(Trung tướng Hữu Ước) |
KHI HỮU ƯỚC
“LÊN ĐỒNG” NGHỆ THUẬT
(Tác giả Đỗ Minh Tuấn) |
Tháng 7-2005, khi Phóng viên báo Thể thao & Văn
hoá hỏi Thiếu tướng-Nhà văn Hữu Ước: “Có
lẽ anh chỉ thiếu nhạc và họa nữa sẽ trở thành người “súng bắn hai tay, lựu đạn
quăng cả chùm“? Hữu Ước đã trả lời rất hồn nhiên: “Nhạc thì có rồi. Tôi không viết nhưng nhạc sĩ Đăng Nước đã phổ nhạc cho
bài thơ Tình là của tôi. Còn hội họa thì tôi chịu thật.”
Ấy vậy mà hai năm sau Hữu Ước đã lại lên đồng trong
cơn say âm nhạc và hội hoạ. Chỉ trong vòng mấy tháng anh đã cho ra đời hơn bốn
chục bức tranh sơn dầu cỡ lớn và hàng chục ca khúc được dàn dựng công phu trong
các chương trình nghệ thuật từ thiện mang tên Ngẫu hứng Hữu Ước, Tiếng
lòng và những giọt mưa xuân được tổ chức rầm rộ suốt bảy ngày liền tại
Nhà hát lớn vào trung tuần tháng 3 năm 2008.
Dư chấn nhất là chuyện bức tranh Mậu Tý xuân của
anh kính tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được Thủ tướng tặng lại chương trình
đã có người mua với giá 9 tỷ đồng để góp phần mua 1200 con trâu tặng bà con các
tỉnh miền núi đã bị thiệt hại trong trận rét lịch sử vừa qua.
Vị tướng và nghệ sỹ
Hữu Ứớc là nhà báo giỏi, đã tạo ra thương hiệu An
ninh thế giới có tiếng trong làng báo Việt Nam, Hữu Ước là nhà viết kịch có
nghề đã tung ra 15 vở kịch gây tiếng vang và rất ăn khách. Nhưng huyền thoại về
nghệ sỹ Hữu Ước bắt đầu lớn dậy kể từ khi anh viết nhạc, vẽ tranh và tổ chức
các chương trình từ thiện. Ấn tượng ấy lại sinh động rối ren thêm nhờ mối quan
hệ “Mình với ta tuy hai mà một - Ta với mình tuy một mà
hai” giữa tướng Hữu Ước và chàng nghệ sỹ cùng tên.
Tagore có kể chuyện về một người mài gươm rất sắc,
có thể chém xả đôi một ai đó trước khi người ấy kịp nhận ra, nhưng nếu người bị
chém khẽ cựa mình, hai nửa của anh ta sẽ bị tách đôi ngay lập tức. Lưỡi gươm
nghệ thụât cũng sắc như vậy đấy, nó đã xả đôi con người Hữu Ước ra thành hai
nửa vị tướng và nghệ sỹ từ lúc nào không biết. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời,
Hữu Ước khẽ rùng mình khi thần hứng nổi lên và con người Hữu Ước tách đôi ra.
Người nghệ sỹ-hiệp sỹ bắt đầu chung sống công khai cùng vị tướng-nhà báo.
Ấy là cái ngày tự nhiên ông Tổng biên tập Hữu Ước
nổi ngẫu hứng và bắt đầu sáng tác nhạc. Ước bảo quân kiếm cho tài liệu ký xướng
âm. Khi mang cuốn Đô rê mi tự học đến cho sếp, tay trợ lý tý ngất khi nghe sếp
tuyên bố: “Anh vừa viết xong một ca khúc,
cần cái này để ký âm cho chuẩn xác. Món “son fe” này, ngày xưa học ông Lê Đóa
mấy tháng, giờ nhiều cái rơi rụng, đã mấy chục năm còn gì”. Quả thực trí
nhớ của Ước không tệ, dù đã xa cái thời văn nghệ Biên phòng, nhưng khi lật sách
ông cũng vẫn nhận ra những ký hiệu quen thuộc trong cái mớ ký âm như chè đỗ đen
thời trai trẻ với cây guitar. Nào là Son trưởng, Pha thăng thứ, rồi thì đảo
phách, rồi thì mắt ngỗng. Tuy vậy, vừa “Son fe” vừa tra cứu các ký hiệu, để
chép được trôi chảy, phải ôn lại cỡ vài tuần, quá mất thời gian. Mà thì giờ của
ông thiếu tướng này luôn bị “âm”, kiếm đâu ra thời gian cho móc đơn móc kép,
luyến lên với chả luyến xuống. Cách này không ổn rồi. Ước có sáng kiến ngay, tự
cầm máy ghi âm, bấm nút record và cất giọng. Việc còn lại là “chuyển giao công
nghệ” cho nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi và nhạc sỹ Lê Tâm chép lại và thu âm. Đương
nhiên là năng suất. Vì nó cho ra đời ngay Album “Hát chơi”, CD đầu tay của
Hữu ước với tốc độ kỷ lục, chỉ hơn một tháng. Ngay sau đó ít lâu, Album 9 ca
khúc Hữu Ước lại tiếp tục trình làng. Bạn bè kéo đến, Ước tặng CD, rót rượu rồi
bật Amply, mở nhạc. Cứ y như cái hồi tôi nuôi chim cút cuối thập kỷ 80, ai đến
chơi cũng dẫn ra thăm chuồng chim và mời ở lại nhắm rượu cùng chim cút rán! Mọi
người nghe nhạc Hữu Ước ngạc nhiên, gật gù, xúc động, rồi hoan hỷ khích lệ
chàng nhạc sỹ tay ngang viết tiếp. Không chỉ nghe chiêu đãi nhạc “chín”, Ước
còn tự hát rất say sưa. Giọng của Ước có âm vực rộng, vang và ấm, cao độ rất
chuẩn xác, không hề phô một tí nào. Mấy ông nhạc công rất ngạc nhiên không hiểu
sao chẳng cần nghe dạo đàn mà Hữu Ước cứ hát bài Mẹ tôi là y như rằng đúng
giọng Fa thăng thứ.
Thú thực, lúc đầu tôi nghĩ chắc nhạc Hữu Ước cũng
chỉ èng èng thôi. Nhưng khi nghe bài Mẹ tôi, bắt gặp cao trào chuyển điệu
bất ngờ từ giọng thứ sang giọng trưởng, từ thủ thỉ nghẹn ngào đến tiếng gọi xé
lòng mãnh liệt, cũng tự nhiên gai hết cả người. Song, nếu Hữu Ước cứ sòn sòn đẻ
ra các ca khúc mới, không bị bế tắc, thì có lẽ con người hoạ sỹ trong anh sẽ bị
chết dấm chết dúi không thể có cơ hội ngóc đầu lên. Vào một ngày xấu trời, Hữu
Ước bật máy ghi âm lên mà không nghĩ ra giai điệu nào vừa ý. Thế là ông tướng
đa tài tắt phụt cái máy “nhại”, nghĩ ngay cách xoay sang vẽ để mở đường thoát
cho con mãnh thú ngẫu hứng đang lồng lộn trong tim. Hữu Ước bảo trợ lý: “Mày mua hộ anh ngay một bộ đồ nghề, họa
phẩm. Anh bắt đầu vẽ tranh”. Tuy bị bất ngờ nhưng ai ở báo này cũng biết,
sếp Ước đã nói là không đùa. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, bộ đồ nghề ấy đã được
rước về phòng sếp. Và thế là một xưởng họa Hữu Ước ra đời, với tốc độ kỷ lục,
có thể ghi vào Ghi-nét. Lướt qua đống đồ vẽ, tướng Ước xua tay: “Những cái toan khổ lớn thì để đây, những cái
bé bé này mang hết đi. Anh đã vẽ là chỉ vẽ khổ lớn, cái bé tí tủn mủn vẽ làm
gì…À những cái bút nhỏ, màu nước cũng mang cả đi! Vẽ sơn dầu, phải cầm
bay mới phóng tay được…”
Thế là Ước nhảy thẳng vào dùng bay vẽ tranh sơn dầu
tấm lớn luôn, y như một cầu thủ chưa hề đá bóng một lần nhưng vừa khai cuộc đã
hùng hục lao lên, bắn phá khung thành đối phương theo kiểu bóng đá Anh, không
thèm qua giai đoạn tập tành rê dắt rồi tâng bóng…
Cứ ngỡ chàng nghệ sỹ đa tài vừa chìm trong
cảm hứng âm nhạc về mẹ và đồng đội sẽ cầm bay vẽ một mẹ hiền đứng bên những nấm
mồ liệt sĩ giữa rừng xanh, ai ngờ bức đầu tay, anh lại vẽ một một hình ảnh trừu
tượng về thế thái nhân tình có tên là Vòng xoáy. Hình ảnh vòng xoáy, vòng đời,
vòng vây đã ám ảnh trong tư duy của Hữu Ước. Trong ba vở của Hữu Ước được Hội
nghệ sỹ Sân khấu trao giải thưởng thì có hai vở có cái tên dính đến vòng tròn
là Vòng
xoáy và Vòng vây cô đơn. Những anh nhìn vào đâu cũng nghĩ đến tiền hẳn
là sẽ hồ nghi, chắc Hữu Ước nhận tài trợ quảng cáo đặt vòng của Ủy ban dân số
Kế hoạch hoá gia đình! Nhưng đọc kịch xem tranh của Ước mới biết đó là cái vòng
xoáy cuộc đời quẩn quanh oan nghiệt ám ảnh chàng nghệ sỹ. Có lẽ kịch chỉ nói
được cái bề nổi của vòng xoáy cuộc đời, chưa nói được cái vòng tối tăm bí ẩn
thẳm sâu, nên vừa mới cầm cọ lần đầu Ước đã “bụp” luôn trên mặt toan cái
vòng xoáy âm u với đôi mắt như nhìn lên từ đáy vực. Trong các bức tranh sau đó
của Uớc thường xuyên xuất hiện những vòng tròn, khi hiền hoà trắng muốt như
trăng đêm, khi cuồn cuộn tối tăm như xoáy lốc, lúc lại đỏ ngầu như núi lửa sục
sôi…Nhưng không có vòng tròn nào bị Ước dơ ngón tay cào xé như vòng tròn trong
bức tranh đầu tay. Ước kể với tôi: “Vẽ
mãi vẫn không thấy hài lòng, vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì, thế là mình
dơ tay cào một cái vào mảng màu. Tự nhiên thấy ổn”. Không phải ông tướng
này bị vòng xoáy cuộc đời chà xát cho nhiều phen đau đớn nên báo thù bằng cách
cào cho nó một cái khi thấy nó hiện hình vênh váo trên toan, mà chàng hoạ sỹ
bẩm sinh đã không cưỡng nổi cảm xúc của mối tình đầu nên đã thể hiện tình yêu
một cách bản năng như chú hổ già cào yêu trên mặt lũ hổ con! Cái khoảnh khắc
cào vào tranh đó chính là lúc Hữu Ước rùng mình làm ông Tổng biên tập và người
Nghệ sỹ trong anh tách đôi ra sau nhát chém ngọt bén của lưỡi gươm sáng tạo.
Nhưng hai vị này sau khi tách đôi ra vẫn sống chung trong một căn buồng hơn ba
chục mét vuông vừa là buồng họp, buồng làm việc ký duyệt bài, vừa là
xưởng vẽ ở tầng hai 100 phố Yết Kiêu, y như các cặp vợ chồng vẫn sống
chung trong một căn hộ sau lúc ly thân..
Tiếng là sống chung như thế nhưng xem ra ông nghệ
sỹ có vẻ hồn nhiên lấn sân ông Tổng biên tập. Khi vào tìm ông Tổng biên tập thì
lại thấy ông hoạ sỹ tay bê bết sơn dầu đang đứng trước hai ba bức tranh vẽ dở.
Ông hoạ sỹ vẽ xong lại có quân của ông Tổng biên tập hí hoáy ngồi rửa bút, treo
tranh, khênh tranh gọn vào một chỗ. Ông hoạ sỹ Hữu Ước bôi cả màu vào sa-lông
chỗ ông Tổng biên tập Hữu Ước thường ngồi. Được cái là cả hai ông cùng có chung
cái thú rít cái điếu cày nhoe nhoét màu sơn! Từ khi có ông hoạ sỹ sống chung,
ông Tổng biên tập khó tính lại hay cười hơn, cơ quan tự nhiên hưởng thái bình.
Tuy làm phiền nhau như vậy, nhưng ông Tổng biên tập
Hữu Ước và ông hoạ sỹ Hữu Ước vẫn chia sẻ ý tưởng sáng tạo với nhau. Ông Tổng
biên tập hay nghĩ ra những ý tưởng thâm sâu để “bơm” cho ông hoạ sỹ vẽ tranh.
Ông hoạ sỹ lúc đầu bắt tay vào vẽ thì tâm tâm niệm niệm những ý tưởng đầy
chất trí tuệ của ông nhà báo, nào là thân phận nhân dân như thân cò lặn lội
phải có bốn chân, nào là ván cờ thế sự chỉ là ván cờ hoà, nào là số phận kẻ sỹ
như những kẻ bất khuất ngồi dưới gốc cây xanh trong mộ…Nhưng khi bị sắc màu rủ
rê, anh ta lại lao theo những cảm xúc mênh mang cuồng phóng để vung bút chém
bay trút lên mặt toan những đường nét dữ dội thâm u với những tảng màu đầy cảm
xúc hồn nhiên, tươi mới, thoát hoàn toàn khỏi những ý tưởng khô cứng ban đầu mà
nhà báo đã gà cho. Ông nhà báo chẳng biết chàng nghệ sỹ phóng túng đã thăng hoa
trong một thế giới mênh mang kỳ diệu khác, vẫn cứ đem những ý tưởng rành rẽ ban
đầu ra để giảng giải về tranh của ông bạn cố tri.
Tôi có đưa cuốn tranh của Ước cho nhà quay phim
Trần Hùng, người quay phim Thời xa vắng và Chuyện của Pao xem. Trần
Hùng khen lắm, bảo tranh Ước hồn nhiên, có chất dữ dội của Van Gogh, có thể
chọn ra sáu bảy bức đẹp. Bức Hoa khôn trông như tranh của một bậc mét.
Tôi a lô hoạ sỹ Thành Chương xem anh đánh giá tranh của Ước thế nào, Thành
Chương thẳng thắn: “Xem tranh không nên
căn cứ vào chuyện có bài bản không, có tay nghề không để dánh giá những tác
phẩm a-ma-tơ như tranh Hữu Ước. Khi Hữu Ước mới vẽ cũng có gọi tôi đến xem để
góp ý, quả thật tôi cũng ngại vì không biết ông ấy vẽ ra sao. Đến khi tới xem
thì rất thích thú vì tranh Hữu Ước trong sáng, hồn nhiên, nhiệt huyết phơi bày
lên mặt toan một cách có nội lực. Sự tươi mới, hồn nhiên ở những người chuyên
nghiệp như tôi bị bào mòn đi nhiều nên tranh Hữu Ước dội lại cho mình một suy nghĩ
muốn có những cảm xúc đó. Bức tranh Xuân Mậu Tý sắp bán đấu giá ở Nhà hát lớn
mình thấy rất đẹp”.
Quả thực đó là bức tranh đẹp. Khi bản in bạt khổ
lớn bức tranh có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thả xuống từ trên trần
Nhà hát lớn, nhìn con chuột vàng khổng lồ sống động giữa triền núi đầy hoa tím,
tôi chợt thấy đuôi nó giống đuôi voi. Về hình hoạ thì không ổn rồi, nhưng về
tâm linh thì lại cực hay. Vì “Đầu chuột đuôi voi”, ứng với sự có hậu của chương
trình từ thiện-chương trình đã quyên góp được số tiền mua 1200 con trâu vượt
nức so vơi kế hoạch 1000 con lúc đầu.
Khôn và dại như nhau
Khi đến Nhà hát lớn vào buổi sáng 10-3 để xem duyệt
chương trình, tôi nghĩ chắc anh chàng Ước sẽ ngồi thu lu một chỗ cười hiền dịu
để chiều mấy em diễn viên xinh xắn và các nghệ sỹ lừng danh đang thể hiện những
ca khúc của mình. Không ngờ ông nghệ sỹ tay chơi này “hách” quá, đúng là một
ông tướng, quát nhạc công ca sỹ cứ xơi xơi: “Sao em cứ lẩn phía sau mọi người như vậy? Đẹp như thế, sợ gì mà phải
nấp đằng sau? Sao mặt mũi vô hồn thế? Bài hát xúc động thế phải biểu diễn
có hồn chứ!” Hữu Ước nói với nhạc trưởng bằng một giọng rất là…ngẫu hứng: “Có lẽ bỏ cái bè cao đi ông ạ! Nghe nó không
vào lắm”. Có lúc Ước còn doạ ca sỹ: “Các
cậu mà hát không ra là tôi lên hát đấy!” Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu tập làm
MC cùng hoa hậu Giáng Mi mặt thì hớn hở, nhưng lúng ta lúng túng trông mới tội
làm sao! Bác nghệ sỹ vui tính bên người đẹp cũng ra sức làm dáng, cố nói theo
trí nhớ cho tự nhiên, thành ra lập bập, bị Hữu Ước đứng lên sì-tốp lại giữa
chừng: “Sai rồi anh ơi! Nhạc và lời Hữu
Ước chứ không phải sáng tác Hữu Ước. Anh cứ cầm giấy mà đọc cho chính xác!”
Chất gia truởng của Hữu Ước hiển nhiên là có phần
bản lĩnh của một vị sỹ quan từng trải. Trước đây khi đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng
kịch của Ước, khi không hài lòng Ước cũng thẳng thắn đề nghị ông đạo diễn lừng
danh kia “ra hình” để mình dàn dựng tiếp. Tôi hiểu cái tự tin của người nghệ sỹ
khi nhân danh cảm xúc vì tôi cũng đã từng nhân danh cảm xúc của đạo diễn để đòi
các nhạc sỹ Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân sửa lại nhạc khi thu thanh
nhạc phim. Nhưng tôi phát hiện thấy trong cái tự tin thẳng thắn của ông tướng
này có tư thế của một con người sòng phẳng. Nếu có chút gì chưa minh bạch trong
sáng tác, hay ú ớ ngoại đạo, phải luỵ vào ngón nghề của các ca sỹ và nhạc
sỹ, thì Hữu Ước đâu có thể “hô hét” những người đang cộng tác với mình
như vậy?
Cũng hay thật đấy. Cứ nghĩ anh chàng này “thần
kinh”, “liều mạng” khi mới tập tọng vẽ vời viết nhạc mà dám vác ca khúc và
tranh pháo ra Nhà hát lớn “khủng bố” bà con suốt bảy đêm liền, lại còn bán vé
giá trên trời như giá vé chung kết bóng đá Uôn-cắp vậy! Ây vậy mà hàng ngàn
người lũ lượt kéo nhau đi xem kín khán phòng, vỗ tay ròng rã bảy đêm, đến màn
kết, khán giả vẫn chưa nguội hào hứng. Biết lý giải thế nào nhỉ? Cứ như Tôn Ngộ
Không vừa nhổ lông thổi phù thành tranh, thành nhạc, thành sân khấu với hàng
trăm nghệ sỹ điệu đàng lộng lẫy, múa may cuồng nhiệt, chơi nhạc say sưa. Mà bảy
ông nghệ sỹ nhân dân Thất thập cổ lai cứ hơn ha hớn hở, nhảy nhót tưng tưng hát
bài về nghệ sỹ, giai điệu rộn rã là thế, mà ca từ lại vui buồn trĩu nặng. Hữu
Ước đã tạo ra một tiền lệ mở toang cánh cửa cho những cuộc chơi nghệ
thuật trước đây chưa hề có. Ước đã chứng tỏ cho đời thấy rằng một người
chưa bao giờ vẽ và viết nhạc, nếu muốn, có thể trở thành hoạ sỹ và nhạc sỹ, có
thể thực hiện một chương trình 7 đêm liền hoành tráng tại Nhà hát lớn, lại có
thể bán tranh với giá hơn nửa triệu đô la!
Tôi khoái cuộc chơi của Ước khi hình dung cha này
giống như một anh hùng áo vải làm một cuộc “khởi nghĩa nông dân” trong nghệ
thuật, cầm đầu đội quân “nghệ thuật vị nhân sinh”, kéo theo 1200 con trâu và
hàng vạn nông dân nghèo khổ tràn vào vương quốc thơ ca nhạc hoạ dẫm bẹp bao
nhiêu thứ hàng mã đạo đức và nghệ thuật tháp ngà, cao đạo. Lần đầu tiên tiếng
hát xẩm bao đời nay bị coi là nghệ thuật của những kẻ ăn mày được vang lên
tại Nhà hát lớn – một cung điện nghệ thụât hàn lâm. Cha Ước này lấy đâu
ra năng lượng để làm những chuyện động trời, phá bỏ những tiền lệ cũ như vậy?
Có lẽ vì cha này đã vượt lên chuyện dại khôn, ý thức rõ ràng “khôn và dại như
nhau”, tự biết mình “vừa khôn vừa dại”, “vừa dại vừa khôn”? Chẳng phải Khôn và
Dại là một trong ba ám ảnh lớn xuyên suốt các tác phẩm nghệ thuật của lão ta
bên cạnh ám ảnh về người Mẹ và ám ảnh về vòng xoáy cuộc đời đó sao?
Trong lúc bảy ông Nghệ sĩ Nhân dân đang say sưa hát
trên sân khấu: “Ai bảo dại là dại-Ai bảo
khôn là khôn” thì tôi lang thang ngoài sảnh Nhà hát lớn xem lại mấy bức
tranh, thấy Hữu Ước đứng cạnh cặp tranh Hoa dại và Hoa khôn.
- Hoa dại, hoa khôn là gì hả anh, em không hiểu? - Một cô gái đứng bên nhìn hai bức tranh, hỏi Ước.
- À, hoa dại nó ngang tàng phóng túng và gai góc,
nó như anh nghệ sỹ ấy nhiều khi cứ như chọc vào mắt những người ngắm nó. Còn
hoa khôn nó nằm yên hiền lành trong lọ, nhiều người thích nhìn nó. Đây là những
con mắt của người đời - Ước chỉ vào hình những con mắt trên lọ hoa…
Ước không nói mình là hoa dại hay hoa khôn, nhưng
có lẽ tay này coi con người nghệ sỹ hiệp sỹ là con người dại và kiêu hãnh lắm
với cái dại này. Theo quan niệm khá phổ biến hiện nay thì người khôn là người
không lộ diện, không chường mặt ra chịu trách nhiệm với đời, mà thường là “muốn
ăn gắp bỏ cho người”, ném đá giấu tay, ra vẻ khiêm tốn và ngoan ngoãn. Theo
quan niệm thế thì Ước là người dại. Không dại mà lại in thơ mình trên báo mình,
tự bỏ phiếu cho mình, rồi công khai chuyện ấy để chịu tiếng thị phi? Ước nghĩ
giản dị, phải công bằng với chính mình, không thể là “ngụy quân tử”. Với mình
còn bất công thì có thể công bằng với ai trên đời nữa? Tại sao mình có thể in
thơ cho những người viết không hay bằng mình, mà thơ mình lại in trên báo khác?
Tại sao mình thấy mình xứng đáng lại không dám tự bỏ phiếu cho mình vào Ban
chấp hành vào các chức danh của Hội nọ, Ban kia? Và cái bản lĩnh hiệp sỹ-nghệ
sỹ tự tin “dại dột” đó, cái tha cũng ít nhiều đem thêm cho Ước những
khoảnh khắc cô đơn.
Mong có nhiều Hữu Ước
Trước khi chương trình Ngẫu hứng Hữu Ước diễn
ra, dư luận đã xì xào râm ran trong nhà ngoài ngõ. Trên chiếc máy bay Boing
777 từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tôi tình cờ được gặp Nghệ sĩ Ưu tú Bằng Thái,
Trưởng đoàn kịch nói Quảng Ninh. Với một giọng cởi mở, bỗ bã, chân tình, anh
Thái nói như cãi nhau với một thái độ nào đó về Hữu Ước: “Nhiều anh cứ lên giọng dè bỉu chê bai, không
muốn thừa nhận giá trị nghệ thuật của những tác phẩm anh Ước đã tung ra. Tôi
bảo thẳng họ, các anh hãy cứ làm được như anh Ước đi! Anh ấy viết hàng chục vở
kịch, vở nào cũng ăn khách. Ăn khách kiểu gì thì kệ người ta. Mình trong nghề
không làm được lại cứ chê. Nhạc cũng thế, chê nhạc Hữu Ước, hãy thử viết vài
bài như anh ấy viết đi xem có bằng không? Mấy cái Câu lạc bộ cũng vậy, cứ ra vẻ
cao đạo, tôi bảo thẳng, cứ mời Hữu Ước vào tham gia đi, anh ấy chỉ có làm sang
thêm cho các anh thôi. Vì anh ấy trân trọng nghệ sỹ và nghệ thuật”.
Xung quanh chuyện bán tranh để làm từ thiện với giá
cao ngất trời cũng có nhiều ý kiến bàn ra tán vào, kinh ngạc khen chê, rồi ghen
tỵ, ngợi ca, thôi thì đủ kiểu. Người thì bảo tranh của ông tướng ấy thì làm gì
mà có giá trị cao đến thế, chẳng qua là người ta mua để lấy lòng ông thôi!
Người thì bảo giá cả ấy phá vỡ hết mặt bằng giá trị, nếu so với mức sống của
dân và mức thu nhập của người Việt Nam thì giá tranh mà Hữu Ước bán được là cao
nhất thế giới rồi. Nghe vậy, hoạ sỹ Thành Chương phẫn nộ: “Trước kia để có tiền chia cho người nghèo các hảo hán giang hồ còn đi
ăn cướp của nhà giàu. Cướp của giết người vì người nghèo còn được đời ca ngợi
huống chi một chương trình nghệ thuật sạch sẽ công phu như thế! Một con người làm
từ thiện như vậy rất đáng quý. Tôi mong đất nước này có nhiều Hữu Ước để bà con
nghèo được nhờ. Những người không bao giờ bỏ ra một cắc làm từ thiện lại cứ đố
kỵ dè bỉu chê bai những người như ông Ước. Mấy hôm nay tôi cũng phải tranh luận
rất nhiều”. Nhạc sỹ Trọng Bằng thì điềm đạm hơn:“Không phải ai cũng làm được
như vậy đâu! Phải dày công, công phu, có tâm. Không nên bàn nhiều về nghệ thuật
mà nên bàn về hiệu quả”.
Tôi là dân mê Tử vi nên nhìn cuộc chơi của Ước từ
góc độ anh thầy bói. Hoá ra lão này bợm thật, lão ấy làm lớn mà thành công được
như vậy vì lão đã bày ra các trò theo thế Tam hoá Liên châu cực đẹp trong lá số
Tử vi. Này nhé, những ngươì nông dân nghèo khổ và 1200 con trâu ngoe ngẩy đuôi
đứng ở trung tâm, vây quanh họ là ba ngôi sao Hoá Khoa (các trí thức văn nghệ
sỹ) Hoá quyền (các chính khách) và Hoá lộc (các đại gia, các nhà tài trợ).
Trong cái thế Tam Hoá Liên châu ấy, tranh của lão được trưng ra giống như cái
bát của các nhà sư khất thực vẫn chìa ra trước mặt thiên hạ để xin tiền. Có điều,
cái bát này to đùng lại được vẽ rất công phu. Do đó, tiền từ thiện đổ vào rất
lớn, hoành tráng hơn nhiều cuộc khác. Thế là lão ấy tài chứ! Vẽ tranh, viết
nhạc thì có thể là do Trời cho lão lên đồng, nhưng cái tài tổ chức, cái tài làm
từ thiện, cái uy tín xã hội, cái đầu óc kết nối những tấm lòng, nguồn lực khác
nhau thành một cuộc chơi văn hoá, ở đó hàng vạn người nghèo là đích đến, không
bị gạt ra bên lề như các cuộc chơi nghệ thuật phù phiếm cao đạo khác thì là
đáng kể chứ! Nếu vì đó là các bức tranh tặng Thủ tướng mà nó được trân trọng
hơn, giá bán vọt lên ngất ngưởng, các đại gia bỏ ra vài chục tỷ để mua nó mang
về thì bà con nông dân càng được quan tâm, họ sẽ được thêm mấy ngàn con trâu
nữa, tốt chứ sao? Khối người có quan hệ với các chính khách và các đại gia,
nhưng họ giấu kín trong các két bí mật, khoá ba bốn cái khoá để tránh tai tiếng
và để riêng mình trục lợi. Hữu Ước thì lại đem chia sẻ công khai những quan hệ
ấy với các văn nghệ sỹ và những người nghèo, lại còn hồn nhiên đem những tác
phẩm tranh thơ nhạc của mình ra xây một nhịp cầu cho hàng ngàn con trâu xéo qua
đi tới các bản làng đói rét nữa chứ!
Hàng chục năm nay làm từ thiện, Hữu Ước đã huy động
cho người nghèo có đến hàng trăm tỷ. Hàng vạn số phận bất hạnh đã được quan
tâm. Vì thế, hoạ sỹ Thành Chương mong có nhiều Hữu Ước thì cũng đúng thôi…
-------------
MỜI
NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:
Mời thư giãn với nhạc phẩm TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN
của Trịnh Quý, qua tiếng hát Phạm Anh Khoa và Ngọc KHuê:
*
ĐỖ MINH TUẤN
(Nhà thơ, Đạo diễn
điện ảnh)
Địa chỉ: Hãng phim Nhân Đạo, Số 14 ngõ 43 Võng Thị,
phường Bưởi, quận
Tây Hồ, thành phố Hà Nội
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 19.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Bài viết tuyệt vời. Vẽ chân dung ông tướng "nhiều nhà" mà chả có cái nhà nào thật hài hước và sâu cay.
Trả lờiXóaSang thăm trang nhà được đọc bài viết của tác giả Đỗ Minh Tuấn hay quá.
Trả lờiXóaCám ơn nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã giới thiệu.