GỐC RỄ CỦA SÂN HẬN
*
Trích từ CHUYỂN HÓA SÂN HẬN của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ.
(Tỳ Kheo Thích Nhật Từ) |
SẮC THÁI CỦA CƠN GIẬN
Khái niệm “giận dữ” được định nghĩa như dòng chảy
cảm xúc, đối tượng là con người được thể hiện qua lời nói khó nghe, lời qua
tiếng lại trong giao tiếp cũng như việc làm… mang lại sự bực dọc, không ưa
thích.
Cơn giận dữ biểu hiện dưới nhiều góc độ khác
nhau. Ví dụ, góc độ giọng nói thì sự giận dữ được thể hiện qua lời quát tháo,
nguyền rủa tục tĩu, hăm dọa, hoặc lời đường mật nhưng chứa lưỡi dao, mảnh chai
hay gai nhọn bên trong mà người giận dữ tặng đối phương. Biểu hiện không thiện
cảm về giọng nói làm giá trị, ý nghĩa mối quan hệ, giao tế bị tổn thương, để
lại vết hằn nội kết tạo khoảng cách ngày càng nhân rộng. Nó có thể trở thành
dãy núi Trường Sơn hay Vạn Lý Trường Thành là tùy vào khả năng xử lý mâu thuẫn
của hai bên. Sự ứng xử thiếu khôn ngoan sẽ tạo ra hố ngăn cách hoặc thiết lập
thành hai đường ray xe lửa song song, sự nóng giận sẽ thiêu đốt mối quan hệ
tình người!
Theo nhà Phật, cơn giận dữ như ngọn lửa đỏ có thể
thiêu cháy tất cả. Ai nuôi dưỡng cơn giận dữ trong lòng là đang tình nguyện đưa
ngọn lửa vào thiêu đốt tâm thành tro bụi, làm cho hành động mang tính hủy diệt
và mối quan hệ giữa tình người, kể cả với người thân trở thành nội kết khổ đau.
Trong mọi tình huống, nếu vô tình hay cố ý nuôi dưỡng cơn giận dữ trong lòng,
tức là đang từ bỏ niềm hạnh phúc, an vui giữa mình với người. Sân hận và giận
dữ là hai đối tượng mà người con Phật cần tu tập để chuyển hóa. Chinh phục để
chiến thắng cơn giận mang lại hạnh phúc lâu dài trong tâm, hành động và quan hệ
giữa con người với nhau!
Nếu cơn giận dữ được biểu đạt bằng hình thức cử
chỉ thì da mặt tái mét, mắt đỏ ngầu, môi giật và máu dồn lên não bộ hoặc nói
lầm bầm, đập bàn ghế, xô ngã các vật dụng, đập nát những gì đang có trên tay, hoặc
biểu hiện bằng cách giậm chân, nhổ nước miếng hay những biểu hiện thô bạo, tấn
công, bạo động, thậm chí muốn tiêu diệt người khác. Các biểu đạt của sân hận là
hành vi phiền não, nghiệp chướng và khổ đau. Đệ tử Phật cần nhận diện biểu hiện
của sân hận từ thô đến tế. Đừng để sân hận len lỏi vào hơi thở, sự sống kể cả
trong ý nghĩ và việc làm, nhất là đối với người đang đi trên con đường hướng
thượng, tìm kiếm sự an lành lâu dài hay vĩnh viễn.
Kinh điển thường ví giận dữ như một cơn điên.
Người điên cuồng không kiềm chế được ý thức nên hành vi, cử chỉ, việc làm gây
thương tổn bản thân và người khác. Người giận dữ càng lưu giữ thái độ này lâu
chừng nào thì sẽ chia chẻ mảnh đất tâm nhiều chừng đó. Giận dữ chính là cơn
điên giết chết tình thân, làm biến dạng thái độ, lời nói, việc làm, khiến bạn
thành thù, tốt thành xấu. Khi không tự chủ cơn giận, có thể có những việc làm
vi phạm luật pháp. Chẳng hạn, trong cơn ghen tức có thể tạt axit, đâm chém, xúi
bậy người gây bạo động, khủng bố đối phương. Giận dữ có thể do mâu thuẫn ý thức
hệ tôn giáo, chính trị, những va chạm quyền lợi. Trong lịch sử nhân loại đã
từng diễn ra và hiện tại, tương lai có thể sẽ còn diễn ra.
Đức Phật ví sân hận như cục than ngầm. Nếu thời
đó có than đá thì tin chắc Ngài cũng ví nó như cục than đá. Than đá bén lửa lâu
nhưng sức cháy có thể giữ được từ giờ này sang giờ khác. Người khéo kiềm chế
lòng sân hận chúng ta khó nhìn thấy qua sự biểu đạt lời nói, việc làm, cử chỉ,
ứng xử, cách giải quyết vấn đề nhưng họ có sự ức chế, nỗi đau thù hận lâu dài,
tìm cơ hội trả đũa. Có người suy nghĩ, nếu ai tạo nỗi đau cho tôi một phần thì
tôi sẽ làm cho người đó đau khổ mười phần, nếu người nào làm tôi mất mặt trước
quần chúng một lần thì tôi sẽ làm cho người đó mất mặt suốt cả cuộc đời. Cơn
sân hận ví như cục than ngầm, nhằm nói lên tính cách thâm hiểm của người chưa
chiến thắng cơn giận dữ trong tâm.
Có trường hợp đức Phật so sánh cơn sân hận như
đám mây. Nó có thể che lấp bầu trời ánh sáng trí tuệ, nhận thức, hành động của
con người. Trong đạo Phật, mặt trời được ví như đường dẫn đạo, sự xuất hiện của
nó mang lại ánh sáng, sự sống cho tất cả các hoạt động của người, vạn vật. Khi
sân hận che phủ mặt trời nhận thức thì có mắt mà không nhìn thấy, có tai mà
không nghe, các giác quan bị ức chế. Cho nên, người sân hận có phản ứng dễ nổi
loạn, xung đột hoặc làm bất cứ việc gì để thoả mãn cơn giận. Tuy nhiên, ta càng
thoả mãn cơn giận thì khổ đau càng gia tăng, sự thoả mãn cái tôi trong cơn giận
không phải là giải pháp.
Sân hận còn được ví như sự phản kháng, làm tê
liệt các ý thức, nhận thức, nhiệt huyết để dấn thân và phục vụ, làm băng giá
lương tâm, chai sạn tình thương. Hậu quả là đối tượng mất hết tình yêu thương,
tha nhân thậm chí cả với người gần gũi đã từng có những kỷ niệm đẹp. Sân hận
trở thành năng lượng hủy diệt, triệt tiêu và đẩy đối tượng vào chân tường. Lúc
đó, sự phản kháng của đối tượng có thể là sự lựa chọn một mất một còn, nạn nhân
của giận dữ được đặt trên bàn cân mà không ai muốn khoan dung. Do vậy, sân hận
chính là ngọn lửa.
Đức Phật đã nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn
chướng môn khai”. Lửa sân hận nhen nhúm rất đơn giản, tưởng chừng không có gì
nguy hại nhưng thiêu đốt tất cả công đức đã gieo trồng, những việc làm từ
thiện, dấn thân trong cuộc đời, những tình thương đã chia sẻ, phục vụ cộng đồng
và xã hội, thiêu đốt tất cả mối quan hệ tình người. Cơn giận dữ còn là quả bom
làm nổ tung tất cả nhịp cầu quan hệ giữa các quốc gia.
Ngành tâm lý học Phật giáo định nghĩa sân hận là
một phản ứng âm tính đối nghịch với những gì con người không thích, không muốn
hoặc không hài lòng. Con người nghĩ mình là chủ thể bị tác động, ảnh hưởng, đâm
chọc, hoặc bị làm thương tổn… Sự phản ứng âm tính trong trường hợp này được xem
là cách thức làm tâm nổi phồng theo dạng bị viêm, giống như viêm bao tử, gan...
Sự trương phồng khiến người ta cảm thấy rất nóng, ray rứt, khó chịu, bần thần,
đau đớn. Do đó, phải tìm cách giải thoát bằng thuốc giảm đau. Khi bế tắc, nhiều
người đã chọn giải pháp chạy trốn, tìm chốn hoặc lao vào các cuộc truy hoan để
tìm quên lãng.
Trong những cách làm giảm đau cơn sân hận, nhiều
đấng mày râu chọn giải pháp uống rượu hay hút thuốc lá hoặc dùng những chất
kích thích không tốt cho sức khỏe để giúp quên đi cơn bực dọc, chán nản mà y
không có giải pháp thoát ra. Nhưng nên nhớ “mượn rượu giải sầu, sầu thêm nặng”.
Dùng rượu chè không phải giải pháp thoát ly cơn đau và cũng không phải giải
pháp làm cơn sân hận, bực tức giảm xuống. Ngược lại, càng làm cơn đau trương
phồng ở cấp độ lớn hơn, nhiều hơn. Giống như người bị khát nước nhưng lại uống
nước biển hay nước muối. Dĩ nhiên, cơn khát sẽ gia tăng sau khi đưa nước ấy vào
cơ thể. Giải pháp đó có tác hại lớn hơn giải pháp trốn chạy.
Tất cả những giải pháp chạy trốn đều có những
phản ứng
phụ, khiến con người trở nên thụ động hoặc bạo
động. Thụ động tức là không còn màng đến cuộc đời, nhân tình thế thái, làm tâm
bị khô héo, rút lại, phản xạ các giác quan không còn nhạy bén. Sự chạy trốn bế
tắc cũng giống như con rùa rút đầu và tứ chi vào mai để tạo cảm giác an toàn.
Đó không phải là giải pháp thích ứng với tình huống.
Người chọn giải pháp bạo động thì ngược lại,
giống con rùa lúc nào cũng đưa đầu và bốn chi ra bên ngoài để có thể kháng cự,
xung đột với đối tượng và làm những gì nó muốn hòng chiến thắng hoàn cảnh. Nếu
con rùa thò tứ chi ra bên ngoài, dĩ nhiên khó có thể tránh khỏi những trường
hợp nguy hại đến mạng sống khi đối phương mạnh hơn, nguy hiểm hơn.
Như vậy, giải pháp thụt đầu vào trong hay thò đầu
ra trước tình huống sân hận theo cách thế đối đầu đều không tốt. Bởi vì, một
bên để lại nỗi buồn, tạo thành những cách ứng xử tiêu cực, còn một bên để lại
sự xung đột mà hệ quả dẫn đến đổ vỡ, khổ đau cho mình và người.
Có thể định nghĩa sân hận như là cách làm nỗi đau
bị trương sình lên hoặc chìm đắm, chìm sâu vào vô thức. Nếu không có bản lĩnh
khắc chế nó sẽ thấm sâu vào tâm và để lại nỗi đau lớn. Nỗi đau này trở thành
nội kết, lặp lại nhiều lần thành không gian ảo của phiền não, nghiệp trở thành
sự cau có, bực dọc trong ứng xử, khiến người ta có thể trút lên bất cứ đối
tượng nào khi có dịp tiếp xúc bằng nhiều cách.
Là người con Phật, phải có chánh niệm và tỉnh
thức để nhận biết được sự vận hành của sân hận. Nó có tác hại đối với đời sống
đạo đức, lương tâm, nhất là đối với sức khỏe, tuổi thọ và giá trị tình người!
PHẢN ỨNG CỦA SÂN HẬN
Ở Trung Hoa có câu chuyện dân gian kể về một anh
ngư phủ. Mỗi ngày anh thường đi bắt cá ở vùng duyên hải. Có hôm được rất nhiều,
có hôm chẳng được con nào.
Vào ngày sóng to gió lớn, anh ta không đánh được
gì, thuyền cứ chồng chềnh qua lại, nghiêng ngả, đụng chỗ này, chỗ kia khiến anh
rất bực mình, cau có.
Anh chỉ tay vào thuyền và nói: “Tao báo cho mày
biết, lần này là lần cuối nhé, lần sau mà còn như vậy tao sẽ trừng phạt cho
biết tay”. Nói xong, anh cảm thấy hả dạ, cập thuyền vào bờ và về nhà nghỉ.
Khi về nhà, anh suy nghĩ, “Chiếc thuyền này không
có mắt nên nó bị chồng chềnh, va chạm là chuyện thường. Thôi, bây giờ mình tạo
cho nó con mắt”. Hôm sau, anh mua sơn về vẽ lên mui thuyền hai con mắt thật to.
Hôm sau nữa, anh ta dong thuyền đi đánh cá. Lần này cũng giống lần trước, không
được con cá nào vì biển động. Chiếc thuyền của anh cũng ngả nghiêng qua lại,
đụng chỗ này, chỗ khác. Anh giận quá, cầm cây chèo đập mạnh vào chiếc thuyền,
nhất là chỗ hai con mắt đã vẽ và mắng: “Mày đui hả, tao đã tạo cho mày hai con
mắt rồi, sao cứ đi đụng hoài?” Anh đập đến lúc mái chèo gãy rời, cuối cùng,
không còn cái gì chèo thuyền nữa, anh đành bỏ thuyền để bơi vào bờ. Tối về nhà,
anh lại suy nghĩ, “Sao mình phải đập chiếc thuyền, hôm nay cũng may mắn, nếu
sóng to gió lớn thì có lẽ mắc nạn rồi”.
Qua câu chuyện này, có thể nhìn anh lái thuyền
dưới góc độ “bệnh tâm thần nhẹ”, tức là tâm thần bất ổn nên rất dễ cau có, khó
chịu, phiền não. Anh có thái độ ứng xử bạo động đối với chiếc thuyền vốn là ân
nhân, chở anh từ nơi nay đến nơi khác, bạo động với phương tiện đã giúp mang
lại cuộc sống ấm no cho anh. Bạo động luôn cả đối với bản thân vì lấy cây chèo
đập thuyền đến gãy chèo, để cuối cùng không còn phương tiện để chèo thuyền vào
bờ nên phải tự bơi khiến cơ thể bị mỏi mệt, rũ rượi, rất may là không bị đắm
chìm dưới biển sâu, trở thành phẩm vật “cúng dường” cá mập mà không cần thắp
hương.
Câu chuyện cho thấy lòng sân hận rất dễ dàng phát
sinh ở con người. Có những người sân hận một cách vô cớ như trường hợp anh ngư
phủ. Giận vô cớ bắt nguồn từ nhận thức không sáng suốt rằng, biển bị động chứ
không phải chiếc thuyền cứ tự đụng chỗ này chỗ kia. Biển động nên thuyền phải
chao đảo, đâu thể quở trách thuyền. Nếu lúc đó nóng tính, quở trách khí hậu
thời tiết cũng không đúng vì biển có ngày động, có ngày không. Thường những
người sống bằng nghề biển có một ý thức, không bao giờ ra biển khi khí hậu thời
tiết có gió to sóng lớn. Bởi anh ngư phủ không có kiến thức thâm sâu về lĩnh
vực đó nên cứ làm theo thói quen, để rồi cơn sân hận phát sinh khiến anh bị
nhiều nỗi nhọc nhằn.
Sân hận có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Cuộc đời có bao nhiêu vấn đề thì sân hận theo đó xuất hiện, tồn tại, phát triển
tương thích. Do đó, khi quan sát về thái độ sân dẫn đến hành động sân và những
ứng xử không đẹp thì người con Phật phải vượt lên trên những phản ứng tầm
thường đó. Nếu không, những người liên hệ trực hoặc gián tiếp và ngay chính bản
thân sẽ trở thành nạn nhân của cơn giận dữ. Cuối cùng, nhận lấy tác hại rất lớn
không lường trước được.
Hệ quả xấu của giải pháp này là nếu thành công
thì một bên cũng sứt trán và bên còn lại bể đầu, nghĩa là không bên nào thành
công, cũng không có được sự hoàn mỹ. Đó là chưa nói đến việc ức chế tâm lý. Khi
người nào đó bị cản phá, bị nổi cáu dù trong một tình huống cho phép thì trong
lòng người đó vẫn có nỗi uất hận. Nỗi uất hận này có thể bộc phát bất cứ lúc
nào khi nó có điều kiện hay chất xúc tác, kích thích. Đó là cách thức giải
quyết vấn đề đặt trên nền tảng của nhận thức tầm thường, phàm phu.
Nghĩa là, nhiều người đã tự cho mình quyền ăn
miếng trả miếng. Đối tượng nào mang đến đau khổ, ta có quyền đáp trả lại đau
khổ cho họ ở bình diện tương đương hoặc lớn hơn, nhiều hơn. Cách ứng xử như vậy
không phải giải pháp lâu dài vì có thể tạo ra làn sóng đối chọi nhau. Theo đạo
Phật, cuộc đối chọi như vậy sẽ không ai là kẻ chiến thắng, cả hai đều là nạn
nhân hứng hết tất cả khổ đau do hận thù, tranh chấp, sân hận đem lại. Đệ tử của
đức Phật phải chọn giải pháp hoàn hảo có thể đã có, nếu không phải tìm một cách
mới để giúp tâm an, thân vui, giúp mình thoát ra khỏi sự kìm kẹp của thù hận,
đối chọi, xung đột, trả đũa nhau trong đời.
Triết gia Aristotle từng phát biểu: “Nổi cáu hay
nổi giận với người khác là chuyện dễ, nhưng khi mình nổi cáu với người đáng nổi
cáu trong một hoàn cảnh cho phép, ở một mức độ có thể chấp nhận và cách thức dùng
sự nổi cáu đó với một mục đích tốt là điều không phải dễ dàng tìm được”. Theo
lời phát biểu này, Aristotle chấp nhận nổi cáu dẫn đến sự bạo động hay dẫn đến
thù hận với người khác, coi như điều gì đó rất được biện hộ (trustify) từ góc
độ xã hội.
Theo quan niệm Nhị nguyên của triết gia
Aristotle, trong tình huống đối tượng làm ta nổi cáu là đối tượng xấu, ác cản
trở những việc làm tốt hoặc những người hầu như chỉ đem lại phiền não cho cuộc
đời, sự nổi cáu với những con người như vậy là được phép. Chấp nhận đối kháng
vì cái thiện để giải quyết vấn đề. Con người có khuynh hướng dùng sức mạnh lớn
hơn để đè bẹp sức lực nhẹ. Dùng cưỡng lực âm thanh lớn để trấn áp âm thanh nhỏ
là phản ứng thường gặp của con người. Mặc dù âm thanh nhỏ đó vẫn mang lại tiếng
ồn. Như vậy, giải pháp trong trường hợp này là bạo động nhằm triệt tiêu bằng
cản lực, cái nào mạnh cái đó sẽ thắng.
Trong Tam Quốc Chí, ai đã đọc qua tác
phẩm này thì không thể quên nhân vật Trương Phi, xem người hữu dũng, hiên
ngang, bất khuất, nhưng không có mưu kế. Khổng Minh được xem là bậc thầy tiên
tri, biết trước được diễn biến các sự vật, hiện tượng sẽ diễn ra nên ông thường
giúp Trương Phi thành công trong những cuộc giao chiến với quân Tào Tháo. Khổng
Minh biết, nếu để hai bên đánh nhau thì dù quân của Trương Phi thắng cũng phải
tổn thất rất nhiều nên ông đã dùng mẹo, lợi dụng cơn sân hận của Trương Phi để
giúp Trương Phi đánh thắng mà không hao tổn quân lính. Khổng Minh yêu cầu
Trương Phi ra chiến trường giao chiến với Tào Tháo.
Trước khi Trương Phi đi Khổng Minh đưa một phong
thư chứa đựng bí kíp dặn: Hai bên sẽ giao tranh với nhau trên một cây cầu lớn,
chờ khi lính của Tào Tháo đến gần hai phần ba cây cầu mới được mở xem bí mật
chiến thuật và chiến lược trong bức thư. Trương Phi luôn tin tưởng Khổng Minh
nên không hề hoài nghi.
Theo lời căn dặn của Khổng Minh, lúc thấy quân
Tào Tháo tiến được hai phần ba cây cầu, Trương Phi liền mở thư nhưng giật mình
vì trong thư không có chữ nào. Trương Phi nổi giận, vì cho rằng Khổng Minh đã
có ác ý đưa ông vào chỗ chết. Ông nghĩ, ta không làm điều gì để Khổng Minh
buồn, tại sao Khổng Minh lại hãm hại ta? Trong lúc sân hận, Trương Phi dùng hết
sức bình sinh hét lên một tiếng thật lớn.
Dưới cầu có con cá kình ngàn năm tuổi rất lớn, đã
hoảng sợ vì tiếng hét của Trương Phi, cá liền nhảy lên làm cây cầu gãy thành
nhiều khúc. Trương Phi bỏ chạy ngay sau khi hét xong vì lực lượng của ông không
nhiều, nếu đối đầu sẽ tổn thất lớn. Vừa bỏ chạy, Trương Phi nghe tiếng cây cầu
gãy và quay lại nhìn thấy quân địch rớt xuống chết đầy sông. Trương Phi hiểu
ngay Khổng Minh đã gài ông vào tình thế như vậy do biết dưới cầu có con cá
kình, và tiếng thét giận dữ của Trương Phi khiến cá trở mình làm cầu gãy.
Câu chuyện cho thấy, khi cơn giận dữ trỗi dậy
trong tình huống chiến đấu làm cho con người tăng thêm sức mạnh, nghĩa khí để
giành thắng lợi. Nhờ khả năng tiên tri của Khổng Minh, Trương Phi đã chiến
thắng không hề tốn cây gươm, người lính nào.
Trong chiến tranh, binh lính được huấn luyện để
tiêu diệt kẻ thù, giết càng nhanh càng tốt, theo nguyên tắc “Trong chiến trận
không được có lòng từ bi”. Quân lính trước khi ra trận đều được vào quân trường
để huấn luyện tư thế sẵn sàng giết địch, và không tránh khỏi bị địch giết. Do
vậy, chiến tranh luôn mang sự thù hận được nuôi lớn từ kiếp này sang kiếp khác.
Nơi nào có chiến tranh thì sự sân hận sẽ biến dạng theo nhiều cách thức, con
người trở thành đối thủ của nhau, dẫn đến sự tranh chấp, hơn thua, đổ vỡ. Dĩ
nhiên, đau khổ chỉ xuất hiện với những ai trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia
cuộc chiến.
Đừng tháo gỡ nội kết và sân hận theo cách đặt nó
vào trạng thái bị ức chế như quả mìn. Nếu đương sự là người cố chấp thì quả mìn
có sức công phá như hai quả bom nguyên tử. Sức công phá của sân hận có thể làm
khổ đau và liên luỵ nhiều người. Các mảnh đạn hay chất phóng thải của loại bom
sân hận có thể làm vợ chồng, anh em, con cái, những đối tác trực tiếp dính lây.
Do đó, chúng để lại vết hằn của khổ đau.
Sân hận cũng như chất độc da cam trong quan hệ
giữa người với người. Chất độc này rất khó tẩy vì nó liên hệ đến nhận thức, tâm
lý, tình cảm cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Chất độc da cam của sân hận khi
thấm vào cơ thể sẽ làm tâm tính con người thay đổi thành tiêu cực. Trong khi
đó, chất độc da cam của lòng sân hận, thù hận làm con người khó gần nhau lâu, dẫn
đến tình trạng bi đát hơn là không thể chấp nhận nhau. Nặng nề hơn là làm cho không
muốn chấp nhận hòa giải, chuyển hóa chất độc này để không bao giờ nhận lấy
những chất liệu đó. Cho nên, nó trở thành rất ức chế, nguy hiểm!
SỢ HÃI VÀ BẠO LỰC
Gốc rễ của sân hận bắt nguồn từ thái độ sợ hãi.
Sợ hãi bắt nguồn từ vô minh dẫn đến si mê. Đương sự sân hận không biết tình
huống của vấn đề diễn ra theo cách nào, không nắm chắc được kết quả của vấn đề
đó như thế nào và cũng không rõ đối tác thuộc về thiện hay ác, tích cực hay
tiêu cực thì dẫn đến lo sợ.
Từ lo dẫn đến sợ. Nỗi sợ hãi khiến đương sự nẩy
sinh ra một chuỗi các vấn đề, bắt đầu bằng câu hỏi tại sao, bằng cách nào và
làm thế nào để đối phó? Câu hỏi đặt trên nền tảng hoài nghi. Hoài nghi lại trở
thành chất xúc tác làm cơn sợ hãi có thể bùng phát mãnh liệt. Trong cơn sợ hãi,
sự hoài nghi phải đối phó với đối tượng không biết rõ làm nhiều người phải ra
tay huỷ hoại trước theo sách lược, “Tiên hạ thủ vi cường,” tức là người nào ra
tay trước người đó trở thành kẻ thắng.
Trong Tam Quốc Chí, Tào Tháo là người
có cá tính tượng trưng cho lòng hoài nghi, bạo lực, sân hận. Ông ta phản cả
những người từng giúp và hại những người không theo ông. Ông nhiều mưu kế, muốn
gom cả thiên hạ về tay mình. Tham vọng làm ông bất chấp tất cả mọi phương tiện,
miễn kết quả có được là giang sơn dù được thiết lập trên nền tảng độc tài.
Thời hàn vi, ông có người bạn thân tên Lã Bá Sa.
Hai vợ chồng gia đình bạn rất quý mến Tào Tháo. Trên đường tị nạn, Tào Tháo ghé
qua nhà Sa. Hai vợ chồng mừng rỡ mở tiệc đãi. Vì trong nhà không sẵn đồ ăn, Sa
sai vợ giết gà, giết heo để đãi bạn, còn anh ra đầu làng mua rượu. Sa nghĩ, lâu
ngày anh em gặp nhau dù nghèo nhưng một bữa tiệc cũng không đáng bao nhiêu, lại
có thể thiết lập tình thân.
Tào Tháo đang say ngủ, mắt vẫn mở trao tráo như
dấu hiệu của người hoài nghi. Lúc vợ Sa sai người làm tìm lợn béo để giết,
người làm công hỏi là giết con này hay giết con kia, một con heo chạy đụng chân
vợ Sa, bà ra lệnh, “sát thử” (giết con này). Trong chữ Hán, đại từ “thử” ở ngôi
thứ ba, có thể hiểu tuỳ theo ngữ cảnh là người này hay con vật này. Bán tín bán
nghi, nghe văng vẳng “sát thủ”, Tào Tháo tưởng là ra lệnh giết ông, liền bật
dậy đâm chết vợ Sa và giết luôn những người làm thuê. Trên đường trốn, Tào Tháo
gặp Lã Bá Sa và giết luôn Sa trong lúc tay bạn cầm bầu rượu. Hai vợ chồng bạn
chuẩn bị thiết đãi Tháo nhưng vì đa nghi, tưởng họ mưu sát mình nên Tháo đã ra
tay hạ thủ trước. Khi biết sai lầm, Tháo không hối hận còn tuyên bố với thuộc
hạ Trần Thảo, “Thà ta phụ người khác chứ không để người khác phụ ta”.
Trong câu chuyện trên, nỗi sợ hãi đã trở thành
chất xúc tác tạo nên bạo động, thậm chí có thể giết hoặc đẩy người khác vào
chân tường. Khi bị đẩy vào chân tường, đương sự bị bế tắc vì ức chế quá nhiều
và có thể nảy ra ý xấu muốn tiêu diệt đối phương để y có thể sống an toàn.
Nỗi sợ hãi chính là nguồn gốc của khủng bố. Những
người Hồi giáo cực đoan có thể biến thân họ thành quả bom tàn sát và khủng bố.
Khi bị ức chế tâm lý, sợ những đối tượng họ không giết, không hại, không khủng
bố có thể khiến mạng sống của họ mất đi hay có thể hại người thân, cộng đồng và
tôn giáo của họ. Được nạp vào người những chất liệu cuồng tín, sẽ thấy nỗi sợ
hãi chính là vũ khí quan trọng có thể giúp họ đạt được mục đích. Mục tiêu khủng
bố được thực hiện thì nỗi khổ đau thuộc về những người trực hay gián tiếp có
liên hệ đến sự khủng bố đó.
Khi hai tòa nhà Thương mại Quốc tế của Mỹ bị sụp
đổ, nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng. Biết bao
người bị mất việc, khổ đau. Nỗi đau này lại kéo theo nỗi đau khác, trực tiếp
ảnh hưởng đến đời sống gia đình của những nạn nhân.
Mỗi nỗi khổ, niềm đau của kiếp người giống như
làn sóng chập chờn trên biển khơi, sóng này đẩy sóng kia. Khổ đau luôn có chiều
hướng lan rộng ra theo cách “Cái này có cái kia có, cái này tác động làm cái
kia bị tác động, cái này xuất hiện dẫn đến cái kia xuất hiện”. Không biết cách
chuyển hoá, khổ đau từ thù hận sẽ kéo theo sự trả đũa thù hận, làm cho oan
khiên ngày càng chồng chất. Những người bị chết trong cuộc khủng bố phải mang
theo nỗi niềm uất hận trong lòng. Khi được tái sinh làm người, lòng sân hận
tiếp tục được dưỡng. Và lúc tiếp xúc với những người Hồi giáo cực đoan, bỗng
nhiên lòng sân hận bùng phát rất dễ dàng. Sự thù hận cứ như thế diễn ra tiếp nối
từ đời này sang kiếp khác, khó có thể dừng lại được.
Nỗi sợ hãi có thể xuất hiện và tồn tại từ lúc con
người bắt đầu có mặt trong bào thai đến lúc qua đời. Khi vào trong thai mẹ, dù
thai nhi còn là phôi, chưa có nhận thức, ngôn ngữ, phân định, đánh giá nhưng
các hạt giống thù hận vẫn tiếp tục tồn tại trong mảnh đất tâm.
Mỗi lần, mẹ tiêu thụ các độc tố như rượu, ma túy…
thực phẩm có hại cho sức khỏe thì đứa con tiếp nhận đủ, vì cái nhau truyền máu
trực tiếp từ mẹ sang con. Theo kinh Vu Lan, khi mẹ ăn đồ nóng
thai nhi cảm thấy đang bị thiêu đốt, ăn đồ lạnh cảm thấy mình đang ở trên núi
tuyết, uống rượu cũng xỉn theo, hút thuốc thai nhi sẽ có hạt giống nghiện ngập.
Bào thai ở trong bụng mẹ bực dọc, khổ đau nhưng không nói được, đành chịu đựng
một cách thụ động. Trong suốt thời gian có thai, nếu người mẹ sinh hoạt không
khôn ngoan sẽ để lại không biết bao nhiêu nỗi sợ hãi cho đứa con, bao gồm cả sự
thù hận, khó chịu, cau có, bực tức. Sau này, sinh ra tính cách đứa bé không
bình thường. Có tình trạng, bé mới hạ sinh đã bị dị dạng do độc tố từ sự tiêu
thụ của mẹ gây ra.
Khi lớn lên, cha mẹ cho con đi học. Đứa bé sợ hãi
về học tập vì sợ thua chúng bạn, không thuộc bài, bị thầy cô giáo phạt, bị hắt
hủi và bỏ rơi. Tất cả những nỗi sợ đó tạo nên cách ứng xử cau có với người
khác. Nó có thể trốn học, chơi bời, rượu chè, hút chích, đánh mất chính mình.
Đến lúc dậy thì, sự thay đổi về tâm sinh lý làm
cho trẻ có nhiều vấn đề khó hiểu, không biết phải ứng xử thế nào với nhiều nỗi
sợ khác nhau. Những bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đến con em, không giáo dục
giới tính, động viên, an ủi, không hướng dẫn những điều tốt nên làm, khuyến dụ
từ bỏ những thói xấu thì có thể góp phần làm tăng trưởng nỗi sợ hãi vốn có
trong trẻ, làm cho trẻ cảm thấy cau có trong cách ứng xử và ảnh hưởng trực tiếp
đến sự học tập, tính cách của trẻ về sau.
Lúc bắt đầu biết yêu đương thì bao nhiêu nỗi sợ
lại xuất hiện. Ai đã từng yêu đều có những nỗi sợ như nhau. Sợ bị phũ phàng,
chối bỏ, yêu một chiều, mất tình yêu, không trọn vẹn, sợ không biết cách nuôi dưỡng.
Khi đạt được tình yêu rồi lại có những nỗi sợ khác xuất hiện, sợ bị tình địch
cướp tình, người tình chán ngán, nghèo và hàng loạt những nỗi sợ hãi khác.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm
lại bị nỗi sợ hãi thất nghiệp, cạnh tranh, sa thải... Khi nền kinh tế thị
trường lên xuống theo quy luật cung cầu, biến động giá cả. Nỗi sợ khác không
kém phần nguy hiểm là công nghệ robot được sản xuất ngày càng nhiều, làm cho
tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Từ trẻ thơ đến lúc trưởng thành, nỗi sợ hãi liên
tiếp diễn ra. Kết quả, người bị sợ hãi chi phối sẽ ứng xử trong sự căng thẳng, luôn
luôn bị ức chế đè nặng, phiền não, cau có làm ảnh hưởng trực hoặc gián tiếp đến
các đối tác liên hệ.
Nỗi sợ hãi chính là kẻ thù của định tĩnh, tiến bộ
và an lạc. Lúc nào cơn sợ hãi xuất hiện thì niềm hạnh phúc an vui liền biến
mất. Sợ hãi, an vui, định tĩnh không đội trời chung, không đồng hành, không thể
trở thành bạn bè. Sự hiện hữu của chúng mang tính loại trừ, cái này hiện hữu
thì cái kia phải mất và ngược lại.
Phản ứng sợ hãi thường kéo theo bạo động về tư
tưởng, lời nói, việc làm, cách thức ứng xử đối với những người khác. Quan sát
loài cá lia thia của Việt Nam hay cá xiêm của Thái Lan thấy chúng rất bạo động.
Con này sợ sẽ bị con khác ăn thịt, cướp hết quyền lợi hưởng thụ. Hạnh phúc của
loài cá đá thường chinh phục được các con cá cái và trở thành chủ nhân của loài
cá cái.
Tâm thức sợ mất quyền lợi làm chủ nhân, hưởng thụ
đã làm cho loài cá đá sống trong nỗi sân hận và bạo động, dẫn đến thanh toán,
loại trừ. Chỉ cần đặt hai lọ cá đá gần nhau là hai con ở hai lọ phùng mang,
trợn mắt. Màu da sậm lên, đuôi và mang phùng to ra, liệng qua liệng lại vài cái
rồi lao vào thành lọ mong xé xác con đối diện.
Lòng sân hận làm cho cá tưởng đang cắn xé nhau
nên giận dữ và lao vào cắn thành lọ. Để hai lọ gần nhau trong vòng một tiếng
đồng hồ, miệng của hai con cá bị sưng to, thân thể rã rượi, mỏi mệt, đau nhức
cho đến lúc nó không còn sức nữa vì tự đập vào thành lọ do tưởng đang cắn kình
địch. Cá không nhận dạng được giữa chúng còn có hai cái lọ khoảng cách nhất
định không thể trực tiếp cắn nhau. Lòng sân hận với nỗi sợ hãi bị đánh bại, con
nào cũng muốn ra tay trước. Nỗi khổ đau trong loài cá đá gia tăng rất cao.
Loài khổ đau do sân hận và loại trừ đáng kể là gà
đá. Hai con gà trống cứ gặp nhau là gáy, vỗ cánh, phùng mang, trợn mắt nhào vào
đối phương mổ, đá lia lịa. Những người chơi đá gà chuyên nghiệp thường gắn thêm
cựa sắt vào chân gà. Hai con sẽ đá cho đến lúc hơi tàn, lực kiệt rồi qua đời.
Nghiệp sân si, thù hận của loài gà tiếp tục được
truyền qua tiến trình tái sinh. Chúng như một di truyền về tính cách sân hận và
loại trừ.
Phần lớn các môn thể thao và võ thuật, sự sân hận
dễ dàng xuất hiện trên nền tảng tranh giành chiến thắng và danh dự. Do tâm
tranh giành nên các vận động viên đều có ít nhiều sân hận và thái độ loại trừ.
Đặc biệt, trong các môn võ thuật dù là võ nghệ thuật, sự sân hận, thù hằn, trả
đũa, đánh đấm gắn liền ít nhiều với sợ hãi. Các võ sĩ phải đánh bại đối thủ,
nếu không, sẽ bị đối thủ đánh bại. Muốn đánh bại đối thủ, các võ sĩ phải làm
trỗi dậy lòng sân để vượt qua sợ bị thua. Lòng sân hận do vậy phát tán rất ghê
gớm, biểu đạt qua gương mặt, điệu bộ, sự di chuyển, tiếng hét giận dữ. Cơn sân
trong võ sĩ có thể làm họ muốn thủ tiêu hay thanh toán đối thủ.
Sợ hãi là đầu mối của sự sân hận. Sân hận là đầu
mối của loại trừ. Nếu không có cách hóa giải thì dễ trở thành nạn nhân trực
hoặc gián tiếp của nhau, liên hệ đến nhận thức sai lầm của con người.
Hóa giải sân hận từ việc truy nguyên nguồn gốc
của sự thù hận. Trước nhất, cần phải tu tập về thái độ nhận thức. Hiểu, tất cả
mọi thứ trong cuộc đời đều có nhân quả. Dây chuyền nhân quả có thể nằm trọn
trong hiện tại hoặc có dây mơ rễ má với quá khứ và có thể kéo dài đến tương
lai. Khi hiểu được sợi dây oan trái giang hồ có gốc gác nhân quả, con người sẽ
nung đúc thái độ chấm dứt sân hận ở hiện tại. Nhờ đó, lòng thù hận trả đũa đối
với kẻ thù giảm xuống. Phải chấp nhận một cách thức nào đó để không làm cho thù
hận gia tăng. Hoặc chí ít, khi sân hận có mặt thì nỗ lực không cho nó phát
triển.
Cách thứ hai là phải quan niệm nỗi sợ hãi là ảo
giác, là xúc cảm âm tính tiêu cực làm con người mất hết năng lượng xây dựng,
phát triển và thành tựu. Còn sống trong sự sợ hãi thì niềm hạnh phúc và an vui
còn vẫy tay tạm biệt. Chỉ cần quan niệm bản chất sợ hãi như kẻ thù của sự tiến
bộ thì con người sẽ không cho phép mình sống trong nỗi sợ hãi. Nhìn thấy nguyên
nhân tạo ra sợ hãi sẽ có thể thực hiện vượt qua một cách rất dễ dàng, nhờ đó,
cơn sân hận được khắc phục.
Trong Hán ngữ, chữ “sân” là một từ tượng hình
được phối hợp bởi hai thành tố, bên trái là chữ “mục” tức con mắt và bên phải
là chữ “chân” tức sự tả hình. Hai từ này ghép lại biểu đạt trạng thái nhìn
người khác một cách đăm đăm không chớp mắt, mắt trợn trắng căm phẫn, tức giận, biểu
thị cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Do đó, sân là trạng thái
đẩy người khác vào chân tường, biểu hiện thái độ muốn tiêu diệt đối tượng hoặc
là cách thức biểu đạt sự trấn áp, làm cho đối tượng bị thù ghét không vui và bị
nỗi khổ về vật lý, tâm lý chi phối. Từ tượng hình “sân” trong chữ Hán là một
triết lý.
Muốn trở thành người an vui hạnh phúc thì sự biểu
đạt trong mối quan hệ với mọi người phải là biểu đạt của sự an lạc, có dáng dấp
của hiểu biết, rộng lượng, hỷ xả và cảm thông. Các đức tính này là nhịp cầu,
chiếc phao, sợi dây nối kết tình thân đã bị sứt mẻ. Nhờ đó, mọi người đều có cơ
hội nhìn mặt, ngồi lại, nói với nhau những lời từ ái, ăn uống chung một bữa
tiệc, sinh hoạt trong một cộng đồng hay hít thở chung bầu không khí trong lành.
Đừng để quan hệ trở thành đối đầu, va chạm, người này muốn nuốt chửng người
kia, hầu thỏa mãn cơn tức giận của bản thân. Trong tiếng Pali, “sân” có nghĩa
là thái độ biểu đạt cảm xúc muốn thiêu hủy đối tượng, đốt cháy đối tượng, bằm
đối tượng ra thành các mảnh vụn.
Khi bị cơn giận thiêu đốt, người ta có khuynh
hướng trút sự nóng giận hay cơn thiêu đốt đó vào đối tượng khác, nhưng không
ngờ sự trút đổ vô lối đó càng làm cơn giận gia tăng. Nhiều người sai lầm khi
cho sự sân hận là động cơ của hành động. Từ quan niệm sai lầm này, có người
muốn chứng tỏ ta đây có sức lực, trí khôn, là người thành công chứ không phải
người ăn bám nên đã trút đổ vô tội vạ sự bất mãn và sân hận. Dĩ nhiên, có thể
mang lại nỗi đau cho người khác. Sự thỏa mãn tự hào và ngạo nghễ trong thành
công sẽ tạo thành nội kết lớn hơn, nguy hiểm hơn. Người bị ngạo nghễ thách đố
nếu kháng cự thì nội kết giữa hai người sẽ bốc cháy và trở nên nguy hại.
Là người con Phật, phải thấy rõ được bản chất sân
hận và nội kết. Nội kết có thể được biểu đạt qua hai tư thế là cụ thể, trực
tiếp và thầm lặng. Trong trường hợp biểu đạt thầm lặng, có thể nói đó là sự
giận dữ thầm kín, đang được che đậy, đang núp bên trong tâm của người thâm hiểm
mà bề ngoài của họ là miệng cười, mắt vui, lời nói ngọt như mật. Hệ quả là ánh
mắt thân thiện giả tạo, lời nói “mật ngọt chết ruồi”, nụ cười thâm hiểm đó như
lưỡi dao, viên đạn hay loại vũ khí độc hại làm đối thủ chết tức tưởi, chết mà
không hề biết kẻ thù của mình. Đây là kiểu giết “Tiếu lý tàng đao”.
Nhìn thấy được tác hại của sân hận sẽ làm cho
người tàng trữ nó trở thành nạn nhân đầu tiên. Người có thói sân hận nên phóng
thích nó càng sớm càng tốt. Buông hận thù đối với người khác là tự cứu bản
thân. Đừng nên biến mình thành nạn nhân và kẻ thù của chính lòng sân hận!
Sân hận có thể được thể hiện bằng những hành vi
cụ thể như cái tát tay, bứt tóc, đánh đập, tra tấn, đấm đá, xô đẩy hay tất cả
những lời nói tục tĩu, cộc cằn; thiếu xây dựng, đoàn kết, từ ái. Hay những lời
chỉ trích, phỉ báng cốt làm cho đối phương bị đau đớn, bực dọc những lời thị
phi vu khống, xuyên tạc hoặc thái độ phản kháng, nổi loạn, những hành động khởi
nghĩa, những cách thức kháng cự. Có thể dễ dàng kiểm soát, kiềm chế khi nhìn thấy
được mặt mũi, hơi thở của sân hận, đặc biệt là khi nhìn thấy được sự vận hành
của nó trong hành động đối với người khác. Chỉ cần có thái độ nhìn đúng đắn về
tác hại của sân đối với đời sống thì có thể “dừng lại” hành động sân. Dưới sự
hỗ trợ của chánh kiến, khi quan sát, lúc hít thở, có thể nhận dạng được mặt mũi
của sân và bỏ thành công.
Trường hợp giận dữ tiềm ẩn rất vi tế. Có thể biểu
đạt bằng hình thức không cộng tác, tham gia, phát biểu hay ù lì, không chống
nhưng tuyệt đối không thân, không hề tham gia nhận xét đánh giá. Trong trường
hợp này, thái độ bề ngoài của đương sự giữ trung lập, trên thực tế thì có lập
trường khác biệt hẳn hoi. Tâm lý học Phật giáo cho rằng, đó là hành vi sân hận
tiềm ẩn, có khả năng tạo nội kết lớn như quả bong bóng được bơm phồng ngày càng
to. Nếu dung tích chứa đựng là 90cc mà bị nạp một lượng khí với dung tích 120cc
thì quả bong bóng này sẽ nổ. Bong bóng sân hận cũng vậy, khi bơm quá sức chịu
đựng, nó sẽ nổ tung làm cho bản thân đương sự bị rát mặt, đau nhức hay khổ não.
Cảm xúc sân hận sẽ làm cho tim, gan, phèo, phổi của đương sự trương phình lên
rồi nổ tung ra thành từng mảnh vụn và biến thành nạn nhân của khổ đau!
SI MÊ VÀ SÂN HẬN
Gốc rễ khác của sân hận bắt nguồn từ thái độ si
mê. Si mê được định nghĩa như một nhận thức không sáng suốt, xa rời bản chất
nhân quả, duyên khởi, vô thường, vô ngã. Tất cả các học thuyết, chủ nghĩa và
cách lý giải đặt trên nền tảng nhất nguyên, nhị nguyên đều là những bước đi rất
chập chững của hữu ngã nên thường ghi khắc vết hằn của bản ngã và khổ đau. Lịch
sử nhân loại, về phương diện tư tưởng được đi bằng chủ nghĩa nhất nguyên tôn
giáo, nhất nguyên học thuyết hay đa nguyên tôn giáo, đa nguyên học thuyết. Việc
chạy theo nhất nguyên và đa nguyên làm con người không chấp nhận nhau, đối
kháng nhau. Khổ đau theo đó xuất hiện từ quá khứ tiếp diễn ở hiện tại và tương
lai.
Phải nhận định, đánh giá hiện tượng trên nền tảng
duyên khởi. Duyên khởi là quy luật vận hành của vũ trụ, phủ định các học thuyết
về nguyên nhân đầu tiên dù được gọi bằng danh Thượng đế, duy vật, duy tâm, duy
ý chí. Bất cứ cái “duy” nào cũng đều rơi vào trạng thái nhất nguyên xa rời bản
chất duyên khởi của nhà Phật. Với cái nhìn duyên khởi, chủ thể nhận thức mới
hiểu được sự tương quan chằng chịt của mọi sự vật, hiện tượng dẫn đến thái độ
và phản ứng hành động của con người hay tạo ra hạnh phúc và khổ đau của đối
trọng này, đối trọng kia.
Mọi vật trong đời đều bắt đầu từ sự vận hành
duyên khởi, tương tác lệ thuộc với nhau theo cách thức hai, ba hay nhiều chiều.
Nhìn như vậy giúp đương sự lý giải các vấn đề tường tận hơn, không bao giờ quy
trách nhiệm cho một người nào, không đặt vấn đề vị kỷ lên trên, không quy kết
đổ lỗi cho người khác, không xem mình là trục xoay của chân lý, còn người khác
thì phi chân lý.
Câu chuyện lịch sử về sự tranh chấp giữa Đổng
Trác và Lữ Bố có thể được xem là minh họa điển hình cho lòng si mê trở thành
đầu mối đấu tranh, bạo loạn và chém giết. Đổng Trác là cha nuôi của Lữ Bố. Đổng
Trác vốn háo sắc, muốn chiếm hữu người tình của Lữ Bố là Điêu Thuyền. Mối tình
tay ba này khiến Lữ Bố trở thành người bất hiếu, giết chết cha nuôi.
Khi bị sự si mê chi phối, con người có khuynh
hướng thích đoạt sở hữu của người vào tay mình. Ai đụng vào quyền lợi, sở hữu,
hạnh phúc của họ thì người si mê sẵn sàng kháng cự, chiến đấu tới cùng. Nhiều
tình huống khổ đau bắt nguồn từ trạng thái si mê, giành giựt, chiếm đoạt, giành
quyền sở hữu, tự hào thỏa mãn trên sự chiến thắng. Các cuộc chiến thôn tính của
các nước đế quốc xâm lăng trong quá khứ chủ yếu là để có thêm nhiều thuộc địa,
giá trị kinh tế mà không cần trực tiếp đầu tư sức lao động. Si mê đã trở thành
nguyên nhân của tất cả những sự bạo động, tranh chấp, chém giết lẫn nhau.
Để hóa giải thù hận từ gốc rễ của si mê, hành giả
phải nuôi dưỡng những hạt giống trí tuệ. Những ai nặng lòng tham đắm tình mà
sát hại nhau thì nên quan niệm rằng, hạnh phúc không chỉ có ở tình yêu từ một
mỹ nhân hay người nam có quyền lực, giàu sang, học vị… mà nằm ở chỗ hai người
yêu nhau luôn sống bằng tinh thần tương kính, tương nhượng, hiểu biết, chia sẻ
và cảm thông.
Cái đẹp của tâm giữa hai người chính là chất liệu
nuôi lớn tình yêu. Ngoài ra, còn có cái đẹp của đời sống đạo đức, tư cách, trí
thức góp phần làm cho tuổi thọ tình yêu và hôn nhân được lâu dài, an toàn. Cho
nên, cần gì chiếm đoạt tình yêu từ sắc đẹp và quyền thế của người khác mới có
hạnh phúc. Hãy tìm tình yêu và hạnh phúc bằng cách an toàn hơn là hạnh phúc của
lòng chung thủy và không có sự tranh giành.
Nếu Đổng Trác là người hiểu biết về đạo lý nhân
quả thì ông đã không biến mình thành tình địch của con nuôi. Nếu Lữ Bố hiểu
được đạo lý đã không hạ đao giết chết cha nuôi. Quan niệm nhất nguyên “chỉ có
cái này” thì mới được hạnh phúc, không có nó thì mọi giá trị hạnh phúc đều mất
hết, sẽ tạo ra nhiều rắc rối và tranh giành vì ai cũng muốn mình được quyền ưu
tiên.
Đừng thần tượng hoá bất cứ ai hay cái gì, đừng mơ
tưởng cái thuộc về lý tưởng nói nên chủ trương chủ nghĩa tuyệt đối, vì cái
tuyệt đối nhất trong cuộc đời chính là sự tương đối. Nếu không thể có một đối
tượng để tạo an vui, hạnh phúc lâu dài như mong đợi thì với cái thứ yếu vẫn có
thể có được hạnh phúc. Quan niệm về cái thứ yếu là nền tảng thay thế cho cái tuyệt
đối, giúp có được hạnh phúc.
Quan niệm chỉ có cái ưu tiên, những thứ đặc
quyền, đặc lợi mới có hạnh phúc sẽ làm trở ngại cho con đường hạnh phúc. Thái
độ chấp nhận người khác sẽ giúp mình trở thành người độ lượng. Nếu có cuộc
tranh chấp loại trừ, người độ lượng sẵn sàng nhường cho bất kì người nào hữu
duyên. Cuộc đời đâu phải chỉ khi có “người đó” hay “cái đó” mới được hạnh phúc,
khi không có “người đó” hay “cái đó” thì bầu trời ảm đạm, khổ đau! Cho nên,
tương nhượng là một trong những giải pháp làm cho thù hận giữa người và người
có cơ hội được chuyển hoá.
LOẠI TRỪ VÀ ĐỐI KHÁNG
Gốc rễ khác của sự hận thù là thái độ loại trừ.
Sự độc đoán dẫn đến loại trừ. Người có thái độ độc đoán sẽ tự đặt mình trên bàn
cân nặng hơn những người khác. Họ tự cho mình vai trò mặt trời, còn người khác
phải là mặt trăng, họ là ngày và người khác phải là đêm. Thái độ độc tôn làm
cho bản ngã trương sình nhanh chóng. Nếu tính độc tôn song hành với sự thành
công thì người độc tôn rất ngạo mạn. Y có khuynh hướng chinh phục, bành trướng,
phủ trùm, khống chế và những gì đi ngược lại đều tạo nên sự đối kháng ở y. Y sẽ
nỗ lực bằng mọi giá tiêu diệt một cách tàn nhẫn.
Thái độ loại trừ là làm cho chủ thể nhận thức,
nhìn cuộc đời bằng hai cặp kính sân hận và không tương nhượng. Người độc tôn
loại trừ tự xem mình là giá trị chân lý tuyệt đối và tất cả con người, sự việc
còn lại đều tùy thuộc vào trục xoay của chủ nghĩa cá nhân. Người độc đoán sẽ
xem hạnh phúc của mình là trên hết. Tất cả sự vận hành cuộc đời, vũ trụ, con
người, thậm chí người thân của y đều là thứ yếu. Y muốn hướng nào thì mọi người
phải theo hướng đó. Y muốn lên thì lên, xuống thì xuống. Do đó, bạo động, nổi
loạn, kháng cự dễ phát sinh đối với người có thái độ cực đoan như vừa nêu.
Thái độ ứng xử, loại trừ khiến tâm lý và hành
động của con người hướng tới chỗ không chấp nhận người khác, nhất là những
người có khả năng bằng hoặc hơn mình. Người độc đoán cũng không muốn tạo điều
kiện cho bất kỳ đối tượng nào có cơ hội thành công. Y giành hết những điều kiện
thuận lợi về phía mình. Y trở thành con người ích kỷ, tầm thường.
Loại trừ là thái độ độc tôn. Người độc tôn chỉ
đồng minh với người và những gì thuộc sở thích, hợp gu và mang lại hạnh phúc
cho y. Những gì không hợp gu, không thích thì y tìm cách triệt tiêu, nhằm tạo
vùng ảnh hưởng phủ khắp. Độc tôn là đầu mối của chủ nghĩa bành trướng và đặt
quyền lợi thiểu số lên trên quyền lợi đa số.
Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến nhân vật
Hitler, con người của sự “độc tôn loại trừ”. Ông có mối thù truyền kiếp với
những người Do Thái thông minh. Ông đã ra lệnh mưu sát không biết bao nhiêu
ngàn người Do Thái ở nước Đức và khắp nơi trên thế giới. Ông hạ lệnh giết hết
tất cả những tướng lĩnh và đảng viên của các đảng đối lập. Lịch sử Hitler là
lịch sử khổ đau do chính ông gieo rắc cho nhân loại. Nỗi khổ đau thế chiến thứ
hai có gốc rễ từ lòng tham loại trừ. Liên minh Đức, Nhật, Ý chỉ có giá trị tạm
thời, trong chiến lược thế chân vạc. Khi liên minh chân vạc này chiến thắng và
biến các nước khác thành thuộc địa thì trước sau gì cũng đến giai đoạn liên
minh tay ba này loại trừ nhau, giành quyền thống trị thế giới vì bản chất của
những kẻ độc tôn không muốn có người thứ hai ngang mình.
Thái độ loại trừ làm cho kẻ độc tài khó có thể
chấp nhận người khác. Thái độ loại trừ có mặt ở chủ nghĩa tôn giáo và ý thức hệ
chính trị. Khi chấp nhận một chủ nghĩa nào đó, con người sẽ có khuynh hướng
không chấp nhận những học thuyết đối lập. Chủ nghĩa mới xuất hiện, người có tâm
loại trừ sẽ công kích, chỉ trích để giành quần chúng về phía mình. Y lật ngược
mặt trái, mặt sau của chủ nghĩa đó để chứng minh chủ nghĩa của y là số một.
Hành động vạch lá tìm sâu thường được người, chủ nghĩa loại trừ sử dụng và khai
thác triệt để. Người ta có thể nhìn thấy một cục ghèn trên mắt của người khác
dễ dàng, nhưng đống rác to tướng trước nhà của mình lại làm ngơ. Ứng xử “tự thị
tha phi” khiến đương sự khó có cơ hội nhìn thấy những sai trái của bản thân
huống là cái tốt và hay của người khác.
Thái độ loại trừ cũng đặt con người trong tư thế
không chấp nhận người khác huống là đối thủ. Vì họ cho rằng, kẻ thù đã mang lại
những nỗi khổ đau khiến họ sụp đổ thành công, phải làm lại cuộc đời bằng đôi
bàn tay trắng. Lòng thù hận trong thăng trầm và đối diện “xuống chó” từ địa vị “lên
voi” làm cho đương sự ôm giữ mãi nỗi đau và thù hận trong tâm không nguôi. Một
điều kiện nhỏ cũng làm cho “giọt nước tràn ly”. Sự thành công lúc “lên voi”
trong quá khứ nhiều chừng nào thì sự thù hận gia tăng chừng đó. Đối với sự mất
mát ít hơn, sự thù hận có thể theo thời gian giảm đi. Đương sự thù hận khó có
thể sống với thái độ rộng lượng, tha thứ và bỏ qua những đau khổ do người khác
gây ra. Họ khó có thể ngồi với người mà họ coi là kẻ thù để tìm giải pháp cho
những bế tắc, lận đận, khổ đau giữa nhau.
Đức Phật chưa bao giờ kết tội những người cản phá
con đường thánh thiện, ngay cả những người là “bom” của con đường Bồ tát. Ngược
lại, bằng tình thương và tuệ giác, đức Phật thọ ký cho họ sẽ thành Phật trong
tương lai. Việc làm của đức Phật nhằm hướng đến một thế giới không còn kẻ xấu,
ác. Trong mỗi con người đều có chất liệu giác ngộ (Phật tính). Khi biết khai
thác và phát triển tiềm năng giác ngộ này thì mọi khổ ách, sai lầm trong quá
khứ không còn nữa. Con đường của sự làm mới đạo đức sẽ bày trước mắt.
Cách tân đời sống đạo đức thường được khởi đầu
bằng lương tâm hối hận về những điều xấu đã gây. Muốn làm mới nhân cách từ quá
khứ đen tối, điều trước tiên là phải dẹp bỏ lòng tự ái. Khi lòng tự ái được
chuyển hoá thì ý nghĩ, hành động và lời nói sẽ có sự thay đổi tích cực. Trong
trường hợp này, nếu mở lòng đón nhận người lỗi lầm, xem họ như bạn thì khổ đau
giữa hai bên biến mất. Nhờ sự hiểu biết và cảm thông, con người dễ tha thứ lỗi
lầm của người khác. Người hiểu biết còn phát triển tâm tuỳ hỷ với các đồng sự.
Khi đang trực thuộc một giáo phái, ngôi chùa hay quy y một vị thầy, người ta có
thể lập bè, nhóm đối kháng với những người tu tập khác phái, khác nhóm. Thói
quen này dần dần tích thành tâm lý và cách ứng xử loại trừ.
Để chuyển hoá tâm lý ích kỷ và loại trừ, nên quan
niệm sự đa dạng là cần thiết, thái độ khác biệt tạo nên sự phong phú. Đức Phật
đã nói đến 84.000 pháp môn, con số tượng trưng cho sự đa dạng. Người tiếp cận
chân lý có thể đi trên nhiều con đường với các phương tiện khác nhau mà vẫn có
thể về cùng đích.
Ý niệm về sự đa dạng pháp môn dạy, đừng bao giờ
áp đặt người khác phải theo quan điểm của mình. Đừng nghĩ phương pháp của ta là
số một, pháp môn của người khác là số hai, ba, bốn... Các quan niệm ta là nhất,
người khác là phụ thuộc, chính là tâm lý loại trừ trực hoặc gián tiếp. Người
mang thái độ loại trừ dễ dàng tặng người khác những “cái mũ” của học thuyết,
chủ nghĩa. Người bị chụp lên cái mũ dễ bực tức, nổi cáu, sân hận.
Nên chấp nhận rằng, chân lý có thể tiếp cận bằng
nhiều con đường khác nhau. Tương tự, hạnh phúc có thể đạt được bằng nhiều cách,
thế khác nhau. Giá trị của cá nhân phần lớn là do sự khác biệt với người khác.
Phải là cái đặc thù thì mỗi sự đóng góp sẽ trở thành đặc biệt. Đặc thù nhưng
không đối kháng. Đặc thù để bổ sung, hỗ trợ nhau.
Với quan niệm đa dạng về tu tập, tôn giáo, pháp
môn, người ta trở nên bao dung, rộng lượng hơn, sẵn lòng tha thứ người khác,
không bao giờ buộc người khác vào thế chấp nhận mình mà không chấp nhận chính
họ. Người tu có tông chỉ duy nhất để lựa chọn thì tông chỉ đó là đạo Phật. Nếu
người tu chỉ có một học thuyết để theo thì học thuyết đó chính là pháp Phật. Có
một cái gì đó để quyết định thì quyết định đó chính là con đường đạo đức và tuệ
giác mà đức Phật đã dấn thân, ban tặng. Ở đây, hoàn toàn không hề có những
chiếc nón, mũ vốn làm con người bị phân hoá. Các nhà sư luôn để đầu trọc, nửa
tháng cạo đầu một lần. Tóc là cái được người đời quý trọng mà người tu còn
không muốn giữ huống hồ giữ những cái nón, mũ bị người khác chụp lên.
Nhiều người bị nhiễm lăng kính chính trị, nên đã
chính trị hoá các nhà sư. Nhiệt tình thiếu tuệ giác trong việc chống các vị cao
Tăng không thuộc giáo pháp hay pháp môn của mình thì chỉ chứng tỏ kiến thức, sự
hành trì Phật học còn non kém. Người chụp mũ và phỉ báng các bậc cao Tăng, các
thiền sư khác với pháp môn sẽ gây ra khẩu nghiệp nặng.
Theo tinh thần Phật dạy, nên bỏ thái độ loại trừ
và độc tôn để có thể nhìn thấy được sự đóng góp và giá trị của người khác.
Người khác có thể theo học thuyết mà ta không thích nhưng nếu hành động và sự
dấn thân của họ mang lại giá trị lợi lạc thì nên tán thán và học tập.
Câu chuyện “Thiện Tài Đồng Tử tầm sư học đạo” là
điển hình về tinh thần đa pháp môn trong dung thông vô ngại. Thiện Tài đi tham
vấn học hơn 50 vị thầy, xuất thân từ nhiều trường phái và pháp môn khác nhau.
Đôi lúc, tông chỉ của họ đối lập nhau nhưng Thiện Tài vẫn xem họ là thầy trong
lĩnh vực ông thiếu chuyên môn. Nhờ tinh thần cầu tiến và dung thông, Thiện Tài
đã rút ra được những tinh hoa nhất của các pháp môn để hành trì. Đây là một bài
học hay, giúp nhìn nhận cuộc đời bằng chính cái nó vốn có.
Pháp môn phản ánh con đường hành trì khác nhau.
Đừng buộc tất cả hành giả phải theo hoặc là Tịnh Độ tông với tinh hoa của sáu
chữ Nam mô A Di Đà Phật hoặc Thiền tông với tinh hoa của công án thoại đầu hay
quán niệm, hoặc Mật tông với ba nghiệp mật … Biến ống nhòm của mỗi pháp môn
thành bầu trời chân lý là sai lầm về nhận thức luận và phương pháp tu tập. Phật
nói pháp 49 năm với hàng ngàn bài kinh, trăm ngàn trang sách. Đôi lúc, do cuồng
tín với một tông phái nào đó, người ta đánh mất cái nhìn toàn diện, khởi lên
thái độ loại trừ, mất nhiều cơ hội tiếp xúc với nguồn chân lý vi diệu vốn đa
dạng, mang chức năng trị liệu của đức Phật.
Lời Phật dạy được ví như biển pháp, mưa pháp, bầu
sữa pháp mang lại nguồn an vui và hạnh phúc cho người hữu duyên! Tu tập theo
đạo Phật phải có cái nhìn rộng mở, không câu chấp, để sẵn sàng đón nhận và nhìn
người khác như đối tượng hỗ trợ cho những cái đang còn thiếu hay những gì cần
có ở hiện tại hoặc tương lai.
VA CHẠM VĂN HÓA
Gốc rễ khác của sân hận gắn liền với sự va chạm
truyền thống văn hóa, phong tục tập quán hay lịch sử của các dân tộc. Khi các
truyền thống văn hoá bị va chạm và xung đột thì xung lực của sự thù hận sẽ được
gieo rắc ở bình diện lớn và nghiêm trọng hơn. Nếu có dịp tiếp xúc với nền văn
hóa khác, hãy tự xem mình như một phần tử vốn được sinh ra từ nền văn hóa đó.
Nhờ quan niệm dung thông này, mâu thuẫn văn hoá không xuất hiện trong tâm. Mọi
xung đột, loại trừ từ mâu thuẫn văn hoá được tránh khỏi. Ứng xử như vậy chẳng
những không tự đánh mất mình khỏi nền văn hoá gốc mà còn giúp có cơ hội tắm mát
trong nền văn hoá khác. Nhờ vậy, có được chất liệu của sự an vui, hạnh phúc,
hòa hợp, tương thân và đồng hành trong các bản sắc văn hóa, phong tục tập quán
ở những nơi khác bản địa một trời một vực.
Thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều tu sĩ Việt Nam
có cơ hội sang Ấn Độ tu học. Ấn Độ là đất nước có nhiều nền văn hóa khác nhau,
cũng là cái nôi đã sinh ra nhiều tôn giáo trên thế giới. Ai sang Ấn Độ cũng có
dịp đối diện với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu lấy mình làm trục xoay để
nhận định, đánh giá các sự kiện văn hoá thì có thể rơi vào trạng thái bị sốc.
Có lẽ những người viết sách, hướng dẫn du lịch thế giới đã đúng khi họ đặt nhan
đề cho tủ sách loại này bằng cụm từ “Culture shocked,” nghĩa là “Cú sốc văn
hoá”. Thật vậy, tiếp xúc với nền văn hoá khác mà không có sự nghiên cứu và
chuẩn bị trước, người du lịch dễ bị sốc. Các cú sốc về văn hoá có thể dẫn đến
sân hận, thị phi, thậm chí tranh giành và huỷ diệt như đã thấy trong lịch sử
của nhân loại nhiều ngàn năm qua.
Ấn Độ có “Lễ hội văn hóa” mang tên “Lễ Thánh
Thiêng” (Holy festival). Trong lễ hội, tất cả những người theo Ấn Độ giáo phải
chuẩn bị đón nhận niềm vui khi được người khác tạt nước màu hay bôi trét bột
màu lên thân thể. Trong ngày này, người Ấn Độ thường mặc bộ đồ cũ, để khi ra
đường được ai tạt nước hay bôi bột màu lên thì khỏi hư áo sạch. Nếu màu sắc tạp
dính vào áo hay vào người được các nền văn hoá khác gọi là dơ xấu thì người Ấn
Độ lại cho là thiêng liêng.
Không hiểu được nét văn hoá đặc thù này của người
Ấn Độ giáo thì dễ nổi cáu vì nghĩ bị người khác làm dơ và trở nên xấu hổ trước
quần chúng. Nhiều người ngoại quốc không có thiện cảm với lễ hội này nên đã
dùng nghệ thuật chơi chữ, đổi từ “holy” (thiêng liêng) thành “dirty” (dơ dáy)
để gọi lễ này là “dirty festival,” (một lễ hội dơ). Sự kháng cự về dị biệt văn
hóa đã tạo thành xung lực đối đầu giữa các cá nhân khác nhau trong quá khứ,
hiện tại và tương lai.
Quan niệm độc nhất sẽ tạo ra sự đối kháng và loại
trừ. Phải thấy sự khác biệt tạo ra tính đa dạng và phong phú. Cũng như hoa có
nhiều loại, mỗi loại một sắc thái. Có hoa màu vàng, đỏ, trắng hoặc vừa vàng vừa
đỏ xen kẽ nhau. Nhiều loại hoa khác nhau tạo thành vẻ đẹp cho vườn hoa. Nếu tất
cả hoa trong vườn cùng màu trắng hoặc vàng đỏ, xanh thì không tạo thành vẻ đẹp
bổ sung. Màu trắng hỗ trợ và làm nổi bật màu đỏ. Màu đỏ làm nổi bật màu vàng.
Cứ thế, sự khác nhau lại mang tính bổ sung cho nhau. Hình thù cũng vậy, phải có
cao thấp, mập ốm, héo tươi, chính phụ, ánh sáng nhiều và ít. Sự tương phản tự
nhiên sẽ tạo ra hệ giá trị đa chiều. Cũng vậy, sự đa dạng về bản sắc văn hóa
của loài người là cách hỗ trợ và bổ sung cho nhau. UNESCO đã kêu gọi các quốc
gia trên thế giới phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đừng để bản sắc văn hóa
đó bị diệt chủng, biến dạng hay bị huỷ diệt trong chiến tranh do xung đột văn
hóa gây ra.
Khi hai nước có quan hệ tốt thì sự giao lưu về
kinh tế, văn hoá; nghệ thuật, văn học mang tính đối lưu. Nền văn hóa nước lớn
sẽ ảnh hưởng đến nền văn hóa nước nhỏ. Như trường hợp Trung Hoa ảnh hưởng đến
Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng hay Ấn Độ đã ảnh hưởng đến
Tích Lan, Miến Điện, Bhutan, Xích Kim, Pakistan, Ban- gladesk, thậm chí Thái
Lan, Lào, Campuchia.
Sự tương tác văn hoá thường diễn ra theo công
thức cái nổi và chìm, tác động và bị động, ảnh hưởng và bị ảnh hưởng. Nếu không
quan niệm nền văn hóa khác như một sự hỗ trợ, bổ sung cho nền văn hóa của mình,
thái độ kháng cự là đầu mối của mọi cú sốc văn hoá.
Văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa rất đẹp nhưng
một số vua Trung Hoa đã làm những chuyện không đẹp về văn hóa. Chẳng hạn như
Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách, chôn học trò để phủ định và hủy diệt tất cả
những giá trị văn hóa của những triều đại trước. Tình trạng vị vua sau xóa sổ
những đóng góp của các vị vua trước là hành động muốn độc tôn văn hoá.
Cần tiếp nhận nền văn hóa khác một cách hoan hỷ
để biết thêm tinh hoa hay các dữ liệu văn hoá như giá trị mới. Ngạn ngữ phương
Tây rất đúng khi cho rằng, “Một người biết được hai ngôn ngữ có giá trị bằng
hai người”. Tương tự, có thể nói, “người hiểu nhiều nền văn hóa như người có
nhiều quốc tịch, dù y chỉ có một passport!” Người lịch lãm có thể sống hòa
bình, hoà hợp và hạnh phúc với người thuộc các nền văn hoá khác. Nhờ vậy, lòng
sân hận về sự khác biệt không có cơ hội xuất hiện.
Ứng đối trước những khác biệt về văn hóa, muốn
không bị sân hận chi phối đòi hỏi đến tầm nhìn hiểu biết, rộng lượng và bao
dung. Chỉ với thái độ rộng mở, mọi khác biệt không tạo ra loại trừ. Ngược lại,
tôn vinh cho nhau!
Lúc nào chưa buông bỏ được sân hận thì con người
vẫn còn bị gọi là bệnh nhân, phiền não, nghiệp lực, đối kháng và hủy diệt lẫn
nhau. Do đó, khổ đau tiếp tục xuất hiện với người sân hận dưới nhiều hình thức
khác nhau. Nếu tất cả sống bằng lòng sân hận thì cuộc đời trở thành bệnh viện
rất lớn nhưng không đủ chỗ để chứa và không đủ thuốc để chữa lành cho các bệnh
nhân. Nếu không buông bỏ sự hận thù thì dù có ra đời hằng trăm tôn giáo cũng
không có giá trị.
Đức Phật luôn dạy tìm sự hóa giải, tháo gỡ nội
kết, mở tung cái gút giữa các mối quan hệ bế tắc. Trên tinh thần Bồ tát đạo,
nhận lỗi về mình để buông khổ đau do người cố ý tạo ra.
Trong chiến tranh, các chiến sĩ được đào tạo để
giết kẻ địch trên tinh thần của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc... Trong
chiến tranh, dù chính nghĩa cũng không có sự toàn thiện vì chiến sĩ của hai bên
phải đối xử tàn nhẫn với nhau. Chẳng hạn như lính Mỹ đã tra tấn dã man các tù
nhân của Iraq, thậm chí lột quần áo để nhục mạ họ. Nếu lính Mỹ bị Iraq bắt làm
tù nhân thì Irac cũng khó tránh khỏi các hình thức tra khảo tàn nhẫn khác.
Để xoá bỏ hận thù, đức Phật dạy, tất cả mọi người
nên quán rằng, ai là người nam đều đã từng là ông, cha, bác, chú, anh trai, em
trai, con trai, cháu chắt trai mình và tất cả những người nữ đều đã từng là mẹ,
vợ, cô, dì, thím, mợ, chị gái, em gái, cháu gái của mình. Quán và sống được như
thế thì đâu nỡ lòng nào hành hạ, tàn sát những người thân như vậy dù nhân danh
bất cứ chủ nghĩa hay ý thức hệ nào.
Muốn hóa giải khổ đau, trước tiên phải có trái
tim Bồ tát, thương xót kẻ đã đem lại bất hạnh hay khổ đau cho mình. Tìm cách
tạo cơ hội cho họ vươn cao. Tặng họ chiếc thuyền Bát nhã để họ đến bờ hạnh
phúc, chiếc phao tha thứ để họ lội qua biển khổ đau, hận thù. Tặng họ cánh buồm
từ bi giúp họ đến chốn an lành. Đừng dồn người khác vào thế bí, không còn lối
thoát. Đó là thái độ khôn ngoan của nhà Phật để hóa giải hận thù và khiến nó
không còn chỗ bám rễ huống là tái tạo khổ đau cho đời.
Mở rộng tấm lòng bi để yêu thương kẻ đã thù hận mình,
bởi họ là một nghiệp nhân! Dang rộng đôi tay từ để cứu độ kẻ hận thù mình, bởi
họ là anh em ruột thịt! Vứt bỏ sân hận giống như cắt bỏ mụt ghẻ đau nhức, bởi
sân hận là rắn độc có thể cắn chết người!
Cuối cùng, luôn nhìn cuộc đời bằng tâm trạng hoan
hỷ! Vì xét cho cùng, mọi sự vật hiện tượng xảy ra trong đời chỉ là chuyển biến
của nhân quả. Khi dùng tâm hoan hỷ nhìn đời thì sân hận đâu có chỗ xuất hiện.
Thiền sư Nhất Hạnh đã từng viết:
“Lướt trên sóng sinh tử Thuyền từ dạo bến mê Nụ cười
vô uý nở
Phiền não tức Bồ-đề”.
Và chân thành gởi đến quý vị lời khuyên:
Hơi đâu ôm ấp hận thù
Cho vương sầu khổ, âm u cuộc đời!
SÂN HẬN VÍ NHƯ CÁI CƯA
Đức Phật dùng hình ảnh cái cưa để mô tả trạng
thái tiêu cực của lòng sân. Cái cưa tạo ra các vết loang lổ và cắt đứt vật nào
đó. Khi hai tay cầm hai đầu của cái cưa và thực hiện động tác kéo qua kéo lại
thì vật liệu bị cắt sẽ đứt làm đôi. Cũng vậy, nỗi sân hận, nỗi niềm không hoan
hỷ, trạng thái tâm bực dọc, khó chịu đều được ví như cái cưa. Trước nhất, cưa
dòng cảm xúc ra từng mảnh vụn, dòng cảm xúc trở thành mạt cưa khổ đau. Dĩ
nhiên, khi một vật liệu có giá trị bị cưa nát nhiều mảnh thì chắc chắn giá trị
của nó mất đi vĩnh viễn. Dầu con người có thể nối kết những vật dụng bị cắt đứt
qua lưỡi cưa sân hận, tình trạng nguyên thủy của an vui và hạnh phúc cũng không
thể được đảm bảo trọn vẹn. Cứ liên tưởng đến ảnh dụ cái cưa được sánh ví như
trạng thái sân hận để đừng cưa chính mình và người khác trong mối quan hệ tình
người.
Dù ảnh dụ này nêu ra ở cuối nhưng được đức Phật
khẳng định là trọng tâm của bài kinh. Ngài muốn ám chỉ sân hận xuất hiện trong
mối quan hệ đối tác giống như cái cưa có thể cưa đứt tình người ra nhiều khúc.
Cho nên, chỉ khi nào nhận thức được điều đó mới có ý thức khắc phục, chuyển hóa
cảm xúc, làm tất cả cảm giác khó chịu lắng dịu có nghệ thuật.
Đức Phật chia bản kinh này ra làm nhiều ý tưởng
chính. Trước nhất, Ngài xác định phạm vi và giới hạn của sự giao tế. Khi xác
định được phạm vi và giới hạn trong giao tế thì không được phép vượt qua dù có
lí do biện hộ rất chính đáng. Chẳng hạn, trong tình huống bảo hộ, bênh vực cho
những người bị nói xấu, thị phi, chỉ trích… nói chung là bị hại thì hành giả
phải biết dừng ở mức độ nào đó chứ không nên xen ý kiến quá sâu vào vấn đề. Vì
sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn, giống tình huống đổ dầu vào lửa trong khi
không có nhu cầu cần dầu.
Có một số vị Tỳ kheo quan sát một sự kiện khá lâu
và cảm thấy khó chịu nên đến thưa đức Phật rằng, có thầy tên là Moliyaphagguna
rất dễ nổi lên trạng thái phẫn nộ, đôi lúc bất mãn, vấn thoại bất cứ người nào
nói xấu những sư cô có quan hệ rất thân mật với thầy. Tương tự, bất cứ ai nói
xấu thầy này thì các sư cô đó cũng biện hộ và bênh vực, dẫn đến thái độ bất
mãn, sân hận, cau có. Dĩ nhiên là vấn thoại rằng, tại sao lại có những mục đích
gây vấn nạn khó dễ lẫn nhau?
Thông thường, tình huống các vị đồng tu bảo hộ,
che chở, chăm sóc lẫn nhau có thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề đức Phật đặt ra
là, nếu đi quá giới hạn cho phép thì sự bảo hộ có thể trở thành phiền não cho
mình và cả người được bảo hộ. Vấn đề đức Phật chỉ ra là, nỗi khổ niềm đau, thị
phi trong quan hệ giao tế là một thực tại. Người sống trong cuộc đời dù tốt
cũng vẫn có kẻ nói xấu, không đồng tình, không ưng thuận. Hoặc ưng thuận trước
mặt, chống nghịch sau lưng, nói một đường, tâm tư một nẻo. Đó là thực tại hiển
nhiên, nơi nào cũng có.
Thấy người đồng tu, người thân, bạn bè bị nói xấu
thì làm sao không cảm thấy khó chịu. Kinh dùng khái niệm nói xấu, trong trường
hợp này phải xác định người bị nói xấu là bị oan uổng, hàm oan rất lớn, bị vu
khống hoặc bị nói cường điệu làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, hay khi nỗ
lực làm việc tốt nhưng lại bị nhận định, đánh giá rất xấu, tiêu cực.
Trước trạng thái bị nói xấu, ai cũng cảm thấy khó
chịu. Người bị nói xấu có thể nhẫn nại, chịu đựng được nhưng bạn của họ lại khó
chịu. Người bảo hộ thường có lời ra tiếng vào với thái độ và tâm tưởng bảo hộ
nạn nhân. Nhưng nói và bảo hộ thiếu phương pháp là làm cho lửa hận thù của nạn
nhân được nhóm lên nhiều hơn và bốc cháy trong mối quan hệ.
Khi bảo hộ cho người bị hàm oan thì tính liên
minh được thiết lập. Đây là phản ứng tâm lý tất yếu. Người được giúp cảm thấy
tâm đắc với người đã giúp đỡ dù bản thân không nhờ đến. Phản ứng liên minh đáp
lại là sẽ xuất hiện phản ứng, ai đụng đến người đã từng bảo hộ mình thì cũng có
khuynh hướng bênh vực. Cuối cùng, tạo ta những liên minh mang tính đối kháng.
Thiết lập liên minh để tạo ra phản ứng đối lập không phải là một giải pháp tốt.
Đức Phật biết trong trường hợp này các sư cô bị
nói xấu, hàm oan và thầy Moliyaphaguna là anh hùng đóng vai trò người trung
gian tháo gỡ cái gút hàm oan, nhưng thiếu phương pháp nên làm cho vấn đề trở
nên rối rắm, nỗi hàm oan lại gia tăng. Trong tình huống đó, người đóng vai trò
tháo gỡ thay vì đứng trung lập, làm trọng tài để điều phối và hóa giải lại trở
thành liên minh của nạn nhân. Từ thiện chí dấn thân vào sự kiện phức tạp đã làm
nó trương sình hơn. Vì người tháo gỡ đứng về một phía nên lời nói dù đúng đắn
cũng khó được người khác lắng nghe và chấp nhận.
Để tháo gỡ thái độ liên minh sân hận, đức Phật đã
cho mời Moliyaphaguna đến hỏi đầu đuôi câu chuyện. Moli- yaphaguna thừa nhận đó
là sự thật. Khi ấy, đức Phật nói rất tế nhị đại ý rằng, thật không xứng đáng và
không có giá trị lớn cho người xuất gia đã từ bỏ thân bằng quyến thuộc, gia
đình, địa vị xã hội, đời sống hưởng thụ để sống cuộc đời thong dong, giải
thoát, không vướng bận mà lại liên hệ quá thân mật, không cần thiết đối với
những người đồng tu. Dù sự liên hệ có giá trị về xã hội nhưng nhiệt tình quá
mức làm cho mối hàm oan, căng thẳng trở nên gia tăng.
Đức Phật muốn nói, vai trò người tháo gỡ phải hết
sức tế nhị. Đừng vì nhiệt tình quá mà làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Người
tháo gỡ hàm oan phải ở tư thế trung lập mới có cơ hội tiếp xúc khách quan để
tìm ra giải pháp không tổn hại cả hai phía. Dĩ nhiên, trong giao lưu đối tác,
nếu xảy ra mâu thuẫn thì bên nào cũng nghĩ mình có lí do chính đáng, mình đúng
và được quyền ứng xử như vậy. Cho nên, người đứng ra hoá giải mà nghiêng về một
phía thì không phải là giải pháp giải quyết vấn đề. Mặt khác, cũng không nên cứ
mặc kệ vấn đề diễn biến. Không bận tâm sẽ dẫn đến thái độ thờ ơ, yếm thế. Phải
thừa nhận vấn đề vấp phải như một thực tại đang diễn ra và đặt tiêu chí giá trị
tháo gỡ lên hàng đầu để xác quyết được rằng, trong tình huống nào nên dấn thân
và ở mức độ nào để sự rạn nứt không trở nên phức tạp. Nhờ đó, giá trị thiện chí
của người trung gian được đánh giá đúng mức.
Lời dạy của đức Phật có hàm ý sâu hơn là, trong
sự bảo hộ lẫn nhau đối với người đồng tu khác giới tính, dù nội dung xuất phát
từ động cơ chính đáng vẫn có thể tạo ra những sợi dây liên hệ về tình cảm làm
cho vấn đề có thể phát triển theo hướng lệch lạc về sau. Đức Phật thừa nhận, dù
là người xuất gia có tâm huyết, lý tưởng bảo hộ, bênh vực sự hàm oan nhưng vẫn
có thể tạo ra rắm rối nếu không biết dừng lại đúng lúc.
Ảnh dụ của câu chuyện có thể ứng dụng vào đời
sống người tại gia. Chẳng hạn, người có gia thất nhưng vài năm trước họ từng có
những người bạn học khác phái rất thân mật. Hai bên có thiện cảm với nhau, mỗi
người đi một hướng theo sự lựa chọn của lý tưởng và hành quả của nghiệp. Sau này
gặp lại nhau, người rất phát đạt, thành công còn người kia gặp hoàn cảnh rất
khó khăn. Đôi lúc, vẫn có tin tức nói về những người bạn cũ gặp khó khăn, hoạn
nạn thì sự trắc ẩn, thương tưởng, nhiệt huyết và tình thân hữu ngày xưa bắt đầu
khơi dậy. Vì vậy, những người bạn thành công có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn đang
gặp hoạn nạn và tin người bạn đời của mình sẽ đồng thuận. Là người tốt, ai cũng
đồng thuận trước những tình cảm cao thượng đó của bạn đời. Nhưng nếu dấn thân
giúp bạn cũ đang gặp khó khăn quá mức, đầu tư quá nhiều cho chuyện ngoài lề thì
tình cảm, thời gian, công sức, năng lực dành cho gia đình hiện tại bị giảm đi.
Tình cảm trong gia đình có thể bị rạn nứt và khó đảm bảo được hạnh phúc. Do đó,
vai trò trách nhiệm người giúp đỡ xuất phát từ thiện chí thì phải đặt trong quỹ
đạo nhất định với những giới hạn giao tiếp cho phép.
Dấn thân trong trường hợp này nếu là người độc
thân thì không nói làm gì. Nếu là người đã có gia đình thì đòi hỏi giao tiếp
phải rất khéo léo để thiện chí không bị hiểu lầm.
Có thể áp dụng công thức lời khuyên của đức Phật
cho tất cả quan hệ giữa các đối tác với nhau. Và phải biết đặt lên bàn cân hệ
giá trị thế nào là có lợi, thế nào là không để sáng suốt dấn thân đúng tình
huống, dừng đúng chỗ thì hiệu quả công việc sẽ được thừa nhận.
Ảnh dụ lưỡi cưa. Như kẻ đạo chích dùng cây cưa để
cưa tay và chân của người khác. Mỗi động tác cưa qua cưa lại làm nạn nhân rướm
máu, thịt rơi, nỗi đau chồng chất. Tương tự, khi người sân hận khởi lên ý niệm
trả thù đối phương bằng cách cưa người đó ra từng khúc thì tâm niệm này không
làm cho người sân hận được an vui, hạnh phúc dù mối thù đã được trả. Từ bi, tha
thứ, buông xả là chất liệu cần thiết giúp phóng thích nỗi khổ niềm đau. Tác giả
của khổ đau là ai, động cơ gì không quan trọng. Không có lòng từ bi thì không
thể hành trì thành công giáo pháp an vui, hạnh phúc của Như Lai. Pháp Phật là
giáo pháp của từ bi, chuyển hóa, vô ngã, vị tha.
Do giận tức và hận thù không buông bỏ, nhiều
người nói thà bị nghiệp xấu miễn là trả thù được người gây ra khổ đau. Do hận
thù che lấp, nhiều người chấp nhận đau thương, bị rỉ máu miễn là trả thù được
người thù địch một cách đau đớn! Nhưng họ đâu biết sự cố chấp đó chỉ làm họ
càng đau khổ hơn. Lòng hận thù giống như ghim dao trong lòng hoặc như đang cầm
dao hai lưỡi trong lòng bàn tay. Mỗi lần xiết con dao lại, máu sẽ rỉ chảy ra từ
sự sống. Muốn hết đau khổ, không còn cách nào khác là phải buông đau khổ, giống
như buông con dao xuống. Lấy hận thù để trả đũa hận thù giống như lấy cái cưa
hai lưỡi cưa vào từng làn da, thớ thịt, gân xương của bản thân. Mỗi động tác
cưa, máu của khổ đau sẽ chảy, đến lúc không còn nữa thì con người lịm đi. Chỉ
cần dừng sự cưa lại thì máu bớt chảy. Kẻ dùng cây cưa của sân hận để cưa người
khác không bao giờ hành trì thành công con đường an vui, hạnh phúc. Nói cách
khác, muốn an vui thì phải từ bỏ cái cưa sân hận, thái độ trả đũa, thiết lập
tình thương và sống hòa bình với khổ đau! Mỗi tâm niệm sân hận sẽ tạo ra một
khí giới trong lòng. Tâm sân là một loại vũ khí nguy hiểm, có thể tạo ra đổ
nát, hủy diệt và chết chóc. Trong khi đó, lòng từ bi tạo ra sự sống, hòa khí,
an vui và hạnh phúc!
Tóm lại, những gì được đức Phật trình bày trong
bài kinh này là pháp môn chuyển hóa lòng sân rất hiệu nghiệm. Đức Phật đã dùng
hình ảnh ấn tượng của cây cưa, tạo ra sợ hãi và khổ đau đối với cảm xúc và các
quan hệ giao tế để khuyên rằng, cần phải dừng lưỡi cưa khổ đau lại. Phải giải
quyết vấn đề khôn ngoan bằng lòng từ bi và tha thứ. Buông lòng sân hận và tha
thứ người khác thực ra là dừng cái cưa khổ đau do tự tâm tạo ra mà thôi.
*
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Địa chỉ: Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh,
phường 3, quận 10, thành phố Sài Gòn.
Email: thichnhattu@yahoo.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 17.11.2018.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét