổi mới và hội nhập quốc tế” đã viết: “Các ca
sĩ, các “Diva”, các Sao, các giọng ca dòng nhạc nhẹ nổi lên một thời gian như
cồn nhờ công nghệ lăng xê’’.
Nhiều giọng ca trẻ bắt chước giọng hát, cách
phát âm, nhả chữ... đến dáng điệu, y phục, trang điểm, cử chỉ và phong cách
biểu diễn của các ca sĩ đàn chị mà quên rằng: trong văn học nghệ thuật nói
chung và trong âm nhạc nói riêng, cả trong sáng tác lẫn biểu diễn, rất kiêng kỵ
sự lặp lại người khác. Người nghệ sĩ muốn thành công, trước tiên phải “không
giống ai’ nghĩa là phải có phong cách riêng. Thậm chí, Như Quỳnh, ca sĩ của
dòng nhạc này, trở về Việt Nam từ Mỹ làm giám khảo cuộc thi Thần tượng
Bolero, trong buổi gặp gỡ báo giới thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm nay, 2018
cũng chia sẻ: "Họ đang chịu ảnh
hưởng và bắt chước thế hệ trước. Nói ra điều này, nếu các ca sĩ trẻ có chê
trách, tôi cũng đành chịu. Các giọng ca gạo cội như Giao Linh, Thanh Tuyền,
Thanh Thúy, Hoàng Oanh... mỗi người đều có chất giọng đặc biệt, không thể lẫn
lộn. Tôi mong thế hệ sau sẽ có được giọng ca, âm điệu để cất tiếng lên, khán
giả không cần nhìn mặt vẫn nhận được đó là ai".
Trong nền âm nhạc thị trường, một số giọng ca
nổi tiếng thành danh với những dòng nhạc khác cũng không thể bỏ qua sức hút
cũng như lượng công chúng đông đảo của những ca khúc bolero như Cẩm Ly, Quốc
Đại, Phương Thanh… Ngoài ra, một số ca sĩ trẻ như Quốc Thiên, Phương Vy... cũng
đã chọn bolero để làm mới mình, trong đó album Quốc Thiên - Tình ca vượt thời
gian cũng được đánh giá tốt.
Điều gây bất ngờ nhất là ba ca sĩ hàng đầu
của dòng nhạc học thuật là Khánh Hòa, một giọng ca thính phòng vốn
"đóng đinh" với nhiều ca khúc về chủ đề người lính, biển đảo, biên
cương; Hoàng Tùng, giải Nhất phong cách thính phòng Sao mai 2003 và Lan Anh,
một
giọng ca opera sang trọng, đã không chỉ dừng lại ở việc "hát chơi"
như Trọng Tấn, Anh Thơ mà còn ra hẳn những album Bolero, đầu tư hòa âm, phối
khí mới cho các ca khúc… Có điều Khánh Hòa, một giọng ca thính phòng nổi
tiếng; Hoàng Tùng, vốn được đánh gía là giọng ca có kỹ thuật điêu luyện và Lan
Anh, một trong những giọng ca opera nữ số 1 Việt Nam hiện nay khi từ lối hát
học thuật của thính phòng chuyển thành chất bảng lảng xưa cũ của những hoài
niệm, khán giả cũng không khó để nhận ra họ đã thay đổi, với một cách hát hoàn
toàn khác. Cho nên có người đã đặt câu hỏi: Họ hát bolero là vì đam mê thực sự
hay là vì chạy theo trào lưu?
(Ca sĩ Phương Thanh) |
Đặc biệt là Phương Thanh với giọng hát dường
như sinh ra cho rock đã khiến khán giả bất ngờ khi ra mắt album Chanh Bolero.
Một cách hát nhạc xưa rất lạ, không quá sướt mướt, mùi mẫn, không sến sẩm,
nhưng buồn mà vẫn đẹp, vẫn cao sang của nữ ca sĩ đã trở thành một hiện tượng âm
nhạc tích cực của dòng nhạc bolero Việt Nam.
Nhưng Phương Thanh là trường hợp hiếm hoi, đa
số các ca sĩ từng nổi tiếng “lúc trước
hát tốt, tôi thích, nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất” như ý
kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Trả lời phỏng vấn về ca sĩ thị trường ngày nay,
ông có những nhận xét rất chân thành, thẳng thắn, bình tĩnh, có trách nhiệm và
nhiều trăn trở đối với giới ca sĩ và thậm chí với từng ca sĩ đang ăn khách hiện
nay. Có ca sĩ thì “cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng vướng kỹ thuật thanh nhạc
nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có”. Có ca sĩ thì “đóng kịch nhiều hơn là hát, khi diễn tả nội
tâm, diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật.”. Có ca sĩ hát “chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi
thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết”. Có ca sĩ trước “hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó
vào kỹ thuật để khoe giọng, và vô tình giết chết tình cảm. Người nào cũng phô
trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sĩ, còn hát chưa tới
thì chưa phải là ca sĩ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận”.
Người am hiểu và yêu âm nhạc rất lo lắng khi
thấy nhiều ca sĩ nhạc thính phòng được đào tạo về thanh nhạc nhiều năm trong
nhạc viện, một số được phong là Nghệ sĩ ưu tú bởi những cống hiến cho dòng nhạc
sang trọng, trí thức này, cũng vì đồng tiền đã bỏ sở trường là nhạc hàn lâm của
mình chạy qua mảnh đất đang màu mỡ là
nhạc thị trường này. Đáng buồn hơn là
khi thấy họ đứng nghiêm trước những lời “úynh giá” của các ca sĩ nhạc sến đàn
chị mà họ “khẩu phục”, vì đứng trước một nền ca nhạc bị thương mại hóa, trong
khi chắc chắn họ không “tâm phục”, vì họ chắc chắn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc
bởi một dòng âm nhạc cao cấp hơn thấm sâu vào tim óc, máu thịt họ nhiều năm
rồi!
Những năm gần đây, người ta còn mời nhiều ca
sĩ sến ở hải ngoại về Việt Nam và tổ chức những đêm nhạc “hoành tráng” trên
khắp ba miền đất nước để các ca sĩ này hát những bài ca rên rỉ, nỉ non… một
thời. Thậm chí, có nơi còn “sính” hàng ngoại và “đồ cổ quá đà”, đến nổi phải
mời họ làm giám khảo cho những cuộc thi ca nhạc, hội diễn do địa phương mình tổ
chức để truyền bá một nền văn hóa, văn nghệ mới!
IV.
CÔNG CHÚNG CA NHẠC THỜI NAY
Quá trình sáng tạo của văn học - nghệ thuật
nói chung bao gồm ba thành tố: tác giả - tác phẩm - công chúng. Còn quá trình
nầy trong âm nhạc, nhất là trong ca khúc thì qua thêm nhiều trung gian hơn: tổ
chức sản xuất, quảng bá nhạc phẩm, biểu diễn ca khúc nên ít nhất phải có năm thành
tố sau: tác giả - ca khúc - người điều phối - ca sĩ - công chúng. Quá trình nào
thì công chúng tiếp nhận, hưởng thụ tác phẩm cũng là đối tượng cuối cùng và là
trung tâm của sáng tạo nghệ thuật.
(Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân) |
Trở lên, trong khi bàn về bốn thành tố trước,
đã không thể không đề cập đến thành tố trung tâm của ca nhạc này - công chúng.
Nên trước khi trình bày cụ thể các lớp công chúng ca khúc ngày nay, xin mượn
lời của người có nhiều trách nhiệm với ca nhạc Việt Nam hiện nay, nhạc sĩ Đỗ
Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam để khái quát về công chúng ca nhạc hôm
nay: “Hiện nay, công chúng số đông thường
chỉ chú ý vào các ca khúc thị trường ra đời một cách vội vàng với ca từ đơn
giản, sáo rỗng, âm nhạc lai căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài, theo
dõi các ca sĩ, các “Diva”, các “Sao”, các giọng ca dòng nhạc nhẹ nổi lên một
thời gian như cồn nhờ công nghệ lăng xê. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ quên
đi hoặc không biết tới dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học (thanh nhạc
cũng như khí nhạc) và dòng âm nhạc cổ truyền - dân tộc” (“Âm nhạc Việt Nam
trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế” tài liệu đã dẫn).
Nói như thế, có nghĩa dòng ca khúc nhạc nhẹ có chất lượng tư tưởng
- nghệ thuật, dòng âm nhạc kinh điển bác học và dòng âm nhạc cổ truyền - dân
tộc vẫn còn có một lớp công chúng riêng. Nhưng đang nói đến “công chúng số
đông” với ca khúc thị trường.
Số đông bạn trẻ ngày nay đều thích nghe
nhạc trẻ, nhất là các thể loại nhạc Rock, Pop Ballad, V-pop hoặc
những thể loại nhạc mạnh như “Dance remix” hay dùng cho các vũ trường…
Nhưng như đã nói ở trên, do thị hiếu thẩm mỹ chưa sâu sắc, cơ bản, còn nhất
thời như một thứ "mốt”, cho nên khả năng đánh giá, sự lựa chọn thẩm mỹ
chưa định hình rõ nét, mà thành ra khả năng cảm thụ âm nhạc thấp, có khi thông
tục; lệch chuẩn và phiến diện, cực đoan một chiều. Xin nói rõ hơn về từng loại
thị hiếu này.
Về cảm thụ âm nhạc cực đoan một chiều: vì quá
say mê dòng nhạc trẻ thị trường hiện nay, họ xếp tất cả các dòng nhạc nhẹ khác
trước 1975: nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc vàng, tình khúc, nhạc xanh, nhạc
trẻ… đều là nhạc sến tuốt, là nhạc lạc hậu so với thời đại, trong khi chính
bản thân mình cũng không biết chọn loại nhạc giá trị theo đúng nghĩa
của nó để thưởng thức, chỉ biết nghe loại nhạc thị trường đậm chất
“sến” do các “nhạc sĩ thị trường” tạo nên.
Về thị hiếu âm nhạc lệch lạc, không đúng đắn,
lành mạnh: Một bộ phận giới trẻ có xu hướng và thói quen thưởng thức âm nhạc
bằng mắt hơn bằng tai vì ca từ làm sao họ hiểu nổi (ca từ tiếng nước ngoài hoặc
ca từ tiếng việt thì sáo rỗng, vô nghĩa) và
bằng chứng là những ca sĩ nào có vũ đạo đẹp, lạ, sôi động và ăn mặc mát
mẻ sẽ thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn.
Còn về khả năng cảm thụ âm nhạc thấp lùn,
thông tục thì vô số sự kiện minh họa: Ở trên có nhắc đến MV Oh my chuối, ca
khúc có ca từ nhố nhăng, lố bịch,
tục tĩu và nữ ca sĩ biễu diễn trong với mấy bộ váy áo cũn cỡn, vũ điệu gợi dục.
Đáng ngạc nhiên là theo một bài báo thì: "nhiều ý kiến cho rằng Oh my
chuối là thảm họa của V-pop, nhảm nhí, tục tĩu và gợi dục và xếp MV này vào
một trong những sản phẩm "rẻ tiền", "lố lăng”, thì MV Oh my chuối lại thu hút nhiều người xem
trên Youtube.”
Rồi cuối năm 2013, trong một buổi biểu diễn
tại Hải Phòng, hai nam rapper trẻ trình bày một ca khúc khá nổi tiếng với lời
"chế" tục tĩu, đáng nói là lời "chế" này lại được khán giả
tại buổi biểu diễn ủng hộ! Hai ca sĩ này còn cùng một vài ca sĩ khác thuộc dòng
nhạc underground biểu diễn ca khúc Phiếu bé ngoan gồm hai phần, đều có
các ca từ vô cùng tục tĩu, phản cảm, mang tính khiêu dâm trần trụi và được đăng
tải trên một số trang nghe nhạc trực tuyến. Đáng tiếc là trong khi có bạn đọc
nhận xét trên Youtube: "YANBI sáng
tác ra ca khúc này quả là con người quá bệnh hoạn. Ca từ dung tục, trần trụi
không một chút nghệ thuật dẫu là nghệ thuật của tầng lớp sến, hạ cấp... Chắc
khi sáng tác bài này YANBI đang ở thời kỳ bệnh... nặng về thần kinh"
thì vẫn vẫn có nhiều người ủng hộ, bênh vực, có ý kiến cho rằng: “Đó là thể loại nhạc riêng tách biệt với những
thể loại âm nhạc đại chúng, và họ hát là vì niềm say mê âm nhạc” (!?)
Ba sự kiện này và nhiều sự kiện khác trong
các đoạn trên khi nói về nhạc sĩ, ca sĩ, giới sản xuất, tổ chức quảng bá, biểu
diễn, vai trò của truyền hình, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng…
cho thấy, thực tế đời sống âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, một bộ phận công chúng yêu thích các ca khúc rất thiếu văn hóa, giai điệu nhạt
nhòa, na ná nhau, ca từ hời hợt, dễ dãi, thậm chí ca sĩ rất sex và phản cảm thể
hiện lại được hâm mộ và tôn thành “thần tượng”.
Thực tế đó khiến dư luận phải đặt câu hỏi:
Phải chăng thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ,
đang trong xu hướng xuống cấp nghiêm trọng?
Trong một xã hội mà nền kinh tế thị trường
mới khai mở, những hỗn loạn là không thể tránh khỏi khi đạo đức xuống cấp và
chủ nghĩa sex (Sexual Marxism) đang lên ngôi. Đại gia và một số quan chức khi
ăn, uống phải có em “nhà nghèo” ngồi cạnh. Chương trình trực tiếp bình luận
bóng đá World đá” cup 2018 trên VTV năm nay, bao giờ cũng có một em trẻ đẹp gọi là yêu bóng đá, mê cầu thủ nào đó
ngồi trên diễn đàn chung với ba vị khách mời đáng kính trọng là các chuyên gia
bóng đá, phóng viên thể thao hàng đầu của Việt Nam. Người say mê bóng đá chân
chính vừa bực mình, vừa buồn cười, vừa thấy tội nghiệp khi nghe các em uốn éo
trả lời nhợt nhạt, “vô tư” trước những câu hỏi của biên tập viên truyền hình có
tính chuyên sâu về chiến thuật, chiến lược, đấu pháp… của trận đấu, của bóng
đá nằm “ngoài chuyên môn” của các em.
Nhưng để chủ nghĩa tình dục trên hết lan sang và nhúng chàm vào lãnh vực âm
nhạc, một bộ môn nghệ thuật có tính đại chúng cao và có ảnh hưởng lớn đến văn
hóa, lối sống của công chúng thì khác, thì thành quá nghiêm trọng rồi!
Công bằng mà nói, bộ phận giới trẻ này dù yêu
thích đến say mê loại nhạc rẻ tiền, lố bịch và phản cảm như thế, nhưng được
cái, đó là niềm đam mê chân thực, nhiệt tình, có khi đến “điên cuồng” của họ.
Như có người sẵn sàng làm mọi thứ để
được gặp mặt, được xem thần tượng. Họ khóc, nài nỉ, thậm chí… đe dọa tự tử với
bố mẹ chỉ để được đi xem trực tiếp thần tượng của mình biểu diễn. Rồi, sau khi
đã được gặp thần tượng, họ sẽ bắt chước từ đáng đi, kiểu ăn mặc, kiểu tóc...
của thần tượng và sẵn sàng “ăn thua đủ” với những ai nói xấu thần tượng... Chuyện
bi hài mà nhiều kênh đã đăng: một nhóm bạn trẻ quỳ xuống và hôn chiếc ghế của
ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi, trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn
Hà Nội!
Lệch sang một hướng khác, có một bộ phận công
chúng bây giờ chỉ yêu thích nhạc vàng. Giới này gồm những người lớn tuổi thuộc
tầng lớp bình dân, trong đó có tầng lớp mới giàu và một bộ phận giới trẻ bây
giờ, mà đáng ngạc nhiên là có cả thanh niên có học, có cả cử nhân, thạc sĩ,
tiến sĩ trẻ. Một số trong họ đã đối lập nhạc vàng trước 1975 với tất cả các
dòng nhạc khác (nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, nhạc phản chiến, du ca, tình khúc,
nhạc trẻ…) và tự nguyện gọi dòng nhạc mà họ thích là nhạc sến với với sắc thái
biểu cảm dương tính = ca ngợi, đam mê, yêu thích…, khác với giới có học, trung
lưu ở miền Nam trước kia, chỉ thích dòng nhạc sang (nhạc tiền chiến, phản
chiến, tình khúc …) gọi dòng nhạc đó là nhạc sến với sắc thái biểu cảm âm tính
= coi thường, thấp kém… Chuyện vui cực ngắn: "Em muốn hát nhạc sến cơ! Bấm cho em bài Hương xưa của Cung Tiến (?)
đi anh!..." như lời một cô sinh
viên nói với bạn trai trong phòng karaoke!...
Lượng công chúng yêu nhạc vàng đông đảo trở
thành một phong trào, và như đã nói trên, đến nổi nhiều nhà sản xuất ca nhạc ra
nhiều băng từ bolero, nhiều ca sĩ chuyển dòng nhạc, nhiều ca sĩ bolero mới nổi
lên, nhiều nhạc hội, nhiều sàn diễn bolero được tổ chức, nhiều trang mạng đăng
nhạc bolero, nhiều đài truyền hình tổ chức nhiều chương trình nhạc bolero… để
đáp ứng nhu cầu của họ và để tăng thu lợi nhuận. Báo chí và các phương tiện
thông tin khác cũng không thể bỏ qua đề tài “ăn
khách” nầy để thu hút độc giả, khán thính giả…
Thực ra, điệu bolero trữ tình vốn sang trọng,
ngọt ngào, tiết tấu chậm buồn, nhẹ nhàng, có thể nói đến chia ly, cô đơn, nhưng
không quá đau đớn, sầu não, bi lụy… như thực trạng do ca từ của nhạc sĩ và lối hát của ca sĩ hiện nay tạo nên.
Điều đáng nói, là công chúng yêu dòng nhạc bolero đương thời lại nhận thức chưa
đúng đắn chân giá trị cốt lõi của dòng nhạc này, tưởng chất bolero là: sướt
mướt, sến sẩm, ủy mị, quằn quại, khổ đau, bi sầu, rên rỉ… như các ca sĩ ngày
nay thể hiện và đánh đồng nhạc bolero với nhạc sến, khi nó bị khai thác “quá
đà” và “biến dạng” thảm hại trên truyền hình và nhạc hội, sàn diễn ngày nay.
Như đang có cơn sốt bolero, một biểu hiện
“hội chứng đám đông”, theo “mốt”, mang tính phong trào quá rõ. Thị hiếu âm nhạc
của một bộ phận công chúng không còn là tự thân, mà đang bị truyền thông thương
mại dẫn dắt với mức độ thái quá. Lên xe đò, thường được nghe miễn phí, những
bài hát thuộc dòng nhạc bolero. Quà tặng cho nhau, giờ có thêm sản phẩm mới, là
đĩa nhạc, cái USB chứa bài hát bolero. Quán karaoke cho đến đám cưới bây giờ,
nhạc bolero được người ta chọn nhiều hơn. Thậm chí, đám tang người ta cũng
“xài” bolero, khi đám thanh niên hát buồn về khuya trong rạp đám và đội kèn hòa
tấu trên đường đưa đám, toàn bolero. Mở truyền hình, vặn đài, hết show này đến
chương trình khác, thi tài hát bolero. Báo chí, truyền thông xã hội giành nhiều
diện tích, thời lượng luận bàn về dòng nhạc này.
Dư luận đàm tiếu nhiều về thị hiếu âm nhạc
của đám trọc phú mới nổi: Ông chủ thì chỉ thích nghe nhạc sến Việt với giai
điệu lèn phèn và lời ca đơn sơ hợp với “gu” của họ; còn “cô cậu chủ”, con cái
họ thì chỉ đủ sức cảm nhận loại nhạc sến Tây phương ồn ào thô tục. Đám trọc phú
này đã tung tiền để bảo trợ những chương trình ca nhạc nhảm nhí trên các sân
khấu và đài truyền hình khắp các địa phương và thể hiện rõ đặc trưng của “trọc
phú” là tính chơi ngông với tiền bạc, tương tự như công tử Bạc Liêu xưa và
Cường Đô La ngày nay: Trong những dịp tiệc tùng như sinh nhật và cưới hỏi, họ
dám thuê hàng chục ca sĩ tiếng tăm, với thù lao cả hàng ngàn đô la Mỹ mỗi
người, để hát những bài ca sến mà họ ưa thích.
Một chuyện có thật: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ
chức một đêm Nhạc Hoàng Việt, người nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa, mời
đoàn nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu Việt
Nam về biểu diễn, cho xe ca đưa cán bộ, nhân dân từ các huyện thị về thành phố
Vũng Tàu. Đêm nhạc hoành tráng, sang trọng với những ca khúc nổi tiếng thuộc
nhiều dòng nhạc của Hoàng Việt: Tiếng còi trong
sương đêm, Nhạc rừng,
Lên ngàn, Quê
mẹ, Tình ca,
Tình
ca 2… và bản Giao hưởng đầu tiên của Việt Nam: Quê hương (1965).
Nhưng rạp hát Điện Biên với vỏn vẹn 500 chỗ, mở cửa tự do, không bán vé vẫn còn
lỏng lẻo người. Trong khi đó, đêm nhạc Tình ca bolero do Trung tâm Văn hóa -
Thể thao tỉnh tổ chức ở thành phố Bà Rịa mời các ca sĩ hạng hai thể hiện tại
hội trường lớn, Nhà biểu diễn đại chúng của Trung tâm có sức chứa trong cả hai
tầng gần 1.000 chỗ, gấp hai lần rạp hát trên, lại chật nêm người mua vé vào
cửa, trong đó ngoài lứa tuổi trung niên, cao niên còn có đông đảo lớp người trí
thức trẻ.
