SỐNG BUÔNG THẢ VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

SỐNG BUÔNG THẢ
VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
*
Bất kỳ cái gì cũng có giá của nó, và quả thật hầu hết các "cậu ấm cô chiêu" có lối sống chơi bời trác táng, sa đoạ đều có những kết cục "bi tráng". Dẫu biết là vậy, nhưng vẫn có nhiều kẻ như thế. Phải chăng họ đang muốn sống theo kiểu "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt...?" xã hội đã lên án nhiều và chính họ cũng trở nên lạc lõng trong xã hội đời thường. Nhưng cái hậu quả lớn nhất thì vẫn chính bản thân và gia đình họ phải gánh chịu. Không biết họ có nghĩ rằng đằng sau mỗi cuộc chơi, mỗi thú tiêu khiển chẳng giống ai ấy đang ẩn chứa những kết cục chẳng  hề tốt đẹp gì, thậm chí là tàn khốc? Không biết gia đình, bố mẹ của các "cậu ấm cô chiêu" đang tỏ ra mình là bậc sành đời trong thiên hạ ấy nghĩ gì, có lo lắng gì và đang làm gì để ngăn chặn nó?
Hậu quả của vấn đề này là rất nhiều, và ở đây chúng tôi xin đề cập đến những hậu quả có tính nghiêm trọng nhất.

* Thân tàn ma dại vì những cuộc chơi trác táng:
Không biết rằng trước khi lao vào con đường ăn chơi không giới hạn ấy, các "cậu ấm cô chiêu" có nghĩ đến một ngày nào đó mình trở nên "thân tàn ma dại"? Có thể có mà cũng có thể không nhưng dù sao thì họ cũng là những người thích liều lĩnh, ham mê mạo hiểm, sống cho hôm nay không cần biết đến ngày mai. Nếu họ sợ rằng đến một ngày phải ngồi trên xe lăn thì không thể mạo hiểm mà đua xe. Nếu sợ rằng sẽ có ngày phải sống vật vờ như những "thây ma" thì sẽ chẳng lao vào cái "chết trắng". Nếu sợ một ngày phải rước bệnh vào thân thì đã chẳng dám có thói lăng nhăng, nay đi với người này, mai yêu người khác... Nhưng tất cả h ọ lúc này mới cảm thấy luyến tiếc về những ngày tốt đẹp. Giá như được sống lại  những tháng ngày của tuổi trẻ để được ước mơ và làm những điều tốt đẹp; Giá như mình được làm lại chắc hẳn mình đã không sống như vậy; Giá như... mình đã có thể được bằng bạn bằng bè, hay ít nhất là cũng có ích cho gia đình và xã hội. Còn vô vàn những điều giá như, nhưng nó chỉ còn là những ảo ảnh xa vời, không còn trong thực tế.
Hơn nữa, bản thân lúc này không những là người vô dụng mà còn là gánh nặng cho gia đình, mặt nào đó còn là gánh nặng của xã hội. Sự tàn tạ về thể xác lẫn tâm hồn đều là những vết thương cho chính mình, nhưng lại làm đau những người thân có trách nhiệm. Nỗi đau về tinh thần còn dai dẳng, nặng nề, khổ sở hơn gấp trăm ngàn lần những nỗi đau của thể xác. Bản thân mình đã trở thành "thân tàn ma dại" thì chẳng có ai dám dâng hiến cả cuộc đời để gắn bó với mình nữa. Nhưng chẳng lẽ cứ sống như vậy mãi để làm khổ cha mẹ.
Nói về vấn đề này, tôi không khỏi nghĩ đến Hoàng một chàng thanh niên học cùng trường. Cậu nổi tiếng là đẹp trai, ga lăng, con nhà giàu, có rất nhiều em thích. Tương lai đang rộng mở ở phía trước vì học hành cũng không đến nỗi nào lại có gia đình hậu thuẫn. Thế nhưng không ai học được chữ ngờ, Hoàng đã sa chân vào con đường nghiện hút và cả cờ bạc. Từ một anh chàng điển trai, sống có phong cách, Hoàng như "lột xác" thành một người khác. Ngày đêm lo xoay tiền đề ngồi bạc và mua thuốc (vì tiền của gia đình không thể đủ). Cậu trở nên gầy, đen đi đáng sợ. Sau một lần quá hăng máu bên chiếu bạc, Hoàng đã đánh nhau với con bạc khác, kết quả là hai bên đều bị những nhát dao vào chỗ hiểm. Không chết nhưng thương tật đầy mình, không thể tiếp tục học được nữa. Sau mấy tháng nằm viện, Hoàng cũng chỉ nhúc nhích người được một chút, Bác sỹ khẳng định cậu ta đã mất đi 80% khả năng lao động và sẽ còn mất rất nhiều thời gian để chữa trị. Từ ngày ấy Hoàng sống trong im lặng, dưới sự chăm sóc của bố mẹ. Cậu từ chối tất cả những cuộc thăm viếng của bạn bè và chắc hẳn giờ đây đang sống trong luyến tiếc và cô đơn.
Những con người như Hoàng chắc hẳn đang rất khao khát những buổi đầu bước chân vào cổng trường đại học. Mơ về ngày ấy biết bao nhiêu những điều tốt đẹp, nhưng nhìn lại hiện tại và tương lai sẽ không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Tương lai trên chiếc xe lăn và cái quá khứ dại dột, tội lỗi vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách. Nhưng sự thiệt thòi thì vẫn luôn thuộc về những người thiếu bản lĩnh như Hoàng.

* Gia đình tan hoang, kiệt quệ:
Không có cái gì là vô tận, tiền của dù nhiều đến mấy mà có cách tiêu pha như "ném qua cửa sổ" thì rồi cũng phải hết. Cha mẹ dù có kiếm tiền như nước thì cũng khó có thể đáp ứng được cho các "cậu ấm cô chiêu" đi rải ngoài thiên hạ.
Đã có nhiều bậc cha mẹ phải xót xa khi thấy con cái mình ăn chơi, tàn phá tiền của không tiếc tay. Biết là như vậy nhưng nhiều người lại quá nhu nhược, lo con cái không có tiền tiêu sẽ ra ngoài làm bậy nên phải cắn răng cắn lợi chịu đựng. Nhưng càng chịu đựng thì chúng càng lên nước và nghĩ rằng tiêu tiền của cha mẹ là điều hiển nhiên, chẳng có gì phải suy nghĩ.
Nếu chỉ là lối ăn chơi thông thường như thích tiêu xài mua sắm nay mốt quần này mai mốt áo kia, nay mua xe này nhưng ngày mai lại đòi đổi xe khác thì có lẽ vẫn chưa có gì đáng nói. Tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu như chúng đi vào con đường nghiện ngập, cờ bạc, đi sàn nhảy... Một khi đã dính vào các tệ nạn nghiêm trọng ấy thì hàng ngày chúng phải tiêu tốn không biết bao là tiền, nếu gia đình không kiệt quệ, khuynh gia bại sản thì cũng khó có thể đứng vững được.
Ở những phần trước chúng ta đã đề cập đến những lối ăn chơi, tiêu tiền như rác của một bộ phận giới trẻ. Chắc hẳn ai cũng phải "lè lưỡi" bởi những khoản tiền vung ra của họ. Trong một đêm ở sàn nhảy, rượu ngoại, thuốc lắc... cũng có thể ngốn hết của một người hàng chục triệu bạc. Chưa kể còn nhiều những thú chơi ngay tiếp sau đó, mà thú chơi nào cũng "nặng đô" cả. Để chuẩn bị cho mỗi buổi "chơi" các cô cậu ấy đều phải trang bị cho mình thật sành điệu đến từng chân răng kẽ tóc, từ xe xịn đến điện thoại đời mới, trang sức, quần áo model... tổng cộng xung quanh người cũng không kém hàng trăm triệu.
Hơn thế nữa, mỗi ngày qua đi lại phải thay đổi những mốt mới và cách "chơi" cũng phải đổi mới, sành điệu hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc "ném tiền" mạnh tay hơn.
Bên cạnh cách tiêu tiền ấy là nỗi đam mê "đốt tiền " trên chiếu bạc. Những con bạc hiếu chiến sẵn sàng gán cả gia sản của cha mẹ, thậm chí của cả người ngoài để hòng mong chờ vận may và thể hiện bản lĩnh của mình. Nhưng vận may thì chẳng thấy đâu, mà bản lĩnh cũng chỉ đến mức là thằng "khố rách áo ôm" mà thôi. Nhiều gia đình đã chết đứng khi chỉ qua một đêm đã không còn nhà để ở. Quá tin tưởng, hay nói đúng hơn là quá chủ quan với những đứa con cưng của mình, để chúng lừa vác cả sổ đỏ nhà đi cắm lấy tiền tiêu xài, cờ bạc.
Nhiều gia đình vốn giàu có nhưng rồi cũng đến lúc phải gán đi từ những cái chẳng có gì đáng giá chỉ vì những đứa con đã vấp sâu vào "cái chết trắng". Con cái thì không thể bỏ được, vậy thì chỉ còn cách là bỏ tiền ra để thỏa mãn những cơn khát ấy của chúng thôi.
Tội lỗi ấy chẳng biết bắt nguồn từ đâu nhưng cái giá mà các gia đình phải gánh chịu như vậy cũng đã là quá đắt.
Nhưng những gia đình vốn khó khăn mà con cái lại "phá gia chi tử" thì nỗi khổ ấy còn lớn hơn gấp bội. Cha mẹ dãi nắng dầm mưa, nai lưng kiếm từng đồng tiền bát gạo mà con cái lại học đòi cái thói ăn chơi sành điệu của con nhà giàu, rồi tiêu tiền không tiếc tay. Từng đồng tiền cha mẹ chu cấp chúng ném vào những cuộc chơi,  vào những chiếu bạc, lô đề. Có lẽ những khoản tiền cha mẹ chu cấp cho cũng chỉ như muối bỏ bể. Đến lúc,  chúng vắt kiệt mồ hôi, xương máu của cha mẹ bằng những món nợ và cha mẹ lại phải vay mượn nặng lãi để trả. Và cái vòng nghèo khó bắt đầu luẩn quẩn, đeo đuổi không biết đến bao giờ mới ngóc lên được. Cả cơ nghiệp dù chẳng có gì giờ đây cũng chỉ như một "nắm tro tàn" sau một trận hoả hoạn.
Nhưng dù gia đình có đánh mất đi cả một gia tài vật chất thì nỗi khổ ấy cũng không thấm vào đâu so với nỗi khổ tinh thần vì đã thực sự "mất" đi những đứa con.

* Bỏ mạng trong các cuộc chơi:
Hàng ngày ở đâu đó trên các phương tiện thông tin hay qua lời kể lại, chúng ta đã thấy những vụ chết người do sốc thuốc, tai nạn vì đua xe, chém giết lẫn nhau... Và những cái chết theo kiểu ấy hầu hết là lứa tuổi còn rất trẻ, đối tượng mà chúng ta đang đề cập đến.
Những cái chết ấy dường như đã được báo trước, bởi lẽ làm gì có sự an toàn cho tính mạng trong lối chơi, lối sống bất cần đời như vậy. Họ biết như thế nhưng vẫn không hề sợ mà còn lao vào như những con thiêu thân. Tưởng rằng những bài học kẻ đi trước có thể răn đe cho những người sau, nhưng không, họ đã chơi thì bất chấp mọi thứ, kể cả cái chết.
Những lúc đã khát thuốc thì còn nghĩ đến điều gì ngoài việc nhanh chóng chích thuốc vào người; Những lúc đang hứng khởi trên đường đua thì chỉ còn biết rú ga như kẻ điên loạn; những lúc khát máu mong muốn được báo thù (do ghen tuông hay nợ nần).... Tự thanh toán lẫn nhau hay tự mình đi tìm cái chết sẽ chẳng có gì là khó hiểu. Và những cái chết ấy đáng thương ở chỗ nó mang lại những lời dèm pha cho thiên hạ, chứ lại không nhận được sự đồng cảm, xót thương của người đời.

* Vướng vào vòng tù tội:
Theo thống kê thì hàng năm vẫn có hàng nghìn thanh thiếu niên phải đi vào con đường tù tội vào các trại giáo dưỡng. Tội lỗi của chúng gây ra đều bắt nguồn từ lối sống buông thả, sa đoạ, ăn chơi trác táng. Nghiện ngập, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, vũ trường, thuốc lắc, đua xe trái phép... đều là tiền đề và hệ quả của nhau và tất cả đều không được pháp luật chấp nhận.
Hàng năm, nhất là những năm gần đây đã có biết bao nhiêu động lắc, ổ tiêm chích, sòng bạc, những vụ cướp giật và đua xe trái phép... bị công an bắt quả tang và triệt phá. Trong đó phần lớn là thanh niên con nhà khá giả, giàu có và có cả con cái nhà quan chức.
Nhưng dường như pháp luật của ta còn chưa thực sự nghiêm với những tệ nạn này. Có nhiều thanh niên đã bị bắt đến năm lần bảy lượt, đến mức công an còn phải quen mặt, nhớ tên. Điều đó chứng tỏ những hình phạt với chúng còn quá nhẹ, sau một vài ngày bắt giam được gia đình mang tiền đến chuộc là lại được tha về. Và chứng nào tật ấy, các cậu ấm cô chiêu chẳng còn biết sợ là gì.
Tuy nhiên cũng có những tội danh mà pháp luật không thể nương tay. Trước vành móng ngựa của tòa án hình sự đã không ít những cô cậu mặt mũi còn non choẹt, nước mắt lưng tròng vì luyến tiếc. Không biết đó là giọt nước mắt của hối hận hay là của sự luyến tiếc một thời "hoàng kim"? Nhưng dù là giọt nước mắt của cái gì đi nữa thì lúc này cũng đã quá muộn mằn. Gia đình thì cũng đến lúc phải bất lực, vì gia đình không phải là tòa án, là luật pháp. Tất cả chỉ còn biết trông chờ vào sự ăn năn, hối cải để mong được giảm án.
Mọi hình phạt thì đều là khắc nghiệt. Với tuổi trẻ thì cảnh tù tội sẽ lấy đi những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng khốn nỗi trong lúc ăn chơi, những lúc phạm tội thì chúng đâu có nghĩ đến cái hậu quả của nó, đâu có nghĩ đến cái kết cục bi thảm của ngày hôm nay. Tội nhẹ thì tù 2 - 3 năm, 5 - 7 năm, nặng thì 15 - 20 năm, thậm chí là chung thân, cuộc đời còn gì nữa, họ như người thừa của xã hội.
Dù chẳng phải là tù tội, nhưng nhìn những khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, xinh xắn trong những trại giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm thì chẳng ai khỏi ái ngại. Đáng lẽ cái tuổi ấy còn đang học hành, đang ước mơ bao điều cho tương lai thì giờ đây lại phải chịu sự quản giáo của xã hội. Tương lai sẽ đi về đâu, xã hội sẽ nhìn nhận bản thân mình thế nào chắc hẳn lúc đó mới cảm thấy đáng sợ.

* Tương lai mờ mịt:
Mấy ai còn có được tương lai tươi sáng sau khi tù tội hay sự tàn tạ của tinh thần và thể xác khi mắc phải các tệ nạn xã hội. Vì để có được tương lai tốt đẹp người ta phải dày công phấn đấu cả một quá trình. Nếu chỉ biết đến "ngồi mát ăn bát vàng", ăn chơi sa đoạ, buông thả, coi trời bằng vung... thì rồi cũng chỉ nhận được cái tương lai mù mịt, không lối thoát. Sống nhưng phải chịu cái ánh mắt xa lánh và dè chừng của người đời. Bản thân mình bị coi chẳng khác gì những con vật "ký sinh", thừa  thãi, thậm chí là có hại cho xã hội.
Liệu còn có ai đặt lòng tin vào những cô cậu đã năm lần bẩy lượt vào trại giáo dưỡng, ra tù vào tội; nay gây ra chuyện này mai gây ra chuyện khác. Mà làm gì còn niềm tin khi mà chính bản thân họ chỉ như những cái thùng chỉ toàn chứa đựng những niềm đam mê hư hỏng và những "thành tích" bất hảo tội lỗi. Học hành thì bỏ bê trì trệ thì làm gì có kiến thức để làm nổi việc gì.
Đó là còn chưa nói đến tương lai của những cảnh đời đã "thân tàn ma dại". Sống vật vờ, dựa dẫm, đến những nhu cầu tối thiểu của bản thân mình cũng không lo được thì nói gì đến tương lai. Tất cả những gì của bản thân mình chỉ là sự thương hại của gia đình và sự bố thí của thiên hạ.

* Sống dựa dẫm, phụ thuộc:
Tương lai mịt mờ, không có lối thoát thì một tất yếu trong cuộc sống của họ là phải dựa dẫm. Bản thân đã chẳng có ý chí, nghị lực và bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đầy nguy hiểm thì làm sao có thể vươn lên lo cho bản thân mình và người khác. Hiện tại họ ngông cuồng lao vào những cuộc chơi ma quái bao nhiêu thì có lẽ trong tương lai phải đối mặt với những khó khăn thử thách, họ lại rụt rè bấy nhiêu. Sự lười nhác, chỉ muốn sống hưởng thụ đã ăn vào bên trong con người, rất khó có thể thay đổi đã khiến họ trông chờ vào người khác. Họ đã quá quen với cách sống "tầm gửi" vào cha mẹ, khai thác triệt để những gì mà cha mẹ có thì sau này cũng không thể trông đợi điều gì ở họ. Không muốn học hành, tu luyện, cũng không thiết lao động thì thử hỏi làm sao mà không là gánh nặng cho người khác.
Cho dù sau này có gia đình riêng thì với cái "sự nghiệp" rỗng tuyếch ấy vợ (chồng) con cái cũng chẳng thể hy vọng điều gì tốt đẹp. Ngược lại nó còn là tiền đề để gia đình, vợ chồng cắn xé lẫn nhau. Điều nguy hiểm hơn nữa là con cái còn có nguy cơ đi vào "vết xe đổ" của cha (mẹ) mình, vì ngay trong gia đình đang tồn tại một tấm gương như vậy. Nếu trong gia đình không có người trụ cột vững chắc chèo lái "con thuyền" gia đình thì vô tình lại thêm những thế hệ kế tiếp hư hỏng.
Có những gia đình, bố mẹ quá bất lực về cậu con quý tử của mình nên đã dùng phương án là lấy vợ sớm cho con, mong rằng sau đó chúng sẽ thay đổi lối sống của mình. Cho dù cậu con trai mình còn đang ăn bám, nhưng biết đâu người vợ có thể tác động tốt đến cách suy nghĩ để cậu chú tâm vào công việc, gia đình. Nhưng cái máu ăn chơi, bệnh lười nhác đã quá nặng nề không thể thay đổi được nữa, thế rồi chứng nào vẫn tật ấy. Vô hình chung, bản thân người vợ của các cậu ấm ấy lại là người phải mang trên mình gánh nặng gia đình. Những người vợ trẻ ấy đã chẳng khác gì người "bảo mẫu" cho chồng con mình. Kết cục là nhiều gia đình trẻ đã tan vỡ vì mâu thuẫn vợ chồng đã đến mức không thể chịu nổi. Nếu không tan vỡ thì cuộc sống vợ chồng cũng vô cùng buồn tẻ, nặng nề vì bạo lực gia đình, nợ nần chồng chất.

LỜI KẾT:
Tuổi trẻ là lúc phấn đấu cho sự nghiệp, xây dựng hạnh phúc gia đình, vậy mà, với những “cậu ấm cô chiêu” đua đò với lối sống buông thả thì sự nghiệp chẳng thấy đâu mà gia đình thì tan vỡ, thậm chí bản than còn vướng vào vòng lao lý, tù tội... cuộc đời không biết sẽ đi về đâu. Chẳng lẽ cứ sống dựa dẫm vào bố mẹ, anh chị em hay sao? Điều đó là không thể, vì bố mẹ cũng đến lúc già phải chết, anh chị em ai cũng có phận riêng của mình. Chỉ có mình lo được cho bản thân mình mà thôi. Hoặc nếu có sống dựa dẫm vào vợ (chồng) cả đời thì cũng là một điều đáng bị xỉ nhục. Sẽ đến một ngày ngồi suy nghĩ và cảm thấy xấu hổ, lương tâm danh dự không khỏi bất an. Mà đến lúc đó thì bản thân mình đã lãnh đủ sự coi thường, khinh bỉ của người đời. Cuộc đời như thế, hỏi có đáng không?!

 
Mời thư giãn với nhạc phẩm KIẾP ĐỎ ĐEN
của Duy Mạnh, qua tiếng hát Duy Mạnh:
            
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.      
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn




.

..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 27.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét