(Nguồn ảnh: internet) |
SUY
NGẪM
VỀ MỘT BÀI CA DAO
*
Đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An:
(Tác giả Dương Quốc Việt) |
Nhân ngày hè nhớ mùa
sen, đầm sen, nên tôi muốn đưa một cảnh đầm sen lên trang facebook cá nhân, kèm
với vài lời gì đó, thì chợt nhớ đến bài ca dao đã in đậm vào bao tâm hồn người
Việt:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.“
Và thế là cái cảm xúc
năm xưa lại ùa về. Chả là từ thuở học trò-cách đây đã hơn nửa thế kỷ, lũ chúng
tôi đã cảm thấy có gì bất ổn trong bài ca dao nổi tiếng này, khi nghe cô dạy
văn giảng về nó. Rồi chúng tôi cũng đã bàn luận ngoài giờ về nó.
Ca ngợi sen đẹp, như
biểu tượng của sự cao quý là đúng, nói bùn nhơ-hôi tanh cũng chẳng sai. Nhưng
đối lập sen-bùn trong hiện thực bùn nuôi sen, bùn làm đẹp sen, thì không thể
không khiến nhân tâm xao động-bất an. Thu qua, đông về, cỏ cây-lá úa hoa tàn.
Suốt mấy tháng ròng củ sen được bùn ấp ủ, rồi nhờ dưỡng chất từ bùn tanh mà sen
lại vươn lên trổ hoa khoe sắc, thì liệu có đạo lý nào, dám xui khiến người ta
ca ngợi sen như thế này chăng: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn“!? Quả
là không ổn chút nào!
Trong sự tương phản,
người ta đã ca tụng sen đến mức cao nhất có thể-nhưng lại “dìm” bùn đến tận đáy
cùng của sự xấu xa. Trong khi thực tế
sen không chỉ được sinh ra từ bùn, mà chính bùn cũng góp phần làm nên vẻ
đẹp tự nhiên-sống động của sen:
Hương sen thoang thoảng hơi bùn
Sương mai-ngọc biếc, sắc màu thế gian!
Bởi thế, mặc dù đó là
một bài ca dao, được cho là hay, để ca ngợi phẩm chất cao quý của hoa sen,
nhưng chúng tôi cho rằng-chỉ nên coi đó như “miệng lưỡi thế gian” vô tình. Và
xin được gửi gắm suy tư này, qua mấy vần sau:
MIỆNG ĐỜI
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Miệng đời nông nổi vô tình
Lời thơ chia rẽ sen-bùn thủy chung
Không bùn sen mọc ở đâu
Hoa kia có nở trọn ngày hỡi ai!?
Hương sen thoang thoảng hơi bùn
Sương mai-ngọc biếc, sắc màu thế gian!
Như vậy, ngoài cách
hiểu, cách nhìn truyền thống về bài ca dao trên-mà mọi người đều quen biết, thì
cũng có thể có một cách nhìn trái chiều như thế! Và phải chăng tụng ca, tâng
bốc, lại ưa đối lập, cảm tính, thiếu logic, thiếu lý tính-triết học, nông nổi,
chẳng phải đã vô tình đẩy đối tượng vào nghịch cảnh sao?
***
LỜI BÀN:
Một chàng trai yêu một cô gái ở một xóm nghèo, gia cảnh nghèo hèn xơ
xác-nhếch nhác. Thế rồi trong yêu thương, cảm xúc tuôn trào, chàng thốt lên
“một bông sen lạc giữa vũng bùn”. Người đời hẳn sẽ cảm thấy vui cho tình yêu
đôi lứa, mà thể tất cho cái lời “có cánh” bồng bột kia, và chỉ coi đó như “lời
nói gió bay” của kẻ si tình, mà cho qua, mà quên đi. Và cũng vậy, một ngày đẹp
trời, một người nào đó, cảm xúc trước hoa sen, mà xuất khẩu thành thơ: “Gần bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, chắc cũng không có gì lạ. Rằng đó là cảm xúc tức
thì của một cá nhân-trong một khung cảnh nào đó. Nhưng nếu coi “Gần bùn mà
chẳng hôi tanh mùi bùn”, như một tiếng nói chung của cộng đồng dành cho hoa
sen, thì quả là không ổn! Cũng như câu nói của chàng trai kia, dành cho người
yêu của mình, đâu có thể coi là tiếng nói chung.
Vì vậy, có nên sử dụng bài ca dao này, làm bài học và dạy trong nhà trường,
nhất là lại kèm với hướng dẫn-định hướng về chủ đề tư tưởng hay không?
.
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
*
Hà Nội, ngày 20.07.2019
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 20.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét