(Nguồn ảnh: internet) |
LỄ CỦA NHO
GIÁO VÀ SỰ TƯƠNG KÍNH
TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
*
(Tác giả Chu Mộng Long) |
Lễ của Nho giáo nói gọn là phép tắc của một thứ trật tự tôn ti. Bài trước
tôi nói rất rõ ngọn nguồn từ trong kinh điển Nho giáo. Mục đích của Lễ Nho giáo
chủ yếu áp dụng cho tầng lớp bị trị. Kẻ bị trị biết rõ thân phận nô lệ của mình
mà cung phụng bề trên vô điều kiện. Quan, dân đối với vua thì "quân sử
thần tử thần bất tử bất trung". Vợ đối với chồng thì "tại gia tòng
phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Con với cha thì nhất mực
"hiếu thuận", trò đối với thầy thì nhất mực "tôn sư trọng
đạo".
Lễ bao gồm Lễ nghi (các nghi thức tế lễ, hành
lễ như quỳ lạy, cầu xin...) và Lễ vật (hiện vật mang ra hiến tế hoặc bằng vật
quý, bằng tiền hoặc bằng người thật). Kẻ bề trên được tôn như thánh và kẻ hàng
dưới càng thể hiện sự ti tiện hoặc như tay sai hoặc như chó đối với chủ. Thậm
chí con người bị đồng nhất với lễ vật. Đàn bà bị mang ra hiến tế cho thần linh
hay cống nạp, hiến thân cho vua quan chẳng hạn.
Nho giáo dùng Lễ trị chứ không phải Nhân trị.
Nhân, Nghĩa, Trí, Tín chỉ là bịp bợm. Lễ gắn liền với hình phạt: tàn khốc thì
tru di, tử hình, gọt tóc bôi vôi hạ nhục, bỏ rọ trôi sông, nhẹ thì phạt quỳ,
phạt đòn roi... Hình phạt làm cho kẻ bị trị tuân thủ một cách tự động, vô thức.
Lễ là công cụ cai trị tốt nhất, hữu hiệu nhất của thể chế độc tài, toàn trị.
Chuyện cụ Khổng đặt ra yêu cầu: "Quân
quân, thần thần, sư sư, phụ phụ". Vua cho ra vua, quan cho ra quan, thầy
cho ra thầy, cha cho ra cha, nếu không thì "thượng bất chính, hạ tắc
toạn", điều này tôi đã nói trong dịp 20.11 năm trước. Tuy nhiên, trong một
cơ chế không có sự kiểm soát quyền lực, ít kẻ thống trị nào, trong gia đình,
nhà trường và xã hội nhớ lời dạy này để làm đúng phận sự. Tất cả chỉ thực hiện
một chiều, bởi đặc tính của quyền lực là lạm dụng tuyệt đối vì lợi ích thống
trị. Đó là lý do Nho giáo ngày càng phản động và bị lợi dụng triệt để. Có thực
hiện chủ nghĩa gì thì Việt Nam và Trung Quốc vẫn lấy Nho giáo làm nòng cốt để
trị dân và làm nền tảng cho giáo dục. Các loại chủ nghĩa và các cải cách chỉ là
giả tạo để mị dân.
Sự thực là, trong thứ trật tự tôn ti đó, càng
tôn kẻ có quyền lực lên cao thì kẻ bị trị càng bị đạp xuống hàng ti tiện.
Có người viện dẫn Nhật, Hàn để khoe hiểu biết
rằng, Nhật, Hàn vẫn giữ lễ thì sao? Nho giáo đặc sệt đó mà sao vẫn phát triển?
Dạ thưa, Lễ của Nhật, Hàn đã cải hóa triệt để, trong lễ nghi của họ, thay bằng
tôn kính một chiều là Tương kính. Tương kính, tôn trọng lẫn nhau là bình đẳng.
Tôi thấy nhà vua Nhật hay Tổng thống Hàn gập người cúi đầu trước nhân dân khi
nhân dân chào mình. Tôi cũng thấy ở họ, trò gập người cúi đầu chào thầy thì
thầy cũng cúi đầu chào trò. Còn lễ vật thì bị cấm triệt để. Nguyên thủ hay quan
hay thầy của họ nhận Lễ vật dù chỉ mấy chục đô la cũng có thể bị ra tòa và đi
tù, vì lễ vật đó đồng nhất với hối lộ.
Tương kính là nguyên tắc của giáo dục hiện
đại. Thầy biết tôn trọng học trò thì trò mới kính trọng thầy. Không có chuyện
"tôn sư trọng đạo" một chiều. Thầy không ra thầy thì trò gọi bằng
thằng, dù có dán trên mặt hàng trăm chữ Lễ. Nhờ đó, loại thầy ngu và tham không
có đất sống trong giáo dục hiện đại.
Lại có người nói, nhờ "Tiên học Lễ hậu
học Văn", nhờ học Lễ (phép tắc Nho giáo) trước học Văn (tri thức nói
chung) mới có được động lực học tập, tiếp thu tri thức thông hơn, tốt hơn.
Không. Lễ là khuôn phép, nhồi sọ con người, biến con người thành công cụ, tiêu
diệt hoàn toàn tự do và sáng tạo.
Lại có người nói bỏ Lễ truyền thống đi thì
học trò ngày càng vô lễ. Sự thực, tôi dạy học gần 30 năm, chưa thấy học trò nào
vô lễ với mình. Trong hàng trăm sự vụ bạo lực học đường, tôi chỉ thấy thầy cô
là bạo chúa và học trò hoàn toàn cúi đầu nhẫn nhục làm nô lệ. Đến mức học sinh
vì chữ Lễ hay tôn sư trọng đạo mà chấp nhận làm nô lệ tình dục cho thầy, vụ
Hiệu trưởng Đinh Bằng My là một điển hình. Chỉ thấy một trường hợp duy nhất
cách đây mấy năm tại Tây Sơn, Bình Định, khi thầy đánh học sinh như đánh kẻ thù
mới có hiện tượng học sinh xông lên đánh thầy. Trong trường hợp ấy, theo tôi,
thầy bị trò đánh là phải đạo. Bởi đó không phải là thầy mà là côn đồ kích động
bạo lực ở học đường.
Nhiều người không lo xã hội nảy sinh nhiều
bạo chúa (vì có lẽ chính họ cũng là bạo chúa) mà lại tỏ ra lo lắng khi bỏ Lễ sẽ
sinh ra loại học trò vô lễ. Tâm lý đó làm cho người Việt 300 năm nữa cũng không
thể có tự do, dân chủ và tiến bộ.
Trường tôi từng lộ không ít bạo chúa học
đường: ăn chặn, cưỡng hiếp học trò có đủ. Nhưng khi xử lý, chúng đều biện minh
bằng cụm từ "tôn sư trọng đạo".
Chuyện thật 100% xảy ra mới toanh. Một nữ
sinh xinh đẹp được thầy để ý. Bất ngờ bị trượt thi học phần môn thầy. Nữ sinh
thắc mắc vì sao làm được bài mà bị thầy cho điểm kém. Thầy hẹn trò ra quán cafe
đèn mờ giải quyết. Trò tin và ngoan ngoãn ra quán với thầy. Thầy bắt nữ sinh
đáp lễ bằng cách cho thầy nắm tay. Tưởng thầy chỉ nắm tay, ai ngờ thầy đưa tay
nữ sinh lên miệng mút. Mút nhễ nhại. Nữ sinh tởm quá rút tay về và lẳng lặng
vào toilet để rửa. Lại bất ngờ thầy xuất hiện sau lưng và ôm quàng lấy trò, đè
cổ hôn ngực hôn môi trò. Nữ sinh giãy giụa chống trả và bị thầy cắn môi sưng
như trái cam! Sự vụ to như thế, ngang bằng hiếp dâm, nữ sinh đã phát đơn kiện,
nhưng đám quan chức vẫn che đậy được, chỉ vì chữ Lễ hay "Tôn sư trọng
đạo".
Hàng năm, các quan dưới nhân danh Lễ, cứ Tết
đến là nườm nượp kéo nhau đến nhà quan trên biếu phong bì và quà cáp, giá trị
to gấp nhiều lần thu nhập của một người lao động để nịnh hót, để giữ ghế. Loại
Lễ gì mà tạo ra sự tham lam và hèn mạt vô độ vậy?
Khác với Nhật, Hàn dùng lễ tương kính để đi
đến bình đẳng. Lễ ngày nay tại Trung Hoa và Việt Nam còn biến tướng thảm hại
gấp nhiều lần Lễ ngày xưa. Đủ các tệ nạn: buôn thần bán thánh, chạy chức chạy
quyền, lo lót, hối lộ, cưỡng dâm, hiếp dâm... được ngụy trang bằng Lễ.
Tóm lại, Lễ là cha đẻ của các bạo chúa và làm
cho sự độc tài toàn trị từ gia đình đến nhà trường và xã hội được duy trì dai
dẳng trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam. Nó là thứ mặt nạ giả dối để kẻ thống
trị che đậy đủ thứ tệ nạn xã hội. Nó làm cho nhân cách con người ngày một ti
tiện nhưng nhầm tưởng đang sống phải đạo làm người. Lễ là kẻ thù của tự do, dân
chủ, khai phóng và sáng tạo.
Xã hội loài người như cái con tàu khổng lồ,
nó muốn chinh phục đỉnh cao của sự tiến bộ, nhưng nhiều nơi vẫn ì ạch, thậm chí
tụt hậu bởi thói quen đã thành vô thức của đám đông. Trí thức phải là người
tiên phong soi sáng và tạo động lực cho con tàu vượt lên. Nhưng chừng như ở xứ
sở này, trí thức rất đông, lại ngu và tham, nên rất có thể chúng đưa dân tộc
quay về thời bộ tộc hoang dã.
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy
Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75
.
........................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn
gửi ngày 07.09.2019
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Họ châu trí trá bậc thầy
Trả lờiXóaNói ngang ngược lật xoay đủ trò