Lý giải cho hiện tượng nhạc trẻ bùng lên và
nhạc vàng trỗi dậy, ngoài những nguyên nhân kinh tế - xã hội, có những nguyên
nhân xuất phát từ phía chủ quan công chúng yêu nhạc. Đó là tâm lý “quen quá,
hóa chán”, “cũ người, mới ta”, và “thiếu gì, thích nấy”. Công chúng yêu nhạc
trước đây nghe toàn nhạc đỏ, “quen quá, hóa chán”, bảo hòa rồi, nay mở cửa được
"mở mắt" thấy được bầu trời âm nhạc rất đa hệ, phong phú,”thiếu gì
thích nấy” nên “cũ người mới ta” say mê các dòng nhạc mình tưởng là
mới lạ. Nhưng lý giải thế nào về hiện tượng một bộ phận trí thức trẻ bây giờ
lại yêu thích nhạc vàng, trong khi dòng nhạc này trước 1975, ở Miền Nam chỉ
được giới bình dân ở nông thôn, thị
thành và lính hát, còn giới có học, như sinh viên, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, sĩ
quan… chỉ nghe các dòng nhạc sang? Cho nên, thời đó muốn nghe nhạc vàng thì
phải vào câu lạc bộ Hạ sĩ quan & Binh sĩ, còn muốn nghe nhạc tiền chiến, tình
khúc, nhạc phản chiến… của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Nguyễn
Văn Thương, Văn Cao… thì phải vào câu lạc bộ Sĩ quan (những người có tú tài trở
lên). Có một độ chênh trong nhận thức và cảm thụ thẩm mỹ giữa các thế hệ!
Có thể lý giải hiện tượng này bằng năng lực
thẩm mỹ. Không phải cứ biết chữ là đọc được thơ, cứ có mắt là xem được tranh
tượng và không phải cứ có tai là thưởng thức được nhạc. Điều đó còn tùy
thuộc vào năng lực thẩm mỹ của mỗi người. Riêng năng lực thẩm mỹ âm nhạc là khả
năng của mỗi cá nhân trong khi thưởng thức sản phẩm âm nhạc, từ đó nhận định về
sự hay - dở, xác định thái độ thích hay không thích đối với tác phẩm một cách
đúng đắn, lành mạnh. Năng lực thẩm mỹ âm nhạc của mỗi người tùy thuộc vào nhiều
yếu tố tổng hòa lại: văn hóa - giáo dục, năng khiếu, truyền thống, sự trải
nghiệm, tự học tập rèn luyện… của mình. Do đó, năng lực thẩm mỹ, xu hướng thẩm
mỹ của mỗi người mỗi khác nhau do các thành tố tạo nên khác nhau, nhưng thị
hiếu thẩm mỹ vẫn có mẫu số chung, đó là giúp con người hướng tới các giá trị
chân - thiện - mỹ, tiếp nhận nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để giải
trí, mà qua đó thu nạp những giá trị có ý nghĩa xã hội - nhân văn, thu nạp tri
thức, làm phong phú đời sống tinh thần và đặt mình vào xu hướng luôn hành động
sao cho có thể vừa làm đẹp bản thân, vừa góp phần làm đẹp xã hội.
Trong nhiều yếu tố tổng hòa để hình thành
năng lực thẩm mỹ, quan trọng nhất là yếu tố văn hóa - giáo dục. Yếu tố văn hóa
- giáo dục không mâu thuẩn với, nhưng khác với yếu tố bằng cấp. Bằng cấp ngày
nay thường chỉ công nhận về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của anh,
nhưng thường không thể hiện cấp độ văn hóa và mức độ “có giáo dục” của anh.
Chuyện thường ngày: Thời trước, mỗi giờ học Việt văn, anh say mê vì giáo sư làm
cho anh yêu cái đẹp, yêu văn chương - nghệ thuật, từ đó dần dần nâng cao khả
năng cảm thụ nghệ thuật của anh theo một lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn và lành
mạnh, góp phần làm cho anh cảm thụ, nhận biết
được ca khúc nào là có giá trị tư tưởng - nghệ thuật để anh chọn. Còn
bây giờ, có những tiết Giảng văn, anh nhàm chán vì có những giáo viên bình
giảng văn chương như lên lớp bài Chính trị, Đạo đức, Giáo dục công dân, bởi giáo viên chỉ chú trọng đến ba mục đích
yêu cầu: giáo dục (truyền bá tư tưởng, đạo đức), giáo dưỡng (cung cấp kiến
thức) và rèn kỹ năng, mà quên mục đích
yêu cầu thứ tư của môn Văn học là giáo dục thẩm mỹ, một yếu tố để hoàn thiện
nhân cách con người. Xong tiết học, anh không những không yêu thêm văn chương -
nghệ thuật mà còn “hãi” nó. Từ đó, làm cho anh dần vô cảm với cái hay, cái đẹp
của văn chương - nghệ thuật.
Rất mừng là còn công chúng thứ ba là đối
tượng của “nhạc sang”. Họ là những người có học: trí thức cũ (ở Miền Nam ), trí thức
cách mạng (ở Miền Bắc), lớp trẻ có văn hóa thời nay và một lớp người thuộc
thành phần trung lưu am hiểu về âm nhạc, nhiều người trong họ biết chơi đàn,
phổ biến là guitar. Nhạc sang của họ là những ca khúc có giá trị, nổi tiếng một
thời thuộc nhiều dòng nhạc: nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, tình khúc… và các ca khúc
nhạc nhẹ chính thống đương thời của các nhạc sĩ không chạy theo dòng nhạc thị
trường bị thương mại hóa.
Nhắc đến thực trạng âm nhạc hôm nay, lại nhớ
đến một nhận định trong bài viết khá công phu và nhiệt huyết “Âm nhạc Việt Nam
xưa và nay!” của Phan Nguyên Luân. Tác giả đã trích dẫn
lời của nhà xã hội học cổ đại Tuân Tử: “Một
trong những đặc trưng của thời loạn là âm nhạc nhố nhăng, bông lông” (Tuân
Tử - Chương Bàn Về Nhạc, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trang 314) để khái quát: “Việt Nam hiện nay không có chiến tranh,
nhưng lại có những dấu hiệu (sắp) đang ở trong thời loạn… Mà âm nhạc của Việt
Nam hiện nay thì quả thật quá nhố nhăng và bông lông”. Lập luận của tác giả
theo tam đoạn luận gồm ba mệnh đề: tiền đề là câu nói của Tuân Tử, thân đề (đặt
ở cuối) là nhận xét về thực trạng âm nhạc Việt Nam hiện nay “quá nhố nhăng và bông lông”, kết đề (đặt
ở giữa) là kết luận về xã hội Việt Nam “có những dấu hiệu (sắp) đang ở trong
thời loạn…”. Lời phán truyền của bậc hiền triết Tuân Tử là chân lý rồi, thực
trạng âm nhạc Việt Nam được nhận định như thế là quá xác đáng rồi, nhưng dù
đồng cảm với tác giả trên, cũng không thể hoàn toàn đồng ý hoàn toàn với kết
luận của ông. Bởi dù khái niệm “nhạc” trong Nho giáo có những nét tương đồng
với khái niệm âm nhạc hiện đại: Nhạc là sự hòa hợp các thứ âm thanh mà tạo
thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng trước ngoại vật. Thiên
còn lại trong Sách Nhạc (bị thất lạc bởi
chính sách “đốt sách” của Tần Thủy Hoàng) ghép trong Kinh Lễ có viết về nhạc rằng: “có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành,
có thể cảm lòng người rất sâu và làm phong tục dời đổi được…”. Nhưng Nhạc
trong quan niệm Nho giáo cao hơn và khác với âm nhạc hiện đại, Khổng Tử viết:.“Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh
âm, Hành chính để thống nhất hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ,
Nhạc, Hành chính, Hình pháp có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhất
lòng dân để thực hiện một nền thạnh trị.”. Như vậy, nhạc trong Nho giáo còn là đạo trị nước như Hành chính,
Hình pháp. Quan niệm như vậy, thì ở thời xa xưa đó, nhạc loạn thì nước loạn là
đúng rồi. Còn âm nhạc hiện đại là một trong 7 loại hình nghệ thuật (1.Kiến trúc
và trang trí, 2. Điêu khắc, 3. Hội họa, 4. Âm nhạc, 5. Văn Chương, 6. Sân khấu,
7. Điện ảnh). Nên tuy âm nhạc rối loạn, xuống cấp có góp phần vào việc làm rối
loạn, xuống cấp đời sống xã hội, nhưng
không thể đủ sức đẩy đất nước vào “thời loạn” được. Ở đây, xin nói cho rạch
ròi, cặn kẽ: Tác giả trên đã đánh tráo khái niệm trong lập luận: đồng hóa hai
nghĩa của một từ đồng âm, từ đa nghĩa, hay một từ dùng trong hai phong cách
ngôn ngữ khác nhau, khi “cào bằng” nghĩa cổ và nghĩa mới của từ Nhạc (âm nhạc).
Kiểu như lập luận ngụy biện trong tam đoạn luận vui sau: Vật chất tồn tại mãi
mãi, không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển hóa dạng này qua dạng khác. Bánh mì là
vật chất, Vậy bánh mì tồn tại mãi mãi, mua một ổ ăn suốt đời! Tiền đề và thân
đề đều đúng nhưng kết đề lại… hài hước, gây cười, vì tác giả đã đánh tráo khái
niệm của từ đa nghĩa “vật chất”: “vật chất” trong mệnh đề 1 là thuật ngữ triết
học, dùng trong phong cách ngôn ngữ khoa học, “vật chất” trong mệnh đề 2 là
ngôn ngữ thông thường dùng trong phong cách khẩu ngữ tự nhiên. Một vỏ vật chất
của từ “vật chất” chứa hai tinh thần ngữ nghĩa khác xa nhau!
Để có tạm kết lạc quan hơn cho phần này, xin
mượn lời ba nhạc sĩ có uy tín đương thời. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường
Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt
Nam, cho rằng: Âm nhạc giống như một dòng sông chảy qua nhiều đoạn. Có những
đoạn chảy êm đềm, cũng có những đoạn chảy thành nhánh, khúc khuỷu, bâng quơ.
Nhưng cuối cùng, những nhánh đó vẫn sẽ nhập vào dòng chảy chính và mọi thứ lại
trở nên tốt đẹp. “Từ xưa đến nay, âm
nhạc có những khi khủng hoảng nhưng không đến mức xuống dốc, hay đáng lo ngại.
Bởi sau cùng, giá trị chân thực mới tồn tại được”, ông chia sẻ.
Cũng đồng ý với quan điểm của nhạc sĩ Đức
Trịnh, nhạc sĩ Hoàng Lân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội,
cho rằng: Mọi thứ sẽ được sàng lọc bởi thời gian và công chúng. Những gì là
ngọc quý có giá trị sẽ trường tồn với thời gian. Còn những gì phản cảm, vô giá
trị sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Nhận xét về âm nhạc thị trường hiện nay của
Nguyễn Ánh 9 đã gây ra phản ứng trái chiều trong công luận: “Nhạc thị trường sẽ
rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự
động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại… Đời
tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này”.
Đáng lạc quan cho nền âm nhạc Việt Nam là ý
kiến đồng thuận với Nguyễn Ánh 9 chiếm số đông công chúng, trong đó có ca sĩ
nổi tiếng như Ánh Tuyết, đặc biệt thái độ “trân trọng” của những người có trách
nhiệm cao nhất với âm nhạc Việt Nam hiện nay: Phó giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ
Nguyễn Hồng Quân và nhạc sĩ Cát Vận, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt
Nam trước “nhận xét rất chân thành, bình
tĩnh, có trách nhiệm và nhiều trăn trở đối với đời sống âm nhạc” (Nguyễn
Hồng Quân) của tác giả của “Buồn ơi, chào mi”.
Xin đừng lo: "Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ đừng cuồng điên mơ trăm năm sau..."
(Trịnh Công Sơn - Hãy cứ vui như mọi ngày). Rồi các thế hệ công chúng âm nhạc
sẽ giữ lại cái tinh túy và thời gian sẽ cuốn trôi những rác rưởi. Rõ ràng trước
mắt đó: Bây giờ ta đã có "Những tình khúc bất tử", "Những tình
khúc vượt thời gian”, "Những tình
ca xuyên thế kỷ", "Những ca khúc nổi tiếng một thời", "Những bài hát truyền thống - cách mạng", "Những bài ca đi
cùng năm tháng", " Những bài ca bất hủ", "Những bài ca
không quên", v.v và v.v... rồi đó.
-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN
NHẠC VIỆT NAM ”
-
nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên
Minh Khoa, xuất bản năm 2018).
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẠY NGAY ĐI
của Sơn Tùng MTP, qua tiếng hát Sơn Tùng MTP:
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu.
Email:
lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.10.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét