ĐỌC ‘VƯỜN CŨ’
CỦA QUANG
KHẢI
*
VƯỜN CŨ
Quê mẹ không còn mẹ
Bao giờ con trở về (Tế Hanh)
Khuya khoắt cổng gài im phắc ngõ
Trăng hắt vào sân bóng ngã xoài
Nhà cũ, thôi giờ người khác ở
Vườn xưa, nay đã vườn nhà ai
Tự dưng ngùi ngùi hai mi ứa
Thương cha nhớ mẹ vắng đâu rồi
Chừng hơi thở trong hơi thở lá
Trăng giọt tàu cau trăng đẫm vai
Lòng sao hoang vắng tao tác gió
Thương người chăm quả hẫng hai tay
Lại mùa mít chín thơm rưng rức
Hương thấu trời sương nấm cỏ dày
Quê mẹ từ giờ không còn mẹ
Con đi biền biệt nắng sương đầy
Bồi hồi ngoảnh lại nơi vườn cũ
Ngóng ngõ thôi còn có gió may.
*
QUANG KHẢI
LỜI BÌNH:
Trong “thất tình” (bảy thứ tình cảm của con người), thì nỗi buồn là loại
“tình” được thể hiện nhiều trong văn chương, đặc biệt là với thơ. Nó gần với
gam trầm của nhạc. Xưa nay, những tác phẩm thơ (ngắn và cả thơ dài) được người
đời lưu giữ, phần lớn là thơ thể hiện nỗi buồn của con người ở nhiều cảnh ngộ
khác nhau. “Ly Tao” của Khuất Nguyên, thơ Đỗ Phủ, “Tỳ bà hành” của Bạch Cư
Dị…bên Trung Hoa; thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Gia Thiều
v.v…Có thể kể tên vô vàn những kiệt tác văn chương ở mọi thời đại đã trở thành
bất tử, cũng dằng dặc như sự bất tử của nỗi buồn nhân thế! (Tác giả Vũ Bình Lục)
Quang Khải (sinh năm 1945),tên đầy đủ là Bùi Quang Khải, quê Tiền Hải, Thái
Bình. Quang Khải xuất thân kỹ sư ngành thủy lợi, nhưng lại gắn bó với văn
chương. Ông là một nhà thơ viết khá nhiều, cả thơ, cả văn. Cũng không hẳn là
một tên tuổi sáng giá trên đàn thơ đương đại, nhưng thơ ông có giọng điệu
riêng, đằm thắm trữ tình. Quang Khải còn là một nhà thơ viết nhiều và viết hay
cho thiếu nhi, được bạn đọc đánh giá cao. Ông có một bài thơ được tuyển vào
cuốn VIỆT THI THIÊN TẢI, một tuyển thơ Việt ngàn năm, được xem là sáng giá cho
đến thời điểm này.
Tứ thơ được khởi dựng từ một câu thơ của Tế Hanh “Quê mẹ không còn mẹ / Khi nào con trở về”… Mở đầu, tác giả viết: “Khuya khoắt cổng gài im phắc ngõ / Trăng hắt
vào sân bóng ngã xoài / Nhà cũ, thôi giờ người khác ở / Vườn xưa, nay đã vườn
nhà ai”…
Tác giả trở về ngôi nhà xưa yêu dấu của mình, nay đã sang tên chủ mới,
trong một thời điểm đặc biệt. Không phải ban ngày, mà là ban đêm, một đêm đầy
trăng, lại còn “khuya khoắt”nữa !
Như thế là chủ nhà cũ chỉ quan sát ngôi nhà xưa của mình từ bên ngoài mà
ngó vào trong sân, trong vườn, như một khách lạ. Có cảm giác như là một sự vụng
trộm, chỉ là xem trộm ngắm trộm thôi, còn thì hãy cứ nguyên xi yên tĩnh bình
thường. Dường như tác giả không muốn làm tan đi cái tĩnh lặng vô tư của cảnh
vật, không muốn để cảnh vật “phát hiện” ra mình. Ngôi nhà vườn cũ thân thương
gần gũi là thế, hiện hữu nhãn tiền đây, mà giờ đây sao xa xôi quá. Đó là một
cảm giác có thật, chân thành, đủ gợi lên bao nỗi cảm hoài. Trăng đẹp lắm, vô tư
“ngã xoài” trong sân nhà ta mà không
phải nhà ta. Cổng nhà cài then im phắc, không gian yên tĩnh lạ thường. Chỉ có
tiếng sóng lòng người xưa dào lên rưng rưng…
Thế rồi “tự dưng bồi hồi hai mi ứa”.
Biết bao kỷ niệm xa xôi ùa về trong ký ức, với hình ảnh những người ruột thịt
thân yêu không còn nữa, “thương cha nhớ
mẹ vắng đâu rồi”. Dường nghe như hơi thở còn phảng phất đâu đây, trong
không gian, trong kẽ lá. Và trăng thì tràn đầy, “trăng giọt tàu cau trăng đẫm vai”…Thi ảnh không mới, cảnh ngộ cũng
không hoàn toàn cá biệt, nhưng khác lạ ở thời khắc và không gian tâm tưởng, man
mác một nỗi đau thầm.
Khổ thơ thứ ba lại nói về cha mẹ, những người đã trồng cây, những người gây
dựng khơi nguồn hạnh phúc, bây giờ đã không còn. Cây mít người trồng, giờ đang
độ quả chín, thơm rưng rức đầy vườn, “hương
thấu trời sương nấm cỏ dày”. Cảnh ấy tình này, thì “lòng sao hoang vắng tao tác gió”, là điều không sao cầm lòng cho
được, bởi “thương người chăm quả hẫng hai
tay”…
khổ cuối bài thơ thâu tóm tình thơ, tình con với mẹ:
“Quê mẹ từ giờ không còn mẹ
Con đi biền biệt nắng sương đầy
Bồi hồi ngoảnh lại nơi vườn cũ
Ngóng ngõ thôi còn có gió may”…
Vẫn còn nhà xưa vườn cũ đấy. Vẫn còn quê mẹ đấy, nhưng bây giờ không còn mẹ
ra ngõ ngóng con, chỉ có ngọn gió heo may, hoang lạnh. Đứa con ra đi biền biệt
tháng ngày, bầm dập bao nắng sương, giờ đây chồng chất nỗi u hoài, chỉ mình
mình biết, chỉ mình mình hay.
Bài thơ bốn khổ, viết theo lối truyền thống, chẳng thấy dụng công cách tân
đổi mới gì cả. Ấy vậy mà chứa chất đầy vơi những nỗi tái tê tình người, khiến
người đọc cũng rưng rưng xao xuyến. Thơ đến với ta từ nhiều phía cuộc đời. Và
thơ chỉ ở lại với ta, khi ta gặp nó mà như gặp chính mình, ở những tương giao
cộng cảm !
0 comments:
Đăng nhận xét