'GÓC ĐÊM' CỦA TRƯƠNG NAM CHI - Tác giả: Huỳnh Xuân Sơn (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

“GÓC ĐÊM” của TRƯƠNG NAM CHI
*
GÓC ĐÊM

Phả vào đêm một mảnh đời
Tiếng rao lảnh lót cho người mộng du
Bóng em mờ ảo sương mù
Tuổi chưa rành rẽ phạm trù áo cơm
Đêm đông thẫm đẫm tủi hờn
Ngọn đèn hắt xuống chập chờn xanh xao
Gắng xua cơn đói cồn cào
Nhà hàng thực khách ồn ào ngó lơ
Lề đường có một giấc mơ
Bà tiên ông bụt bao giờ hiện ra
Chén cơm đổi những xa hoa
Niềm vui đổi những xót xa cơ hàn.
*.
TRƯƠNG NAM CHI
LỜI BÌNH:
(Tác giả Huỳnh Xuân Sơn)
Đọc bài thơ với một góc nhìn khác hẳn của nhà thơ Trương Nam Chi, tôi rất háo hức để mở bức màn chắn Góc Đêm bằng nghệ thuật dùng câu chữ của chị:
Phả vào đêm một mảnh đời
Tiếng rao lảnh lót cho người mộng du
Bóng em mờ ảo sương mù
Tuổi chưa rành rẽ phạm trù áo cơm
Bài thơ chị dùng phương pháp đảo từ ngay câu đầu “Phả vào đêm một mảnh đời” khiến tôi thấy như màn đêm đang phả vào chính tôi vậy, chứ không phải là một mảnh đời khác. Nếu chị viết như người ta thường vẫn viết: Đêm phả vào một mảnh đời. Thì hẳn sẽ không gây được ấn tượng mạnh với tôi đến vậy.
Đêm phả vào mảnh đời mà mảnh đời này đang cất tiếng rao lảnh lót… em rao gì đây trong đêm khi mà nhà nhà, người người đã yên giấc nồng, tiếng rao của em len lỏi vào trong giấc ngủ của họ. Hình ảnh cảm động qua câu thơ tả thực “Bóng em mờ ảo sương mù”. Đường phố vào khuya bước chân người bán hàng rong như mờ, như tỏ. Xa dần.. theo tiếng rao nhỏ dần… một thời là tôi. Nên tôi ngậm ngùi, tôi xót xa….
Và, đây mới là câu thơ đánh gục những hờn tủi trong tôi: “Tuổi chưa rành rẽ phạm trù áo cơm”. Từ em ở trên tôi vẫn còn có thể nghĩ tới những mảnh đời bất hạnh khác chứ không phải là em nhỏ còn tuổi đến trường. Tôi thấy Em còn tuổi đến trường bởi, người ta dùng từ Phạm trù để khoanh vùng để gói những gì khác cơ trong suy nghĩ của tôi. Chẳng hạn như: Phạm trù toán học, Phạm trù đạo đức….còn Phạm trù áo cơm của chị thì hôm nay tôi mới bắt gặp
Quả thực người ta nói ngôn ngữ thơ ca luôn bất ngờ, luôn đúng, dù lạ và hiếm dùng. “Tuổi em chưa rành rẽ”…nhưng vì đâu? vì sao? em phải cất “tiếng rao lảnh lót”. Chị viết tiếp những hình ảnh cám cảnh của Em trong đêm trên phố giữa những ồn ào náo nhiệt giữa những no đủ tới mức dư thừa liệu có mấy ai trong số đó nhìn và nghĩ như tác giả không:
Đêm đông thẫm đẫm tủi hờn
Ngọn đèn hắt xuống chập chờn xanh xao
Gắng xua cơn đói cồn cào
Nhà hàng thực khách ồn ào ngó lơ
Vâng Em ấy, Tôi và rất nhiều những thân phận đã, đang kiếm sống ngoài lề của xa hoa no đủ. Đều thấy tủi hờn tới mức thấm đẫm. Thấm đẫm nước mắt, thấm đẫm mồ hôi.
Ngọn đèn đường hắt xuống… ánh sáng không chập chờn đâu? Chỉ có cái xanh xao, vàng võ của người đi dưới nó kia mới chập chờn chới với, bước cao, bước thấp thôi…Bởi bụng đang đói cồn cào và còn cồn cào cái đói cho cha mẹ, anh chị em nữa chứ đâu phải chỉ mỗi cái cồn cào sôi réo trong bụng mình thôi đâu. Cơn đói càng cào cấu, càng đói hơn khi trước mắt họ là những bàn tiệc thừa mứa thức ăn nước uống.
Thực khách “ngó lơ” là thuận lẽ, bởi: Em bán hàng rong kiếm sống chứ em đâu có đi xin ăn.Họ, những thực khách thừa mứa ấy, chắc cũng chẳng ai cần mua mấy bịch đậu phộng rang, mấy cái bánh tráng nướng hoặc mấy tờ vé số mà Em bán.
Em thì vẫn bước cứ rao và vẫn đói. Nhưng ước mơ thì không bao giờ tắt cả, dẫu tương lai có mờ mịt tới đâu. Thì hy vọng vẫn tràn trề trong những mảnh đời cơ cực kia.Dù giấc mơ ấy nhiều khi không thể thành hiện thực bởi nó vốn chỉ có trong cổ tích
Lề đường có một giấc mơ
Bà tiên ông bụt bao giờ hiện ra
Chén cơm đổi những xa hoa
Niềm vui đổi những xót xa cơ hàn.
Bốn câu thơ kết của bài thơ, là những câu thơ khiến tôi trăn trở, xót xa, giấc mơ vẫn mãi là giấc mơ thôi ư? Sao không ước mơ gì? mà lại ước mơ bà tiên ông bụt hiện ra nhỉ?
Nhưng lại là chữ nhưng, có mơ ước có niềm tin là sẽ có tất cả! Ông bụt bà tiên thật trong cổ tích thì không bao giờ có rồi.
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng: tôi, bạn và có khi chính tác giả, chúng ta sẽ trở thành bà tiên ông bụt trong mắt họ chưa? Có thể lắm chứ, ta chỉ cần mua giúp họ vài tờ vé số khi sắp tới giờ xổ. Ta mua dùm họ vài bịch đậu phộng đêm khuya về ngồi nhấm nháp. Ta có thể mua dùm họ dăm ba trái dừa tươi, thay vì mấy loon nước ngọt….Ta có thể đã thành bà tiên ông bụt trong mắt họ rồi.
Và hai câu kết nếu chỉ đọc thôi cũng đủ để ta thấy xót xa qua cảm nhận một chiều, một nghĩa. “Chén cơm đổi lấy xa hoa”. Vâng bụng đói cồn cào rồi, thì chẳng ai có thể nghĩ tới xa hoa được nữa….Và nỗi tủi hờn, lo lắng, đeo bám, miếng cơm manh áo quanh năm ngày tháng. Thì làm sao còn tìm thấy niềm vui ở đâu được nữa?.
Nhưng ngẫm nghĩ sâu xa hơn thì đây là hai câu kết rất rộng với rất nhiều mảng màu của xã hội hiện tại.Sự phân hóa giàu nghèo với khoảng cách quá xa.
Ở đây tác giả đã khắc họa rõ nét một Góc Đêm với hai tầng lớp xã hội luôn song hành với nhau. Một bên là những mảnh đời cơ cực. Dù họ chịu thương chịu khó một nắng hai sương cố sống và làm việc lương thiện chỉ mong đủ ăn, đủ mặc. Đối nghịch với họ là một bộ phận nhất định những người giàu có, bữa ăn của họ là những: ‘Bàn tiệc thừa mứa” nhưng vô cảm trước những mảnh đời khốn khó bên họ.Đây cũng là bức tranh phản ánh một góc nhìn giữa hai mảng màu tối sáng của xã hội mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu!

     
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI CUỘC ĐỜI
của Hà Sơn, qua tiếng hát Lê Sang và Châu Thanh:
           
*.
Sài Gòn, ngày 25 tháng 10 năm 2013
HUỲNH XUÂN SƠN (Cao Thị Phương Lan)
Địa chỉ: 28 đường 7 Khu nhà ở Hiệp Bình KP4,
Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Sài Gòn.
Email: huynhphuvang@gmail.com
.




........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 25.08.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét