CHUYỆN TÀO THÁO - NGƯỜI BÊN XỨ TÀU - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

Leave a Comment

 

CHUYỆN TÀO THÁO

- NGƯỜI BÊN XỨ TÀU

*

(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)

I. THỜI NIÊN THIẾU

Thời Hán Thuận Đế - Lưu Bảo năm 126 có viên hoạn quan tên Tào Đằng vốn vào cung từ nhỏ, vì có công nuôi dạy Lưu Bảo từ nhỏ nên khi Bảo lên làm vua, ông cất nhắc Tào Đằng lên làm Trung thường thị và thường xuyên trọng dụng, thế lực của Đằng trong cung ngày một lớn. Hoạn quan không thể có con, Tào Đằng bèn nhận một người con nuôi là Hạ Hầu Tung sau này đổi tên lại là Tào Tung. Tào Tung sau này đẻ ra Tào Tháo. Vì triều đình của Hán Linh Đế cho mua quan bán tước nên sau đó Tào Tung mang nhiều tiền đi hối lộ các hoạn quan trong triều và bỏ ra 10 triệu quan tiền mua được chức quan Thái uý trong vài tháng, nhưng sau này do mang tiếng là con nhà hoạn quan nên Tào Tung cứ mãi trầy trật không lật mình trên chốn quan trường được.

Năm 155, Tào Tháo ra đời, vốn tên hồi nhỏ là Cát Lợi, vì cha Tháo làm việc ở kinh thành, Tháo ở nhà không có ai giám sát răn đe nên từ nhỏ chơi bời lêu lổng, có thể nói là phường phá làng phá xóm. Tuy nhiên, Tào Tháo phá phách theo kiểu tinh quái chứ không phải theo kiểu nghịch ngu, bên cạnh việc phá phách, Tào Tháo còn có tiếng là cơ trí và thuộc làu binh pháp. Câu chuyện nổi tiếng nhất khiến cho Tào Tháo chết danh Tào A Man là câu chuyện troll ông chú, chắc ai cũng biết rồi, ngoài ra còn một câu chuyện nữa: Tào Tháo và bọn Viên Thiệu, Trương Mạc là bạn từ thuở nhỏ, thường hay tụ tập quậy phá. Một lần Tháo và Thiệu gặp được đám kết hôn, cả hai nảy ý định cướp cô dâu, bèn lẻn vào ẩn mình ở vườn sau. Khi cô dâu được đưa vào phòng, hai người xông ra định cướp dâu thì có người phát hiện, hô toáng lên bắt cướp, người hai họ đều cầm gậy gộc chạy đến. Hai người sợ quá phải leo qua tường mà chạy, ngờ đâu Viên Thiệu rớt vào bụi cây gai, giùng giằng mãi mà không sao bứt ra được. Thấy người dân sắp đuổi đến, Tháo nghĩ ra một mẹo, bèn hô to lên: "Cướp ở đây này". Viên Thiệu nghe thế sợ quá, gồng hết sức mình, trong lúc hiểm tử cầu sinh mà bứt được ra khỏi bụi gai, hai người cùng nhau chạy thoát.

Hán Linh đế Hy Bình năm thứ ba (174 sau công nguyên), Tào Tháo 20 tuổi, đắc cử Hiếu liêm, đảm nhiệm chức quan lang. Hiếu là hiếu với cha mẹ tổ tiên, liêm là liêm khiết với xã hội. Nói thẳng ra là cơ cấu cho làm quan mà miễn cho thi cử. Tào Tháo ít lâu sau đã được bổ nhiệm Lạc Dương Bắc Bộ úy, nói nôm na là Cảnh sát trưởng khu Bắc thành Lạc Dương. Tiến cử Tào Tháo làm Lạc Dương Bắc Bộ úy là Tư Mã Phòng - bố Tư Mã Ý sau này. Có Tư Mã Phòng giới thiệu, Tào Tháo lập tức được bổ nhiệm. Khi ấy Tào Tháo không vui, vì Tháo lại muốn chức Huyện lệnh. Nhưng dù sao đó là chức quan đầu tiên trong đời Tào Tháo. Sau này Tào Tháo được Hán Hiến đế phong Ngụy vương, đã mời bằng được Tư Mã Phòng về Nghiệp Thành khoản đãi cực kỳ hậu hĩ. Rượu được ba tuần, Tào Tháo hỏi: “Ông thấy cô gia hôm nay có thể nhận chức Bắc bộ úy như ngày xưa được không?” - Tư Mã Phòng nói: “Năm xưa, khi lão phu tiến cử thì Đại vương rất hợp với chức ấy”. Tào Tháo bật cười ha hả.

Vừa nhận nhiệm sở, Tào Tháo lập tức cho tu sửa nha môn, sai làm một lô gậy sơn năm màu, mỗi bên cổng treo mười cây với dòng chữ: “Kẻ nào phạm pháp thì dù là cường hào cũng bị đánh đòn”. Một tháng sau, quả nhiên có kẻ bị lôi ra đánh, rất đen, đó là chú ruột của hoạn quan Kiển Thạc. Kiển Thạc rất được Linh đế sủng ái. Lão chú ruột Kiển Thạc cậy có cháu uy quyền lệch đất, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm đi đêm của Tào Tháo, đã thế lại còn mang dao trong người. Không hề nể nang, Tào Tháo ra lệnh đánh lão ta mấy chục quân côn. Đen hơn nữa là về tới nhà thì lão chú lăn ra chết tốt … Cháu của thái giám giết chú của thái giám làm cả thành Lạc Dương xôn xao. Từ đó, không kẻ nào dám trái lệnh, trật tự trị an của kinh thành tiến bộ rõ rệt, tiếng tăm Tào Tháo nổi như cồn. Nhưng thế lực của Kiển Thạc bấy giờ trong triều hãy còn mạnh, ít lâu sau, Tào Tháo bị điều đến Tế Nam nhậm chức mới. Tại đây, Tháo cũng gây ấn tượng bằng cách … đập tan hơn 600 ngôi đền, miếu thờ cúng trái phép, gây tiếng vang với dân trong vùng.

 

II. GẦY DỰNG CƠ ĐỒ

Năm 184, cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác lãnh đạo bùng nổ. Tào Tháo cùng các quân phiệt địa phương cùng các tướng trong triều đình đàn áp thành công, được phong làm Điển quân hiệu uý. Tào Tháo từ đó bỏ văn sang võ, quyết chí dùng võ nghiệp để tiến thân. Đại tướng quân Hà Tiến khi đó thâu dụng và nâng đỡ cho Tào Tháo và ông bạn nối khố của Tháo là Viên Thiệu rất nhiều. Năm 189, Hà Tiến bị bè lũ thái giám Thập Thường Thị đóng cửa cung phục kích giết chết. Tào Tháo và Viên Thiệu hay tin bèn mang quân xông vào cung cấm giết cả lũ hoạn quan trả thù cho Tiến.

Năm 190, thứ sử Tây Lương là Đổng Trác mang quân về triều tự xưng Thái Sư, phế vua cũ lập vua mới, Tào Tháo được Đổng Trác phong làm Kiêu kỵ hiệu úy nhưng sau đó vẫn lén hành thích Đổng Trác và bị bại lộ. Tào Tháo nhanh mồm nhanh miệng, lấp liếm lý do mang dao quý vào để tặng thay vì là đâm Đổng Trác. Trác mới ngủ dậy còn đang ngáo nên ậm ờ nhận hàng, lại còn sai Lữ Bố chọn cho Tháo một con ngựa tốt xem như quà trả ơn. Tháo dông thẳng một nước ra cửa thành trốn đến chỗ bạn cũ là Viên Thiệu nương náu. Tào Tháo về quê mộ được 5000 quân, hầu hết trong đó là anh em họ hàng thân tộc: Tào Nhân, Tào Hồng, anh em Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, còn có Vu Cấm, Lý Điển, Nhạc Tiến… những người sau này sẽ trở thành trụ cột của Tào gia family sau này. Chư hầu hội họp đánh Đổng Trác có đến hơn 10 lộ, nhưng suốt ngày chỉ tụ tập ăn nhậu, nói dóc, chỉ có mỗi Tôn Kiên (cha Tôn Sách, Tôn Quyền sau này) đơn độc mang quân đi đánh Đổng Trác và … thua vỡ mồm.

Tháng 3 năm 191, Đổng Trác quyết định bỏ Lạc Dương dời về Trường An cho gần Tây Lương. Tào Tháo thấy vậy làm ầm lên trong hội nghị, Viên Thiệu nể bạn bèn cấp đại cho Tào Tháo 4000 quân đi đánh Lạc Dương. Tháo đến nơi thì cũng bị tướng của Đổng Trác là Từ Vinh đánh bại nhưng dù sao cũng được cái tiếng là … người duy nhất trong các lộ chư hầu dám mang quân đánh Đổng Trác (Tôn Kiên tự mang quân đánh riêng lẻ, không tham gia liên minh).

Chính lúc này thì Tào Tháo gặp quý nhân: Hai chú cháu Tuân Úc, Tuân Du, trước vốn theo Viên Thiệu, nhưng sau vụ hội họp chư hầu thì hai chú cháu nhanh chóng nhận ra họ Viên chả có vị gì nên về với Tào Tháo. Chính Tuân Úc là người đề ra kế sách xây dựng lực lượng làm căn cứ vững chắc cho Tào Tháo. Theo lời khuyên của Tuân Úc, Tào Tháo chiêu hàng tàn dư quân khăn vàng ở Thanh Châu, Duyện Châu rồi tái tổ chức bọn này: Kẻ nào có gia đình, vợ con thì cho đi khai khẩn, làm đồn điền, kẻ nào giỏi võ nghệ, thiện chiến thì mới xung vào quân. Từ đó quân Tào mới có căn cứ vững chắc, binh ít nhưng tinh, là nền tảng cho những chiến dịch lớn về sau. Tuy nhiên, lương thực là một chuyện, một chuyện không kém phần quan trọng nữa đó là tiền bạc. Tào Tháo đã có cách giải quyết triệt để vấn đề này, thậm chí, đủ tiền để nuôi quân trong tận ba năm, ấy là … đào mộ. Ông đã thành lập một đội quân chuyên đi đạo mộ, và gọi họ là "Mộ Kim Hiệu Úy" hoặc "Mạc Kim Hiệu Úy" (chức quan chuyên đi tìm vàng), đội quân này của Tào Tháo trong một lần đào mộ đã đào trung ngay mộ của chú ruột Hán Vũ đế Lưu Triệt là Lưu Vũ. Lúc sinh thời Lưu Vũ lập được nhiều công lao cho cháu nên khi chết được đặc cách xây cho một ngôi mộ theo phong cách đế vương. Lại nữa, Lưu Vũ vốn rất giàu có nên khi chết bao nhiêu của cải đều được chôn theo, 300 năm sau, số tài vật này lại vô tình giúp ích cho Tào Tháo xây dựng thế lực. Dù hơi kỳ quặc, nhưng xem ra Tào Tháo chính là thủy tổ của nghề … đào trộm mộ ở Trung Quốc vậy. Mà cũng vì thế cho nên, khi chết, Tào Tháo cũng sợ bị đào mộ nên xây tới 72 ngôi mộ y hệt nhau rải rác ở khắp nơi để hậu thế không biết đâu mà tìm.

Năm 193, lấy cớ cha mình Tào Tung bị thủ hạ Đào Khiêm giết hại, Tào Tháo cất quân từ Duyện Châu đi đánh Từ Châu. Trước khi đi, Tào Tháo căn dặn người nhà: “Nếu ta không về thì tới nương nhờ Mạnh Trác”. Mạnh Trác, tên cúng cơm là Trương Mạc, vốn là bạn học thuở nhỏ với Tào Tháo và Viên Thiệu, khi Viên Thiệu hội quân chống Đổng Trác, Mạnh Trác nhiều lần chỉ trích thái độ bố láo của Thiệu trước mọi người. Thiệu quê, muốn xử Trác nhưng Tào Tháo nhiều lần đứng ra xin giúp: "Mạch Trác là bạn thân, phải hay trái cũng nên tha cho hắn. Nay thiên hạ chưa định, chẳng nên tự gây nguy lẫn nhau".

Tuy nhiên, đời không ai thấu chữ ngờ, khi chiến sự Từ Châu sắp ngã ngũ thì chư hầu các nơi xúm vào giúp Đào Khiêm, mà nhiệt tình nhất là thằng mặt trắng dệt chiếu đóng dép (các bạn biết tôi nói ai đấy). Chiến sự kéo dài quá lâu, khiến căn cứ của Tào Tháo ở Duyện Châu sinh biến. Chính ông bạn vàng Mạnh Trác rước Lữ Bố về dâng Duyện Châu cho hắn. Cả Duyện Châu khi đó chỉ còn 3 nơi là Quyên Thành, Đông A và Phạm là cố giữ được. Tào Tháo dẫn quân về đánh Lữ Bố. Năm 195, Tào Tháo thu phục hết các thành, Lữ Bố thua trận chạy sang Từ châu đến chỗ Lưu Bị. Đuổi được Lã Bố, Tào Tháo quay sang đánh anh em Trương Mạc. Trương Mạc vẫn theo Lữ Bố, để em là Trương Siêu đem người nhà đóng đồn ở Ung Khâu, bản thân ông chạy đến Hoài Nam chỗ Viên Thuật xin viện binh. Nhưng đi chưa đến nơi thì bị thủ hạ phản lại, giết chết. Tào Tháo vây đánh trong 4 tháng, giết sạch thành Ung Khâu, Trương Siêu tự sát. Rất đen cho ông bạn nối khố của Tào Tháo đã "binh" lộn cửa. Mà kể cũng lạ, Lữ Bố mang tiếng là "hữu dũng vô mưu" trong Tam Quốc nhưng khi cầm quân lại được rất nhiều tướng sĩ trung thành, thà chết không phản, mà lại toàn tướng ngon, có số má: Trần Cung, Trương Liêu, Cao Thuận, Hầu Thành... trong đó Trương Liêu đương thời được xem như Thần Thương (chứ ko phải Triệu Vân), sau này trên bến Tiêu Diêu sẽ rượt Tôn Quyền chạy tóe khói, làm cả cõi Đông Ngô chỉ nghe tên đã không dám vọng động...

Năm 196, tình cờ Hán Hiến đế chạy về đến chỗ Tào Tháo, Tào Tháo lấy danh nghĩa thiên tử mà hiệu lệnh chư hầu. Tào Tháo khôn khéo xúi Tôn Sách kiềm chế Viên Thuật, lại xui Lưu Biểu trông chừng Trương Tú, ban chiếu vỗ về Mã Đằng, Hàn Toại ở Tây Lương... khi binh đã mạnh, lương đã nhiều thì Tháo quay qua tính sổ ông bạn cũ: Viên Thiệu. Đá tí về Viên Thiệu: Họ Viên vào cuối thời Đông Hán đã 4 đời làm đến chức Tam Công (3 người làm Tư Đồ, 1 người làm Tư Không) nên họ Viên khi ấy là danh gia vọng tộc, được người đời xưng tụng là Tứ Thế Tam Công. Viên Thiệu là con trưởng của Viên Phùng, nhưng mẹ của Thiệu chỉ là a hoàn trong phủ. Em trai Viên Thiệu là Viên Thuật mới do vợ chính sinh ra. Viên Phùng lại có người anh tên Viên Thành, ông này không con cái nên nhận Viên Thiệu làm con nuôi, thế là tự nhiên Viên Thiệu lại làm trưởng nam họ Viên. Viên Thuật từ đầu vẫn không phục chuyện này và thường lôi gốc gác của ông anh ra để xỉ vả. Viên Thiệu thật tình mà nói cũng nhờ danh tiếng gia đình nêm tiếng nói có trọng lượng, hiệu triệu có người nghe nên nhanh chóng hùng bá một phương. Viên Thuật ngầm ganh ghét nên nhiều lần thọc gậy bánh xe: Thiệu không ưa Tôn Kiên thì Thuật lại ngầm giúp đỡ Tôn Kiên phát triển thế lực, Thuật cũng giúp cho Lưu Biểu ngáng đường Viên Thiệu bành trướng xuống phía nam, khi Viên Thiệu đang đánh với Công Tôn Toản thì Thuật cũng giúp lương thảo và viết thư cho Toản bảo rằng "Viên Thiệu không phải máu mủ của họ Viên ta". Chính vì thế nên hai anh em trở mặt tuyệt giao, chứ nếu anh em họ Viên một lòng, kẻ nam người bắc phối hợp, chắc cục diện Tam Quốc sẽ khác.

Năm 197, Viên Thiệu thống nhất 4 châu miền bắc Trung Quốc: Ký, Tinh, U, Thanh quân số hơn mười vạn, chiến tướng, mưu sĩ đến cả ngàn, là thế lực mạnh mẽ nhất thách thức Tào Tháo. Năm 200, điều gì đến phải đến, hai ông bạn học đánh nhau một trận long trời lở đất để giành quyền bá chủ phương bắc. Hai bên đánh nhau cả năm trời tại Quan Độ, Tào Tháo ít quân hơn nhưng quân lính dũng mãnh thiện chiến, mãnh tướng vượt trội hơn Viên Thiệu. Thực chất đây là cuộc chiến tranh tiêu hao, Viên Thiệu muốn làm cho quân Tào kiệt quệ, phải rút về Hứa Xương trước, khi đó các thế lực cũ trong triều đình có "qua lại" với họ Viên sẽ khích động nội biến, vin vào cớ thất thế ở chiến trường sẽ làm chính biến lật đổ Tào Tháo.

Rất may, phe Tào Tháo đã có Tuân Úc. Tuân Úc là người đã chèo lái triều chính, xử lý nội vụ khi Tào Tháo chinh chiến ngoài Quan Độ. Khi Tào Tháo ngỏ ý là chinh chiến kéo dài quá, tiêu hao quá, định rút về thì chính Tuân Úc đã viết thư can ngăn, đại loại là quân Tào đã khó khăn thì quân Viên còn khó khăn gấp mấy lần (vì đông hơn), khuyên Tào Tháo phải kiên trì vì "vật cực tất phản", thế nào cũng phát sinh biến cố. Quả nhiên là sau đó Hứa Du phản Viên theo Tào, hiến kế cho Tào quân đốt sạch kho lương Ô Sào, quân Viên Thiệu không đánh tự tan. Họ Viên phải bỏ trại chạy về Hà Bắc, 7 vạn binh sĩ không chạy kịp đầu hàng hết quân Tào. Năm 202, Viên Thiệu chết trên đường bôn tẩu, ba năm sau, anh em họ Viên đấu đá nội bộ giành quyền thống lĩnh, toàn bộ tập đoàn họ Viên suy yếu và lần lượt bị Tào Tháo bắt được. Năm 206, Tào Tháo trở thành thế lực hùng bá miền bắc Trung Quốc, kết thúc thời tiền Tam Quốc.

Bí mật nhỏ: Sau khi chiến thắng Quan Độ trở về, Tuân Úc đưa cho Tào Tháo một cái hộp, trong đó là thư từ, danh sách những quan viên, gia tộc ở Hứa Xương có "đi đêm" với họ Viên. Tào Tháo xem qua một lượt và sau đó ... đem cái hộp quẳng vào lò lửa. Trầm ngâm nói một câu: Dù sao bọn chúng cũng chỉ tính đường xa mà thôi, vả lại bây giờ họ Viên đã diệt, chúng không còn ai để trông vào nữa ! - Tuy nhiên, nói là nói vậy, sau đó một loạt các quan lại ở Hứa Xương lần lượt bị thay đổi khỏi các chức vụ quan trọng. Trong đó có trưởng nam của Tư Mã gia, Tư Mã Lãng, là anh ruột Tư Mã Ý sau này...

 

III. TRƯỚC TRẬN XÍCH BÍCH

Xích Bích là tên một cái đầm, nơi nhận nước từ sông Dương Tử đổ vào. Có một sự thật khá buồn cười là đến tận ngày nay không ai có thể chỉ ra chính xác được nơi đã từng diễn ra trận Xích Bích lừng danh trong lịch sử. Vì Trường Giang ít nhất đã đổi dòng 2 lần trong lịch sử nên địa lý ở 2 bên bờ cũng thay đổi theo nhiều lần. Điều duy nhất mà người ta có thể chắc là Xích Bích nằm đâu đó trong địa giới Hồ Bắc ngày nay, và ... hehe, hình như ở phía Tây Nam thành phố Vũ Hán hiện nay, nơi dịch cúm Bia đang hoành hành dữ dội.

Ngược dòng lịch sử, đầu thời Tam Quốc, Xích Bích thuộc Kinh Châu, vốn là đất của Lưu Biểu. Nhiều người đọc Tam Quốc Chí cho rằng Lưu Biểu nhu nhược, gàn dở nhưng theo chính sử, Biểu cũng là bậc có máu mặt chứ không đùa. Lưu Biểu được bổ nhiệm là Kinh Châu mục là nhờ Đổng Trác, khi Biểu đến Kinh Châu thì cả 7 quận đều rối như canh hẹ. Lưu Biểu nhờ hai mưu sĩ Khoái Lương, Khoái Việt (Triệt) và võ thì nhờ Sái Mạo, sau có thêm Văn Sính, Hoàng Tổ giúp sức đã bình định được hết các quận Kinh Châu. Chính Lưu Biểu đã chặn Viên Thuật, sau đó là Tôn Kiên bành trướng lên phương bắc, Biểu cũng ngăn Viên Thiệu tràn xuống phía nam trong một thời gian dài, có thể xem như một thế lực mạnh giữa đám quần hùng khi đó vậy.

Nói đi cũng phải nói lại, Kinh Châu là đất hiểm yếu, nằm ở ngã ba sông Dương Tử - Hán Thủy. Xuôi có thể xuống Giang Nam, ngược có thể lên phương bắc. Kinh Châu lại giàu có, đông dân, lái buôn Kinh Châu tỏa ra khắp thiên hạ từ thời Tam Quốc, thật là nơi hiếm có trong thiên hạ. Thẩm Phối, Phùng Kỷ từng đề đạt với Viên Thiệu, Trương Chiêu từng xui Tôn Kiên, Quách Gia từng khuyên Tào Tháo cũng như Gia Cát Lượng từng nhận định với Lưu Bị sau này là phải lấy Kinh Châu rồi mới tranh được thiên hạ. Tuy nhiên, thế Lưu Biểu khi ấy còn mạnh, có mỗi Tôn Kiên là dám "thử lửa" và táng mạng ở Giang Hạ, còn câc thế lực khác vẫn chưa dám kiếm chuyện với Biểu. Mọi sự rối ren chỉ ập đến khi Lưu Biểu sắp sửa tiên du giá hạc. Năm xưa, để lôi kéo và có sự tranh thủ của Sái Mạo, Lưu Biểu lấy chị của Mạo làm thiếp. Bi kịch phát sinh sau đó là Sái thị có con với Lưu Biểu, bi kịch hơn nữa đấy là con trai, lại càng bi kịch nữa nữa là con trưởng Lưu Biểu là Lưu Kỳ khi đó sức khỏe ko tốt, đau ốm liên miên. Vì vậy nên Sái Mạo ra sức giành quyền kế vị cho Lưu Tông, cháu mình. Thành ra là nội bộ trong nhà Lưu Biểu xáo xáo hết cả. Đen cái nữa là Lưu Biểu khi đó đang chứa chấp "thằng giặc mặt trắng tai dài". Đấy là cái cớ hoàn hảo cho Tào Tháo mang quân "hỏi tội" Lưu Biểu.

Đầu năm 208, Tào Tháo mang quân nam hạ phạt Kinh Châu. Trước đó, Lưu Kỳ nhằm tránh bị phe Sái Mạo hãm hại đã trốn sang Giang Hạ. Lưu Bị khi đó đang ở địa đầu Tân Dã, nhắm sức không chơi lại Tào Tháo bèn chạy về Phàn Thành, qua Tương Dương rồi về Giang Lăng. Đại binh Tào Tháo lại tiến xuống Phàn Thành, Lưu Tông, Sái Mạo, Văn Sính dẫn quân ra hàng, Lưu Bị cùng đường phải qua Giang Hạ nương nhờ Lưu Kỳ. Tình thế của Lưu Bị lúc ấy chính thức là cùng đồ mạt lộ, chỉ còn một đường duy nhất là sang Đông Ngô cầu viện một liên minh với Tôn Quyền. Mùa thu năm 208, Lưu Bị một mình sang Ngô trước xin gặp Chu Du, sau xin gặp Tôn Quyền để bàn chuyện liên minh (chứ không phải trong truyện là Gia Cát Lượng sang Ngô).

 

IV. TRẬN XÍCH BÍCH

Tình hình lúc ấy ở Ngô cũng đang rối ren: Tôn Sách vừa mất, Tôn Quyền còn nhỏ tuổi lên thay. Tào Tháo lại nói phao tin lên rằng quân lực có 83 vạn, gửi thư khuyên Tôn Quyền đầu hàng. Nội bộ Đông Ngô chia 2 phái: Chủ hòa do Trương Chiêu và các mưu sĩ cầm đầu; phe chủ chiến do Chu Du, Lỗ Túc và các võ tướng cầm đầu. Lưu Bị đến thăm Chu Du trước là để kể rõ tình hình binh lực của phe Tào rồi sau mới xin gặp Tôn Quyền. Nước đi này là chính xác vì Chu Du sau đó có cơ sở để thuyết phục Tôn Quyền đứng hẳn về phe chủ chiến.

Theo đó, Lưu Bị nhận định rằng Tào Tháo tuy nói là 83 vạn nhưng phải chia ra đóng giữ các nơi, lại thêm trong số đó hơn hai mươi vạn đã là dân phu, thêm 10 vạn binh mới chiêu hàng của Lưu Tông thì thực lực còn lại chỉ tầm 40 vạn là kịch. Mà thực tế tình hình thì quả cũng gần đúng như Lưu Bị nhận định. Thêm một lợi thế nữa cho liên minh: Tào Tháo trước đó chỉ đánh trận ở phía bắc, không quen thủy chiến nên có phần đánh giá thấp vai trò của thủy quân. Tào Tháo quan niệm sai lầm rằng chỉ cần bỏ bộ binh, kỵ binh lên thuyền là thành thủy binh, đó là một sai lầm tai hại: Rất nhiều binh sĩ phía Tào bị say sóng và ở lâu trên thuyền khiến họ bị bệnh, và nhanh chóng bùng phát thành dịch. Tào Tháo buộc phải cho xích các thuyền lại với nhau và bắc ván gỗ giữa các thuyền để cố định, từ đó quân sĩ mới di chuyển thoải mái hơn.

Phải dừng lại chỗ này một chút: Chúng ta hiểu rằng việc nối cái thuyền chiến lại với nhau như thế sẽ rất tai hại vì làm các thuyền mất đi sự cơ động. Tuy nhiên, căn cứ tình hình lúc đó của Tào Tháo thì đấy lại hợp lý, vì Tào Tháo chưa vội tấn công mà chỉ muốn cho đội quân của mình quen với sông nước trước đã. Một điều quan trọng nữa: Khi đó đang là mùa đông, gió từ phương bắc thổi xuống mạnh, khả năng bị hỏa công là không thể vì quân Tào ở trên đầu gió, đó là điều khiến cho Tào Tháo quyết định nối thuyền như trên. Cần nói rõ: Đây là quyết định chủ động của phe Tào chứ không phải có thầy dùi đểu như Phụng Sồ - Bàng Thống.

Sau khi liên minh Tôn - Lưu được thành lập, Lưu Bị mới cử Gia Cát Lượng làm người đại diện cho mình ở phía Ngô, ở trong quân doanh cùng Chu Du bày mưu tính kế, phân phối lực lượng. À, nhắc tới Lượng phải nói tới gió đông. Như đã nói lúc nãy, khi ấy đang vào mùa đông, gió bắc thổi mạnh, nhưng ở Kinh Châu mà cụ thể là khúc sông Trường Giang chảy qua Xích Bích có một quy luật đặc biệt: Theo Tư Trị Thông Giám mà tôi mới đọc xong, cứ mỗi 11 năm, khi thủy triều đạt đến đỉnh thì nước trong đầm Xích Bích lại chảy ngược ra ngoài, dẫn đến hiện tượng là có gió Đông Nam nghịch mùa, và chỉ xảy ra trong chừng 3 ngày. Trùng hợp năm đó cũng là năm Tào Tháo đóng đại quân ở bờ bắc Xích Bích, thế nên ngay từ đầu bên phe Đông Ngô đã chuẩn bị sẵn kế hoạch hỏa công rồi chứ không mượn tới Gia Cát Lượng giả thần giả quỷ cầu mưa cầu gió. À, nhân tiện vụ Thuyền cỏ mượn tên của Lượng thật ra là chiêu của Tôn Quyền khi đánh nhau với Tào Tháo ở trận Nhu Tu sau đó 5 năm, Tôn Quyền cho binh sĩ mang những bó cỏ khô lên hai mạn thuyền để che tên bắn.

Và tất nhiên, như chúng ta đều biết, chỉ trong một đêm, toàn bộ thủy trại của Tào Tháo đều bị đốt trụi. Thật ra cũng ko thua đến mức tệ hại như trong Tam Quốc Chí miêu tả, chủ yếu là quân Tào bị đốt hết thuyền bè và phương tiện vượt sông nên phải rút. Quân Ngô cũng không có đủ phương tiện qua sông nên cũng không truy kích được Tào quân. Chỉ có một bộ phận quân xung kích dưới quyền Cam Ninh là vượt sông thành công định đánh tập hậu quân Tào nhưng bị đội của Tào Nhân cản lại, khác với thủy trại, doanh trại trên bộ của quân Tào vẫn án binh bất loạn mặc cho lửa cháy sáng rực cả một khúc sông, nhờ đó quân Tào vẫn giữ lại được Tương Dương, Phàn Thành và Giang Lăng. Trên đường rút, quân Tào bị tập kích ở Hoa Dung đạo nhưng người cầm quân là Lưu Bị, not Quan Vũ. Và Lưu Bị vì ít quân nên thua, phải để Tào Tháo đi qua chứ cóc có chuyện Quan Công tha Tào Tháo trả ơn.

 

V. TAM PHÂN THIÊN HẠ

Người ta nói: Chung hoạn nạn dễ, chung phú quý khó, câu này đúng với liên minh Tôn – Lưu. Sau khi tào Tháo rút quân về bắc, Tôn Quyền, Lưu Bị chia quân đánh lấy các quận của Kinh Châu. Lưu Bị phối hợp với Lưu Kỳ tấn công 4 quận Trường Sa, Quế Dương, Vũ Lăng và Linh Lăng ở phía nam Kinh châu, những quận này nhanh chóng quy hàng, cuối cùng Lưu Bị đã có được đất cắm dùi. Tuy nhiên, tình hình không thuận lợi với phe Đông Ngô, Tào Nhân giữ Giang Lăng quá giỏi, đích thân Chu Du dẫn binh cũng không phá nổi, lại còn ăn một mũi loạn tiễn. Về sau, Lưu Bị phải mang quân đến họp cùng Cam Ninh, Lăng Thống cùng với Chu Du mấy cánh quân cùng giáp công, cùng lúc đó Tôn Quyền đích thân mang quân đánh sang Hợp Phì uy hiếp Hứa Xương, chỉ đến lúc đó thì Tào Nhân mới mang quân rút khỏi Giang Lăng về giữ Tương Dương – Phàn Thành.

Đông Ngô phải chấp nhận thực tế là chỉ làm chủ được Giang Lăng (và nửa quận Giang Hạ có từ trước), còn Lưu Bị có được 4 quận phía nam (thêm nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ). Dù đất của Đông Ngô ít nhưng lại có vị trí chiến lược: Giang Lăng là vị trí trung tâm Hoa Hạ, từ đây có thể phát động chiến tranh lên trung nguyên với Tào Tháo và tấn công sang Ích châu của Lưu Chương, Trương Lỗ. Nội dung chính trong chiến lược Long Trung đối sách mà Gia Cát Lượng đã quy hoạch cho Lưu Bị chính là giành lấy hai châu Kinh, Ích để có 2 đường tấn công lên trung nguyên tranh giành thiên hạ - thì Chu Du cũng đề ra với Tôn Quyền về chiến lược từ Giang Lăng tiến vào chiếm Thục và Hán Trung rồi liên kết với Mã Siêu để cùng đánh lên trung nguyên từ mấy đường. Bốn quận mà Lưu Bị có được chỉ giúp Lưu Bị giải quyết vấn đề nhân lực và kinh tế, không đóng vai trò chiến lược trong việc thi hành Long Trung sách. Do đó, Lưu Bị và Gia Cát Lượng phải tính tới việc tiếp cận địa bàn các quận phía bắc Kinh châu và phải dùng nhiều nỗ phải đợi tới khi Chu Du qua đời năm 210 vì ôn dịch, cộng thêm sự hỗ trợ của một nhân vật ôn hòa, coi trọng liên minh Tôn-Lưu là Lỗ Túc để thực hiện được mục đích mượn huyện Giang Lăng, gọi là "mượn Kinh châu" của Tôn Quyền để có bàn đạp tiếp cận với trung nguyên. Tôn Quyền nghe theo lý lẽ của Lỗ Túc (khiến Tào Tháo thêm kẻ thù, mượn sức Lưu Bị đỡ cho gánh nặng phía tây Giang Đông mới đồng ý cho Lưu Bị mượn Giang Lăng. Cuối cùng, sau khi lấy được Ích Châu, Bị cũng … lơ luôn Giang Lăng đếch trả, từ đó Tôn Quyền mới bật đèn xanh cho Lục Tốn và Lữ Mông đánh úp ông mặt đỏ râu dài, đưa bác một nấc lên thần thánh được người đời phụng thờ, nhưng cả Kinh Châu thì phải trả lại Tôn Quyền, nhưng thôi, đó là chuyện về sau.

Sau Xích Bích, về cơ bản thì thế chân vạc chia 3 thiên hạ đã thành hình, Tào Tháo dưỡng binh trong hai năm. Sau đó, các mưu sĩ khuyên ông nên đánh lấy Đông Xuyên của Trương Lỗ trước vì Lưu Bị đã bắt đầu tiến vào Tây Xuyên. Năm 211, Tào Tháo phái Chung Do và Hạ Hầu Uyên đi đánh Trương Lỗ. Ở Tây Lương, Mã Siêu, Hàn Toại thấy Tào Tháo bận rộn bèn cất 10 vạn quân làm phản, chiếm cứ Đồng Quan. Tháng 7 năm 211, Tào Tháo đích thân mang quân đánh Mã Siêu. Đến Đồng Quan, Tháo phái Từ Hoảng và Chu Linh mang 4000 quân vượt bến Bồ Bản, đóng trại ở Hà Tây rồi cho đại quân vượt sông sang bờ bắc. Khi quân Tào đang qua sông thì Mã Siêu bất thần mang 1 vạn quân đến đánh úp, bắn tên đến như mưa. Người chèo thuyền của Tào Tháo bị trúng tên chết, tướng Hứa Chử một tay cầm yên ngựa che cho Tào Tháo, tay kia chèo thuyền. Cùng lúc đó Huyện lệnh Vị Nam là Đinh Phỉ sai thả hết trâu ngựa ra đường khiến quân Mã Siêu tranh nhau đi bắt, sao nhãng việc truy kích Tào Tháo. Vì vậy ông được thoát nạn, qua bờ bên kia. Theo kế của Giả Hủ, Tào Tháo quyết định dùng kế ly gián Toại và Siêu. Siêu trúng kế nên bắt đầu nghi ngờ Toại rồi sau đó nội bộ lủng củng nên quân Tây Lương suy yếu dần. Tào Tháo lại mang quân đến đánh thì phá được, Mã Siêu chạy về chỗ Trương Lỗ. Tào Tháo lại mang đại quân vào đất Hán Trung ép Trương Lỗ đầu hàng, Lỗ đồng ý hàng, Mã Siêu chán Trương Lỗ hết vị bèn chạy qua Tây Xuyên (Ích Châu) theo về với Lưu Bị.

Tháng 8 năm 214, Tôn Quyền thấy Tào Tháo đang giao chiến ở Đông Xuyên, bèn dẫn 16 vạn quân tiến đến Lục Khẩu, chuẩn bị đánh Hợp Phì. Tướng ở Hợp Phì là Trương Liêu sai người đến chỗ Tào Tháo xin viện quân. Tào Tháo sai Trương Liêu, Lý Điển ra chống, còn Nhạc Tiến thủ thành. Chiến dịch Hợp Phì sau đó dù được đích thân Tôn Quyền chỉ huy cũng bị dang dở vì dịch bệnh bùng phát trong quân, Tôn Quyền phải cho đại quân quay về và đích thân Tôn Quyền đi đoạn hậu cho đại quân. Chớp thời cơ Trương Liêu, Lý Điển mang 5000 kỵ binh tập kích vào hậu đội quân Ngô, suýt chút nữa thì bắt sống Tôn Quyền. Thật ra thất bại này không to tát đến mức chấn kinh toàn cỏi Đông Ngô như La Quán Trung đã dìm hàng “con nít Đông Ngô nghe tên Trương Liêu thì không dám khóc to”.

Cuối năm đó, Tào Tháo cũng rút đại binh khỏi Đông Xuyên, giao lại cho Trương Cáp và Hạ Hầu Uyên giữ. Chủ bạ quân Tào là Tư Mã Ý khuyên Tào Tháo đánh sang Tây Xuyên, diệt luôn Lưu Bị nhân khi họ Lưu còn chưa đứng vững, nhưng Tào Tháo không nghe, ông muốn về Hứa Xương để tấn phong Ngụy Vương. Để con đường lên làm Ngụy Vương được hanh thông, Tào Tháo cũng phải giũ sổ vài gương mặt cản trở bên cạnh Hán Hiến Đế như Phục Hoàng Hậu, Đổng Quý Phi, Đổng Thừa, Phục Hoàn... nhưng trong số đó đáng tiếc nhất lại là ... Tuân Úc. Năm 212, Tào Tháo đã làm thừa tướng, tước Vũ Bình hầu nhưng chưa muốn dừng lại mà muốn thăng lên tước công, được gia phong Cửu tích và lấy Ký châu làm lãnh thổ riêng của họ Tào để dựng nước riêng trong lãnh thổ nhà Hán. Tào Tháo sai mưu sĩ Đổng Chiêu đi bàn kín việc này với Tuân Úc, vì ông là tham mưu số một của Tào Tháo và địa vị, uy tín trong triều đình nhà Hán cũng lớn hơn cả trong các văn thần. Tuy nhiên, Tuân Úc không đồng tình. Ông nói với Đổng Chiêu: "Người quân tử lấy đức yêu người, không nên như vậy. Tào công vốn là vì việc giúp triều yên nước mà chiêu tập nghĩa binh, từ trước đến nay giữ lòng trung trinh, giữ bề khiêm tốn. Chúng ta không nên làm trái bản ý của Tào công." Thực chất, Đổng Chiêu theo lệnh của Tào Tháo đến thăm dò ý kiến của Tuân Úc về việc này và sau nữa là muốn nhờ Úc đứng ra mở đường dư luận cho Tào Tháo tiến phong. Nhưng Tuân Úc không biết vô tình hay cố ý lại muốn qua Đổng Chiêu chuyển đến Tào Tháo ý kiến của mình. Ý của Tuân Úc rất rõ ràng: Đừng tiếm quyền của nhà Hán. Tuy nhiên, Tào Tháo đã có chủ ý xưng hiệu nên sau khi nghe Đổng Chiêu báo cáo tình hình, đã rất bực Tuân Úc. Nhưng việc này cũng không thể làm căng được, việc xưng hiệu của Tào Tháo đành tạm hoãn.

Năm 212, Tào Tháo lại đi nam chinh đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu. Khác với thường lệ, Tào Tháo không để ông trấn thủ Hứa Xương nữa mà dâng biểu lên Hán Hiến Đế đề nghị để Tuân Úc ra lĩnh quân ở huyện Tiêu. Trên thực tế động thái này nhằm loại bỏ vai trò Thượng thư lệnh của Tuân Úc. Tuân Úc lĩnh chức lên đường. Tới Thọ Xuân thì ông ngã bệnh. Sau đó không lâu, Tuân Úc qua đời một cách khá bí ẩn, lúc đó ông 50 tuổi. Cùng năm đó, Tào Tháo ép Hán Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, 3 năm sau thì lại phong tiếp làm Ngụy Vương. Chớp thời cơ Tào Tháo đang bận rộn triều chính, năm 217, Lưu Bị bắt đầu đánh Hán Trung - Đông Xuyên. Đầu năm 219, Lưu Bị đặt phục binh ở núi Định Quân đánh úp Hạ Hầu Uyên làm Uyên bỏ mạng. Hay tin Hán Trung nguy cấp, Tào Tháo mang viện binh đi ngả Trường An vào Hán Trung chi viện, tuy nhiên Lưu Bị có quân sư Pháp Chính trợ giúp nên kiên cường cố thủ không ra đánh. Ở lâu quân Tào đâm ra mệt mỏi, bệnh tật, Tào Tháo buộc phải rút về, trước khi đi còn nhận định rằng:

- Ta vốn không tin là Lưu Bị có tài cán tới như thế. Nhưng bên cạnh y hiện đã có người tài (chỉ Pháp Chính).

Toàn bộ Hán Trung sau đó thuộc về Lưu Bị. Đến đây, trận thế Tam Quốc đã thành hình. Tháng 6 năm 219, sau khi chiếm được Hán Trung, Lưu Bị xưng làm Hán Trung Vương, đứng ngang hàng với Tào Tháo. Trên đà thắng lợi, Lưu Bị sai Quan Vũ đang trấn thủ Kinh châu đem quân bắc tiến, vây hãm Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ. Phàn Thành nguy cấp. Tào Tháo ở Nghiệp Thành rất lo lắng, toan tính thiên đô, rời Hán Hiến Đế từ Hứa Xương về cùng ông ở đất Nghiệp. Nghe lời Tư Mã Ý phân tích lợi hại, Tào Tháo quyết định không thiên đô, sai Vu Cấm và Bàng Đức mang quân đi cứu Phàn Thành. Nhạc Tiến hỗ trợ Tào Nhân cố giữ lấy Thanh Nê.

Đúng lúc đó thì Tôn Quyền sai người dâng thư đến xin quy phục, giúp ông giáp công đánh Quan Vũ ở mặt đông. Tào Tháo mừng rỡ, nhưng vẫn ... chơi mất dậy: Một mặt ông nhận cho Tôn Quyền lĩnh chức Kinh châu mục; mặt khác ông lại mang thư của Quyền buộc vào tên, sai quân bắn vào trại của Quan Vũ. Việc làm đó của ông đẩy Quan Vũ và Tôn Quyền vào thế không đội trời chung khiến ông có thể ngồi nhìn hai bên đánh nhau mà vẫn có thể giải vây cho Phàn Thành, giữ yên được mặt nam. Tuy nhiên, Quan Vũ máu nóng đang chảy trong tim, cho rằng Tào Tháo lắm mưu mô, phao tin sai để lung lạc mình. Nhân lúc nước sông Hán Thuỷ lên cao, Quan Vũ khơi nước sông đổ vào ngoài thành. Bảy đạo quân Vu Cấm và Bàng Đức đóng đồn ở phía bắc Phàn Thành bị nước dìm chết gần hết, số ít bỏ chạy thoát. Cả hai tướng đều bị bắt, Vu Cấm đầu hàng Quan Vũ, còn Bàng Đức không chịu hàng nên bị giết. Quan Vũ cùng đường chạy ra Mạch Thành, cuối cùng bị quân Tôn Quyền bắt sống mang về giết chết.

Tôn Quyền giết Quan Vũ, sai người mang đầu đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Ông không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng chư hầu. Việc làm đó mang ý nghĩa rằng: Tôn Quyền nộp đầu Quan Vũ cho ông để muốn thiên hạ biết rằng mình giết Vũ theo lệnh Tào Tháo, khiến Lưu Bị chĩa mũi nhọn vào ông, nhưng Tào Tháo trọng táng Quan Vũ lại cho ra thông điệp khác: Tôn Quyền tự ý giết Vũ. Thật sự, Tào Tháo đã giải toả được sự hiềm nghi của mọi người và ông đã lái được mũi nhọn của Lưu Bị trở lại phía Tôn Quyền. Sau này Lưu Bị vì mối thù Quan Vũ đã dốc toàn quân đi đánh Tôn Quyền. Mãi đến khi Lưu Bị thua trận và mất ở Bạch Đế thành, dưới sự lèo lái của Gia Cát Lượng và Lục Tóin thì liên minh Tôn - Lưu mới được tái lập.

 

VI. CUỐI ĐỜI

Tào Tháo đã mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm. Có thuyết kể rằng, khi dẫn quân đi đánh Quan Độ, chứng Thiên Đầu Thống lại tái phát, Tào Tháo đau đến ngã khỏi lưng ngựa, sau nhờ một người nông phu đi ngang chỉ cho cách chữa mẹo là lấy một nắm lá thần bí mọc gần bờ ao, sắc lấy nước uống thì cơn đau đỡ hẳn, sau nhiều năm tranh luận thì người ta khám phá ra ấy là nước ... rau muống luộc. Để trị dứt căn bệnh, Tào Tháo sai người triệu danh y Hoa Đà - là người đồng hương ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự châu - đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông đã giữ Hoa Đà lại bên mình một thời gian. Những lúc bị đau, ông nhờ Hoa Đà châm cứu cho một vài mũi kim thì bệnh tình đỡ đi nhiều.

Tào Tháo hậu đãi Hoa Đà, nhưng họ Hoa không màng tiền bạc mà chỉ màng quan chức, nhiều lần xin Tào Tháo ban cho chức quan. Thời đó chưa có chức ngự y, huống hồ Hoa Đà chỉ là một gã thầy thuốc lang bạt trên giang hồ, không thể cất nhắc vào triều được. Thế là Hoa Đà làm mình làm mẩy. Ở Hứa Xương được một thời gian, Hoa Đà xin về nhà thăm vợ có bệnh, lại xin nghỉ thêm ít lâu nữa. Tào Tháo nghi ngờ, sai người đến dò xét thì thấy vợ Hoa Đà không có bệnh gì, bèn hạ lệnh bắt Hoa Đà vào ngục hỏi tội. Bị cai ngục tra tấn, Hoa Đà chết trong ngục.

Năm 219, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu. Ông giao lại bản doanh Nghiệp Thành của nước Ngụy cho thế tử Tào Phi quản lý, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Hứa Xương lúc đó chỉ còn vua hư danh Hán Hiến Đế. Bị bệnh đau đầu hành hạ không có ai chữa được, tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời, thọ 66 tuổi. Ông ở ngôi Ngụy vương được 5 năm. Ngoài sự nghiệp võ công lừng lẫy, các nhà nghiên cứu văn học sau này còn phải thừa nhận Tào Tháo rất có tài về văn chương thơ phú. Tào Tháo cùng Tào Thực, Tào Phi được mệnh danh là Tam Tào, cùng với nữ sĩ Thái Diễm và nhóm Trúc Lâm Thất Tử (7 gã gàn ở rừng trúc) được xưng tụng là hồn cốt của văn chương thời Kiến An. 500 năm sau, Lý Bạch tài thơ lừng lẫy, cao ngạo như thế mà vẫn phải cất lời khen:

Bồng Lai văn chương Kiến An cốt.

Trung gian tiểu tạ hựu thanh phát.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ:

QUÊ NGHÈO, thơ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

ĐOÀN MẠNH THẾ (sưu tầm và giới thiệu)

Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai

quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.        

Điện thoại: 039.627.97.29

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.09.2019.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét