(Nguồn ảnh: internet) |
ĐỐI DIỆN CÁI
CHẾT:
KHÔNG SỢ HÃI CÁI CHẾT
*
Trích từ ĐỐI DIỆN CÁI CHẾT của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ.
CON TÀU TATINIC
(Tỳ Kheo Thích Nhật Từ) |
Cách đây vài hôm, tại San Jose, Hoa Kỳ, tôi có
chia sẻ bài pháp thoại về cách đối diện cái chết. Tôi phân tích bốn nguyên nhân
dẫn đến cái chết là tuổi thọ kết thúc, nghiệp chấm dứt, tuổi thọ và nghiệp kết
thúc và hết do tác động điều kiện hoàn cảnh như thiên tai, tai nạn, bị sát
hại, quyên sinh v.v…
Những trường hợp chết trái ngang, kinh điển Phật
giáo gọi là hoạnh tử, dân gian gọi là bất đắc kỳ tử. Những cái chết đó
thường mang lại nỗi khổ, niềm đau rất lớn cho người thân, gia đình và bè bạn.
Trong chúng ta, ai đã chứng kiến cảnh ông bà, cha mẹ, con cái, hoặc người thân
qua đời trong tình huống ấy, thường để lại nhiều nuối tiếc và có khuynh hướng
không chấp nhận cái chết diễn ra như một sự thật.
Ai không chấp nhận cái chết là một sự thật thì
nỗi khổ, niềm đau sẽ làm cho dòng cảm xúc gia tăng rất lớn. Đứng trước cái
chết, nhiều người đã hoang mang, không biết chuẩn bị cách nào cho người thân
của mình ra đi được nhẹ nhàng, để họ có thể sanh về cảnh giới an lành như cảnh
giới Tây phương Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, thế giới Đông phương của đức Phật
Dược Sư, hoặc tái sanh lại cõi người đầy đủ phước báu.
Xem phim con tàu Titanic, có một tình tiết đáng
lưu tâm là con tàu đang chìm dần xuống đại dương giữa mùa đông giá lạnh. Biết
cái chết gần kề, mọi người trên tàu vô cùng bấn loạn, hoảng hốt, tranh giành sự
sống trong từng li, từng tấc. Số người trên tàu quá đông, mà tàu đến cứu hộ chỉ
vài chiếc nhỏ. Họ sẵn sàng sát hại lẫn nhau để giành chỗ trên tàu cứu hộ. Có
người giành sự sống với ngay người thân của mình. Trong sự sợ hãi, khủng hoảng
trước cái chết, con người muốn tìm sự sống là nhu cầu vô cùng bức thiết, đôi
khi phải trút nỗi khổ đau cho người thân của mình.
Trong lúc mọi người hoảng loạn, vị Linh mục với
quyển kinh thánh trên tay, cùng với khoảng vài chục tín đồ, chụm lại đọc kinh
cầu nguyện. Họ làm như vậy để trấn an, vượt qua nỗi sợ hãi. Vị Linh mục cùng
các tín đồ chăm chú đọc kinh cầu nguyện, nhưng trên gương mặt họ vẫn hiện rõ sự
sợ hãi và khổ đau. Như vậy, họ đọc kinh cầu nguyện, không trong trạng thái bình
tĩnh, mà đọc kinh cầu nguyện trong nỗi sợ hãi, lo âu cái chết đến với mình.
Lúc chiếc thuyền từ từ chìm xuống, một số người
đã bị nhấn chìm, những người đọc kinh thánh vẫn hy vọng Chúa trời sẽ đến cứu họ
thoát chết. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Cuối cùng, họ cũng bị lặn hụp trong
biển nước. Có người đã được vớt lên thuyền cứu hộ rồi chết, bởi giá lạnh mùa
đông khắc nghiệt giữa biển khơi, cộng với nỗi sợ hãi làm cho họ không vượt qua
được cái chết. Số đông trên tàu ấy là người giàu có. Đấy cũng là con tàu cộng nghiệp.
Trạng thái tâm lý nào đã làm cho con người khổ
đau như vậy? Trên tàu có nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, nhưng do
không chuẩn bị tâm lý, họ không chấp nhận sự thật đang diễn ra - sự chết.
Thông thường, người có nhiều mơ ước, chương
trình, hoạch định chưa thực hiện được, bị thôi thúc như một động lực, không
chấp nhận sự thật đang diễn ra trước mắt. Dĩ nhiên, không chấp nhận sự thật
diễn ra gần kề thì họ tìm cách thoát thân. Trong số ít người may mắn sống sót
trên chuyến tàu ấy, có cô Rose. Cô kể lại câu chuyện giữa cô và anh Jack, người
yêu của cô, lúc con tàu bị chìm. Mối tình đặc biệt này đã khiến họ phải tìm sự
sống một cách mãnh liệt. Và rồi chỉ mình cô được sống, còn chàng Jack ấy cũng
vĩnh viễn ra đi để hiến dâng sự sống cho Rose. Âu cũng là nghĩa cử đẹp trước
cái chết.
SỢ HÃI TRÓI BUỘC CÁI CHẾT
Theo nhà Phật, khi con người tiếc nuối việc gì
đó, như tiếc nuối cảm xúc tình yêu, tình vợ chồng, tình cha mẹ, tình con cái,
hoặc rộng hơn là tình yêu quê hương, tổ quốc, hay một tình thương nào đó, có
thể kéo dài tình huống gây ra cái chết. Người chết trong trạng thái đó, sẽ gặp
khó khăn trong việc tái sanh, siêu thoát. Nếu họ là người có phước lực lớn
trong quá khứ, cộng với tình yêu cô đọng trong tâm, hai yếu tố này giúp họ có
thể vượt qua cái chết. Tuy tình huống ấy hiếm khi xảy ra, nhưng đó là một sự
thật.
Chúng ta biết rằng, quy luật sinh tử là dựa trên
hành động nghiệp, đặc biệt là nghiệp về tuổi thọ. Nghiệp về tuổi thọ không còn
thì ta phải ra đi. Ai không chấp nhận sự thật đó thì nỗi khổ, niềm đau xuất
hiện. Sự khổ đau biểu hiện như cặp mắt đờ đẫn mất thần, gương mặt tái xanh, tay
chân run rẩy, hoặc gào thét, tìm mọi cách níu kéo sống. Trong tình huống đó,
chỉ những người có đủ ý chí, nghị lực mới có thể tồn tại, hoặc do phước lực
tuổi thọ quá lớn, họ mới có thể vượt qua cái chết. Còn những người phước lực
yếu kém, không đủ nghị lưc, ý chí, phải chịu cộng nghiệp với những người
khác. Cộng quả trong bộ phim này là nhiều người trên tàu Titanic cùng
chết chìm giữa biển khơi trong mùa đông lạnh giá.
Điều tốt nhất trong tình cảnh ấy là thái độ bình
tĩnh phát xuất từ kết quả tu học. Nếu là hành giả pháp môn Tịnh độ, ta tạo ra
chánh niệm, nhất tâm bất loạn để vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách chuyên nhất vào
danh hiệu Phật A-di-đà, không để tâm loạn động thì nỗi sợ hãi chắc chắn sẽ
không có mặt. Sau khi chết ta sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành. Việc có
tái sanh về Tây phương Cực Lạc hay không, không quan trọng, mà quan trọng là
khi ta qua đời trong trạng thái an lành thì việc tái sinh trong tương lai sẽ
mang lại cho ta một đời sống tinh thần bình yên.
Nếu là hành giả Thiền tông, lúc ấy ta nên quán
niệm hơi thở, chuyên nhất giữa thân và tâm, không cho chúng tách rời nhau, duy
trì dòng chánh niệm tỉnh thức thì an lạc sẽ có mặt, ta vững chãi trước biến cố,
mặc cho chiếc tàu chìm xuống. Còn trong lúc ấy, nếu ta sợ hãi, hoảng loạn thì
trong lần tái sanh kế tiếp, ta sẽ là người dễ bị loạn động, mất bình tĩnh, đứng
núi này trông núi nọ... Phật dạy, hãy luôn luôn giữ chánh niệm, bình tĩnh trong
mọi tình huống, mọi biến cố xảy ra, sự thăng trầm, vinh nhục của cuộc sống, dù
hạnh phúc hay khổ đau, nhất là sự hiện diện tích tắc giữa sự sống và cái chết.
Tại sao đức Phật dạy chúng ta trước khi chết phải
giữ cho trạng thái bình tĩnh? Bởi giá trị của cuộc sống không nằm ở thời gian
con người có mặt trong cuộc đời lâu hay mau, nhiều hay ít mà là ở cách thức con
người sống như thế nào, và sự có mặt của con người phản ánh dòng chảy của
nghiệp từ nhận thức, hành động, lời nói cho đến việc làm, cách ứng xử và nghệ
thuật giao tế, sinh hoạt gia đình và cộng đồng xã hội.
Chúng ta cần để ý đến hai yếu tố quan trọng, đời
sống đạo đức và tuệ giác. Yếu tố đạo đức làm cho con người sống định tĩnh. Ví
dụ, thực hiện giới không sát sinh trong năm giới của Phật giáo là tôn trọng sự
sống của con người và các loài động vật, bởi đời sống của các loài đều có ảnh
hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hạnh phúc, tuổi thọ và qui trình giao thoa
sống trong vũ trụ bao gồm con người. Chúng ta bảo vệ sự sống theo hướng không
sát sanh bao gồm bảo vệ sự sống theo chiều kích tích cực khác như chăm sóc
người neo đơn, nghèo khó, tật bịnh và các loài động vật khác v.v… Khi ta không
gây nghiệp sát sinh với con người, ta không sợ người khác trả thù. Do đó, sự sợ
hãi về sự trả thù sẽ vắng mặt.
Tương tự, nếu ta chưa từng chiếm hữu tài sản của
người khác hay xâm phạm tiết hạnh của ai, mà còn bảo vệ tài sản, bảo vệ hạnh
phúc gia đình của mình và của người, ca ngợi đời sống chung thuỷ thì ta không
sợ hãi về lời thị phi, chỉ trích, hoặc sự cô lập của cộng đồng...
Nếu ta sống theo đạo đức, ta sẽ không sợ hãi bất
kỳ ai và ở nơi đâu. Nhờ đó, ta sống được an nhiên, tự tại giữa cộng đồng, làng
xóm. Đời sống đạo đức tạo cho ta chất liệu của sự an nhàn, thảnh thơi và hạnh
phúc. Cũng như khi tu theo Tịnh độ tông, niệm Phật đúng phương pháp, tông chỉ
của kinh A-di-đà thì ta sẽ đạt được
trạng thái thiền chỉ, tức là tâm ta vắng lặng, yên tĩnh. Trạng thái tâm định
tĩnh này giúp ta không bị rơi vào sợ hãi, khủng hoảng trước những nguy cơ, dù
cho ta đang trong tình huống thập tử nhất sinh.
Chiều kích tâm lý khác là trạng thái vô vị và cô
đơn trước cái chết. Nhiều người không chấp nhận cái chết, bởi họ nghĩ rằng,
chết là mất tất cả, không còn bè bạn, không còn tình thân gia quyến, phải nằm
một mình ngoài đồng hoang, mông quạnh, hoặc người nhà đem hoả táng, chỉ còn cái
lọ tro nhỏ bé gởi vào chùa, họ cũng chẳng gần gũi được một thân nhân
nào.
Trong nền văn hoá Trung Hoa, tình cảm giữa người
sống và người chết được duy trì khá tốt. Đó là cách thức nuôi dưỡng tình cảm
giữa người sống và người đã khuất. Mặc dù người thân của họ đã qua đời rất lâu,
nhưng đến ngày giỗ, ngày Thanh minh, con cháu họ đều đến viếng thăm, quét dọn,
sơn phết mộ phần cho sạch đẹp, mới mẻ. Theo nền văn hóa này, làm như vậy để
người chết có được niềm vui, niềm hạnh phúc là có con cháu tưởng nhớ, chăm sóc,
thương yêu… Những nền văn hoá khác khó chấp nhận sự cô đơn, hiu quạnh khi nghĩ
đến cái chết phải xa rời tất cả. Vì thế, có người đến tuổi già, cảm thấy mình “gần đất xa trời” đến chùa xin một
nơi để cốt gần tượng đức Phật Di-đà hoặc gần chỗ thờ đức Địa Tạng. Họ làm điều
đó vì không biết sau khi mình qua đời, có được con cháu quan tâm hay không? Có
người viết di chúc để lại, mong muốn con cháu đừng chôn họ nơi đất thấp, vì họ
sợ nước ngập ngột ngạt, khó thở trong lúc cô đơn, lạnh lẽo. Có người còn bảo
rằng, khi họ chết đừng hỏa thiêu vì khi thiêu lửa rất nóng, họ không chịu nổi,
khởi lòng sân hận, đau khổ.
VÔ NGÃ VỚI THI THỂ
Trong nền văn hoá Ấn Độ và Tây Tạng, có phong tục
điểu tang, tức sau khi chết, thân xác được người thân đem vào rừng treo lên
cành cây, hoặc đặt dưới gốc cây để cho các loài chim, loài thú rừng đến ăn
thịt. Ở xứ sở ấy, có người chuyên nghề âm công, lóc thịt người chết ra từng
mảnh, rồi đem vào rừng rải nhiều nơi, hay treo lên các cây cao... để cho các
loại thú lớn, chim nhỏ đều được lãnh phần. Những dân tộc không sống trong nền
văn hoá đó, họ không những không chấp nhận, mà còn thắc mắc, vì sao lại có
những tập tục đối xử bất nhẫn với người chết đến thế? Đã chết rồi mà còn bị
banh da, lóc thịt, làm mồi cho các loài thú. Phong tục ấy quá dã man!
Nếu hỏi những người sống trong phong tục ấy, họ
sẽ trả lời rất hay rằng, thân thể con người chỉ là do tứ đại hợp thành (gồm
đất, nước, gió, lửa). Có thứ thuộc chất rắn như thịt, xương, gân, có thứ thuộc
chất lỏng như máu, nước dịch, nước tiểu, có thứ thuộc về nhiệt lượng, có thứ
thuộc về sự vận hành của không khí như hơi thở ra vào. Đến khi chết, sự vận
hành của không khí không còn, nhiệt lượng tiêu mất, chỉ còn lại chất rắn và
chất lỏng. Thân xác khi đã chết không còn lợi ích gì cho cuộc đời nữa, nếu
không đem nó giúp cho các loài thú một bữa ăn thì cái xác chết cũng sẽ thối rữa
và trở về với cát bụi một cách vô nghĩa mà thôi.
Do quan niệm như vậy, nên khi trong gia đình có
người chết, họ tìm cách bố thí thân xác cho các loài động vật, họ tin rằng, làm
như vậy là tạo điều kiện cho người chết gieo nghiệp phước báu, nhường cơm xẻ áo
cho các loài động vật, hầu mong kiếp sau, người ấy sẽ có được đời sống sung
túc, đầy đủ hơn.
Chính nền văn hoá đã giáo dục người dân ý thức
như vậy, cho nên trong lúc lâm chung, họ cảm thấy an nhiên, nhẹ nhàng. Họ không
bị đối diện với cái chết vô vị và cô đơn. Vô vị nghĩa là không còn công dụng gì
trong cuộc đời này, không có đóng góp gì cho xã hội, cho gia đình, cho bản
thân. Do vậy, việc hiến thân xác cho các loài động vật, tạo cho người sắp chết
có cảm giác rằng, đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, họ vẫn mang lại lợi ích
cho chúng sinh khác, ít nhất là cho các loài động vật. Từ đó, họ không còn nỗi
sợ hãi trước cái chết.
Nền y học tiên tiến ngày nay khuyến khích mọi
người hiến xác hay hiến các bộ phận của cơ thể để làm thí nghiệm, hoặc cấy ghép
cho người có nhu cầu. Trên thế giới, đã có nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi
này. Họ làm tờ tâm nguyện hiến xác gửi đến các cơ quan chuyên trách, đồng thời
thông báo nguyện vọng đến người thân, để khi họ sắp chết mọi việc được thuận
lợi. Bởi họ hiểu rằng, nếu không hiến dâng những chi phần đó thì nó cũng sẽ bị
thiêu hủy.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu khoa học rất cần
những thi thể vừa tắt thở để làm các thí nghiệm, hoặc cấy ghép cho những người
không may bị hư hỏng các chi phần đó. Nhất là trong các trường Đại học Y khoa
rất cần tử thi cho các sinh viên thực tập, có thêm kiến thức thực nghiệm trên
thi thể con người, để họ trở thành những bác sĩ giỏi trong tương lai. Tóm lại,
việc hiến xác cho khoa học là một việc làm có ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết
thực cho đời sống nhân loại.
Người hiến xác phải có bản lĩnh kiên định, hiểu
biết sự đóng góp của mình cho khoa học là cần thiết và lợi lạc cho nhiều thế hệ
tương lai. Có người khi được khuyến khích hiến xác thì hăng hái, sau đó họ lại
hoảng hốt, lo sợ, khi hình dung đến việc mổ xẻ thi thể mình, lấy đi quả tim,
quả thận, con mắt để cấy ghép cho người khác. Nếu người hiến xác chưa hiểu giá
trị đóng góp, chưa dứt khoát tư tưởng, còn lo sợ thì không nên hiến xác.
Tâm nguyện hiến xác là thực hành hạnh nguyện
Bồ-tát. Người thực hành hạnh nguyện này không được hối hận. Khi tình nguyện
hiến xác mà sanh tâm hối tiếc sẽ xuất hiện tâm lý phiền não, làm nỗi khổ niềm
đau gia tăng. Do vậy, việc bố thí hiến xác mà sanh tâm sợ hãi hay hối tiếc là
hoàn toàn không có công đức.
Thứ nữa, trong trạng thái cận tử lâm sàng rất
quan trọng cho tiến trình tái sanh. Nếu lúc qua đời mà ta sanh lòng hối hận thì
sẽ không tốt cho tiến trình tái sanh. Giả sử được tái sanh trở lại kiếp người,
ta sẽ trở thành một người tiêu cực, hay do dự, thiếu dứt khoát, thiếu định
hướng, dễ bỏ cuộc khi nghe sự bàn tán, dư luận, dù việc làm của mình là rất tốt
và thiện ích cho mọi người. Có tâm nguyện hiến xác là phát xuất từ lòng tốt,
nhưng thiếu sự kiên định, quyết tâm, ta sẽ không gặt hái được kết quả tốt đẹp
trong lúc qua đời. Điều đó dẫn đến hệ quả không tốt cho đời sống tương lai.
TỰ TẠI TRƯỚC CÁI CHẾT
Dưới đây là câu chuyện nói về cách thức con người
phải đối diện với sự vô vị, cô đơn của tuổi già. Có ông lão sống đã gần tám
mươi tuổi, tinh thần vẫn còn minh mẫn, sáng suốt, tai vẫn còn nghe rõ âm thanh,
mắt vẫn còn thấy rõ sự vật, màu sắc. Ông lão sống chung với hai vợ chồng người
con trai. Anh con trai này rất yêu thương vợ. Chính vì thương yêu vợ nên anh ta
cho rằng, ông cụ đã già quá rồi, không làm được gì nữa mà vẫn còn sống là một
gánh nặng cho gia đình về kinh tế.
Hằng tháng, vợ chồng anh phải chu cấp tiền bạc,
dành nhiều thời gian chăm sóc ông cụ. Điều đó làm cho tình cảm của anh dành cho
vợ bị sút giảm. Mặt khác, người con trai dành quá nhiều thời gian lo cho ông cụ
làm cho người vợ đem lòng ganh tỵ. Người con dâu này không muốn chồng mình chăm
sóc cha nhiều như vậy. Ông lão hiểu được ý nghĩ của con dâu và con trai, ông
không biểu lộ thái độ ra bên ngoài, ông không muốn để cho con trai phải khó xử
giữa cha và vợ. Ông không biết phải làm sao? Vì ông cũng rất yêu quí con trai
của mình.
Mỗi ngày, ông lão cứ ngồi trước thềm nhà chờ con
đi làm về. Khi nhìn thấy con về, niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng ông, nhưng
ông cũng không biểu lộ vì sợ con dâu biết. Ngược lại, người con dâu luôn luôn
tỏ ra khó chịu vì sợ tình thương của chồng đổ dồn hết cho người cha. Cô muốn
người chồng chỉ quan tâm đến cô, vì thế, hàng ngày cô nói to nhỏ với chồng
những điều không tốt về cha, để cho chồng giảm bớt tình thương dành cho ông.
Nghe vợ nói nhiều lần, anh ta không còn tôn kính người cha của mình như trước
nữa.
Biết được việc đó, ông lão vô cùng buồn bã, nhưng
ông không biết xử trí thế nào. Dẫu sao, ông cũng là một Phật tử, nên không thể
nào tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Ông biết tự tử là một hành động sát nhân,
phải mang nghiệp quả nặng nề. Do ý thức tốt như vậy, ông vẫn bình thản, mặc kệ
những lời than vãn của con dâu và những hành động bất hiếu của con trai. Ông
sống an phận thủ thường với trạng thái im lặng, nhưng trong lòng ông cảm thấy
nỗi bất hạnh trào dâng không một giây phút ngưng nghỉ.
Một hôm, người con trai mang về nhà một chiếc quan
tài, hai vợ chồng bàn nhau, lấy thuốc độc cho vào thức ăn rồi mời ông ăn. Sau
bữa ăn, ông lão cảm thấy trong người khó chịu, ông lên giường nằm ngủ thiếp và
bị hôn mê. Hai vợ chồng thấy vậy, tưởng cha mình đã chết, họ bỏ ông lão vào
quan tài, rồi khiêng đi quăng vào hang núi. Khiêng quan tài đến triền núi, nghe
có tiếng động mạnh bên trong, hai vợ chồng sợ hãi, lập tức để xuống, mở nắp
quan ra. Ông lão lồm cồm ngồi dậy.
Do lượng thuốc độc cho vào thức ăn không đủ mạnh,
nên ông lão chỉ bị say thuốc, hôn mê mấy tiếng đồng hồ, ông tỉnh lại hoàn toàn.
Hai vợ chồng hoảng hốt. Ông lão ngồi dậy, nhìn các con, hiểu ngay sự tình, thản
nhiên mỉm cười và nói: “Nếu các con thấy cha là vật cản, gánh nặng cho
gia đình, các con hãy đẩy cha xuống núi. Còn chiếc quan tài này các con hãy giữ
lại, vì nó rất cần cho đứa con của con sau này.” Nghe cha nói,
hai vợ chồng vô cùng xấu hổ, cùng đỡ ông lão ra ngoài quan tài đưa về nhà.
Cách ứng xử của ông lão là biểu hiện của một
người hiểu đạo. Ông bình thản trước cái chết, bởi ông hiểu rằng, cái chết ai
cũng phải một lần kinh qua. Nhưng chết thế nào cho tâm mình an lạc, đó mới là
điều quan trọng cần hướng về. Cho nên, ta không cần phải sợ chết, mà hãy nhìn
cái chết là một sự kiện đang diễn ra quanh mình, như thế ta sẽ không rơi vào
trạng thái sợ hãi.
Chính cách thể hiện bình thản trước cái chết và
tấm lòng rộng lượng của ông lão đã làm cho vợ chồng người con trai thức tỉnh,
hối hận, mong muốn được thứ tha. Đây là câu chuyện thường được các thiền sư
Trung Hoa kể trong phần khai thị, và cũng là hình ảnh để tự răn nhắc bản thân
mình.
Không may, một ngày kia, khi ta già bị rơi vào
hoàn cảnh như ông lão, không nơi nương tựa, bệnh tật chi phối, mọi người xa
lánh, nếu ta cứ liên tưởng đến những tình huống tiêu cực như vậy thì sự hiện
hữu tuổi già thật là vô vị. Đó cũng là lý do nhiều người đến tuổi về hưu, mà
vẫn không muốn dừng cương ngựa, không muốn thay đổi vai trò, vị trí đang làm,
nhường chỗ cho thế hệ trẻ.
Bởi vì khi đối diện với sự vô vị của tuổi già, họ
khó thích nghi với hoàn cảnh mới, không chấp nhận sự thật đang diễn ra. Nhất là
sợ từ bỏ nghề nghiệp, chức tước, địa vị đang được nhiều người coi trọng
là điều khó làm. Trạng thái tâm lý chấp thủ đó làm cho người ta khó buông xả.
Nếu ôm lòng tiếc nuối một quá khứ hào hùng, những thành công hiện hữu thì khi
chứng kiến hay đối diện với cái chết, ta sẽ hoảng hốt, sợ hãi. Chắc rằng sau
khi chết, ta không thể nào có được hạnh phúc trong đời sống kiếp sau.
Muốn được đối diện với cái chết một cách an nhiên, tự tại, ta phải biết cách
chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh thì sự ra đi mới nhẹ nhàng và thuận
lợi.
Phật giáo dạy chúng ta cần thực hành hạnh
buông xả. Buông xả là nghệ thuật sống. Bất cứ cái gì có được trong cuộc đời
này, nếu cứ khư khư ôm giữ nó thì khi cận kề với cái chết, ta sẽ sanh tâm tiếc
nuối, không đành chia tay. Cái mà ta tiếc nuối nhất là sự sống và xác thân, vì
ít ra nó cũng là bạn đồng hành, đồng cam cộng khổ với ta trong suốt quá
trình cuộc sống, nên ta gắn bó tình cảm thân thiết ấy với các chi tiết cơ thể
như đầu, mắt, tay, chân, miệng v.v…và xem nó là sự sống của mình. Có người còn
cường điệu giá trị của xác thân theo cách thức chăm sóc, yêu thương nó bằng
cách bồi đắp những thứ hương liệu, tiện nghi, vật dụng trang điểm, trang sức đắt
tiền. Dĩ nhiên, sự tô bồi đó tạo ra một phần cho cái đẹp và hạnh phúc cuộc đời.
Điều đó Phật giáo không phủ định, nhưng nếu cung phụng thân xác một cách quá
đáng, ta sẽ trở thành kẻ nô lệ thân thể. Do đó, khi có biến cố gì xảy ra cho
cơ thể, ta mặc cảm tự ti, chán chuờng, thất vọng và khổ đau.
Đức Phật dạy rằng, việc chăm sóc thân thể phải có
nghệ thuật, làm sao cho cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật, không quá lo sợ và bận
tâm, không nên tốn kém quá nhiều tiền bạc, công sức cho việc chăm sóc ngoại
hình với mục đích tạo sự ấn tượng cho người khác, hay bận tâm việc thân thể
mình bị khiếm khuyết, mà hãy sống bằng tất cả tấm lòng, bằng giá trị đạo đức
nội tâm, làm thăng hoa đời sống bằng đạo đức và sự an lạc, đó mới là hấp lực
lớn.
Đời sống con người có nhiều nét đẹp, nét đẹp về
ngoại hình, nét đẹp về nội tâm, nét đẹp về tư cách đạo đức v.v... Ai có nét
đẹp đa dạng và phong phú thì dễ tạo nên đời sống hạnh phúc thực sự. Cũng như
trong đời sống vợ chồng, người nào quá đặt nặng nét đẹp ngoại hình, người ấy sẽ
sớm chia tay khi nét đẹp ngoại hình của người thương bị tàn phai. Tình yêu đến
với nhau bằng cách nào thì nó đội nón ra đi bằng cách đó. Tình yêu đến với nhau
bằng tiền, đến khi tiền hết tình yêu cũng hết theo v.v…
Đừng để tình yêu thiết lập trên những giá trị vật
chất. Nó phải được thiết lập trên giá trị đời sống đạo đức và văn hóa. Bởi vì
giá trị tinh thần có những chất liệu bổ sung làm thăng hoa đời sống và hoà hợp
cả hai người. Khi hiểu được như vậy thì dù cho cơ thể có những khiếm khuyết,
không bằng người khác, ta cũng không mặc cảm, vì biết rằng thân thể này như vật
giúp ta có những giá trị an lạc, hạnh phúc ở nội tâm. Rồi một ngày kia, khi đối
diện với cái chết, ta không cảm thấy tiếc nuối xác thân, ta sẽ buông xả dễ dàng
và nhẹ nhàng nhất.
ĐỪNG QUÁ XEM TRỌNG THI THỂ
Nền văn hóa thổ táng phương Tây làm cho con người
dễ bị chắp mắc. Khi có người thân qua đời, họ thuê dịch vụ tổ chức công thọ
đứng ra mai táng. Trước lúc tiến hành các thủ tục mai táng, họ trang điểm cho
người chết, hoặc chích thuốc cho gương mặt người chết trở nên tròn đầy, da hồng
hào để cho những người đến thăm viếng, phúng điếu nhìn vào thi thể cho đẹp. Từ
việc làm trên, tưởng rằng họ đã hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thương mến người
thân, nhưng thực tế vô tình làm cho người thân khổ tâm do tiếc nuối sự sống.
Càng tiếc nuối chừng nào, nỗi khổ đau trong tâm thức càng gia tăng chừng ấy.
Một người chết trong trạng thái như vậy, tiến
trình tái sanh của họ sẽ gặp khó khăn,trở ngại. Người chết này có thể tồn tại
lâu dài trong cảnh giới ngạ quỷ đói khát. Thần thức nhìn thấy thân thể được mặc
áo quần sang trọng, mặt đẹp… liền khởi lên sự thèm khát, muốn sống để được mãi
như thế, làm cho họ đau khổ nhiều hơn, không thể siêu sanh thoát hoá.
Không nên làm cực đoan như vậy, để cho người ra đi
dễ dàng buông bỏ thân xác mà siêu sanh. Không nhất thiết phải nhờ tổ chức công
thọ, không cần đồ tùy tang (chôn theo người chết những vật dụng quý giá, đắt
tiền như nữ trang, ngọc ngà, châu báu hay những vật yêu thích của họ). Bởi chôn
theo người chết những thứ ấy sẽ tạo sự hội tụ tiếc nuối, liên tưởng, làm cho
người chết quyến luyến khó dứt bỏ ra đi.
Khi tẩm liệm người chết nên cho vào quan tài càng
nhiều trà càng tốt, vì trà hấp thụ chất hôi thối phát ra từ cơ thể, không gây ô
nhiễm môi trường, lại nhẹ nhàng dễ khiêng. Còn những vật trang sức, kỷ niệm, đồ
quý giá, ta nên giữ lại qui đổi thành tiền hoặc vật dụng để bố thí, rồi hồi
hướng công đức ấy cho người chết, để họ được hưởng phước báu trong đời sau.
Đồng thời người thân cũng phải nói rõ cho ngừơi chết biết rằng, những thứ này
không thể mang theo đựơc. Thứ nhất, không chôn theo những vật quí báu, để người
chết không sanh lòng tiếc nuối, dễ dàng ra đi. Thứ hai, không làm cho những kẻ
cơ hội khởi lòng tham, lấy những vật đó bằng cách quật mồ của họ.
Nếu ai đó không may bị quật mồ vì chôn theo nhiều
vật quý giá, đắt tiền, vô tình ta làm cho người thân phải khổ sở như bị chết
thêm một lần nữa. Tình huống đó tạo ra lòng sân hận và sự oan khiên giữa người
chết với kẻ cướp trong đời sau. Vì vậy, khi tẩm liệm người chết nên thật đơn
giản, giúp họ dễ dàng buông bỏ thân xác sắp thối rữa mà sanh về cảnh giới mới .
Hãy quán thân xác này giống như một cỗ xe. Đức
Phật đã từng dùng cỗ xe để sánh ví với thân xác của Ngài. Trước khi đức Phật
tuyên bố nhập Niết-bàn, nhiều vị trong Tăng đoàn tuy hiểu lý vô thường, vô ngã,
nhưng chưa thật sự sống với chất liệu đó đã khóc than thảm thiết, tưởng chừng
như nguồn sống này mất đi mặt trời, thế giới này ảm đạm và tối tăm.
Người ta đã sánh ví sự sống của đức Phật như ánh
mặt trời thông qua cách thức Ngài dấn thân giúp nhiều người lợi lạc. Đức Phật
đã thiết lập tình thương, giúp họ hiểu được giá trị của tình thương, và chỉ cho
họ biết cách vượt qua những nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời. Đức Phật đã sánh
ví thân Ngài như cỗ xe hoạt động đã tám mươi năm, với thời gian sử dụng như thế
là cũng quá dài đối với những chất liệu cấu tạo thành nó.
Khi sử dụng vật gì người ta thường nói: “một đời ta, ba đời nó, tức là sự vật
chỉ bằng một phần ba đời người mà thôi. Ngày xưa, tuổi thọ con người trung
bình khoảng sáu mươi năm, vậy mà đức Phật đã sử dụng thân thể của Ngài đến tám
mươi năm, nhiều hơn tuổi thọ trung bình của nhiều người. Cỗ xe sử dụng
nhiều quá tất phải hư hỏng. Phải chấp nhận qui luật vô thường. Khi hiểu thân
thể vật lý này như cỗ xe thì khi thân hoại, mạng chung, ta không cảm thấy tiếc
nuối. Cần hiểu rằng, khi bỏ chiếc xe cũ này là để có cơ hội tạo nên chiếc xe
mới khác. Chiếc xe mới ấy có tuổi thọ cao hơn, sức hoạt động tốt hơn chiếc xe
hiện tại.
Tương tự, khi thân thể ta được tái sanh ở đời sau
với những nhân tốt, ta sẽ có cơ hội làm được nhiều lợi ích cho đời hơn. Vậy thì
tại sao ta lại tiếc nuối cái thân thể già nua này? Đối với những người không
may mắn sống đến tuổi già, mà phải ra đi khi còn trẻ thì cứ xem rằng cỗ xe của
mình không được tốt, bị hư nhanh quá, mình sẽ có cơ hội tái tạo chiếc xe khác
mới hơn, tốt hơn, hiện đại hơn... Hiểu như vậy mới dễ dàng buông bỏ cái thân
thể vật lý này một cách nhẹ nhõm.
Sở dĩ ta không muốn buông bỏ cái xác thân này, dù
nó đã tàn rệu là do thói quen hay liên tưởng về kỷ niệm, mà kỷ niệm thường cấu
thành những cảm xúc mạnh. Nhất là đối với những người có thân thể cường
tráng, mạnh khoẻ như những vận động viên thể thao, hay những người có đời sống
vật chất đầy đủ, phong phú như các nhà tỉ phú, đến khi phải bỏ thân này
càng tiếc nuối mạnh hơn.
Ví dụ, trong một lần thi đấu, một cầu thủ vô tình
bị tai nạn phải nằm một chỗ, hay ngồi xe lăn, đừng nghĩ rằng cuộc đời mình đến
đây là chấm hết. Có thể sự nghiệp của mình chấm hết, nhưng sự sống vẫn cần sự
chăm sóc tình thương của nhiều người. Bất hạnh hơn, người đó không còn
thân bằng quyến thuộc hoặc có thân bằng quyến thuộc xa lánh thì nên nghĩ rằng,
chưa phải đến lúc chấm hết cuộc sống. Bởi vì mình vẫn còn hơi thở, ánh mắt, nụ
cười, cảm xúc thì vẫn còn làm được những việc hữu ích cho đời.
Thái độ và suy nghĩ tích cực mà ta có thể thực
tập là không nên cường điệu cảm xúc từ một biến cố, không nghĩ rằng mình đã mất
tất cả. Trên thực tế chưa hẵn là nó đã mất. Nhưng do cảm xúc dâng trào nhiều
quá tạo thành cản lực giam nhốt hạnh phúc còn lại mà thôi.
CHẾT VÀ LỰC HÚT TÌNH YÊU
Sự tiếc nuối tình yêu, tình thương giới tính nam
nữ là một cản lực mạnh mẽ đối với người sắp chết. Nếu ta không buông bỏ được
điều này thì dù có buông bỏ thân xác vật lý, chiến thắng sự cô đơn, vô vị ở
tuổi già cũng không ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng được. Vì tình yêu nam
nữ là sự kết nối lớn nhất của con người, kể cả loài động vật. Đức Phật thường
sánh ví tình yêu như nam châm, có lực hút vô hình, vô cùng mạnh mẽ và khó chia
cắt nhất. Lực hút tình yêu thường làm con người rơi vào trạng thái vô minh.
Tình yêu giới tính là nỗ lực hàn gắn hai trái tim
làm một, bất chấp nhiều cản lực. Để nói lên sức mạnh của tình yêu bất chấp hoàn
cảnh, trong dân gian thường nói “một túp liều tranh hai quả tim vàng. Thực ra đó
chỉ là tình yêu lý tưởng, chứ trong thực tế hoàn cảnh, đôi khi khối tình ấy chỉ
kết hợp bền chặt trong một thời gian ngắn, rồi trong túp lều tranh kia chẳng
thấy có quả tim nào. Thế là hoàn cảnh đã chia rẽ, chấm dứt tình yêu rất lý
tưởng khi bất chấp hoàn cảnh lúc ban đầu.
Ngược lại, hạnh phúc của tình yêu đặt trên nền
tảng của vật chất, tức là phải có kinh tế đầy đủ, sung mãn thì mới có hạnh
phúc. Nếu những ai đặt hạnh phúc tình yêu trên những giá trị vật chất thì tình
yêu và hạnh phúc ấy cũng sẽ không bền vững lâu dài. Đặt hạnh phúc, tình yêu
trên giá trị của nhiều yếu tố, vừa kinh tế vừa tình cảm, vừa sự chia sẻ, thương
yêu, cảm thông trong mọi hoàn cảnh để dìu dắt nhau trong cuộc đời. Tất cả những
yếu tố đó kết hợp lại sẽ tạo nên hạnh phúc bền vững và dài lâu.
Đối với những đôi vợ chồng có cuộc sống mẫu mực,
chung thủy, đến khi nhắm mắt lìa đời dễ dàng ra đi hơn. Những người sống không
thủy chung, hoa nguyệt, ong bướm, bởi do sự vướng mắc về tình cảm tăng lên gấp
nhiều lần, do tiếc nuối những mối tình lãng mạn, giờ đây phải bỏ lại người yêu
hay người vợ trẻ nên khó siêu thoát v.v…Những đôi vợ chồng sống thủy chung, khi
đối diện cái chết, ra đi nhẹ nhàng. Vì họ biết rằng trong đời, họ có người yêu
lý tưởng, hiểu, cảm thông, chia sẻ được hạnh phúc và khổ đau. Họ hy vọng đời
sau được lại gặp nhau, tiếp tục làm đôi uyên ương cùng xây tổ ấm. Trong kinh
đức Phật nói, trước lúc qua đời, những người nào có tâm niệm hứa hẹn với nhau
thì chắc chắn trong đời sau họ sẽ là vợ chồng của nhau.
Để dễ buông bỏ tình yêu trong lúc nhắm mắt lìa
đời, những người sống thủy chung một vợ một chồng là thuận lợi lớn nhất.
Ta nên quan niệm rằng, tất cả những cảm xúc rồi cũng phải để lại sau lưng. Dù
có yêu người nào bao nhiêu đi nữa, đến lúc lâm chung, ta cũng không thể mang
người ấy theo được. Đó là một sự thật mà ta cần phải hoan hỷ chấp nhận.
MANG THEO NGƯỜI SỐNG VỚI CÁI CHẾT
Quan niệm của nền văn hoá Ai Cập hoàn toàn đi
ngược với qui luật cảm xúc vừa nêu. Họ cho rằng sau khi chết, người chết sẽ về
một thế giới khác nhưng có thể mang theo những người yêu thương để tiếp tục
cuộc sống gắn bó với nhau. Do quan niệm đó, các vị vua quan khi xưa, lúc chết
người ta đã chôn sống các bà vợ, thê thiếp để khi về thế giới bên kia, họ tiếp
tục có cuộc sống hạnh phúc bên nhau, và thế giới đó mới là hạnh phúc vĩnh hằng
của họ. Đây là quan niệm sai lầm.
Cùng có quan niệm tương tự về một thế giới bên
kia, người Trung Hoa cho rằng:“sống gửi, thác về.Nghĩa là cuộc sống
ở thế gian này chỉ là tạm bợ, gởi gắm ngắn ngủi mà thôi, đến khi nhắm mắt xuôi
tay, linh hồn về thế giới bên kia mới là cuộc sống vĩnh hằng. Quan niệm này làm
cho họ không sống hết trách nhiệm và giá trị hiện tại mình đang có. Họ có thể
sống một cách hời hợt, tạm bợ, qua loa, đánh mất nhiều cơ hội hạnh phúc.
Người Trung Quốc còn quan niệm rằng:“con là nợ, chồng vợ là oan
gia”, như thế thì không thể nào sống có hạnh phúc
được. Nên mỗi khi vợ chồng có lời qua tiếng lại, họ thường đổ lỗi cho người vợ “bà chỉ là oan khiên trong gia
đình, còn con cái là những oan trái, chứ không có ý nghĩa gì cả. Nói như vậy
là ta đã không chăm sóc gia đình với tư cách người chồng, người cha, mà với tư
cách là một con nợ trả nợ cho chủ mà thôi. Một người sống với ý thức như vậy
làm sao có được hạnh phúc.
Còn quan niệm về cõi âm vĩnh hằng trong nền văn
hoá Ai Cập làm cho người thân thương bị khổ đau lây, khi một vị quan quyền quý
tộc qua đời, bởi họ bị chôn sống theo cùng. Từ suy nghĩ như thế, xã hội đã tạo
nên biết bao sự bất công cho người phụ nữ. Về sau, người Trung Hoa thay đổi
tiến bộ hơn, khi vua quan chết, thay vì phải chôn theo những thê thiếp, tôi tớ
một cách dã man, người ta làm hình nộm rồi đốt đi hoặc chôn theo người chết
thay cho các sinh mạng. Hiện tượng đốt hình người thế trong các lễ cúng sao,
giải hạn, đốt tiền vàng mã cho người chết hiện nay vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
Bởi họ nghĩ rằng, đốt tiền vàng mã, người chết sẽ nhận được và chi dùng ở thế
giới bên kia.
Để biện minh cho những việc làm trên, họ thường
nói “chỉ là xưa bày, nay bắt chước mà thôi ”chứ tình thực, đây là một việc
làm thiếu tuệ giác. Nó hoàn toàn vô ích cho cả người sống lẫn người
chết. Nếu ta có sự quán chiếu sâu sắc, không để tình cảm, tình yêu chi phối thì
ta sẽ không làm các việc mê tín như trên, không lợi ích gì cho người chết cả.
Phật giáo dạy chúng ta là phải biết buông bỏ tất cả lúc sắp lâm chung, đừng
nghĩ rằng vợ hoặc chồng sẽ sống mãi với nhau hết đời này sang kiếp khác, mà
nghĩ rằng, chúng ta sống với nhau trong kiếp này, sau khi chết mỗi người đi mỗi
nơi. Trong văn bản cúng vong của Phật giáo có câu:“Đại hạn chi thời các tự phi”, nghĩa là khi
đại hạn tới thì mạnh ai nấy đi, không ai chờ ai được. Trong chữ Hán, hai từ
“Đại hạn” ám chỉ cái chết. Khi cái chết đến, con người và các loài động vật
phải tự lo liệu, không thể có loài này chết thay cho loài kia, cũng không có
chuyện người này chờ đợi người kia để cùng ra đi.
Do đó, nếu không buông xả dòng cảm xúc tình yêu
thì cảnh giới tái sanh sẽ là cảnh giới của những oan hồn, vì do quá thương
tưởng người mình yêu mà không thể siêu thoát được.
PHIM HỒN MA
Trong thời gian lưu trú tại Hoa Kỳ, tôi có dịp
xem bộ phim “hồn ma” (The Ghost). Nội dung phim
nói về một đôi tình nhân rất lý tưởng, tha thiết yêu nhau. Một hôm, khi cả hai
đang đi trên đường, bỗng dưng có một kẻ bất lương giật lấy tài sản của cô gái,
khống chế người đàn ông để cưỡng bức cô gái. Vì kháng cự để bảo vệ người yêu,
anh bị tên cướp giết chết. Trước cái chết đột ngột của người yêu, cô gái vô
cùng đau khổ, lúc nào cô cũng nghĩ về anh. Dù ở đâu, đi đâu, hình ảnh của anh
luôn ẩn hiện trong tâm trí của cô. Do dòng cảm xúc về tình cảm dành cho người
mình yêu quá lớn, có lúc cô không còn muốn nghĩ đến việc lập gia đình với ai
nữa.
Thần hồn của chàng người yêu, khi đọc được cảm
xúc tình yêu của cô dành cho anh cũng quyến luyến không muốn xa rời. Anh muốn
tồn tại mãi hình thức hồn ma để được ở bên cạnh cô gái làm người hộ vệ. Thế
là hồn ma anh ta luôn bám sát theo cô để bảo vệ, nhất là khi thấy có ai muốn
xâm hại, hay chọc ghẹo, tán tỉnh cô. Thế nhưng anh làm sao bảo vệ được khi chỉ
là một hồn ma không có thân xác. Vì vậy, anh ta vô cùng đau khổ mỗi khi cô gặp
việc chẳng lành hay vui vẻ chuyện trò với một anh chàng khác.
Diễn tiến cảm xúc trong câu chuyện trên là điều
có thật. Cần phải dứt khoát từ bỏ mọi thứ mà ra đi. Dù người chồng, người vợ
tâm đầu ý hợp, đang có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, “kết cỏ ngậm vành”, trước cái chết
cũng phải chấp nhận chia ly. Trong cuộc sống, ta không biết ai là người
không may phải qua đời trước. Cho nên, dù đang sống ấm êm, hạnh phúc, cả hai
vợ chồng cần hỗ trợ cho nhau, tạo niềm tin cho người sắp ra đi bằng lời hứa
sống chung thủy đến cuối đời, dù có xa lìa nhau quá sớm cũng không có ý tái
hôn. Lúc còn đang sống với nhau mà có được những lời cam kết như thế thì khi
lâm chung, người bạn đời sẽ an lòng ra đi. Mặc dù điều đó chưa chắc trong tương
lai có thể thực hiện được, nhưng cũng cần phải nói với nhau như thế để người ra
đi an tâm, không sanh lòng nuối tiếc.
Tương tự, dòng cảm xúc ta dành cho ông, bà, cha,
mẹ hoặc những đứa con thân yêu cũng có sự trói buộc cảm xúc. Đức Phật dạy,
trước cái chết đừng khởi tâm tiếc nuối một thứ gì cả, phải can đảm đối diện sự
thật về cái chết. Nếu không thực hiện được điều ấy, ta sẽ phải mãi mãi tồn tại
những dòng cảm xúc khổ đau.
CHẾT KHÔNG PHẢI MẤT TẤT CẢ
Trong thời đức Phật, có một thiếu phụ bất hạnh.
Lúc cô vừa sanh đứa con đầu lòng thì người chồng của cô gặp nạn qua đời. Từ
đấy, tất cả tình yêu thương cô đổ dồn hết cho đứa con. Đứa con duy nhất ấy là
niềm hy vọng, niềm hạnh phúc, cô không màn đến một thứ gì ngoài đứa con ấy. Khi
đứa bé lớn lên, khoảng mười tuổi, một lần nữa cô nhận sự bất hạnh, đứa con yêu
thương nhất qua đời. Cô suy sụp tinh thần và trở thành người mất trí. Cô ôm xác
đứa con đi từ đầu làng đến cuối xóm, hỏi ai có thể cứu đứa con của cô sống lại,
cô sẵn sàng hy sinh tất cả những gì cô đang có, kể cả mạng sống của mình để đối
lấy mạng sống cho con, điều không ai có thể làm được.
Theo nền văn hóa Ấn Độ, người quyền thế có người
thân trong gia đình qua đời, thi thể người chết được để một ngày đêm, sau đó
đem đi thiêu. Đối với người thường, xác người chết để trong nhà vài tiếng là
phải đem đi thiêu. Thế mà cô đã bất chấp luật lệ này, ôm xác đứa con mấy ngày
liền, bởi cô quá đau khổ, muốn con mình được sống lại.
Một Phật tử đến mách với cô rằng:
- Tôi biết có đấng giác ngộ tên là Gotama, vị ấy
đang sống cách đây vài dặm, cô hãy đến đó sẽ được vị ấy giúp thuốc trường sinh
làm cho con cô sống lại.
Nghe lời mách bảo, cô mừng rỡ ẵm xác đứa bé đến
gặp Thế Tôn. Cô vừa bế xác đứa bé đến, Thế Tôn hoan hỷ nhận lời cứu sống đứa bé
và có lời khuyên cô như sau:
- Cô hãy an tâm, ta sẽ làm cho con của cô sống
lại và cô sẽ được hạnh phúc. Tuy nhiên, cô phải chấp nhận điều kiện của ta.
Cô cảm thấy trong lòng tràn đầy hạnh phúc, sung
sướng đến trào dâng nước mắt muốn thét lớn lên:“con tôi sắp được cứu sống. Thế Tôn bảo:
- Cô hãy đi đến bất kỳ một gia đình nào trong
làng chưa từng có người thân nào chết, xin về cho ta một nắm hạt cải để ta chữa
trị cho đứa bé này sống lại.
Nghe Thế Tôn dạy một việc quá đơn giản, cô hớn hở
trong lòng, đặt xác đứa bé cạnh chỗ Thế Tôn ngồi, cô vội vã chạy khắp các ngôi
nhà trong làng để xin nắm hạt cải theo yêu cầu của Thế Tôn. Đến đâu cô cũng đều
hỏi thăm xem có gia đình nào chưa có người thân qua đời hay không. Ở đâu cô
cũng nghe họ nói:“nhà tôi có người chết”. Không một gia
đình nào nói họ chưa từng có người chết.
Cả ngày hôm đó, từ sáng đến chiều, tiếng “chết” cứ lặp đi lặp
lại bên tai cô. Trời đã tối rồi, mà cô không tìm ra một gia đình nào chưa từng
có người chết. Cô đành mang tâm trạng buồn rầu, thiểu não, trở về thưa Thế Tôn:
- Thưa Thế Tôn, cái điều kiện mà Ngài đưa ra, con
không cách nào thực hiện được. Bởi con đã đi khắp xóm làng, không tài nào tìm
thấy một gia đình chưa từng có người chết.
Thế Tôn ôn tồn nói:
- Bởi cô chưa hiểu đó thôi, cái chết đến với con
người như một qui luật. Nó đến sớm hay muộn là tùy theo nghiệp mà người đó đã
tạo trong quá khứ, cộng với cái duyên tác động ở hiện tại. Cô không nên đau
buồn nữa, mà hãy vui vẻ chấp nhận cái chết. Vì chết không phải là mất hết tất
cả.
Nhiều người nghĩ rằng, khi người mẹ, người cha
hoặc người yêu qua đời là mình mất tất cả. Nghĩ như thế là không đúng. Có thể
nói, đó là một sự mất mát lớn, bởi cái tình cảm ruột thịt thiêng liêng ấy không
có gì có thể bù đắp được. Sự mất mát ấy là một quy luật, chỉ có điều là nó mất
vào thời điểm nào để ta ít đau khổ, chứ trong thời điểm, ta cần sự hỗ trợ của
người thân mà người ấy lại ra đi thì làm ta đau khổ nhiều hơn. Cũng có thể nói,
sự mất mát ấy như ta bị mất một báu vật, nhưng không phải là mất tất cả. Ta chỉ
mất tất cả khi ta mất đi trí tuệ, chứ trí tuệ còn thì thì không có gì phải mất
tất cả.
Khi đọc lời tác bạch vào ngày cúng giỗ, quý vị
không nên nói rằng, thắp ba nén hương tưởng nhớ ông, bà, cha, mẹ mà lòng con
đau buồn. Bây giờ ông, bà, cha, mẹ… không còn nữa, đời chúng con trở nên vô
nghĩa. Dù cho ta nói lên với tất cả tấm lòng hiếu thảo, nhưng theo tinh thần
Phật dạy, cái chết không có nghĩa là mất hết. Nếu người chết có để lại tài sản
thì ít nhất ta vẫn còn gia tài đó. Nếu ta biết duy trì và phát huy gia tài sản
nghiệp đó một cách chánh đáng là ta đang làm hình ảnh người thân sống mãi trong
lòng chúng ta. Người nào làm được điều đó thì tinh thần người đã khuất sẽ trở
nên bất diệt, và như sống mãi trên cuộc đời này.
Phải công nhận rằng, những người làm được việc
hữu ích lớn cho đời, biết hy sinh đóng góp cho nhân quần xã hội, được lưu danh
sử sách là một cách sống cao quý. Việc người thân ra đi cũng vậy, ta phải biết
giữ lại những việc làm tốt đẹp của họ lúc sinh thời để thấy rằng, họ luôn sống
mãi với chúng ta. Chỉ điều cỏn con như thế cũng tỏ cho người còn sống thấy
rằng, chết không phải là hết. Hiểu được như thế, ta sẽ không đau khổ khi người
thân ra đi, ta biết cách biến nỗi khổ niềm đau mất mát ấy thành cội nguồn hạnh
phúc. Ngoài ra, ta phải tạo thêm công đức bố thí, cúng dường rồi hồi hướng công
đức ấy cho hương linh, để được một tài khoản phước báu. Ta cố gắng tặng cho
người đã mất tài khoản phước báu, để họ làm hành trang, làm cho đời sau được an
lành.
Điều nguy hại là lúc cận kề cái chết,
người ấy khởi tâm luyến tiếc tài sản, sự nghiệp, danh vọng, chức tước v.v...
tức tiếc nuối những gì họ có trong cuộc đời. Những người sống hời hợt về tình
cảm, dửng dưng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua những cảm xúc tiếc nuối này.
Trong nền văn hoá đề cao sự riêng tư, đề cao chủ nghĩa cá nhân thường ít có
hạnh phúc trong đời sống gia đình. Do đó, họ ít vướng bận tình cảm, tiếc nuối
khi người thân chết, nhưng lại bị vướng bận, trói buộc vào những cái khác không
kém gì tình cảm, đó là danh vọng, địa vị và tài sản.
Người tu tập không nên chủ quan rằng, mình sẽ
không bị tình cảm chi phối lúc lâm chung. Cần dụng công tu tập cho đạt trạng
thái vô ngã, vô ngã sở hữu, nghĩa là không lệ thuộc cái gì, hiểu rằng tất
cả đều chỉ là tạm thời vay mượn, đến lúc nào đó, ta phải chia tay với nó. Những
ai quan niệm như vậy, đến lúc lâm chung chắc chắn sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng
và thư thái.
Khi người chết mang nặng trạng thái tiếc nuối về
gia tài, sự nghiệp sẽ bị vướng víu trong quá trình tái sanh. Sự tiếc nuối đó
không mang lại hạnh phúc cho bản thân và cũng không có sự đóng góp ích lợi nào
cho nhân quần và xã hội.
Đức Phật dạy, khi có điều kiện ta nên chia sẻ tài
chính ra làm bốn phần:
1. Chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
2. Tích lũy dự phòng cho hậu sự, hoặc chi dùng
khi gặp chuyện bất trắc.
3. Lo việc phụng dưỡng, hiếu sự với ông bà, cha
mẹ.
4. Làm việc phước thiện, chia sẻ nỗi khổ đau với
những người bất hạnh.
Nếu biết sử dụng nguồn lợi thu nhập đúng các mục
đích chính đáng, không phung phí thì phước lực sẽ ngày càng một lớn, chắc chắn
rằng ngoài việc được an hưởng trong hiện tại, còn nuôi dưỡng phước đức tương
lai của ta. Người Trung Hoa ở bất cứ đâu vẫn là người kinh doanh giỏi, có nguồn
tài chính khá dồi dào. Khi cần, họ có thể xây cất một ngôi chùa với hàng triệu
đô la trong thời gian ngắn. Trong khi đó, việc xây chùa đối với người Việt Nam
lại rất khó, vì ngoài điều kiện đời sống kinh tế chưa được dồi dào, còn do sự
phát tâm chưa được mạnh mẽ.
Ngoài năng lực tạo ra tiền bạc, của cải vật chất,
chúng ta cũng nên phát tâm vào các cơ hội để tạo thêm công đức. Nếu không làm
việc ấy ngay từ bây giờ, đến lúc tuổi cao sức yếu, dù có muốn, ta cũng không
còn điều kiện đóng góp nữa. Ta phải mạnh dạng tạo phước báu lúc còn sức lực,
còn điều kiện, không nên nghĩ mình còn nghèo, chưa đủ điều kiện để làm. Cứ mạnh
dạn làm phước, rồi kết quả sẽ đến. Còn nếu chờ giàu có thì biết đến khi nào ta
mới làm được. Trong đời này, ước muốn không phải lúc nào cũng thành tựu. Làm
việc phước thiện, không có mong cầu thì kết quả sẽ đến, ngược lại, không có
phước báu, cho dù có mong cầu, kết quả cũng không thành tựu được.
SỐNG HỶ LẠC, CHẾT AN VUI
Trong kinh Phật dạy:“Khai trì bất đãi nguyệt, trì
thành người tự lai”, nghĩa là trong lúc đào
giếng có thể ước mơ vầng trăng xuất hiện ngay trên mặt nước giếng. Vấn đề cần
gấp lúc này là làm thế nào cho cái giếng có nước. Khi đã có nước rồi, dù muốn
hay không, lúc mặt trăng xuất hiện trên bầu trời, tất sẽ có vầng trăng lung
linh dưới đáy giếng trong.
Tương tự, khi đã tạo được nhiều giếng công đức về
vật chất, tuổi thọ và hạnh phúc cho người khác, chắc chắn sẽ có vầng trăng
phước báu xuất hiện với ta. Vì vậy, làm phước báu không cần khởi tâm mong cầu.
Nếu làm điều phước thiện mà khởi lòng mong cầu sẽ làm gia tăng lòng vị kỷ.
Không ít Phật tử đến chùa, phát tâm cúng dường, lễ Phật rồi thành tâm khẩn cầu,
van vái cầu xin Phật cho nhiều điều, nhiều thứ. Điều này chỉ làm tăng thêm sự
ích kỷ mà thôi.
Ta cần phát nguyện trên nền tảng của lòng vị tha.
Ngoài việc cầu nguyện cho bản thân, vợ chồng, cha mẹ, con cái hay thân bằng
quyến thuộc, ta phải phát nguyện với tâm lượng lớn cho tất cả chúng sinh, để
cho nhân quả được gia tăng tương thích. Đường đi của nhân quả tùy thuộc vào
khối lượng công đức mà ta đang làm. Mặt khác, nó tỷ lệ thuận với chiều kích của
tâm trong lúc ta phát khởi. Nếu tâm của ta quảng đại, bao dung, muốn cho người
khác lợi lạc, an vui, đồng thời với ý niệm huấn luyện tâm quảng đại để hoàn
thiện nhân cách đạo đức của mình, không mong cầu phước báu thì phước báu sẽ
tăng trưởng gấp nhiều lần so với người làm phước thiện với mục đích cầu danh
hay cầu lợi.
Chẳng hạn làm từ thiện mà mong muốn được lên
truyền hình, có phóng viên báo chí đưa tin thì phấn khởi, còn không có thì ta
làm mà trong lòng cảm thấy không vui hoặc không muốn làm. Mặc dù, việc làm
phước của hai trường hợp trên đều cùng một mục đích tạo công đức với số tiền
như nhau, nhưng làm phước với mục đích cầu danh, muốn nhiều người biết đến thì
phước lực không được tăng trưởng so với người làm phước thiện với tất cả tấm
lòng đối với người đang cần sự giúp đỡ.
Hiểu như vậy, ta thực tập buông danh vọng trong
khi làm thiện. Có khi buông bỏ một, nhưng cái đến với ta có thể nhiều hơn. Càng
cố nắm giữ, chưa chắc được như ý mình, có khi lại vụt mất.
Chức năng của bàn tay không phải chỉ để nắm giữ,
mà là hoạt dụng. Có khi ta sử dụng bàn tay để bưng ly nước, cầm đôi đũa, làm
các việc khác, ra dấu hiệu thể hiện tình cảm với người đối diện, trong giao tiếp
cần phải bắt tay để biểu hiện sự thân thiện, hoặc nắm tay nhau để biểu hiện
giữa mình và người kia không còn hận thù v.v…
Hãy chấp tay chào một người nào đó và thầm nguyện
rằng, tôi xin tặng anh/chị/ông/bà một đóa hoa sen của hạnh phúc, an lạc và giải
thoát. Việc chắp tay xá chào nhau không dành riêng cho người tại gia chào người
xuất gia, mà người xuất gia khi gặp Phật tử tại gia cũng nên chắp tay xá chào,
với tâm nguyện mong họ sẽ trở thành vị Phật tương lai.
Một khi ta sống với tất cả niềm hỷ lạc thì khi
đối diện trước cái chết ta sẽ được ra đi nhẹ nhàng, không vướng bận. Lúc còn
sống biết buông xả mọi thứ trên đời thì khi chết buông xả mọi thứ không khó lắm.
Ví dụ có mười bộ quần áo, ta có thể tặng bảy bộ,
còn ba bộ mang theo cũng đủ dùng rồi. Ta vẫn phải sử dụng nó, nhưng ta không
vướng bận, chấp mắc vào nó. Có cơ hội làm kinh tế sung túc thì nên dành ra một
phần nào đó để làm từ thiện. Không nên hiểu lầm tu là phải buông bỏ hết để
thành người trắng tay cho nhẹ nhàng thân tâm. Người Phật tử vẫn có thể làm giàu
chính đáng, hợp pháp, đồng thời phải biết dùng tài sản ấy để tạo thêm nhiều
công đức hơn.
Trong quyển “Kinh Tụng Hằng Ngày”, tôi đã tuyển chọn
một số bài kinh về cách làm kinh tế, đúng nghĩa “kinh bang tế thế” hay nghệ
thuật “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” dạy về nghệ
thuật xây dựng hạnh phúc gia đình, hàn gắn vết thương tinh thần, xua đi những
khổ đau giữa ta và người.
Làm kinh tế giỏi là điều cần thiết. Người Nhật đã
thành công trong việc làm kinh tế nhờ họ thấu hiểu và ứng dụng đạo lý của Phật
giáo. Họ biết vận dụng nghệ thuật kiên nhẫn trong làm ăn buôn bán, kiên nhẫn
trong nghịch cảnh, trong môi trường khó khăn để làm giàu. Ngoài việc làm kinh
tế giỏi, đòi hỏi người Phật tử cần có sự tinh tấn trong khi làm kinh tế. Nếu áp
dụng cả hai phương diện này, chắc rằng người Phật tử có thể tạo ra của cải vật
chất nhiều. Khi tạo ra nhiều của cải vật chất, ta cần làm nhiều công đức và
nhân lớn công đức ấy mỗi ngày, từ một viên sỏi công đức trở thành núi công đức.
Tu theo đạo Phật cũng phải biết tạo ra của cải vật chất để giúp đỡ người thiếu
thốn. Giúp đỡ người là biết buông xả, đến lúc qua đời, người đó không có sự
tiếc nuối và sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành và thảnh thơi.
Những điều chia sẻ trên đây là nhằm khẳng định
rằng chết là sự thật phải chấp nhận, đồng thời cần nỗ lực chuyển hoá cảm xúc để
trạng thái cô đơn không xâm chiếm. Tu hằng giờ, không cường điệu giá trị của cơ
thể, tình yêu và đời sống vật chất. Đó là những điều cần thiết giúp ta sống an
lành, chết an lạc và cảnh giới tái sanh của ta trong tương lai sẽ diễn ra theo
nguyện vọng.
*
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Địa chỉ: Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh,
phường 3, quận 10, thành phố Sài Gòn.
Email: thichnhattu@yahoo.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 01.04.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét