(Nhà thơ, nhà giáo Lê Thiên Minh Khoa) |
ĐỌC ‘CHÂN
DUNG TỰ HOA 34’
CỦA LÊ THIÊN
MINH KHOA
*
VÀ EM…
(tự họa 34)
Và em.
Và tôi.
Và thơ.
Và lung linh rượu.
Và chờ đêm qua
Và Không.
Và Phật.
Và Ma.
Hội nhau trong cõi
ta - bà
Rong chơi
Và em.
Và tôi.
Và ai.
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn
năm
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!…
*
Nhà sáng tác Đà Lạt - 8.2006
LÊ THIÊN MINH KHOA
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch) |
Có lần tôi đã viết một bài cảm nhận về “Thơ Ngắn Lạ Đời Lê Thiên Minh Khoa”.
Ngoài những bài thơ ngắn lạ đời đó, nhà thơ Lê Thiên Minh khoa còn có nhiều bài
thơ “Chân Dung Tự Họa” cũng
rất lạ đời. Hôm nay tôi xin bàn đến một trong những bài thơ ấy. Đó là bài “Và Em..”
“Và Em…”
là một bài thơ mà Lê Thiên Minh khoa không tự họa chân dung của khuôn mặt mình.
Nhà thơ tự họa chân dung của tâm hồn mình. Đọc “Và Em…”, ai mến Khoa thì gọi nó là thơ, ai ghét khoa thì gọi nó
không là thơ cũng được. Bởi vì “Và Em
…” như lời vu vơ của một tên khùng. Ngược lại “Và Em…” cũng như lời cao vời của một thi nhân:
Và em.
Và tôi.
Và thơ.
Và lung linh rượu.
Và chờ đêm qua
Em, tôi, thơ và rượu được hòa điệu trong nhau là
những thời khắc hạnh phúc tuyệt vời. Chữ “Và”
cho ta cảm nhận sự hội ngộ của 4 nhân vật đem đến niềm vui trác tuyệt. Em là
một nhân vật, tôi là một nhân vật, thơ và rượu ở đây cũng được nhân cách hóa
thành hai nhân vật để đáng ra, cuộc vui tồn tại thâu đêm.
Thế nhưng lạ thay, nhà thơ xuống một câu thơ
nghịch lý vô cùng: “Và chờ đêm qua”.
Chờ ai qua đêm và vì sao phải chờ qua đêm?
Đọc câu thơ nầy tôi bỏ bài thơ xuỗng. Không hiểu!
Ngày hôm sau đọc lại câu thơ nầy, tôi lại bỏ bài thơ xuống. Không hiểu! Rồi
bỗng một lúc nào đó, sáng tỏ bừng lên trong đầu tôi khi đọc tiếp khổ thơ thứ
hai của Lê Thiên Minh Khoa:
Và Không.
Và Phật.
Và Ma.
Hội nhau trong cõi
ta - bà
Rong chơi
Hóa ra “Và
em, và tôi, và thơ” chỉ là chữ “Sắc”
trong đạo Phật. “Sắc tức thị không, không
tức thị sắc”, chữ “Sắc” nầy biến
thành chữ “Không” ngay trong tâm hồn
vô thường của nhà thơ: “Và không”
Hình như trong khổ thơ thứ nhất chỉ có rượu là
thật, còn tất cả chỉ là ảo ảnh, ảo ảnh ấy diển biến trong tâm trí nhà thơ mà
thôi. Nhà thơ đang cô đơn giữa cuộc đời, đang bơ vơ lạc lõng trong hố thẳm trí
tuệ, đang mất định hướng về đời, về thơ, về tình và về chính bản thân mình.
Đi với linh hồn Lê Thiên Minh Khoa lúc ấy, ở
trong đầu Lê Thiên Minh Khoa lúc ấy, không những chỉ có bóng em, bóng thơ mà
còn có bóng ma và bóng Phật. Tất cả các bóng đó chập chọa, ẩn rồi hiện, có mà
không, không mà có. Những hình bóng đó cùng Lê Thiên Minh Khoa “Hội nhau trong cõi ta-bà/ Rong chơi”.
Đúng ra, tất cả những bóng ấy ám ảnh trong tâm hồn nhà thơ, đích thị là chân
dung của “tâm hồn Lê Thiên Minh Khoa” đã tự họa cho mình. Một tâm hồn đang khắc
khỏi với những nan đề của tình yêu và của tâm linh khó giải trong cuộc sống.
Đọc hai khổ thơ trên ta thấy nhà thơ Lê Thiên
Minh Khoa không rong chơi bình an bao giờ. Tác giả mang nặng trong tâm tư mình
sự dằn vặt, thắc mắc, chạy đi tìm kiếm nhiều sự thật còn mập mở. Nhà thơ đang
đuổi theo những bóng chân lý về đời, về tình, về thơ, về đạo và về cái “tôi” của chính nhà thơ. Có lẽ nhà thơ
chỉ có thể rong chơi được trong rượu để “chờ
qua đêm”. Chờ qua đêm để hôi ngộ cái chân lý mình tìm kiếm. Chân lý ấy như
bóng ma, chỉ chập chờn trong tư duy mà chẳng bao giờ lộ diện nguyên hình để nhà
thơ bắt được nó trong trí óc của mình. Bởi thế nhà thơ “Chờ qua đêm” và sẽ còn “Chờ
qua đêm” mãi mãi…
Và khi hoài nghi trong đầu lên đến độ cao, thật
và ảo làm mờ đôi mắt tuệ, nhà Lê Thiên Minh Khoa không đi tìm cứu cánh trong
đạo, trong thiền để định được tâm linh mình. Nhà thơ đi tìm cứu cánh trong thơ
và rượu thì dễ lắm tinh thần tẩu hỏa, cái nhìn trở nên bấn loạn:
Và em.
Và tôi.
Và ai.
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn
năm
Bây giờ Lê Thiên Mình Khoa không biết em, không
biết tôi, không biết cả thời gian dài hay ngắn. Khổ thơ cho ta thấy sự nghi
ngờ, sự lẩn lộn xảy ra trong tâm hồn tác giả. Mọi sự nhà thơ dồn vào trong một
chữ “Và”. Chữ “Và” đó chứa em, chứa tôi, chứa ai nữa không biết, chứa nỗi nhớ gì
không biết, chỉ biết là nhớ 100 năm cho đến 1000 năm còn nhớ.
Sau phút loạn thị đôi mắt của tuệ, những tưởng
nhà thơ tẩu hỏa vi căn thẳng tư duy trong rượu. Nhưng không, Lê Thiên Minh Khoa
còn tỉnh táo để cho ta biết nỗi nhớ trăm năm, ngàn năm, hay chính ra, là nỗi
nhớ trải qua bao kiếp người. Bao kiếp người ấy nhà thơ đã nhận chịu những nỗi
đau vật chất và tinh thần phi lý:
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!…
Hóa ra cũng chỉ là nhớ nỗi đau của “Khổ Đế”, một chân lý trong bốn chân lý
mà Đức phật tìm ra dưới gốc cây bồ đề. Đức Phật tìm ra nguyên nhân của sự khổ,
Ngài ngộ được nhưng Lê Thiên Minh Khoa không ngộ được. Nhà thơ có thấy chăng
cái nguyên nhân đó, thì cũng như sự thấy của triệu triệu sinh linh trong cõi ta
bà nầy, nghĩa là thấy mập mờ hình bóng mà thôi, thấy như thấy vầng trăng Đức
Phật chỉ, nhưng nó ở ngàn vạn xa không bao giờ đến được.
Là một thi nhân còn trong cõi tục lụy, mang nỗi
đau của kiếp nhân sinh, con tim nhạy cảm, rung động trước hoan lạc và trước nỗi
buồn, tìềm tàng trong linh hồn mập mờ hình ảnh những nhánh sông đời trong tiền
kiếp, nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa bật lên trong thơ tiếng kêu của mình, như
tiếng con nai vàng lạc trong rừng rậm. Nhà thơ tự họa bằng thơ chân dung của
linh hồn mình, như một con thuyền bơ vơ trôi giữa hư và thực, kể cả ngọn hải
đăng của đời, của Thiên Đường hay của địa ngục cũng không có. Em và tôi và ma
và Phật, và trăm năm đều nằm trong ly rượu. đó là thứ đạo chân lý mà Lê Thiên
Minh Khoa làm giáo chủ, để vơi đi nỗi nhớ xa xăm, để quên đi những bài toán khó
của cuộc đời không giải được như thần linh, như ma quỷ ám ảnh nhà thơ mãi mãi…
*.
Đà Nẵng 27.5.2020
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.05.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét