VÀI LỜI MẠO MUỘI VỀ 'HOA TRẮNG' – THƠ LÊ LIÊM - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

1 comment
(Nguồn ảnh: Quang Toản)

VÀI LỜI MẠO MUỘI VỀ
“HOA TRẮNG” – THƠ LÊ LIÊM
*
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành)
Bài “Hoa trắng” – thơ Lê Liêm là một bài thơ khá hay, đã được nhiều người thích thú, lắm nhà ngợi khen. Tôi xin mạo muội bàn về bài thơ này!
Bắt đầu nhé!
“Lấp kín em rồi
Anh đặt lên nhánh hoa rừng màu trắng
Không có hương trầm
Cả khu rừng vắng lặng
Nòng súng khói hun
Giọt giọt rơi mặn đắng
Dòng suối thì thầm khúc hát tiễn biệt nhau..
Xin hạ bút chấm son bởi nó hay, nó thực, nó tình, nó tinh, nó bi cảm hào hùng quá! Quả Lê Liêm xứng người thơ ký của thời đại, từng lăn lộn sống chết với cuộc chiến đầy hung, nộ, ái ,ố, bi, tàn, tràn hùng hứng, bật thành thơ, ghi kể lại … âm khí khói lửa chiến tranh. Nhưng đáng tiếc ở hoàn cảnh này, mà tác giả lại cho dòng suối hát thì thật là rợn người – nó trở thành vô cảm lạc quan.. chưa đúng chiến cảnh khốc liệt điêu tàn – quả tác giả có trái tim sắt đá.. Hình như cụ Nguyễn Du đã có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Xin mạn phép nhà thơ chỉnh lại
Đọc tiếp!!
“Ngày quy tập
Người ta gồng tay khiêng vòng hoa lớn
Bằng hoa
Màu trắng trong không vết gợn…”
Đây là cái tài, cái tâm, cái tầm, gốc, tình của tác giả, nên câu thơ cứ trùng trùng điệp điệp, lượn lách kì kì ảo ảo theo ngọn bút của anh, bừng bừng sống động - “Người ta gồng tay khiêng vòng hoa lớn..”. Tôi khen cho thấu kính thi sĩ, nỗi đau thế thái nhân tình, nghĩa đồng bào, tình đồng chí của nhà thơ. Từ “gồng”, từ “khiêng”, từ “lớn” rất đắc địa, nó ngữ nghĩa thiêng liêng góc cạnh quá ! Đọc tiếp:
“Bằng hoa…”
Ôi! Hoa không bằng hoa thì bằng gì? Dẫu thật hay giả. Chỉ cần tính từ “trắng trong không vết gợn” đã gợi đủ lột đúng sự thật nhạy cảm bi hài…Xin lỗi: Trong thơ nói nhiều mà không thừa, viết ít mà chẳng thiếu. Ở đây Lê Liêm mắc vào lỗi nói ít mà vẫn thừa, nói nhiều mà lại thiếu - câu cú chặt chẽ quá làm mất nhịp điệu, giảm thần khí, hãm tốc độ bài thơ. Đọc tiếp:
 “Màu trắng trong không vết gợn 
Hương khói mịt mù
Tiếng loa kèn rờn rợn…”
Phải nói rằng rất nhạy cảm, giàu xúc cảm, có lăng kính khúc xạ, góc cạnh, thấu thị, tâm linh, đa chiều, lắm nghĩa.
“…Thấy em hiện về
Nhánh hoa rừng màu trắng trong tay”
Xin thưa trong binh pháp phải biết lập ma đồ bát quái, biết dùng chính binh kì binh…Trong thi pháp phải có ảo, có thực, có ngẫu nhiên, tự nhiên, tất nhiên…nhưng vẫn phải logic tự nhiên. Chính cái thực, cái tự nhiên logic tạo nên thần thái bài thơ. Cái ngẫu, cái ảo làm lên hồn vía bài thơ và nhà thơ. Tiếc thay! Lê Liêm mắc phải sai lầm tựa thầy phù thủy non tay iểm âm binh hớ hênh đến nỗi – âm binh phản thầy mà thầy không biết. Đôi chỗ, đôi câu dùng ngôn ngữ như kiểu súng nọ đạn kia…quân ta chẳng phải quân mình… Cụ thể câu cuối của anh quá thực thà non yểu nó ngô nghê vô hồn, vô tình đã giết chết thần khí bài thơ. Sao anh lại dùng từ “bỗng thấy”, từ “hiện về”. Ừ có thể sự tưởng tượng ảo ảnh tâm linh… Theo tôi tác giả nên dũng cảm cắt bớt những lòng thòng, u biếu bất tiện ấy đi thì tràng thơ sẽ vươn mình trỗi dậy, đắc ý, đạt thần hơn.
Thưa tác giả! Cùng quý toàn thể độc giả! Nếu cho phép tôi – kẻ hạ học bì phu này mạo muội múa rìu qua mắt thợ thì tôi cáo lỗi tiểu phẫu chỉnh hình thành bài thơ như thế này:
HOA TRẮNG

Lấp em rồi
Anh đặt lên nhánh hoa rừng màu trắng
Không có hương trầm
Cả khu rừng vắng lặng
Nòng súng khói hun
Giọt giọt rơi mặn đắng
Dòng suối thì thầm
Khúc tiễn biệt nhau!

Ngày quy tập
Người ta gồng tay khiêng vòng hoa lớn
Màu trắng đến trong không vết gợn
Hương khói mịt mù
Tiếng loa kèn rờn rợn
Em về 
Hoa trắng
Trên tay.

  
Mời thư giãn với nhạc phẩm MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT RỪNG CÂY
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Hồng Nhung:
             
*
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyendanghanh1234@gmail.com
Điện thoại: 036.467.78.26
.
.
.


       ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.07.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

1 nhận xét:

  1. Thơ của Đỗ Hoàng bình thường, không có gì nổi trội nhưng Đỗ Hoàng ngông nghênh sửa thơ của người khác vì những bài thơ đó dở thật, Đỗ Hoàng có con mắt tinh đời đã nhìn thấy và sửa đúng. Đăng Hành không phải là Đỗ Hoàng nên tránh học thói ngông nghênh của Đỗ Hoàng sẽ tốt hơn.

    Trả lờiXóa