(Trường Đồng Khánh - Trưng Vương mang tên Nguyễn Trãi từ 1950-1956 ; Ảnh: tác giả cung cấp) |
CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH
(Truyện ký
của Nguyễn Bàng)
*
1.
(Nhà văn Nguyễn Bàng) |
Tôi bắt
đầu được cắp sách đến trường năm 12 tuổi. Nhưng tôi biết đọc biết viết từ năm 9
tuổi.
Nguyên
do là năm 1946, u tôi đem ba chị em tôi tản cư theo gia đình cậu mợ tôi lên ấp
Đại Bái ở tỉnh Phúc Yên, nơi cậu tôi đã làm trưởng ty điền địa trước năm 1945,
cũng là nơi có cái ấp 500 mẫu ruộng thuộc sở hữu của người em trai ruột mợ tôi,
ông Đỗ Đình Cận. Họ Đỗ Đình là một dòng họ lớn, nổi tiếng và có thế lực, gốc rễ
từ Ý Yên, Nam Định khởi phát mạnh từ đời ông Đỗ Đình Thông, còn gọi là Hàn
Thông, có công với người Pháp trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ 19. Mợ
tôi, bà Đào Thị Ý là con gái đầu lòng ông Đỗ Đình Đạt. Ông Đạt là con thứ ông
Hàn Thông cũng có 500 mẫu ruộng ở vùng Hải Dương. Ông Đỗ Đình Cận không tản cư
mà vẫn ở lại Hà Nội nên ủy quyền cho cậu mợ tôi trông nom khu ấp của ông. Vốn
con nhà nông lại kinh qua mấy năm trưởng ty điền địa Phúc Yên, cậu tôi về ấp tự
cày cấy làm kế sinh nhai cho gia đình. U tôi cùng chị gái tôi năm đó 14 tuổi
cũng nhận ruộng cấy từ cậu mợ tôi. Tôi và anh Hồng chăn trâu và chăn vịt.
Năm
1947, một đơn vị bộ đội mấy chục anh về đóng nhờ ở ấp Đại Bái khoảng 3 tháng.
Chỉ Huy là anh Thắng, chỉ biết anh bảo tên anh Thắng còn họ là gì không ai hỏi
và cũng không ai nghe nói. Anh Thắng người Hà Nội, đang theo học dở dang trung
học; hay hát và hát cũng rất hay. Hai bài anh thường hát cho mọi người
nghe, chẳng ai biết tên là bài gì của ai sáng tác mà chỉ nhớ câu mở đầu: “Mùa
đông đã đến nơi rồi” và “Ai về chợ huyên Thanh Vân”. Anh Thắng ơi, hát bài “Mùa
đông đã đến nơi rồi” cho chúng em nghe đi!; Anh Thắng ơi, dạy chúng em bài hát
“Ai về chợ huyện Thanh Vân” tối nay nhé! Mọi người thường yêu cầu anh như thế.
Anh Thắng không chỉ nhiệt tình hát cho mọi người nghe, dạy mọi người hát mà còn
bày cả việc dạy chữ cho mọi người. Lớp học của anh mở ngay giữa sân nhà chính
của cậu mợ tôi ở trong ấp. Trừ cậu mợ tôi, và một vài người đã biết chữ như bác
Hanh, anh Hồng, hai chị em Vị, Nguyên con cậu Đài tôi đã mất được cậu Đổng với
đạo nghĩa “sảy cha còn chú” nuôi dạy , không học anh Thắng còn lại những người
không biết chữ ai nấy đều theo học, trong đó có u tôi, chị Đô và tất
nhiên là có tôi. Anh Thắng lấy nong nia làm bảng, vôi trắng khô làm phấn; chúng
tôi lấy que tre làm bút, lấy mặt sân đất làm giấy vở.
Dạo ấy
để mọi người tích cực học bình dân học vụ, một phần vì các chợ có lệ, ai muốn
được vào mua bán thì phải đọc được mấy chữ viết trên những cái nong nia hay
trên những tấm ván treo chắn ngay lối ngoài cổng chợ. Vì thê, người lớn tuổi
học anh Thắng để mong biết đọc, thoát cái cảnh phải trốn chui trốn lủi để lẻn
vào trong chợ như kẻ cắp. Trẻ con thì học để không bị lêu lêu khi đứa này đố
đứa kia viết hay đọc đúng từng chữ một trên nền đất và rồi mơ ước sẽ đọc được
mấy cuốn truyện nôm khuyết danh như Trương Chi, Thạch Sanh, Hoàng Trừu ...trong
cái kệ sách ở ngôi nhà lớn của cậu mợ tôicho người già nghe. Khi đơn vị của anh
Thắng rời ấp thì hầu hết mọi người đều thoát nạn mù chữ. Bọn trẻ chúng tôi tự
học thêm theo cách riêng của mỗi đứa. Tôi dược cậu tôi cho mấy mẩu bút chì cũ
mà tôi coi như của quý hiếm rồi cậu tôi bày cho cách kiếm lá chuối khô vuốt cho
phẳng phiu làm giáy mà tập viết.
Cuối hè
năm 1949, gia đình tôi lại theo cậu tôi hồi cư. Gia đình cậu tôi vào thành phố
Hà Nội còn u con tôi về quê. Bấy giờ, u tôi mới đem gói chè và chùm trầu cau
dẫn tôi đến nhà thầy giáo Đính, một ông chú tron họ xin cho tôi được vào học
lớp Năm ở trường làng. Gọi là trường nhưng đâu có phải trường. Làng Dịch Vọng
năm đó chỉ có 4 lớp tiểu học, học nhờ trong gian đình của thôn Tiền: Hai lớp Ba
và Nhì học buổi sáng do thầy Lê Văn Nhân dạy; hai lớp Tư và Năm học buổi chiều
do thầy Nguyễn Văn Đính dứng lớp. Như vậy, thầy nào cũng dạy hai lớp cùng một
buổi. Đình Hà được mượn để làm lớp học. Cả gian giữa rộng lớn của đình, nửa này
là lớp Tư, nửa kia là lớp Năm quay lưng với nhau không có vách ngăn mà chỉ cách
nhau một lối đi rộng chừng 2 mét. Đang dạy lớp Năm chúng tôi, muốn sang lớp Tư
bên cạnh, thầy Đính viết bài lên bảng cho lớp tôi rồi gõ thước cạch cạch lên
bàn ra hiệu cho chúng tôi bắt đầu tự ngồi làm bài hay chép bài rồi thầy sang
bên lớp Tư. Vậy mà học trò rất ngoan, khi không có thày đều yên lặng cắm cúi tự
học, không đứa nào dám nói to, tự đứng lên ngồi xuống chứ đừng nói chuyện dám
không có thầy ma mất trật tự, trêu ghẹo hay đánh chửi nhau.
(Nhà văn Nguyễn Bàng năm 14 tuổi) |
Học lớp
Năm chừng ba tháng, thầy Đính bảo u tôi, thằng cu con nhà chị nó sáng dạ, biết
đọc biết viết rất nhanh, tôi cho nó lên học luôn lớp Tư cho khỏi phí. Thầy đâu
biết tôi đã biết chữ từ khi được anh Thắng dạy! Thế là chỉ trong vòng ba tháng,
tôi đã học xong lớp Năm và được lên ngay lớp Tư học nốt năm học.
Năm sau,
cậu tôi đã có việc làm ở Sở Canh Nông đóng trong khuôn viên vườn Bách Thảo. Gia
đình cậu cũng không ở nhờ nhà mẹ vợ là bà Tư trên phố Hàng Trống nữa mà chuyển
về ở nhờ nhà ông Năm, em trai bà Tư, cậu ruột mợ tôi ở phố Phù Đổng Thiên
Vương. Ông Năm làm việc ở sở Đoan Hải Phòng nên còn có nhà riêng ở phố Tám Gian
dưới đó, ông ở cùng vợ và đứa con trai nhỏ. Ngôi nhà 2 tầng rộng rãi và đẹp như
một biệt thự phố của ông ở phố Phù Đổng Thiên Vương trên Hà Nội này giao cho em
gái ông là bà Sáu cai quản đồng thời trông nom dạy dỗ ba cô cháu gái, con của
vợ chồng ông anh. Hai cô chị tên là Ngọc và Yến đã đến tuổi cập kê, thôi học ở
nhà chờ kén rể; cô em thứ ba tên là Ninh đang theo học trường Sainte Marie. Bà
Sáu là một con chiên ngoan đạo, không lấy chồng, sống rất mực thước gia giáo từ
lời ăn tiếng nói đến bước đi, cách đứng ngồi. Dù chưa có nhà riêng nhưng nhà
ông cậu mợ của tôi khá rộng, cậu tôi cho đem ba đứa cháu ở quê ra nuôi cho ăn
học: hai anh em tôi Hồng, Bàng và chị Thông, con gái bác chánh Hanh, anh cả của
u tôi và cậu. Nhưng chưa được mấy ngày thì chị Thông nhớ nhà đòi về, bác chánh
Hanh chiều con cũng ưng thuận nên cậu tôi không dám nói năng gì. Ít lâu sau,
anh Hồng tôi cũng bỏ trốn nốt. Cậu tôi cho người về quê bảo với u tôi “Thằng
Hồng nó không muốn đi học mà muốn ở nhà rồi đi hót cứt, chị phải đưa nó ra
ngay”. U tôi sợ cậu tôi giận nên đuổi không cho anh ấy ở quê nhưng anh ấy cứ lì
ra không chịu ra Hà Nội học. Vì thế, cậu tôi sai người đầy tớ là anh Lê
về làng, mua một cái rọ lợn to, doạ tìm bắt anh Hồng nhốt vào đó đem ra cho cậu
nhưng anh ấy vẫn không ra mà tìm cách chạy trốn trui trốn lủi, có lần còn chạy
tít xuống cánh đồng Bông. Bấy giờ Tây đóng ở bốt Cầu Giấy hay càn xuống làng,
cậu tôi sợ Tây thấy anh ấy chạy trên bờ ruộng sẽ bắn chết nên đành nuốt giận và
không thèm quan tâm đến thằng cháu ấy nữa.
Nghe u
tôi nói, ông giáo Đính bảo tôi học được, cậu tôi bảo thế thì cho nó thi nhẩy
cóc từ lớp từ Tư vào thẳng lớp Nhì. Rồi cậu tôi tính toán, muốn vậy phỉ
tìm một trường nhỏ lại xa trung tâm Hà Nội, ít học sinh giỏi thi mới ăn
chắc. Và cậu đã tìm ra trường Đỗ Hữu Vị ở tận trên mạn đường Quán Thánh gần sở
Canh nông của cậu. Tôi Thi và đã đỗ đúng như toan tính đó. Và thế là, hàng
ngày, sau khi ăn bát cơm rang điểm tâm, tôi ra chợ Hôm, bắt xe điện từ chợ Hôm
lên Bờ Hồ, qua chợ Đồng Xuân đến Quán Thánh thì xuống vào trường học. Hôm nào
không phải học chiều thì tan trường, tôi lại ra Quan Thánh băt tầu điện về nhà.
Hôm nào phải học chiều thì nghe lời cậu tôi, đi bộ lên sở Canh Nông ăn cơm nắm
rồi tha thẩn chơi quanh quẩn ngoài cổng sở, bên những lùm cây xum xuê của khu
vườn Bách Thảo.
Dạo đó,
ngoài cái tên trường Dịch Vọng mang tên của làng mình mà tôi đã học thầy Đính ở
đó một năm, tôi không biết thêm tên một trường nào khác. Nay học trường Đỗ hữu
Vị, tôi không hiểu Đỗ Hữu Vị là ai mà lại được đặt tên cho một trường học. Tôi
đem thắc mắc đó hỏi cậu tôi thì được cậu giảng giải:
Đỗ Hữu
Vị là tên một viên đại uý không quân đắc lực của người Pháp, có bố là Đỗ Hữu
Phương được Pháp phong hàm Tổng đốc, tục gọi là Tổng đốc Phương. Xuất thân hộ
trưởng, lần thăng huyện, phủ, đốc phủ sứ ở Chợ Lớn cho đến khi hưu trí,
Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng cho tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm
Tổng đốc, chết năm 73 tuổi.
Các con
ông là Đỗ Hữu Chẩn (Đại tá quân đội Pháp), Đỗ Hữu Trí (gọi là Trí Chánh án), Đỗ
Hữu Vị (Đại úy không quân) đều là tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Con gái là
Đỗ Thị Nhàn có chồng là Hoàng Trọng Phu người Hà Tĩnh làm Tổng đốc Hà Đông, gia
phong Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ và một người nữa là Đỗ Thị Dần,
có chồng là Lê Nhiếp, Tri phủ Vinh Tường, Vĩnh Yên.
Lúc
thịnh thời, nhằm Tết Nguyên đán, Đỗ Hữu Phương có câu đối dán trước nhà nhằm
thách người đối được sẽ được thưởng, nguyên văn:
Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ;
Đỗ một nhà: “ngũ phước tam đa”.
Sau đó
có kẻ vô danh gởi đến câu đáp như sau; nhưng không nhận thưởng:
“Cù lao Rồng có lũ thằng phung;
Phung một lũ “Cửu trùng bát nhã”.
để nói về tư cách, hành vi của cha con ông.
Sau này
các con Đõ Hữu Phương đều xin quốc tịch Pháp lấy họ Chan (Chẩn).
Trường
Tiểu học Đỗ Hữu Vị đúng là một trường nhỏ, chỉ có một dẫy nhà một tầng mái ngói
khoảng chục phòng học. Sân trường không rộng nhưng rợp tán lá bàng. Tôi chỉ học
ở đó hơn 2 tháng nên không có nhiều kỷ niệm. Duy có một việc luôn ám ảnh trong
đầu mà tôi không biết hỏi ai và cũng không dám hỏi cậu tôi. Số là trước cổng
trường có một trại lính gồm toàn lính gốc Phi với những khuôn mặt đen nhẻm và
mấy vết rạch hằn trên mặt mà người ta quen gọi là Tây ba vạch khiến người yếu
bóng vía nhìn thấy đều khiếp đảm. Tôi và nhiều bạn học cũng rất sợ phải nhìn
thấy những khuôn mặt đó. Nhưng càng sợ lại càng hay tò mò. Giờ ra chơi nào
chúng tôi cũng rủ nhau lấp ló bên cổng trường nhòm về bên trại lính. Điều
thường thấy là mấy anh lính gác hay đổi phiên nhau liên tục. Mỗi khi anh này
thay anh kia thường giơ ngón tay trỏ ra và nói hầu như một câu giống
nhau: “keng mi nuýt!. Anh được đổi cũng tươi cười nhắc lại cũng ngân
ấy tiếng “keng mi nuýt” rồi háo hức biến vào cuối cái ngõ nhỏ tồi tàn ngay cạnh
trại lính.
Mãi đến
năm 1952, khi đã được học Pháp Văn và đọc hàng loạt báo chí và tác phẩm văn học
từ Tự Lực Văn đoàn đến Tiểu thuyết Thứ bẩy và các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng,
tôi mới vỡ lễ ra là, bọn lính da đen gác thay nhau để vào chơi gái nhà thổ ở
trong ngõ. Chắc chúng toàn đi tàu nhanh rẻ tiền nên nhắc nhở nhau chỉ “keng mi
nuýt”!” (quinze minutes) tức là 15 phút thôi nhé là phải về ngay đấy!
Trường
Tiểu học Đỗ Hữu Vị, cái tên không phải là một địa danh hay một danh nhân, một
anh hùng trong lịch sử mà chỉ là tên một viên đại úy không quân cả dòng họ làm
tay sai cho thực dân Pháp, ở gần ngay một trại lính da đen, sao mà hợp nhẽ
thế!
Hai
tháng học lớp Ba trường Đỗ Hữu Vị, tháng đầu tôi gần đội sổ: xếp thứ 46 trên 52
học sinh. Thầy giáo phê vào Thông tín bạ: Học kém. Phải cố gắng nhiều mới mong
khá được. Về nhà tôi cũng bị cậu tôi mắng và nhắc: Không siêng năng học thì sẽ
bị đúp lại lớp, uổng công thi nhảy cóc đấy. Tôi lo sợ thật sự nên tự bắt mình
phải đánh vật với bài vở. Tháng sau, tôi vươn lên được 20 bậc, xếp thứ 26. Thầy
giáo phê: Đã có tiến bộ chút ít. Cậu tôi không còn mắng nữa nhưng nói, mới được
mức trung bình thôi, phải siêng học hơn nữa. Sau đó, cậu tôi xin cho tôi chuyển
về trường Tiểu học Quang Trung trên đường Quang Trung, gần hồ Ha Le.
Đường từ
nhà đến trường Quang Trung của tôi bây giờ rất ngắn, từ chợ Hôm ra phố Huế
ngược lên một quãng rẽ trái vào phố Trần Quốc Toản, hết phố thì tới trường ở
ngay góc ngã tư Trần Quốc Toản và Quang Trung. Trường này có tiếng ở Hà Nội,
nhiều phòng học khang trang, sân chơi rộng rãi, xanh um toàn tán lá những cây
bàng gìa. Nhưng tôi chỉ được học có hơn hết năm lớp Nhì nên ấn tượng về trường
Quang Trung trong tôi không nhiều về hình ảnh ngôi trường hay thầy giáo và các
bạn học mà chỉ có mỗi hình ảnh thầy Thành hiệu trưởng đọng lại về sau. Tôi chưa
một lần đến gần thầy hiệu trưởng hay được thầy bảo ban điều gì nhưng hình ảnh
thầy với trang phục khăn xếp, áo the đen, quần dài trắng, hai gấu ống quần luôn
có hai cái cặp để khỏi quệt vào xích cái xe đạp nam với đôi phanh đũa kềnh
càng, nước sơn đen bóng lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận luôn luôn sống động
trong lòng tôi cung với hình ảnh thầy Thành mỗi lần dắt xe ra vào cổng trường
đều làm cho hàng trăm cặp mắt học trò đổ nhìn theo.
Năm sau,
nhờ viện trợ Mỹ có thêm trường tiểu học Vân Hồ. Trường Quang Trung đông học
sinh nên cắt một số lớp Nhất đưa về trường Vân Hồ. Tôi phải chuyển về đó học.
Đường đến trường bây giờ là từ chợ Hôm đi thẳng sang Trần Nhân Tông, Nguyễn
Đình Chiểu tới gần Đại Cồ Việt, xa hơn trường Quang Trung. Các lớp học trong
trường đều tường xây gạch mộc, mái lợp tôn kẽm trông còn rất tuềnh toàng.
Khu sân chơi rộng rãi trống không toàn đất cát vì cây bóng mát mới đang được
ươm trồng.Thầy giáo dạy tôi năm đó là thầy Nguyễn Văn Tôn, người gầy mỏng và
hiền khô không để lại nhiều ấn tượng trong học sinh ngoài một bộ com lê màu nâu
đã cũ sờn nên tôi cũng không có nhiều ghi nhớ về thầy.
Hết năm
lớp Nhất trường Vân Hồ, tôi phải lên thi tốt nghiệp bậc Tiểu học tại trường Lý
Thường Kiệt ở phố Nguyễn Khuyến phía sau phố Nguyên Thái Học. Kỷ niệm còn ghi
đậm nhất kỳ thi này là buổi thi đọc thuộc lòng. Học sinh vào phòng thi, ngồi
chờ gọi theo số báo danh. Ban giám khảo ba người gồm hai thầy ngồi hai ghế bên
và một cô giáo ngồi ghế giữa trước một cái bàn, cả ba đều còn rất trẻ. Khi cô
giáo gọi đến tên ai, người đó lên, khoanh tay cúi người lễ phép chào ban giám
khảo rồi tự mình đưa tay nhặt một thăm giấy trong đó ghi tên bài sẽ phải đọc trình
lên bàn cho ban giám khảo xem. Đến tên tôi, rút thăm được bà Nhớ rừng của Thế
Lữ. Tôi sướng quá vì tôi vốn rất thích thơ Thế Lữ và bài Nhớ rừng này thì tôi
đã thuộc nằm lòng. Thế là tôi đọc liền một mạch đầy tự tin và trôi chảy.
Sau này
trong tờ giấy chứng nhận Tốt nghiệp Tiểu học của tôi ghi loại Bình. Ngày đó học
sinh được xếp học lực theo các hạng từ cao xuống thấp là Ưu, Bình, Bình thứ và
Thứ.
2.
Cuối hè
năm đó, tôi phải thi vào trường Trung học Nguyễn Trãi, là trường Trung học Cơ sở Trưng Vương Hà Nội ngày nay, nằm trên một nền đất vuông vức ngay ngã tư phố
Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại
lộ Carreau). Đây là một ngôi trường nổi tiếng đào tạo nữ sinh Việt Nam và là
một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng
theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô. Tuy nhiên ít ai biết được ngôi
trường này trước kia có tên gọi là Trường trung học Paul Bert – tên chính danh
của trường. Còn các tên gọi khác theo hệ đào tạo là Trường Cao đẳng tiểu học
Nam sinh (Trường Con Trai – École des Garçons), Cơ sở giáo dục Nữ sinh người
Việt (Institution de Jeunes filles annamites), Trường Sư phạm nữ sinh người
Việt (École Normale des Institutrices annamites), Trường Trung học nữ sinh
người Việt (Collège de Jeunes filles annamites), hay trường được gọi theo tên
phố là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (École de Jeunes filles de Đồng Khánh), vì mặt
chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh và nhiều nét riêng biệt khác nữa. Năm 1948 đánh
dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương.. Nhưng người dân Hà
Nội vẫn gọi rất đơn giản là Trường Hàng Bài.
Ngày
nay, không mấy ai tin khi nói trường Hàng Bài đã một thời là trường trung học
Nguyễn Trãi. Khoảng thập kỷ 90, tôi cùng đoàn giáo viên quận Hồng Bàng Hải
Phòng về thăm trường Trung học Cơ sở Trưng Vương hiện nay, tôi nói tôi đã học ở đây hồi
trường mang tên Nguyễn Trãi thì ai cũng ngạc nhiên và ngờ vực. Có người còn hỏi
nhạo tôi: “Hay anh thấy trường người ta nổi danh đẹp và sang quá nên bắt quàng
làm trường cũ của mình?”. Tôi giận đắng lòng nhưng cũng đành nhịn thinh vì
không biết lấy gì minh chứng. Vì chính trong phòng truyền thống của trường,
người ta xem bảng viết về lịch sử trường cũng chỉ thấy viết:
(Trường Đồng Khánh - Trưng Vương mang tên Nguyễn Trãi từ 1950-1956 ; Ảnh: tác giả cung cấp) |
Trường
Trưng Vương được thành lập năm 1917, lúc đầu ở phố Hàng Cót (trường Thanh Quan
ngày nay), sau đó chuyển về Lò Đúc (trường Lê Ngọc Hân ngày nay), năm 1921
chuyển về 26 Hàng Bài, mở hệ phổ thông, dành riêng cho học sinh nữ nên có tên
gọi là “Trường nữ trung học An Nam” hoặc “Trường Đồng Khánh”.
Năm
1943, Mỹ ném bom Hà Nội, trường sơ tán về Hưng Yên, đến năm 1945 vẫn chưa trở
lại. Sau Cách mạng tháng Tám, khu trường rộng rãi này được chọn làm trụ sở Bộ
Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến ngày toàn quốc kháng chiến.
Sau năm 1945, trường đổi tên là “Trường nữ học Trưng Vương”.
Không
một dòng một chữ nào nói đến cái tên Nguyễn Trãi ở đây.
Thậm chí
ngay bây giờ, có internet nhưng tìm xem lịch sử trường Nguyễn Trãi Hà Nội trên
Bách khoa toàn thư mở cũng chỉ thấy nói trường PTTH Nguyễn Trãi ở quận Ba Đình
Hà Nôi, tịnh không thấy nói có giai đoạn trường Nguyễn Trãi ở phố Hàng Bài.
Nhưng
hỏi thật kỹ bác Google thì cũng ra được một tài liệu hiếm hoi do tác giả:
Nguyễn Văn Trường ghi chép hiện lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Hà
Nội. Trích mấy đoạn như sau:
“Cả khu
Trường Hàng Bài, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được chọn làm trụ sở Tổng
trấn Bắc kỳ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Ngày 14
tháng 2 năm 1946, theo nghị định của Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe
ra Nghị định, số 85 Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Hà Nội được đổi tên là
Trường Trung học Hai Bà Trưng. Nhưng Trường Trung học Hai Bà Trưng khóa
1946-1947 vẫn chưa được chuyển về Hàng Bài mà học ở Phố Lò Đúc, tức Trường Lê
Ngọc Hân bây giờ.
Đầu năm
1948, Trường Hàng Bài vẫn chưa được dùng lại làm trường học, Trường Nữ Trung
học phải học nhờ trường tiểu học phố Hàng Than, Hà Nội (nay là Trường Nguyễn
Công Trứ) Đến cuối năm học, đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường
Nữ Trung học Trưng Vương. Ngôi trường mang tên hai vị nữ anh hùng dân tộc Hai
Bà Trưng được chuyển về đúng phố Hai Bà Trưng.
Cho đến
năm học 1950-1951, ngôi trường Hàng Bài bắt đầu được dùng trở lại làm trường
học, nhưng đó là Trường Trung học Nguyễn Trãi. Trường Trưng Vương vẫn tiếp tục
hoạt động ở số 9, phố Hai Bà Trưng đến năm 1956 mới chính thức trở lại ngôi
trường Hàng Bài cho đến ngày nay”.
Tôi đỗ
vào trường Trung học Nguyễn Trãi và được xếp vào lớp Đệ thất B2 năm học 1952-
1953. Năm ấy thầy Đào Văn Trinh làm hiệu trưởng. Khỏi nói tôi đã sung sướng ra
sao khi được vào học ở một ngôi trường quốc lập bề thế giữa lòng Hà Nội. Thời
kỳ này Hà Nội, ngoài trương trung học Nguyễn Trãi, chỉ có mấy trường Trung học
nữa như Albert Sarraut, Trường dòng Puginie, Chu Văn An, Trưng Vương và mấy
trường tư thục như Văn Lang, Thăng Long và Dũng Lạc (Do các cha bên Thiên Chúa
thành lập). Sang đến năm 1953 mới có thêm trường tư thục Minh Tân dành cho nam
sinh và trường tư thục Tây Sơn dành cho nữ sinh.
Trường
Trung học Nguyễn Trãi hồi ấy có từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhất, tức đủ hai ban:
Ban Thành chung (từ Đệ Thất đến hết Đệ Tứ) và ban Tú tài (từ Đệ Tam đến hết Đệ
Nhất). Trường có phòng riêng cho các giờ học nhạc, học vẽ và có cả Hội trường
cho học sinh tập văn nghệ, chơi bóng bàn. Giờ học thể dục thường xếp vào các
buổi riêng, thầy giáo và học sinh lên thẳng bãi sân Septo, nguyên có tên là Hội
thể dục Bắc Kỳ (Socíeté d'éducation physique du Tonkin - SEPTO) để tập. Từ sau
1957, bãi Septo gọi là sân Hàng Đẫy.
Đặc biệt
trường có phòng Hội đồng giáo sư, một căn phòng lớn vừa làm phòng chờ lên lớp
cho các giáo sư vừa làm nơi họp hội đồng theo lịch. Phòng lớn, bàn ghế kê ngăn
nắp, tường treo nhiều tranh mỹ thuật có giá trị trong đó nổi bật bức bức chân
dung Nguyễn Trãi cổ vẽ trên lụa thể hiện nét mặt hiền hậu, đôi mắt sáng tinh
anh, ngồi trên ngai, đội mũ cánh chuồn màu đen, mặc áo màu xanh có trang trí
hai rồng chầu mặt trời, mây, tứ linh; cổ, ngực và vạt tay áo màu cánh sen. Ngai
màu nâu trang trí hoa bốn cánh, tay ngai thể hiện cách điệu hình rồng quay ra
ngoài, chân quỳ. Bức tranh này chỉ là bản sao bức tranh chính nhưng cũng được
sao vẽ bằng màu nước trên lụa tơ tằm mịn và được đóng khung gỗ, mặt kính rất
trang trọng. Dước bức chân dung Nguyễn Trãi là một tấm lụa bồi màu vàng thư
viết lại bài Bình ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn do người anh hùng dân tộc
thảo, bên trái là nguyên tác chữ Hán, bên phải là bản dịch của cụ Lệ Thần Trần
Trọng Kim. Mỗi lần đi qua phòng Hội đồng giáo sư mà cửa không đóng, bao giờ tôi
cũng dừng lại ít phút nhìn vào bức chân dung Nguyễn Trãi và bức lụa viết bình
Ngô đại cáo ấy.
Trong
hai năm học Đệ Thất, Đệ Lục, từ 1952 đến 1954, trước khi Hà Nội được chính phủ
Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp quản, tôi có hai anh bạn thân.
Người
thứ nhất là anh Nguyễn Hưng Nhân ở số nhà 23 phố Mai Hắc Đế. Anh Nhân mồ
côi bố, có hai cô em gái, bà mẹ bán vải ở chợ Bắc Qua cũng khá giả nhưng sau
1954, việc buôn bán bị coi rẻ nên gia cảnh nhà anh bắt đầu sa sút. Anh Nhân học
giỏi các môn Toán Lý Hoá, thành thạo về thực hành điện và ăn nói cũng khá hùng
biện, chăm đọc sách khoa học và các truyện trinh thám, đặc biệt là các truyện trinh
thám của Phạm Cao Củng.
Người
thứ hai là anh Nguyễn Văn May, quê gốc ở Quỳnh Côi Thái Bình cũng mồ côi bố. Bố
anh lấy bà vợ đầu không có con, lấy bà sau là mẹ anh sinh được anh và một cậu
em kém anh đến 5 tuổi. Thái Bình là vùng đất được coi là vựa lúa
của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng Thái Bình đã bị nạn đói năm 1945 cướp đi trên 28
vạn người. Nhiều địa phương, nhiều gia đình, cả dòng họ chết không còn một ai.
Nhà anh May đã phải ăn lá sung, củ chuối cầm hơi, và may mắn qua được nạn đói
ấy. Năm 1947, hai bà mẹ của anh bàn nhau chia con để sống. Bà mẹ đẻ ra anh mà
anh gọi là bu do người gầy yếu và mắt kém nhận ở lại quê làm ruộng, trông nom
nhà cửa và nuôi đứa con nhỏ. Còn anh Mây theo bà cả mà anh gọi là mẹ không sinh
ra anh nhưng nhận nuôi anh và đem anh đi khỏi Thái Bình lang thang với nghề cất
vó te kiếm ăn lần hồi từ vùng đầm rạch này sang vùng đầm rạch khác rồi lên đến
Hà Nội và dựng một túp lều định cư ở vùng hồ Bẩy Mẫu cạnh đường Trần Nhân
Tông bây giờ. Nhờ đó anh được học tiểu học ở trường Vân Hồ rồi sau thi vào
Trung học Nguyễn Trãi như tôi. Hàng ngày mẹ anh dạy từ sớm tinh mơ, mang theo
độ 2 chục chiếc vó con làm bằng vải xô cho dễ dóc nước, khổ vuông chừng
40 phân có 2 thanh tre uốn cong làm gọng vó, khâu vào 4 góc vải xô. Ngoài
ra, đồ nghề của bà còn thêm một chiếc rá to, mấy túm lá tre, lá nhãn, hay tấm
lá sen, để khi đổ tép vừa cất được thì che đậy trên mặt rá khiến tép không nhảy
ra được; một bát thính đã rang thơm phức để nhử tôm tép; một cây gậy có mấu,
dài chừng 3 m để cất vó; một chiếc giỏ tre to như quả bầu nậm để buông những
con tôm sống. Bà tìm đến các cánh đồng, các vùng nước cũng cạn, chỉ còn xấp
xảnh chân ruộng, nơi tôm tép đồng cũng đã lớn, chúng lang thang đi kiếm ăn dưới
gốc các khóm lúa, bụi cỏ, mảng rong rêu đặt vó. Quá trưa thì ba ngừng công
việc, tìm đến chợ gần nhất bán tôm tép, chỉ dành lại một ít đủ các thứ linh
tinh cả tôm tép lẫn cá nhỏ, cua con đem về làm thức ăn cho hai mẹ con.
Anh May
ở nhà, sáng dậy ăn cơm mẹ nấu từ sáng sớm đã ăn để đi cất vó, ủ phần cho anh
trong nồi, trưa đi học về ăn nốt chỗ cơm sáng còn lại, làm bài học bài và trông
nhà. Nói là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một túp lều tường đất mái lá gồi thấp
lè tè, cửa ra vào được che bằng một tấm liếp. Trong nhà ngoài một chiếc chõng
tre cho bà mẹ ngả lưng và một tấm phản ghép bằng gỗ của các thùng đựng sữa cho
anh May nằm ngủ. Còn có một cái bàn học nữa cũng là một cái thùng gỗ đựng
sữa dựng dọc lên cho cao vừa tầm ngồi. Phía cuối nhà là góc bếp treo vài chiếc
rổ rá và mấy cái nồi niêu không phải bằng đồng hôm mà là bằng đất. Không biết
thời đó do ít trộm cắp hay do thấy nhà chẳng có tài sản gì đáng kể nên đi đâu,
mẹ con anh May chỉ khép tấm liếp lại và buộc dây thừng thay khoá. Nghèo như vậy
nhưng anh May rất chăm chỉ và học khá giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh.
Rất thân
với Nguyễn Hưng Nhân và Nguyễn Văn May nhưng suốt 4 năm cùng nhau học trong một
lớp dưới mái trường Nguyễn Trãi, chúng tôi không bao giờ được xếp ngồi cùng bàn
với nhau. Mà tôi, oái ăm lại bị hai năm liền ngồi gần anh Dương Văn Luận điển
trai con nhà giàu. Bố Luận là luật sư Dương Văn Đàm đi theo kháng chiến, anh ở
lại Hà Nội với bà mẹ xinh đẹp con nhà tư sản giàu có nên trong túi anh lúc nào
cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Còn ít tuổi nhưng Luận đã nghiện thuốc lá nặng, thứ
thuốc anh chuyên dùng là Cotab, ngồi bên anh tôi luôn luôn bị ám bởi mùi thuốc
lá trộn lẫn với mùi quần áo và thân thể anh làm cho rất khó chịu và mệt mỏi.
Nhiều lúc thèm hút thuốc, Luận xin phép thầy giáo đi vệ sinh rồi ngồi trong nhà
xí mà hít liên tiếp cho hết điếu thuốc để về lại lớp. Lúc ấy mới thật là khốn
nạn cho tôi và mấy người ngồi bên và đằng trước phía sau anh Luận vì ở người
anh bốc lên một cái mùi vừa hôi khét vừa thôi thối muốn n buồn nôn và khó thở.
Vào những ngày mưa phùn ẩm ướt cái mùi ấy lại càng thêm tệ hại. Sau Sự kiện
Tiếp quản Thủ đô Hà Nội mà người ta gọi là ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954,
ông Dương Văn Đàm, bố Dương Văn Luận trở về Hà Nội. Nhưng Luận tỏ ra không yêu
kính ông bố ấy. Anh bảo tôi, bố tao theo Việt Minh giờ về có một vị trí cao
trong ủy ban liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc , giữ
chân canh gác tờ báo Chính Nghĩa, ăn lương của Mặt trận Tổ quốc nên bị những
người công giáo coi là một con chiên ghẻ khiến mẹ tao là một giáo dân ngoan đạo
rất khổ tâm.
Một
người nữa là anh Trương Văn Liêm, khuôn mặt thô ráp với bộ răng hô trông dáng
anh thợ cày trên tranh minh hoạ sách báo, thường bị xếp ngồi cuối lớp, tôi
không thân nhưng anh rất thích nói chuyện với tôi ở ngoài hè đường trước giờ
trống trường báo vào học. Nhà anh Liêm có cửa hàng gạo nên anh cũng luôn
được bố mẹ cho tiền. Sáng nào anh cũng đón tôi ở cổng trường, rủ tôi ăn khi
bánh mì xúc xích khi ăn kem bát...Tôi từ chối nhiều lần nhưng anh làm bộ mặt
trách giận nên nhiều khi tôi đành phải nghe theo. Về sau tôi tránh anh bằng
cách đi sớm vào ngay sân trường hoặc thấy anh đứng đợi gần cổng trường, tôi ẩn
bên một gốc cây chờ trống mới rạo cẳng vào sau anh.
3.
Trường
Trung học Nguyễn Trãi những năm tôi học, từ thầy hiệu trưởng đến các giáo sư
toàn là nam giới, không có một cô giáo nào, thậm chí lao công quét dọn nhà
vệ sinh cũng là đàn ông. Trong 4 năm học, có tới hơn bốn chục thầy đã dạy
tôi nhưng tôi nhớ nhất có mấy thầy sau:
Trước
tiên là thầy Trọng, Tổng giám thị nhà trường. Thầy Trọng to cao vạm vỡ trông
như một võ tướng. Mùa hè luôn mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần sooc
trắng. Mùa đông là bộ đồng phục màu đen, cả cà vạt cũng đen nốt. Giờ ra chơi
nào, thày cũng đi khắp sân trường với nét mặt lúc nào cũng làm nghiêm, trông thấy
học sinh nào vi phạm nội quy liền khoát tay vẫy gọi lại để cảnh cáo. Hoặc nhận
giấy vào ngày cuối tuần như làu chùi lớp, dọn thùng rác, quét nhà vệ sinh, cạo
các vết bẩn trên hành lang sàn, … hay phạt ở lại trường sau giờ học ngay ngày
hôm đó để chép phạt vài trăm lần một câu thầy nhắc nhở. Một lần ra chơi vào mùa
đông, trời rất rét nên tôi đút hai tay vào túi quần cho ấm, đang lững thững đi
trong sân thì thầy Trọng trông thấy khoát tay lệnh cho tôi tới bên thầy. Khi
tôi chào thầy xong, đứng nghiêm người lại thì thầy quắc mắt hỏi:
- Mày có biết mày vừa phạm tội gì không?
Tim tôi
rung bần bật trong lồng ngực vì sợ hãi nhưng không biết mình phạm tội gì nên
mặt nghệt ra. Thầy Trọng bảo:
- Mày đút hai tay vào túi quần đi trong sân đông người. Nhỡ
có ai chạy đâm vào mày thì mày lấy cái gì chống đỡ. Lần sau đi trong sân trường
cấm đút tay vào túi quần, nghe chưa?
- Dạ, thưa thầy con rõ rồi ạ!- Tôi lí nhí lễ phép đáp lại
và được thầy ra hiệu cho đi.
Từ đấy
mỗi lần trông thấy thầy Trọng từ xa, tôi vội tìm cách tránh xa thêm thầy.
Sau hè 1954,
thầy Trọng di cư vào Nam.
Hai thầy
dạy tiếng Anh Nguyễn Xuân và Nguyễn Đình Sửu đều để lại ấn tượng mạnh không chỉ
riêng tôi mà là tất cả học sinh đã học các thầy. Thầy Nguyễn Đình Sửu dạy Đệ
Thất và Đệ Lục, Thầy Nguyễn Xuân dậy lớp Đệ Ngũ. Thày Sửu năm đó đã 36 tuổi
nhưng chưa lập gia đình, dáng cao và khoẻ mạnh, lúc nào cũng đeo đôi kính râm
gọng đồi mồi sang trọng, đến trường lúc nào cũng trong bộ com lê tuỳ mùa mà
thay vải và màu sắc. Đặc biệt, mỗi ngày thầy thắt một cà vạt khác nhau, toàn
hàng đẹp và sang trọng. Vì thầy sống một mình lại vui tính nên bọn học trò
chúng tôi hay rủ nhau đến nhà thầy chơi. Có lần thầy cho chúng tôi xem phòng
treo cà vạt của thầy, một cái phòng rộng chừng mười mấy mét vuông, kê hàng chục
giá treo ca vạt đủ các màu sắc xanh đỏ, vàng đen, vàng nâu, tím bạc. Thầy chỉ
vào từng cái giới thiệu lai lịch của nó: cái này là lụa vàng nâu mua ở
Hàng Đào, cái này là len xanh đặt mua từ bên Pháp, cái này là coton đỏ bà chị
gái tặng...Thời bấy giờ sách học tiếng Anh là quyển L’Anglais Vivant Bleu
do một giáo sư người Pháp soạn cho học sinh Pháp, nhà La Hachette xuất bản và
học sinh Việt ta vì chưa có sách nên đành học ké. Thầy Sửu đến lớp không bao
giờ mang theo cặp hay sách dạy. Vào lớp, sau khi cho học sinh mở sách để trên
bàn, thầy rút từ trong túi quần ra mấy tờ sách xé ra từ cuốn sách L’Anglais
Vivant Bleu để đọc và giảng cho học sinh. Sang lớp khác ở những tiết sau
cũng thế, cho hết buổi học thầy mới vứt mấy trang sách đó vào sọt giấy.
Thầy Sửu
rất mê cô bán sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền. Hết giờ dậy thầy ra ngay hiệu
sách, loanh quanh tìm hết cuốn này đến quyển khác rồi ra quầy tìm cách hỏi
chuyện cô nàng. Nhưng hai năm học trôi qua vẫn không thấy thầy nói đến chuyện
cưới vợ.
Sau năm
1954, tiếng Anh bị vứt bỏ để học tiếng Trung về sau là Tiếng Nga, thầy Sửu mất
nghiệp. Người ta cho thầy trông coi học sinh trong các buổi lao động dọn dẹp
nhà trường một thời gian dài rồi cho chuyển sang dạy môn Địa lý lớp 5 phổ thông
cấp Hai. Nghe nói đến khi nghỉ hưu thầy cũng chưa lấy vợ.
Thầy
Nguyễn Xuân thì khác. Du học ở bên Anh rồi học thêm nghề may rồi về nước
vừa làm giáo sư Anh ngữ vừa làm Xuan tailor ở nhà riêng, rất đông khách vì may
đẹp và kiểu cách Tây hiện đại. Giọng đọc tiếng Anh của thầy Xuân ấm và hay hơn
giọng thầy Nguyễn Đình Sửu. Do có nghề may nên khi mất chức giáo sư trung
học, thầy Xuân xin thôi việc, yên lòng về làm tailor.
Thầy
Chung Quân (tên thật là Nguyễn Đức Tiến) dạy nhạc cũng rất ấn tượng. Thầy Tiến
đẹp trai, dáng dong dỏng cao, hay đeo kính mát gọng vàng, và ăn mặc rất sang
trọng. Năm đó thầy còn rất trẻ, chỉ hơn bọn mới vào trường chúng
tôi một, hai tuổi và có khi còn kém tuổi nhiều anh học chuyên ban Tú tài.
Nghe nói khi mới 16 tuổi, bản Làng tôi của thầy đã đã đánh bại các bậc
đàn anh giành được giải của Công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà
Nội và được lấy làm bản nhạc nền cho phim Kiếp hoa, một trong số ít những phim
Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này. Vì là phim có tiếng nói đầu tiên kể từ
năm 1937 khi ngành phim ảnh Việt Nam được khai sinh, Kiếp Hoa nổi tiếng khiến
bản nhạc Làng Tôi và tác giả của nó cũng nổi tiếng theo, cả nước đều
biết.
Do danh
tiếng của mình từ khi đoạt giải lại thêm đang học sư phạm chuyên ngành về Nhạc,
nên còn rất trẻ tuổi, thầy Chung Quân được trường mời về dạy nhạc cho các lớp
từ đệ Thất đến đệ Tứ.
Trẻ tuổi
nhưng thầy Chung Quân rất lạnh lùng với học sinh. Trên lớp thầy nói nhỏ nhẹ,
giảng bài hay gọi học sinh đứng lên xướng âm cũng nhỏ nhẹ, chúng tôi bảo thầy
giữ giọng đấy. Mà đúng thế thật, khi thầy xướng âm hay hát mẫu, giọng của thầy
mới to hẳn lên và bao giờ trước khi hát thầy cũng trịnh trọng gõ thanh nĩa
chuẩn âm (gọi là ‘âm thoa’) bằng kim loại trắng. Không biết có phải nhạc chỉ là
môn học phụ, có hệ số điểm thấp nhất là 1, mỗi tuần chỉ học có một giờ (giống
như Vẽ, Thể dục) mà thầy không biết tên chúng tôi. Tôi chưa bao giờ thấy
thầy có nhớ, và gọi tên bất cứ một học sinh nào - trừ khi có sổ điểm trước mặt!
Bản nhạc
Làng tôi của thầy hay và nổi tiếng nên các lớp học thầy đều được thầy dạy hát
thuộc lòng và nhà trường giao cho thầy thành lập một dàn đồng ca dạy hát và
lĩnh xướng bài đó để mỗi khi nhà trường đón khách hay tổ chức liên hoan
văn nghệ ở hội trường thì biểu diễn.
Năm
1954, thầy Chung Quân cùng gia đình di cư vào miền Nam Việt Nam, Sau khi nước
nhà thống nhất, vào Sài Gòn, tôi có hỏi mấy chú em con cậu tôi thì được biết,
thầy Chung Quân tiếp tục dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và
Nguyễn Trãi. Thầy Chung Quân còn là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi
tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng
thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải đó là một
trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau
không thấy phổ biến rộng rãi. Ông không di tản mà vẫn ở lại Việt Nam.
(Trường Nguyễn Trãi một thuở) |
Hai năm
đầu học trường Nguyễn Trãi, tôi có 2 kỷ niệm đáng gi nhớ.
Một là,
năm lớp Đệ thất tôi được cấp học bổng do là con nhà nông dân nghèo không còn
bố, mẹ nuôi 3 con không có ruộng. Tôi không nhớ số tiền là bao nhiêu nhưng khi
đem về đưa cậu tôi thì cậu tôi đã mua cho tôi một chiếc đồng hồ đeo tay Nikles,
một chiếc cặp làm bằng da bò đã được thuộc tại nhà máy thuộc da Thụy Khuê và
một bộ quần áo đồng phục mùa hè vải mềm màu cứt ngựa nhạt. Bây giờ đi học, tôi
mặc bộ quần áo đồng phục mới, tay xách cặp chứ không cầm túi vải nữa và cổ tay
đeo đồng hồ nom oách hẳn lên khiến mấy anh trong lớp hay nói trêu ghẹo tôi:
Đồng hồ Nikes vừa nghe vừa lắc, cho xem tí nào?
Anh
Nguyễn Văn May cũng được học bổng như tôi, anh cũng đưa cho mẹ anh hết nhưng bà
chỉ sắm cho anh bộ quần áo đồng phục và bảo để gửi vè quê cho em anh có tiền
mua sách vở.
Kỷ niệm
thứ hai là, cuối năm lớp Đệ lục tôi được lên Nhà hát lớn Thành phố nhận thưởng
về môn Quốc Văn. Hồi ấy nhà trường không chia năm học thành 2 học kỳ như bây
giờ mà chia thành hai kỳ "lục cá nguyệt". Cuối mỗi kỳ lục cá
nguyệt đều có bài thi cho từng môn rồi căn cứ vào điểm số bài thi mà xếp hạng
học sinh về môn đó. Cả hai kỳ lục cá nguyệt, tôi đều được xếp hạng nhất về môn
Quốc Văn nên cuối năm được phần thưởng về môn đó. Mà phần thưởng cũng không
nhỏ: 10 cuốn vở 100 trang, hai cuốn Cổ học tinh hoa do hai nhà nho là cụ
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân biên soạn, 1 cuốn Tâm hồn cao
thượng do nhà giáo Hà Mai anh dịch từ từ bản Pháp ngữ “Les Grand Coeurs” của
nhà văn Ý Edmond de Amicis và 1 cuốn Tự Điển Bách Khoa Larousse.
(Cha Phê rô Nguyễn Huy Mai) |
Các kỳ
nghỉ hè hai năm 1953, 1954, cậu tôi gửi tôi lên học thêm ở trường Dũng Lạc,
mang tên linh mục Andre Trần Dũng Lạc bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy
dưới đời vua Minh Mạng. Trường ở ngay bên hông Nhà thờ Lớn, do cha Nguyễn Huy
Mai Chánh xứ nhà thờ chính tòa sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường Dũng Lạc mời
được nhiều giáo sư danh tiếng về dạy nên rất đông học sinh như tôi được học
thêm môn Quốc Văn do thầy Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần báo
Thế kỷ dạy. Cha mai rất hiền hậu. Giờ ra chơi nào cha cũng ra ngoài cửa văn
phòng, trong bộ áo chùng thâm, đôi kính trắng đứng nhìn các trò chơi đùa trong
sân trường. Sau hiệp định Genève ra đời, cha Nguyễn Huy Mai cùng một số lớn
linh mục Hà Nội cũng đi vào Nam. Cha Nguyễn Huy Mai gia nhập giáo phận Kontum,
dưới quyền Giám mục đương nhiệm Paul Seitz.Từ năm 1964, linh mục giữ chức Thư
ký thường trực Hội đồng Giám mục miền Nam.
Đường đi
học trường Dũng Lạc của tôi xa hơn trường Nguyễn Trãi. Nhà tôi ở phố Phùng Khắc
Khoan, phía sau chợ Hôm. Trường Dũng Lạc nằm bên hông nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ
nhà, tôi theo phố Huế, đụng Hồ Hoàn Kiếm, rẽ trái trên phố Tràng Tiền, rẽ phải
theo ven Hồ Hoàn Kiếm, thêm một cái rẽ trái nữa là đã thấy Nhà Thờ Lớn. Chặng
dài nhất là phố Huế, khi tôi đi bộ, khi tôi đi xe điện. Nhưng tôi thích đi bộ,
một phần không có tiền mua vé xe điện, một phần vừa đi vừa đọc truyện kiếm
hiệp, Thể loại này từng làm mưa làm gió trên mặt báo suốt một thời gian dài
những Long hình quái khách, Giang hồ kỳ hiệp, Hỏa thiêu Hồng Liên tự…Lại thêm
cái thú nữa là hôm nào rùa Hồ Gươm nổi lên thì đứng lại xem cùng với mọi
người.
4.
Sau tiếp
quản thủ đô Hà Nội tháng 10-1954, cậu tôi vẫn ở lại Hà Nội rồi đi làm công chúc
lưu dung một thời gian, sau đó nhận thấy khó ổn ới chính quyền mới, tháng Giêng
năm 1955, cậu tôi đem vợ con tìm cách xuống Hải Phòng rồi di cư vào Nam. Tôi
không thể đi theo cậu được nhưng vẫn ở lại căn nhà của cậu mợ để lại nay do dì
tôi cũng là chị gái cậu đứng tên trông nom. Dì tôi góa chồng lúc mới ngoài ba
mươi tuổi, một nách nuôi 4 con, một trai ba gái. Trong những năm đầu cuộc kháng
chiến 9 năm, dì buôn tiền chuyển đổi giữa hai vùng kháng chiến và vùng tạm
chiếm, rất phát đạt, có nhà cửa ở bên Gia Lâm. Nhưng năm 1952, sau mấy lần bị
bắt, dì khánh kiệt, phải bán hết nhà cửa và chỉ còn hai bàn tay trắng rồi phải
cầu cứu ông em là cậu tôi cho về ở căn nhà 25 Phùng Khắc Khoan để cho các con
có chỗ ăn học. Cậu tôi cưu mang cả năm mẹ con dì, cấp cho bà chị một ít vốn để
có một chỗ ngồi ở chợ Bắc Qua bán khăn mặt và quần áo trẻ con. Công việc buôn
bán của dì đang có cơ khấm khá thì tiếp quản Thủ đô làm cho nó tê liệt luôn. Vì
vậy, bữa cơm ở nhà dì mỗi ngày mỗi thêm tằn tiện, thức ăn chủ yếu là rau muống
luộc chấm tương hoặc rau muống luộc cũng nấu với tương có đập thêm mấy miếng
gừng cho thơm mùi để dễ ăn với cà muối, năm thì mười hoa mới có được đĩa đậu
phụ rán non hay đĩa trứng tráng mỏng. Tuy thế, tôi và 4 đứa em con dì đang tuổi
ăn tuổi lớn chỉ cần no bụng là được. Mấy năm đầu tiếp quản, mùa đông rất lạnh
như năm 1955, có những ngày lạnh xuống 5 độ. Người ta truyền nhau kinh nghiệm
chống rét bằng cách lót giấy báo cũ vào bụng và ngực rồi mặcc áo rét phủ ngoài
cho khỏi bị ho bị cảm lạnh. Buổi tối, mấy anh em ngồi học mới thật là cảnh ngộ,
đứa nào đầu cổ cũng quấn chặt chiếc khăn phu la dạ đã sờn rách, chân đi tất,
toàn là tất vải cổ không chun nên phải lấy dây nịt cột cho khỏi tụt. Tôi và chú
em con trai cả của dì tên là Đào Quốc Giám, lớn hơn tôi một tuổi, ngủ chung
giường, đắp chung một chiếc chăn chiên Nam Định màu hồng xỉn, bao giờ lúc vào
giường cũng co kéo nhau một lúc để không đứa nào bị hở đầu hở chân rồi mới đi
vào cơn ngủ.
Việc học
của tôi cũng rất nhiều thay đổi.
Năm đầu
1954-1955, lớp tôi học vẫn mang tên hệ Trung học cũ: Đệ Ngũ. Nhưng nội dung các
môn học thì thay đổi rất nhiều, đặc biệt môn Quốc Văn gần như mới hẳn, rất
nhiều tiết học về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, về các tác phẩm văn học kháng chiến
chống Pháp…Các thầy giáo cũng xáo trộn nhiều. Một số giáo sư trung học cũ dạy
các môn Toán, Lý, Hoá, sinh vẫn được tiếp tục giảng dạy. Các giáo sư dạy Anh
Pháp thì mất nghiệp, một số xin thôi việc, một số được chuyển sang làm các việc
khác như thày Nguyễn Đình Sửu đã nói bên trên. Bây giờ số đông là các giáo viên
từ kháng chiến trở về hoặc từ miền Trung miền Nam tập kết ra.
Sang năm
học 1955-1956, đáng lẽ lên lớp đệ Tứ thì lớp bị chuyển đổi sang gọi là lớp 7
theo hướng sát nhập dần hai hệ thống 12 năm trong vùng Pháp thuộc và 9
năm ngoài vùng kháng chiến. Vậy là sau 8 năm học tập, mất công thầy Đính cho bỏ
lớp Năm lên lớp Tư, mất công cậu tôi cho thi nhảy cóc bỏ lớp Ba lên lớp Nhì, bù
cho cái tuổi đã lớn mới được cắp sách đến trường, nay sau 6 năm học, tôi được
xếp vào lớp 7. Đúng là mèo lại hoàn mèo!
Lớp tôi
là lớp 7A do thầy Phạm Hữu Bình người Quảng Nam làm chủ nhiệm. Thầy Bình cùng
quê và là bạn nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Chính vì thế, khi trích học tiểu thuyết
Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, thầy Bình cho lớp tổ chức một buổi hội thảo về
cuốn tiểu thuyết mà thầy nói đã làm nên văn hiệu nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Thầy
giao cho tôi viết bài thuyết trình để cả lớp thảo luận và học tập.
Thực
lòng tôi thấy tác phẩm Con trâu của Nguyễn Văn Bổng là một thứ xa lạ, xa
lạ cả về nội dung và cả về văn vẻ với đầy các tiếng xứ Quảng rất khó đọc. Trước
đây, tôi đã đọc và thích Con trâu, tiểu thuyết của nhà văn Trần Tiêu trong nhóm
Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông
thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Con trâu là đầu cơ nghiệp.
Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người, những người nông dân
như bác Chính quanh năm đầu tắt mặt tối gần như suốt đời không có phút thảnh
thơi. Con Trâu của Trần Tiêu còn là một tác phẩm độc đáo vì Trần Tiêu là người
duy nhất của Tự lực văn đoàn gồm những trí thức văn nghệ sĩ Tây học và trung
lưu thành thị lại sống gắn bó với nhà quê và tự đảm nhận việc miêu tả trực tiếp
và tỉ mỉ đời sống ở nông thôn.
Nhưng
thầy Bình giao việc, tôi không thể không phải đọc cho hết cuốn Con trâu của
Nguyễn Văn Bổng và phải viết theo đúng hướng dẫn của thầy là làm nổi bật lên
một tầm vóc lớn lao của Con trâu trên mặt trận chiến đấu đầy cam go,
quyết liệt. Ấy là, giặc giết, bắt hàng trăm con trâu hòng tiêu diệt mặt
sản xuất của ta. Mà như thế, cũng có nghĩa là tiêu diệt trực tiếp lực lượng
chiến đấu – dân quân, du kích, và cả bộ đội chủ lực, trước hết là bộ đội địa
phương. Vì họ sống nhờ sự nuôi dưỡng trực tiếp của nhân dân ở nông thôn. Bộ đội
có ăn no mới đánh thắng, thóc gạo nuôi quân có đảm bảo thì kháng chiến mới có
cơ hội thành công. Con trâu – nhân vật tượng trưng, như một hình tượng từ cuộc
sống vào nghệ thuật. Đánh giặc, giữ làng, bảo vệ sản xuất chính là một hình
thái của chiến tranh nhân dân.
Tôi phải
mất cả một tuần, đọc, trích và ghi chép rồi viết gần chục trang giấy. Xong buổi
hội thảo, thầy Bình rất vui, tuyên dương tôi trong giờ sinh hoạt cuối tuần rằng
tôi có khả năng học văn và tích cực trong công việc được giao.
5.
Sang năm
học1956-1957, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 (1956) đã diễn ra nhằm thống
nhất hai hệ thống giáo dục 9 năm và 12 năm của vùng tự do và vùng mới giải
phóng thành Hệ thống giáo dục: 10 năm gồm 3 cấp nên năm học 1956-1957, tôi được
lên lớp 8 trường Phổ thông cấp 3.
Năm học
này, như đã nói trường trung học Nguyễn Trãi trả lại cơ sở cho trường trung học
Trưng Vương rồi chuyển lên phố Cửa Bắc. Do vậy, tôi được chuyển sang trường Phổ
thông cấp 3 Việt Đức (thường gọi là phổ thông cấp 3A), cơ sở trường nguyên là
trường Dòng mang tên Giám mục Puginier được xây cất xong năm 1897. Các thầy
giáo, cô giáo hầu hết là những thầy, cô trẻ được đào tạo từ khu học xá Nam Ninh
- Trung Quốc. Học sinh thì lẫn lộn con em những gia đình kháng chiến trở về với
học sinh trong Hà Nội tạm chiếm như bọn tôi nên mặc dầu đã sau 2 năm tiếp quản
nhưng vẫn còn nhiều cách biệt. Họ thì phấn khởi được về Thủ đô, bố mẹ đều có
công việc trong các cơ quan nhà nước; bọn tôi thi thấy thua thiệt đủ mọi thứ
trong đó cái thua nhất là không được học tiếng Anh tiếng Pháp mà bắt đầu từ năm
lớp 8 này phải học tiếng Trung Quốc, mở đầu là những tiếng Lảo sư hảo, chào
thầy giáo, ủa che, tên tôi là...Do vậy trong lòng hầu hết học sinh trong lòng
Hà Nội cũ chúng tôi đều mang một nỗi chán nản và có phần bất mãn.
Đang sắp
sửa khai giảng năm học, tháng 9-1956, nghe thiên hạ háo hức đồn đại và đón chờ
sắp có một tờ báo mới tên là Nhân Văn, một tạp chí văn học định kỳ, ra mỗi nửa
tháng một số mà chủ nhiệm báo là cụ Phan Khôi, một học giả tên tuổi, một nhà
thơ, nhà văn, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.
(Cụ Phan Khôi) |
Tôi đã
biết danh cụ Phan Khôi khi đọc Nhà Văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và đọc trực
tiếp một số bài viết của cụ trên Nam phong tạp chí trong tủ sách của cậu tôi,
nay nghe tin ấy tôi cũng háo hức chờ đợi. Vừa hay, anh Lê Văn Mãn, người bạn
mới quen khi cùng nhận lớp 8H trường mới đến chơi. Anh Mãn quê ở Hưng Yên, đi
tắt qua vùng bãi bồi hai bên sông Hồng thì làng anh chỉ cách Hà Nội chưa đầy
hai chục cây số. Gia đình cho anh lên Hà nội trọ học ở nhà một người quen ở phố
Bà Triệu. Anh vừa đi học vừa đi bán kem để đỡ đần bố mẹ. Anh bảo tôi, nhiều
người mong ngóng đọc tờ Nhân Văn lắm, theo tôi anh nên nhận một số báo đi bán
kiếm thêm ít tiền sách vở. Tôi không bận bán kem tôi cũng sẽ làm việc này.
Từ lâu
tôi cũng đã có ý định tìm việc gì đó để làm kiếm thêm chút tiền, nay nghe anh
Mãn gợi ý tôi thấy rất hay. Tôi lên phố Tràng Tiền tìm vào nhà Thông tin Tràng
Tiền rộng mênh mông, có đến vài trăm mét vuông, là nơi chỉ để mọi người ghé vào
đọc báo công cộng, xem thông báo về tình hình Thủ đô và cả để tranh thủ trú
mưa, tránh nắng nữa. Căn nhà tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Đông Dương này
hồi chưa tiếp quản là phòng thông tin của người Pháp ở Hà Nội , bởi thế hầu như
chiều thứ năm hàng tuần nào lũ học sinh trung học chúng tôi cũng rủ nhau đến
chờ phát vé vào xem xi nê không mất tiền ở phòng Studio trên gác hai. Toà soạn
và trị sự báo Nhân Văn chiếm một góc nhỏ bên phải tầng một. Tôi được hướng dẫn
ngày giờ lấy báo, giá bán và được động viên hãy hết lòng tích cực phát
hành báo nhiều và rộng khắp.
Ngày 15 tháng
Chín, 1956, số Nhân Văn đầu tiên ra mắt. Học xong buổi sáng, buổi trưa tôi lên
lấy thử 50 tờ, đi bộ từ Tràng Tiền lên Hàng Đào, Hàng Ngang rồi vừa rẽ sang
Hàng Bạc thì dã bán hết veo số báo. Tôi thật vui sướng thấy lần đầu trong đời
mình đi bán báo mà tờ báo mình bán được hoan nghênh và bán chạy như thế. Có khi
đang giao báo cho người nhà này thì người nhà bên biết, người ta chen ra cổng
mua, có một vài người đưa tiền cho tôi mà không lấy tiền trả lại. Thế là, tôi
đi như chạy về tòa soạn lấy thêm hơn trăm tờ báo nữa rồi vòng xuống phố Huế,
phố Bà Triệu, phố Quang Trung, nhà nào cũng gõ cửa vào giới thiệu và mời chào
cho đến tối thì bán hết. Hai ngày sau đi các phố nhỏ nhưng cũng bán được mỗi
ngày 200 số rồi sang ngày thứ ba thì toà soạn đã không còn báo để phát
hành. Giờ tôi cũng không nhớ mỗi hôm đi bán báo đã kiếm được bao nhiêu tiền mà
chỉ nhớ ngày nào bán hết báo xong, tôi đã tự thưởng cho mình một bát phở bò tái
ở hàng phở Hói phố Trần Nhân Tông với cái giá 2 hào rưỡi.
Báo Nhân
Văn ra tiếp số 2 vào ngày 30- 9- 1956 thì ngày 20- 10 báo Trăm Hoa bộ mới do
nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số 1. Tôi vốn rất thích thơ
Nguyễn Bính, thuộc lòng cả bài thơ dài Lỡ bước sang ngang của ông. Nhiều lần về
quê đã đọc thuộc bài Lỡ bước sang ngang cho u tôi nghe đến nỗi u tôi cũng nhẩm
thuộc nhiều câu. Nay thấy báo của ông phát hành, tòa soạn lại ở phố Hàng Chuối
gần nhà tôi ở nên tôi cũng đến nhận báo Trăm Hoa đi bán và bán cũng rất chạy.
(Ảnh: nhà văn Nguyễn Bàng cung cấp) |
Trong
thời gian bán báo, tôi đã có một gặp gỡ bất ngờ mà tôi coi là rất vinh hạnh. Ấy
là lần đến lấy báo Nhân Văn số 3 đi bán, khi tôi đang đém và xếp báo thì thấy
một người đàn ông đi từ ngoài cửa phòng thông tin vào. Đó là một người đàn ông
người thấp, hơi thô, hai cánh tay chắc nịch với đôi mắt xếch và cặp mày
rậm làm cho khuôn mặt trông hơi vẻ dữ dằn đặc biệt là ông ta còn có một vết sẹo
to ở cổ khiến tôi ngờ ngợ tự hỏi: Trần Dần? Bởi tôi đã nghe đồn Tạp chí Giai
phẩm mùa Xuân vừa in xong là bị tịch thu ngay, Trần Dần, với bài thơ Nhất định
thắng bị đấu tố tơi bời, quy tội phản động, mang ra đấu tố công khai trước hội
nghị và đã bị giam 3 tháng tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Trần Dần uất ức dùng lưỡi
dao cạo cứa cổ tự sát nhưng không chết. Sau này còn vết sẹo to ở cổ. Nghĩ thế,
tôi bỗng thấy mình như nhỏ lại khi người đàn ông ấy tiến lại gần rồi đứng sát
bên tôi cạnh cái bàn của ban trị sự tòa báo. Thấy tôi dừng tay đếm báo nhìn,
người đàn ông ấy há rộng miệng ra cười ròn rã hỏi:
- Học
sinh hả?
Nghe
tiếng cười ròn rã đó, tôi không còn thấy sợ nữa và lễ phép trả lời:
-
Vâng.
Ông ta
vỗ vai tôi bảo:
- Tốt
lắm
Rồi hỏi:
- Chú em
có thích viết văn không?
Tôi đáp:
- Dạ rất
thích nhưng em chưa bao giờ viết văn cả.
- Không
sao, hãy học và tiếp tục bán báo lấy thêm tiền ăn học đã. Khi nào có điều kiện
đến chơi nhà anh ở phố Sinh Từ, anh sẽ dạy chú. Anh là Trần Dần, nhớ nhé!
Vậy đúng
là Trần Dần, tác giả cuốn tiểu thuyết Người người lớp mà tôi đã đọc ở Thư viện
thành phố, giờ lại là tác giả bài thơ Nhất định thắng vẫn đang ồn ào dậy sóng
ngoài xã hội. Bài thơ tuy bị cấm nhưng đã được rất nhiều người thuộc nhớ và
truyền tai nhau, chép lại của nhau. Bản thân tôi cũng thuộc những câu thơ
như:
Em biết đâu
Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi...
Hay:
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Tôi rất
sung sướng vì đã được nói chuyện với Trần Dần đôi ba câu ấy, trong bụng
thầm nghĩ, khi nào báo Nhân Văn được 10 số sẽ tìm tới phố Sinh Từ để gặp ông và
xin ông nói về chuyện viết văn. Nhưng sau khi Nhân Văn ra số 5 vào ngày
20 tháng 11 năm 1956 thì bị buộc đình bản. Rồi ngày 15/12, ủy ban hành chính Hà
Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 (số cuối cùng) của Nhân Văn không
được in. Báo Trăm hoa của Nguyễn Bính phát hành được 11 số, đến tháng 1- 1957
thì cũng đình bản nốt. Tôi mất đi một việc làm vừa đầy hứng thú vừa có được
chút tiền và mất đi một cơ hội gặp một nhà văn nhà thơ lớn bởi không còn dám
nghĩ sẽ tìm tới phố Sinh Từ để được gặp ông Trần Dần nữa. Tuy vậy, tôi cũng có
một niềm vui là đã giữ lại cho mình 5 số báo Nhân Văn, coi như là những ấn phẩm
quý để cho các bè bạn thân cùng đọc.
Nhưng
cũng chẳng được bao lâu, người ta kêu gọi ai có báo Nhân Văn phải đem nộp cho
công an khu phố, tôi sợ nên ai đã mượn cũng không lấy lại và
vì thế mà về sau thất tán hết.
6.
Vào lớp
8H trường Phổ thông cấp 3, tôi chỉ còn anh Nguyễn Văn May thân thiết đã 4 năm ở Trung
học Nguyễn Trãi. Anh Nguyễn Hưng Nhân đã thôi học phổ thông, thi vào trường
trung cấp kỹ thuật 1 Hà Nội. Tuy thế, chỉ sau ít ngày tôi đã có thêm những
người bạn mới
Trước
hết là anh Lê Văn Mãn, người đã gợi ý cho tôi việc đi bán báo Nhân Văn. Anh Mẫn
vẫn tiếp tục đi bán kem, thấy tôi mất việc, anh bảo tôi nếu muốn đi bán kem như
anh, anh sẽ giới thiệu với bà chủ hiệu kem nhưng tôi chưa có gan đeo cái thùng
kem đi rong phố phường như anh.
Hai anh
em anh Lê Đình Nghĩa và Lê Đình Phúc, nhà ở ngay bên cạnh phố nhà tôi ở, rất
tiện cho chúng tôi hẹn hò nhau cùng đi học. Bố của hai anh là ông Lê Đình
Xá, một nhân viên kế toán kép rất giỏi việc làm cho cty than Hồng Gai của Pháp
nay được lưu dung. Ngôi nhà của ông Hiền là một ngôi nhà 2 tầng kiểu Tây rất
đẹp. Bà vợ đầu của ông tức mẹ đẻ của hai anh Nghĩa và Phúc đã mất để lại 5
người con: anh con cả bị câm bẩm sinh, hai anh Nghĩa và Phúc, tiếp theo là một cô
em gái và cậu em út. Ông Xá lấy bà vợ kế có thêm hai con trai nhỏ một 8 tuổi,
một 10 tuổi, giao cho bà này trông nom nhà cửa và cả đàn con để tiện việc
ra làm tận ngoài Hồng Gai. Thời Pháp chủ mỏ có xe đưa đón nên chiều thứ Bẩy nào
ông Xá cũng về nhà đến sáng thứ Hai đi sớm ra ngoài mỏ. Nay xe cộ khó khăn, mỗi
tháng ông mới bắt xe khách về một lần lại thêm bà mẹ kế rất lành nên hai anh em
Nghĩa Phúc rất thoải mái, nhà đẹp lại rộng tha hồ mời các bạn đến chơi và học.
Anh Nghĩa chỉ thích học mỗi môn tiếng Anh, nay tiếng Anh bị bỏ anh vẫn kiếm
sách cũ tự học. Anh luôn dắt trong túi áo một mẩu bút chì gọt nhọn đầu để đọc
sách tiếng Anh, đến từ nào chưa biết thì gạch chân nó rồi tra từ điển ghi nghĩa
của nó ở bên lề trang. Nhiều buổi tối, anh Hậu rủ chúng tôi ra vườn hoa Pásteur
nằm ở giữa 4 tuyến phố Tăng Bạt Hổ, Trần Nhân Tông, Yecxanh, Nguyễn Công Trứ
rất gần nhà chúng tôi gặp những người lính Ấn Độ trong Ủy ban quốc tế
giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam để trò chuyện với họ bằng tiếng
Anh, coi như một cách tập luyện nói cho tốt. Những người lính Ấn Độ cũng rất
hiếu khách, lần nào họ cũng cho chúng tôi mỗi người một gói hạt hướng dương đã
rang chín để cùng nhau vừa cắn cho thơm miệng vừa nói chuyện vui vẻ với nhau.
(Cổng trường cấp 3A nguyên là trường dòng École Puginie) |
Anh Phúc
không ham học tiếng Anh như anh Nghĩa nhưng có năng khiếu về hội họa và rất
thích nghe nhạc. Nhà anh có cái radio Philips Hà Lan lại có cái máy quay đĩa
hiện đại, một lúc kẹp 10 đĩa, chơi hết đĩa này đĩa sau tự động rơi xuống nối
tiếp luôn. Vì vậy những tối mưa phùn ẩm ướt, mấy chúng tôi đến nhà anh làm bài
xong thì nghe đĩa đến khuya mới về.
Anh
Nguyễn Trọng Cường, người Lạng Sơn xuống Hà nội trọ học, ở nhà anh Nguyễn Thanh
Lợi ngoài phó Huế cũng gần nhà tôi và nhà hai anh em Nghĩa Phúc nên cũng chóng
thân nhau. Anh Cường thích thơ văn, hay làm thơ và cũng thích nghe nhạc. Còn
anh Lợi thì củ mỉ cù mì, nhà mở hiệu cát tóc do anh là thợ chính nên
không mấy khi đến nhà ai chơi. Bạn bè ai tóc dài đều đến anh cắt cho không lấy
tiền. Thời ấy để tóc dài cớm gáy đến trường là bị nhắc nhở phê bình ngay và bị
gọi là Tarzan, một nhân vật hư cấu, một đứa trẻ hoang dã lớn lên trong rừng rậm
châu Phi với các loài khỉ lớn
Anh Lê
Xuân Doanh nhà ở phố Hai Bà Trưng xa phố nhà chúng tôi nên không mấy khi anh
đến nhưng rất hào phóng luôn mời anh em đến nhà mình đãi ăn xôi hay uống cà
phê. Bố anh mất sớm, bà mẹ ở vậy nuôi con khi mới 3 tuổi, nhà mặt đường nên mở
hàng bán điểm tâm xôi sáng và cà phê giải khát cả ngày. Xôi bà nấu rất ngon,
xôi trắng ăn với ruốc hoặc thịt nhừ. Cà phê bà pha cũng rất khéo nên hàng rất
đông khách. Chúng tôi thường đến chơi với anh Doanh vào gần trưa ngày Chủ nhật
để khỏi ảnh hưởng đến việc bán hàng của mẹ anh. Mặc dầu vậy, lần nào hẹn đến
anh cũng đem xôi ra cho chúng tôi ăn, anh bảo tớ đã xin mẹ từ sáng rồi và mẹ tớ
cũng rất vui vẻ, cứ ăn tự nhiên nhé.
Anh Trần
Mai Chí con ông Trần Mai Căn, chủ một cửa hiệu áo mưa nylon nổi danh Hà Nội ở
trên phố Hàng Đào. Ông Trần Mai Căn du học Pháp, có bằng cử nhân, về nước không
ra làm quan huyện mà chọn con đường thương mại nhằm góp phần canh tân đất nước.
Nhà ông là ngôi biệt thự 2 mặt phố ở góc Hàng Bài và Lý Thường Kiệt, nhìn sang
mé phải trường trung học Nguyễn Trãi cũ. Nhà có 1 tầng hầm bên dươi để chống ẩm
và 2 tầng để ở bên trên tầng hầm. Gọi là tầng hầm chống ẩm nhưng người có thể
đi lại bên trong dễ dàng. Anh Trần Mai Chí là con trai thứ ba trong nhà sau
người chị cả và người anh thứ hai là Trần Mai Côn. Hai anh em Chí Côn cùng học
ngang nhau nhưng mỗi người một lớp và Chí học giỏi hơn, có nhiều bạn bè hơn.
Ông Căn thuê gia sư kèm dạy các con ngoại ngữ từ nhỏ nên Trần Mai Chí đọc và
nói tiếng Pháp, tiếng Anh khá thành thạo từ khi còn học tiểu học. Trần Mai Chí
da trắng hồng, môi lúc nào cũng phơn phớt đỏ như môi con gái, tính hay bẽn lẽn
nhưng lại rất say mê Toán học. Anh đã tự mình tìm lại cho ra con số pi
3,14…(thường người ta gọi là, c, hay p) và say mê giải các bài
toán khó. Đến chơi nhà anh, bao giờ cũng được bà u già giúp việc mời nước rất
chu đáo, mùa hè nước lọc có đá lạnh, mùa đông là nước trà thơm và nóng.
Ngoài ra
tôi còn một số bạn khác, không thân nhưng rất quý mến nhau như anh Đặng Vũ Lạc,
nhà ở phố Khâm Thiên, anh Trần Xuân Hoan nhà ở phố chợ Mơ…
Không
hiểu sao, từ năm 1956 trong học sinh bỗng sôi nổi phong trào làm báo tường còn
gọi là bích báo. Từ thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo chủ nhiệm, Bí thư đoàn
trường và bí thư đoàn lớp đến toàn thể học sinh đều tham gia viết báo. Trong
phòng Hội đồng giáo viên có báo của các thầy cô, trên tường lớp nào có báo của
lớp đó.
Các thầy
cô chủ nhiệm lớp thống nhất bảo nhau quy định bắt học sinh phải 100% tham gia
viết báo tường, ai không có bài sẽ trừ điểm thi đua vào hạnh kiểm.Thời ấy, hạnh
kiểm của học sinh quan trọng ngang ngửa thậm chí là hơn cả thành tích học tập.
Khi cả lớp đều hạnh kiểm tốt và khá, ai đó bị hạnh kiểm trung bình sẽ là “con
quái vật” trong mắt bạn bè, gia đình và nhà trường. Hạnh kiểm mà trung bình thì
coi như có án bị kỷ luật. Vì vậy, mỗi dịp phát động viết báo tường, nhiều người
hăng hái viết đến 2, 3 bài liền nhưng cũng nhiều người lo sốt vó vì thực sự
không biết viết gì để nộp dù tình cảm với bạn bè, trường lớp, thầy cô luôn dạt
dào trong lòng.
Những
người hăng hái viết thì nghĩ ngợi làm thơ rồi hì hụi chép lại và trình bày hoa
lá cho đẹp, những người không biết viết báo thì mò mẫm tìm sách báo chép lại
bài trong đó, sửa chữa tí chút rồi cũng trình bày hoa lá cho xong để nộp bài
cho lớp…Tôi nói trình bày hoa lá với đúng nghĩa của hai chữ hoa lá vì hầu hết
không mấy ai biết vẽ cảnh vẽ người mà chỉ vẽ hoa lá hoặc in lại hoạ tiết hoa lá
bằng giấy than rồi tô màu lên.
Tường để
dán báo lên là một tờ giấy vẽ lớn, trên đầu rộng chừng 2, 3 chục cm kẻ tên báo.
Nếu lớp có bạn biết kẻ chữ đẹp thì giao bạn đó làm tên báo một lần dùng cả năm
học. Nếu lớp không ai làm được thì lớp phó phụ trách văn nghệ bích báo đi nhờ
có khi trả tiền thuê một họa sĩ vườn nào đó làm. Tên báo thường chọn những từ
có tính cách hô hào như Tiến Lên, Quyết Tâm, Quyết thắng, Phấn Đấu, Cờ Đỏ...Vì vậy có thể thấy trong một khối lớp có nhiều tên báo trùng nhau như Tiến
Lên của lớp 8A, Tiến Lên của lớp 8D, Tiến Lên của lớp 8G…Nhưng tờ nào tờ ấy
cũng rất tự hào ghi thêm dòng chữ :Tiếng nói lớp X”. Lớp phó chỉ còn việc dán
các bài nhận được bên dưới tên tờ báo. Vì tờ giấy vẽ thường chỉ có kích thước
80x100 (cm) mà lớp có tới 5 chục học sinh nên bài nọ phải dán mớm chồng lên bài
kia, bài nào nộp trước thì nằm dưới, bài nào nộp sau thì nằm trên, muốn đọc bài
dưới phải lật bài trên lên thì mới xem được. Sang số tiếp, chỉ việc nhẹ tay bóc
bỏ các bài cũ đi dán bài mới vào, cứ thế cho hết năm học thì cũng hết một năm
báo tường.
Tôi được
các bạn bầu phụ trách báo tường của lớp. Nhận thấy cách làm báo cổ truyền như
trên không mấy hấp dẫn, tôi hẹn gặp các bạn bè thân quen tại nhà anh Lê Xuân
Doanh có mời anh Nguyễn Hưng Nhân bên trường Kỹ thuật trung câp dự vì anh Nhân
nổi tiếng có nhiều bài báo tường rất hay hồi học lớp 7A Nguyễn Trãi.
Vào cuộc
họp, tôi nêu lên những hạn chế và sự bất tiện của tờ bích báo lớp và nói rõ ý
định làm một tờ bích báo cho ra bích báo, không chỉ để riêng trong lớp đọc với
nhau mà sẽ ra mắt trong toàn trường. Tôi nói, sẽ thuê đóng một cái liếp to có
thể chứa được 3, 4 tờ giấy vẽ. Các bài báo nhận về sẽ được biên tập, bài nào
hay thì mới đăng bài nào không hay thì không đăng nhưng có hộp thư trao đổi với
người viết động viên họ viết tốt hơn. Như vậy, mỗi số ra báo chỉ cần trên dưới
30 bài là đủ. Bài biên tập rồi sẽ được những người trong ban trình bầy chia
nhau viết lại trực tiếp trên tờ giấy vẽ, mỗi bài chiếm một vài cột nhất định
sau đó đưa họa sĩ minh họa, xong thì đem đến trường căng lên liếp và treo dưới
bóng mát của một cây xà cừ để mọi người xem.
Ý kiến
dó được các bạn hào hứng tiếp nhận, bàn bạc thêm rồi phân công cụ thể: Tôi sẽ
là trưởng ban biên tập, biết kẽ chữ to nên sẽ trình bày tên tờ báo cho thật
nổi. Hai người gọi là ấn loát cho oai sẽ nhận bài và chép lại bằng bút sắt mực
tàu những nét chữ đậm và đẹp là tôi và anh Nguyễn Văn May. Khi viết lại bài thì
để trống sao cho tốt nhất cho người viết tên bài và người minh họa. Người trình
bày tên tất cả các bài cũng là tôi và người vẽ minh họa là anh Lê Đình Phúc.
Giờ bàn
đến tên tờ báo, vẫn là tôi có ý kiến trước sẽ đặt tên cho tờ báo là Ngôi Sao.
Tôi nói, ngôi sao là một thiên thể nhìn thấy như những điểm sáng lấp lánh trên
bầu trời ban đêm. Hầu hết những vì sao đẹp đều mang đến điềm lành cho con người
khiến chúng ta cảm thấy yên bình và tràn đầy hy vọng khi nhìn thấy hay nghĩ về
những ngôi sao đó. Năm 1494, vua Lê Thánh Tông lập ra Tao đàn, tập hợp 28
vị tiến sĩ được coi như 28 vì sao sáng trên bầu trời thơ văn Đại Việt lúc
đó, vì vạy hậu thế gọi hội xướng họa thi ca mà Lê Thánh Tông đã sáng lập là Tao
Đàn nhị thập bát tú.
Mọi
người nhất trí tán thành ngay rồi chuyển sang bàn nhau về tài chính cho tờ báo
tức là tiền mua giấy vẽ, mực tàu, bút săt, bút lông và hộp màu vẽ. Tôi bảo sẽ
kêu gọi lớp đóng góp nhưng anh Lê Xuân Doanh nhanh nhảu gạt đi và nói:
- Tôi không viết được chữ đẹp cũng không biết vẽ nên tôi
xin nhận tất cả mọi chi phí cho tờ báo, hết giấy, hết mực thì các anh trong ban
biên tập cứ bảo, tôi sẽ đưa tiền mua ngay.
Hôm sinh
hoạt lớp tiết cuối ngày thứ 7 tôi trình bày ý định dó với thầy Hoàng An chủ
nhiệm lớp và các bạn. Tất cả đều đồng ý. Thầy Hoàng An bảo:
- Một ý
định hay và sáng tạo, thầy ủng hộ và mong các em làm cho tốt.
Thầy
Hoàng An đã học ở khu học xá Nam Ninh, dạy môn Văn, người nhỏ nhăn, nói
năng rất nhẹ nhàng, giảng Văn không hay lắm nhưng có chiều sâu nên được học
sinh rất quý mến.
7.
Ngay đầu
tuần sau chúng tôi đã nhận được bài viết của cả lớp. Tôi nhờ anh Nguyễn Hưng
Nhân viết hộ tôi bài Mấy dòng ra mắt của Ngôi Sao cho tờ báo coi như
một bài xã luận và nhờ anh Trần Mai Chí dịch cho một truyện ngắn của Pháp. Cả
hai anh đều vui vẻ nhận lời. Không đầy một ngày, anh Chí đưa cho tôi bản
dịch “Người phu chột” của Voltaire - Ai đã đọc tác phẩm này thì sẽ nhớ
mãi cách kể chuyện ngắn gọn mà sâu sắc của Voltaire về người phu chột mắt. Con
người này chưa bao giờ lấy làm buồn vì khiếm khuyết đôi mắt của mình, ngược lại
ông ta còn rất hạnh phúc bởi con mắt mà ông ta có là con mắt giúp ông chỉ nhìn
thấy điều tốt đẹp, ông không có con mắt để nhìn thấy những điều xấu xa, bi quan
như những người bình thường có hai con mắt khác. Tôi xem bản dịch rồi xin phép
bạn cho chỉnh trang lại một số từ ngữ cho văn chương hơn và được bạn vui vẻ
bằng lòng.
Ngôi Sao
só 1 ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 10 năm 1956 gây xôn xao khắp trường. Một tờ
bích báo khổ dài 2,4m rộng 1m (3 tờ giấy vẽ) công phu rực rỡ dưới bóng mát cây
sà cừ to lớn nhất ở giữa sân trường gồm khoảng trên 40 bài viết đủ các thể loại
truyện ngắn, thơ ca, nhạc, tranh truyện...Học sinh các lớp chen nhau để đọc
khiến tôi và các anh trong ban biên tập đứng cách xa nhìn vào mà nở từng khúc
ruột. Đến giờ Văn, thầy Hoàng An vào lớp mở đầu bằng một lời khen:
- Tờ báo của lớp ta đúng là một ngôi sao sáng. Các em hãy
viết nhiều bài hay hơn nữa và ban biên tập cũng sẽ trình bầy cho Ngôi Sao ngày
càng đẹp hơn nữa.
Được lời
khen ngợi và động viên của thầy chủ nhiệm, chúng tôi rất phấn khởi. Ngôi Sao
cũng bắt đầu nhận được bài của một số bạn các lớp khác gửi đến. Về thơ đã
thấy xuất hiện mấy bài thơ tinh yêu học trò, về văn có thêm truyện dịch từ văn
học Trung Quóc. Tất cả đều được biên tập và đăng nên số 2 phải mở rộng thêm 1
tờ giấy vẽ nữa thành khổ 3,2 x 1m.
Anh Lê
Xuân Doanh bảo:
- Tôi muốn các anh chọn lọc các bài hay nhất trong 3 số báo
in roneo thành một tập có bìa hẳn hoi coi như một tạp chí định kỳ ba tháng một
lần gọi là Tạp chí Ngôi Sao tam cá nguyệt
Tôi bảo:
- Một ý kiến tuyệt vời nhưng máy in ở đâu?
Anh
Doanh nói:
- Tôi sẽ cung câp. Chả là tôi có một ông chú họ làm nghề in
roneo đã hơn 30 năm, tay nghề cao lắm, nay nhà nước cấm in ấn tư nhân nên ông
ấy không hành nghề nữa và cũng không chịu vào hợp tác xã mà mở quán trà. Tôi sẽ
biếu ông chú ít tiền và xin ông cái máy in roneo ấy rồi nhờ ông ấy chỉ bảo và
ta in tạp chí của ta
Thế là
lại thêm công việc mới. Lại căm cụi chọn bài, chia nhau ra làm mẫu giấy sáp,
đánh máy cữ, dàn trang, vẽ hình minh hoạ…Nhưng rồi Tạp chí Ngôi Sao số 1 cũng
đã nhanh chóng ra đời với bề dày 120 trang và tổng phát hành là 60 số. Gọi là
phát hành cho oai chứ thực ra là phát không cho các bạn trong lớp trong đó có
những người làm báo chúng tôi, tổng cộng đã mất 48 số, còn lại 12 số kính biếu
thầy chủ nhiệm và một vài thầy cô khác là vừa hết. Chúng tôi bảo nhau, tuy chỉ
có 60 số nhưng lượng người đọc chắc sẽ gấp nhiều lần vì mỗi người có trong tay
tờ báo sẽ đưa cho gia đình xem và bè bạn.
Sang đầu
học kỳ 2, khi Ngôi Sao số 4 vừa ra mắt ở sân trường thì chừng 10 phút sau một
tờ bích báo khác cũng được làm theo kiểu Ngôi Sao trình diện dưới bóng cây
phượng vĩ ngay bên cạnh với cái tên là Sức Trẻ ghi rõ là Tiếng nói của Đoàn
thanh niên lao động trường. Vậy là tờ báo này do anh Nguyễn Đắc Sinh, bí thư
Đoàn trường chủ trương. Anh Sinh học lớp 9, người Huế tập kết lấy bút danh
là Bình Vọng với nghĩa là vọng nhớ về núi Ngự Bình ở Huế quê anh. Đã mấy lần,
anh Sinh gặp tôi và bảo tôi làm đơn xin sinh hoạt lớp cảm tình Đoàn nhưng tôi
từ chối nên anh tỏ ra khó chịu với tôi ra mặt.
Sức Trẻ
làm theo kiểu Ngôi Sao nhưng chữ viết bài và cách trình bày thua kém Ngôi Sao
lại mới ra số 1 nên chưa nhiều bài, chỉ vừa đủ 2 tờ giấy vẽ. Vì vậy lúc mới
trương ra, nhiều người đang đọc Ngôi Sao, do hiếu kỳ bỏ sang xem Sức Trẻ nhưng
chỉ một lúc sau họ quay ngay về đọc Ngôi Sao và ngày hôm sau thì Sức Trẻ không
còn đông bạn đọc như Ngôi Sao. Người ta bảo nhau xem Sức Trẻ chủ yếu là để đọc
bài ”Phê phán mấy bài thơ tình trên tờ Ngôi Sao” do tác giả Bình Vọng viết.
Chuyện không có gì to tát, chỉ là mấy bài thơ diễn tả tâm trạng tình yêu tuổi
học trò như bài thơ “Nhà nàng ở phố Hàm Long/ Nhà tôi ở giữa phố Trần Nhân
Tông…”, đại để là phố trên phố dưới cùng đường đi đến trường nên tôi chỉ mong
sao ngày nào đi học hay tan học cũng được thấy nàng cùng đi phía trước và muốn
con đường cứ dài mãi ra để được lẽo đẽo theo chân cô bạn cùng trường xinh đẹp
nhưng đến tên nàng là gì tôi cũng chưa được biết, cái kểu “yêu không dám nói
muôn vàn cũng không...” hay bài thơ tả chiếc áo hoa xanh của cô bạn học
trò: “Chiếc áo hoa xanh mà em mặc/ Làm chín hồn anh vạn giấc mơ”… vậy mà anh
Bình Vọng quy kết là thơ ủy mị sướt mướt, rây rớt thơ lãng mạn suy đồi thời Tự
Lực Văn đoàn nhằm ru ngủ sức trẻ trong học sinh nhà trường.
Ngay lập
tức, trong Ngôi sao số 5 tôi có bài đáp trả: “Vài lời với anh Bình Vọng”, trong
đó tôi đặt câu hỏi thế nào là ủy mị sướt mướt, thế nào là lãng mạn suy
đồi...Cuối bài tôi khẳng định, tình yêu đẹp nhất trong đời là tình yêu tuổi học
trò. Đó là thứ tình yêu ngây thơ, khờ dại nhưng lại luôn rất trong trẻo thuần
khiết, tươi mới và chẳng hề biết toan tính thiệt hơn. Vả lại học sinh cấp 3
hiện giờ cũng đều đang tuổi mười tám, đôi mươi, trái tim nếu đã biết yêu thì
cũng là lẽ thường tình. Xin đừng dùng bàn tay thô bạo bóp nghẹt nó như
bóp chết một con chim mới biết hót. Cũng trong số 5, anh Nguyễn Hưng Nhân gửi
tới bài chính luận “Sao lại bỏ môn Tiếng Anh để bắt học tiếng Hoa trong nhà
trường?” Phân tích có tình có lý tiếng Anh là thứ tiếng dễ học, đang trở nên
phổ biến toàn thế giới, những nước đông dân nhất như Ấn Độ dùng tiếng Anh hay
Canada vốn dùng tiếng Pháp là thứ tiếng được gần 10.000 người định cư Tân Pháp
quốc mang sang đây vào thế kỷ 17 nhưng nay tiếng Anh và tiếng Pháp được Hiến
pháp công nhận là ngôn ngữ chính thức của Canada có nghĩa tất cả các điều luật,
văn bản thông báo, tất cả các dịch vụ… của chính phủ liên bang đều phải được
ban hành và thể hiện bằng cả hai ngôn ngữ này. Bài viết cũng đặt câu hỏi, thử
xem trong hội nghị Giơ ne vơ, trưởng phái đoàn Việt Nam không phải là bác Phạm
Văn Đồng mà là một lãnh đạo xuất thân từ nông dân đọc chưa thông viết chưa
thạo, một nửa chữ Anh Pháp không biết sẽ ra sao? Còn về Tiếng Trung, bài viết
cũng chỉ rõ ở ta, Hán học đã chấm dứt từ đầu thế kỷ rồi.
Sức Trẻ
số 2 có luôn bài “Thích tiếng nói của đế quốc sài lang”, ký tên một bí thư chi
đoàn lớp 10. Bài báo chỉ trích Nguyễn Hưng Nhân và những người cùng ý kiến với
anh là tâm lý nô lệ chỉ thích tiếng nói của các nước đế quốc trong khi thế giới
mới đang là thời đại gió Đông thổi bạt gió Tây mà tiếng Hoa là tiếng nói của
một người anh Trung Quốc vĩ đại núi liền núi sông liền sông với người em là dân
tộc Việt Nam ta, Trung Quốc vừa là là nguời đồng chí vừa là người anh vĩ đại
của đã giúp dân ta trong kháng chiến chống Pháp và trong xây dựng hòa bình ở
miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước hôm nay. Cho học sinh học tiếng Hoa
trong nhà trường phổ thông là một nội dung sáng suốt và đúng đắn
của Bộ Giáo dục.
Cứ thế
liên tiếp các số sau của Ngôi Sao và sức Trẻ đều có những bài bút chiến về văn
thơ, về nội dung học tập về tình yêu tuổi học trò, về lý tưởng thanh niên...như
thế. Nhưng xem chừng dư luận học sinh trong trường nghiêng về phía ủng hộ Ngôi
Sao bằng chứng là trước giờ vào học tiết 1 và giờ ra chơi giữa buổi, họ xúm
đông xúm đỏ bên tờ Ngôi Sao còn bên tờ Sức Trẻ chỉ có chừng hơn chục người đọc.
Thầy
Hoàng An gặp tôi và bảo:
- Đừng để Ngôi Sao thành một nơi ngôn luận đối đầu với Đoàn
trường vì Đoàn trường là cánh tay của Chi bộ Đảng nhà trường.
Tôi trao
đổi ý đó với các anh nòng cốt của Ngôi Sao nhưng khí thế đang hăng, không ai
lưu tâm đến lời cảnh báo của thầy chủ nhiệm lớp mà gặp bài nào Sức Trẻ phê phán
Ngôi Sao là có ngay bài đáp trả liền
Tính đến
hết năm học 1956-1957, Ngôi Sao ra được 7 số và 2 tạp chí in roneo.
8.
Năm sau,
ngay ngày khai giảng năm học 1957 -1958, Ngôi Sao ra số 8 chào mừng ngày tựu
trường được đông đảo bạn đọc xúm vào đọc trước giờ khai trường và cả khi tan
học vẫn còn nhiều bạn nán lại xem. Sức Trẻ cũng ra cùng ngày, trình bày có
nhiều công phu hơn năm trước nên cũng rất đông bạn đọc.
Nhưng
chỉ hai tuần sau, tôi được gọi lên phòng ban giám hiệu gặp thầy hiệu phó bí thư
chi bộ và được thầy chỉ thị:
- Nhà
trường đã thống nhất không cho tờ báo Ngôi Sao tiếp tục lưu hành nữa. Em và các
bạn làm báo Ngôi Sao phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này, trước mắt là gỡ
tờ báo đang trương trong sân trường ra đem nộp về phòng Hội đồng giáo viên và
không được tiếp tục ra thêm một số nào nữa.
Tôi và
mấy anh tìm thầy Hoàng An hỏi han cho ra nhẽ. Thầy bảo:
- Chi bộ
mới họp đầu năm ngày hôm qua ra quyết định như vậy, thầy chưa kịp nói cho các
em biết thì thầy hiệu phó bí thư đã nói.Theo chi bộ nhận xét thì tờ Ngôi Sao
của các em có khuynh hướng học đòi Nhân Văn Giai phẩm đã bị đóng cửa, đòi tự do
sáng tác trong nhà trường nhằm chống lại sự lãnh đạo của Đảng Đoàn trong nhà
trường, cổ vũ những bài viết thiếu lành mạnh trong tuổi học trò, thầy cũng bị
chi bộ phê bình hữu khuynh dung túng cho các em làm báo mà không uốn nắn các
em. Thôi, thầy nghĩ các em nghỉ làm báo và tập trung học tập cho tốt cũng là
cái hay, năm nay là năm bản lề để năm sau thi tốt nghiệp cấp 3 rồi.
Chúng
tôi tháo gỡ số báo đầu năm học cuộn lại rồi tôi đem nộp cho thầy hiệu phó bí
thư. Sau đó, mấy ngày liền cả bọn không đứa nào để tâm vào việc học, có vài anh
đã bị điểm 2 khi thầy cô kiểm tra bài cũ. Buồn quá, tối tối mấy anh em rủ nhau
đến nhà anh Phúc nghe nhạc, toàn những đĩa của ban hợp ca Thăng Long với những
nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là
nhạc sĩ Phạm Duy, tưởng cho vơi sầu nhưng lại thấy buồn hơn. Nhiều tối mưa cuối
tháng chín nhỏ hạt, ngồi một mình tôi như đã nghe thấy tiếng buồn nhỏ từng giọt
trong mưa, tôi qua nhà anh Nguyễn Hưng Nhân rồi đến nhà anh Nguyễn Văn May cùng
nhau dạo bộ quanh hồ Thiền Quang, chỉ cùng nhau lầm lụi đi trong mưa nhỏ mà
chẳng biết nói với nhau chuyện gì. Anh Lê Xuân Doanh bảo, mẹ tôi cũng buồn khi
biết tin tờ báo của chúng ta bị đóng cửa. Bà không biết gì về văn thơ và chẳng
quan tâm gì đến báo chí mà chỉ thương bọn trẻ trong đó có tôi là con bà không
có mỗi một nguồn vui sáng tạo thì nay bị dập tắt.
Nhưng
nỗi buồn nào cũng sẽ vơi khi còn phải sống và phải học. Chúng tôi bảo nhau hãy
quẳng nỗi buồn đi và học tập tốt trở lại với hy vọng, năm sau hết lớp 10 sẽ
được tuyển vào một trường đại học đúng theo nguyện vọng.
Nhưng sự
ở đời đời đâu có con đường nào mà bao giờ cũng dẫn ta tới một nơi nào đó như ta
mong muốn mà đường đời muôn nẻo, mình hướng tới nẻo này thì lại bị dẫn đến nẻo
kia.
Gần đến
kỳ nghỉ hè năm 1958, nhà trường có lệnh lần lượt từng khối 8,9, 10 theo sắp xếp
lên hội trường trường Chu Văn An trên Hồ Tây để nghe nhà văn Nguyễn Khải nói
chuyện. Nguyễn Khải là một nhà văn quân đội trẻ bắt đầu viết văn từ những năm
1950, đang khá nổi tiếng với tiểu thuyết Xung đột mà tác giả gọi là ghi
chép, phần I đã đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội mà tôi đã đọc từng
kỳ một. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Ấy là cái làng Hỗ
công giáo toàn tòng với rất nhiều kẻ ác đã lung lạc nhiều người lương thiện,
hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin trong đó có không ít cán bộ
như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo. Tôi rất phục
cách ghi chép sắc xảo của Nguyễn Khải và văn tài của ông nhưng tôi không mấy
tin bên công giáo lại lắm người ác và xấu xa như thế vì tôi đã sống cùng nhà
với rất nhiều người công giáo như mợ tôi và gia đình ông cậu ruột của bà. Họ
đều là những người hiền hậu và tốt bụng.Tôi cũng đã học thêm hai mùa hè tại
trường Dũng Lạc do cha Nguyễn Huy Mai làm hiệu trưởng mà tôi thấy cha rất hiền
từ và hết lòng chăm sóc yêu thương học sinh.
Hôm ấy,
Nguyễn Khải mặc quần áo bộ đội, đầu đội mũ cối Tàu có lưới phủ ngoài, chân dận
giày vải quân sự lên bục hội trường trường nói chuyện về: Quét sạch nọc độc
Nhân văn giai phẩm ra khỏi nhà trường. Ông nói rất hùng hồn, kể chi tiết
những tội bọn Nhân Văn giai phẩm phản động và phân tích các biểu hiện nọc
độc của Nhân Văn trong nhà trường rồi hô hào phải kiên quyết mạnh tay quét sạch
những nọc độc đó ra khỏi nhà trường ngay.
Sau bài
nói chuyện đó, hàng loạt học sinh ở các trường trung học bị kiểm điểm và kỷ
luật. Những người lãnh đạo trong các buổi kiểm điểm đó là bộ tứ nhà
trường gồm đại diện chi bộ, ban giám hiệu, công đoàn và đoàn trường.
Nhóm
Ngôi sao có 3 người bị gọi lên là tôi, anh Nguyễn Văn May và anh Lê Đình Phúc,
những người làm nên tờ báo. Thầy hiệu phó bí thư chi bộ vừa đại diện cho Chi bộ
đảng vừa đại diện cho ban giám hiệu chủ trì cùng với cô giáo thư ký công đoàn
và bí thư chi đoàn trường là anh Nguyễn Đăc Sinh tức Bình Vọng. Họ hỏi chúng
tôi vì sao ra báo Ngôi sao, vì sao viết và đăng những bài thơ tình yêu học trò,
dịch các tác phẩm phương Tây, viết các bài chống đối đường lối giáo dục trong
nhà trường như đòi được học tiếng Anh, đả phá học tiếng Trung. Đã vậy còn ra
tập san in lại các bài chính của báo Ngôi Sao để chuyển tải rộng rãi cho nhiều
người đọc nhằm tới cả những người ngoài xã hội...Họ còn hỏi, nòng cốt Ngôi Sao
là những ai và có ai đứng sau lưng xui giục không?…Chúng tôi lần lượt đứng lên
khi bị gọi tên và trả lời các câu hỏi của ban kiểm điểm nhưng tất cả những câu
trả lời của chúng tôi đều bị kết tội quanh co chưa thành thật. Sau đó ban xét
duyệt kỷ luật cho chúng tôi về tự viết kiểm thảo nộp cho họ sau 3 ngày.
Qua
những lời đưa ra để buộc tội chúng tôi trong cuộc kiểm điểm, tôi thật không
hiểu vì sao họ biết rất chi tiết việc tôi đi bán báo Nhân Văn rồi truyền cho
bạn bè đọc những số báo Nhân Văn đã bị cấm mà tôi không chịu đem nộp cho công
an khu phố hay cho nhà trường. Họ cũng biết anh Nguyễn Văn May thích thơ lãng
mạn suy đồi thời Tự lực văn đoàn đã nhờ các bạn đọc nhớ các bài họ đã thuộc rồi
chép thành một tập ra sao, tập ấy đã đưa những ai đọc và chép lại. Còn anh Lê
Đình Phúc không viết bài chỉ vẽ minh hoạ cho báo nhưng khi nói chuyện với bè
bạn hay nhắc lại những câu thơ văn của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung
trong các bài viết của họ như Nhất định thắng, Ông Bình Vôi, Lời mẹ dặn, Con
ngựa già của chúa Trịnh.
Tội danh
chính của ba chúng tôi đã được nêu rõ như thế. Riêng tôi còn thêm tội là kẻ cầm
đầu nhóm Ngôi Sao, tự tung tự tác cho đăng nhiều bài không đúng với nội quy nhà
trường nhằm chống lại đường lối giáo dục của đảng đoàn trong nhà trường rồi chủ
trương dịch một số tác phẩm Tây Âu để lôi kéo lớp trẻ trong nhà trường xa dời
văn học dân tộc, xa dời văn học xã hội chủ nghĩa của các nước anh em Liên Xô,
Trung Quốc.
Sau khi
nộp kiểm thảo, chủ yếu vẫn là những lời đã báo cáo hôm làm việc với ban xét
duyệt kỷ luật, chúng tôi phải đợi hai tuần sau mới được gọi lại. Lần này có
thêm thầy hiệu trưởng và thầy Hoàng An chủ nhiệm lớp.
Anh Bình
Vọng thay mặt ban xét duyệt kỷ luật đọc đánh giá kết luận về những sai phạm của
chúng tôi rồi thầy hiệu phó bí thư chi bộ đọc quyết định kỷ luât: Hai anh
Nguyễn Văn May và Lê Đình Phúc sẽ phải đọc kiểm thảo trước cả lớp vào buổi sinh
hoạt cuối tuần này còn tôi thì phải đọc kiểm thảo dưới cờ trước toàn trường vào
buổi chào cờ sáng ngày thứ hai tuần sau.
Hôm ấy
là ngày thứ tư, tức còn 2 ngày nữa thì đến ngày thứ 7 có tiết sinh hoạt lớp và
4 ngày nữa thì sang thứ hai tuần sau có buổi chào cờ đầu tuần của toàn trường.
Tiết
sinh hoạt lớp cuối tuần đó do thầy Hoàng An chủ trì có anh Bình Vọng, bí thư
đoàn, đại diện bộ tứ nhà trường tới dự. Sau khi nghe hai anh Nguyễn Văn May và
Lê Đình Phúc đọc kiểm điểm, mấy bạn được thầy Hoàng An chỉ định trước giơ tay
xin phát biểu. Sau vài lời phân tích những thiếu sót của từng bạn, họ đều nói
hai anh May và Phúc đều là học sinh khá, đoàn kết chan hoà với các bạn, những
sai sót của hai anh chỉ có tính nhất thời mong thầy chủ nhiệm và nhà trường xem
xét, góp ý để sửa chữa. Sau đó thầy Hoàng An phát biểu tổng kết buổi sinh hoạt
lớp. Thầy nhắc lại lời Bác Hồ “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc
thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng
ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Từ đó
thầy động viên anh May và anh Phúc cùng cả lớp hãy thành thật đối mặt với những
khiếm khuyết của bản thân, biết sử dụng khuyết điểm của mình làm bàn đạp
cho những việc làm tốt hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Cuối
cùng anh Bình Vọng được thầy chủ nhiệm lớp mời phát biểu. Anh tỏ ra rất khôn
ngoan, chỉ nói ngắn gọn rằng đã ghi nhận cuộc sinh hoạt lớp và sẽ báo cáo với
ban xét duyệt kỷ luật của nhà trường.
9.
Tối hôm
ấy, anh May, anh Phúc và tôi cùng nhau dạo quanh hồ Gươm, trao đổi với nhau về
mức kỷ luật mà hai anh May và Phúc sẽ phải nhận sẽ như thế nào? Chúng tôi đều
đã biết những người trong nhóm Nhân Văn giai phẩm hầu hết đã bị đưa đi lao động
cải tạo, gọi là để xâm nhập thực tế, rồi cho sống lay lất, và cũng bị gạt ra
khỏi sinh họat văn học nghệ thuật. Một số người nghe nói còn phải chịu tù giam
nhiều năm. Ngôi Sao chẳng là cái muỗi gì so với Nhân Văn Giai phẩm nhưng rõ
ràng nói như Nguyễn Khải là nọc độc của Nhân văn giai phẩm và nói như ban xét
duyệt kỷ luật của trường là có khuynh hướng học đòi Nhân Văn Giai phẩm đã bị đóng
cửa, thì lý lịch học sinh cũng bị coi như là có tì vết và ảnh hưởng không nhỏ
đến việc học tập.
Tôi nói
với hai anh:
- Nhưng
tôi tin rằng hai anh sẽ chỉ bị hạ điểm hạnh kiếm xuống loại “khá” thế thôi còn
tôi thì án không nhẹ như thế đâu.
Anh May
gật đầu tán thành. Còn anh Phúc thì hỏi:
- Vậy
thì mức án cho anh sẽ là thế nào?
Tôi nói:
- Hẳn
các anh không quên nọc độc mạnh nhất của Nhân Văn Giai phẩm trong học sinh sinh
viên Hà Nội có từ năm 1956. Đó là tờ Đất Mới do anh Bùi quang Đoài trường Đại
học Văn khoa làm chủ bút. Tờ Đất Mới chỉ ra được một số thì bị bóp chết ngay vì
tội “xuyên tạc sự thật vu khống và đả kích tổ chức và lãnh đạo trường Đại học,
nói xấu tập thể nhà trường…”. Sau vụ đó Bùi Quang Đoài bị đuổi ra khỏi
trường. Tôi không bao giờ dám so mình với học vấn và tài năng của anh Bùi Quang
Đoài. Tờ Ngôi Sao của chúng ta cũng không đủ tài trí để “xuyên tạc sự thật vu
khống và đả kích tổ chức và lãnh đạo, nói xấu tập thể nhà trường”. Nhưng tội
của tôi trong nhà trường phổ thông là không nhỏ. Ngoài tội đã đi bán báo Nhân
Văn và cất dấu các số báo Nhân văn để lưu truyền trong bè bạn còn thêm nhiều
tội như ban xét duyệt kỷ luật đã nói trắng ra hôm họp kiểm điểm chúng ta: Cầm
đầu nhóm Ngôi Sao, tự tung tự tác cho đăng nhiều bài không đúng với nội quy nhà
trường nhằm chống lại đường lối giáo dục của đảng đoàn trong nhà trường rồi chủ
trương dịch một số tác phẩm Tây Âu để lôi kéo lớp trẻ trong nhà trường xa dời
văn học dân tộc, xa dời văn học xã hội chủ nghĩa của các nước anh em Liên Xô,
Trung Quốc. Thêm nữa còn chủ trương in roneo Tập san để truyền bá rộng ra ngoài
phạm vi nhà trường. Đánh rắn phải đánh rập đầu. Vì thế, tôi sẽ phải kiểm thảo
dưới cờ trước toàn trường và sau đó người của đảng đoàn, đại diện một số lớp
lên phân tích những tội trạng của tôi chẳng khác gì một cuộc đấu tố địa chủ.
Tội của tôi không thể chỉ bị hạ điểm hạnh kiểm mà sẽ ghi vào học bạ và chắc
suất sẽ bị đuổi học như anh Bùi Quang Đoài, một Bùi Quang Đoài dưới trường phổ
thông cấp 3!
Anh May
bảo:
- Tôi
cũng nghĩ sẽ như thế!
Anh Phúc
lại hỏi:
- Thế
anh có dự tính sẽ làm gì trong buổi đấu tố ấy?
Tôi đã
nghĩ kỹ trong đầu nên trả lời ngay:
- Tôi sẽ
không để có cuộc đấu tố ấy.
- Nghĩa
là sao? - Anh Phúc hỏi.
- Nghĩa
là tôi sẽ tự thôi học ngay từ hôm nay - Tôi đáp.
- Thôi
học?
Cả hai
anh bạn tôi đều cùng lúc ngạc nhiên thốt lên.Tôi chậm rãi nói:
- Đúng
thế! Giả như tôi không bị đuổi mà vẫn được tiếp tục học thì con đường vào Đại
học của tôi cũng đã bị bịt lối rồi. Không ai tuyển một học sinh phổ thông có
học bạ xấu như tôi mà nếu có tuyển thì cũng chỉ vào được mấy cái trường hạng
bét như Địa chất mỏ hay Nông lâm mà thôi.
Cả ba
cùng im lặng. Để phá tan sự im lặng đó, tôi rủ hai bạn vào một quán vỉa hè, gọi
ba cốc bột đậu xanh ăn cho ấm bụng rồi lặng lẽ bắt tay nhau ai về nhà nấy.
Hôm sau,
Chủ nhật tôi trốn các bạn bằng cách tìm một chỗ trong Thư viện Quôc gia (Hồi ấy
học sinh cấp 3 được cấp thẻ đọc tại Thư viện quốc gia) mượn cuốn Những người
khốn khổ đọc lại đoạn Fantine đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công
xưởng và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette đang phải
sống với gia đình nhà Thénardier độc ác. Nhưng đầu óc tôi rối bời bởi nhiều ý
nghĩ nên khi đứng lên ra về, tôi chẳng nhớ mình đã đọc chương nào.
(Trái sang phải: Nguyễn Văn May, Nguyễn Bàng, Lê Đình Phúc) |
Trưa hôm
sau, tôi chờ trước cửa túp lều nhà anh May, đợi anh đi học về để hỏi tình hình
buổi chào cờ sáng nay. Anh May kéo tôi vào nhà rồi nói:
- Đúng
như anh dự tính, chẳng có việc gì xảy ra cả. Chỉ có việc, thầy Hoàng An đến sớm
hơn mọi ngày, chờ ngoài cửa lớp, khi thấy tôi và mấy người cất sách vở vào ngăn
bàn, thầy hỏi anh đã đến trường chưa, có ai biết anh đang ở đâu không? Chúng
tôi đều trả lời bọn em chưa thấy anh ấy đâu cả. Gần giờ trống điểm, thầy đi vội
lên văn phòng ban giám hiệu, chắc báo cáo việc anh nghỉ học hôm nay cho họ
biết. Vì vậy buổi chào cờ đã diễn ra bình thường như mọi khi: học sinh xếp hàng
theo khối lớp dưới cờ, trực ban thi đua lên sơ kết ưu khuyết điểm của trường
trong tuần qua, biểu dương các tập thể và cá nhân tốt, phê bình các tập thể và
cá nhân còn “tồn tại”, thế thôi.
Ba ngày
sau, anh May bảo với tôi:
- Thầy
chủ nhiệm hỏi sao anh nghỉ mà không có giấy phép. Biết thầy là người không ghét
bỏ những người làm báo Ngôi Sao, tôi mạnh dạn nói cho thầy biết sự thật là anh
không nghỉ học mà là bỏ học. Thầy tỏ vẻ buồn lắc đầu nói, sao nó lại nghĩ quẫn
đến thế được!
Thế là
tôi chấm dứt việc học của mình, chấm dứt 9 năm đèn sách.
Do hoàn
cảnh, 12 tuổi tôi mới được học lớp Năm. Nếu bình thường thì sau 12 năm tôi mới
học xong Trung học, lúc ấy tôi đã 24 tuổi. May nhờ thầy giáo Đính cho bỏ nhanh
lớp Năm lên lớp Tư rồi nhờ cậu tôi chọn trường cho thi nhẩy cóc từ lớp Tư lên
lớp Nhì, tôi bớt đi dược 2 năm học. Và nếu không có ngày tiếp quản Thủ đô năm
1954 thì năm học 1958-1959, tôi sẽ học Đệ Nhất chuyên khoa để rồi cuối năm sẽ
thi Tú tài toàn phần, năm ấy tôi 22 tuổi. Nhưng thời thế thay đổi, năm học
57-58 này, tôi mới học lớp 9 bằng một học sinh ngoài kháng chiến học xong từ 1
đến lớp 9 trong 9 năm. Nhưng sự thực tôi đâu đã học xong lớp 9 vì còn gần một
tháng nữa mới nghỉ hè cơ mà.
Không
biết có phải vì an ủi tôi mà sang đầu tuần sau, anh Nguyễn Hưng Nhân tìm tôi ở
thư viện và nói anh cũng đã tự bỏ học trường kỹ thuật trung cấp. Anh bảo tôi:
- Bên
trường cấp 3 của anh họ tư giấy sang trường tôi báo cáo tôi có tham gia viết
bài cho tờ Ngôi Sao đã bị cấm, toàn những bài có tính cách chính luận đả phá
đường lối giáo dục mới. Vì thế tôi cũng bị gọi lên ban giám hiệu kiểm điểm đi
kiểm điếm lại khiến tôi thấy mệt mỏi và chán nản nên cũng tự bỏ như anh.
Tôi bắt
tay anh Nhân, hỏi:
- Anh không vì thấy tôi đơn độc mà bỏ học giữa chừng chứ?
Anh Nhân
bảo:
- Không!
Mà vì tôi thấy chán nản và bế tắc quá. Ông Mác ông ấy nói: “Báo chí nói chung
là sự thực hiện tự do của con người”. Nhưng ở ta hiện nay báo chí không có cái
tự do ấy, kể cả những báo tường báo liếp cỏn con như của chúng ta.
Đến hết
năm học thì anh May cũng gặp tôi và nói:
- Sang năm tôi cũng thôi học phổ thông, ở nhà tự học tiếng
Nga chờ đến hè sẽ thi vào trung cấp ngoại ngữ. Tôi thích ngoại ngữ. Giờ chưa có
Đại học ngoại ngữ thì học trung cấp cũng được.
Tôi hỏi:
- Tự học tiếng Nga bằng cách nào?
Anh đáp:
- Bằng sách dạy tiếng Nga qua tiếng Việt và tiếng Anh. Hiệu
sách ngoại văn bán nhiều loại sách này lắm mà mình đã có chút vốn tiếng Anh rồi
nên cũng dễ học được.
Tôi
hỏi đùa anh May:
- Anh
định bỏ học phổ thông để tôi có bạn cho đỡ buồn à?
Anh May
khẽ cười trả lời:
- Đúng,
một phần vì tôi cũng muốn chia bùi sẻ ngọt với anh, một phần vì tôi cũng chán
học phổ thông và muốn chuyển sang học ngoại ngữ rồi đi làm. Hay sang năm anh
cũng thi vào trung cấp ngoại ngữ cùng tôi?
Tôi lắc
đầu:
- Tôi không có khiếu học ngoại ngữ mà cái tiếng Nga ấy, chắc
tôi không bao giờ học nổi.
Rồi tôi
bắt tay anh và nói:
- Tôi
cũng chưa biết cái sang năm mà anh vừa nói sẽ ra sao nhưng trước mắt tạm lấy
nơi Thư viên Quốc gia này làm trường học trong những ngày sắp đến. Có việc gì,
anh tìm tôi ở đây nhé!
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
của Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu, qua tiếng hát Anh Thơ:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 10.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét