- Nguồn ảnh: Internet - |
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
TÍNH TỰ LẬP CỦA TRẺ
Sau chín tháng được mẹ nuôi
dưỡng trong bụng, trẻ ra đời. Tương lai của trẻ là sẽ trở thành người lớn, có
đủ phương tiện để tự nuôi thân và nuôi gia đình. Theo quy luật tạo hóa tự nhiên
trẻ dần dần lớn lên, và song song trẻ cũng từ từ ra khỏi sự che chở và nuôi
dưỡng của cha mẹ để từng bước sống và phát triển, cho đến khi có thể sống tự
lực. Lúc này, trẻ có thể độc lập điều khiển đời sống của mình mà không cần đến
sự giúp đỡ của cha mẹ nữa.
Lịch sử cá nhân của mỗi người
là lịch sử của một cuộc tự giải phóng khỏi những ràng buộc của cha mẹ, để trẻ
không còn phụ thuộc vào cha mẹ. Có thể nói đó là một cuộc chinh phục quyền độc
lập của mỗi đứa con đối với cha mẹ trong quá trình lớn lên để trưởng thành.
- Xu hướng tự lập của trẻ phát triển nhưng phải trải qua
nhiều xung đột tranh chấp với môi trường:
Cuộc đấu tranh để được tự lập
của trẻ là một chiến trường qua hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là để có được
sự tự lập, quyền tự do, thoát khỏi quyền lực của cha mẹ, kỉ luật của gia đình,
thoát khỏi trật tự và kỉ luật của nhà trường, thoát khỏi các quy tắc tiêu cực
xã hội gò bó con người. Mặt trận thứ hai là ý muốn còn giữ được sự che chở an
toàn của cha mẹ là ý muốn vẫn giữ thói quen vâng lời cha mẹ (vì nó bảo đảm cho
trẻ được an toàn) là ý muốn học tập tốt ở nhà trường để được cung cấp những
kiến thức mà trẻ đam mê, ngày càng muốn biết thêm, là ý muốn xã hội phải thay
đổi (mà trẻ chưa biết phải thay đổi như thế nào).
Hai nguyện vọng đó của trẻ đối
chọi nhau khiến cho có những biểu hiện, hành vi của trẻ làm cho các bậc làm cha
làm mẹ khó hiểu. Khi có nguyện vọng được tự lập, trẻ nhìn về phía trước và ước
định về khả năng của mình. Dù chỉ là một ước đoán thuần túy chứ chưa phải là
trẻ đã có khả năng thực sự. Trẻ muốn được tự do, ăn uống tùy thích, thích có
tiền tiêu như anh chị. Trong khi đó cha mẹ lại giám sát trẻ để tránh cho trẻ đỡ
mặt tiêu cực của cuộc sống. Đã có nhiều sinh viên thất bại trên đường học vấn
chỉ vì muốn sống gấp đời sống tự do trong khi chưa có thể thoát đi được sự tài
trợ của cha mẹ về mặt vật chất cũng như sự nâng đỡ về mặt tinh thần.
Bi kịch ở đây, về phần con thì
muốn vội vàng được thành người lớn hay ít ra cũng được làm giống như người lớn.
Còn bi kịch của cha mẹ là còn bám vào quá khứ, cha mẹ còn vấn vương những hình
ảnh còn nhỏ của đứa con trai, đứa con gái, mà cha mẹ vẫn chưa ý thức được rằng
chúng đã lớn. Chính vì vậy, mà mong muốn của cha mẹ và của con không thể hòa
hợp với nhau và cũng không thể hợp nhất với nhau.
Cha mẹ nên hướng về phía
trước, đừng cố bám vào dĩ vãng, nơi có thể hiểu được con, nên dành cho con một
thời gian thực tập ý nguyện tự lập của con, dĩ nhiên với sự giám sát gián tiếp
của cha mẹ, vì trẻ chưa đủ khả năng. Ngoài ra, cũng không nên đáp ứng tất cả
yêu cầu của trẻ, mà phải cùng với trẻ tìm hiểu và bàn bạc để cùng xem có thể
thực hiện được không, rồi sau đó cùng nhất trí trên một số vấn đề. Tránh thái
độ gạt ngang, bởi như thế sẽ gây nên sự chống đối cho trẻ. Khi cùng chung bàn
bạc với trẻ, nên cố gắng thích nghi quyền lực cha mẹ của mình với tình thế con
đã lớn. Phải làm sao để cho con trẻ nhất trí với gì mà trẻ suy nghĩ và định
đoạt, làm cho trẻ tự cảm thấy có đủ điều kiện và khả năng để không phải mãi
tiếp tục nhờ sự hướng dẫn của người khác.
- Tính tự lập nơi thanh, thiếu niên:
Song song với ý thức tự lập,
thanh thiếu niên thường xây dựng cho mình ý thức tập thể. Có trẻ cho ta cảm
giác rất ương ngạnh đối với cha mẹ, không vâng lời cha mẹ chúng vì trẻ cho rằng
những điều bắt buộc của cha mẹ là vô lý đối với trẻ, bắt buộc phải làm như thế
này, thế nọ, phải mặc như thế này, phải về nhà đúng bữa cơm. Trong khi đó trẻ
muốn được tự do sinh hoạt với bạn bè. Và trẻ áp dụng tính kỉ luật của tập thể
một cách nghiêm chỉnh đôi khi có phần cứng rắn. Đây được coi là một sự di
chuyển của sự phụ thuộc, từ sự phụ thuộc gia đình đến sự phụ thuộc tập thể, khi
ý thức xã hội bắt đầu phát triển nơi trẻ.
Có trường hợp ta thấy rằng gia
đình nhà đó rất kỉ luật lễ phép, tao nhã nhưng đứa con trai lại ăn nói hỗn hào,
lỗ mãng. Kinh nghiệm cho thấy đó là một ví dụ điển hình: trẻ chống đối với môi
trường gò ép của gia đình. Chính ngôn ngữ bất nhã của trẻ biểu hiện sự bực dọc,
đó như là một sự trả thù, đối phó với những gò bó lễ nghi mà trẻ phải chịu đựng
hàng ngày. Đồng thời đánh dấu sự tách rời của trẻ đối với gia đình có những lề
thói mà đối với trẻ không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Hành vi tự do ngôn
ngữ đối với trẻ là một cuộc tự giải phóng đối với những gò ép gia đình.
Sự phản ứng qua ngôn ngữ này
thường gặp nơi một số nhóm thanh thiếu niên, cho rằng đó là biểu hiện sự tự do
của mình đối với xã hội, trong lúc khả năng nhận định còn non nớt (tất nhiên
mặt tiêu cực này sẽ không còn nữa khi trẻ được hướng dẫn đúng đắn).
Nếu gia đình phản đối một
cách kịch liệt, hoặc một cách ngấm ngầm đi nữa, trẻ cũng có được cảm giác là
mình thắng trận. Trạng thái đó cũng giống như trạng thái của một đứa trẻ hút
điếu thuốc đầu tiên có cảm xúc rất bằng lòng là mình đã tự giải thoát được các
ràng buộc, gò ép. Trẻ cảm thấy một sự hưng phấn nào đó khiến trẻ thích lặp đi
lặp lại những điều cấm kỵ của gia đình.
Ở lứa tuổi 10 - 12, trẻ thích
được tự do đi chơi cùng bạn bè. Những ngày nghỉ học, trẻ phải ở nhà nên luôn có
cảm giác không khí gia đình buồn chán, nặng nề. Cha mẹ lo âu (là chính đáng)
nên có lời khuyên răn, cảnh cáo... có trẻ cho là đinh tai nhức óc và trẻ cảm
thấy như cha mẹ chỉ muốn giam cầm mình, làm trẻ mất tự do sinh hoạt, hoạt động.
Và nhất là khi cha mẹ coi trẻ như một đứa trẻ bé nhỏ, không biết gì, nên trẻ
cảm thấy không chịu được. Nói chung, trẻ không muốn ai dòm ngó những buổi dạo
chơi của trẻ hoặc hỏi han khi trẻ về nhà. Bởi vì trẻ có cảm giác như sự hỏi han
đó là một sự thẩm vấn, điều tra. Trẻ cảm thấy sự hiếu kỳ đó của người lớn là
xâm hại quyền tự do mà trẻ cảm thấy được khi xa nhà. Sự thẩm vấn đó giống như
ánh mắt của cha mẹ luôn luôn dõi theo hành vi và hoạt động của trẻ một cách
liên tục khi trẻ vắng nhà. Trẻ cần tạo cho bản thân một không gian và một thời
gian mà mình là chủ động, chủ thể. Khi mình hoạt động không có mặt của cha mẹ là
mình được tự do. Bằng chứng là ta thấy có trẻ tự nhiên khi về nhà, thuật lại
tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc dạo chơi. Nhưng nếu trẻ không được chủ
động kể, mà bị quấy rầy bằng những câu hỏi dồn dập, nếu bị khiển trách vì sự về
nhà muộn, hay bị than là cả nhà đợi trẻ rất lâu thì trẻ sẽ tự gò bó lại, chỉ
đối đáp mập mờ, vắn tắt, qua loa cho dù buổi đi chơi trước đó là lành mạnh và
rất hứng thú đối với trẻ. Có trẻ làm ra vẻ bí mật nên càng làm cho cha mẹ bực
tức.
- Tính tự lập phát sinh ở mỗi giai đoạn:
Trẻ 3 - 4 tuổi và vào năm sau
đó, khi tính tự lập của trẻ phát sinh, tính tình trẻ hay hờn giận, hay nói
ngược lại với người khác hoặc hay có hành vi làm ngược lại người khác. Giai
đoạn này là giai đoạn mà cha mẹ thường than vãn là trẻ khó dạy dỗ vì trẻ không
vâng lời. Như ta đã thấy những biểu hiện đó của trẻ là bình thường nếu trẻ ăn
ngủ, chơi đùa bình thường.
Có trường hợp khi cha mẹ đến
đón trẻ, trẻ ở trong trường mẫu giáo chạy ra mẹ ôm trẻ, trẻ đẩy mẹ ra, không
muốn cho mẹ hôn. Hành động này của trẻ không phải là không yêu mẹ, mà vì trước
mặt các bạn cùng tuổi, trẻ cảm thấy hổ thẹn để mẹ hôn mình như một em bé. Và
trẻ muốn bạn thấy mình là một người lớn chứ. Ở lứa tuổi này trẻ cũng biết hãnh
diện là mình là lớn, không còn giống như em bé nữa.
Như vậy, có thể hiểu nghĩa
những phản ứng của trẻ mà đôi khi cha mẹ cho là kì dị, mà thật ra là bình
thường, khi nghĩ đến tính tự lập, mà biểu hiện khi rõ ràng, khi gián tiếp. Cha
mẹ cần quan tâm tìm hiểu con điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ phải thay đổi thái
độ và suy nghĩ phương pháp để giúp con từ từ thoát ly sự chăm sóc của mình và
học tập tự quản.
Đến tuổi vị thành niên, thanh
thiếu niên khi sự chăm sóc của cha mẹ quá đáng, hoặc những mệnh lệnh quá cứng
rắn, những cấm đoán nghiêm khắc dù cho trẻ biết rằng do cha mẹ quá yêu thương
trẻ đi nữa, một số trẻ cũng không muốn gần cha mẹ, mà hay tìm cách xa lánh. Còn
một số khác do tính tình nhu nhược, yếu đuối thích được cha mẹ luôn luôn che
chở, thì cha mẹ cũng không phải là người trẻ tâm sự.Và khi trẻ có ý muốn gì trẻ
cũng không nói ra vì sợ phiền lòng cha mẹ.
Có thể thấy thái độ chăm sóc âu
lo quá đáng của cha mẹ không mang lợi ích chút nào cho trẻ có tính tự lập, cũng
như cho trẻ có tính tự lập. Cho nên điều bổ ích cho tất cả là phụ giúp trẻ có
tính tự lập, phát huy đức tính này, còn trẻ thiếu tự lập thì tìm cách cho trẻ
tự quản không cần đến cha mẹ, rồi sau đó tạo điều kiện để kích thích tính tự
lập của trẻ. Ngòai ra, nên để trẻ đương đầu với những nguy hiểm nhỏ để cho trẻ
tự lấy sáng kiến tìm phương pháp để tự giải quyết.
Nếu cha mẹ đặt lòng tin
nơi trẻ, trẻ cảm thấy tự tin và muốn gần cha mẹ hơn và làm cho mối quan hệ cha
mẹ con cái sẽ thắm thiết và vững mạnh hơn. Khi bàn bạc hay khi lập chương trình
sinh hoạt, cha mẹ cứ để cho trẻ ngang hàng với mình trong những quyết định
chung thì cha mẹ sẽ có dịp chứng kiến một kì công nào của con để vượt khó khăn.
Từ đó, sẽ tạo nên sự gần gũi giữa hai thế hệ và sẽ có rất ít những mâu thuẫn,
khoảng cách.
Không nên thay thế trẻ chọn
cách thực hiện dù một cách gián tiếp mà để trẻ tự do định đoạt tiến hành. Chỉ
khi nào trẻ hỏi ý kiến thì chỉ bảo một cách chân tình, thoải mái chứ không ra
mệnh lệnh bắt buộc trẻ phải tuân theo. Ngoài ra, không nên chuẩn bị sẵn mọi
việc mà khuyến khích trẻ có sáng kiến thực hiện đúng theo sở thích của trẻ, nếu
trẻ có đủ khả năng. Kinh nghiệm từ bản thân vẫn có hiệu quả hơn là kinh nghiệm
của người khác. Ví dụ: cháu trai thích là người lớn, hoặc thích sửa sang lặt
vặt trong nhà, nên cho cháu tiền để mua sắm dụng cụ và vật liệu cần thiết. Nên
để cháu tự do bố trí các công việc. Không can thiệp trừ khi cháu hỏi ý kiến. Để
cho trẻ thấy rằng cháu là người chủ động. Nếu cha mẹ can thiệp một cách trắng
trợn, trẻ sẽ bị cụt hứng và chắc chắn trẻ sẽ không còn muốn làm gì nữa hữu ích
cho gia đình.
Tính tự lập thuộc quy luật phát
triển tâm lý của trẻ. Nhiệm vụ và nghệ thuật của người giáo dục là theo dõi trẻ
để tính tự lập có động cơ hữu ích và nếu có thể để trở thành một giá trị nâng
cao nhân cách của trẻ. Cùng một lúc nên làm cho trẻ hiểu và thấm nhuần khái niệm
kỉ luật và khái niệm tự do. Cặp phạm trù này phải khăng khít, không được tách
rời nhau.
- Mặt tiêu cực và yếu tố tích cực của tính tự lập:
Đứng trước một đứa trẻ có tính
tự lập mạnh và sớm, người ta thường chỉ thấy khía cạnh tiêu cực: Cứng đầu, ương
ngạnh, thô lỗ, không vâng lời, chống đối mọi quyền lực dù chính đáng, không hòa
hợp với mọi người. Những biểu hiện tiêu cực bề ngoài này thường gây phẫn nộ,
phiền toái cho người lớn. Khiến cho ít ai tìm hiểu cơ chế vận hành trong tâm lý
của trẻ. Sự thật, ý muốn tự lập của trẻ còn non và đang ở giai đoạn dần tự hoàn
thiện này. Tuy vậy, vẫn là một yếu tố cần thiết trong sự hình thành cá tính của
trẻ. Điều đó cần được chỉ dẫn và phát huy đúng hướng.
Có một số trường hợp không bình
thường của tính tự lập là trẻ bỏ nhà ra đi. Vì trẻ cảm thấy quá bực tức, phải
đương đầu với đời sống hiện tại vì mâu thuẫn sâu sắc với cha mẹ hoặc quá chán
ngấy với đời sống bươn bả đơn điệu của gia đình. Có khi trẻ đi đâu gần nhà, có
khi đi xa hơn vài hôm để hít thở không khí bên ngoài, để có dịp chấn chỉnh tâm
trí. Trong thực tế có không ít tình cảnh cho thấy cha (hoặc mẹ) dùng quyền của
mình để áp đảo, đè nặng trẻ. Điều này cho thấy phần lớn các biểu hiện bên ngoài
quá nông nổi này thường do trách nhiệm của người lớn.
Nói chung, tính tự lập là biểu
hiện sự tự khẳng định nơi trẻ. Khi những biểu hiện tiêu cực vượt quá mức cho
phép, thì nguyên nhân thường do phía người lớn đối phó một cách quá nghiêm
khắc. Tức nước vỡ bờ, là do trẻ cảm thấy hoàn toàn bất lực, nên trẻ hành động
tiêu cực. Phương pháp hợp lý nhất là tìm cách phát huy ý thức tự lập của trẻ,
để trẻ có thể tự khẳng định đúng phương hướng.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 21.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét