CHUYỆN
LÝ TƯ
-
NGƯỜI BÊN XỨ TÀU
I.
CON CHUỘT VÀ CÂY ROI TRÊN XÀ NHÀ
Lý
Tư là người đất Thượng Sái thuộc nước Sở. Ông sinh ra vào thời Chiến quốc. Thời
trẻ, Tư làm viên lại nhỏ ở quận, là viên tiểu lại lo việc văn thư của xã. Người
ta kể lại rằng, ở nơi làm việc, một ngày nọ Lý Tư gặp trong nhà xí có con chuột
toàn ăn đồ ăn bẩn và cứt đái, rất sợ gặp người và chó mèo; rồi một hôm khác, Lý
Tư vào kho thóc cũng thấy một con chuột khác đang ăn thóc, con chuột ở nhà kho
thì cóc sợ gì cả … Lý Tư bèn than: "Người ta hiền tài hay kém cỏi chẳng
qua cũng như con chuột kia, đều là nhờ ở hoàn cảnh đấy thôi". Câu này nghe
qua thì đơn giản nhưng kỳ thật đấy là một phạm trù triết học cực kỳ phức tạp:
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, nói cách khác, anh trở thành
người như thế nào thì là do hoàn cảnh xung quanh tác động (ít nhất là Lý Tư
nghĩ thế, đương nhiên bên cạnh hoàn cảnh xã hội thì 1 phần nữa cũng là ở ý thức
con người). Thế là từ đó Lý Tư thay đổi, tìm mọi cách để tiến thân, mẹ Lý Tư
thấy con trai thay đổi, sợ hắn đi vào con đường tà đạo bèn dạy dỗ rất nghiêm
khắc, trên xà nhà luôn dắt sẵn roi mây để trừng trị ông nhõi, Lý Tư từ đấy mới
tem tém lại…
Sau
đó, Lý Tư đến Tam Lăng (ngày nay là thị trấn Tam Lăng, huyện Thương Sơn, tỉnh
Sơn Đông, Trung Quốc) theo học Tuân Tử. Tuân Tử là một thầy giáo Nho học, trong
sử sách còn gọi ông là Tuân Khanh, hoặc Tôn Khanh, Tuân Huống. Trái với Mạnh Tử
quan niệm rằng “Nhân chi sơ tính bổn thiện” thì Tuân Tử lại quan niệm rằng
“Nhân chi sơ tính bản ác” và chủ trương dùng Lễ để sửa chúng sinh, ủng hộ sử
dụng giáo huấn, hình phạt. Cùng học với Lý Tư còn có một người nữa mà sau này
cũng sẽ trở thành một nhà tư tưởng lỗi lạc là Hàn Phi Tử, sau này hai người bạn
sẽ còn tương ngộ nhưng đó là chuyện về sau. Đến khi thành tài, Tư nhận thấy
mình có theo vua Sở cũng không làm nên sự nghiệp gì, mà sáu nước đều yếu không
có nước nào có thể giúp để lập công danh, chỉ có Tần cường thịnh nhất, nên Tư
sang Tần. Năm 247 TCN, khi đến nước Tần, gặp lúc Tần Trang Tương vương chết, Lý
Tư bèn xin vào làm môn hạ của Văn Tín Hầu Lã Bất Vi, khi đó đang làm thừa tướng
nước Tần. Bất Vi cho Tư là người hiền tài bèn dùng làm quan "Lang".
Lý Tư nhờ vậy có cơ hội thể hiện tài năng, Tần vương Chính cho Tư làm trưởng
sử, rồi khách khanh. Trong số 3000 người "khách" của Lã Bất Vi, Lý Tư
nhanh chóng trở thành người nổi trội nhất.
II.
GIÁN TRỤC KHÁCH THƯ - BỨC HẠI HÀN PHI TỬ
Nhưng
lúc Lý Tư đang thuận buồm xuôi gió trên con đường làm quan thì nước Tần có
biến: Chính là sự kiện "trục khách" nổi tiếng. Ai cũng biết, thời
Chiến Quốc nước Hàn là yếu nhất, Hàn bị tần o ép nhiều lần, bèn chơi đòn độc:
Năm 246 TCN, nước Hàn cử một kỹ sư thủy lợi tên là Trịnh Quốc, mượn tiếng đến
Tần để tu sửa kênh mương, kì thực là mượn cớ để làm tiêu hao tài lực, vật lực
của nước Tần, từ đó đạt được mục đích là làm cho nước Tần suy yếu. Sự kiện đó
rất nhanh chóng bị người Tần phát giác. Thế là quý tộc, đại thần của nước Tần
tấp nập can gián Tần Vương, nói rằng:
-
Những người đến từ nước khác đều không có ý tốt với nước Tần, đại vương tuyệt
đối không nên tin vào những lời của họ, càng không thể trọng dụng họ, chi bằng
đuổi toàn bộ, nếu không hậu hoạn vô cùng.
Tần
Vương Doanh Chính cũng cảm thấy có lí, liền tiếp nhận kiến nghị của các thành
viên quý tộc và đại thần, lập tức ra một đạo lệnh đuổi khách. Bất luận quan
viên lớn nhỏ, phàm không phải là người Tần đều buộc phải rời khỏi nước Tần. Lý
Tư khi đó mới đến Tần, còn ở dưới trướng lã Bất Vi, nhưng ngay đến họ Lã lúc đó
cũng đang điêu đứng vì lão là người nước Vệ. Lý Tư bèn vì mình, vì chủ, viết
một bản trần tình gửi cho Lã Bất Vi mang vào triều, Tần Vương Doanh Chính đọc
xong, ngộ ra rằng khách cũng có khách this khách that, chủ yếu là cái lòng của
chủ đối đãi thế nào bèn hạ lệnh thu hồi chiếu Trục Khách.
Mười
năm sau, nước Tần lại trải qua một cơn biến động khác: Thái hậu tư thông với
hoạn quan Lao Ái mưu đồ soán vị. Dù âm mưu này đã bị phát giác và bè lũ Lao Ái
đã bị trừng trị. Nhưng trong số những kẻ dự mưu với Lao Ái, có nhiều kẻ là
khách của Lã Bất Vi, cũng có kẻ do Lã Bất Vi đề bạt mà thành danh nay lại quay
qua làm phản. Trong cơn hoang mang cực độ, Tần Vương Chính lại một lần nữa hạ
chiếu Trục Khách. Lần này tác động của chiếu Trục Khách quy mô và nguy ngập hơn
năm xưa rất nhiều, chính Lý Tư cũng bị quân lính xông vào nhà, bắt thu dọn hành
lý rời khỏi nước Tần vào sáng hôm sau. Lý Tư dùng hết sở học bình sinh, viết
một quyển trúc, đề tựa bên ngoài là Gián Trục Khách Thư rồi nhờ người quen biết
khẩn cấp mang cho Tần Vương đọc. Sáng hôm sau, Doanh Chính mở quyển ra đọc
rằng:
“Trước
đây, Tần Mục Công dùng Bách Lí Hề, Kiển Thúc mà làm nên bá chủ; Tần Hiếu Công
trọng dụng Thương Ưởng, thực hành biến pháp mà nước Tần mạnh lên; Huệ Văn Vương
nhậm dụng Trương Nghi mà bẻ gãy liên minh 6 nước. Chiêu Tương Vương có Phạm Thư
mà uy vọng của triều đình được nâng cao. Bốn vị quân vương đó đều dựa vào công
nghiệp của khách khanh kiến lập. Hiện đại vương chấp chính, lại gạt bỏ nhân
nhân chí sĩ ngoại lai, điều đó không tốt cho sự khẳng định giang sơn của triều
Tần. Hơn nữa, nếu bảo vật cùng mỹ nhân Đại vương đều không phân biệt
xuất thân mà thu vào nội cung, vì sao chỉ riêng đối với nhân tài lại
nói đến phân chia trong ngoài? Nhận vật sáu nước, lại trục tài sáu
nước, như thế há chẳng phải là trọng vật khinh người sao? Đại vương
trục khách thực tế là đã giúp cho sáu nước, lệnh trục khách làm
cho nhân tài kiệt xuất sáu nước tuyệt không dám lại đến Tần quốc
dốc sức, ‘nội tự hư nhi ngoại thụ oán vu chư hầu’ (trong nước tự suy
vong mà ngoài lại gây oán ở các nước chư hầu), làm cho Tần quốc dần
dần suy yếu, lại giúp cho đối thủ cường đại lên. Không phải người
Tần quốc thì không dùng, đây không phải là con đường đúng đắn để
thống nhất thiên hạ. Mặc dù không phải người Tần, nhưng những người
nguyện trung thành tận lực với Tần quốc thì vô cùng đông đảo, mong
đại vương thu hồi mệnh lệnh đã ban ra”.
Tần
Vương Doanh Chính lập tức hiểu ra vấn đề, hạ lệnh cho người đuổi theo, giữ Lý
Tư lại, sau đó lệnh Trục Khách được thu hồi, từ đó về sau hơn 20 năm, Lý Tư trở
thành nhân vật chính trọng yếu trên vũ đài chính trị nước Tần. Về nghệ thuật mà
nói, bài văn này có thể đại diện cho các tác phẩm ưu tú của văn chương đời Tần,
cũng là một mốc son đổi đời của Lý Tư vậy.
Thời
gian biến đổi, khi Lý Tư nắm dược quyền thế trong tay, lại có thay đổi về nhân
cách, luôn chạy theo tư lợi. Nói cách khác là khi đã có quyền thế trong tay,
cái mặt xấu xa của Lý Tư bắt đầu hiện ra. Câu chuyện giữa Lý Tư và người bạn
học cũ Hàn Phi là một ví dụ. Hàn Phi vốn xuất thân trong gia đình hoàng tộc
nước Hàn, là bạn học chung thầy Tuân Tử với Lý Tư. Hàn Phi có tật nói ngọng nên
đối đáp không trôi chảy, bù lại, Hàn Phi viết lách cực giỏi. Ngay Lý Tư vốn tự
phụ vẫn phải thừa nhận Hàn Phi trên mình một bậc về văn tài. Hàn Phi cũng như
Lý Tư, chịu ảnh hưởng của thầy Tuân Tử nên đi theo thuyết Pháp gia, chủ trương
dùng hình pháp để cai trị xã hội. Khâc một cái là Hàn Phi đã đi đến tận cùng,
đã thấu hiểu triệt để Pháp gia và phát triển nó thành một hệ tư tưởng của riêng
ông. Nếu ví Lý Tư như một chính trị gia thì Hàn Phi khi đó đã đạt đến tầm một
nhà tư tưởng. Hàn Phi đã xây dựng một mô hình nhà nước phong kiến lấy pháp luật
làm chủ đạo và dùng hệ thống pháp luật đó để củng cố nhà nước phong kiến chuyên
chế. Các anh chị cần biết rằng, phải tới tận thế kỷ 15 thì Nicolo Machiavelli
mới cho ra đời tác phẩm Il Principe - Quân Vương để bàn về đạo trị quốc và xây
dựng các nhà nước phong kiến chuyên chế. Cuốn Quân Vương được các nhà tư tưởng
phương tây đánh giá rất cao, dù nó mang đầy tính thực dụng và ... tàn nhẫn theo
một nghĩa nào đó. Nhưng khi các nhà tư tưởng phương đông đọc Quân Vương thì họ
chỉ cần đọc 1/3 thôi, vì trước đó 1700 năm, Hàn Phi tử đã viết ra rồi và còn
viết hay, viết hấp dẫn hơn Machiavelli nhiều ...
Đại
loại là Hàn Phi giỏi và nổi tiếng như thế đấy. Rồi có người mang sách của Hàn
Phi đến cho Tần Doanh Chính xem. Xem xong, Doanh Chính lập tức cho người sang
nước Hàn mời Hàn Phi đến tiếp kiến. Vua nước Hàn tuy tiểu nhược, ko đủ sức tổ
chức đất nước theo mô hình của Hàn Phi nhưng cũng sợ nước Tần được Hàn Phi thì
như hổ thêm cánh, không cho Phi đi. Nước Tần mang quân đến hỏi tội, Hàn Vương
sợ vội cho Hàn Phi làm sứ giả sang Tần cầu hòa. Hàn Phi đi sứ qua Tần với mục
đích cứu Hàn. Ông viết bài Tồn Hàn cho vua Tần, cố hết sức thuyết phục vua Tần
về tầm quan trọng của nước Hàn đối với Tần, mong Tần đừng đánh Hàn. Lý Tư và
Diêu Giả ganh ghét Hàn Phi, gièm Hàn Phi, nói với Tần vương Chính:
-
Hàn Phi là công tử nước Hàn. Nay nhà vua muốn thôn tính tất cả nước chư hầu,
nhưng Phi thì rốt cuộc chỉ lo cho Hàn chứ không lo cho Tần, thường tình con
người ta vẫn thế. Nay nhà vua không dùng, giữ lại đây lâu rồi cho về, thế là
gây cho mình một mối lo. Không bằng lấy cớ làm trái pháp luật mà giết đi.
Vua
Tần cho là phải, giao cho quan lại trị tội Hàn Phi. Lý Tư sai người đưa thuốc
độc để cho Hàn Phi tự sát. Hàn Phi muốn bày tỏ trước mặt nhà vua, nhưng không
được nhà vua tiếp. Sau đó nhà vua đọc lại bài văn của Hàn Phi thì có ý hối
tiếc, mới sai người đến ngục thả ra thì Hàn Phi đã chết rồi. Cũng có thuyết cho
là trong lúc bị giam, Hàn Phi bèn viết bài Sơ kiến Tần dâng vua, mong dùng cái
tài văn chương để thoát khỏi cửa tử. Tần vương Chính đọc xong thấy rất khâm
phục, liền ra lệnh thả Hàn Phi. Nhưng quá muộn, Phi đã bị Lý Tư ép uống thuốc
độc chết mất rồi. Qua chuyện này có thể thấy phần nào dã tâm Lý Tư: Tuy là bạn
học cũ nhưng thấy rằng Hàn Phi có nguy cơ trở thành đối thủ cạnh tranh trên
quan trường sau này với mình, Lý Tư không ngần ngại ra tay hãm hại. Người ta
nói rằng, khi nghe tin Hàn Phi chết về tay Lý Tư, mẹ Tư ở quê nhà vội thu dọn
đồ đạc, nổi lửa đốt nhà rồi dắt con cháu còn lại lên núi ẩn cư. Ý rằng biết
chắc sau này thế nào Tư cũng gây họa nên cắt đứt quan hệ để không vạ lây đến người
nhà.
III.
THỪA TƯỚNG NƯỚC TẦN - ĐỐT SÁCH CHÔN NHO VÀ SOÁN NGÔI ĐOẠT VỊ
Sau
khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, Lý Tư trước tiên nhậm chức Đình uý, sau lên
đến chức Thừa tướng. Lý Tư tích cực giúp Tần Thuỷ Hoàng trị vì đế quốc phong
kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông đề xuất không ít kiến
nghị, đều được Tần Thuỷ Hoàng tiếp nhận. Lý Tư chủ trương phế bỏ chế độ phân
phong, đem thiên hạ chia thành 36 quận để tăng cường trung ương tập quyền,
ngoài ra còn hạ lệnh thu tập binh khí trong thiên hạ, đưa về Hàm Dương đúc
thành 12 tượng kim nhân, còn thống nhất hóa tệ, phép đo lường; thống nhất văn
tự và quy cách xe cộ lớn nhỏ trong cả nước v.v... Để kiến lập và củng cố vương
triều thống nhất, Lý Tư đã có những cống hiến không thể phủ nhận.
Tương
truyền rằng sau khi thống nhất lục quốc, Tần Vương Doanh Chính thấy mình còn vĩ
đại hơn các vị vua cũ của nhà Chu nên không bằng lòng với tước Vương nữa. Ông
giao cho quần thần nghĩ ra một danh hiệu mới cho phù hợp với sự nghiệp hiển
hách mà ông vừa hoàn thành. Sau mấy hôm, đại diện cho các đại thần, Lý Tư tấu
lên rằng:
-
Thời thượng cổ, các vua có danh hiệu Hoàng hoặc Đế (Tam Hoàng Ngũ Đế). Đến nhà
Hạ và đầu nhà Thương, vua khi còn sống thì gọi là Hậu, sau khi mất thì gọi là
Đế. Đến cuối đời nhà Thương và từ đời nhà Chu, tước vị để chỉ vua là Vương, kể
cả khi còn sống và khi đã qua đời. Nay, để phân rõ tôn ti trên dưới với các vua
cai trị các tiểu quốc cũ đã bị tiêu diệt, và tỏ rõ bá quyền chính danh với dân
các nước đã bị tiêu diệt, xin ghép chữ Hoàng là danh xưng của 3 vị vua thời Tam
Hoàng và chữ Đế là danh xưng của 5 vị vua thời Ngũ Đế thành tước vị Hoàng đế.
Bệ hạ là vị vua đầu tiên, nên sẽ xưng là Thủy Hoàng Đế (tức hoàng đế đầu tiên),
các đời sau sẽ xưng là Nhị Thế, Tam Thế ... lưu truyền đến mãi muôn đời.
Từ
đó các vị vua phong kiến ở Trung Quốc đều dùng danh vị này, và tước Vương trở
thành bậc thứ hai. Và điều này kéo dài suốt 2300 năm, đến tận năm 1911 mới chấm
dứt.
Năm
213 TCN, Lý Tư kiến nghị rằng sở dĩ thiên hạ đại loạn, lòng người ly tán là do
các nước thời Chiến Quốc mỗi phé một nơi, mạnh nước nào nước ấy phát triển hệ
thống văn hóa, tư tưởng, học thuật riêng của mình. Nay thiên hạ đã gom về một
mối, Lý Tư kiến nghị Tần Thủy Hoàng nên thống nhất lại tư tưởng, văn hóa trong
nước. Ngoại trừ bảo lưu các sách y dược, bốc phệ (bói toán), trồng trọt cùng
sách lịch sử, pháp luật nước Tần, các sách của 6 nước còn lại đều bị mang ra
đốt sạch. Người ta cho rằng các bộ sách quí của Nho Giáo như Thi kinh, Thượng
thư đều bị đốt trong giai đoạn này. Đồng thời nhà Tần nghiêm cấm mở trường tư,
nếu người có nhu cầu học tập chỉ được học pháp luật và phải nhờ quan lại dạy
cho. Ai vi phạm sẽ bị khắc chữ lên mặt, hoặc bị tù, hoặc bị giết tịch thu gia
sản. Đó là vụ “phần thư” hay còn gọi là tích Đốt sách chôn nho nổi tiếng trong
lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nhà sử gia cho rằng đây là chi tiết do Tư Mã
Thiên dìm hàng nhà Tần, rất nhiều sách cổ như Trúc Thư kỷ niên nước Ngụy hay
kinh Xuân Thu của Khổng Tử vẫn còn đến ngày nay, nếu thật sự nhà Tần muốn gom
đốt thì ko thể còn đầy đủ như vậy, đốt sách là có nhưng có lẽ chỉ là những sách
tư tưởng, thường thức không phù hợp với đường lối của nhà Tần mà thôi.
Lý
Tư quyền uy đã lên tới tột đỉnh, có thể nói là dưới một người mà trên muôn
người. Năm đó, Lý Tư tổ chức tiệc mừng thọ ở phủ đệ. Khắp thành Hàm Dương, văn
võ bá quan, quý tộc đều đến dự mừng. Lý Tư cùng con trai đi chào quan khách cả
buổi sáng chưa hết, lúc đứng trên lầu cao nhìn xuống quan khách đông đảo, Tư
buột miệng nói:
-
Phàm mọi sự trên đời đều có lên có xuống, ta vốn chỉ là kẻ áo vải đầu đen ở
nước Sở. Đến được nước Tần như cá gặp nước như rồng gặp mây, hơn ba chục năm
trời thỏa chí tung hoành. Ngày nay nhà ta phú quý tột độ thế này sợ rằng đã đến
lúc tận. Vật cực tất phản, đó là cái đạo trời xưa nay, chẳng biết có vận vào ta
không?
Đồn
như lời, tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng bệnh và mất trên đường đi tuần
phương nam. Trước đó, thái tử - con trưởng của Tần Thủy Hoàng là Công tử Phù Tô
vì lên án các chính sách hà khắc của cha nên bị Tần Thủy Hoàng biếm ra phía
bắc, cùng với Mông Điềm trông coi việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Khi Tần
Thủy Hoàng biết không qua khỏi, bèn viết di thư, cộp dấu vào, nội dung là:
"Con về Hàm Dương với đám tang, và chôn ta ở đấy". Ý tứ là xóa tội và
để công tử Phù Tô lên nối ngôi.
Nhưng
thư chưa kịp gởi đi thì Thủy Hoàng đã mất, cả di thư, ấn tín đều ở chỗ Tổng
quản Thái Giám đầu tiên trong lịch sử: Triệu Cao. Triệu Cao năm xưa vốn gây
tội, bị Mông Điềm tra ra, xử tội chết nhưng Tần Thủy Hoàng niệm tình Cao từ nhỏ
đi theo hầu hạ mình nên chỉ bỏ ngục ít lâu rồi tha bổng cho phục lại chức cũ.
Bấy giờ Cao sợ rằng Phù Tô lên ngôi thì sẽ trọng dụng Mông Điềm, mình sẽ khốn
đốn. Bèn nói riêng với con thứ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi rằng: Hoàng đế mất, chỉ
gọi Phù Tô về Hàm Dương rồi lập tức lập làm tân hoàng đế, ông bấy giờ không có
một tấc đất thì nói xem nen thế nào? - rồi Triệu Cao bàn với Hồ Hợi việc sửa di
chiếu. Hợi lúc đầu sợ không dám làm nhưng Triệu Cao hứa sẽ thuyết phục Lý Tư
nên Hợi đồng ý. Triệu Cao lại bàn với Lý Tư, Lý Tư cũng sợ Phù Tô sẽ dùng Mông
Điềm mà bỏ mình bèn đồng ý chuyện sửa di chiếu. Chiếu giả ban ra, buộc Phù Tô
tự sát, đưa thiếu tử Hồ Hợi lên kế vị, tức Tần Nhị Thế. Sau khi Tần Nhị Thế
chấp chính, lại nghe lời Triệu Cao hơn là Lý Tư, sai đem 12 vương tử của Tần Thủy
Hoàng ra chém giữa chợ Hàm Dương, xé xác 10 công chúa ở cửa Đỗ Huyền, làm nhiều
điều bạo ngược ... Nhị Thế nghe theo lời Cao, không ngồi ở triều đình tiếp kiến
đại thần mà ở trong cung cấm. Triệu Cao chầu chực cạnh Nhị Thế, nhân đó chiếm
được hết quyền hành trong triều.
Lý
Tư thấy vậy, muốn can ngăn, Triệu Cao bèn bảo Lý Tư hãy đợi lúc vua rảnh hãy
tâu. Đến một hôm thấy Nhị Thế đang vui chơi với con gái, Cao bèn khuyên Tư tâu.
Tư vào xin yết kiến ba lần làm Nhị Thế nổi giận. Nhân đó Triệu Cao gièm pha Lý
Tư muốn tự lập làm vương, con ông ta là Thái thú Tam Xuyên Lý Do có tư thông
với tướng khởi nghĩa Trần Thắng. Nhị Thế sợ, từ đó không cho Lý Tư vào yết kiến
nữa, Lý Tư bèn dâng thư hạch tội Triệu Cao với Nhị Thế. Nhị Thế vốn tin Triệu
Cao, đem việc này nói lại với ông. Triệu Cao bảo:
-Thừa
tướng chỉ lo ngại một mình Cao mà thôi. Sau khi Cao đã chết, thừa tướng sẽ làm
ngay việc Điền Hằng (soán ngôi nước Tề) đã làm đấy.
Nhị
Thế bèn giao Lý Tư cho Triệu Cao xét xử. Triệu Cao cho đánh Lý Tư hơn 100
trượng để dằn mặt. Nhưng có lẽ lúc này Lý Tư đã bị lợi danh che mờ lý trí, bao
nhiêu chữ nghĩa ngày xưa chạy đi đâu mất hết. Lý Tư uất ức, lại dùng bổn cũ
soạn lại, dâng thư bày tỏ với Nhị Thế. Nhưng thời thế nay đã khác xưa, Hồ Hợi
không phải là Doanh Chính, thư của Lý Tư trước khi đến Nhị Thế phải qua Triệu
Cao và Triệu Cao lập tức vứt đi, sau đó bức ép Lý Tư nhận tội làm phản, rồi lấy
cớ đó giết chết ông ta vào tháng 7 năm 209 TCN. Lý Tư bị chém ngang lưng tại
kinh đô Hàm Dương nước Tần, đồng thời bị tri di cửu tộc.
Tài
năng của Lý Tư có nhiều mặt, không những về chính trị mà về văn học nghệ thuật
ông cũng có tài hoa nhất định. Lỗ Tấn đã từng khen rằng "Văn chương đời
Tần chỉ có mỗi mình Lý Tư". Về tính cách, Lý Tư có một chút tự phụ, đó là
do người ta dựa vào "Tấm đá khắc chữ trên đài lang Nha" đời Tần có
nét bút viết của ông: Sau khi ta chết khoảng 530 năm có người nào thay được ta.
Quả đúng là kết hợp giữa văn tài và trị tài, khó có người sau này vượt qua Lý
Tư, nhưng Lý Tư thiếu một thứ mà kẻ sĩ phải có, đó là tiết hạnh. Lý Tư một đời
kinh bang tế thế, học thức trùm trời nhưng cuối đời lại chết về tay Triệu Cao
thất học ấy là vì ông đã tự trượt dài, tự đánh mất mình. Lựa chọn theo Triệu
Cao tức là Lý Tư đã từ bỏ con đường quang minh chính đại đi vào con đường minh
tranh ám đấu, rất tiếc trong con đường đó thì những kẻ như Triệu Cao lại là bậc
thầy.
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn:
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜcủa
Đặng Xuân Xuyến:
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
*.
ĐOÀN
MẠNH THẾ (sưu tầm và giới thiệu)
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 039.627.97.29
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email
ngày 11.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét