SỢ NHƯ BÒ
THẤY NHÀ TÁNG
(Tác giả Hoàng Tuấn Công) |
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS.
Nguyễn Lân): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG (Ngày xưa đám ma có nhà táng là đám ma
nhà giàu mà nhà giàu làm đám ma thường mổ bò làm cỗ). Ý nói: Sợ điều gì có thể
làm hại đến mình”.
-“1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia):
“SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG. “Nhà táng”: Nhà làm giả bằng tre giấy, đốt trong đám
ma lớn, với mong muốn để cho người chết có nhà mà dùng.
Nghĩa câu: Trong đám tang lớn của người chết thuộc gia
đình giàu có thì mới có nhà mà táng, sau đó thì giết bò heo để thết đãi bà con
thân thuộc trong đám tang. Vậy nên khi con bò thấy đám tang của nhà chủ có cái
nhà táng thì nó lo sợ rằng họ sẽ giết nó mà đãi ăn. Ý nói sợ như sợ chết. Khi
thấy có hiện tượng xấu mà liên quan tới mình thì mình lo sợ quá”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ
Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào) đưa ra dị bản: “LO NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG. [Như
bò thấy nhà táng]. (nhà táng: nhà bằng giấy úp trên quan tài
người chết khi đi đưa đám ma. Chỉ khi nào có đám ma mới có nhà táng. Khi có
đám ma, người ta mổ bò làm thịt). Hoảng sợ trước nguy cơ có hại cho mình”.
Như vậy, các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển đều thống nhất giải thích
nghĩa đen: vì đám ma hay mổ bò, nên khi nhìn thấy nhà táng thì con bò lo sợ sẽ
đến lượt nó bị người ta làm thịt. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách giải
thích này cần xem lại, vì một số lẽ:
- Xưa kia, nuôi trâu bò chủ yếu dùng làm sức kéo phục vụ sản xuất. Chính quyền
phong kiến cấm giết mổ trâu bò bừa bãi, phạt tội ăn trộm trâu bò rất nặng. Theo
đó, việc mổ trâu bò để làm ma (kể cả đối với nhà giàu) cũng rất hãn hữu. Mà đã
hãn hữu, thì không đủ để tạo nên ấn tượng, nếp nghĩ, cứ đám ma là mổ bò.
- Giả sử trong thực tế có chuyện hễ có đám ma là mổ bò, thì dẫu nhìn thấy nhà
táng, con bò cũng không thể biết được sự nguy hiểm đến tính mệnh của nó. Bởi
vì, với con bò, đám cưới, đám ma, hay bất cứ lễ hội, đình đám gì (mổ bò hay mổ
trâu, mổ lợn; nhà táng hay cái kiệu hoa, kiệu bát cống), nó đều không nhận
thức, phân biệt được. Nếu sợ, có chăng nó chỉ sợ khi trực tiếp nhìn thấy đồng
loại của nó bị giết ngay trước mắt, chứ không phải vì nhìn thấy nhà táng, nghĩ
đến đám ma, nghĩ đến phong tục mổ bò làm ma, rồi liên tưởng đến cái chết (vì
sắp đến lượt mình). Đó là kết quả của tư duy, liên tưởng của con người, chứ
không phải của loài vật.
Theo chúng tôi, nghĩa đen “Sợ như bò thấy nhà táng” liên quan đến tập
tính của con bò và hình thù cái nhà táng.
Đúng như các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển đã giảng.
“Nhà táng” ở đây là nhà bằng giấy hoặc vải, có trang trí, úp trên quan tài khi
đưa đám ma. Tuy nhiên, nhà táng có thể là loại chỉ sử dụng một lần (xong là đốt
luôn cho người chết; thành ngữ “Vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy”). Cũng có khi
nhà táng được làm chắc chắn để sử dụng nhiều lần (gỗ, sơn thếp, hoặc khung gỗ,
sắt, trang trí bằng vải). Thông thường, mỗi làng, xã có một vài cái nhà táng
loại này. Bởi vậy, ngoại trừ hạng cùng đinh, “khố rách áo ôm”, thì khi chết mới
không có nổi cái nhà táng giấy đặt lên quan tài.
Nhà có người chết, thì một trong những đồ tế khí được làm,
hoặc mang tới đầu tiên, đó là nhà táng. Nhà táng để sẵn ở đầu ngõ, hoặc đầu
trục đường đi vào lối ngõ nhà có đám, có khi tới 2-3-4 ngày, trước khi đưa ma.
Người viếng đám ma, dù ở xa hay gần, đến đầu ngõ, nhì thấy nhà táng, nghe tiếng
trống kèn là biết ngay đường vào.
Đường ngõ xưa chật hẹp, trâu bò (khu vực đường ngõ có đám
ma) ra đồng hay về nhà, đều phải đi ngang qua cái nhà táng ấy. Trong mắt con
bò, cái nhà táng chẳng khác nào con quái vật, to lớn, màu sắc sặc sỡ, vằn vện.
Mái nhà táng cong cong, chìa ra như những chiếc sừng thú kì dị; riềm, tua vải
bay phần phật, phấp phới tựa như con quái vật đang cựa mình chực lao tới. Thế
nên, khi phải đi ngang qua nhà táng, thì con bò sợ hết hồn hết vía.
Ban đầu nó ngần ngại dừng bước. Người ta dắt thừng buộc nó
đi qua, thì bốn chân bò bước lập cập như chạy, khi đến gần thì mắt bò trợn lên,
mồm há ra, phát tiếng kêu ồ ồ kinh hãi. Có con bò nép sát bờ rào, len lén, vừa
đi vừa dè chừng rồi chạy vụt đi thật nhanh; có con hoảng hốt, giật cả giây
thừng, nhảy quàng nhảy quáng, lồng lên chạy mất biến.
Vấn đề là tại sao con bò lại hiện diện trong thành ngữ,
chứ không phải trâu, hay ngựa?
Trâu tuy chậm chạp, nặng nề, nhưng bù lại có sức vóc
cực khoẻ, cặp sừng làm vũ khí rất lợi hại. Bình thường, trâu có vẻ nặng nề,
nhưng khi “lâm trận” thì cực dũng mãnh, gan lì, sẵn sàng nghênh chiến, chống
lại cả hổ báo, sư tử. Ngựa không chỉ khoẻ, mà còn có thể tung ra cú đá hậu song
phi như trời giáng. Nếu đến nước phải “tẩu vi thượng sách” thì ngựa tung bốn vó
phi nước đại…Đó chính là lý do để trâu ngựa tự tin hơn trước những mối đe doạ
trong cuộc cạnh tranh sinh tồn... Trong khi đó, bò tuy húc cũng biết, đá cũng
hay (kể cả đá song phi tầm thấp), nhưng sức vóc và lực ra đòn của bò chỉ thuộc
diện làng nhàng, kém xa so với trâu, ngựa. Bò tuy nhanh nhẹn hơn trâu, nhưng
nếu cần chạy thoát thân, thì cũng chẳng nhanh hơn trâu, và kém xa ngựa. Có lẽ
chính bởi vậy, mà trời phú cho bò một thứ vũ khí phòng thân (bản năng tự vệ)
khác, đó là cái tính “nhát” (phương ngữ Thanh Hoá gọi là “nản”). Bò dè
chừng, cảnh giác, và tránh xa tất cả những “vật thể lạ” có thể là mối đe doạ
đến tính mạng của nó.
Với trâu, ngựa, không phải chúng hoàn toàn không sợ khi
nhìn thấy nhà táng, hay vật thể lạ. Tuy nhiên, chúng ít sợ, và kiểu sợ, dè
chừng của chúng rất khác. Trâu thì dừng lại quan sát, nghênh sừng lên, có khi
mắt long sòng sọc, vừa phì phì gẩy sừng, nửa như đe doạ, xua đuổi đối phương,
nửa như sẵn sàng nghênh chiến. Với ngựa, thì dẫu có sợ hãi bỏ chạy, thì thói
quen hý vang, nhảy chồm lên, hoặc đi, chạy như phi của nó cũng chẳng có gì ấn
tượng như nỗi khiếp đảm, run rẩy ở bò.
Điều đáng chú ý, một số từ điển tuy không giải thích nghĩa
đen, nhưng cách giải thích nghĩa bóng là đúng:
-“Thành ngữ tiếng Việt” (Nguyễn Lực-Lương Văn
Đang): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG: Sợ hãi, hốt hoảng: “Ông trông mặt dữ tợn lại nghiêm,
nên mọi người sợ ông như bò thấy nhà táng”. Xem thêm: “Hết hồn hết vía”.
-“Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Nguyễn Như Ý-Nguyễn
Văn Khang-Phan Xuân Thành): “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG: Quá hốt hoảng, sợ hãi đến
mức chạy biến, lẩn trốn, không dám ở lại hoặc ngồi đối mặt nhau lâu. Từ
cái vụ tôi xạc nó cái tội làm ăn dối trá, gian lận đến bây giờ hễ thấy tôi là
cu cậu lại sợ như bò thấy nhà táng ấy”.
Xưa kia, cuộc sống làng xã khép kín, nhà táng là một “vật
thể lạ” điển hình, nếu không nói là duy nhất, mà con bò không nhìn thấy hàng
ngày. Theo đó, thời hiện đại, nếu con bò nào ít tiếp xúc với ô tô, hay đơn giản
thấy lá cờ bay phần phật bên đường, tấm vỏ chăn chăn sặc sỡ phơi trên rào; rồi
cái rạp đám cưới có phông màn bay phấp phới, nó đều sợ hoảng hồn, chẳng khác
nào thấy nhà táng (ai từng đi chăn bò, hoặc sống ở thông quê, sẽ thấy điều
này). Bởi vậy, “Sợ như bò thấy nhà táng” là cái sợ khi con bò trực diện nhìn
thấy một vật lạ, chứ không phải nỗi sợ của sự liên tưởng về sự nguy hiểm (phong
tục mổ bò làm đám ma) diễn ra phía sau cái nhà táng ấy. Theo đó, dị bản “LO NHƯ
BÒ THẤY NHÀ TÁNG” (do nhóm Vũ Dung thu thập) chỉ là sản phẩm của sự nhầm lẫn
khi hiểu về nghĩa đen của “SỢ NHƯ BÒ THẤY NHÀ TÁNG” mà thôi.(*)
(*): PHỤ CHÚ:
(*) Đáng chú ý, trong sách
“1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia có dẫn cách giải thích của một
cuốn từ điển (không thấy ghi rõ tên): “Trên nhà táng còn có tàn, lọng, cờ
quạt…Sau khi chôn cất xong, nhà táng đốt cạnh mộ. Loài bò thấy cái gì là lạ là
ưa đến nhìn. Nhưng cũng chính cái lạ đó đã làm cho chúng sợ. Nhà táng có sức
hấp dẫn loài bò, nhưng gió động rung rinh nên bò sợ nhà sập phải cong đuôi
chạy. Ngụ ý câu này nói đến nỗi sợ hãi do hốt hoảng mà nên.(?)"
Theo đó, Lê Gia chê cách giải thích này:
"Theo chúng tôi: Nhà táng chỉ có sức hấp dẫn loài bò thôi chứ
không hấp dẫn loài nào khác sao? Con bò thấy nhà táng bị gió thổi hơi rung rinh
nên sợ nhà sập mà bỏ chạy, vậy đâu có phải là “ngu như bò”, ngoài việc sợ nhà
táng sập, còn bò không sợ cái gì nữa sao? Vị tác giả này giàu óc tưởng tượng
quá!”
Quả thật, tác giả cuốn từ điển nào đó đã mâu thuẫn, vì nếu “Sau
khi chôn cất xong, nhà táng đốt cạnh mộ”, thì còn đâu nhà táng để con bò phải
sợ. Mà bãi tha ma mênh mông, nếu con bò sợ nhà táng trên mộ, nó sẽ chủ động
tránh đi. Cũng không có căn cứ nào để nói, loài bò thấy cái gì lạ thì ưa đến
nhìn, rồi cũng chính cái lạ đó làm chúng sợ, mà sợ “nhà sập”, lại càng khó
tưởng tượng, bởi con bò đâu chui vào cái nhà táng ấy đâu mà “sợ sập”? Bò cũng
đâu biết hoạ “nhà sập” là thế nào.
Theo đó, xét cách giải thích của Lê Gia: “khi con bò thấy đám tang
của nhà chủ có cái nhà táng thì nó lo sợ rằng họ sẽ giết nó mà đãi ăn”, cũng
“giàu óc tưởng tượng” không kém. Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận, thì cách giải
thích của tác giả từ điển nọ, theo hướng chính xác hơn các tác giả khác, tức
con bò sợ hình ảnh nó nhìn thấy trực diện, chứ không phải là nỗi sợ vụt đến
trong ý nghĩ, kết quả tư duy về tục mổ bò làm ma.
.
Mời thư giãn với nhạc phẩm V
của , qua tiếng hát Q:
.
*.
Thanh Hóa, tháng 11.2017
HOÀNG TUẤN CÔNG
Địa chỉ: Số 6 Hạc Thành,
phường Tân Sơn,
thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Email:
tuancongthuphong@gmail.com.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com gửi ngày 20.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét