SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI? - Tác giả: Phạm Đức Nhì (Hoa Kỳ)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internte)
 SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI?
*
Đọc bài viết “Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào?” của giáo sư Hoàng Đằng trên Văn Nghệ Quảng Trị, thấy hay hay nên “góp vui” mấy ý.
Độc giả có thể đọc bài viết theo link dưới đây:

Điểm Tựa Để So Sánh
PHONG LAI SƠ TRÚC 
Phong lai sơ trúc
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự lai (#) nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không
(#) Có bản dùng chữ đáo

GIÓ ĐẾN BỤI TRÚC
Gió đến bụi trúc
Gió qua rồi mà trúc không lưu lại âm thanh
Nhạn bay qua đầm nước lạnh
Nhạn qua rồi mà mặt nước đầm không lưu lại hình ảnh
Cho nên người quân tử
Việc đến thì tâm khởi
Việc qua thì tâm hoàn không
              (Tự dịch)
(Tác giả Phạm Đức Nhì)
Một Nho gia đã viết Phong Lai Sơ Trúc để chỉ cho đám hậu bối phương cách “chính kỳ tâm”, một trong chuỗi mắt xích “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà nho sinh phải từng bước tu tập để thành người quân tử. Ý chính của Phong Lai Sơ Trúc là đừng tiếc nuối, níu kéo, trói buộc tâm mình ; hãy buông xả tất cả - hạnh phúc hay đau khổ - để lòng thanh thản, nhẹ nhàng.  
Rất tình cờ, ở đây Nho học đã gặp Phật học. Nhiều Phật tử trên đường học đạo đã cho đó là một bài thơ chuyên chở một lý đạo và thường chiêm nghiệm để tu tâm. (Thật ra Phong Lai Sơ Trúc không phải là thơ)
Bây giờ chúng ta cùng đọc Thơ Trên Cát của thiền sư Viên Minh
THƠ TRÊN CÁT 
Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì.
(Viên Minh, từ tác giả)
Cũng cái ý đấy, nhưng ở đây thiền sư của chúng ta đã thực sự đối diện với cảnh đời, cảnh bao la sóng nước của biển cả, để có hứng, có cảm xúc viết thành bài thơ. Những thành viên của Tâm từ Tam Tạng (bản tâm), Tề Thiên (lý trí), đến Trư Bát Giới (bản năng, ai duc), Sa Tăng (tình cảm) đều có mặt. Nhưng do được “tu luyện đến nơi đến chốn” nên tất cả đều hoan hỷ lặng thinh. (Hoan hỷ ở đây không phải là lạc thú “thủ đắc” của người đời mà là niềm vui đã buông bỏ hết thất tình lục dục để được thanh thản, an lạc).
Thơ Trên Cát được viết ra để nói về bài thơ đã mất; mất thật sự, không lưu lại một dấu tích gì trong lòng tác giả; bài thơ mất mà người viết ra nó không một chút bận tâm, luyến tiếc. Ở đây khả năng buông bỏ của thiền sư đã đến mức thượng thừa. Bài thơ viết xong, cơn sóng trào lên xóa mất; thời gian chắc chỉ chừng một vài phút. Vậy mà thiền sư đã:
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì
thì đáng nể phục thật. Tôi cho rằng đây là bài thơ thiền của một người đạt đạo.

Để Gió Cuốn Đi
Trịnh Công Sơn, qua nhạc phẩm Để Gió Cuốn Đi - bằng ngôn ngữ riêng của mình - cũng muốn nói đến cái tâm của con người.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, 
Để làm gì em biết không? 
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi... 

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông, 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông, 
Ôi trái tim đang bay theo thời gian, 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian. 
Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là “tâm ý tốt lành, thanh thản, hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng”. Tại sao một tấm lòng như vậy lại để gió cuốn đi? 
 “Một tấm lòng” dù đã biến thành cách hành xử đầy nhân ái, vị tha, cao thượng hay mới chỉ là tâm lành, ý tốt cũng đều phát xuất từ trái tim. Nếu để nó trụ mãi trong tim thì - tâm sở này níu kéo tâm sở khác – không sớm thì muộn, nó sẽ bị biến dạng. Và nguy hiểm hơn nữa, nó sẽ thành đầu mối của vô vàn tâm sở bất thiện khác.
“Gió cuốn đi”, trong ngữ cảnh của bài nhạc, theo tôi, nên hiểu là gió cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Chứ khi nó đã ra khỏi chỗ nó được phát sinh thì đến được đâu là tùy duyên. Người có “tấm lòng” không nên nỗ lực tác động vào hướng đi, điểm đến của nó.
Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản, cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng - của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng” cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời.
Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, chính trị gia - để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình - đã lừa phỉnh giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.
“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là gánh nặng cho bản tâm.
Có lẽ vì thế Trịnh Công Sơn đã viết:
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông, 
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông,  
Vâng, gió cuốn (tấm lòng) đi để tâm thoáng mát, thanh thản, thấy rõ sự vận hành của vũ trụ, tính vô thường của vạn vật.
Bởi nếu không thì
Ôi trái tim đang bay theo thời gian, 
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian.  
Tới đây tôi muốn bày tỏ sự đồng tình với ông Trần Hào Trần Hào, người đứng nghịch phía với giáo sư Hoàng Đằng:
1/ Trần Hào Trần Hào: Theo tôi cuốn đi không phải là lan tỏa, mà quên đi, nghĩa là làm việc thiện là bản năng tự nhiên của con người, không nhắc làm gì nữa…
Tôi cũng đồng ý với 3 người đứng về phía giáo sư Hoàng Đằng.
1/ Văn Thanh:
Gió vô tư, gió không có chủ đích, gió cuốn theo thời vụ, việc tốt hay xấu đều lan tỏa theo chiều gió một cách tự nhiên, và con người có cảm thụ theo tâm lý và hoàn cảnh…” 
2/ Hoàng Hữu Chiểu:
Trong tự nhiên, hạt giống cũng nhờ ‘gió cuốn đi’ để tồn tại sự sống! Tấm lòng, cứ nghĩ, như hạt giống tốt vậy! Cũng nhờ ‘gió cuốn đi’ để rồi lan tỏa”.
3/ Triêm Hoàng:
Một chiếc lá ở điểm A mà bị ‘gió cuốn đi’ thì nó sẽ tồn tại ở một điểm B nào đó, chứ không thể bị triệt tiêu vì ‘gió cuốn đi’. Hiểu như thế thì ‘gió cuốn đi’ là để truyền bá, lan tỏa “một tấm lòng”, mà Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm với đời …”
Tuy nhiên, xin được thêm một câu. Nhiệm vụ chính của gió (trong bài nhạc) là cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Sau đó thì dư lực của gió sẽ cuốn “tấm lòng” đi tiếp. Đến được bến bờ nào là tùy duyên.
Riêng với những lời đầy thiện ý của nhà giáo lão thành Hoàng Đằng
Nhưng mình làm việc thiện mà dư luận biết được, truyền bá việc thiện của mình cho nhiều người cùng biết thì ấy là việc tốt, tại sao không? Dư luận sẽ làm cho việc thiện lan tỏa, thăng hoa, tạo thành tấm gương cho mọi người soi và noi theo.”
tôi rất nể phục và mến mộ, nhưng xin phép được giữ cách nhìn khác biệt của mình.
Đặc biệt, vói bình luận của Trạn Trương Văn:
Từ xưa đến nay, người ta nói “để gió cuốn đi” nghĩa là mất hết, không còn gì hết, chớ không ai nói “để gió cuốn đi” là “đưa việc tốt của mình cho mọi người biết” … bao giờ. Chữ “cuốn đi” khác với chữ “lan tỏa” một trời, một vực. Có người nói với tôi Trịnh Công Sơn viết câu này rất “không nhân bản”; tấm lòng mà để gió cuốn đi thì vô ý nghĩa vì tấm lòng đó bay mất hết. Người có tấm lòng thì phải làm gì tốt đẹp cho đời chớ “để gió cuốn đi” thì xem như chẳng làm chi hết… Thật tình, tôi thấy những câu trên của Trịnh Công Sơn cũng không song suốt và hơi nghịch lý, nhưng vì ông là một “thần tượng âm nhạc” nên người ta cứ hùa theo mà khen, rồi mỗi người cứ theo ý chủ quan của mình mà giảng giải. Thật ra, câu văn “một tấm lòng để gió cuốn đi” rất tối nghĩa và nghịch lý.
Thì, theo tôi, hình như đã không cùng tần số với Trịnh Công Sơn.

Kết Luận 
Trịnh Công Sơn qua những ca khúc Cát Bụi, Bốn Mùa Thay Lá, Cho Một Người Nằm Xuống đã biểu lộ một sự am hiểu sâu sắc về lẽ vô thường của đạo Phật. Để Gió Cuốn Đi lại mon men đến chữ Tâm. Tác giả của nó tuy chưa đạt đến trình độ “lý sự dung thông” như thiền sư Viên Minh trong thi phẩm Thơ Trên Cát, nhưng với ca từ ảo diệu, bàng bạc tính triết lý độc đáo của riêng mình ông đã tặng cho đời một phương cách đơn giản để giúp tâm được nhẹ nhàng và trong sáng. Hãy “Để Gió Cuốn Đi”.
Tiếp nhận được hay không là tùy mỗi người.

   
Mời thư giãn với nhạc phẩm BỐN MÙA THAY LÁ
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
             
*.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League City, Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com





……………………………………………………………………………………………………………………………………..………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.11.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến       
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét