CHÁU NỘI NHÀ VĂN HÓA NGUYỄN VĂN VĨNH PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA FB KIỀU MAI SƠN - Tác giả: Nguyễn Lân Bình (Hà Nội)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
CHÁU NỘI NHÀ VĂN HÓA NGUYỄN VĂN VĨNH
PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA FB KIỀU MAI SƠN
* 
Hôm nay, thứ Tư, ngày 27/12/2017, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn, thông báo có một người viết bình luận trên facebook  (https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=819760321543630&id=100005290083376), với hàm ý mỉa mai bài viết trên báo Tuổi trẻ in giấy, ra ngày thứ Ba, 26/12/2017 của nhà báo Vũ Viết Tuân, tường thuật và bình luận buổi chiếu phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, nội dung về con người, gia tộc và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tại trường Đại học Văn hóa, Hà Nội.
Tôi, nhân danh người tổ chức xây dựng bộ phim, nhân danh người phụ trách trang tin Tannamtu.com, và là người biên soạn các cuốn sách về và của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời là người được gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh ủy nhiệm bằng biên bản gia đình, với chữ ký của những người con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh xác lập năm 2004 là Nguyễn Kỳ (1917-2009), Nguyễn Thị Mười (1919-2013) và Nguyễn Hồ (1923-2015), nhận thấy cần có sự phản hồi với người viết trên facebook Son Kieu Mai như sau:
Nguyễn Văn Vĩnh là nhân vật lịch sử có sự nghiệp văn hóa đồ sộ và đa dạng bậc nhất trong nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Việc nhìn nhận, nghiên cứu để đánh giá một cách toàn diện những dâng hiến, đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trong các lĩnh vực: ngôn ngữ (chữ viết), báo chí, dịch thuật, in ấn, xuất bản, triết học, giáo dục, sân khấu, điện ảnh, xã hội học, tư tưởng và chính trị là vô cùng khó khăn.
Lý do, vì qua các thể chế xã hội chính trị trong quá khứ, cùng với những cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài trên cả đất nước, vào từng giai đoạn lịch sử, đã đẻ ra những định kiến nặng nề của các chế độ chính trị về con người Nguyễn Văn Vĩnh, và từ đó, đã tạo nên những trở ngại lớn, trong việc tổng hợp các tư liệu, các di cảo, các chứng cứ của Nguyễn Văn Vĩnh và về Nguyễn Văn Vĩnh.
Những định kiến chính trị của các hệ thống xã hội trong lịch sử Việt Nam, tính từ triều đình Nhà Nguyễn, đến Chính phủ Thuộc địa, rồi Chính quyền của những người mang tư tưởng Vô sản về Nguyễn Văn Vĩnh, là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất, đẩy đề tài Nguyễn Văn Vĩnh rơi vào những ngờ vực dai dẳng trong nhận thức của lịch sử.
Tuy nhiên, đây chính là lý do mà tôi và những người có tấm lòng, vốn trân trọng sự nghiệp cùng với sự thật về Nguyễn Văn Vĩnh và các cộng sự của mình, đã kiên nhẫn theo đuổi từ hơn chục năm qua.
Năm 2011, tôi là người đứng đơn gửi Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, gửi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozi, gửi Tổng Giám đốc Irina Bokova của UNESCO và ngài Tổng Thư ký Abdou Diouf của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ FRANCOPHONIE, đề nghị xem xét và nghiên cứu có hệ thống về toàn bộ những cống hiến và đóng góp của nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đối với nền văn hóa chữ Quốc ngữ của Việt Nam, với vai trò tiên phong và là chiếc cầu nối văn hóa Đông – Tây trong lịch sử văn hóa Việt – Pháp.
Ngoài ra, tôi còn đề nghị nước Cộng Hòa Pháp dành sự quan tâm cần thiết đến cái chết không bình thường của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, sảy ra ngày 1/5/1936, trên sông Sê Pôn ở miền Nam nước Lào.
Sự che lấp của thời gian, cùng cả những “chủ trương” của một nhóm người có quyền lực trong từng giai đoạn lịch sử, đã cố tình làm méo mó sự thật về Nguyễn Văn Vĩnh, đã thúc đẩy chúng tôi dựng bộ phim tài liệu về Nguyễn Văn Vĩnh, con người, sự nghiệp, gia tộc và xã hội.
Bộ phim đã đáp ứng được giá trị tiên quyết, là cơ sở để tất cả hậu duệ của gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh, từ mọi miền trái đất, từ nhiều hoàn cảnh và cuộc sống khác biệt về môi trường chính trị, về chế độ xã hội, thậm chí, cả sự mặc cảm cá nhân trong quá khứ, giữa những thành viên là con cháu của một gia tộc. Họ không phải chỉ khác nhau về nhãn quan xã hội do sống trong hai vùng ý thức hệ, mà khác nhau cả về khuynh hướng chính trị, nhận thức xã hội, song nhờ bộ phim, tất cả đều đã nhận ra rằng, mình là con cháu, là hậu duệ của một con người được mệnh danh là Tân Nam tử của dân tộc này, là Người công dân vĩ đại của quê hương này.

(Tác giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh)
Chúng tôi, con cháu, hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, không thông qua bộ phim để “tố khổ” như cách nói kém hiểu biết về lịch sử, và bần tiện trong suy nghĩ của người có địa chỉ facebook Son Kieu Mai. Tôi thấy chua chát khi Son Kieu Mai khoe là bạn với người nhân danh là chắt của cụ Vĩnh, mà cũng tán thành cái cách nghĩ khi nói rằng: “cá nhân ông Nguyễn Lân Bình cũng đã in 2 cuốn sách ở Nhà xuất bản Tri thức…”.
Facebook Son Kieu Mai không thể nhỏ nhen và ấu trĩ đến mức, coi Nhà xuất bản Tri thức là một cở sở xuất bản thuê để nhận in những loại sách do các cá nhân đặt hàng, nếu sản phẩm đó không nằm trong tinh thần khai sáng cho dân tộc mình, cùng với những quy định ngặt nghèo về nội dung các ấn bản được cả một hệ thống Nhà nước quản lý. Rồi nay mai, còn không ít các Nhà xuất bản tầm Quốc gia đang mong muốn xuất bản những ấn phẩm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, facbook Son Kieu Mai muốn mạ lỵ ai ở đây?
Không phải chỉ gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh lao tâm khổ tứ để minh chứng với lịch sử rằng, những nhìn nhận thiển cận và méo mó về học giả Nguyễn Văn Vĩnh là sự thóa mạ danh dự của những bậc danh sĩ tiêu biểu trong lịch sử văn hóa của đất nước. Chủ facebook sinh năm 1984, chớ nên phát biểu sách mé với người đời như vậy! Việc nhấn mạnh chuyện năm sinh của chủ địa chỉ facebook Son Kieu Mai, hoàn toàn không có ý cậy là “thằng già”, mà muốn lưu ý rằng, chặng đường đời của chủ facebook Son Kieu Mai còn dài, hãy thận trọng trong việc dùng chữ nghĩa ứng xử với đời.
Việc nói đến mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Vĩnh với Phan Bội Châu, là một phạm trù cực kỳ thú vị. Thú vị bởi lẽ, như trong bài tôi đã từng viết trả lời tạp chí Hồn Việt năm 2009, khi bàn về Nguyễn Văn Vĩnh, người ta thường lấy cái lý do vì Nguyễn Văn Vĩnh đã từng phản đối cái tư tưởng cầu viện và bạo động của Phan Bội Châu đầu thế kỷ 20, điều mà Phan Châu Trinh còn đi trước cả Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng “họ” đã cố tình chỉ bắt lẽ Nguyễn Văn Vĩnh, mà tuyệt nhiên chẳng khi nào dám “phê bình” Phan Châu Trinh về hành xử này.
Đây là đề tài mà theo tôi biết, hầu hết những người thực lòng quan tâm, đều thiếu tư liệu. Vì lẽ đó, trong bài viết gửi tới báo Hồn Việt, tôi đã phải mượn câu thành ngữ của người Nga: “Một nửa cái bánh mỳ, vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật là sự giả dối”.
Chủ facebook Son Kieu Mai nếu thực lòng muốn hiểu toàn bộ mối quan hệ chính trị, lịch sử đắt giá này, nên sống thận trọng để được chứng kiến xã hội Việt Nam, nền văn hóa và lịch sử Việt Nam sẽ cảm ơn Nguyễn Văn Vĩnh như thế nào trước mối bang giao có tính sự kiện lịch sử này với Nhà yêu nước Phan Bội Châu, khi các tài liệu lưu trữ được bạch hóa.
Tôi không thấy có ai, không xao xuyến khi đọc toàn bộ câu đối viếng tang Nguyễn Văn Vĩnh của Phan Bội Châu gửi từ Huế ra Hà Nội tháng Năm năm 1936, bằng cả tiếng Việt và tiếng Hán, và ai cũng biết, cụ Phan Bội Châu chưa bao giờ là người sùng bái cá nhân và thích khuếch trương! Chủ facebook Son Kieu Mai nên đọc và ngẫm kỹ các tư liệu này nếu muốn trở thành một “nhà nghiên cứu” có nhân cách.
Việc xuất bản những di cảo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh là bổn phận không phải chỉ của cá nhân tôi, của hậu duệ gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà còn là niềm hãnh diện của những người làm công tác phát hành. Chúng tôi không phải những kẻ trà dư tửu hậu để làm những việc giống như hàng loạt các trường hợp diễn ra gần đây trong đời sống văn hóa xã hội, nhằm thỏa mãn cái tôi bản vị.
Việc facebook Son Kieu Mai “khoe” là bạn với chắt của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ngồi uống Chivas 18 năm… và đắc chí bình về bộ phim tài liệu với nhận thức, rằng đó là sự “tố khổ”, là điều tôi không tin!
Vì nếu đó là sự thật, thì người “chắt” đó là kẻ phản phúc, khi nói các bậc cha chú của mình “tố khổ” cái quá khứ bất hạnh và đau thương có thực, trong gia đình những người con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Đặc biệt, những giọt nước mắt làm lay động tâm can của khán giả xem phim, chính là nỗi đau triền miên của các con đẻ của nhà tình báo ngoại tuyến của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong 9 năm kháng chiến, người con trai thứ năm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Phổ (1917 – 1997), với 17 năm tù không có chứng cứ cụ thể. Đành rằng, năm 1982, Chính phủ đã có văn bản xin lỗi ông Nguyễn Phổ vì nhầm lẫn, và truy tặng lại những danh hiệu chính trị trong kháng chiến của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho ông.
Tất nhiên, một đất nước miên man với các cuộc xung đột, chiến tranh, không phải chỉ tạo ra những sự ly tán về phương diện địa lý, mà đau đớn hơn, đó là sự ly tán về lòng người, một thứ vết thương mà không chỉ dành cho gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà còn cho cả cái dân tộc khổ đau này.
Không vô cớ mà lâu nay, mọi lực lượng xã hội cả ở trong và ngoài đất nước Việt Nam, cả Chính phủ và người dân, đều đau đáu với mục tiêu hòa hợp dân tộc. Vậy facebook Son Kieu Mai và người chắt nọ coi đó là chuyện “giang hồ” sao?
Nếu người “chắt”, bạn của facebook Son Kieu Mai là có thật, hãy yên tâm rằng các chú bác trong gia tộc không đánh giá cháu qua chai Chivas 18 năm đâu (chưa nói đến khả năng chai rượu mà ai đó đã mua ở chợ Hàng Da)! Đồng thời facebook Son Kieu Mai và người “chắt” nọ, chịu khó tìm số 12 của báo An Ninh Thế Giới tháng 8 năm 2002, ở trang 8 có viết về trường hợp người con trai của nhà văn Nguyễn Công Hoan (Nguyễn Tài) đã phải khổ tâm ra sao trước những ứng xử tình huống với cha mình.
Chủ facebook Son Kieu Mai chớ nên thách đố giống như những kẻ cá độ bóng đá, việc chúng tôi có dám đăng tất cả những quan điểm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, được viết thành giấy trắng mực đen trong lịch sử hay không? Thái độ này của facebook Son Kieu Mai lộ rõ sự non dại của mình trong hiểu biết về Nguyễn Văn Vĩnh, bởi Nguyễn Văn Vĩnh, như chí sĩ Nguyễn Văn Tố từng kính trọng, vì đó là người sẵn sàng trình bày tất cả những suy nghĩ và hiểu biết của mình trước bất kỳ đối tượng xã hội nào, và bất kỳ thế lực nào!
Facebook Son Kieu Mai hãy đọc tuyên ngôn của Nguyễn Văn Vĩnh, in trên trang nhất tờ báo tiếng Pháp do ông làm chủ bút, nhằm đối chọi lại với các lực lượng bảo hoàng của cả Chính phủ Thuộc địa và cả Triều đình Nhà Nguyễn, khi ông cương quyết chống lại việc duy trì một chế độ chính trị, chế độ Quân chủ Lập hiến, cái thể chế chỉ làm giàu cho một số ít người và bỏ mặc số phận lầm than của dân tộc An Nam.
Tại số báo đầu tiên ra ngày 21/1/1931 này, bản tuyên ngôn 7 điều mà lịch sử không thể quên, vì nó là giấy trắng mực đen. Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định:
Báo L’ANNAM NOUVEAU tôn trọng chính quyền đã được lập nên, trọng con người của tất cả những đại diện của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai!”.
L’ANNAM NOUVEAU Respecte l’autorite Estabelie danns la personne ces tous ses representants mais ne craint personne et neflatte personne.
Fecabook Son Kieu Mai cần phải biết, việc nói rõ, nói thật có cơ sở khoa học những gì đã có trong lịch sử, là niềm tự hào của những người yêu sự thật, là danh dự của các chí sĩ yêu nước đã khuất và là niềm hãnh diện của những người làm xuất bản.
Tôi không muốn chủ facebook Son Kieu Mai phải xấu hổ vì những hiểu biết ít ỏi của mình về một bậc tiền nhân mà lịch sử Việt Nam đã phải “vật lộn” để xác nhận.
Có lẽ tôi nên dừng ở đây, và muốn được đề nghị chủ facebook Son Kieu Mai chịu khó, kiên nhẫn đọc nội dung của trang tin Tannamtu.com. Trang tin chuyên đề về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bạn facebook Son Kieu Mai yên tâm rằng, sẽ không thất vọng khi biết rằng, trong hàng trăm ý kiến gửi đến Ban biên tập của chúng tôi, có một nhóm các bạn đọc của một trường Đại Học nước ngoài, đã gửi tới chúng tôi những cảm nghĩ khi đọc trang web như sau:
We are a group of volunteers and starting a new scheme in our community. Your web site offered us with valuable information to work on. You have done an impressive job and our whole community will be thankful to you.
Alih kredit
Lời dịch:
“Chúng tôi là một nhóm tình nguyện viên vừa bắt đầu thực hiện một kế hoạch mới cho cộng đồng. Trang web của ông đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin quý giá đối với công việc của chúng tôi. Những gì ông làm vô cùng ấn tượng. Toàn thể cộng đồng của chúng tôi rất biết ơn ông”.

Kết.
Như đã nói ở trên, khi tôi nhận được thông tin từ bạn bè về nội dung bình luận của facebook Son Kieu Mai, tôi đã giật mình, vì hình như mình cũng có quen người này trong những hoạt động xã hội…?
Tôi kiểm tra điện thoại, danh bạ hiện lên người có tên Kiều Mai Sơn. Tôi thoáng buồn và tự hỏi, vậy tại sao là những người biết nhau, nhất là trong làng văn hóa, hơn nữa, trong các địa chỉ thư điện tử tôi vẫn dùng để chuyển đến những bạn bè khi trang tin của tôi có bài mới, đều có gửi cho địa chỉ mail này với lời thưa: “Thưa các các quý vị và các bạn…!”, mà hôm nay lại bày tỏ thái độ về một đề tài nghiêm túc bằng lời lẽ và cách thể hiện thiếu văn hóa như thế này?
Tôi gửi tin nhắn với lời lẽ thận trọng:
Anh chào Sơn! Anh có thể gặp em được không?”.
Nhiều tiếng đồng hồ qua đi, tôi không thấy có phản hồi… tôi mừng thầm, rằng có lẽ chủ facebook Son Kieu Mai kia, không phải là Kiều Mai Sơn, nhà báo mà mình biết!

Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí, lời: Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
             
*
NGUYỄN LÂN BÌNH 
Địa chỉ: 55 ngõ Lương Sử C, Quốc Tử Giám
quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.





  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.03.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

1 nhận xét:

  1. Đọc bài của Nguyễn lân Bình mới thấy cái tên kiều mai sơn vừa ngu vừa ngạo mạn. Đúng là loại nhà báo phản phúc mà còn tỏ thông thái. Dòi bọ bẩn thỉu''

    Trả lờiXóa