(Nguồn ảnh: Nguyễn Bích Ngọc) |
VỀ QUÊ
CỦA THU HƯƠNG VŨ
*
(Tặng những người con đất Ngọc)
Đã bao lâu rồi
anh chưa về quê mẹ?
Chưa bước qua
dòng sông Chảy hiền hòa
Chưa ngắm nhìn
vua Áo Đen hóa đá
Chưa một ngày,
bình minh gọi Khai Trung.
Về đi anh nghe
câu “Cọi” nhớ nhung.
Nghe câu “Then”
vắt cầu thang ngóng đợi
Mẹ nhai trầu ánh
mắt buồn vời vợi
Lần bậc thang
mẹ nhẩm đếm cả đời.
Nắng quái chiều
qua phố núi rong chơi,
Mẹ lặng lẽ gom
lá vàng nhóm bếp
Ngước mắt lên
nhìn khum thóc nếp
Lẩm nhẩm một
mình: Nó thích nếp thổi xôi.
Tháng năm về vải
chín mọng bờ môi
Cơn mưa qua -
măng đắng mùa sót lại
Mẹ nhồi măng,
đôi bàn tay mềm mại
Bắc bếp lên, ánh
mắt mẹ rạng ngời.
Bao nhiêu năm
xuôi ngược với dòng đời
Anh còn nhớ
dáng hình quê mẹ
Nhớ tháng năm,
nhớ ngày hè oi ả?
Vai mẹ gầy con
đường nhỏ chênh vênh.
*.
THU HƯƠNG VŨ
LỜI BÌNH:
Dù cuộc đời này còn lắm
bão giông còn nhiều đa đoan dâu bể vẫn không thể làm thui chột trong tâm hồn
các nhà thơ trẻ đích thực tình yêu thiên nhiên tình yêu quê hương xứ sở, tình
yêu cuộc sống, trên hết thảy là tình yêu con người. Đọc một số nhà thơ trẻ trên
Facebook đã thắp lên trong tôi niềm tin mãnh liệt vào tấm lòng nhân hậu của họ
với cuộc đời này. Họ đã gửi gắm tất cả tình yêu và lòng nhân hậu của mình qua
những bài thơ với ánh mắt nhìn vô cùng trong sáng.
Về quê của Thu Hương Vũ đăng trên báo Yên
Bái đã minh chứng cho tôi điều đó. Bài thơ là những câu hỏi với đại từ nhân
xưng anh. Theo tôi anh không phải là một cá thể mà anh đại diện cho những người
con đất Ngọc đã ra đi, đã rời xa xứ sở. Có thể là những người đã ra đi, đi mãi
không về. Họ đã hy sinh trong bao cuộc chiến tranh. Anh cũng có thể hiểu những
người con đất Ngọc đã ra đi dựng xây đất nước, mưu sinh. Sau câu hỏi “Đã bao lâu rồi anh chưa về quê mẹ?” là
những huyền thoại, địa danh tươi đẹp có, nghèo khổ có. Đặc biệt hình tượng
người mẹ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ. Vì không ai không có một người mẹ
lam lũ tảo tần đã gắn cuộc đời mình nơi quê hương xứ sở. Nói đến quê hương là
phải nói đến mẹ.
Đã bao lâu rồi anh chưa về quê mẹ?
Chưa bước qua dòng sông Chảy hiền hòa
Chưa ngắm nhìn vua Áo Đen hóa đá
Chưa một ngày, bình minh gọi Khai Trung.
Vâng đã bao nhiêu lâu rồi
anh không về lại nơi đây, nơi có dòng sông chảy hiền hòa đã tắm mát đời anh,
tắm mát đời em tắm mát cho ruộng đồng cho bãi bờ cho khoai lúa lên hương nuôi
sống con người đất Ngọc. Một dòng sông đã bật khóc khi phải chia ly những ngọn
núi vì sự tàn phá của con người. Anh chưa về ngắm lại ngọn núi huyền thoại mà
tương truyền vị anh hùng dân tộc Áo Đen vì thế giặc quá hung hãn nên thất thế
ông đã đã về đây tự vẫn. Cho đến tận bây giờ hình dáng ông vẫn đang tạc lên
vách đá ngọn núi Lục Yên uy nghi sừng sững. Anh chưa một lần về đất Khai Trung
vẫn còn nhiều đói nghèo lam lũ chưa một lần đón ánh bình minh của ấm no hạnh
phúc.
Về đi anh nghe câu “Cọi” nhớ nhung.
Nghe câu “Then” vắt cầu thang ngóng đợi
Mẹ nhai trầu ánh mắt buồn vời vợi
Lần bậc thang mẹ nhẩm đếm cả đời.
Về đi anh tất cả vẫn vẹn
nguyên từ câu hát “Then”, hát “Cọi”. Những câu hát vắt cầu thang đợi
người. Câu thơ thật hình tượng. Một hình tượng đẹp chỉ sự gắn bó giữa những câu
ca và con người. Tôi cứ lặng đi khi viết về hình tượng người mẹ của Thu Hương
Vũ. Một người mẹ lam lũ tảo tần. Đôi mắt của mẹ đượm nét buồn vời vợi. Mẹ ở nhà
sàn và cứ mỗi lần lên xuống từng bậc cầu thang mẹ lại nhẩm đếm cuộc đời của mẹ.
Có bao nhiêu bậc cầu thang như thế trong suốt cuộc đời của mẹ là có bấy nhiêu
vất vả gian lao.
Nắng quái chiều qua phố núi rong chơi,
Mẹ lặng lẽ gom lá vàng nhóm bếp
Ngước mắt lên nhìn khum thóc nếp
Lẩm nhẩm một mình: Nó thích nếp thổi xôi.
Vẫn là hình tượng người
mẹ được lồng trong nắng quái chiều hôm. Nắng quái thì rong chơi qua phố núi.
Phải chăng nhà thơ muốn gắn kết hình tượng này với hình tượng trong câu ca “Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” để
nhắn gửi về hạnh phúc lứa đôi của mẹ cũng ngắn ngủi chóng phai tàn như tia nắng
quái. Dẫu vậy mẹ vẫn gom nhặt lá vàng, gom nhặt cuộc đời để nhóm thành bếp lửa
thổi cho các con chõ xôi nếp thơm lừng. Nhìn những khum thóc nếp treo trên xà
nhà mẹ lại nghĩ về những đứa con đi xa của mẹ với tất cả nỗi thương nhớ đầy
vơi.
Tháng năm về vải chín mọng bờ môi
Cơn mưa qua - măng đắng mùa sót lại
Mẹ nhồi măng, đôi bàn tay mềm mại
Bắc bếp lên, ánh mắt mẹ rạng ngời.
Rồi những của ngon vật lạ
nơi quê hương yêu dấu. Đọc những câu thơ của Thu Hương Vũ ai không thấy khát
thèm trở lại vùng quê đất Ngọc được ăn quả vải chín mọng. Nhưng ở đây lại là “Mọng bờ môi” - một thứ mọng chắc rất
nhiều ngọt mát thơm tho. Những củ măng đắng còn sót lại sau mưa. Thứ măng đắng
chỉ có ở vùng quê Yên Bái. Măng đắng ở đây chỉ ăn được khi nó đang nằm sâu
trong đất. Mẹ vẫn nhớ đến các con đi xa, mẹ nhồi măng đắng với thịt gà ri. Một
món ăn đặc sản chỉ có ở vùng quê đất Ngọc Lục Yên này chờ các con trở về. Một
câu thơ thật hình tượng về ước mơ và khát vọng “Bắc bếp lên, ánh mắt mẹ rạng ngời”. Vì sao lại thế? Vì khi đã bắc
nồi lên bếp là đã có cái cho mẹ thổi nấu. Một chõ xôi dẻo thơm và nồi măng đắng
vừa đắng vừa ngọt khi ăn để lại cho ta một dư vị khó nói lên bằng ngôn ngữ dù
những năm tháng công tác địa chất ở vùng đất này không mùa măng đắng nào mà
chúng tôi không được các mẹ cho ăn.
Bao nhiêu năm xuôi ngược với dòng đời.
Anh còn nhớ dáng hình quê mẹ
Nhớ tháng năm, nhớ ngày hè oi ả?
Vai mẹ gầy con đường nhỏ chênh vênh
Khổ kết bài thơ là những
lời nhắn gửi dù có ở nơi đâu dù có ngược xuôi vinh hiển đủ đầy thì anh hay nói
đúng hơn là những đứa con đất Ngọc thân yêu không được quên quá khứ. Không được
quên quê hương xứ sở ở đó vẫn còn bóng dáng những người mẹ lam lũ tảo tần:
“Vai mẹ gầy con đường nhỏ chênh vênh”
Nhớ để mà sống sao cho
xứng đáng với quê hương nơi đã sinh ra anh và nuôi anh khôn lớn thành người.
Mời thư giãn với nhạc phẩm NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở
Dân ca Quan họ Bắc Ninh, do tập thể liền anh liền chị xứ Đoài thể hiện:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét